Văn Hải ngoại sau 1975 (kỳ 158): Nhược Thủy – Dòng sông sa mạc

– Ba nói không được. Con ở đây, không đi mô hết.

– Nhưng mà ba! Ba đâu có quyền chọn cuộc sống của con. Con về tin cho ba biết rứa thôi. Ba không cho con cũng đi.

– Răng lại không có quyền? Máu chị xương chị là của ai? Ai nuôi cho ăn học mà không có quyền! Ở đây! Không đi mô hết!

Hai bàn tay chị Vĩnh vặn vẹo nắm siết vào nhau. Câu nói ba vừa dứt, chị đỏ mặt đưa cả hai nắm tay giáng mạnh xuống mặt bàn, rồi quay lưng bước ra khỏi phòng khách. Cánh cửa đóng rầm. Tiếng ba gầm lên giận dữ.

– Vĩnh!

Chị Vĩnh khựng lại trước tiếng gầm điên cuồng của ba. Rồi cúi đầu lầm lũi bước về phòng. Tôi co rúm người sợ hãi. Tưởng trong giây phút ba sẽ mở toang cửa, rượt theo, và hậu quả thật không thể lường được. Tôi đứng trân trối ở hành lang, không biết thu người vào đâu. Biết nên mở cửa bước vào với ba, hay theo chị Vĩnh về phòng? Trước đến giờ chị Vĩnh với ba vẫn thường ít khi nào thông cảm đồng ý với nhau điều gì, nhưng chưa bao giờ tôi thấy chị Vĩnh dám khiêu khích ba nổi nóng đến mức độ này. Một tiếng vỡ toang trong phòng khách làm tôi giật nẩy mình. Không còn kịp suy tính thiệt hơn, tôi mở vội cánh cửa. Ánh nắng buổi chiều chói lòa từ khung cửa sổ đối diện làm tôi lóa mắt trong giây lát. Và tôi thấy ba, nhăn nhúm ôm đầu bên thành tủ. Chiếc bình hoa quý của mẹ vỡ tan từng mảnh trên nền nhà.

***

Tôi ôm chiếc gối ngồi dựa thành giường, nhìn chị Vĩnh thoăn thoắt bên nửa phần giang sơn của chị, loay hoay thu xếp dọn dẹp. Càng thu xếp dọn dẹp căn phòng càng có vẻ như thêm bừa bộn, bê bối. Đồ đạc trăm thứ chị mang ra từ góc tủ, đáy giường, vất lung tung trên nền nhà. Tôi vẫn thường rất ngán cho tính bừa bãi của bà chị yêu dấu, căn phòng tôi đã phân chia giang sơn rõ ràng, và thường vẫn cho nửa phía bên kia là cái thùng rác vĩ đại của phòng mình. Nhưng chị Vĩnh thì hình như vẫn thường rất hài lòng và thoải mái trong cái thùng rác vĩ đại đó.

– Em thấy Vĩnh không nên đi. Dù sao ba cũng lớn tuổi rồi, Vĩnh làm ba buồn.

Chị Vĩnh im lặng. Như thể không nghe tôi nói gì. Chị thản nhiên mở tủ, rút hết quần áo thảy lên giường và bắt đầu cho vào túi xách. Cây đèn bên bàn học soi sáng từ sau lưng, nét mặt chị Vĩnh phẳng lì trong nửa vùng ánh sáng, tôi chợt rùng mình thấy sợ.

– Rứa Vĩnh có nói với ba là Vĩnh ở mô chưa?

– Có chịu nghe chi mô mà nói.

– Vĩnh dữ quá! Ba lo cho Vĩnh chứ bộ.

– Không cần.

Tôi thở dài.

– Rồi Vĩnh lấy tiền mô ra mà sống?

Vĩnh khựng lại nửa chừng, chiếc áo đang xếp treo lơ lửng trên cao. Tôi ngước mắt nhìn Vĩnh, chờ đợi rất lâu mới thấy Vĩnh giũ chiếc áo, tiếp tục công việc bỏ dở.

– Chị xin được việc rồi, Tâm khỏi lo.

Tôi há miệng la hoảng:

– Cái chi! Vĩnh bỏ học à?

Vĩnh gật đầu. Tôi nói như rên.

– Trời ơi năm nay thi tú tài, răng không đợi cho xong luôn đi đã.

Có chút gì không ổn trong cách tính toán, suy luận của chị Vĩnh. Tôi chồm lên nóng nảy

– Với Albert, phải không?

Cái gật đầu của chị Vĩnh làm tôi nổi giận. Tôi lẳng lặng chui vô mền và quay mặt vào vách. Đêm hôm đó tôi không nói gì thêm với chị Vĩnh. Tôi ráng nằm nhắm mắt, nhưng không tài nào ngủ được liền. Ngọn đèn nửa căn phòng bên phía giang sơn của chị Vĩnh còn sáng thêm rất lâu, không biết mãi đến mấy giờ. Sau khi nghe chị kéo khóa hai túi xách, tôi còn nghe tiếng chị bước qua lại xếp dọn lục đục, sẽ sàng như sợ tôi mất giấc ngủ. Sau đó hình như chị còn ngồi lại rất lâu trước bàn học, tiếng giấy viết sột soạt êm đềm như những đêm chị thức học khuya. Tôi ngờ rằng chị viết để lại cho tôi mấy hàng. Ý nghĩ đó làm tôi yên tâm và rơi nhanh vào giấc ngủ.

Buổi sáng thức dậy, tôi ngỡ ngàng với phân nửa căn phòng gọn ghẽ sạch trơn. Không có những cái áo thay ra vứt bừa bãi trên giường, không có những trang giấy nháp vò viên rơi vãi quanh thùng rác, không có sách vở đầy mặt bàn, không có những cuốn tập, cuốn sách rớt dưới chân ghế. Giường xếp phẳng phiu. Mặt đất trống trải. Tủ khép gọn gàng. Cái sạch sẽ chết duyên, cái sạch sẽ… cà chớn!

Tôi nhổm người nhảy ra khỏi giường, bước tới bàn học của chị Vĩnh. Chợt thất vọng vô cùng khi mặt bàn trống trơn không một chữ nào để lại cho tôi cả. Tôi nuôi hy vọng cuối cùng, quay đầu nhìn về phía bàn học của mình. Cũng vẫn không có gì. Hy vọng tắt ngúm thật sự khi tôi thấy những mẩu giấy vất dưới đáy thùng rác cạnh bàn. Xé vụn, quá vụn, để có thể gom lại tìm được chút ý nghĩa trong chữ viết.

