Từ điển tiếng Việt của GS Nguyễn Lân – Phê bình và khảo cứu (kỳ 19)

Hoàng Tuấn Công

○ “đâm lao phải theo lao (Lao là gậy dài có đầu nhọn để phóng vào địch) Có nghĩa: đã trót làm việc gì, thì phải làm cho đến cùng”.

Chưa chính xác. Lao là một công cụ, vũ khí trong nghề săn bắn, chống trộm cướp, không phải gậy dài có đầu nhọn. Nghĩa đen: 1. Động tác đâm lao ban đầu ngả người ra phía sau để lấy đà, khi đâm, phóng, thì phải lao người về phía trước để tạo lực đẩy. Theo quán tính, khi đã phóng lao đi rồi, dù muốn hay không, cũng phải ngả (lao) người theo, chứ không thể đột ngột mà dừng lại được; 2. Trong săn bắn (thú to, cá lớn) khi đã ném lao phải theo lao xem có trúng không, nếu trúng, thú lớn mang cả lao chạy trốn, phải đuổi theo đến cùng, dù vất vả hiểm nguy. Nghĩa bóng: Dù biết dở, nhưng việc đã trót tiến hành rồi, đành phải làm tiếp; Việc đã trót làm, đành phải làm cho xong, không thể dừng được. Như vậy nghĩa GS Nguyễn Lân đưa ra “phải làm cho đến cùng” [chu đáo, đến nơi đến chốn] khác hẳn với đành phải làm cho xong [giải pháp tình thế, miễn cưỡng].

○ “đi cày trâu húc, đi xúc phải cọc (xúc là xúc bùn ở ao)”.

Không chính xác. “Đi xúc” là xúc tôm, xúc tép, từ mà Từ điển Vietlex giảng nghĩa: “xúc đg. bắt tôm tép bằng cách dùng rổ, vợt, v.v. vục sâu xuống nước rồi nhấc nhanh lên. “Công anh xúc tép nuôi cò, Đến khi cò lớn cò dò lên cây” (Ca dao)”. Đi xúc tép, nhưng lại “xúc phải cọc” thì chẳng những không được tôm cá, mà còn bị hỏng, rách dụng cụ đánh bắt. Tục ngữ chỉ người vụng về, làm gì cũng hỏng việc.

○ “đi đêm có ngày gặp ma Khuyên người ta không nên làm chuyện mờ ám vì có thể mang vạ vào mình”.

Không đúng. Bản thân mình “làm chuyện mờ ám”, khi bị phát hiện, mình phải chịu hậu quả là đúng, sao lại gọi là “mang vạ vào mình” được? Nghĩa bóng: hay làm chuyện mờ ám, vụng trộm thì cũng có ngày chịu hậu quả, hoặc bị bại lộ.

Tục ngữ Hán: “Hành đắc dạ lộ đa, tổng hội ngộ kiến quỷ – 行得夜路多, 總會遇見鬼 – Đi đêm nhiu sẽ có ngày gặp ma: Hay làm những điu sai trái, khuất tất, ắt có ngày gặp tai hoạ, rủi ro”.

○ “đĩ có tông, ai trồng nên đĩ Lời nói đùa để chế giễu những người con gái hư”.

Đây không phải “lời nói đùa” mà là một lời nhật xét, kinh nghiệm: Bản chất (“tông”) đĩ thoã, lẳng lơ thường có sẵn, “có nòi”, không phải do hoàn cảnh, hay ai bắt buộc (“trồng”) người đó làm đĩ. Dân gian thường dùng câu này để chửi người có bản chất đĩa thoã, lẳng lơ, cũng là đánh giá bản chất con người.

○ “đói thì ăn củ ăn khoai, chớ thấy lúa trổ tháng hai mà mừng Ở nước ta nông nghiệp còn phụ thuộc vào thiên nhiên, nhiều khi sắp được gặt cũng mất hết vì mưa bão”.

GS Nguyễn Lân giải thích có vẻ khoa học và am hiểu thực tế. Nhưng sự thực nội dung lời giải lại chứng tỏ GS không hiểu gì về kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp gắn với thời vụ, thời tiết, thậm chí không hiểu cả quy luật nắng mưa, gió bão (vào độ tháng hai không có “mưa bão”).

