FB Thái Văn Đào
TIẾNG CỒNG CỦA NAM DAO-NGUYỄN MẠNH HÙNG VÀ CÁCH XỬ LÝ HUYỀN THOẠI
Đặng Văn Sinh
“Tiếng cồng”* là cuốn tiểu thuyết được viết theo kiểu một bố cục phân mảnh với một cấu trúc phức tạp theo khuynh hướng sáng tác tiểu thuyết Hậu hiện đại. Tuy nhiên trình tự khai triển, phong cách diễn đạt và phong cách văn chương lại mang đậm dấu ấn của thể loại tiểu thuyết cổ điển. Xen giữa những sự kiện tiểu thuyết, mối quan hệ các nhân vật, Nam Dao thường có những đoạn bình luận trữ tình ngoại đề. Và ở phần này, dù là trực tiếp hay gián tiếp, người đọc nhận ra quan điểm thẩm mỹ của tác giả trong cách nhìn nhận, đánh giả về lịch sử, văn hóa dân tộc Việt.
Về bố cục, cuốn sách được chia làm 7 phần, trong đó 5 phần chính được đánh số thứ tự, ngoài ra, còn có phần mở đầu được gọi là “Ngôn ngoại” như là lời mở và phần cuối gọi là “Huyền thoại – Bất tận ngôn” cũng là kết thúc tác phẩm. 5 phần chính là:
1 – Cây đa nơi đình miếu
2 – Bến Lú
3 – Mộ Bướm
4 – Lũng Mây
5 – Đỉnh dốc Hàm Rồng
Phần mở “Ngôn ngoại” nói về quá trình tìm tư liệu và ý tưởng bố cục cuốn sách, Nam Dao thường nhắc đến một nhà văn nổi tiếng người Mễ có tính cách lạ đời. Ông ta nói năng cục cằn, rất ít lời, và sau mỗi lần đọc qua bản thảo đều yêu cầu tác giả viết lại. Nhà văn nhẫn nhục cày trên từng trang giấy với một sự kiên nhẫn vượt khỏi sức tưởng tượng, và đến lần cuối cùng thì được Carlos gật đầu…
Phần cuối “Sau huyền thoại – Bất tận ngôn” được xem như một vĩ thanh sau khi tác giả đã cho các nhân vật của mình “nhảy múa” trên sân khấu trường đời cùng với những nhận xét đánh giá như một sự chiêm nghiệm. Phần này cũng là sự kết thúc gần như có hậu của một số nhân vật chính như Hà, Sa, Freddy và vợ chồng Marthe. Bằng những dòng ngắn gọn nhưng đầy biểu cảm, tác giả nêu ra những triết lý về huyền thoại Rồng – Tiên qua câu chuyện Lạc Long Quân và Âu Cơ được đặt trong bối cảnh chiến tranh và hòa bình của tộc người việt qua những thăng trầm lịch sử.
Ở phần chính, các tiêu đề của mỗi chương tuy có vẻ phân mảnh như một chủ đề riêng biệt, nhưng diễn biến cốt truyện lại luôn có sự móc xích với nhau trong một tổng thể, đồng thời lại mang âm hưởng huyền thoại.
Câu chuyện được diễn ra trong một nhóm khách du lịch đến từ những miền văn hóa khác nhau, ngôn ngữ khác nhau cùng ở trong một khách sạn nhỏ vùng cao Sa Pa dưới chân ngọn núi Fansipan. Chủ khách sạn là một bà già kém mắt và cô con gái tên Sa. Đó là một xã hội thu nhỏ với những mối quan hệ ngang dọc được nhìn nhận từ nhiều hệ quy chiếu về trình độ học vấn, khả năng nhân thức và tầm vóc văn hóa trong một khung cảnh nửa hư nửa thực bởi phong tục, tập quán và cả những ẩn ức tâm lý.
