Từ điển tiếng Việt của GS Nguyễn Lân – Phê bình và khảo cứu (kỳ 5)

Hoàng Tuấn Công

○ “nhà như tàu tượng (Tàu tượng là chuồng voi) Ý nói: Nhà nhiều rác rưởi, không được sạch sẽ”.

Chưa chính xác. Con voi to lớn, sức voi cực khoẻ, nên không có chuồng nào đủ to và vững chắc để nó ở. Thế nên người ta làm ra một thứ để nhốt voi (xích lại) gọi là “tàu tượng”, bốn bề rất trống trải. “Nhà như tàu tượng” chỉ nhà nghèo, tềnh toàng, tường vách trống trải, không có đồ đạc gì. Thế nên có dị bản “Trống như tàu tượng”. Từ điển Vũ Dung giải thích ngắn gọn như sau: “Tàu tượng: chỗ nhốt voi. Quá trống trải.” Để nói về căn nhà trống trải, Tục ngữ Tày có câu: Cửa nhà ba cái quăng (đoạn cây) không vướng vào đâu” [Tu rườn sam bảt quẻng bố tồm] Miêu tả cảnh nhà bần hàn, trống trải, không có của nả gì.” Tương tự, tục ngữ Việt có câu “Nhà quăng dùi đục không mắc”.

○ “nhất nghệ tinh, nhất thân vinh Đề cao tầm quan trọng của nghề nghiệp, cho rằng tinh một nghề thì cả đời vẻ vang”.

Nói “đề cao tầm quan trọng của nghề nghiệp” thì chung chung quá. Chính xác là đề cao trình độ tinh xảo, giỏi nghề; ý nói: Nghề gì cũng được, nếu chuyên sâu, giỏi giang, tinh khéo, sẽ được nể trọng, vinh hiển.

○ “nóc nhà xa hơn kẻ chợ Ý nói: Tuy ở gần nhau, thậm chí ở cùng một nhà, mà không có cảm tình với nhau, thì không thể thân với nhau bằng người ở xa”.

Giải thích theo lối phỏng đoán. Nếu hiểu như GS Nguyễn Lân giảng, sao không nói Trong nhà xa hơn kẻ chợ, mà lại nói “Nóc nhà xa hơn kẻ chợ”? Theo nghĩa đen, “nóc nhà” đây chỉ công việc sửa sang lại cái nóc nhà bị dột, việc làm liên quan trực tiếp đến sinh hoạt hàng ngày, ở rất gần, ngay trước mắt, trên đầu, nhưng lại không làm. (Ngày xưa nhà mái lá, đắp nóc bằng rơm, bị gà nhảy lên canh bới, hoặc chuột phá, nên thường hay bị dột. Mỗi lần đắp lại nóc, trèo lên trượt xuống, bươi móc trớt tay, rất ngại, nên người ta hay khất lần. Khi mưa dột, khổ sở, nghĩ nắng lên sẽ lên “dọi” lại, nhưng nắng ráo rồi lại quên. Bất chợt có cơn mưa trút xuống lại khổ sở vì nhà dột). Trong khi xa xôi như kẻ chợ (nơi kinh đô, thị thành, chợ búa, phố xá) chẳng cần ai nhắc nhở, lại vẫn đi chơi thăm được, vì ở đó vui thú, hấp dẫn. Ý dân gian phê phán người không để tâm chăm sóc việc nhà, mà chỉ hào hứng với việc đi chơi đây đó, cũng là nói lên một nét tâm lý người đời. Câu này tương tự với câu Đồng bấc thì qua, đồng quà thì nhớ [dị bản Hàng bấc thì qua, hàng quà thì nhớ]. “Bấc” đây là bấc đèn dầu thắp sáng hàng ngày.Nghĩa là khi đi chợ hoặc có đồng tiền trong tay, vật dụng cần thiết nhất thì quên không mua, nhưng lại luôn nhớ đồng quà, tấm bánh. Từ điển Vũ Dung tuy không giải nghĩa đen cụ thể, nhưng cơ bản cách hiểu là đúng: “Nóc nhà xa hơn kẻ chợ. (kẻ chợ: nơi đô thị) Việc thiết thân lại không được chú ý bằng việc viển vông xa xôi.”

○ “nói chín thì làm nên mười, nói mười làm chín kẻ cười người chê Có nghĩa: Nói ít làm nhiều là hay, còn nói nhiều làm ít là dở”.

