Sinh thái học chiều sâu và Đạo học Trung Hoa

Nguyễn Thị Thúy Hạnh

Lịch sử phát triển của xã hội gắn liền với lịch sử khai thác sử dụng tài nguyên sinh vật phục vụ cho các nhu cầu ngày càng đa dạng, ngày càng cao hơn của con người, nhưng đồng thời, cũng kéo theo nhiều bất cập và ảnh hưởng nguy hại tới sinh thái. Xuất phát từ đó, tư tưởng về sinh thái, về mối quan hệ giữa con người với sinh thái ra đời và phát triển. Trong phổ hệ sinh thái nhân loại nói chung, tư tưởng sinh thái học chiều sâu và sinh thái luận Đạo học đồng quy ở nhiều điểm. Xét về mặt bản chất, sự ra đời của hai học thuyết này đều là một cách phản tư về xã hội, tự nhiên và tâm thái, tư tưởng thời đại.

1. Sinh thái học chiều sâu

1.1. Nguồn gốc và sự phát triển của sinh thái học chiều sâu

Từ thời kỳ công nghiệp hóa đến nay, nhân loại đã trải qua hơn hai trăm năm. Sự phát triển của khoa học, công nghệ nhằm thúc đẩy kinh tế phát triển, nhưng bên cạnh đó cũng làm tăng quy mô khai thác tự nhiên, để lại những hậu quả nặng nề: hoàn cảnh môi trường toàn cầu bị phá vỡ, sinh thái tự nhiên bị đe dọa và hủy hoại. Đặc biệt là trong thế kỷ 21, những nguy cơ của môi trường sinh thái ngày càng trở nên nghiêm trọng và phức tạp: sự bùng nổ dân số, tài nguyên dần dần cạn kiệt, động vật quý hiếm bị tiệt chủng, tình trạng ô nhiễm, mất cân bằng sinh thái, trầm cảm tinh thần…ngày càng đe dọa đến sự sống trên trái đất. Trong bối cảnh này, tư tưởng lý luận về môi trường sinh thái của phương Tây vì thế mà nảy sinh. Cùng với nó, từ những năm 60 đến những năm 80 của thế kỷ XX, phong trào trở về với tự nhiên, phong trào bảo vệ môi trường trở nên phổ biến, điều này cho thấy vấn đề bảo vệ môi trường của con người trên thế giới được đặt ra ngày càng bức thiết.

Trong truyền thống triết học phương Tây, con người luôn được coi là trung tâm, từ nhận thức này mà ra đời chủ nghĩa duy lý, chủ nghĩa nhân loại trung tâm, chủ nghĩa vị kỷ chủng loại. Tư duy nhị nguyên (dualistic) phương Tây chia thế giới thành hai phần: con người và tự nhiên. Trong mối quan hệ với tự nhiên, con người được đề cao với sức mạnh, ưu thế, khả năng chinh phục và làm chủ tự nhiên, có quyền thống trị và khai thác tự nhiên, đồng thời con người cũng tự coi mình là giới thượng đẳng. Với mục đích phản tư lại quan điểm nhân loại trung tâm luận truyền thống, lý luận về đạo đức sinh thái ra đời. Sinh thái luận xây dựng những chuẩn mực, quy tắc ứng xử của con người trong mối quan hệ với tự nhiên, lên án quan điểm nhân loại trung tâm, phê phán việc con người khai thác tự nhiên phục vụ cho lợi ích của mình, kêu gọi đạo đức và trách nhiệm của con người đối với môi trường sinh thái.

Kế thừa quan điểm duy sinh vật của lý luận đạo đức sinh thái, năm 1933, Aldo Leopold[1] phát triển thành giá trị quan sinh thái một cách có hệ thống. Nhấn mạnh vào “lương tâm sinh thái” (“the ecological conscience”), A. Leopol cho rằng: sự hoàn chỉnh, ổn định và vẻ đẹp của sinh thái là nguyên tắc luân lý và tiêu chuẩn của thiện ác. Khuynh hướng duy sinh thái (còn gọi là “luân lý học trái đất”) của A. Leopol nhấn mạnh: Toàn bộ điều kiện của môi trường như đất, nước, không khí, động vật, cỏ cây, con người đều là những nhân tố hợp thành của thiên nhiên, có giá trị sinh thái nhất định và phải được tôn trọng.

Chính tư tưởng mang tính hệ thống của A. Leopol đặt tiền đề cho sự ra đời của sinh thái học chiều sâu (Deep ecology) mà Arne Dekke Eide Næss phát triển sau này. Nhưng nó có thể được tìm thấy sớm hơn nữa từ bài nghiên cứu của Lynn White Jr. năm 1974: “Những gốc rễ lịch sử của khủng hoảng sinh thái”. Trong bài viết này, Lynn White cho rằng, các truyền thống triết học và tôn giáo phương Tây như là cơ sở của hoàn cảnh hiện tại: “Sinh thái nhân loại được điều khiển sâu xa bởi niềm tin về bản chất và số phận của chúng ta”[2]. Tuy nhiên phải đến Arne Næss, khái niệm “Sinh thái học bề sâu” (Deep Ecology) mới chính thức được phổ biến (1982)[3]. Sinh thái học chiều sâu chỉ việc đào sâu tư tưởng lý luận sinh thái để dò tìm những vấn đề mang tính căn bản của sinh thái. Sinh thái học chiều sâu quan sát nguy cơ nghiêm trọng của môi trường hiện tại, phê phán “độ nông” (Shallow Ecology) trong tư tưởng sinh thái học truyền thống, đồng thời trả lời cho câu hỏi nhân loại sẽ đi về đâu.