Mối quan hệ giữa các nhân vật không xuôi chiều mà khá đa dạng, nhiều biến thái dẫn đến không ít đột biến. Đó là Hà, một công dân Mỹ gốc Việt, nhà môi giới chứng khoán, có nhiều tiền nhưng về Việt Nam như một người ngoại quốc bởi anh ta chẳng còn gì gắn bó với quê hương ngoài những ký ức lờ mờ. Ở Mỹ, Hà có vợ có con nhưng lại mê cô con gái bà chủ khách sạn đến nỗi xuýt nữa bị Freddy cho một nhát dao. Freddy là nhà côn trùng học, có cha làm phi công lái máy bay do thám bị tên lửa Việt Nam bắn hạ thời kỳ chiến tranh hai miền Nam Bắc. Sa, con gái một họa sĩ tài năng luôn khao khát khung trời cho tự do sáng tác. Ông nhận lời mời của một nhân sĩ đấu tranh cho sự nghiệp dân chủ, đã vào Đà Lạt sinh sống. Sa là cô gái chưa chồng, biết tiếng Anh, khá lọc lõi vì đã tiếp xúc với nhiều khách du lịch và nhất là thừa hưởng được phẩm chất thông tuệ cứng cỏi của người cha. Cô mặc cảm thân phận nghèo hèn và luôn tìm cơ hội để thay đổi hoàn cảnh sống. Thế nhưng đây cũng là một thiếu nữ có tính cách phức tạp, thậm chí cực đoan, nhất là, khi cô giấu biệt những bức thư người cha gửi cho mẹ, đồng thời nói dối ông đã yêu thương người đàn bà khác khiến bà mẹ đau khổ, dần dần mắt bị lòa. Một mặt, Sa thương xót những con bướm bị ướp xác, bắt Freddy chôn bộ sưu tập hồ điệp mà phải khó khăn lắm mới có được, nhưng mặt khác, cô lại yêu cầu anh chàng người Mỹ phải thỏa thuận với mình một hợp đồng miệng làm vợ chồng trên danh nghĩa để có cơ hội xuất ngoại.
Ở Sa người đọc có thể tìm thấy cả sự lương thiện lẫn sự nhẫn tâm, sự trinh trắng của cô gái tuổi dậy thì những cũng lại lả lơi, buông thả như loại gái bán hoa câu khách. Sa là sản phẩm của một nền văn hóa mà ở đó sự tha hóa đang gậm nhấm dần những giá trị bền vững tác giả muốn cảnh báo chăng?
Nhân vật Marthe lại phát sinh một vấn đề khác có liên quan đến lịch sử dân tộc Việt nhất là lịch sử cuộc chiến tranh Đông Dương (1946 – 1954) qua câu chuyện cô công chúa người H’Mong Vàng Sao. Marthe chính là cô công chúa con gái vua Mèo đã bị chết trong trận máy bay quân đội Pháp ném bom vào bản. Vàng Sao được viên công sứ đưa về Pháp, nhận là con và cho vào học trường Cao đẳng âm nhạc. Lúc này, Vàng Sao về Việt Nam với tư cách là nhà nghiên cứu âm nhạc dân tộc cùng với chồng là bác sĩ André. Tại Sa Pa, Marthe đã cứu sống một phụ nữ người H’Mong bị sưng bộng răng rồi vào thăm thủ phủ cũ của vua Mèo, tham gia các lễ hội của người H’Mong, cuối cùng chị đã hoàn nguyên bản sắc dân tộc qua ký ức của những người gìa và ký ức truyền kiếp của chính mình.
Freddy cũng là một nhân vật tham gia vào cộng đồng du khách với tư cách là nhà côn trùng học. Anh ta lang thang suốt các ngả đường chân dãy Hoàng Liên Sơn tìm bắt các loại bướm bản địa rồi ướp xác bằng hóa chất mà vẫn giữ nguyên màu sắc óng ánh để chúng trở thành bất tử. Vì bản hợp đồng với Sa mà Freddy phải hủy bộ sưu tập. Freddyluôn bị ám ảnh về cái chết của bố mình bởi bức thư nào cha anh cũng nói ông chỉ lái máy bay trinh sát tầm cao vượt quá khả năng của tên lửa quân đội Bắc Việt. Cha Freddy được liệt vào danh sách mất tích, và chuyến đi của anh ta lần này chính là để tìm tung tích ông. Đó cũng là nguyên nhân mà Freddy phải vào bản người H’Mong thuê một ông thầy cúng làm phép gọi hồn cha.