Đúng ra là nói mười làm một kẻ cười người chê. “Nói mười làm chín” (tức chỉ còn một điều nữa là không làm được) thì đâu có đáng chê cười lắm lắm? Nên nhớ, số 9 và số 10 dân gian thường dùng để nói sự hơn kém không đáng kể, một chín, một mườisuýt soát bằng nhau. Thế nên mới có câu “Chín bỏ làm mười” (còn thiếu một ít, không đáng kể, nên có thể bỏ qua, coi như xong, coi là được, không nên so kè).

○ “nói như trạng (Trạng là trạng nguyên người thi đỗ đầu kỳ thi đình) Có nghĩa nói khoe khoang là mình tài giỏi hơn người”.

Trạng” ở đây không phải “trạng nguyên”, mà là “trạng” hiểu theo cách giải nghĩa của Từ điển Vietlex như sau: “nhân vật có tài đặc biệt trong truyện kể dân gian; cũng dùng để chỉ người có tài đặc biệt về mặt nào đó [thường hàm ý vui đùa]: trạng thơ ~ phán như trạng.” Trạng còn được hiểu là nói phét, nói khoác, không đúng sự thật. Ví dụ: “Thôi, đừng trạng nữa ông!”, hoặc “Thì nói trạng cho vui thôi mà!”. Thế nên, trong dân gian còn có các loại trạng như: Trạng Cờ, Trạng Ăn, Trạng Lợn... Tục ngữ Hán: “三百六十行, 行行出狀元 – Tam bách lục thập hành, hành hành xuất trạng nguyênBa trăm sáu mươi ngành nghề, nghành nghề nào cũng có trạng nguyên”. Theo đây (bên Trung Quốc), trạng nguyên cũng đâu có được hiểu với nghĩa duy nhất là “người thi đỗ đầu kỳ thi đình”?

○ “nồi đồng để nấu, chồng xấu để sai Câu nói đùa những người vợ bắt nạt chồng vì cho rằng chồng không đẹp trai”.

Chính xác phải là “Nồi đồng DỄ nấu, chồng xấu DỄ sai”, chứ không phải “ĐỂ nấu”, “ĐỂ sai” (nồi đồng không “để nấu” thì để làm gì?). Nghĩa đen: Với dụng cụ đun nấu, thì nồi đồng vừa đẹp vừa quý, dễ nấu, tiện lợi hơn nồi đất [Có người lại cho rằng, phải là “Nồi đất dễ nấu, chồng xấu dễ sai”, mới đúng. Tuy nhiên, trong thực tế, nồi đất không hề dễ nấu so với nồi đồng, vì rất dễ thủng, dễ vỡ]; nhưng với con người, cụ thể là chồng, thì “chồng xấu” lại cũng có mặt tốt là dễ sai. “Sai” ở đây nên hiểu là dễ sống, không phải lo chiều chuộng, cung phụng, giữ chồng thêm mệt, khi cần thiết có thể thuận theo ý vợ, không bị chồng áp chế, độc đoán gia trưởng, chứ không nên hiểu máy móc là “bắt nạt chồng”. Cũng là gián tiếp nói: lấy được chồng đẹp trai chưa hẳn đã tốt (con người khác vật dụng là chỗ đó). Đây là một quan điểm nghiêm túc, không phải “nói đùa”. Nghĩa bóng: Tuỳ từng sự vật mà đánh giá mặt tốt, mặt xấu; Tốt xấu đều có hai mặt tích cực và tiêu cực, xấu mặt này, nhưng lại được mặt khác. Dị bản: Xấu mặt dễ sai, đẹp trai khó khiến; Củi tre dễ nấu, chồng xấu dễ sai; Tục ngữ Mường: Tham nón tốt hay dột mưa, tham người đẹp đẽ hay thua việc làm – Tham nòn tột hay ượt mưa, tham món bặt sua viếc.” “Tốt” đây có nghĩa là đẹp. [Như “tốt” trong thành ngữ “Văn hay chữ tốt”, “Tốt mã giẻ cùi”. Nón “tốt” (đẹp), thì thường mỏng manh, không bền, dẫn đến bị thủng, ngấm nước mưa].

○ “mất cha còn chú Ý nói: Cha chết có chú nuôi nấng che chở”.

