THẢO LUẬN THOÁT TRUNG VỀ VĂN HOÁ (6): Việt Nam – một số phận nghiệt ngã

Thùy Linh

Lần giở lịch sử sẽ thấy số phận đất nước này nghiệt ngã như thế nào…

Những ai trăn trở đều đau đớn khi nhận ra những bóng tối hắc ám đeo đẳng mà đến giờ vẫn chưa buông tha để đất nước hồi sinh và phát triển.

Không đau đớn sao được khi nơi đó có tổ tiên, ông bà và chính chúng ta đã sinh ra. Là hành tinh duy nhất ta ghé thăm khi may mắn kiếp này được làm người. Nơi đầu tiên ta mở mắt nhìn ánh mặt trời và nhận ra cây lá, cỏ hoa của thế giới quanh mình…

Thủa bình minh dựng nước

Kể lại chút chuyện xưa theo sử sách với ngậm ngùi, tiếc nuối (*). Chuyện kể rằng, vào thời Hùng Vương, nước Văn Lang đã có phong tục, tập quán và ngôn ngữ riêng của người Việt, khác với Trung Hoa. Người Việt thời đó đã chịu ảnh hưởng sâu xa Phật giáo Ấn Độ, ngôn ngữ và văn minh nước Việt thời xưa đã chịu ảnh hưởng của Đại Tạng Kinh Phật giáo. Vào thời nhà Triệu (207–111 TCN), Việt Nam đã có chùa rồi. Nhiều lắm nhé.

Lại có chuyện nghe như cổ tích…Chử Đổng Tử lấy Tiên Dung, con gái vua Hùng. Hai người lập phố xá buôn bán và nơi ấy trở thành chợ có tên là Hà Lõa. Thương nhân nước ngoài thường ghé tới buôn bán. Sự tích quả dưa hấu của An Tiêm ra đời vào thời đó để biết đã có buôn bán bằng đường biển (dân gian đùa đó là người đầu tiên đi “xuất khẩu lao động” và “đánh quả” gửi về). Một hôm, có thương nhân rủ Đồng Tử hùn vốn ra nước ngoài “đánh quả”. Đồng Tử lên thuyền ra đi. Khi thuyền ghé bờ để lấy thêm nước và lương thực ở chân núi Quỳnh Viên, Đồng Tử lên núi dạo chơi, ngắm cảnh thì gặp một am tranh vắng vẻ. Đó là nơi tu của sư Phật Quang (theo thiền sư Lê Mạnh Thát thì có thể đây là nhà sư người Ấn Độ do vua Ashoka (A-dục) cử đi truyền bá Phật pháp vào thế kỷ 3-TCN). Đồng Tử được nhà sư thuyết giảng Phật pháp bèn quyết định ở lại núi tu học. Năm sau, thuyền buôn đến đón, khi xuống núi, sư Phật Quang tặng cho Chử Đồng Tử một cây gậy và một nón lá, bảo rằng các việc “linh thông” có cả trong hai vật này. Có giả thuyết nói rằng Chử Đồng Tử tu tiên chứ không phải tu Phật. Thật ra, cây gậy và nón lá là hai pháp khí của các tăng sĩ Phật giáo tu theo Mật tông từ thời xưa cho đến gần đây. Cây gậy là Tích trượng hay pháp khí của các thiền sư tu theo Mật tông. Như vậy, Phật giáo đã được du nhập vào Việt Nam từ thời Hùng Vương, cùng thời vua A-dục. Sau này các tăng sĩ Ấn Độ tới viếng Việt Nam bằng đường biển theo thuyền buôn của các thương gia Ấn. Nhưng trước khi các tăng sĩ tới thì các thương gia ngươi Ấn này đã mang đến Việt Nam những sinh hoạt Phật giáo. Sau thời gian hình thành trong vài thế kỷ, Phật giáo Việt Nam bắt đầu phát triển ở thế kỷ đầu của kỷ nguyên dương lịch và đạt đỉnh cao với trung tâm Phật giáo Luy Lâu (thế kỷ 2-3). Thời nhà Tùy, vua Văn Đế là người mộ đạo, sai người sang Giao Châu để giáo hóa cho dân chúng và xây chùa để con người biết đến đạo Bồ Đề. Nhưng pháp sư Ðàm Thiên tâu rằng, Giao Châu có đường thẳng thông với Thiên Trúc… Khi Phật Pháp mới tới Giang Ðông còn chưa đầy đủ thì ở Luy Lâu đã có 20 ngôi chùa, độ được hơn 500 vị tăng và dịch được 15 cuốn kinh rồi…

