Pablo Neruda: nhà thơ đa dạng

Trần Hữu Thục

image“Nước Chile đã chính thức thừa nhận một thi hào, một biểu tượng của nhân loại.”

Ðó là phát biểu vào ngày 12/7/2004 của Javier Egana, bộ trưởng truyền thông và văn hóa quốc gia được bổ nhiệm làm trưởng ban tổ chức lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh của nhà thơ Pablo Neruda (1904-2004), một khuôn mặt văn chương vĩ đại của đất nước Chile (Chí Lợi) và của thế giới.

Nhiều tháng trước ngày lễ, kỷ niệm 100 năm ngày sinh Neruda trở thành một cơn sốt quốc gia. Các thành phố, thị trấn, thị xã chạy dọc theo chiều dài nước Chile rộn ràng chuẩn bị cho ngày kỷ niệm. Tin tức về ngày lễ tràn ngập các ngành truyền thông, từ báo chí, truyền hình, truyền thanh cho đến các quảng cáo trên đường phố. Số người tham gia vào các chương trình chuẩn bị gồm đủ thành phần, từ những người yêu thơ cũng như những người không hoặc chẳng biết gì mấy về thi ca, cho đến những người trước đây ủng hộ nhà cầm quyền quân sự, nghĩa là những thành phần chống Cộng cực đoan. Cơn sốt Neruda còn lan sang những nhà kinh doanh, các tổ hợp thương mại, và cả đến những tù nhân hiện đang thụ án tại các nhà tù. Người ta đua nhau học thuộc thơ của Neruda. Lúc này, hầu như mọi người đều có thể đọc một vài câu thơ trích từ một bài nào đó trong 20 bài thơ tình trong tập thơ tình nổi tiếng nhất của ông “Hai mươi bài thơ tình,” nhưng chẳng mấy ai thuộc được nhiều hơn. Vì thơ của ông chưa hề được đưa vào chương trình học của nhà trường. Luis Jara, ca sĩ nổi tiếng Chile, cho biết “Tôi chẳng biết gì về tác phẩm của Neruda mà đáng lẽ tôi phải biết vì dưới chế độ độc tài, tôi còn nhỏ quá.” Các tiệm ăn hàng đầu cũng như các chuyến bay đều chuẩn bị cung phụng cho khách các món ăn đặc biệt, những món dựa trên tập thơ Elementary Odes (Tụng thi sơ cấp) gồm nhiều bài thơ ca ngợi các món ăn. Hàng chục viện bảo tàng và trung tâm văn hóa tổ chức những cuộc triển lãm đặc biệt về nhà thơ. Tâm trạng của người dân Chile trong thời điểm này là: bày tỏ lòng ngưỡng mộ một nhà thơ nổi tiếng của đất nước, xem đó là vinh dự chung của quốc gia.

Trong lúc đó, nhà cầm quyền đã cử những tùy viên văn hóa đi đến các hội sách nhiều nơi trên thế giới, từ Geneva đến Guadalajara, để khuyến khích tổ chức những buổi lễ vinh danh các tác phẩm của nhà thơ đồng thời với việc xuất bản các tuyển tập của ông. “Thông điệp nhân bản của nhà thơ hiện sống động hơn bao giờ hết và tôi cho rằng những buổi lễ chính thức diễn ra là nỗ lực thừa nhận điều đó. Nó xuất phát từ niềm yêu đời lây lan vốn đã khiến ông làm nên những bài thơ tuyệt diệu,” đó là phát biểu của Adam Feinstein, người Anh, tác giả của Pablo Neruda: A Passion for Life,[1] bộ tiểu sử quan trọng đầu tiên về nhà thơ viết bằng tiếng Anh.

Từ sáng sớm 12/7, Tổng thống Chile Ricardo Lagos cùng hàng trăm khách khứa, lên chuyến tàu vượt đoạn đường trên 300 cây số từ thủ đô Santiago đến thị trấn Parral, quê hương của nhà thơ, tham dự buổi lễ chính thức do nhiều khuôn mặt văn chương hàng đầu của châu Mỹ La Tinh đứng ra tổ chức. Tại đây, dân địa phương đội mưa tụ tập tại nhà ga – nơi thân phụ của nhà thơ là công nhân đường sắt vào đầu thế kỷ – hào hứng chờ đón chuyến tàu. Ðây là một điều thú vị. Vì mãi cho đến năm rồi, giữa lúc nhiều nơi trong nước vinh danh ông, thì thành phố này hoàn toàn im lặng. Không những thế, nó còn mang vẻ thù nghịch. Chỉ mới vài năm trước đây, ngôi nhà mà nhà thơ sinh ra đã bị chính quyền địa phương cho lệnh phá hủy. Bây giờ, mọi chuyện đổi khác. Ngôi nhà được tu sửa và trở nên một thắng cảnh quốc gia. Ước lượng có đến 120 ngàn du khách đến viếng hàng năm. Chính quyền thành phố bắt đầu lấy tên Neruda và tên những tác phẩm nổi tiếng nhất của ông đặt cho một số đường phố. Ðồng thời một đền kỷ niệm lớn nhất vinh danh nhà thơ đang được xây dựng, với những kiến trúc bằng thép trải rộng trên nửa mẫu. “Thật cảm động biết bao cho thành phố khi Parral được biết trên toàn thế giới như là nơi nhà thơ đã ra đời”, thị trưởng thành phố Claudio Bravo Araya phát biểu.

Trong một buổi lễ chính thức vào năm 1992, thi thể ông đã được đưa về cải táng tại Isla Negra, nơi nhà thơ sống những ngày cuối cùng trong đời, đúng theo mơ ước của ông lúc sinh thời. Trong ngày lễ cải táng Neruda, hàng ngàn người đã đứng hai bên đường để chào đón và ném hoa vào chiếc xe chở linh cữu có phủ quốc kỳ Chile của nhà thơ. Và tại đây, trong ngày kỷ niệm 100 năm, diễn ra các cuộc diễn hành rầm rộ của các em nhỏ trong lúc những chiếc tàu chạy ngang qua bờ biển gần đó hú còi chào đón đồng thời nhiều phi cơ trực thăng bay quanh thả những tập sách nhỏ với những bài thơ hay nhất của Neruda từ trên bầu trời. Ở Villa Alegre, không xa nơi sinh trưởng của nhà thơ, những viên chức thành phố đã xây một đài tưởng niệm mới dành cho nhà thơ. Một tấm bảng làm bằng đá hoa cương được khắc mấy dòng thơ mở đầu của bài thơ nổi tiếng nhất của ông, “Poema 20” trong tập Veinte poemas de amor y una cancion desesperada (Hai mươi bài thơ tình và một bài ca tuyệt vọng):

Puedo escribir los versos más tristes esta noche.

Escribir, por ejemplo: “La noche está estrellada,

y tiritan, azules, los astros, a lo lejos”.

(Ðêm nay tôi viết những giòng thơ buồn nhất/Chẳng hạn như viết “Ðêm đầy sao/và những ngôi sao xanh và run rẩy ngoài cõi xa xăm)

Ở thành phố cảng Valparaiso, khoảng 150 người đã tụ tập trong một cuộc lễ trên đường phố bên ngoài ngôi nhà cũ của nhà thơ, chép lại thơ của ông trên những tấm giấy khổng lồ trải dài trên đường. Sau khi hoàn tất, những người tổ chức ghép lại với nhau tất cả những cuộn giấy, ước lượng dài khoảng gần 2 cây số (1,2 dặm), nhằm đạt một kỷ lục thế giới về cuộn giấy thơ dài nhất trên thế giới.