Chủ nghĩa sinh thái chiều sâu chủ trương môi trường tự nhiên không chỉ có giá trị với nhân loại như một công cụ, mà là còn có một dạng giá trị tồn tại bên trong, bao gồm cả giá trị đạo đức. Chủ nghĩa sinh thái chiều sâu thừa nhận bản thân môi trường tự nhiên có thuộc tính đạo đức, thừa nhận con người và môi trường tự nhiên có giá trị bình đẳng, từ đó đưa ra các vấn đề giải quyết nguy cơ của môi trường. Các tác giả của chủ nghĩa sinh thái chiều sâu đều thống nhất quan điểm: phản đối chủ nghĩa nhân loại trung tâm, nhấn mạnh con người và tự nhiên là một chỉnh thể hữu cơ. Theo Naess, “mọi sinh vật, dù là người, động vật hay thực vật đều có quyền sinh sống bình đẳng và nở hoa”[4]. Thông qua bản ngã, Naess nhấn mạnh, sự khác biệt giúp nhận biết một “tiểu ngã” hẹp hòi, nhưng bản thân chúng ta là một phần của toàn thể sinh thái. Tương tự, những người theo thuyết bảo vệ động vật giới định tiêu chuẩn là năng lực cảm giác cụ thể, động vật được coi như một chủ thể đạo đức, chúng có nội hàm giá trị tự thân cũng như lợi ích. Nhiều học giả theo thuyết sinh thái Anh, Mỹ cũng nhấn mạnh “lý luận về sự tôn trọng sinh mệnh”, đó là dạng lý luận mang màu sắc “utopia” (không tưởng) mà Leopold Ritter von Sacher – Masoch làm đại biểu. Đây là một bước tiến có tác dụng “chiều sâu hóa” đối với sinh thái học chiều sâu. Arne Naess nói, “hiện nay chúng ta cần phải mở rộng một dạng tư tưởng sinh thái, tôi gọi là sinh thái trí tuệ”.

Næss phủ định ý tưởng rằng có thể xếp hạng theo giá trị tương đối của nó, ví dụ, việc cho rằng thứ hạng của động vật con người là cao hơn so với các động vật khác. Từ góc độ sinh thái, ông tuyên bố: “quyền của tất cả các dạng sống là một quyền phổ quát không thể định lượng được. Không một loài sinh vật nào có quyền sống đặc biệt hơn những loài vật khác”. Ý tưởng siêu hình này được làm sáng tỏ trong lời tuyên bố của Warwih Fox rằng: nhân loại và tất cả chúng sinh là “những khía cạnh của một thực tại đang mở ra”. Chủ nghĩa sinh thái chiều sâu củng cố quan điểm của Aldo Leopold trong cuốn sách A Sand County Almanac của ông, rằng con người là “những thành viên bình đẳng của cộng đồng sinh học”. Họ cũng ủng hộ “đạo đức đất đai” (“Land Ethic”) của Leopold: “một điều trở nên đúng khi nó có xu hướng bảo vệ sự toàn vẹn, ổn định, và vẻ đẹp của cộng đồng sinh vật. Sẽ là sai lầm khi nó có xu hướng khác”. Daniel Quinn, trong cuốn tiểu thuyết Ishmael, cho thấy huyền thoại về nhân – triết học là nền tảng cho quan điểm hiện tại của chúng ta về thế giới. Các vấn đề sinh thái mà thế giới phải đối mặt ngày nay là do mất đi giá trị truyền thống, đạo đức hành vi để đánh giá bản chất và sự thiêng liêng của thế giới tự nhiên và bảo vệ được tầm quan trọng của thiên nhiên.

1.2. Lý luận căn bản của sinh thái học chiều sâu

Sinh thái học chiều sâu đưa ra một nền tảng triết học về sự vận động của môi trường, từ đó hướng những hoạt động của con người đến việc bảo vệ sinh thái – đồng nghĩa với việc chống lại sự tự hủy diệt. Sinh thái học chiều sâu cho rằng, những hành động của nền văn minh hiện đại đe dọa đến phúc lợi sinh thái toàn cầu, dấn đến mất cân bằng năng lượng và “sự thay đổi liên tục của môi trường” (flux of nature). Các nhà môi trường khẳng định, hoạt động kinh tế của con người đã đẩy sinh quyển khỏi hiện trạng tự nhiên thông qua việc giảm đa dạng sinh học, biến đổi khí hậu và các ảnh hưởng tiêu cực khác. Kết quả, nền văn minh kỹ trị đang gây ra sự tuyệt chủng hàng loạt với tốc độ từ 100 loài mỗi ngày và có thể là 140000 loài mỗi năm, gấp 10000 lần tốc độ tuyệt chủng. Nicholas Goodrick-Clarke viết, “dân số của con người trên trái đất có thể bị giảm xuống còn khoảng 100 triệu”.

Các nhà sinh thái học chiều sâu lý giải sự chuyển biến của môi trường về mặt triết học và nghĩ đến “trị liệu” những nguy cơ trước mắt của nó. Đó là sự chuyển biến bao gồm sự chuyển biến của cá nhân và văn hóa, nó có thể ảnh hưởng tới chính trị cơ bản và kết cấu hình thái ý thức, qua đó, “bồi dưỡng ý thức sinh thái, nhận thức về nhân loại, động thực vật cho đến địa cầu như một chỉnh thể”[5].

Như vậy, cơ sở triết học của sinh thái học chiều sâu nhấn mạnh yếu tố chỉnh thể luận: (1) mọi vật đều có quan hệ tương liên, (2) chỉnh thể lớn hơn bộ phận, (3) ý thức dựa vào hoàn cảnh, (4) quá trình ưu tiên hơn bộ phận, (5) nhân loại và giới tự nhiên thống nhất.

Hai điều kiện tiêu chuẩn cao nhất của sinh thái học chiều sâu là “tự ngã trung tâm” và “trung tâm sinh thái của chủ nghĩa bình đẳng”[6].

Với “thực hiện tự ngã”, tiêu chuẩn thiết yếu của nó là nguyên tắc bình đẳng của chủ nghĩa sinh thái trung tâm, chỉ mọi sinh vật trong sinh vật quyển có quyền tồn tại và phát triển. Dewell và Sessions nói: “tất cả mọi sự vật trong sinh vật quyển đều có quyền tồn tại và phát triển bình đẳng, bao gồm có quyền thể hiện và hoàn thiện mình trong một bối cảnh rộng lớn hơn”[7]

Trong con mắt của các nhà sinh thái học, tất cả các đối tượng trong sinh quyển đều có giá trị nội tại, là thứ có thể thận ra được bằng trực giác, không cần thiết phải dựa vào logic để chứng minh. Naess cho rằng: “trong công tác sinh thái, sự bình đẳng trong tồn tại và phát triển là một giá trị công lý được chứng minh bằng trực giác”. Trên trái đất, sự thịnh vượng của sinh mệnh nhân loại với giới tự nhiên tạo thành một giá trị nội tại.

