Đọc “Tôi bên bến lạ”

(Rút từ facebook của Uông Triều)


Càng ngày tôi càng cho rằng có rất ít người có khả năng đọc thông một văn bản, các nhà phê bình, các nhà văn cũng không phải ngoại lệ. Càng ngày càng có ít người hiểu được mình, người ta sống trong nỗi cô đơn vô bờ rồi một ngày bỗng vỡ òa khi có kẻ hiểu mình, gặp được Chung Tử Kì đâu đó trên đường đời.

ĐỌC TÔI BÊN BẾN LẠ của Đoàn Cầm Thi là một kiểu Chung Tử Kì quen mà lạ của văn học Việt. Quen vì Đoàn Cầm Thi là người Việt, nuôi dưỡng bởi văn hóa Việt nhưng lại trưởng thành ở bên ngoài, từ bên ngoài mà nhìn về văn học Việt. Vì cái thế lưỡng đôi nên tác giả có những điểm nhìn khác lạ. Vẫn là văn chương của nước mẹ nhưng điểm nhìn từ bên ngoài, từ nền tảng của một nền văn học rất lớn (nước Pháp), tác giả có những lợi thế cảm nhận, suy nghĩ mà người khác khó có được. Cuốn sách là tập hợp những bài phê bình về những tác giả có thế nói là đổi mới nhất của văn học đương đại: Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, Bảo Ninh, Nguyễn Bình Phương, Thuận.., cả những trường hợp tiêu biểu của văn học hải ngoại như Trần Vũ, Đỗ Kh…Tôi ngạc nhiên khi tác giả quan tâm và viết hay về nhật kí Đặng Thùy Trâm và táo bạo về Trần Dần, Nguyên Hồng. ĐỌC TÔI BÊN BẾN LẠ, rõ ràng là một “ca” khác lạ, ít nhất là từ điểm nhìn và một tâm thế của một người có những điểm mạnh so sánh mà không phải nhà phê bình nào cũng có được. Cuốn sách góp một tiếng nói mới về bức tranh văn học Việt.

ĐỌC TÔI BÊN BẾN LẠ, cùng với cuốn sách của Phùng Gia Thế vừa trước đó, hi vọng nền phê bình Việt đang có một bước tiến trên con đường của mình.

Comments are closed.