Khung cảnh diễn ra trong ngày 12/7/2004 hoàn toàn khác hẳn những gì nhà thơ chịu đựng vào những ngày cuối đời. Ðó là những ngày bi thảm. Cuộc đảo chánh do tướng Pinochet tiến hành, giết chết tổng thống tả khuynh Salvador Allende, một người bạn rất thân của ông, đưa đến việc thiết lập một chế độ độc tài quân sự kéo dài 17 năm sau đó. Không khí khủng bố bao trùm đất nước. Từ giường bệnh trong ngôi nhà ở Isla Negra, ông đau lòng chứng kiến những người lính của chế độ độc tài đào xới tan hoang khu vườn nhà, lục tung mọi ngóc ngách trong nhà để tìm vũ khí và tài liệu bí mật. “Vũ khí duy nhất mà quý vị tìm thấy trong ngôi nhà này chỉ là chữ và chữ,” ông nói với họ. Người ta cho rằng cái chết đã đến với ông sớm hơn không chỉ vì căn bệnh ung thư quái ác mà còn là vì đã quá tuyệt vọng trước các biến cố chính trị dồn dập của đất nước.

Ngày an táng ông đã diễn ra dưới sự canh phòng nghiêm ngặt của nhà cầm quyền quân sự. Nhiều người tham gia đám tang bị điều tra. Một số đã bị bắt giữ. Sau đó, nhà cầm quyền tìm đủ thủ đoạn để tịch thu ngôi nhà của ông, lấy lý do rằng ông là thành viên thuộc Đảng Cộng sản là đảng đã bị đặt ra ngoài vòng pháp luật. Nhưng vợ của nhà thơ, bà Matilde, tranh đấu quyết liệt trong những năm cuối đời của bà để giữ nó và không những thế, biến nó thành cơ sở cho một tổ chức gọi là “Pablo Neruda Foundation”. Sau khi bà chết vào năm 1985, nhà cầm quyền đã cho niêm phong lại và chỉ được mở ra sau khi chính quyền Pinochet bị sụp đổ vào năm 1990.

*

Pablo Neruda, tên thật là Neftali Ricardo Reyes Basoalto, sinh ngày 12 tháng 7 năm 1904 tại Parral, một thành phố nhỏ tại miền trung nước Chile. Cha là công nhân đường sắt và mẹ là cô giáo, chết vì bệnh lao chỉ một thời gian ngắn sau khi ông ra đời. Năm 1906, cha ông dời về thành phố Temuco, nơi đây nhà thơ sống hết thời thơ ấu và thiếu niên. Năng khiếu thi ca phát triển sớm đồng thời được sự khuyến khích của nhà thơ nổi tiếng Gabriela Mistral – cũng cư ngụ ở Temuco, mà ông quen vào năm 1916 –, Neruda tập tành viết lách và làm thơ để đăng báo. Năm 1917, lúc mới 13 tuổi, ông đã có bài đăng trên tờ “La Manana”, là một tiểu luận. Bài thơ đầu tiên được đăng báo là “Mis ojos” (Ðôi mắt tôi) xuất hiện trên tờ “Corre-Vuela” năm 1918. Vào năm 1920, 16 tuổi, ông trở thành cộng tác viên cho đặc san văn chương “Selva Austral” dưới bút hiệu là Pablo Neruda, lấy theo tên của nhà thơ Tiệp Khắc mà ông rất thích là Jan Neruda (1834-1891).

Một số bài thơ viết vào thời gian này về sau xuất hiện trong tập Crepusculario, xuất bản năm 1923. Năm 1924, Veinte poemas de amor y una cancion desesperada (Hai mươi bài thơ tình và một bài ca tuyệt vọng) ra đời. Ðây là một trong những tập thơ nổi tiếng nhất, được dịch ra nhiều thứ tiếng nhất và là tập thơ đưa tên tuổi ông vào văn đàn thế giới.

Trong thời gian này, ông theo học đại học Santiago. Ra trường, ông phục vụ trong ngành ngoại giao. Trong vòng 8 năm từ 1927 đến 1935, ông được cử làm lãnh sự tại các quốc gia Ấn Ðộ, Miến Ðiện, Tích Lan, Java, Singapore, Á Căn Ðình (Argentina) và Tây Ban Nha. Dù bận bịu công vụ, ông vẫn tiếp tục làm thơ. Tập Residencia en la tierra (Tạm trú trên trái đất) (1933) gồm nhiều bài thơ siêu thực ra đời, đánh dấu một bước thay đổi quan trọng trong sự nghiệp thi ca của ông.

Cuộc nội chiến Tây Ban Nha và vụ ám sát Garcia Lorca ảnh hưởng mạnh mẽ đến ông. Garcia Lorca là một trong hai nhà thơ hàng đầu của Tây Ban Nha thế kỷ 20, sinh năm 1898 và bị phe thân Franco ám sát chết vào tháng 8/1936 vào lúc khởi đầu cuộc nội chiến Tây Ban Nha. Ðó là một trong những lý do khiến ông trở thành tả khuynh, đưa ông đến chỗ tham gia phong trào Cộng Hòa – lúc đầu ở Tây Ban Nha, sau đó, ở Pháp – chống lại chính quyền độc tài Franco. Thơ ông sáng tác thời kỳ này có xu hướng nghiêng về những vấn đề chính trị và xã hội. Kết quả là tập thơ Espana en el Corazon (Tây Ban Nha giữa trái tim) ra đời, được in ngay giữa mặt trận trong cuộc nội chiến Tây Ban Nha. Năm 1937, khi nhân vật tả khuynh Pedro Aguirre Cerda đắc cử tổng thống, ông về nước và sau đó, được bổ nhiệm làm lãnh sự tại Paris, phụ trách giúp đỡ những người tị nạn từ Tây Ban Nha chạy sang. Ông đã cứu được 2000 người thuộc phe Cộng Hòa bằng cách chở họ đến Chí Lợi trên một chiếc thuyền đánh cá cũ có tên là Winnipeg.

Năm 1939, ông được điều về Mexico. Tại đây ông sáng tác bài thơ nổi tiếng Canto General de Chile (Bài ca chung cho nước Chile) đề cập đến bi kịch đất nước Chile của ông, mà về sau này được chuyển thành trường thi Canto General, nói về toàn thể lục địa Nam Mỹ, về người, về đất và về các bi kịch lịch sử của nó. Xuất bản ở Mexico năm 1950, Canto General là một tác phẩm thi ca đồ sộ gồm khoảng 20 ngàn câu thơ nằm trong 320 bài thơ kết hợp với nhau thành 15 phân đoạn (tiếng Tây Ban Nha gọi là cantos), mỗi phân đoạn y như một chương trong truyện dài, được thi giới xem là phần cốt lõi trong sự nghiệp thi ca của ông. Hầu hết những bài thơ trong đó đều được sáng tác trong những thời kỳ khó khăn khi ông sống ở nước ngoài mà chủ đề chính là các bất công xã hội diễn ra trên toàn thể các nước Nam Mỹ. Một thời gian ngắn sau khi phát hành, tập thơ được dịch ra 10 thứ tiếng, phổ biến rộng rãi trên khắp thế giới, nhưng bị cấm ở Chile, vì quan điểm tả khuynh của nó.