Sau này Khổng Tử (ra đời muộn hơn Đức Phật 72 năm) và các học trò của ông lại chống đối, chê bai những gì không thuộc về nước lớn. Khổng nói: “Các giống di địch ở miền Ðông và miền Bắc dù thời thái bình có vua cũng không bì được với nước ta trong thời loạn không vua”. Mạnh Tử nói: “Ta từng nghe dùng học thuyết nước lớn để giáo hóa di địch, chưa từng nghe lấy học thuyết di địch để giáo hóa nước lớn bao giờ”. Mâu Tử, một cư sĩ Trung Quốc sang Giao Châu đã lâu và theo học các nhà sư Ấn Độ tại đây, quyết phá tan mặc cảm tự tôn cho rằng Trung Quốc là trung tâm của trời đất, xung quanh chỉ là biên địa, mọi rợ, di dịch. Mâu Tử bảo có những bậc vĩ nhân xuất thân từ các miền di địch và nói với người đả phá Phật giáo rằng: “Không chắc là đất Hán nằm giữa. Tôi kính trọng đạo Phật nên học Phật và tôi không bỏ Nghiêu, Thuấn, Chu, Khổng. Vàng ngọc không gây tỳ vết cho nhau, bích ngọc và mã não để chung không sao cả. Khi ông cho người khác lầm lạc, có nghĩa chính ông đã lầm lạc không?”. Mâu Tử còn nói: “Ấn Ðộ mới thật nằm giữa trời đất và địa vị trung hòa, vì vậy Phật đã ra đời nơi đó”. Nguyên tắc pháp môn của Mâu Tử giản dị như sau: “Xe và thuyền không đi cùng một lối, nhưng đều đưa người tới chốn”. Thời ấy là vào khoảng năm đầu công nguyên. Cũng là thời kì Việt Nam chịu tai họa 1000 năm Bắc thuộc. Nhưng ngay lúc đó thì các trường phái thiền đã phát triển rất mạnh như Tỳ Ni Đa Lưu Chi hầu như chỉ chịu ảnh hưởng của Phật Giáo Ấn Ðộ. Ðây là một thiền phái rất có tính cách dân tộc Việt Nam, vừa biểu lộ sinh hoạt tâm linh siêu việt của Phật giáo, vừa thể hiện được đời sống thực tế, đơn giản của quần chúng nghèo khổ.

Các triều đại rực rỡ

Các thiền sư (nhà Lý nương vào họ để củng cố triều chính và học đạo) đã cố gắng xây dựng một nền văn hóa Việt độc lập với phương Bắc. Về phương diện địa lý, nhà Lý đã dời đô về nơi có thể dựng nên sự nghiệp độc lập lâu dài. Về học thuật, họ có công đào tạo một lớp trí thức không cố chấp, biết dung hợp các ý thức dị biệt của Nho, Lão, Phật. Về phương diện văn hóa, họ góp phần dựng nên một triều đại thuần từ, lấy Từ bi làm căn bản cho chính trị. Về văn hóa, họ đã cho ra đời nhiều sáng tác dù phần lớn những tác phẩm này có chủ đề Phật giáo. Về mỹ thuật, những công trình kiến trúc và điêu khắc của Phật giáo cũng là những đóng góp mĩ thụât quan trọng nhất trong thời đại. Về học thuật, các thiền sư đã mở trường dạy học, không những cho tăng sĩ mà còn cho cư sĩ. Thiền sư Vạn Hạnh đã đào tạo nên Lý Công Uẩn. Sau này những nhà nho thiếu căn bản Phật học trở nên giáo điều, cố chấp và hẹp hòi. Thái độ đó đã gây chia rẽ và tạo nên loạn lạc. Hoàng Xuân Hãn đã gọi “Ðời Lý có thể gọi là đời thuần nhất trong lịch sử nước ta. Ðó chính là ảnh hưởng của đạo Phật”. Ðạo đức, từ bi không làm cho dân nghèo nước yếu, trái lại, những yếu tố này đã tạo nên phú cường. Bằng chứng là những chiến thắng Chiêm Thành và quân Tống; trong nước thì không có bạo động; triều đình thì gần gũi với dân…