Tôi rời phòng và bước ra phòng khách. Hơi hụt hẫng đôi chút trước một ngày chủ nhật vừa mới bắt đầu. Tôi biết tôi sẽ không cần tranh giành buồng tắm, không cần tranh giành bếp nước, không cần tranh giành cây đàn. Và tự nhiên tôi bỗng không còn muốn làm gì nữa cả. Tôi thu người ngồi trong chiếc ghế bành ở phòng khách, nhìn qua khung cửa rộng. Bỗng trong phút chốc mà ý thức được khoảng trống trần trụi quanh mình.

***

Trong vòng hai tháng đầu, chị Vĩnh thỉnh thoảng có gọi điện thoại về nhà thăm hỏi tin tức. Tôi không dám cho ba hay, sợ ba nổi giận. Một sớm một chiều mà tôi thấy ba già đi. Như là tuổi già đã chực sẵn, chỉ chờ dịp là đổ về, đè nặng. Giữa ba và chị Vĩnh, tôi chưa bao giờ muốn nghiêng về phía người nào, để trách móc người nào. Mẹ mất những năm tôi còn quá nhỏ, tất cả những xoay chuyển biến đổi trong ba, trong chị Vĩnh, không hề có tôi dự phần. Ba vì ý thức quá rõ vai trò trách nhiệm của mình, mang quá nặng cái tình của mẹ để lại, muốn dạy dỗ con cái cho tận tường, nên vô tình đã trở thành một người cha quá ư là khắt khe. Ba khắt khe nhiều điều vô lý. Ba đòi hỏi nhiều điều vô lý. Ba ép buộc nhiều điều vô lý. Ba quay cuồng trong ưu tư muốn con gái mang đầy đủ trọn vẹn nét hiền dịu, nết na. Đâm ra sợ hãi mọi sự, vì tưởng mọi sự đều có thể biến con mình thành hư hỏng.

Chị Vĩnh, nhiều hơn tôi, phải lớn lên trong những bức tường cấm đoán trùng điệp của ba. Mẹ mất năm Vĩnh bảy tuổi, và hình như là bắt đầu từ đó, chị đã phải luôn luôn cứng rắn đương đầu với ba. Đương đầu. Đi từ quyền chọn lựa một loại áo, một kiểu tóc, hay một màu giấy dán tường, đi tới quyền được thích một món ăn, một điệu nhạc. Đi đến tuổi mới lớn với cái quyền được đi chơi với bạn bè, được quyền quen những người bạn trai. Bao nhiêu bức tường khắt khe cấm đoán ba dựng lên, Vĩnh vội vàng đạp xuống, để tôi có thể bước qua an lành. Tôi biết là nhờ chị mà tôi không bao giờ phải thẳng mặt phản đối ba điều gì. Chị luôn âm thầm bảo bọc tôi, luôn đương đầu cay cực với những nguyên tắc dư thừa và bất công, nhường lại cho tôi cái quyền được yên ổn ngọt ngào làm đứa con gái cưng quý của ba.

Và có lẽ chị thương và lo lắng cho tôi nhiều hơn là người khác có thể ngờ. Chị hiểu rõ hơn tôi cái thiếu thốn của đứa con mất mẹ, nên luôn cố gắng đắp đổi, đền bù cho tôi.

Có thể là ba đã quá khắt khe không hẳn chỉ vì thiếu mẹ, mà còn một phần vì tính nết của Vĩnh. Ba sợ Vĩnh. Ba luôn luôn sợ Vĩnh. Tính khí của Vĩnh làm ông sợ. con người Vĩnh làm ông sợ, ông không bao giờ hiểu được Vĩnh và ông thấy cần thiết phải siết chặt vòng kiểm soát. Nhưng vòng kiểm soát càng siết chặt, phản ứng của Vĩnh càng dữ dội, và ông lại càng thêm đau khổ. Đôi khi tôi có cảm tưởng như tình thương dù đậm, hai người cũng đã vô tình đẩy nhau đi quá xa trong những bất bình, tự ái, để có thể trở về bày tỏ tình thương cho nhau.

Và tôi đã phải lớn lên trong cái thế giằng co đó. Nhưng tôi không hề thấy mất thăng bằng. Chị Vĩnh luôn gần gũi, luôn cố gắng mở rộng vòng tay bao che. Đối với tôi, chị không chỉ là một người chị, mà còn là người bạn, người mẹ. Ba không thể ngờ được chuyện đó. Vì ba không bao giờ hiểu được Vĩnh. Ba luôn khó khăn muốn giữ nề nếp một người con gái Việt Nam cổ điển, và chắc chắn là Vĩnh không được chút gì có thể làm ba hài lòng. Tính khí chị quá khác người. Chuyện chị hay đi sớm về khuya, chuyện chị phóng túng kết bạn hằng hà, chuyện chị la cà trong quán cà phê, dường như có cả hút thuốc, uống rượu, không phải là điều dễ chịu đựng cho một người cha như ba. Nhưng với tôi thì khác. Tôi luôn tin tưởng là chị biết rất rõ giới hạn phải dừng lại. Ba luôn sợ chị mang ảnh hưởng xấu đến cho tôi, nhưng ba không biết chị Vĩnh là người duy nhất hiểu tôi, biết cách nâng đỡ, bảo bọc tôi. Ba không biết là tôi vô cùng hãnh diện có được một người chị như chị Vĩnh. Mẹ mất từ khi hai đứa còn rất nhỏ, chị lớn hơn tôi không bao nhiêu, nhưng tôi biết chị luôn cố gắng đi trước, để trở về dẫn tôi qua, chỉ cho tôi chọn những lối đường yên ổn hơn. Tôi không tìm đến ba mà luôn tìm chị mỗi khi có chuyện gì khó xử. Và chị luôn chăm chú lắng nghe, lắng nghe bất cứ một vấn đề nào, dù nhỏ nhoi dị hợm đến đâu chăng nữa. Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng có chuyện gì của tôi mà chị chưa từng trải qua, đã kiếm ra cách giải quyết.