Như vậy, tư tưởng cơ bản của chủ nghĩa bình đẳng sinh thái trung tâm là tất cả các sinh vật và thực thể trong sinh quyển như một phần của toàn bộ, đều có giá trị nội tại bình đẳng. Nghĩa là, trong hệ sinh thái, tất cả chúng sinh đều có mục đích nội tại, có giá trị nội tại, ở cùng một vị trí, không phân biệt về địa vị, và con người chỉ là một trong nhiều loài trong mối quan hệ sinh thái tự nhiên, không cao hơn các loài khác, cũng không thấp hơn các loài khác.

1.3. Đặc điểm của sinh thái học chiều sâu

Như trước đã nói, sự xuất hiện của sinh thái học chiều sâu là một quá trình phát triển từ sự tiến hành phê phán đối với quan điểm sinh thái truyền thống phương Tây (mà Naess gọi là “sinh thái học độ nông” – Shallow ecology). Vì thế, muốn lý giải một cách chuẩn xác những đặc điểm chủ yếu của sinh thái học chiều sâu tất yếu phải từ sự so sánh sinh thái học chiều sâu với quan điểm sinh thái truyền thống.

Cái gọi là “chiều sâu” (deep) của sinh thái học chiều sâu có nghĩa là, đối với quan điểm sinh thái truyền thống mang tính “nông” (shallow – tạm dịch Shallow ecology), nó đặt ra một sự truy vấn, phản tư có tính “chiều sâu”. Sinh thái học bề sâu nhấn mạnh “chiều sâu của vấn đề”, thông qua sự truy vấn nguồn gốc và biểu đạt bản chất. Quan điểm sinh thái truyền thống đứng trên lập trường chủ nghĩa nhân loại trung tâm, coi lợi ích của con người cao hơn trong mối quan hệ với thiên nhiên. Vì vậy, sinh thái truyền thống xuất hiện và vận động trên cơ sở lợi ích của con người chứ không phải lợi ích của chỉnh thể tự nhiên. Ngược lại, sinh thái học chiều sâu dựa trên lập trường là chủ nghĩa sinh thái trung tâm, đi ngược lại với chủ nghĩa nhân loại trung tâm, phi nhị nguyên luận. Sinh thái học chiều sâu nhấn mạnh, nhân loại không có quyền làm phá vỡ tính nguyên thể của hệ thống sinh thái, bởi sinh thái có giá trị nội tại, độc lập, mặt khác, nếu như tự nhiên bị hủy hoại, đời sống con người cũng không thể tốt đẹp.

Thứ hai, nó cho rằng, con người không chỉ có nghĩa vụ đối với sinh mệnh, mà còn có nghĩa vụ đạo đức đối với hệ thống sinh thái do động thực vật tạo nên. Sự tồn tại của con người với hoàn cảnh tự nhiên là mật thiết, là một chỉnh thể không thể tách rời; con người có nghĩa vụ với các giá trị tồn tại của động thực vật, có nghĩa vụ duy trì và thúc tiến những giá trị nguyên chỉnh và ổn định của hệ thống sinh thái.

Quan điểm sinh thái truyền thống khiến con người trở thành nguồn gốc của mọi giá trị, thế giới tự nhiên chỉ tồn tại bên ngoài, mang tính công cụ. Nó đã lấy lợi ích của con người làm xuất phát điểm và quay về, cho rằng việc bảo vệ tài nguyên môi sinh là nhằm để con người tồn tại ngày càng tốt hơn. Quan điểm sinh thái truyền thống cho rằng, bảo vệ môi trường không phải là vì bản thân môi trường, mà vì giá trị của nó đối với con người, môi trường một khi tách khỏi thực thể người liền đánh mất đi ý nghĩa tồn tại. Vì thế, quan điểm sinh thái truyền thống chỉ chú ý đến giá trị của con người, sự quan tâm dành cho tự nhiên chẳng qua là một dạng thực hiện hóa những giá trị đó, vì thế nó không cần đặt câu hỏi về tầng sâu, căn nguyên của môi trường sinh thái. Sinh thái truyền thống hướng đến việc khai thác tài nguyên với mục tiêu nhằm thịnh vượng và giàu có cho quốc gia. Ngược lại, sinh thái học chiều sâu xuất phát từ lập trường chỉnh thể luận, lấy chỉnh thể sinh vật quyển cho tới vũ trụ, nhìn nhận như một hệ thống sinh thái, cho rằng trong hệ thống sinh thái đó, mỗi một sự vật đều có mối quan hệ tương hỗ, tác dụng tương sinh, nhân loại chỉ là một bộ phận của hệ thống, con người không phải nằm bên ngoài tự nhiên, mà bên trong tự nhiên. Quan điểm chỉnh thể luận sinh thái nhấn mạnh mỗi một vật đều tồn tại trong một hệ thống chỉnh thể mạnh mẽ, mỗi vật tồn tại trong hệ thống sinh thái đều có giá trị nội tại của nó[8].

Trên bình diện xã hội học, quan điểm sinh thái truyền thống là một dạng học thuyết mang tính cải lương. Nó thường lấy nguy cơ sinh thái của tài nguyên thiên nhiên quy kết về vấn đề “kỹ thuật”, tin rằng chế độ xã hội khi tiến thêm về mặt kỹ thuật sẽ có thể giải quyết được vấn đề môi trường mà con người đang đối diện. Nó cho rằng nguy cơ trước mắt của môi trường sinh thái chẳng qua là do mặt tốt của bản chất xã hội bị “che lấp”, là do kết quả của khoa học kỹ thuật phát triển chưa đủ mạnh. Trong khi đó, sinh thái học chiều sâu cho rằng căn nguyên của nguy cơ sinh thái là do vấn đề chế độ và nguy cơ văn hóa. Donald Worster nhận định: “Nguyên nhân ban đầu của nguy cơ sinh thái mang tính toàn cầu mà ngày nay chúng ta phải đối mặt, không phải ở bản thân hệ thống sinh thái, mà nằm ở hệ thống văn hóa của chúng ta”.