Năm 1943, Neruda trở về nước. Năm 1945, ông được bầu vào thượng nghị viện Chile, đồng thời chính thức gia nhập đảng Cộng Sản Chile. Năm 1947, do chống lại chính sách đàn áp các công nhân hầm mỏ của tổng thống Gonzalez Videla, ông bị chính quyền truy nã, phải trốn tránh bí mật cho đến năm 1949 mới thoát ra khỏi nước bằng cách cỡi ngựa vượt rặng núi Andes qua nước Argentina. Sau ba năm lang thang ở các nước Âu Châu, ông lại trở về nước năm 1952. Năm 1953, ông được tặng giải thưởng Stalin.

Lúc này, trong lúc nhiều nhà trí thức Âu Châu cũng như Chile bắt đầu hoài nghi về bản chất các chính sách của nhà cầm quyền Moscow dưới thời Stalin, thì Neruda vẫn tỏ ra trung thành với đường lối của Ðệ Tam Quốc Tế. Mãi cho đến khi Khrushchev tiết lộ những tội ác ghê gớm của Stalin tại đại hội lần thứ 20 Đảng Cộng sản Liên Xô, niềm tin của ông mới bị lung lay sâu sắc, đưa đến sự ra đời của tập Extravagario xuất bản năm 1958. Từ năm 1954 đến 1970, nhiều tập thơ nữa được xuất bản, trong đó có Las Uvas y el Viento (1954) và Odas elementales (1954-1959) viết về những ngày tháng sống lưu vong chứa đầy những ưu tư chính trị, Cien sonetos de amor (1959) gồm những bài thơ dành riêng cho vợ là Matilde Urrutia, Memorial de Isla Negra gồm 5 tập xuất bản vào dịp kỷ niệm sinh nhật lần thứ 60 của ông, Arte de pajaros (1966), La Barcarola (1967), Las manos del día (1968), Fin del mundo (1969), Las piedras del cielo (1970) và La espada encendida.

Năm 1970, tổng thống Salvador Allende cử ông làm đại sứ tại Paris. Năm sau, 1971, ông đoạt giải văn chương Nobel. Thực ra, theo nhà viết tiểu sử Adam Feinstein, đáng lẽ giải thưởng Nobel đã được trao cho ông năm 1964. Nhưng vào thời gian này, giữa lúc cuộc chiến tranh lạnh giữa hai khối đang ở thời kỳ cao điểm, cơ quan tình báo Mỹ CIA – thông qua một tổ chức ngoại vi là “The Congress for Culture Freedom” – đã dùng mọi phương tiện để làm giảm uy tín của Neruda, đồng thời dùng áp lực lên ủy ban chấm giải Nobel đưa đến kết quả là Hàn Lâm Viện Thụy Ðiển hủy bỏ quyết định trao giải cho ông. “Thay vào đó, ủy ban đã trao giải cho Jean Paul Sartre, triết gia Pháp, nhưng ông này từ chối. Sartre nói “Tôi không nhận nó. Giải nên trao cho Neruda,”, Feinstein viết trong Pablo Neruda: A Passion for Life. Tuy nhiên, theo Feinstein, đó chỉ là một tin đồn đãi, thiếu chứng cứ và rất có thể chỉ là điều bịa đặt. Năm 1973, ông từ nhiệm chức đại sứ, trở về nước trị bệnh sau khi phát hiện ra ông bị bịnh ung thư máu. Ông qua đời tại Santiago vào ngày 23 tháng 9 năm 1973.

Pablo Neruda là một người nhút nhát và thiếu tự tin, lại xấu trai – nhưng tài làm thơ đã khiến ông rất được lòng phụ nữ, đưa đến rất nhiều mối tình. Vừa mê gái lại vừa được gái mê. Một trong những mối tình đầu đời là một thiếu phụ Chile trẻ có nét hao hao giống nữ tài tử Hollywood Greta Garbo. Sau đó là một mối tình thất bại với Albertiba Azocar, tạo cảm hứng cho nhiều bài thơ tình nổi tiếng của ông. Tại Miến Ðiện, ông say mê một thiếu nữ địa phương tên là Josie Bliss. Sau này, có lúc ông còn yêu luôn cả cháu gái của vợ, Alicia.

Trong một chương trình của đài BBC về Neruda, bà Claretta Cerio, người đã cho Neruda cư ngụ một thời gian tại đảo Capri, miền nam nước Ý khi ông sống lưu vong ở Âu Châu năm 1950, cho biết nhà thơ “không đẹp trai, lại trông già hơn cái tuổi 40, nhưng quả là thông minh và duyên dáng”. Bởi vậy mà “rất nhiều phụ nữ bị ông quyến rũ”. Ðề cập đến cuộc sống và cá tính của nhà thơ, bà Claretta Cerio cho biết: “Chúng tôi biết ông là một người đi trốn, ấy thế mà chúng tôi rất ngạc nhiên khi bỗng nhiên thấy hết người này đến người khác đến thăm ông, ai cũng mang theo hành lý, chất đầy đồ đạc. Họ ở đầy nhà và khi họ mở hành lý ra, thì ôi thôi không thiếu thứ gì. Có cả tranh của Picasso và đủ loại đồ chơi tự động. Họ bày ra trên sàn nhà rồi vặn máy cho chúng chạy, còn ông ta thì nằm lăn ra trên nền nhà cười ngặt nghẽo”.

Về chuyện gia đình, ông chính thức có ba đời vợ: người đầu tiên là María Antonieta Hagenaar, một phụ nữ Hòa Lan cưới năm 1930 và ly dị năm 1936; người thứ hai là một họa sĩ Á Căn Ðình Delia del Carril, cưới năm 1943 và ly dị năm 1955; cuối cùng là ca sĩ người Chile, bà Matilde Urrutia, là nguồn cảm hứng cho tập thơ tình nổi tiếng “Cien sonetos de amor” (Một trăm bài thơ tình) (1960).

*

Tổng cộng trong suốt đời mình, Neruda xuất bản hơn 40 tập thơ và nhiều bài viết rải rác khác chưa in thành sách. Neruda được xem như là một Picasso trong thi ca, vì khả năng linh hoạt của ông như là một nhà tiền phong của đổi mới văn chương. Chính ông cũng thường đề cập đến cuộc tranh đấu giữa cá nhân ông với truyền thống của chính mình, đến nhu cầu thường xuyên của ông đi tìm cái mới trong từng tác phẩm. Trong một phát biểu vào năm 1954, nhà thơ khẳng định “Tôi lần lượt để lại đàng sau các tác phẩm của tôi, thay thế, tái tạo hình thức và ý nghĩa từng lúc. Tôi là địch thủ quan trọng nhất của trường phái Neruda (Nudarism)”. Chính vì thế, theo René de Costa, Neruda là một nhà thơ “luôn luôn làm cách mạng chống lại chính mình, chống lại truyền thống riêng của mình”[2].