Nếu kể đến sự độc lập, tự chủ phải kể đến đời Trần. Từ Trần Thái Tông, Thánh Tông, Nhân Tông và Anh Tông đều là những người rất giỏi về Phật pháp. Vua Nhân Tông tu theo phái thiền ở núi Yên Tử và được nhận là người truyền thừa của phái này thế hệ thứ sáu. Từ đó trở đi, Yên Tử trở thành nổi tiếng, là lực lượng trung gian có thế lực giữa triều đình và nhân gian. Một nhà vua từng đánh bại cuộc xâm lăng quân Nguyên đem lại hòa bình, thịnh trị cho dân tộc, vậy mà dám bỏ ngai vàng để xuất gia. Cả nước nhìn về ngọn Yên Tử như hướng về ngọn hải đăng. Đạo Phật đã giúp liên kết toàn dân để xây dựng và bảo vệ quốc gia. Cuộc đời xuất gia của Phật hoàng Trần Nhân Tông (Trúc Lâm) vô cùng tích cực. Ngài thường vân du hoằng đạo khắp nơi và luôn được dân chúng ái mộ, khâm phục nên lời khuyên của Ngài có tác dụng rất lớn. Giáo lý Thập Thiện là cơ bản để xây dựng đạo đức xã hội. Phật hoàng đã góp phần xây dựng một xã hội lấy nền tảng luân lý là đạo Phật. Trúc Lâm Yên tử là Phật giáo nhập thế, liên hệ mất thiết tới chính trị, phong hóa xã hội. Thời đại vua Trần Nhân Tông là thời đại mà Phật giáo hưng thịnh đến cực độ. Thế nhưng tinh thần từ bi và khoan dung của đạo Phật không hề tiêu cực và xa lánh. Hội nghị Diên Hồng do vua Trần Nhân Tông triệu tập đã tập hợp dân chúng với quyết tâm “ĐÁNH”… Tiếng nói của ý thức tự chủ và tinh thần tự cường của con dân nước Việt khi Phật giáo thống nhất chỉ có ở đời Trần. Đó là nền Phật giáo độc lập, là uy tín của quốc gia Ðại Việt, là xương sống của nền văn hóa Việt Nam tự chủ. Tuy có tiếp nhận ảnh hưởng của Phật giáo Trung Hoa, Ấn Ðộ và Tây Tạng nhưng vẫn giữ cá tính đặc biệt của mình, phục vụ, duy trì và bồi đắp cá tính Việt. Về phương diện văn hóa, Phật giáo đời Trần đã có đóng góp lớn lao mà ưu điểm lớn nhất là tinh thần khoan dung và tự do. Nhà Trần đãi kẻ sĩ không hề hẹp hòi, hòa vị mà có lễ phép. Cho nên nhân sĩ thời ấy ai cũng biết tự lập, anh hào tuấn vĩ vượt lên thói phàm tục. Chính nhờ các đặc tính khoan dung và mềm dẻo của văn hóa đời Trần mà vua quan cùng dân chúng đã đồng thanh tương ứng chống ngoại xâm và xây dựng đất nước. Văn học đời Trần rực rỡ và phản chiếu tinh thần từ ái, hòa đồng, thanh thoát, không tỏ ra khiếp nhược, yếm thế mà tóat lên sự tự lực, tự cường và tiến thủ, thấm nhuần tính cách dung hợp và khai phóng của đạo Phật. Văn học Nôm cũng được hình thành trong đời Trần. Nền học vấn đời Trần không bị ràng buộc bởi khoa cử. Chính sách tôn giáo của nhà Trần là tự do và bình đẳng, giới sĩ phu dù xuất thân từ truyền thống tôn giáo nào cũng được triều đình đãi ngộ. Tinh thần Phật giáo giúp các nhà chính trị đời Trần áp dụng những chính sách bình dị, thân dân và dân chủ… Chính vì nhận thấy nguy cơ đó, vào thế kỷ 15, nhà Minh đã quyết tâm đập tan những cơ cấu văn hóa xây dựng gần 150 năm của Phật giáo đời Trần. Họ thu lượm các sách vở cổ kim của Việt Nam đóng thùng chở về nước. Sau đó bọn họ còn cử người sang tìm tòi và thu lượm tất cả những sách chép về lịch sử và sự tích xưa nay do người Việt viết. Ngược lại, họ đem sách Khổng giáo, Lão giáo và Phật giáo của họ sang để thay thế cho những sách đã bị thu hồi. Chính sách tiêu diệt văn hóa thâm độc đó đã phá hoại gia tài tinh thần của triều Trần vô cùng phong phú. Cuối đời Trần, đặc biệt tới đời Lê, mọi sự đã ngoặt sang hướng khác… Một hướng đi rất đau lòng…