Nhưng mặc dù chưa bao giờ tôi dám phê phán bất cứ một chuyện nhỏ nào về Vĩnh, tôi cũng khó lòng đồng ý được cho hành động vừa qua của chị. Cứ mỗi ngày nhìn ba ngồi yên trong lòng ghế nơi phòng khách, nhìn dáng ba bần thần không buồn đụng đũa trên bàn cơm, nhìn vai ba trĩu xuống, khuôn mặt luôn ẩn nét buồn phiền, tôi bắt buộc phải nghĩ rằng, lý ra, chị Vĩnh không bao giờ nên hành động như vậy.

Hai tháng trôi qua trong không khí nặng nhọc của cái buồn ẩn hiện. Rồi một buổi sáng thứ bảy còn trong giấc ngủ, tôi mơ màng nghe tiếng đàn bên tai. Thoáng xốn xang một điều vô lý nào đó làm tôi giật mình choàng tỉnh. Tiếng dương cầm. Tiếng đàn thật sự chứ không đến từ trí tưởng tượng hay trong mơ. Một bản valse. Đoạn nhẹ nhàng khoan thai mà chậm buồn, đoạn hồn nhiên vui tươi mười ngón tay phải chạy như lướt êm trên phím. Tôi nhớ chị Vĩnh có lần nói với tôi đoạn nhanh là bàn chân của đứa con chạy quanh quẩn gót mẹ, đoạn chậm là đôi mắt buồn của người mẹ, trôi lạc trong những ưu tư của tâm hồn và niềm hạnh phúc trìu mến trước nét hồn nhiên của đứa con thơ. Từ đó mỗi lần nghe bản nhạc này, tôi vẫn thường lơ đễnh mơ hồ trong cái nhớ bâng quơ. Hình ảnh điềm đạm buồn tênh của một người mẹ hiện lên như có thật. Tôi biết chị Vĩnh thích bản nhạc này, cũng như trong nỗi nhớ vô vọng, người ta hay tìm ảo giác để lấp kín tâm hồn. Một ảo giác sống thật, đôi khi cũng mang về được đôi chút an ủi cho cái thiếu thốn quá thâm sâu. Và tiếng đàn chị Vĩnh dường như vẫn thiên về những nguồn ảo giác. Mỗi bản nhạc là một thế giới, một hình ảnh, một màu sắc riêng tư. Có phải vì vậy mà dù kỹ thuật thuần thục điêu luyện hơn chị Vĩnh, ngón đàn của tôi – hình như – vẫn thua kém chị rất xa.

Một luồng điện chạy trong thân thể khi tôi vừa đủ tỉnh táo để ý thức một sự thật. Tôi tung mền ngồi dậy, và chạy ra phòng khách. Tôi ráng nín thở đứng dựa cánh cửa, và im lặng nhìn chị Vĩnh. Chị Vĩnh. Mái tóc cắt ngắn một kiểu rất lạ, tôi ngạc nhiên ngắm nhìn ba cái đuôi rùa có duyên trên ót cao. Đoạn nhanh, đoạn chậm, bản valse của chị vẫn nhịp nhàng và tôi tuột người ngồi xuống, dựa lưng thành cửa. Tôi không biết tôi đang thưởng thức tiếng đàn của chị, hay đang muốn bản đàn chấm dứt nhanh nhanh. Tôi thèm nhìn chị quay lại.

Và chị đã quay lại. Trợn mắt nhìn tôi.

– Mần chi mà ngồi như con ếch rứa. Có chi cho ta ăn không?

Tôi lồm cồm ngồi dậy, hỉnh mũi cười toe toét.

– “Ta” muốn ăn thì “ta” vào bếp! Con ếch không thèm mần cho “ta” ăn.

Chị Vĩnh nén chút bật cười giòn cho điệu bộ ó đâm của tôi, tôi vội vàng xua tay.

– Ba ngủ!

Tôi không biết tôi đã có lầm khi nhắc đến ba hay không, khuôn mặt Vĩnh thay đổi hẳn. Chị quay người lại, lót khăn đóng nắp đàn. Rồi im lặng đứng lên đi vào bếp. Tôi nhìn theo chị.

– Vĩnh vô thưa ba chưa?

Vĩnh nhún vai. Cái nhún vai mà ba rất ghét.

– Mi nói ba ngủ mà!

Chị Vĩnh mở tủ lạnh, và chăm chú ngắm những ngăn tủ gọn gàng, chất đầy đồ ăn.

– Răng đi chợ sớm rứa? Ta tính về dẫn mi đi.

– Hồi ni ba chở em đi chợ chiều thứ bảy.

– Mi ăn trứng không, ta làm.

Tôi lấy xoong, và giành mấy cái trứng trên tay chị Vĩnh.

– Đưa em làm cho. Trưa ở lại ăn cơm nhe. Lâu quá mới thấy Vĩnh…

Chị Vĩnh ngẩng đầu. Dường như chị nhìn vu vơ về phía phòng ba.

– Thôi, tới chơi chút xí thôi, ta về liền.

Tôi ngước nhìn chị, kéo dài giọng thảm thương.

– Vĩnh!

Tôi không biết tôi có hay nhõng nhẽo với chị Vĩnh không. Hình như tôi không bao giờ có dịp nhõng nhẽo với ai hết. Tôi cũng không muốn nhõng nhẽo bây giờ. Nhưng quả thật là tôi nhớ chị Vĩnh, tôi mong chị Vĩnh ở lại, tôi cần chị Vĩnh ở lại.

Vĩnh dường như cũng cảm thấy điều đó. Chị đành gật đầu.

– Thôi được rồi. Ở tới hai giờ chiều thôi đó nghe chưa, sau đó chị phải về.

Cái gật đầu của chị Vĩnh làm tôi cảm động thật sự. Tôi biết chị chìu tôi, và biết chị phải cố gắng kinh khủng để có thể chìu tôi, vì chắc chắn là chị không muốn đối mặt ba. Tôi hơi ái ngại khi tưởng tượng đến bữa cơm trưa ba cha con cùng ngồi nhìn mặt nhau, không khí chắc sẽ căng thẳng ngột ngạt vô cùng. Nhưng thôi kệ, tôi quá mong chị ở lại với tôi.