Tập thơ đầu tiên của ông, Crepusculario, chưa có gì đáng nói, vì gồm toàn những bài thơ làm theo kiểu truyền thống. Tập thơ thứ hai, Veinte poemas de amor y una cancion desesperada, ra đời chỉ một năm sau, hoàn toàn khác. Nó mang tính cách tiền phong, cách mạng. Ðó là những bài thơ tình, nhưng khác hẳn với thơ tình truyền thống, chúng không chỉ là tình yêu thuần túy mà là erotic (tình dục). Trong thế giới văn chương Tây Ban Nha thời đó, cũng như Trung Hoa và Việt Nam đầu thế kỷ, tình yêu là đề tài rất được ưa chộng của thi ca. Nhưng nhà thơ chỉ dùng uyển ngữ (euphorism), tức là lối nói vòng quanh và các ẩn dụ để mô tả tình yêu. Họ dùng những hình ảnh và ý tưởng trừu tượng để diễn tả người phụ nữ. Veinte poemas de amor y una cancion desesperada là một thách thức với truyền thống. Tình yêu trong thơ ông còn là tình dục. Tình yêu đi đôi với ước muốn tình dục. Thơ chẳng còn những ví von đại loại như “mắt em như kim cương”, “răng em như hạt châu”, “da em như ngọc ngà”…, mà đề cập đến thân xác phụ nữ y như chúng là, không che đậy, dấu giếm, những điều chẳng “nên thơ” tí nào trong quan điểm thi ca truyền thống. Chẳng hạn như bài “Cuerpo de Mujer” (Thân Thể Ðàn Bà):

Cuerpo de mujer, blancas colinas, muslos blancos

te pareces al mundo en tu actitud de entrega.

Micuerpo de labriego salvaje te socava

y hace saltar el hijo del fondo de la tierra.

(Thân thể đàn bà, những đồi trắng, những bắp vế trắng/em tựa như thế giới trong dáng dấp trao ban/Tôi cơ thể nông dân thô lỗ đào sâu vào trong em/và làm cho đứa con trai nhảy phóc ra từ nơi thẳm sâu của lòng đất)[3]

Sợ phản ứng của dư luận, nhà xuất bản Nascimento (xuất bản tập thơ đầu tiên của ông) từ chối. Neruda bực mình viết thư cho giám đốc Viện Bảo Tàng Nghệ Thuật trách móc thái độ của nhà xuất bản. Ở đoạn kết, ông cảnh báo “Le pesará, les pesará a todos” (Rồi ông ta sẽ hối tiếc, họ sẽ hối tiếc). Cuối cùng, có lẽ nhờ lời cảnh báo đó mà tập thơ được xuất bản. Ngay lập tức, nó gây nên chấn động trong giới phê bình và công chúng. Tuy vậy, sau thời gian đầu ngỡ ngàng và thậm chí phẫn nộ, tập thơ dần dà được yêu chuộng, bán ra hàng triệu ấn bản, mở đầu cho một trào lưu thi ca mới trong thế giới những người nói tiếng Tây Ban Nha.

Ðộc giả chưa kịp nguôi ngoai với cái táo bạo của Veinte poemas de amor y una cancion desesperada, thì hai năm sau, tập Tentativa del hombre infinito (Dự Án Con Người Vô Hạn) ra đời. Lại thêm một chấn động mới. Lần này, chấn động không đến từ chuyện tình dục mà đến từ cách làm thơ. Ðó là những bài thơ không vần điệu, không theo niêm luật, và nhiều chỗ lời thơ có vẻ vô nghĩa. Thơ bỏ hẳn những sáo ngữ cũ mèm mà thay vào đó là các cấu trúc ngôn ngữ kiểu mới, câu kéo lỏng chỏng, ý tứ đứt đoạn, tối tăm, gần như vô nghĩa. Một hình thức thơ tự do. Như hai câu sau:

Hogueras pálidas revolviéndose al borde de las noches

Corren humos difuntos polvaredas invisibles

(Những đám lửa quay lại ở bên rìa đêm khói chết/ Những đám mây bụi phóng nhanh)

Giải thích về loại thơ mới này, Neruda nói: “Nhà thơ phải bỏ lại đàng sau mình không chỉ sức nặng khô chết của vần điệu nhưng cũng còn bỏ luôn sự phân chia không cần thiết các chức năng như viết hoa hay viết thường, các từ nối, dấu ngắt câu, vân vân. Như thế có phải là thơ không? Vẫn là thơ chứ. Nhưng là một loại thơ mới”[4].

Tentativa del hombre infinito báo trước cho sự ra đời của Residencia en la tierra (Cư trú trên trái đất –1933), sâu lắng hơn, vữõng vàng hơn, diễn tả những cảm giác sâu xa của ông khi đối diện với nỗi đau nhân thế, với sự cô đơn của kiếp người. Thơ trong tập này là những chuỗi đối thoại triền miên với chính ông và chứa đầy những ý tưởng siêu hình. Thơ hoàn toàn là bất khả tri đối với những ai không quen với lối thơ mới. Nếu Veinte poemas de amor y una cancion desesperada lộ liễu, trần tục, thì Residencia en la tierra lại quá kín đáo, ẩn mật (hermetic) và khó hiểu. Giọng thơ ẩn mật đến nỗi người ta phải đặt cho nó một cái tên riêng là “Nerudism”. Có thể gọi tập thơ này là một tập thơ siêu hình, đề cập đến thân phận hiện sinh của con người trong thế giới. Hiện hữu con người trôi dạt trong một thế giới lạnh lùng, dửûng dưng. Ở đây ta thấy Neruda đụng đến một nỗi buồn chán từa tựa như cảm giác “nôn mửa” như trong tư tưởng của Sartre:

Sucede que me canso de mi pies y mis unas

y mi pelo y me sombra.

Sucede que me canso de ser hombre

(Bỗng nhiên tôi chán ngấy bàn chân tôi chán ngấy móng tay tôi chán ngấy bóng dáng tôi. Bỗng nhiên tôi chán ngấy cả kiếp làm người)

Lời thơ mang giọng điệu bi quan đến nỗi sau này, khi vào Đảng Cộng sản rồi, ông đã phải chối bỏ nó một cách quyết liệt. Ông xem đó là “Những bài thơ đầy bi quan yếm thế. Chúng không hỗ trợ cuộc sống mà hỗ trợ cái chết”[5]. Chính tư tưởng đó đã là động lực hình thành tập trường ca Canto general. Theo nhận xét của các nhà nghiên cứu, đây là một trường ca vĩ đại nói về các dân tộc Nam Mỹ. Với hàng chục ngàn câu thơ, Neruda đề cập đến tất cả những gì dính dáng đến các nước châu Mỹ La Tinh, từ huyền thoại, truyền thuyết cho đến cuộc sống, vật, cảnh sắc, cây cỏ, di tích, phong tục, vân vân, từ sự ca ngợi cuộc sống của người dân đến sự kết án nặng nề các chính sách tàn bạo của các công ty Tây phương bóc lột công nhân. Khác với Residencia en la tierra ẩn mật nhưng phóng túng, loại thơ này có cú pháp và ý tưởng rõ ràng, đề cập thẳng đến những vấn đề cụ thể, và đặc biệt là sử dụng vần điệu nghiêm chỉnh. Neruda, ý thức rõ về trách nhiệm mới của mình, không còn viết cho chính mình nữa, mà là viết với mục đích thuyết phục người đọc. Có thể xem đây là một tập thơ chính trị, y như thơ Tố Hữu của Cộng sản Việt Nam. Chính tập trường ca này đã gây ra tranh cãi triền miên giữa những nhà nghiên cứu, phê bình về sự nghiệp của Neruda. Sự dính dáng quá sâu vào chính trị của Neruda giai đoạn này khiến lắm lúc ông đánh mất con người chân chính của một nhà thơ. Ông xem việc giữ vững lập trường và trung thành với Ðảng quan trọng hơn mọi thứ.