Trong nguyên tắc hành vi ứng xử với tự nhiên, sinh thái học chiều sâu đưa ra 8 điều, như chế độ chính trị, chế độ kinh tế, ý thức văn hóa… chẳng hạn:

+ Chúng ta phải thay đổi chính sách, đó là những chính sách có ảnh hưởng đến những kết cấu căn bản của kinh tế, kỹ thuật và hình thái ý thức

+ Sự cải biến hình thái ý thức chủ yếu là bình giá về phương diện sự bình đẳng của sinh mệnh, chứ không phải là kiên trì mục đích đề cao tiêu chuẩn lợi ích của đời sống

+ Khẳng định tầm quan trọng thiết yếu của việc điều chỉnh, cải thiện, bảo hộ hoàn cảnh con người sinh tồn…

2. Sinh thái luận Đạo học

2.1. Lịch sử phát triển của tư tưởng sinh thái luận Đạo học

Có thể nói, trong lịch sử triết học Trung Quốc, Lão Tử là người đầu tiên đề xuất “tự nhiên” như một phạm trù trọng yếu (Đạo pháp tự nhiên). Phạm trù trung tâm của Đạo gia là Đạo – Đức. Thực chất, “đạo” là sự thăng hoa của triết học trừu tượng thời kỳ thị tộc mẫu hệ. Lão tử lấy “đạo” để chỉ “mẫu” (“huyền tẫn chi môn”), ẩn dụ cho “thiên địa mẫu”, “vạn vật chi mẫu”.

Đạo và Đức trong tư tưởng Lão tử là là một dạng vũ trụ quan, lịch sử quan, là một dạng đạo đức sinh thái. “Đạo” là học thuyết luận về bản thể, đạo là căn bản và nguồn gốc của vũ trụ vạn vật. Từ “đạo”, Lão tử nói đến quá trình vũ trụ sáng tạo nên muôn vật:

Hữu vật hỗn thành, tiên thiên địa sinh. Tịch hề liêu hề, độc lập nhi bất cải, chu hành bất đãi, khả dĩ vi thiên địa mẫu. Ngô bất tri kì danh, tự chi viết đạo, cưỡng vị chi danh viết đại. Đại viết thệ, thệ viết viễn, viễn viết phản. (Đạo Đức Kinh, chương 25) [Có một vật hôn độn mà thành trước cả trời đất. Nó yên lặng (vô thanh) trống không (vô hình), đứng một mình mà không thay đổi (vĩnh viễn bất biến), vận hành khắp vũ trụ mà không ngừng, có thể coi nó là mẹ của vạn vật trong thiên hạ. Ta không biết nó là gì, tạm đặt tên nó là đạo, miễn cưỡng gọi nó là lớn (vô cùng).

Đạo khả đạo, phi thường đạo; danh khả danh, phi thường danh. Vô danh, thiên địa chi thủy: hữu danh, vạn vật chi mẫu (Đạo Đức Kinh, chương 1) [Đạo mà có thể diễn tả được thì không phải là đạo vĩnh cửu bất biến; tên mà có thể đặt ra để gọi nó [đạo] thì không phải là tên vĩnh cửu bất biến. “Không“, là gọi cái bản thủy của trời đất; “Có” là gọi mẹ sinh ra muôn vật. Cho nên, tự thường đặt vào chỗ “không” là để xét cái thể vi diệu của nó [đạo]; tự thường đặt vào chỗ “Có” là để xét cái [dụng] vô biên của nó.]

Thiên hạ vạn vật sinh ư hữu, hữu sinh ư vô (Đạo Đức Kinh, chương 40) [Luật vận hành của đạo là trở lại lúc đầu [trở lại gốc], diệu dụng của đạo là khiêm nhu. Vạn vật trong thiên hạ từ “có” mà sinh ra; “có” lại từ “không” mà sinh ra.]

Đồng thời dùng nguyên lý sinh dưỡng để thuyết minh mối quan hệ của vạn vật:

“Thiên hạ hữu thủy, dĩ vi thiên hạ mẫu. Ký đắc kỳ mẫu, dĩ tri kỳ tử. Ký tri kỳ tử phục thủ kỳ mẫu. Một thân bất đãi. (Đạo Đức Kinh, chương 52) [Vạn vật có nguồn gốc (Đạo), nguồn gốc đó là mẹ của vạn vật. Nắm được mẹ (hiểu được Đạo) là biết con (vạn vật); đã biết được con mà lại giữ được mẹ thì suốt đời không nguy.]

“Đại đạo phiếm hề, kì khả tả hữu. Vạn vật thị chi dĩ sinh nhi bất từ, công thành nhi bất hữu, y dưỡng vạn vật nhi bất chủ. (Đạo Đức Kinh, chương 34) [Đạo lớn lan tràn khắp có thể qua bên trái, qua bên phải. Vạn vật nhờ nó mà sinh trưởng mà nó không can thiệp vào, công thành rồi mà không nhận là của mình; nó nuôi dưỡng vạn vật mà không làm chủ vạn vật]

Lão tử trình bày nhận thức về quan hệ giữa người và tự nhiên. Đạo bắt chước tự nhiên, đạo tức là tự nhiên, đạo với tự nhiên là một. Để thuận theo đạo, con người với tự nhiên cũng là một. “Trở về với tự nhiên” là lý luận cơ bản của Lão tử. Để đạt tới cảnh giới viên mãn, con người phải quay trở về tự nhiên – đạo lớn lưu hành.

“Đạo đại, thiên đại, địa đại, nhân diệc đại, vực trung hữu tứ đại, nhi nhân cư kỳ nhất yên. Nhân pháp địa, địa pháp thiên, thiên pháp đạo, đạo pháp tự nhiên” (Đạo Đức Kinh, chương 25) [Đạo lớn, trời lớn, đất lớn, người cũng lớn. Trong vũ trụ có bốn cái lớn mà người là một. Người bắt chước đất, đất bắt chước trời, trời bắt chước đạo, đạo bắt chước tự nhiên]

Triết học phương Đông cổ điển nhìn nhận thế giới này theo tam thức (trinome) “thiên – địa – nhân”, Đạo sản sinh quá trình của vạn vật. Quan niệm “thiên nhân tương quan”, “thiên nhân hợp nhất” là một đặc điểm của triết học Trung Hoa, không chỉ tồn tại trong tư tưởng của Đạo giáo, mà xuất hiện ở cả Nho giáo. Đổng Trọng Thư đời Hán viết: “trời, đất và người là cái gốc của vạn vật. Trời sinh vạn vật, đất nuôi vạn vật, người làm thành vạn vật”. Nho giáo cho rằng thiên nhiên và con người có liên hệ lẫn nhau, cần giữ sự cân bằng vạn vật, “đạt đến trung dung hài hòa, trời đất nằm ở đó, vạn vật nhờ đó mà được nuôi dưỡng vậy” (chí trung hòa, thiên địa vị yên, vạn vật dục yên). Theo Nho giáo, cách sống lý tưởng là theo luật trung hòa, luật quân bình của vũ trụ, sống theo “đạo trời” hay “thiên đạo” – sống hài hòa với trời đất.