Buổi trưa hôm đó chị dành nấu ăn. Tôi đứng nhìn, cười liên miên cho cách nấu nướng kỳ cục của bà chị yêu dấu. Múc đầu này dây đầu nọ, lăng xăng và bày bừa kinh khiếp. Chỉ có cái hay là chị không hề ngượng nghịu, cứ hùng hổ tự tin một cách đáng phục. Thứ tự tin giúp những món ăn của chị làm ra mang một màu sắc, mùi vị lạ, không dở nhưng chắc chắn là… không ngon. Hồi Vĩnh còn ở nhà, chính cái mùi vị lạ này làm tôi sợ, chẳng bao giờ dám để chị làm bếp. Hơn nữa chị bày quá sức, khi làm xong tôi dọn còn mệt hơn mình tôi tự tay làm hết. Vậy mà hôm nay tôi lại vô cùng vui vẻ khi nhìn chị nấu ăn, nhìn bồn rửa chén mỗi lúc một thêm đầy tràn. Chị vất vào đó đến bây giờ đã là bốn đôi đũa bếp. Cộng với vô số chén dĩa và nồi niêu dư thừa. Dù sao với đôi mắt quan sát tinh vi của người quen việc nấu nướng, tôi thấy chị Vĩnh tiến bộ hơn trước rất nhiều. Xắt đồ ăn đã không còn văng tùm lum dưới đất và chịu khó vất đồ dơ vào bồn rửa chứ không để rải rác cùng khắp như xưa.

Nhưng tôi có cảm tưởng như chị không hoàn toàn thoải mái. Và tôi cũng vậy. Có chút lo lắng hồi hộp nào đó khó lòng giải thích. Ba đến giờ vẫn chưa bước ra khỏi phòng ngủ. Cánh cửa đóng im lìm một cách đáng sợ. Đến lúc vất chiếc đũa bếp cuối cùng vào bồn rửa chén, chị Vĩnh thở ra và bắt đầu đếm chén đũa dọn bàn ăn. Tôi biết ý, lẳng lặng rời bếp bước vào phòng ba.

– Thưa ba ra thời cơm.

Ba ngồi trên chiếc ghế quay về hướng cửa sổ. Tôi không biết ông ngồi trong tư thế đó đã bao nhiêu lâu. Ngồi như ngồi trên những đống gạch vụn, như trên những đổ vỡ mênh mông. Tiếng thưa của tôi trôi lạc trong phòng không gây nổi chút âm vang nào. Tôi khép cửa bước đến gần ba, quàng tay ôm qua cổ.

– Ba ra thời cơm, đi ba!

Ba ho khan, hắng giọng.

– Ba không đói. Bữa nay chắc ba không ăn.

Tôi ngoẹo cổ hôn lên má ba, thủ thỉ.

– Hay con đem cơm vô trong ni, chừng mô ba đói ba ăn, nghe ba.

Ba gật đầu. Cái gật đầu lơ đễnh chừng như vô nghĩa. Mắt ba kéo những tia đỏ, khuôn mặt như co thắt xé toạc trong những nỗi đau dật dờ nào đó. Tôi không dám nhìn lâu.

Tôi hôn ba thêm lần nữa, rồi nhẹ nhàng bước ra khỏi phòng.

Chị Vĩnh có vẻ nhẹ nhõm thoải mái hẳn ra khi biết ba sẽ không rời phòng. Chị tự tay sắp dọn mâm cơm cho ba. Tôi có cảm tưởng như chị cố gắng bày biện cho sạch sẽ mát mắt. Trong cử chỉ chị đã có chút nhẹ nhàng, gần như là một niềm vui, nhưng có lẽ không hẳn là một niềm vui. Khi mâm cơm đã xong xuôi, chị cười phất bàn tay, và tôi trịnh trọng bưng mâm vào phòng.

***

Từ đó mỗi chủ nhật chị Vĩnh mỗi về. Tôi nằm trong giường, ngủ vùi yên lành chờ lúc tiếng đàn của chị dịu dàng đánh thức. Buổi sáng thức dậy trong tiếng đàn giăng kín, tôi lang bang thả lỏng tư tưởng trôi giạt thật lâu. Trong những nguồn nhớ, nguồn thương, trong dòng tình cảm dạt dào. Tiếng đàn của chị Vĩnh mỗi lúc mỗi thua sút tôi thêm vì chị chỉ còn tập dượt vài lần mỗi sáng chủ nhật, nhưng đối với riêng tôi, tôi thấy tiếng đàn chị mỗi lúc một lớn, mỗi lúc mỗi bao la. Tiếng đàn gắn liền với mộng mị của tôi về đêm, nối dài hiện tại tôi buổi sáng, nối dài thêm trong những nỗi vui cơn buồn. Tiếng đàn chị không bao giờ chỉ là âm thanh. Đôi khi giọt thầm như những sợi nắng mông lung. Đôi lúc giọt trong như nước thánh thót rơi trên mặt hồ tĩnh lặng. Nhịp tim ngắn, nhịp tim dài, nhịp thở cuồng loạn hay mong manh. Tiếng đàn chị Vĩnh thay đổi không ngừng, và tôi nằm mỗi sáng, chiêm ngưỡng chị tôi qua tiếng đàn. Thường mười ngón tay chị tôi tìm kiếm vô vọng những nguồn ảo giác, để riêng xây một thế giới, một thế giới đủ lớn rộng, chở che cho vùng nội tâm chập chùng những bí ẩn riêng tư.

Ba không rời phòng nữa. Mâm cơm cho ba ngày chủ nhật đã trở thành một thói quen. Mỗi tối thứ bảy ba thu xếp đầy đủ mọi thứ cần thiết cho một ngày chủ nhật làm việc trong phòng, và trưa chủ nhật ba yên tĩnh chờ tôi đem mâm cơm vào, với những món ăn mùi vị lạ của chị Vĩnh nấu. Tôi thường ngồi lại với ba dăm phút, nhưng ba luôn nhẹ nhàng đẩy tôi ra ngoài. Hai cha con có cả tuần để sống với nhau, trong khi chị Vĩnh chỉ về ngày chủ nhật mà thôi. Tôi quấn quýt quanh chị. Chị bắt tôi dạy nấu ăn, bắt tôi dạy tiếp chị những bản đàn, luyện trở lại những bàn tay đôi. Thuở đầu tôi hơi ngạc nhiên thấy chị không bao giờ chịu nghe lời tôi rủ đi dạo loanh quanh đây đó, cũng không bao giờ chịu theo tôi vào phòng, chị giữ tôi lại, quanh quẩn cười giỡn trong bếp, trong phòng khách mà không bao giờ đi đâu xa hơn. Sau rồi tôi hiểu. Chỉ giản dị vì cánh cửa phòng ba không bao giờ khép kín, và chị Vĩnh không bao giờ rời xa phạm vi phòng bếp, phòng khách. Tôi thấy lòng yên ổn, quẩn quanh theo gót chị Vĩnh trong suốt những ngày chủ nhật yên bình.