Ở miền Bắc, độ tháng hai, tháng ba hãy còn những đợt gió mùa đông bắc, mưa phùn gió bấc [Rét tháng Ba bà già chết cóng; Tháng một rét đài, tháng hai rét lộc, tháng ba rét Nàng Bân]. Bởi vậy, lúa trổ vào tháng hai không chắc ăn, thậm chí mất mùa. Nguyên do: lúa trổ gặp mưa rét muộn (gió mùa đông bắc) thì khó phơi màu, kết hạt. Bởi vậy, dân gian khuyên: dù tháng ba ngày tám giáp hạt, thiếu đói, hãy chịu khó ăn ráy, ăn khoai cho qua bữa, chớ mong lúa trổ sớm tháng hai. Điều đó cũng có nghĩa: chớ rút ngắn khoảng thời gian giáp hạt bằng cách điều chỉnh thời vụ để lúa trổ (sớm hơn) vào tháng hai, vì như vậy có thể mất mùa. Do đó, thông thường thời vụ cấy chiêm xuân thường bắt đầu vào trước Tết nguyên đán để tháng năm (dịp Tết Đoan Ngọ) thu hoạch. Cũng cần nói thêm, nguyên câu tục ngữ là: “Đói thì ăn ráy, ăn khoai, chớ thấy lúa trổ tháng hai mà mừng”, chứ không phải “Đói thì ăn củ, ăn khoai…” như GS Nguyễn Lân viết.

○ “độc xộc vào miệng Ý nói: Cứ ăn thứ gì mà người khác cho là độc”.

Không đúng, và rất tối nghĩa. Ý tục ngữ nói: miệng nói những lời độc địa, thì cái độc ấy nó sẽ “xộc” (chạy thẳng) vào chính miệng của người nói [Bản đồng nghĩa: Miệng ai, tai nấy – Lời nói chua ngoa, cay nghiệt do người nào nói ra, thì trước tiên sẽ vào chính tai của người ấy].

○ “đồng chua nước mặn Chỉ cánh đồng khó cày cấy, vì có phèn và có muối”.

Thành ngữ không nhằm chỉ một “cánh đồng” cụ thể, hạn hẹp nào, mà có nghĩa khái quát: Chỉ những vùng quê ruộng đất xấu, chua mặn, sản xuất và đời sống khó khăn (Quê hương anh nước mặn đồng chua, Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá – Chính Hữu).

○ “đời người có một gang tay, ai hay ngủ ngày chỉ được nửa gang Câu đùa những người có thói quen ngủ ngày”.

Đây là một lời khuyên, lời nhắc nhở nghiêm túc của tục ngữ, sao lại gọi là “câu đùa? Giấc ngủ ban đêm theo quy luật của tạo hoá đã chiếm gần nửa thời gian sống trên đời của mỗi người. Bởi vậy, ai đó đã ngủ đêm còn ngủ ngày, thì cuộc đời (với nghĩa là sự lao động, học tập) rất ngắn ngủi. Dân gian dùng lối nói so sánh thậm xưng để phê phán thói xấu ngủ ngày, khuyên con người ta phải biết quý trọng thời gian, sống có ý nghĩa.

Tham khảo: Ngày trước đời sống khó khăn, con người muốn có cái ăn, cái mặc, thì phải chịu thương chịu khó, một nắng hai sương, quần quật cả ngày. Với những công việc phụ trong nhà, người ta phải tranh thủ làm vào ban đêm [Ví như: băm bèo thái rau, xay lúa giã gạo: “Ngày đi cấy đi cày, Đêm v đâm xay nấu nướng”. Ở Thanh Hoá còn có câu “Làm đẩy (đĩ) không xấu bằng xay cấu (làm gạo) ban ngày”; hay Ăn vụng quen tay, ngủ ngày quen mắt, ăn/cắn trắt quen mồm”; Giàu đâu đến kẻ ngủ trưa, Hay đâu đến kẻ say sưa tối ngày”]. Tục ngữ Tày: “Đời người sống không được bao lâu, kẻ muốn ngủ ngày đời càng ngắnTởi cần slổng bố đảy kỷ lai hâng cần hâư nắt nòn vằn càng tẩn”.

○ “đứng núi này trông núi nọ Chê kẻ không yên tâm trong một chức vụ, chỉ muốn chuyển từ chức vụ này sang chức vụ nọ vì tưởng là có lợi hơn”.

Giải nghĩa quá hẹp. Tâm lý “Đứng núi này trông núi nọ” diễn ra trong rất nhiều lĩnh vực, chứ không phải chỉ nói về “chức vụ”. Từ điển Vũ Dung giải nghĩa: “Đứng núi này trông núi nọ Thái độ không bằng lòng, không an tâm với công việc, hoàn cảnh hoặc tình duyên hiện có mà mơ tưởng đến cái khác tốt hơn: Trách chàng ăn ở đảo điên, Chưa đừng núi nọ đã nhìn non kia, Trách ai bóc sách lột bìa, Lúc yêu yêu thế, lúc lìa lìa ngay (Cd)”.

