Thuật ngữ chính trị (37)

Phạm Nguyên Trường

Political Dictionary – The Bridge

104. Democratic socialism – Chủ nghĩa xã hội dân chủ. Đây là nhãn hiệu được gán cho những người ủng hộ xây dựng chủ nghĩa xã hội bằng các biện pháp dân chủ. Những người ủng hộ chủ nghĩa xã hội dân chủ cho rằng có thể chuyển sang chủ nghĩa xã hội bằng con đường nghị trường và do đó, chống lại mọi hành động cách mạng nhằm lật đổ chính phủ dân cử.

105. Democratic Transitions – Chuyển đổi dân chủ. Chuyển đổi dân chủ là nói đến quá trình chuyển tiếp một cách nhanh chóng từ chính phủ phi dân chủ sang chế độ dân chủ tự do ở nhiều nước trong những thập niên cuối cùng của thế kỉ XX. Trước khi Bồ Đào Nha lật đổ được chế độ độc tài Salazar và thiết lập được hệ thống chính trị dựa trên các cuộc bầu cử tự do vào năm 1974/75, các chế độ dân chủ tự do hiện đại không xuất hiện một cách bất ngờ, có thể nói là mang tính cách mạng. Cũng trong khoảng thời gian này, Hy Lạp lật đổ đổ được chế độ độc tài quân sự và Tây Ban Nha, sau khi Franco chết, cũng thiết lập được chế độ quân chủ lập hiến, tương tự như ở một số nước Bắc Âu. Cho đến lúc đó, chế độ dân chủ ở phương Tây phát triển rất chậm, phải nhiều thập kỷ, thậm chí là hàng thế kỷ. Đấy là khi các giai cấp thống trị truyền thống mở rộng dần quyền phổ thông đầu phiếu và chuyển giao quyền lực vào tay các quan chức dân cử.

Năm 1989, chỉ trong thời gian rất ngắn, các nước thuộc Liên Xô cũ cùng với Ba Lan, Tiệp Khắc, Hungary, Romania và một số nước khác đã chuyển sang chế độ dân chủ. Chỉ trong vài tháng, các nước này đã thay thế chính quyền của Đảng Cộng sản bằng chế độ dân chủ đại nghị. Những vấn đề mà môn chính trị học phải quan tâm là, thứ nhất, có những tác nhân chung trong những cuộc chuyển đổi thành công nay hay không, và thứ hai, làm sao chuyển đổi lại diễn ra nhanh như thế, trong khi dường như các nước này có rất ít hoặc chưa có văn hóa dân chủ hoặc chưa chuẩn bị cho chế độ dân chủ? Khi những câu hỏi như thế được đặt ra cũng có nghĩa là chế độ dân chủ là của hiếm và mỏng manh, cần phải nuôi dưỡng một cách cẩn thận. Câu trả lời có thể là, trong thế giới, nơi các chế dân chủ đang hiện hữu được coi là mô hình, việc thành lập chế độ dân chủ mới khi hệ thống độc tài không thể đàn áp được người dân nước mình chỉ còn là vấn đề tính toán theo lối duy lý mà thôi. Mặc dù câu chuyện về những vụ chuyển đối có những chi tiết khác nhau, nhưng chúng đều có một điểm chung. Đấy là các nhóm lãnh đạo tiềm năng khác nhau, thường bao gồm cả những người của trật tự cũ, gặp nhau và thống nhất về các thiết chế đáp ứng phần nào đòi hỏi của tất cả các bên. Giải pháp đáp ứng được đòi hỏi của tất cả các bên là chính phủ hạn chế, không có nhóm nào có thể nắm được quyền lực độc tài. Các thiết chế đó có thể tồn tại được trong thời gian dài và có thể vượt qua được những cú sốc và đặc biệt là giải quyết được những thách thức về kinh tế hay không là vấn đề khác. Dường như các điều kiện để giữ gìn và phát triển dân chủ có thể rất khác và khó đạt được hơn các điều kiện để thành lập chế độ dân chủ, vì vậy, hiện nay nhiều người quan tâm tới ý tưởng về xã hội dân sự.

106. Democratization – Dân chủ hóa. Dân chủ hóa là tiến trình để một nước hoặc một xã hội chưa dân chủ hoặc chưa hoàn toàn dân chủ trở thành dân chủ hoặc dân chủ hơn. Thuật ngữ này được Bruce sử dụng lần đầu tiên vào năm 1888. Bruce xác định rằng quá trình dân chủ hóa bắt đầu bằng cuộc Cách mạng Pháp. Nếu dân chủ đồng nghĩa với quyền phổ thông đầu phiếu thì Làn sóng dân chủ hóa thứ nhất diễn ra khá chậm chạp, trong nhưng năm 1790, lan từ Pháp sang một số bang của Hoa Kì rồi đến năm 1918, đã lan tràn tới hầu hết các nước đã công nghiệp hóa. Sau Thế chiến I và Thế chiến II, có một làn sóng nhỏ nữa. Woodrow Wilson, người ủng hộ tích cực cho quyền tự quyết của các dân tộc đã khuyến khích Làn sóng thứ nhất, còn Làn sóng thứ hai thì được phong trào đòi độc lập ở các nước thuộc địa của phương Tây, đặc biệt là ở châu Á và châu Phi tiếp sức. Tuy nhiên, sự ngóc đầu dậy của chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa phát xít đã chặn đứng làn sóng thứ nhất, còn những cuộc xung đột nội bộ trong các nước cựu thuộc địa của phương Tây đã chặn đứng làn sóng thứ hai. Cái được gọi là Làn sóng dân chủ hóa thứ ba bắt đầu vào đầu những năm 1970. Theo tổ chức Freedom House, đến năm 2000, trên thế giới đã có 120 nước dân chủ, chiếm tới 63% quốc gia trên thế giới. Làn sóng thứ ba bắt đầu ở Nam Âu, cùng với sự sụp đổ của các chế độ độc tài quân sự ở Bồ Đào Nha (1974), Tây Ban Nha (1976) và Hi Lạp (1976) và sau đó lan sang khu vực Mĩ Latin, Trung và Đông Âu, Viễn Đông, Đông Nam Á và phía nam sa mạc Sahara, trong những năm 1980 và 1990.