2.2. Nội dung chủ yếu của tư tưởng sinh thái luận Đạo học

2.2.1. Vạn vật bình đẳng

Lão Trang nhận thức, đạo là nguồn gốc của vạn vật, người và vật đều là một bộ phận của thiên địa vạn vật, có vai trò bình đẳng (“vật vô quý tài”).

Trong thiên Thu thủy, Trang tử viết:

“Dĩ đạo quan chi, vật vô quý tiện; dĩ vật quan chi, tự quý nhi tương tiện; dĩ tục quan chi, quý tiện bất tại kỷ. Dĩ sai quan chi, nhân kỳ sở đại nhi đại chi, tắc vạn vật mạc bất đại; nhân kỳ sở tiểu nhi tiểu chi, tắc vạn vật mạc bất tiểu. [Trang Tử, Thu Thủy] (Theo phương diện Đạo mà xét, vật chẳng quý chẳng tiện. Từ bản thân của vật mà xét, mỗi vật tự cho mình quý và coi vật khác là tiện. Từ quan điểm thế tục mà xét, quý và tiện không nằm tại bản thân sự vật. Từ sự khác biệt của vật mà xét, do tầm cỡ lớn mà cho rằng chúng lớn thì vạn vật chẳng thứ nào mà không lớn; do tầm cỡ nhỏ mà cho rằng chúng nhỏ thì vạn vật chẳng thứ nào mà không nhỏ)

Quý và tiện đều không có sự phân biệt, vạn vật dù to nhỏ, ngắn dài… đều không có sự khác biệt:

Kỳ phân dã, thành dã; kỳ thành dã, hủy dã. Phàm vật vô thành dữ hủy, phục thông vi nhất” (Trang Tử, Tề Vật Luận) [Vạn vật có phân ly, ắt có thành tựu. Có thành tựu, ắt có hủy diệt. Vạn vật [thực chất] không có thành tựu và không có hủy diệt, bởi vì tất cả đều trở về với Một (tức là Đạo)].

Thiên trường địa cửu, thiên địa sở dĩ năng trường thả cửu giả, dĩ kỳ bất tự sinh, cố năng trường sinh (Đạo đức kinh, chương 7) [Trời dài, đất lâu. Trời đất sở dĩ dài lâu chính vì không sống cho mình, vì thế nên trường sinh]

2.2.2. Trở về với tự nhiên

“Các phục qui kỳ căn” (quay về với tự nhiên), “đạo pháp tự nhiên” (đạo bắt chước tự nhiên) là tư tưởng căn bản nhất của Lão tử.

Trí hư cực, thủ tịnh đốc, vạn vật tịnh tác, ngô dĩ quan phục, phù vật vân vân, các phục quy kỳ căn” (Lão tử, chương 16) [Đến chỗ cùng cực hư không, là giữ vững được trong cái tịnh, muôn vật đều cùng sinh ra, ta lại thấy nó trở về gốc. Ôi mọi vật trùng trùng, đều trở về cội rễ của nó ]

Xã hội loài người từ xưa luôn tồn tại hai mâu thuẫn lớn: một là, con người đấu tranh với tự nhiên, khai thác tự nhiên, dẫn đến phá hoại môi trường sinh thái; hai là, con người đấu tranh với nhau để sinh tồn, dẫn đến mâu thuẫn bất hòa trong xã hội. Theo Lão tử, ngoài sự trở về với tự nhiên, thì để tìm được sự cân bằng cho xã hội, cần phải thực hành “thiên chi đạo, tổn hữu dư nhi bổ bất túc” (đạo của trời, bớt chỗ thừa mà bù vào chỗ thiếu). Lão tử hướng đến một xã hội thuần phác, giản dị, tự nhiên, hòa bình, không tranh giành, không dùng vũ lực. Muốn đạt đến xã hội đó, con người phải quay trở về tự nhiên, đồng thời, lấy “vô vi” làm thái độ sống (“thánh nhân vi đạo, vi nhi bất tranh”).

Đạo chi tôn, Đức chi quí, phù mạc chi mệnh, nhi thường tự nhiên (Lão tử chương 51) [Đạo sở dĩ được tôn sùng, Đức sở dĩ được quí là vì đạo và đức không can thiệp, chi phối vạn vật mà để vạn vật tự nhiên phát triển]

Thị dĩ, thánh nhân dục bất dục; bất quý nan đắc chi hoá; học bất học, phục chúng nhân chi sở quá. Dĩ phụ vạn vật chi tự nhiên nhi bất cảm vi (Lão tử chương 64) [Cho nên thánh nhân muốn cái [mà người ta] không muốn; không chuộng những của cải khó tìm; học cái [mà người ta] không học; cải thiện lỗi lầm của chúng dân để giúp vạn vật sống tự nhiên mà không dám lao tác]

Nhìn chung, sinh thái luận Đạo học có những nội dung cơ bản sau:

– quan niệm vạn vật bình đẳng

– nhấn mạnh quan hệ giữa người với tự nhiên là tương thông, thuận ưng

– kêu gọi trở về với đạo – tự nhiên

– con người cần nắm giữ thiên đạo, quy luật vạn vật biến hóa để ứng xử thuận hòa với ngoại giới