Ðến năm 1954, Neruda lại thực hiện một bước thay đổi nữa, cũng gây ấn tượng không kém những lần trước, làm chưng hửng độc giả và những nhà phê bình với tác phẩm Odes elementales (Tụng thi sơ cấp). Như gọi ý từ tựa đề, đó là một tập thơ gồm toàn những bài ca ngợi những điều tầm thường, nhỏ nhặt, không chút nên thơ (unpoetic) của đời sống hàng ngày, từ rượu, trà cho đến củ hành, củ tỏi mà người nói tiếng Tây Ban Nha gọi là “la poesia de lo cotidiano” (thơ về đời sống hàng ngày). Các bài thơ như một loại kính lúp soi rõ những điều tầm thường để giúp độc giả nhìn thấy giá trị của chúng. Nhiều nhà phê bình đả kích tính chất dung tục, mộc mạc của loại thơ này. Neruda giải thích: “Thơ cũng giống như bánh mì, phải được chia sẻ bởi tất cả mọi người, từ những người có học cho đến người nông dân […] Tôi thú nhận rằng viết ra những điều giản dị là công việc khó khăn nhất của tôi”, Neruda phát biểu[6]. Ðây là một đoạn thơ ông ca ngợi củ hành:

Cebolla/luminosa redoma/Pétalo a pétalo

Se formó tu hermosura,/escamas de cristal te acrecentaron

Y en el secreto de la tierram oscura/se redondeó tu vientre de rocío

Bajo la tierra/fue el milagro/y cuando apareció

Tu trope tallo verde,/y nacieron/tus hojas como espadas en el huerto

La tierra acumuló su poderío/mostrando tu desnuda transparencia…

(Hành, trái cầu phát sáng/ từng cánh một/hình thành sắc đẹp của em/những chiếc vảy pha lê lớn lên trên em/và trong bóng tối bí ẩn của đất/bụng em sương nuôi tròn trịa/Phép lạ xảy ra dưới đất/ và khi thân xanh vụng về em xuất hiện/và lá em ra đời như những chiếc gươm trong vườn/đất chứa đầy năng lực phơi bày em trần truồng trong suốt)

Chưa hết. Năm 1958, mọi chuyện lại đảo ngược một lần nữa qua tập thơ Estravagario (Cuồng ngâm). Estravagario là một từ ghép, chỉ thấy xuất hiện có một lần trong toàn tập thơ qua bài Testamentos de otođo, ám chỉ những điều kỳ quặc (extravagant things). Ðiều “kỳ quặc” đầu tiên có thể tìm thấy ngay trong hình thức của nó. Ấn bản đầu tiên của tác phẩm này vào năm 1958 gồm những văn bản thơ kèm theo nhiều hình minh họa. Ðây là những hình vẽ kỳ dị, có hình nhằm mục đích làm rõ nghĩa thêm bản văn (bài thơ) nhưng cũng có hình chống lại hay tương phản với văn bản. Tác phẩm là một cách trình diễn khá công phu gồm nhiều loại, là một hợp tuyển của những bài văn khi thì nghiêm túc khi thì hài hước, mỗi bài được minh họa bằng những chất liệu tinh vi được chọn lựa từ nhiều nguồn khác nhau lấy từ trong những tác phẩm như của Jules Verne hay những bức vẽ bằng bút sắt của họa sĩ José Guadalupe Posada, vân vân. Sự tác động giữa tranh và văn bản tạo nên một hình thức thi ca mới mà mục đích là tìm cách vượt ra ngoài cái khung ngôn ngữ văn chương bình thường, hướng tới chỗ phản thơ (anti-poetic) và phản văn chương (anti-literary).

Một số bài thơ khác được xếp ra nhiều trang kế tiếp nhau, các cấu thơ được bố trí y như hình vẽ. Ðộc giả phải tự mình sắp xếp để đọc và hiểu. Cách bố trí này bắt buộc người đọc phải tham dự, chứ không đọc một cách thụ động. Các bài thơ là những trò chơi chữ tri thức (intellectual puzzles) và đọc là một hành vi tham dự (participatory act). Ý niệm căn bản trong tập thơ này là: làm thơ/đọc thơ chẳng có gì để phải nghiêm trang cả. Thơ là một cách giải trí. Dù in ở đâu, trình bày như thế nào, đọc thơ trước hết là để tìm khoái lạc thẩm mỹ, chứ chẳng phải để tìm ý nghĩa cuộc đời hay luân lý hay cách thức sống gì ráo. Qua Estravagario, Neruda không tìm cách thuyết giảng một cái gì cả. Từ đầu đến cuối, thơ chỉ là một trò đùa bỡn không hơn không kém. Tác giả trình diễn. Ðộc giả tham gia trong trò đùa, thế thôi!

Hình thức đã thế, nội dung cũng lạ không kém. Trong tập thơ này, ông biến mình thành sự vật để chế giễu. Một hình thức tự trào. Người ta gọi loại thơ này là phản-thơ (anti-poetry). Chúng có vẻ thông tục, tầm thường và phi lý hơn cả Odes elementales. Trong Odes elementales , nhà thơ còn xét sự vật như một triết gia, còn trong Estravagario, nhà thơ biến mình thành sự vật để trêu chọc, chế giễu. René de Costa nhận xét “Estravagario đánh dấu đỉnh cao trong đời sống và nghệ thuật của Neruda. Với tác phẩm này, ông đã giải thoát thơ ông khỏi chính truyền thống văn chương của ông, cùng lúc xoay sở để thoát khỏi các ràng buộc cá nhân về quá khứ chính trị, xã hội và văn chương. Cùng với cách diễn đạt thông tục của loại thơ–phản thơ và thái độ giải phóng của người phản–thi sĩ, ông có thể vươn ra nhiều hướng khác nhau”[7]. Ông nhìn thế giới chung quanh bằng một cái nhìn phơi mở. Mọi thứ đều được chấp nhận, kể cả kẻ thù:

Aquel enemigo que tuve/estará vivo todavía?

[…] Es melancólico no oír/sus tenebrosas anenazas,

Sus largas listas de lamentos […]

Qué voy a hacer sin forajido?/Nadie me va a tomar en cuenta

(Kẻ thù tôi có còn sống không? […] Thật là buồn nếu không nghe những lời đe dọa đen tối của hắn, những chuỗi than phiền dài của hắn. […] Tôi sẽ phải làm gì đây nếu không có một kẻ thù? (Nếu thế thì) chẳng còn ai quan tâm đến tôi)

Ðọc mấy câu này làm tôi chợt nhớ tới Trịnh Công Sơn:

Tôi không kẻ thù nên đau từ độ/Tóc úa là nhờ những tháng âu lo

Ông mang thơ xuống chân tượng và bằng sự chế giễu, phá đổ chính hình tượng của ông như một nhà thơ. Ở một trong những bài thơ có vẻ “cuồng ngâm” nhất trong tập thơ là bài El miedo (Nỗi sợ), ông dùng ngay chính tên mình để chế giễu. Coi thường tất cả những ai phê phán đời sống và tác phẩm của ông, ông chỉ trả lời cho chính ông:

Por eso en estos cortos días

No voy a tomarlos en cuenta,

voy a abrirme y voy encerrerme

con mi más pérfido enemigo,

Pablo Neruda.