Nhà chị Vĩnh cách nhà tôi hơn nửa tiếng xe điện, nhưng cách trường chỉ mươi phút đi bộ, những hôm có giờ trống, tôi vẫn thường ghé qua nhà chị, nghe nhạc, làm bài, hay…lục bếp. Thường không khi nào tôi gặp chị, vì buổi trưa chị đi làm. Nhưng thỉnh thoảng vẫn gặp Albert. Anh chàng người cao ráo, ốm nhom và xanh mướt. Không biết chị Vĩnh kiếm đâu ra được chàng Tây lai Thụy Điển này, với mái tóc vàng tơ mịn, hai con mắt xanh biêng biếc. Những lần đầu gặp mặt, tôi bất mãn vô cùng. Tôi không ngờ là mình nhiều thành kiến đến như vậy, nhưng thật sự là tôi khó lòng chấp nhận được chuyện chị Vĩnh ở chung với một anh chàng mắt xanh mũi lõ. Chị Vĩnh dù không đẹp xuất sắc, nhưng cũng sáng láng hào quang. Trong đám những người bạn trai của chị, mười anh hết chín mê chị tha thiết. Tôi không biết hết về những người bạn của chị, không biết nhiều về thế giới chị đang sống, nhưng tôi biết có nhiều anh rất đặng. Không bao giờ tôi lại tưởng tượng được là chị lại đem lòng thương một tên tóc vàng, đến độ chấp nhận bỏ cả giang sơn của mình để dọn đến đây, trong thế giới này, không phải của chị.

Có lẽ tôi không bao giờ thôi âm thầm hờn giận Vĩnh, nếu như một hôm trời đẹp, chị không nổi hứng làm cho tôi một chiếc chìa khóa mở cửa nhà chị. Từ đó tôi đến nhà chị thường xuyên. Tôi vào bất cứ giờ nào tôi muốn, tôi bước vào thế giới này đây, tôi lục lọi, tôi ở lại, tôi ra về, chị không cần có mặt để bảo vệ, canh chừng cái gì cả. Chị cho tôi hết. Và đó là món quà vĩ đại mà chị đã cố ý tặng tôi. Chị biết tôi không muốn bị gạt ra khỏi cuộc sống của chị, chị biết tôi cần chị, cần cảm thấy chị còn thuộc về tôi, tôi thuộc về chị.

Và chị biết một ngày chủ nhật không đủ cho cái máu tham lam của tôi, nên chị mở cửa cho tôi vào nhà chị. Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng chị Vĩnh có thể cáng đáng được chuyện nhà cửa, vậy mà căn phòng nhỏ xíu của chị xinh xắn dễ thương vô cùng. Có những buổi trưa bước vào, tôi thấy Albert loay hoay trong bếp, hay ngồi an lành đọc sách, tôi tự hỏi không biết anh chàng này có ý thức được cái sự may mắn vĩ đại của đời mình hay không. Albert lớn hơn chị tôi bốn tuổi, nghĩa là lớn hơn tôi những tám. Sau mấy lần đầu gặp gỡ ác cảm đằng đằng, dần dà nét cởi mở thân thiện của anh làm tôi dịu đi, và tôi bắt đầu chịu chấp nhận anh. Chấp nhận như chấp nhận một điều…không thể không chấp nhận, rồi chấp nhận như chấp nhận một điều có thể chấp nhận được. Và cuối cùng là chấp nhận với đôi chút cảm tình, nhưng tôi ngừng lại ở đó. Phần là vì tôi gặp anh không nhiều. Phần vì trong những lần nói chuyện, dù cởi mở thân mật đến đâu, tôi vẫn thấy như có một khe hở nào đó, khiến tôi vẫn không thật sự biết nhiều về con người anh.

Chỉ có điều cũng nhờ chiếc chìa khóa của chị Vĩnh trao cho, mà tôi không còn thấy xa cách với đời sống của chị, không còn khổ sở trước sự chọn lựa của chị như lúc đầu. Tôi dần dà hiểu, dần dà thấy rõ hơn. Nhất là từ khi tôi khám phá ra anh Albert cũng có máu mê cờ tướng như tôi, tôi không còn đặt nhiều vấn đề thắc mắc cho mái tóc vàng và đôi mắt xanh của anh nữa. Anh Albert đủ sức đi những nước cờ làm tôi điêu đứng, đó là điều mà không phải bất cứ ai cũng có thể làm được.

***

Tôi thấy tôi bay trên một cánh đồng màu đen. Những nhánh cỏ đen vươn lên, những bông hoa dại chờn vờn trong gió, cũng tuyền một màu đen, những màu đen rập rờn, giữa nền không gian trắng tươi óng ánh sáng lòa. Tôi bay cánh gãy gập, trong triền gió, vùn vụt, chập choạng, điếc mù và tôi bay. Không gian đẩy tôi tới, bay như trôi dập trong những luồng khí nóng, khí lạnh, những luồng khí nặng, khí nhẹ, loạng choạng chới với. Cánh đồng từ đen chuyển dần sang đỏ, từ đỏ sang xanh, xanh sang vàng, rồi tôi trôi tuột vào một khoảng không nhạt nhòa màu sắc, xác bướm tuột khỏi người trôi về phía sau và tôi chúi đầu tới trước, để thật sự rớt lại trên giường. Tôi tỉnh dậy trong tiếng đàn dồn dập bão tố của chị Vĩnh.

Tiếng đàn rõ ràng bên tai. Không còn nặng, còn nhẹ. Không là vui, là buồn. Tiếng đàn cuồng loạn rối rắm như mười ngón tay đuối ngạt, vô vọng tìm lối trồi lên từ những hố đen sâu thẳm. Tiếng đàn như xé rách âm thanh nghệ thuật, đập vỡ mọi giới hạn của thể xác, tiếng đàn sổng vó điếc xé những cơn đau. Tôi giật mình trống tim đập mạnh khi bất chợt tiếng đàn ầm vỡ rối tắt nghẽn. Không còn dấu tích. Hình ảnh chị Vĩnh hiện lên rõ rệt và tôi vội vã tung mền chạy ra phòng khách.