3. So sánh Sinh thái học chiều sâu với tư tưởng sinh thái luận Đạo học

Khi đối sánh văn hóa Đông – Tây, nhiều nhà nghiên cứu phương Tây cho rằng, truyền thống Trung Hoa là một phản đề (antithesis) của tư tưởng phương Tây. Một số học giả coi tôn giáo Trung Quốc như một cấu trúc tôn giáo phức tạp (Thompson). Devall trong cuốn Cội nguồn phương Đông đã nói: “Lão tử và các bài viết về Thiền đặc biệt gây cảm hứng”, “Con đường của Đạo được dựa trên lòng trắc ẩn và có tham chiếu đến tự nhiên”[9]. Jordan Paper trong bài viết Tôn giáo Trung Hoa – “Đạo” và Sinh thái học chiều sâu cho rằng: “các tôn giáo Trung Quốc tập trung vào kinh nghiệm tôn giáo, có thể là kinh nghiệm cá nhân, kinh nghiệm từ việc tham gia vào các nghi thức, hoặc trải qua những linh vật siêu nhân thông qua các phương tiện tinh thần hoặc công việc của các pháp sư. Ngược lại, các tôn giáo phương Tây có khuynh hướng bắt đầu từ niềm tin vào các nguyên tắc tôn giáo, tín điều, thần học”[10], trong đó, Jordan Paper nhấn mạnh đến “sức tưởng tượng” (fantasy) và “tiềm năng” (potentialit) của “Đạo” khi so sánh với sinh thái học chiều sâu. Trên thực tế, các nhà sinh thái học chiều sâu đã sớm tìm thấy sự đồng cảm từ tư tưởng sinh thái của Đạo học Trung Hoa hàng ngàn năm trước. Tiêu biểu như Dolores LaChapelle[11] – một trong những nhà lãnh đạo phong trào sinh thái học chiều sâu, phát biểu: “Sau những năm nghiên cứu và tìm hiểu sâu về Đạo, tôi có thể khẳng định dứt khoát rằng tất cả những nỗ lực điên cuồng cuối cùng của thế giới phương Tây chúng ta để theo đuổi một số ý tưởng mới trong việc cứu vớt trái đất là không cần thiết. Nó đã được thực hiện cho chúng ta – hàng ngàn năm trước đây – bởi các nhà Đạo học. Chúng ta có thể hạ xuống tất cả những nỗ lực điên cuồng kia và bắt đầu đi theo con đường của Lão tử và Trang tử”[12]

3.1. Trên phương diện hình thái lịch sử

Trong điều kiện lịch sử khác nhau, sinh thái luận Đạo học và tư tưởng sinh thái học chiều sâu mang đặc điểm thời đại khác nhau.

Đạo học ra đời trên nền tảng của một nền nông nghiệp cổ truyền. Trong bối cảnh mà, như Phùng Hữu Lan trong Trung Quốc triết học sử đã chỉ ra: “Phương thức sản xuất của nông dân là thuận theo tự nhiên. Họ ca ngợi tự nhiên nên rất dễ thỏa mãn, họ không nghĩ đến sự thay đổi, cũng không muốn thay đổi”. Trung Quốc mấy nghìn năm phát triển theo kinh tế nông nghiệp tự cấp tự túc, là cơ sở để tạo thành một dạng “thiên nhân hợp nhất” của ý thức, tâm thái xã hội. Với điều kiện của nền văn minh nông nghiệp, mối quan hệ giữa con người với tự nhiên là một dạng quan hệ hô ứng sinh thành. Vì thế triết học Trung Hoa nói chung, Nho – Đạo – Phật đều mang tư tưởng “thiên nhân hợp nhất”.

Trong hệ thống chỉnh thể con người với vũ trụ vạn vật, Đạo gia truy cầu một trạng thái “hòa”. Người tự nhiên nhi nhiên dung hòa được với trời đất. Cảnh giới lý tưởng cao nhất là “hòa đồng muôn thú vạn vật” cho đến “chí đức chi thế”.

Trong khi đó, sinh thái học chiều sâu phương Tây ra đời trong bối cảnh của nền văn minh công nghiệp. Trong hoàn cảnh đời sống tinh thần nhiều áp lực, tài nguyên cạn kiệt, thực vật không đủ cung ứng, con người lạm dụng phương thức kỹ thuật dẫn đến phá vỡ hệ sinh thái…mục đích ra đời của sinh thái học chiều sâu là phản tư về hiểm họa môi trường sinh thái toàn cầu do hậu quả của nền văn minh công nghiệp, nhằm tìm ra hướng đi cho nhân loại trong bối cảnh sinh thái lâm nguy.

3.2. Trên phương diện lý luận

Mặc dù khác nhau về cơ sở lịch sử hình thành, nhưng hạt nhân tư tưởng của sinh thái học chiều sâu và sinh thái học Đạo học có nhiều điểm tương đồng:

Thứ nhất, sinh thái học chiều sâu và sinh thái luận Đạo học đều chung quan điểm “người và tự nhiên bình đẳng”. Sinh thái học chiều sâu và tư tưởng Đạo học cho rằng con người với hoàn cảnh sống không thể phân khai, ngược lại, con người cùng với sự hình thành hoàn cảnh tạo nên một hệ thống sinh thái. Trong hệ thống sinh thái đó, mỗi một vật tồn tại đều có những giá trị nội tại, khiến tự nhiên đi theo quy luật của cuộc sống mà không bị phá vỡ.

Thứ hai, cả hai lý thuyết trên đều nhấn mạnh tính toàn thể của vạn vật. Đạo giáo Trung Hoa thể hiện tính toàn thể này trong một chữ Đạo. Đạo là cơ sở để cấu thành nên một chỉnh thể. Tuy nhiên, quan điểm về chỉnh thể của Đạo gia mang tính trực quan suy đoán, nó không có nền tảng khoa học lý tính, trong khi sinh thái học chiều sâu dựa trên cơ sở khoa học, duy trì một hệ thống lý luận khách quan. Chịu ảnh hưởng của Phật giáo, những đại biểu của sinh thái học chiều sâu phương Tây đề cao “thực hiện tự ngã”, phủ định vị trí trung tâm của con người, truy cầu phương thức tồn tại lý tưởng: tiểu ngã mở rộng thành đại ngã, thông qua chỉnh thể đại ngã để thực hiện tiểu ngã. Trong khi đó, Đạo học lấy “Đạo” là phạm trù hạt nhân trong hệ thống tư tưởng để quyết định việc thực hiện “tự ngã”, coi việc thuận theo tự nhiên là một cách hành xử theo “Đạo”.