Giải thích chưa hết nghĩa, mới chỉ dừng ở nghĩa đen. Đầy đủ hai vế là Mất cha còn chú, mất mẹ bú dì: Chú (em bố) và dì (em mẹ) là những người ruột thịt, gần gũi nhất, được xem như người cha, người mẹ thứ hai của mình. Tục ngữ có ý đề cao vai trò, tình cảm chú-cháu, dì-cháu: chú (em bố) và dì (em mẹ) cũng thân thiết, quan trọng như cha mẹ mình. Do đó, ngay cả khi cha mẹ còn sống, để nhắc nhở, đề cao vai trò, tình cảm chú, dì với cháu thì người ta vẫn có thể nói câu này.

○ “sẩy cha có chú, sẩy mẹ bú dì Ca ngợi tinh thần tương trợ trong họ hàng nội ngoại”.

Câu này thực chất chỉ là dị bản của câu “Mất cha còn chú” (đã bị GS Nguyễn Lân “ngắt” ra vế đầu, biến thành một câu tục ngữ đứng độc lập mà chúng tôi đã nêu). Đúng ra là đề cao tình cảm, vai trò của chú, quan hệ máu mủ ruột thịt, chứ không “ca ngợi” chung chung như vậy. Nên còn có câu “Cha cũng như chú, dì cũng như mẹ”. [Tục ngữ Hán cũng có câu đề cao vai trò của anh cả và chị dâu trưởng: “Anh cả như cha, chị dâu trưởng như mẹ – Huynh trưởng như phụ, trưởng tẩu nhược mẫu – 兄長如父長嫂若母”].

○ “sắc nanh, chuột dễ cắn được cổ mèo Ý nói: Dù là kẻ thù nguy hiểm thế nào nếu mình có mưu mẹo, có phương tiện thì mình cũng thắng”.

Câu này GS Nguyễn Lân hiểu sai nghĩa của từ “dễ”. “Dễ” ở đây không phải “dễ dàng” (ngược lại với khó) mà có nghĩa là liệu có thể, khó có thể, chưa chắc, đâu dễ. Truyện Kiều: “Một người dễ có mấy thân”, Đàn bà dễ có mấy tay”. Từ điển Truyện Kiều giải thích nghĩa từ “dễ” này là: “Chẳng dễ, khó có thể, khó lòng, có dễ đâu.Từ điển Lê Văn Đức: “dễ trt. Lẽ đâu, khó có được: Không dưng ai dễ cầm tàn che cho; Mẹ già chưa dễ ở đời với con (CD)”.

Câu “Sắc nanh, chuột dễ cắn được cổ mèo” được hiểu là: Dù nanh có sắc nhưng chuột cũng khó có thể cắn được cổ mèo. Nếu “dễ” nghĩa là không khó, thì câu tục ngữ này được hiểu: Nếu sắc nanh, chuột sẽ dễ dàng cắn được cổ mèo. Hiểu theo cách của GS Nguyễn Lân là không đúng với thực tế nghĩa đen, bởi mèo luôn là khắc tinh của chuột. Nghe tiếng mèo là chuột đã hồn xiêu phách lạc, mau mau chạy trốn hoặc nằm náu yên. Chuột nào là chuột dám cắn, và cắn được cổ mèo? Thực tế, mèo không bắt chuột cống, vì giống chuột này hôi hám, bẩn thỉu, không phải là món khoái khẩu của mèo. Hơn nữa, trong thế giới tự nhiên, khi các con thú ăn thịt đang còn sự lựa chọn, thì không bao giờ chúng săn bắt, tấn công những đối tượng “xương xẩu”, có thể gây nên “ẩu đả”, mất mạng. Bởi thế, khi thấy chuột cống thì mèo “làm ngơ”. Nhưng không vì thế mà chuột cống không sợ mèo, và có thể dễ dàng “cắn được cổ mèo” như cách hiểu của GS Nguyễn Lân. Nghĩa bóng: Dù cố gắng bằng mấy, nhưng kẻ yếu cũng khó lòng đảo ngược tình thế, địch nổi sức mạnh áp đảo của kẻ ở thế thượng phong; Kẻ xấu dù có tìm mọi cách cũng không thắng nổi được sức mạnh của chính nghĩa đã được số đông thừa nhận. Tục ngữ Hán cũng có câu: “Con cáo ranh ma đến mấy cũng không thắng nổi người thợ săn khôn ngoan – Tái giảo hoạt đích hồ ly dã đấu bất quá thông minh đích liệp nhân – 再狡猾的狐狸, 也鬥不過聰明的獵人”.