Nhưng tôi khựng ngay trước cửa khi vừa thấy bóng chị Vĩnh. Chị đứng bên cửa sổ, quay mặt ra ngoài, khoa đầu châm một điếu thuốc. Nghe tiếng chân tôi chị quay lại, tiếng nói nhẹ nhàng không một thoáng giao động nhỏ nhoi.

– Tâm hả? Răng dậy sớm rứa?

Chị mỉm cười và tôi tiến tới, bước hẳn vào vùng bóng tối của căn phòng. Trời mùa đông buổi sớm như đêm đen, ánh đèn phía dưới còn thấp, hắt lên những làn ánh sáng câm mờ. Nét mặt chị Vĩnh dịu dàng trong nửa vùng ánh sáng phai nhạt. Tôi dằn ngực. Con tim còn đập mạnh hồi hộp.

– Có chi không? Vĩnh đàn nghe dễ sợ!

Chị Vĩnh trợn mắt ngạc nhiên.

– Chi mà dễ sợ? Chị mới tới, đã đàn mô nờ?

Nhìn sang cây đàn còn im lìm chưa mở nắp, tôi giật mình. Tiếng đàn chập chờn tan vào vùng ảo giác. Tôi không còn biết được chị đã dối tôi hay tôi đã nằm mơ mà tưởng thật. Tôi dụi mắt bước đến, mở nắp đàn. Ngồi xuống và vuốt nhẹ những phím. Nỗi băn khoăn còn theo đuổi. Tôi lén nhìn chị và thấy chị đang nhắm mắt nhả một ngụm khói. Khuôn mặt phẳng lặng. Tôi biết mình sẽ không bao giờ tìm được từ đó câu trả lời.

***

Điều ngạc nhiên là câu trả lời không đến từ chị, mà từ sự vắng mặt của chị. Tuần sau, khi tôi tỉnh dậy thì ánh sáng đã lan vào phòng. Nghe buồn hiu đến thiếu thốn tràn đầy. Tự an ủi mình là chị đã đàn và tôi đã ngủ quá say không nghe thấy. Biết là vô lý mà rồi tôi cũng vẫn hụt hẫng khi thấy phòng khách vắng tênh, tất cả trống trơn im lặng. Nhìn lên đồng hồ thấy đã mười giờ rưỡi. Thường thì giờ này tôi và chị đang dợt đàn hoặc cười nói um nhà…

Chợt giật mình sực nhớ một chuyện, tôi toát mồ hôi vội vã đến ngồi vào ghế đàn, co duỗi mười ngón tay xoay chuyển tư tưởng rất nhanh trên những bản đàn chị Vĩnh thường thích. Tôi hít một hơi dài kềm lại lòng nóng nảy, rồi hạ nhanh bàn tay vãi âm thanh vào không gian. Cánh cửa ba vẫn kiên nhẫn mở hé. Cánh cửa vẫn mở, vẫn kiên nhẫn hé mở. Tôi run tay nín thở, ráng đi trọn vẹn những bản đàn.

Nhưng chưa kịp vào khúc thứ hai thì cánh-cửa-hé đã mở lớn, ba lê dép bước ra ngoài. Tôi khựng tay đàn, ngoảnh lại nhìn ba. Bóng ông sừng sửng trước cửa phòng. Im lặng vài giây, rồi ba lẳng lặng bước trở vào. Cánh cửa khép đóng thật sự.

Trưa hôm đó tôi dọn cơm cho ba ở phòng khách.

***

Đến tuần lễ thứ hai thì ba không còn giữ được vẻ bình thản mặt ngoài. Ba ngập ngừng. Ba ậm ự rất lâu. Rồi với một thái độ hửng hờ vay mượn, ba nói tôi có rảnh thì ráng ghé sang nhà chị Vĩnh. Tôi nghe lòng mềm nhũn trước vẻ thản nhiên giả tạo của ba. Trong lúc đó, tôi không dám nói với ba là tuần lễ vừa rồi tôi đã liên tục ghé qua nhà chị Vĩnh, nhưng không có dấu vết gì chứng tỏ là chị có về nhà. Tất cả nằm nguyên vẹn không mảy may thay đổi trong suốt một tuần lễ. Tôi chỉ tìm được một mẩu giấy chị dằn trên bàn, ghi mấy dòng vội vã: “Tâm à, chắc chị không có thì giờ gọi cho em. Cứ giữ chìa khóa ghé lại đây nếu muốn. Chị bận chút chuyện chứ không có việc chi mô, em đừng lo”.

Và chị Vĩnh biến mất hoàn toàn. Tôi không cách gì mò ra dấu vết của chị. Chị dặn tôi đừng lo, nhưng tôi không biết làm sao để có thể không lo lắng.

Sau lần đó, ba không hỏi thêm gì về chị Vĩnh và tôi cũng không biết gì hơn để có thể cho ba hay. Tôi không ghé qua nhà chị Vĩnh nữa, cái hoang vắng đây còn rõ nét hơn cả ở nhà. Tôi cũng không muốn nghĩ nhiều đến chị Vĩnh, ráng không suy nghĩ đến tất cả những gì có thể xảy đến, ráng lượn tránh những lo âu. Tôi chỉ còn nuôi mỗi một hy vọng mơ hồ. Một hy vọng được đem vào lời cầu nguyện của những đêm thứ bảy tôi đi ngủ. Là, ước gì, sáng chủ nhật ngày mai chị lại trở về đánh thức tôi dậy bằng một bản đàn thân thuộc nào đó.

***

Nhưng lời cầu nguyện của tôi chỉ thành sự thật được có phân nửa. Chị Vĩnh trở về, nhưng không phải là một sáng chủ nhật ngồi đàn để đánh thức tôi dậy, mà là một buổi tối trong tuần. Tôi đang xem chương trình thời sự với ba ở bàn cơm, thì bất chợt cánh cửa mở ra, chị Vĩnh bước vào. Chị lúng túng cởi áo ngoài hành lang và đặt hai túi xách xuống đất. Ba xô ghế đứng dậy, run run trỏ một ngón tay.

– Cái chi ri? Chị na cái chi về đây ri?

Chị Vĩnh ngước lên, thần sắc trống vắng. Tôi giật mình nhìn chị. Đôi mắt quầng sâu, đôi mắt lặng lờ, như dật dờ lây lất ở một nơi chốn nào đó, không phải ở đây. Nhưng ba không nhận ra điều đó. Trăm vạn điều căng thẳng hành hạ ba từ gần ba tháng nay, bỗng như căng đứt. Ba mù quáng giận dữ.