(Trong những thời gian ngắn ngủi này, tôi sẽ không để ý gì tới họ, mà tôi sẽ tự mở toang mình ra và khép kín mình lại với kẻ thù bội bạc nhất của tôi là Pablo Neruda).

Tất cả đều là những thử nghiệm. Trước sau, những bài thơ tuyệt tác của ông vẫn là thơ tình. Thơ của ông gần như đồng nghĩa với những bài tình ca vĩ đại. Chính những bài thơ tình đã đưa danh tiếng ông trở thành quốc tế ngày khi mới ngoài 20 tuổi. Tập Veinte poemas de amor y una cancion desesperada bán hàng triệu ấn bản. Trong một bài viết đặc biệt dành cho tờ Washington Post,[8] Ariel Dorfman – nhà văn, nhà báo, nhà hoạt động nhân quyền và là giáo sư đại học Chile – đã đề cập đến ảnh hưởng lớn lao của thơ Neruda đối với người dân Nam Mỹ, nhất là dân nước Chile. Ông kể lại chuyện ông tán gái hồi còn là cậu thiếu niên 14 tuổi. Hồi đó, ông yêu thầm nhớ trộm một cô gái đẹp nhưng kiêu kỳ, lớn tuổi hơn ông. Một người bạn khuyên ông nên dùng thơ của Neruda. Một hôm, ông thu hết can đảm đến gần bên cô gái và đọc thầm câu thơ Puedo escribir los versos mas tristes esta noche.[9] Cô gái trả lời ngay “Lại Neruda! Veinte poemas de Amor.[10] Cậu là chú bé thứ năm đọc câu này cho chị nghe trong tháng này đó nhé. Tại sao cậu không tìm đọc Una Canción Desesperada?.[11]

Nhiều và rất nhiều thanh thiếu niên Chile đã dùng, thậm chí lạm dụng, thơ của Neruda (và thành công) khi đi tán gái như thế. Theo Dorfman, không phải chỉ chuyện tình yêu, mà bất cứ chuyện gì trong đời sống, khi cần, người ta đều có thể tìm thấy lời giải đáp, nếu biết đào xới trong thơ Neruda. Thơ của Neruda là một kho tàng từ vựïng chính xác của con tim, y như “một người bạn thân tình và kín đáo thì thầm bên tai tôi về một thế giới đầy những điều kỳ diệu”. Dorfman quả quyết “Từ chính trị, tình yêu, món xúp cá, những con đường hẻm cho đến những chiếc đồng hồ, các vị anh hùng, nhà thổ, những kẻ độc tài, những nữ tu, bộ ngực, các loài chim biển, giày dép, bàn tay, những người thợ mộc, vân vân – tóm lại bất cứ những gì mà ta muốn biết về đời sống, đều có trong thơ Neruda. Neruda có thừa và rất thừa từ vựng mà nếu như không phải tất cả thì hầu hết trong số đó đều gần như toàn hảo”. Ðúng là một người Chile nói về thơ Neruda. Chẳng khác gì khi chúng ta đề cập đến truyện Kiều của Nguyễn Du!

Hãy đọc vài đoạn thơ tình của Neruda:

Love Me

Love me in the Springtime, when all is green and new,
Love me in the Summer, when the sky is oh so blue,
Love me in the Autumn, when the leaves are turning brown,
Love me in the Winter, when the snow is falling down.
[…]
Love me always darlin’, in the rain or shining sun,
Love me always darlin’, after all is said and done,
Love me always darlin’, until all our life is through,
Love me always darlin’, for I’ll be lovin’ you!
(Amanda Nicole Martinez dịch)

(Hãy yêu anh

Hãy yêu anh trong mùa xuân, khi tất cả đều xanh tươi và mới mẻ

Hãy yêu anh trong mùa hè, khi bầu trời xanh ngát

Hãy yêu anh trong mùa thu khi cây lá đổi màu

Hãy yêu anh trong mùa đông, khi tuyết dầm dề rơi

[…]

Mãi mai yêu anh em nhé, dù nắng hay mưa

Mãi mai yêu anh em nhé, khi mọi chuyện đã xong

Mãi mai yêu anh em nhé cho đến hết đời nhau

Mãi mãi yêu anh em nhé, vì anh luôn yêu em)

Một đoạn khác:

You can cut all the flowers but you cannot keep spring from coming.

I want to do to you what spring does with the cherry trees.

Love is so short, forgetting is so long.

(Em có thể cắt hết tất cả hoa nhưng không thể ngăn mùa xuân đến/Anh muốn mang cho em những gì mà mùa xuân mang cho những cây anh đào/Tình yêu thì quá ngắn, mà lãng quên lại quá dài)

Claudio Rojas, người phụ trách chương trình “Latin American Masterpiece” của đài BBC nhận xét “Tình yêu trở thành nỗi đau thực sự sống động đối với ông. Những bài thơ tình hết sức cuồng nhiệt bởi vì chúng đề cập đến tính bất khả thể của tình yêu, chúng nói về sự chia lìa giữa những người yêu nhau, qua thời gian, không gian, qua những ngăn cách xã hội và văn hóa. Nói cho đúng, có lẽ đó là những bài thơ không nói về tình yêu mà nói về phi-tình (unlove).”[12]

Hiện nay, tập thơ được đọc nhiều nhất của Neruda vẫn là tập thơ tình đầu đời: Veinte poemas de amor y una cancion desesperada.

Trong lời dẫn nhập của bộ tiểu sử về Pablo Neruda Pablo Neruda: A Passion for Life, để nêu bật hình ảnh của Neruda, Feinstein cho rằng Pablo Neruda là một phản đề (antithesis) của Jean-Paul Sartre. Trong khi Jean–Paul Sartre cảm thấy nôn mửa với thế giới chung quanh mình, thì Neruda cảm thấy vui vẻ ngay cả vào lúc cao điểm của cơn bệnh đau đớn và kéo dài của ông; trong khi Sartre muốn dạy (nguyên văn: teach) chúng ta tìm kiếm tự do cá nhân bằng cách thừa nhận cuộc đời là phi lý, thì Neruda cảm thấy con người – và hơn hết thảy, nhà văn – có bổn phận ôm lấy đời sống và cam kết tìm kiếm công lý xã hội. Do vậy, theo Feinstein, ngày nay khi cả thế giới sống với nhau như trong cùng một ngôi làng, khi thông điệp của Sartre trở nên trống rỗng thì lời kêu gọi của Neruda cho tình liên đới nhân loại có sức mạnh hơn bao giờ hết[13]. Quả là một so sánh buồn cười. “Nôn mửa” hay “phi lý” là những khái niệm triết lý mà Sartre dùng để phân tích bản chất của hiện sinh, chứ không phải là cách sống của Sartre, do đó, không thể ví von với cảm giác vui vẻ, yêu đời của nhà thơ được. Và Sartre cũng chẳng hề “dạy” ai phải làm gì cả qua triết lý của ông. Thơ của Neruda trong lúc đó, chỉ trừ tập trường thi Canto general, chẳng thiếu gì những bài thơ tuyệt vọng, buồn chán, phi lý (có phần còn hơn cả cái “nôn mửa” của Sartre) như chúng ta đã đề cập ở trên. Như ta biết, Sartre trong cuộc sống là một người tranh đấu cho công bằng xã hội đâu có kém gì Neruda và hơn thế nữa, ông theo một quan điểm còn rộng rãi hơn nhà thơ, vì triết gia này tuy tả khuynh nhưng không hề gia nhập đảng Cộng Sản. Sartre đứng về phía Cộng Sản chống lại chính sách của Mỹ trong cuộc chiến tranh Việt Nam, nhưng sau 1975, lại tích cực ủng hộ các thuyền nhân vượt biển trốn thoát chế độ Cộng Sản.