Xét về mặt ý nghĩa, “thực hiện tự ngã” của sinh thái học chiều sâu và tâm lý học, xã hội học có những nét vừa giống nhau vừa khác nhau. “Hiện tượng tự ngã” lưu hành ở phương Tây hiện đại là một dạng mưu cầu hạnh phúc của tự ngã, hoặc là truy tìm một dạng cảm xúc “nhỏ hẹp” mang tính cứu vớt. Từ ý nghĩa xã hội, dạng “tự ngã” này làm đánh vỡ những thứ tự thông thường, khiến cho người biến thành một vật phẩm hy sinh thời thượng của xã hội. Sinh thái học cho rằng, con người không phải là một cá thể ly khai với tự nhiên, mà là một bộ phận của chỉnh thể tự nhiên, cùng với tự nhiên tồn tại trong một mối quan hệ nhất định. Con người tất yếu phải vượt qua những mô thức văn hóa chật hẹp, vượt qua giới hạn nhận thức của thời đại và không ngừng phản tư và dò tìm chiều sâu, mới có thể đạt đến một “tự ngã” cao cả. Trong quá trình này, phương pháp trọng yếu để phê bình sinh thái dựa vào đó là trực giác. Naess chỉ ra: Trí tuệ thường nhật là kết quả của tư duy lý tính, muốn đạt đến sự vượt qua trí tuệ thường nhật phải dựa vào trực giác. “Tự ngã” của quá trình thực hiện tự ngã là tự ngã của hình nhi thượng, để nó đạt đến sự thành thục cần thông qua 3 giai đoạn: từ nhận thức lý tính về “bản ngã” đến “tự ngã xã hội”, từ sự phản tư trực giác của “tự ngã xã hội” đến “tự ngã hình nhi thượng”. Khi con người đạt đến giai đoạn “tự ngã sinh thái”, con người có thể tồn tại trong vật để nhìn ngắm tự ngã, cũng có thể trong tự ngã soi chiếu sự vật tồn tại [13]. Hai nguyên tắc cơ bản này được đặt trong một mối liên hệ nội tại. Nhìn chung, quá trình của “thực hiện tự ngã” là một quá trình mở rộng liên tục và là quá trình nhận thức về tự nhiên. Tiền đề của nó là sự bình đẳng với sinh mệnh tự nhiên và sự tôn trọng sinh mệnh tự nhiên. Và cảnh giới cao nhất của “chủ nghĩa quân bình sinh thái trung tâm” là thực hiện tự ngã.

Như vậy, sinh thái học bề sâu và sinh thái luận Đạo học có cùng quan điểm tương đồng: sự tự thực hiện bản ngã thông qua hòa đồng giữa tiểu ngã và đại ngã, giữa con người với tự nhiên, vũ trụ, làm cho đại ngã trở nên trong sạch, rộng lớn và cao thượng bằng cách hòa nhập với môi trường.

3.3. Trên phương diện phương thức tư duy

Đạo học và sinh thái học chiều sâu đều phản đối chủ nghĩa nhân loại trung tâm, chủ trương vạn vật bình đẳng, nhưng phương thức tư duy của Đạo học là một dạng tư duy trực quan chất phác trong khi sinh thái học chiều sâu lại có phương thức tư duy chỉnh thể, hệ thống. Tuy nhiên, cả hai đều mang tính trực giác.

Nếu như trong mô thức tư duy Đạo học, chỉnh thể thiên – địa – nhân được nhận diện theo tư duy trực quan thuần phác, bao hàm cả nội dung cảm giác và kinh nghiệm, thì Naess cũng chủ trương tìm kiếm sự hòa đồng giữa con người với tự nhiên bằng trực giác. Trực giác cho phép con người nhận biết bản thể các sinh vật trong vũ trụ. Chủ thể và khách thể, người và vật không có sự tách biệt độc lập, ngược lại, cùng tồn tại trong một quan hệ thống nhất. Con người là một hữu thể mà bản chất của nó chỉ được xác định qua quan hệ với các hữu thể khác, là một mắt lưới trong mạng lưới các hữu thể rộng lớn. Đây chính là điểm mà sinh thái học chiều sâu có sự gặp gỡ với tư tưởng truyền thống phương Đông cổ đại. Điều này không có gì lạ, bởi bản thân các nhà đạo đức sinh thái phương Tây tin rằng, sự thiếu hụt của tinh thần phương Tây do nền văn minh kỹ trị tạo nên có thể được bù đắp và cân bằng lại bởi văn hóa phương Đông truyền thống. Các nhà sinh thái học chiều sâu đều phê phán chủ nghĩa duy lý truyền thống, sự theo đuổi các yếu tố văn minh kỹ thuật, khoa học công nghệ dẫn tới sự khuyết thiếu trong đời sống tinh thần. Tuy nhiên, cũng như Đạo học, sinh thái học chiều sâu có những yếu tố cực đoan và không tưởng khi muốn tìm tới một hình thức sinh thái thuần túy và sự hòa tan hoàn toàn con người vào tự nhiên.

Tóm lại, có thể thấy Đạo học Trung Hoa và sinh thái học chiều sâu có những quan điểm tương đồng như sau:

– Trở về với tự nhiên

– Vạn vật bình đẳng

– Giữ vững mối hài hòa giữa con người và tự nhiên, giữa con người với con người

– Tư duy mang tính trực giác

Ngày 6 tháng 10 năm 2007 đánh dấu “Ngày nợ sinh thái” (Ecological Debt Day) của con người – là ngày mà con người đã sử dụng hết nguồn tài nguyên mà Trái đất tái tạo ra trong cả năm. Chúng ta đã nói nhiều đến vấn đề môi trường đang bị con người hủy hoại, chúng ta cũng nói nhiều về việc phải bảo vệ, cứu lấy môi trường và cứu lấy chính chúng ta, nhưng con người hiện đại vẫn hàng ngày sống vượt xa ngưỡng cho phép. Khi “Dấu chân sinh thái” (ecological footprint – EF)[14] của loài người càng lớn hơn sức tải sinh học[15] (biocapacity – BC), thì sinh thái càng bị rơi vào tình trạng “thâm hụt” trầm trọng. Vì thế, ngay từ khi ra đời, sinh thái học chiều sâu đã gióng lên tiếng chuông kêu gọi đạo đức sinh thái, tiếng chuông cảnh tỉnh về khủng hoảng và diệt vong môi trường – mặt trái của nền văn minh.

Về cơ bản, sinh thái học chiều sâu phù hợp với quan điểm Marxit và quan điểm truyền thống phương Đông về sinh thái. Việc tìm hiểu sinh thái học chiều sâu và Đạo học Trung Hoa (có thể mở rộng ra cả Nho học, Phật học) cho thấy trên con đường phát triển của nhân loại, văn hóa phương Đông liên tục giao thoa, ảnh hưởng với văn hóa Phương Tây. Sự tác động và tương cận, tương đồng lẫn nhau của những diễn ngôn sinh thái này cho chúng ta một hy vọng về sự vượt thoát khỏi nguy cơ sinh thái và tinh thần lâm nguy của thời đại, từ đó, nuôi dưỡng niềm tin về một nền sinh thái xanh của thế kỷ.