Trong những năm 1960, các học giả áp dụng phương pháp tiếp cận thực chất (substantive) để phân tích tiến trình dân chủ hóa. Giả định cốt lõi của của cách tiếp cận này là dân chủ hóa ở bất cứ quốc gia nào cũng là tiến trình lịch sử lâu dài, từng bước một và dân chủ hóa là hiện tượng rộng lớn, không chỉ về mặt chính trị mà còn diễn ra trên cả trên bình diện kinh tế và xã hội nữa. Cách tiếp cận này nhấn mạnh “những điều kiện tiên quyết” của chế độ dân chủ. Giả thuyết căn bản là đất nước càng giàu có và thịnh vượng thì xác suất bảo vệ được chế độ dân chủ sẽ càng cao. Nhược điểm lớn nhất của phương pháp tiếp cận thực chất có thể là giả định cốt lõi của nó khuyến khích phân tích những tiến trình lịch sử kéo dài mà bỏ qua những hiện tượng diễn ra trong ngắn hạn. Điều này thể hiện rõ ràng ngay sau khi Làn sóng thứ ba bắt đầu. Phương pháp tiếp cận thực chất không thể giải thích được khả năng dân chủ hóa chính trị trong thời gian ngắn, đặc biệt ở những quốc gia nằm bên ngoài các chế độ dân chủ đã công nghiệp hóa ở phương Tây. Hơn nữa, khi tiến trình dân chủ hóa lan từ Nam Âu, những năm 1970, tới Mĩ Latin, những năm 1980, rồi tới Trung và Đông Âu và Viễn Đông, những năm 1990, phương pháp tiếp cận này không có bộ công cụ để phân tích những kết hợp về chính trị trong ngắn hạn.

Phương pháp tiếp cận gọi là theo thủ tục (procedural) chuyển chú ý từ dân chủ (kết quả) sang tiến trình dân chủ hóa (tiến trình động). D. A. Rustow rút ra kết luận rằng các tác nhân giữ cho chế độ dân chủ ổn định không nhất thiết phải là các tác nhân tạo ra chế độ dân chủ. Những giải thích về chế độ dân chủ phải tách biệt giữa chức năng và quá trình hình thành. Sự phân biệt rạch ròi như thế tạo điều kiện cho các nhà phân tích bỏ qua, không còn nhấn mạnh những hiện tượng diễn ra trong dài hạn và chế độ dân chủ như là kết quả của những hiện tượng đó và chú tâm vào những hiện tượng diễn ra trong ngắn hạn và tiến trình dân chủ hóa năng động. Như Làn sóng dân chủ hóa thứ ba cho thấy, chế độ dân chủ có thể và trên thực tế đã ra đời và phát triển trong một vài năm. Khả năng dân chủ hóa trong ngắn hạn còn tạo điều kiện cho Rustow đưa ra hai khái niệm là chuyển đổi (transition) và củng cố (consolidation) mà sau này trở thành trung tâm cho việc nghiên cứu Làn sóng thứ ba. Hai khái niệm này thiết lập nên chân trời thời gian (time horizon) cho phép người ta phân biệt các giai đoạn khác nhau của tiến trình dân chủ hóa trong ngắn hạn.

Việc nhấn mạnh các hiện tượng trong ngắn hạn của phương pháp tiếp cận theo thủ tục còn được bổ sung bằng tư tưởng cho rằng có thể dễ dàng nghiên cứu dân chủ hóa bằng cách theo quan niệm tối thiểu về dân chủ. Đấy là tư tưởng về chế độ dân chủ đa nguyên, tập trung vào những thiết chế và quy trình chính trị (tham gia và cạnh tranh chính trị một cách tự do và công bằng, bảo vệ rộng rãi các quyền dân sự) và không tính tới tiến trình và chỉ dấu kinh tế (gọi là sự độc lập tương đối của chính trị). Bằng cách tập trung chú ý vào những hiện tượng diễn ra trong ngắn hạn và vào các tiêu chí của dân chủ đa nguyên, các học giả có thể phân tích Làn sóng dân chủ hóa toàn cầu đầu tiên trong những năm đầu thập kỉ 1970 và đầu thế kỉ XXI.

Comments are closed.