○ “sắc như dao cau (Dao cau là dao bổ cau) Ý nói: Sắc lắm”.

○ “sắc như dao cầu (Dao cầu là dao thái thuốc) Như câu trên. Nhưng thường dùng với nghĩa bóng nói cặp mắt sắc”.

Nhầm lẫn. Thường người ta chỉ nói “Sắc như dao cau”, chứ không ai nói “Sắc như dao cầu”. Nguyên do, dao bổ cau không sắc không bổ được. Mặt khác, dao cau khi tiện chẩm cau, các thớ ngang siết vào lưỡi giống như mài, càng dùng càng sắc. Thế nên, còn có câu ca dao: Cau già dao sắc lại non, Nạ dòng trang điểm lại giòn hơn xưa. Còn “dao cầu”, rìa lưỡi dao chỉ hơi mỏng, không sắc, sở dĩ cắt khoẻ là do dao hoạt động theo nguyên lý lực đòn bẩy, cắt kéo (đặt lên cái “cầu”), chuyên dùng thái thuốc, ngoài ra không thái được thứ gì khác. Mặt khác, con dao được ví với “cặp mắt sắc” là “dao cau”, chứ không phải là “dao cầu”: Cổ tay em trắng như ngà, Con mắt em liếc như là dao cau (Ca dao). Ngày xưa, “Miếng trầu là đầu câu chuyện”, “Miếng trầu nên dâu nhà người”. Hội hè, đình đám, vui chơi, hát múa giao duyên gì đều có trầu cau. Bởi vậy, hình ảnh con dao bổ cau têm trầu (mòn vẹt ở giữa lưỡi, trông như mảnh trăng khuyết) khiến người ta liên tưởng tới đôi mắt lúng liếng, sắc sảo, rồi đi vào câu ca dao rất gần gũi, rất ý nhị, nhẹ nhàng. Trong khi con dao cầu to, thô, động tác cắt thì bặm môi, gồng hết sức để “xẻ” từng nhát một, chẳng có cớ gì đem ví với đôi mắt người đẹp.

○ “sống được miếng dồi chó, chết được bó vàng tâm. Giễu kẻ tham ăn”.

Không đúng. Đó là cách giảng theo kiểu của “từ điển hài hước”! Nếu hiểu như GS Nguyễn Lân, thì vế thứ hai “chết được bó vàng tâm” cũng là giễu kẻ “ham chết” hoặc người chết “tham” cỗ quan tài vàng tâm hay sao? Đây là cách đề cao nhu cầu vật chất có tính đặc trưng về cuộc sống và cái chết theo quan niệm của dân gian: Khi sống được thưởng thức món dồi chó; khi chết được chôn trong cỗ quan tài bằng gỗ vàng tâm, là hai điều sung sướng, mãn nguyện. Với những người ưa, thịt chó là món ăn cực khoái khẩu. Thế nên còn có dị bản: Sống trên đời ăn miếng dồi chó, Chết xuống âm phủ biết có hay không (hoặc Chết xuống âm phủ chẳng có mà ăn). Gỗ vàng tâm đẹp, nhẹ, thơm, làm quan tài chôn dưới đất càng lâu càng bền, muôn thuở không bị mục mại, hay mối ăn. Người Tàu cũng có cách thậm xưng, hàm ý khen món thịt chó hấp dẫn như sau: “狗肉袞三袞神仙也站不穩 – Cẩu nhục cổn tam cổn, thần tiên dã trạm bất ổn – Thịt chó luộc thơm phức, thần thánh cũng phải ứa nước miếng.” (Tục ngữ Hán).

○ “sống để dạ, chết mang đi Nói người ta nhớ đời một cái ơn lớn, hoặc một mối thù sâu sắc”.

Theo chúng tôi, ở đây không nói đến chuyện ơn huệ. (GS Nguyễn Lân nhầm với câu “Sống tết, chết giỗ” chăng?). Nghĩa của câu tục ngữ là: Giữ kín điều bí mật nào đó suốt đời, và mang nó theo xuống mồ chứ dứt khoát không nói với ai. Tục ngữ Mường cũng có câu: “Chết không nói với ma trong đống, sống không nói với người trần gian” [Chệt chăng veé ôống ma troong đôồng, khôồng chăng veé ôống trấn gian]”. Câu tục ngữ Mường hay ở chỗ: ngay cả khi chết đi cũng không nói với người (ma) ở thế giới bên kia!

Comments are closed.