– Bỏ nhà theo trai bỏ cha bỏ em, chừ na áo quần về đây chi rứa? Hắn bỏ chị rồi, phải không? Hắn bỏ rồi na đồ về đây báo cơm, phải không? Tôi không chứa.

Tôi hốt hoảng trước những lời cay nghiệt của ba.

– Ba, chi mà dữ rứa, chi mà dữ rứa!

Tôi kéo bàn tay ba xuống, tôi kéo ghế cho ba. Ba dễ sợ khi ba nổi giận, ba tàn nhẫn khi ba nổi giận. Rồi sau đó có thể ba sẽ bị dằn vặt hối hận cho những lời nói ra. Rồi sau đó có thể vì tự ái ba không bao giờ đính chính những lời đã nói ra. Tôi vuốt ve ba, tôi xoa dịu ba, nhưng ba vẫn bùng nổ.

– Chị có bước mau ra khỏi nhà tôi không!

Tôi sợ chi Vĩnh bỏ đi thật. Nhưng khi ngẩng lên, tôi thót ruột khi thấy chị vẫn đứng yên, đôi mắt vẫn trống vắng. Như có một lớp không khí nào vây bọc chị, mọi chuyện bên ngoài không thấm vào trực tiếp. Đôi dòng nước mắt lặng lẽ chảy xuống, chị cúi người lượm hai túi xách, rồi mặc cơn giận dữ lồng lộn của ba, chị quay lưng bước thẳng về phòng.

Ba rớt xuống khi chị Vĩnh vừa ra khỏi tầm mắt. Nhìn ba ngồi nhăn nhúm trong lòng ghế, tôi thấy ba đau khổ hơn bao giờ. Nhưng cái đau bây giờ như đã có đường giải tỏa, bùng thoát. Tôi biết rồi máu nóng sẽ dịu xuống. Trong thâm tâm ba đang hạnh phúc. Xen lẫn giữa niềm vui con gái bình an vô sự, còn có niềm kiêu hãnh là mình đã hoàn toàn có lý, đã chứng minh được rằng sự ra đi của con là sai lầm.

Tôi thấy tôi không cần phải lo ngại cho ba nữa. Chỉ còn nét mặt của chị Vĩnh là làm tôi giao động sâu xa. Tôi rời ba bước theo chị Vĩnh vào phòng. Chị Vĩnh đang mở túi xách và xếp áo quần vào tủ. Tôi không biết sức chịu đựng của con người sâu rộng đến đâu, vẫn hằng tin rằng nghị lực và sức mạnh của chị Vĩnh vĩ đại vô cùng. Nhưng đứng nhìn từng cử động rời rạc của chị, tôi hiểu chị Vĩnh đã đi đến tận cùng những cố gắng, tưởng chừng chỉ cần thở thêm một hơi thở mạnh là sức sống tuôn cạn và chị sẽ rớt xuống thành bột vụn. Tôi không có thì giờ suy nghĩ đến những gì đã xảy ra trong suốt mấy tháng qua, và cũng không thấy cần thiết phải nghĩ đến. Chuyện quan trọng hiện thời là chị Vĩnh phải nằm xuống, phải ngủ, nhất định phải ngủ thật nhiều. Sức chịu đựng của tinh thần có thể vĩ đại, nhưng sức chịu đựng của thể xác luôn có giới hạn. Chị Vĩnh dường như đang đứng chênh vênh trên mức giới hạn cheo leo đó.

Tôi quyết định bước vào phòng, và gạt hết mọi đồ đạc trên giường chị. Cho đến nay tôi sẽ không kịp thay bao nệm mới. Tôi trở lại đón mớ quần áo chị đang cầm trên tay, thảy ngược vào túi xách, rồi vất tất cả vào chân tủ. Tôi lượm chiếc áo ngủ, thay cho chị, rồi dẫn chị lên giường. Tôi bắt chị uống một viên thuốc ngủ, rồi ấn chị xuống. Chị nhắm mắt. Hình như chị ngủ liền khi chất thuốc ngủ vừa ngấm. Tôi thấy những dòng lệ vẫn đều đặn rơi dài, những dòng lệ không rời, im lặng theo chị vào giấc ngủ.

Vậy là hôm nay là lần đầu tiên tôi và ba được tiếp xúc với gia đình Albert. Ông bố tóc vàng óng, nước da rám nắng và vóc người đẫy đà. Bà mẹ còn rất trẻ, dáng nhỏ nhắn với khuôn mặt phúc hậu. Albert còn có một người em trai, có lẽ bằng tuổi với chị Vĩnh. Họ đứng quanh chị, như đã từ lâu xem chị như người trong gia đình. Suốt buổi lễ chị đỡ tay bà mẹ, đứng với gia đình Albert ở bên kia, tôi và ba đứng phía bên này. Một số người quen rải rác xung quanh. Không khí trầm trọng, trang nghiêm. Ba hoàn toàn im lặng. Sự hối hận, nếu có, sẽ được bày tỏ khác hơn là một ánh mắt thông cảm, một lời nói, hay một cử chỉ bất kỳ nào trong giờ phút này. Ba đã từ chối Vĩnh, từ chối một đứa con, giữa khi gia đình Albert đón chị bằng cả một niềm ân cần, trang trọng. Bà mẹ Albert nghiêng thân người dựa lên cánh tay chị. Chị nâng đỡ giùm nỗi đau của người ta, ai là người nâng đỡ giùm nỗi đau của chị? Lý ra chị phải kể cho em nghe. Nỗi đau đã quá lớn tại sao còn chồng chất thêm những hiểu lầm, tại sao không san sẻ mà cứ cô đơn gánh chịu?

Hay chính tại vì cơn đau quá lớn? Cơn đau quá lớn. Đến bất ngờ như cơn lốc xoáy, chị phải vội vàng băng theo, cắn chặt môi để ém giữ nguồn can đảm và nghị lực. Cơn đau quá lớn để có thể mượn lời nói mà phân tích, giải bày. Quá lớn để có thể san sẻ, quá lớn quá sức lớn, ứ đầy như một quả bóng căng hơi, phải cố nín thở ngậm câm để giữ lấy thăng bằng.