Trong lúc đó, Neruda, cho đến những giờ phút cuối đời, vẫn trung thành với lý tưởng Cộng Sản của mình. Ông chống đối chế độ Franco, chống đối cuộc chiến tranh Việt Nam, ủng hộ các phong trào giành độc lập của các dân tộc Nam Mỹ, của các dân tộc nhược tiểu và nhất là chống đối Hoa Kỳ kịch liệt. Có lần, Neruda phát biểu rằng chính cái đất nước sản xuất ra những George Washington, Abraham Lincoln, Walt Whitman đã chuyển thành một xứ sở mà mọi người trên trái đất đều ghét bỏ. Theo ông, Hoa Kỳ “không phải là Estados Unidos (Hợp Chúng quốc) mà là Estados Estúpidos” (Ngu Quốc = quốc gia ngu ngốc).[14] Không ai thắc mắc việc ông là đảng viên Đảng Cộng sản nếu hiểu như là một người tranh đấu cho công bằng xã hội. Ðiều đáng tiếc là việc trung thành với lập trường Cộng sản đã nhiều phen đánh mất sự công chính trong ông, như chính Feinstein đã trưng dẫn ra trong tác phẩm Pablo Neruda: A Passion for Life của mình. Ấy thế mà, Neruda lại hoàn toàn im lặng – im lặng đến khó hiểu – khi quân đội Xô Viết tấn công Hungary năm 1956, tấn công Tiệp Khắc vào mùa xuân 1968, im lặng trước việc nhà cầm quyền Liên Xô không cho nhà văn Boris Pasternak đi Thụy Ðiển lãnh giải văn chương Nobel, thờ ơ với việc nhà thơ Joseph Brodsky (người Nga, bị đưa ra tòa xử và bị trục xuất sang Hoa Kỳ, giải Nobel văn chương năm 1987) bị tòa án Liên Xô kết án. Ðặc biệt nhất là thái độ của ông đối với nhà độc tài Stalin.

Khi Tổng bí thư Khrushchev công bố tội ác của Stalin năm 1956, trong lúc nhiều thành phần tả khuynh trên thế giới tránh xa chủ nghĩa Stalin thì Neruda vẫn chần chừ, không dứt khoát. Theo nhà phê bình văn học Federico Schopf,[15] thì Neruda biết rất rõ những tội ác của Stalin, nhưng ông giữ im lặng vì những lý do chiến thuật. Sau này, trong tập thơ Estravagario, Neruda miễn cưỡng phê phán Stalin, nhưng cố phân biệt ra hai Stalin: một Stalin “hiện thân cho chiều hướng của ban ngày,” tức là phía ánh sáng, còn một Stalin “quyền hành tuyệt đối, phá hoại Ðảng Cộng sản và tự tách rời khỏi nhân dân.” Trong tập trường ca Canto General, Neruda ca ngợi Stalin như sau:

In three rooms of the old Kremlin

Lives a man named Josef Stalin

His bedroom light is turned off late.

The world and his country allow him no rest.

Other heroes have given birth to a nation

He helped to conceive his as well,

To build it,

To defend it[16]

(Trong ba căn phòng của điện Kremlin cổ
Một người đàn ông tên là Josef Stalin sống
Ánh sáng phòng ngủ thường tắt muộn
Thế giới và xứ sở ông không cho phép ông nghỉ ngơi
Những người anh hùng khác đã khai sinh ra một quốc gia
Ông đã góp phần thai nghén cũng như xây dựng, bảo vệ nó….)

Đoạn thơ này không khỏi nhắc nhở ta đến những dòng thơ tha thiết về nhà độc tài này của Tố Hữu độ nào, “Thương cha thương mẹ thương chồng/Thương mình thương một thương ông thương mười/Xít-ta-lin ơi, Xít-Ta-Lin ơi!”

Loại thơ ca nhuốm mùi tuyên truyền này khiến cho Neruda được tặng giải thưởng Stalin, nhưng đồng thời đã làm giảm giá trị nhà thơ rất nhiều, không những đối với kẻ thù của ông mà còn với cả những bạn hữu. Adam Feinstein gọi loại thơ đó là “melodramatic propaganda” (tuyên truyền kiểu phường tuồng, tuyên truyền rẻ tiền). Sau này, sau khi những tội ác tày trời của Stalin được chính Khruschev phơi bày ra trước thế giới, người ta đọc thấy những dòng thơ sau của ông, cũng về Stalin, trong tập Fin de mundo:

A million horrible portraits of Stalin covered the snow

With his jaguar’s moustache.

When we learned and bled

To discover sadness and death

Beaneath the snow on the meadows

We took a break from his portrait

And we breathed without his eyes on us,

Eyes which suckled such fear… (El Culto II)[17]

(Hàng triệu tấm chân dung khủng khiếp của Stalin phủ trùm lên tuyết
Với bộ râu mép con báo của ông ta.
Khi chúng ta học tập và đổ máu
Chỉ để khám phá ra toàn là đau buồn và chết chóc
Bên dưới lớp tuyết phủ đầy đồng cỏ
Chúng ta khỏi còn nhìn chân dung ông ta
Và khi thở, chúng ta khỏi phải bị đôi mắt ông ta nhìn chằm chằm
Đôi mắt nuôi dưỡng xiết bao hãi hùng…)

Phải chăng đây là một hình thức phản tỉnh?

Neruda, dù sao, cũng có cái may hơn Tố Hữu: chưa hề chính thức nắm quyền trong tay. Năm 1970, ông được Đảng Cộng sản đề cử ra làm ứng cử viên tổng thống đại diện cho các đảng cánh tả Chí Lợi. Nhưng bệnh hoạn của Neruda đã khiến dự tính đó thất bại. Rủi nhưng may và đó là may mắn cuối cùng của nhà thơ. Nếu đã từng có quyền sinh sát trong tay như Tố Hữu, thì thế giới cũng sẽ có Neruda, nhưng một Neruda sứt mẻ hơn nhiều. Quyền hành bao giờ cũng làm biến chất con người, kể cả thánh nhân, điều dường như đã trở thành định luật.

*

Dù thích hay không thích, cũng phải thừa nhận rằng Neruda là một khuôn mặt văn chương vĩ đại, không những đối với các nước nói tiếng Tây Ban Nha, mà còn cả trên thế giới. Gabriel Garcia Marquez cho rằng “Neruda là nhà thơ vĩ đại nhất của thế kỷ 20 dù ở trong bất cứ ngôn ngữ nào.” Với nhà văn Carlos Fuentes, “Pablo Neruda là vua của ngôn ngữ. Bất cứ điều gì ông sờ đến đều trở thành thơ.” Di sản và danh tiếng của ông còn vượt ra ngoài trái đất: tên của ông được các nhà khoa học đặt cho một miệng hố trên Thủy Tinh (Mercury), một trong 9 hành tinh của mặt trời. Ít có nhà thơ nào làm thơ nhiều như ông. Và ít có nhà thơ nào mà thơ được dịch ra nhiều thứ tiếng và bán được hàng triệu ấn bản và vẫn tiếp tục bán được hàng

chục năm sau khi chết như ông.