○ “được mùa buôn vải buôn vóc, mất mùa buôn thóc buôn gạo Đây là sự tính toán của con buôn, lúc nào bán được nhiều thứ gì thì buôn thứ ấy, để có lợi nhiều”.

Người làm từ điển không nên vì thành kiến với “con buôn” (theo quan điểm, quan niệm cũ Trọng nông ức thương; Nông vi bản; Phi thương bất phú, vi phú bất nhân), mà phủ nhận sự tích cực của giao thương buôn bán, cung cầu tương ứng trong sản xuất và đời sống.

Đây là kinh nghiệm giao thương, buôn bán của dân gian. Nghĩa đen: Năm được mùa, có cái ăn thì dân mới nghĩ đến mua sắm cái mặc, vậy nên đầu tư bán vải, bán áo; năm mất mùa, đói kém người ta chỉ lo cái ăn, vậy chỉ nên bán thóc, bán gạo. Nghĩa bóng: Buôn bán cần tìm hiểu, nắm chắc nhu cầu thị trường mới thành công. Tục ngữ Hán gần nghĩa: “豐年珠玉, 儉年穀粟 – Phong niên châu ngọc, kiệm niên cốc túcChâu ngọc năm được mùa, thóc gạo năm mất mùa – Năm được mùa thì đồ trang sức châu ngọc có giá, năm mất mùa thóc gạo mới có giá”.

○ “đường chẳng đi, đường còn đó Ý nói: sự việc đã dĩ nhiên thì dù sao cũng không thay đổi”.

Giải thích sai. Ngày trước, phương tiện đi lại chủ yếu dựa vào đôi chân, có khi phải đi bộ hàng chục, thậm chí hàng trăm cây số. Đường dài mệt mỏi, vừa đi vừa nghỉ chân. Người ta thường có cảm giác rất ngại mỗi khi đứng lên tiếp tục hành trình. Bởi vậy, tục ngữ “Đường chẳng đi đường còn đó [dị bản Đường không đi, đường còn lại] nghĩa đen nhắc nhở bước tiếp chặng đường còn lại, vì không cố gắng đi tiếp, đoạn đường ấy vẫn còn chờ mình, không ai đi hộ cho. Nghĩa rộng: Không bắt tay vào làm thì công việc vẫn còn đó. Tục ngữ Mường: “Năng đi thì đến – Khắn đi chì đềnh”. Tục ngữ Hán: “Nhân bất học bất hội, sự bất tố bất thành – 人不学不會事不做不成 – Người chẳng học chẳng biết, việc không làm không xong”.

○ “đường đi hay tối, nói dối hay cùng Ý nói: kẻ nói dối một lúc nào đó sẽ bị lộ, không thể cứ tiếp tục dối mãi”.

Sự nhầm lẫn này không chỉ có trong từ điển của GS Nguyễn Lân. Hình thức đúng của câu tục ngữ là “Đường TẮT hay tối, nói dối hay cùng”, không phải đường ĐI hay tối”. Nếu là “đường đi” nói chung, tại sao lại “hay tối được?

Về nghĩa đen: đường tắt là con đường quanh co, nhỏ hẹp, đường phụ (ngược nghĩa với đường thẳng, đường chính) nên dễ dẫn đến chỗ mờ mịt bế tắc, trở ngại, không tìm thấy lối ra (“tối”). Ngược lại với con đường “tối” là con đường “sáng”, đường quang rộng rãi (như: Đường quang không đi, đâm quàng bụi rậm”]. Nghĩa bóng: người ta nên cứ theo con đường thẳng, đường cái, đường sáng đàng hoàng mà đi, sẽ không bao giờ hết lối; cũng như thẳng thẳng thắn, trung thực trong hành động, đường hoàng trong lời nói thì sẽ không bao giờ lâm vào thế cùng, bế tắc, không biết giải thích thế nào.

Tham khảo: Tục ngữ Hán: “Tiệp kính quẫn bộ – 捷徑窘步 – Đường tắt khiến bước chân lúng túng; Đạo nhi bất kính – 道而不徑 – Đi đường chớ nên theo lối tắt”; Tục ngữ Tày: “Chiếu rải không ngay ngắn không ngồi; đường khuất nẻo vắng vẻ không điVủc bố chính bố nẳng, tàng lẳc lặm bố pây”; hay “Đi tối lạc đường; nói dối hay cùngPây đăm lạc tàng phuối viàng hay chủn”. “Đường tắt”, “khuất nẻo vắng” hay “đi tối”, đều không phải con “đường đi” mà mọi người vẫn qua lại hàng ngày.

Comments are closed.