(Bài đã đăng trong kỷ yếu hội thảo quốc tế: “Phê bình sinh thái – Tiếng nói bản địa, tiếng nói toàn cầu” tổ chức tại Việt Nam, 12/2017)

Tư liệu tham khảo

Tiếng Việt

1. Phạm Thị Oanh (2006). “Trở về tự nhiên – Một sự phản ứng của nền văn minh”. Tạp chí Triết học, số 4 (179)

2. Phùng Hữu Lan (2010), Tinh thần Triết học Trung Quốc – Tân Nguyên Đạo, NXB Đại học Sư phạm.

3. Nguyễn Hiến Lê (2016), Lão tử – Đạo đức kinh, NXB Văn hóa Thông tin. Bản dịch cho các trích dẫn trong sách Lão tử đều lấy từ cuốn này.

4. Trang Tử (1944), Nam Hoa Kinh, Nhượng Tống dịch, NXB Tân Việt.

5. Vương Nhạc Xuyên (2008), “Giá trị và độ căng của lý luận sinh thái học chiều sâu”. Trong cuốn Đương đại Tây phương tối tân văn luận giáo trình, Nxb Đại học Phúc Đán, Thượng Hải, Đỗ Văn Hiểu dịch (nguồn: https://dovanhieu.wordpress.com/)

6. Nhiều tác giả (2001), Trung tâm Trung Quốc học, Đạo gia và văn hóa, NXB Văn hóa thông tin.

Tiếng Anh

7. Devall, Bill and Sessions, George (1985). Deep Ecology: Living as if Nature Mattered. Salt Lake City, UT: Peregrine Smith Books, p.66-70.

8. Fox, Warwick (1991), Toward a Transpersonal Ecology. Massachusetts: Shambhala, p.98.

9. Naess, Arn (1995). “The Deep Ecological Movement: Some Philosopical Aspects”. In George Sessions (ed.), Deep Ecology for the 21st Century. Massachusetts: Shambhala, p.64-84.

10. Naess, Arn (1995), “The Deep Ecological Movement: Some Philosopical Aspects”. In George Sessions (ed.), Deep Ecology for the 21st Century. Massachusetts: Shambhala, p.64-84.

11. Næss, Arne (1989). Ecology, Community and Lifestyle. Cambridge University Press. pp. 164-65.

12. Naess, Arne (1973). “The Shallow and The Deep, Long-Range Ecology Movement: A Summary”. Inquiry, p.53.

13. Roger S. Gottlieb, editor (2001). Deep Ecology and World Religions, New Essays on Sacred Ground. State University of New York Press.

14. White, Lynn (1974). “The Historical Roots of Our Ecologic Crisis” [with discussion of St Francis; reprint, 1967]. In Ecology and Religion in History. New York: Harper and Row.

Tiếng Trung

15. 陈谊 (2006),深层生态学与中国道家生态论理思想比较研究,硕士论文,西南大学.

Chú thích


[1] Aldo Leopold (1887-1948): triết gia, nhà khoa học, nhà sinh thái học người Mỹ, giáo sư đại học Wisconsin, tác giả cuốn sách nổi tiếng A Sand County Almanac. Aldo Leopold đã có ảnh hưởng trong sự phát triển của đạo đức sinh thái môi trường hiện đại và phong trào bảo tồn động vật hoang dã. Quan điểm của ông về đạo đức sinh thái, đa dạng sinh học… có ảnh hưởng lớn sâu sắc đến phong trào môi trường.

[2] Lynn White Jr. (1974). The Historical Roots of Our Ecological Crisis, Ecology and Religion in History. New York: Harper and Row.

[3] Stephen Bodian (1982). “Simple in Means, Rich in Ends: A Conversation with Arne Næss”. Ten Directions, Vol.3.

[4] Næss, Arne (1989). Ecology, Community and Lifestyle, Cambridge University Press.

[5] Warwick Fox (1991). Toward a Transpersonal Ecology. Massachusetts: Shambhala, p.98.

[6] Bill Devall and George Sessions (1985). Deep Ecology: Living as if Nature Mattered. Salt Lake City, UT: Peregrine Smith Books, p.56, 66-70, 100-108, 200.

[7] Bill Devall and George Sessions (1985). Deep Ecology: Living as if Nature Mattered. Salt Lake City, UT: Peregrine Smith Books, p.66-70.

[8]Arne Naess (1973). “The Shallow and The Deep, Long-Range Ecology Movement: A Summary”. Inquiry, 16, p.95-100.

[9] Dẫn theo Barnhill, D.L. and Gottlieb, R.S. eds., (2001). Deep Ecology and World Religions, New Essays on Sacred Ground. State University of New York Press, p. 113.

[10] Jordan Paper (2001). “Chinese Religion, “Daoism” and Deep Ecology”. In Deep Ecology and World Religions, New Essays on Sacred Ground. State University of New York Press, p.108.

[11] Dolores LaChapelle (1926 – 2007): Nhà leo núi, nữ vận động viên trượt tuyết, giáo viên, học giả người Mỹ và là một trong những nhà lãnh đạo phong trào sinh thái học chiều sâu. Nhận định trên được bà đúc kết sau khi đọc tập 2 cuốn Khoa học và văn minh ở Trung Quốc (Science and Civilization in China) của Joseph Needham và trải qua một quá trình nghiên cứu và giảng dạy về “thái cực”.

[12] Dẫn theo Barnhill, D.L. and Gottlieb, R.S. eds., (2001). Deep Ecology and World Religions, New Essays on Sacred Ground. State University of New York Press, p.114.

[13] Arn Naess (1995). “The Deep Ecological Movement: Some Philosopical Aspects”. In George Sessions (ed.), Deep Ecology for the 21st Century. Massachusetts: Shambhala, p.64-84.

[14] Dấu chân sinh thái (ecological footprint – EF): Khái niệm do William Rees đưa ra cách đây hơn 20 năm. Từ 1990, EF được phát triển bởi Wackernagel. Phương pháp “Dấu chân sinh thái” được sử dụng như một công cụ để so sánh nhu cầu của con người với “Sức tải sinh học” (Biocapacity) – khả năng tái tạo tài nguyên và hấp thu chất thải của Trái đất, bằng cách chuyển đổi các diện tích có khả năng cung cấp năng suất sinh học sang đơn vị chuẩn hecta toàn cầu (gha). Chẳng hạn: nhu cầu môi trường của con người để ăn, mặc, ở, v.v.) là 21.9 ha/người trong khi năng lực sinh thái của Trái Đất (đất đai, nước, rừng, v.v.) chỉ có thể cung cấp trung bình 15.7 ha/người.

Comments are closed.