Những trang miêu tả một mình Freddy xuống vực thẳm Lũng Mây tìm hài cốt cha có vẻ như không chỉ là hiện thực mang màu sắc tâm linh mà nó đã vươn dến cấp độ huyền thoại khó có thể nhận thức bằng luận lý. Thung lũng mờ sương đầy khỉ và những đống hài cốt lẫn lộn giữa người và khỉ làm người đọc sởn gai ốc liên tưởng đến một thứ địa ngục ngay trên trần thế. Rùng rợn hơn nữa là khi Freddy vấp ngã văng mất đèn pile, một mình dò dẫm trong thung lũng tử thần đầy những âm thanh ma quái được tạo ra bởi sự tự kỷ ám thị.
Vụ nhà côn trùng học mất tích làm ông thày bùa người H’Mong hoảng sợ trả lại $100 và thoái thác trách nhiệm bằng cách yếu cầu Sa và Hà im lặng. Đây cũng là một tình tiết rất tiểu thuyết của cuốn sách.
Mối quan hệ giữa Sa, Hà và Freddy qua hai bản hợp đồng tình yêu không được giải quyết ở phần chính truyện mà tác giả cố tình bắt người đọc phải chờ đến hồi kết “Sau huyền thoại – Bất tận ngôn” mới cởi bỏ những nút thắt như là một thủ pháp phục bút của người viết tiểu thuyết giàu kinh nghiệm.
“Tiếng cồng” là cuốn truyện cần được nhìn nhận ở nhiều tầng ý nghĩa. Nội hàm của cuốn sách qua các mối quan hệ phần nổi giữa các nhân vật trong những hoàn cảnh khá điển hình được khái quát hóa đã dẫn dắt người đọc từ nhận thức cảm tính đến nhận thức lý tính. Vì thế, có thể xem, phần cốt lõi của câu chuyện chính là vấn đề văn hóa, mà trong đó, huyền thoại được tác giả sử dụng như một phương tiện để biểu đạt tư tưởng thẩm mỹ. Tuy nhiên huyền thoại Nam Dao vận dụng không liên tục và đồng bộ. Đó là thứ huyền thoại phân mảnh được dẫn dụ qua các giá trị văn hóa phi vật thể của cộng đồng tộc người H’Mong hay tiếng gọi truyền kiếp từ vô thức của huyền tích Lạc Long Quân và Âu cơ từ thuở hồng hoang lập nước…
Với vốn tư liệu phong phú từ công đoạn điền dã, khai thác nhiều phong tục tập quán của tộc người H’Mong cũng như tìm hiểu được những khúc quanh của lịch sử dân tộc qua hai cuộc chiến tranh, Nam Dao đã thành công khi ông tái hiện một mảng hiện thực xã hội Việt Nam bằng lối văn sinh động nhưng cũng đầy ẩn dụ về đất nước, dân tộc và những giá trị sống đang dần dần bị tha hóa.
Đúng như tiêu đề “Sau huyền thoại – Bất tận ngôn” như một vĩ thanh, tác giả đã ngầm chỉ ra, vì thế, khi đọc “Tiếng cồng” chúng ta nên đọc cả “phần chìm” của cuốn sách. Bởi chính nó chứ không phải phần cốt truyện trực tiếp, mới làm nên tư tưởng của cuốn sách này.
Chí Linh, 6.01.2018
Đ.V.S.
* TIẾNG CỒNG, tiểu thuyết của nhà văn Nam Dao, nhà xuất bản THI VĂN, Hoa Kỳ
Đã post trên vanviet.info, vandoanviet,blogspot.com và FB Văn Việt trong năm 2017
https://www.facebook.com/daothaivan/posts/1508672142573568Top of Form