Nếu thơ ông đa dạng, lắm khi mâu thuẫn lẫn nhau thì con người và cuộc đời ông cũng mâu thuẫn và đa dạng không kém. Neruda không chỉ là một nhà thơ, nhà ngoại giao, chính khách mà còn là người mê rượu, mê đàn bà, mê nhạc. Là một người Cộng sản, nhưng lại giàu có. Ðứng về phía người nghèo để tranh đấu cho họ, nhưng với tiền bạc dồi dào, ông sống một đời sống thượng lưu. Lại yêu đương bừa bãi, có lúc dan díu với cả cháu vợ của mình. Viết hàng ngàn bài thơ tình, nhưng ông chẳng bao giờ trung thành với bất cứ ai. Ở Neruda, ta có thể tìm thấy đó là một tay đãng tử, một con người lãng mạn đa tình, một kẻ ưa suy gẫm về chuyện triết lý siêu hình, một chính trị gia chuyên nghiệp, một phần tử phiêu lưu, một người ưa nổi loạn, một kẻ lập dị, một nhà thông thái…, tóm lại, hầu như ta có thể tìm thấy bất cứ một Neruda nào mà ta muốn. Hernan Loyola, nhà phê bình văn học nhận xét, “Nếu bạn có một Neruda toàn tập, bạn có thể đối thoại với nhà thơ trong bất cứ trạng thái tinh thần nào: bạn có thể tìm thấy hy vọng ngay trong sự cô đơn, ngay giữa một cuộc tình không hạnh phúc hay giản dị ngay trong lúc đang suy nghĩ. Neruda phát triển quá nhiều khía cạnh khác nhau trong đời sống và thi ca của ông đến nỗi trong bất kỳ hoàn cảnh nào chúng ta cũng tìm thấy một lời nhắn gửi ông dành cho mỗi một chúng ta. Ông hiện thân cho thân phận con người trong tất cả thiện tính, ác tính, cái tầm thường và những mâu thuẫn của chúng ta.”[18] Chính Neruda cũng tự gọi mình:

mi más pérfido enemigo,

Pablo Neruda.

(…kẻ thù bội bạc nhất của tôi là Pablo Neruda)

Tổ chức lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh để vinh danh Neruda như một tài sản quốc gia vào năm 2004 là một cử chỉ của chính quyền Chile bù đắp cho những bất công trước đây đối với ông giống như nhà cầm quyền Pháp đã thực hiện cho nhà văn Alexandre Dumas-père vào tháng 11/2002 khi chuyển nắm tro tàn của nhà văn vốn bị kỳ thị này vào điện Panthéon, hơn 130 năm sau khi ông chết. Hơn thế nữa, theo Egana, điều đó còn nói lên một cử chỉ hối hận chính thức về cách cư xử không đẹp mà các chính quyền trước đây áp dụng đối với nhà thơ. “Ðó là một hành vi sám hối,” Egana cho biết.

Sau khi chế độ độc tài của Pinoche sụp đổ vào năm 1990, Chile trở thành một nước dân chủ với nền kinh tế phát triển theo hướng tư bản chủ nghĩa. Trong một nước Chile đổi mới, khi những tranh chấp ý thức hệ dữ dội trong quá khứ càng ngày càng tỏ ra mờ nhạt và khi nền kinh tế quốc gia ngày càng tăng trưởng mạnh, những thù hận cũ giữa phe bảo thủ và phe cấp tiến không còn là vấn đề nữa, nên việc phục hồi những giá trị và vinh dự quốc gia đã trở nên những điều mà mọi người dân Chile đều mong muốn. Chính quyền đã đứng ra cải táng cho nhiều nhân vật đã bị chết oan khuất trước đây, trong đó có cả cựu tổng thống Salvador Allende, nguyên Bộ trưởng Orlanda Letelier và Pablo Neruda. Các buổi lễ cải táng đã diễn ra như những ngày hội có tính cách quốc gia.

Trong một nghĩa nào đó, buổi lễ chính thức kỷ niệm 100 năm ngày sinh Neruda đánh dấu một bước mới trong việc tạo ra một quốc gia Chile hoàn toàn mới mẻ, trong đó, những mâu thuẫn của quá khứ được chuyển thành một giai đoạn lịch sử được chia xẻ giữa thảm kịch và vinh quang. “Mười bốn năm sau khi chế độ độc tài chấm dứt, đất nước bây giờ đã tìm thấy lại niềm vui của nó,” Egana nói.

Việt Nam chưa có và có lẽ không cần lắm phải có một Neruda. Nhưng rất cần một thái độ sám hối và hòa giải chân thành từ nhà cầm quyền Cộng sản, biến nó thành một lễ hội quốc gia. Như nước Chile đang làm, chẳng hạn. Hãy thử quên đi những kiêu hãnh phù du về quá khứ. Vì bất kỳ một chiến thắng nào cũng chứa đựng trong bản thân nó vô số bi kịch. Khi nào những bi kịch quá khứ chưa được thanh thỏa, thì có lẽ còn lâu mới nói đến chuyện phục hưng thực sự.

THT

(Từ “Tác giả, tác phẩm và sự kiện”, nxb Văn Mới, California, Hoa Kỳ, 2005.

Tác giả nhuận sắc tháng 12/2017)


[1] Xem Adam Feinstein, Pablo Neruda: A Passion for Life”, Bloomsbury, New York & London, 2004 các trang từ 333–335

[2] Rene de Costa, The Poetry of Pablo Neruda, Harvard University Press, Cambridge, Massachusetts 1979, tr. 1

[3] Tôi dịch ra tiếng Việt dựa theo bản dịch nghĩa Anh Văn của René de Costa. Tất cả các đoạn Việt dịch trong bài này đều dựa theo Costa.

[4] Pablo Neruda, Une hora de charla con Pablo Neruda, El Mercurio, 10/10/1926. Dẫn lại theo René de Costa, sđd tr. 43

[5] Dẫn theo René de Costa, tr. 11

[6] Dẫn theo René de Costa, sđd tr. 144

[7] René de Costa, sđd, tr. 16

[8] Ariel Dorfman , “Pablo Neruda, Shaping the World With His Words”, Washington Post 26/9/2003

[9] Ðêm nay, tôi có thể viết những giòng thơ buồn nhất

[10] Hai mươi bài thơ tình

[11] Một bài ca tuyệt vọng

[12] Claudio Rojas, Fans celebrate Neruda centenary, BBC News 12/7/2004

[13] Xem Adam Feinstein, sđd, tr. 2

[14] Theo Adam Feinstein, sđd, tr. 362

[15] Federico Schopf, “Reception and Context of Pablo Neruda’s Poetry”, dẫn theo Adam Feinstein, sđd, tr. 364

[16] Dẫn theo bản tiếng Anh từ Adam Feirnstein, sđd, tr. 213

[17] Dẫn theo bản tiếng Anh từ Adam Feirnstein, sđd, tr. 363

[18] Dẫn theo Adam Feinstein, tr. 421

Comments are closed.