Có lẽ vì vậy. Vì chị không còn đủ tâm sức, không còn đủ can đảm, để giải thích cho tôi, cho ba. Hoặc là vì chị đã cố gắng tìm sự thông cảm, nhưng ba ngừng lại trước chuyện chị bỏ đi, tôi ngừng lại trước chuyện chị sống với một người con trai không cùng chủng tộc, không ai chịu nghe chị nói, không ai chịu đưa bàn tay thông cảm ra cho chị nắm lấy.

Bây giờ thì đã quá trễ để có thể quay lại, không còn gì để mà dằn vặt với những đáng-lý, lẽ-ra. Còn lại là những ngày sắp tới. Còn lại là chị Vĩnh, với cơn đau trần trắng, mà – tôi sợ là – ngoài chị ra không ai còn có thể chia xẻ, thấu hiểu, hay an ủi, xoa dịu được gì.

Lễ táng kết thúc nhanh chóng hơn tôi có thể ngờ. Một cuộc đời kéo dài không bao nhiêu, một cuộc tiễn đưa cũng ngắn ngủi như là cuộc đời đã sống. Lời kinh Cứu Rỗi chấm dứt, những viên đất từ bàn tay người thân ném xuống, và thế là xong. Người mẹ khóc ngất, chị Vĩnh vội vàng mở rộng vòng tay, khép lại an ủi. Tôi ngạc nhiên thấy chị bình tĩnh và vững vàng như một người ngoại cuộc. Có lúc tôi thấy chị nhẹ nhàng như đứng trong một luồng khí ấm bảo bọc nào đó. Chị không nhìn ai, không thấy gì. Cũng không cần ai, không chờ đợi gì. Nhưng bà mẹ thì cần chị. Nhưng cả gia đình bên anh Albert đều cần chị. Chị là dấu vết cuối cùng của một đời sống còn sót lại. Chị là con người cuối cùng của một yêu thương còn sót lại. Chị là thế giới riêng tư duy nhất của anh Albert, còn sót lại. Cả gia đình anh Albert đều cần chị, cần như điểm tựa tinh thần cuối cùng, niềm an ủi cuối cùng, cần như một người chia xẻ niềm đau chung. Tôi tưởng tượng đến những ngày dài, đêm dài của suốt ba tháng nay chị quay cuồng vào ra bệnh viện. Nghĩ đến ba tháng dài chị đã cùng người mẹ thay phiên túc trực bên giường bệnh, ba tháng dài vất vả chống cự với điều không thể tránh khỏi, hy vọng một điều không thể có. Tôi nghĩ đến hai năm dài chị chấp nhận bỏ rơi tất cả những người thân của chị, để đến với anh Albert. Bỏ cả tương lai, bỏ cả hiện tại, chị riêng lo cho anh. Sự chọn lựa không giản dị là một cử chỉ bồng bột, mua lấy những tự mãn riêng tư, không đến từ lòng thương hại vốn sẵn có trong con tim của mọi người con gái. Sự chọn lựa đã xứng đáng là một chọn lựa. Tôi đã thấy chị sống. Bây giờ tôi hiểu. Từng ngày, từng ngày, chị cố gắng, chị thu vén, chị chăm lo. Hai năm dài ghép lại từ những cái “từng ngày” đó, chị chắp thành trọn vẹn một cuộc sống. Một cuộc sống ngắn ngủi nhưng trọn vẹn, với những cái “từng ngày” cướp giật từ sự sống, nỗi chết. Chết. Dường như chị không bao giờ e ngại cho cái kết cuộc bi thảm đó của một đời người. Ngày xưa chị vẫn thường nói với tôi sống nhiều không bằng sống đầy, sống xứng đáng. Tôi biết nhờ chị mà anh Albert đã được hưởng một cuộc sống đầy và xứng đáng, cho dù sống không có dài. Tôi không bao giờ có thể tưởng tượng được chị đã mang tất cả những gì đến cho gia đình anh Albert, đã chia xẻ tất cả những gì cho người con trai mà chị thương. Có lẽ nhờ chị, cơn-bệnh-chờ-thời đã không còn là một ám ảnh, cái-chết-đương-nhiên đã không còn là bất hạnh. Có lẽ đó là những gì chị đã làm. Có lẽ đó là điều chị chọn lựa tặng anh Albert khi anh còn trong cuộc sống. Tình thương không còn ngừng ở lời nói, cũng không còn ngừng ở một cử chỉ, một hành động, hay một hy sinh. Tình thương chỉ giản dị là tình thương, phủ mịt, bao trùm, thuần nhất. Tôi choáng ngợp.

Hai năm đó đã là hai năm hạnh phúc, hay hai năm khổ đau, chỉ riêng mình chị, chị biết. Đám táng chấm dứt. Đám người lục đục chào nhau ra về. Chị dìu người mẹ bước tới. Ra đến cổng, chị trao bà lại cho người em trai. Tẩn mẩn dặn dò nhớ ráng an ủi chăm sóc cho mẹ. Người con trai hiền hòa hôn chào chị. Prends soin de toi aussi. Et reviens – nous voir. Người cha cũng kéo chị lại, quàng tay qua vai siết chặt thương mến. Những giọt nước mắt rơi nhòa. Những vòng tay thân yêu. Và chị quay lưng, một bước rời xa thế giới của anh Albert, để thật sự trở về với gia đình.

***

Đêm hôm đó về lại giang sơn của hai chị em, tôi trở mình nghe chị nhỏ nhẹ nói trong đêm.

– Anh đi sớm quá, chị không có thì giờ, Tâm à…

Tôi nín thở cho chị tâm sự tiếp. Nhưng chị Vĩnh chỉ thở dài.

– Hai năm sống hết một cuộc đời rồi, chừ biết làm chi với mấy mươi năm còn lại đây, Tâm?

Tôi bàng hoàng trong bóng đêm của lời chị nói. Nỗi ám ảnh theo đuổi lâu dài. Hai năm hết một cuộc đời. Lúc đó, chị Vĩnh của tôi chỉ vừa mới ngoài hai mươi…

Nhược Thủy (Y Chi)

Paris, tháng 4-1989

clip_image002

(*) Trần Vũ đánh máy lại tháng 12-2018, từ bản in trên tạp chí Văn Học số 45 phát hành tháng 11-1989 chuyên đề “Những Cây Bút Trẻ ở Pháp”, từ trang 32 đến 47.

Comments are closed.