Thời mạt Lê

Cuối thế kỷ 14, một số Nho gia muốn thay đổi để bắt chước theo thể chế sinh hoạt văn hóa của Trung Hoa. Các Nho thần Lê Bá Quát và Phạm Sư Mạnh yêu cầu vua Minh Tông thay đổi thể chế sinh hoạt văn hóa, vua trả lời: “Nước ta đã có phép tắc nhất định, vả lại Nam Bắc phong tục khác nhau. Nếu theo lời của các ngươi, chỉ cốt cho thành tựu mưu chước thì chỉ sinh loạn ra thôi”. Vua Nghệ Tông cũng nói: “Triều đình dựng nước tự có pháp độ riêng, không theo chế độ nhà Tống, là vì Nam Bắc đều là chủ nước mình, không cần bắt chước nhau”. Lớp nhà Nho bắt đầu muốn “Tống hóa” nền văn hóa của Ðại Việt. Thời này, Nho gia bắt đầu công kích Phật giáo. Theo họ, đạo Phật là sự mê tín dị đoan, có hại cho đất nước. Chỉ có một tôn giáo có thể giữ nước và dựng nước, đó là Nho giáo. Các sử thần gọi Nho giáo là đạo Trung dung (Ngô Sĩ Liên), là đạo Nhất trung (Ngô Thì Sĩ). Trạng nguyên Lương Thế Vinh không được thờ trong Văn Miếu do thượng tôn Phật giáo là sự phản ảnh trung thực thái độ cực đoan của Nho gia lúc bấy giờ. Ngô Thì Sĩ viết: “Ðạo chỉ có một, ngoài đạo tu thân, tề gia, trị quốc và bình thiên hạ, không còn gì được gọi là đạo nữa.” Nhiều Nho sĩ giữ thái độ hẹp hòi về tôn giáo và ý thức hệ. Phong thái thấp kém, suy đồi của Nho sĩ cùng với tình trạng rối ren của đất nước đã làm mất đi sự tôn trọng, tự tin của giới Nho sĩ. Suy đồi khi họ đánh mất vai trò lãnh đạo trí thức, văn hóa và chính trị. Trong suốt hơn 200 năm, từ khi nhà Trần bắt đầu suy yếu, đạo Phật không ảnh hưởng đến sự phát triển văn hóa, chính trị nữa. Giới trí thức hướng về đạo Nho như con đường cứu nước và dựng nước. Các Nho sĩ đáng lý phải ý thức được ý định thâm độc của nhà Minh, nhưng trong gần hai thế kỷ, một phần vì thiếu ý thức về văn hóa dân tộc, một phần vì kỳ thị Phật giáo, không có nho gia nào chịu khó tìm tòi gây dựng lại vốn cũ.

Sau Lê, Nguyễn là sự xuất hiện của người Pháp. Sự học Tây phương bắt đầu thâm nhập vào Việt Nam. Người trẻ bỏ Nho học theo tây học. Dần dần tây học cường thịnh thì các nhà Nho về vườn. Đến lúc bị áp đáo, mất uy quyền, các nho sĩ lại bắt đầu lui tới chùa đàm đạo và uống trà thân mật với tăng sĩ, làm như sự xung đột chưa bao giờ xảy ra giữa Nho giáo và Phật giáo cả… Không còn thấy vẻ cao đạo khi Nho cực thịnh…

Vậy là mấy lần Việt Nam mất đi cơ hội tuyệt vời để có thể xây dựng một nền tảng văn hóa, tâm linh thoát khỏi vùng ảnh hưởng xấu của Nho học…

Thế kỷ thuộc địa

Nho giáo thống trị xã hội Việt Nam cho đến mãi sau này… Tư tưởng Việt Nam cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 vẫn là mấy ông Nho cầm trịch, mà lại Tống Nho mới khủng khiếp. Nhà Nguyễn duy trì Nho giáo để bảo vệ chế độ chuyên chế của mình. Nhưng khi mấy ông tây bắt đầu lần mò đi thuyền đến bờ biển Việt Nam để buôn bán cũng là lúc Nho giáo đụng độ với những gì thuộc về phương tây. Rồi họa mất nước vào tay Pháp đến gần… Tưng ấy nguy cơ mới thấy Nho giáo lâu nay tạo dựng một thể chế hết sức phản động, không đủ sức tập hợp và lãnh đạo nhân dân xây dựng đất nước trở nên phú cường đủ sức đánh giặc. Trước nguy cơ ấy, mấy ông vua nhà Nguyễn càng cố kết nền quân chủ Nho giáo với hy vọng giữ nước. Họ vận dụng quân-thần; trung nghĩa để tập hợp lực lượng. Người ta coi vua đồng nghĩa với nước; yêu nước là trung với vua… Khư khư giữ Nho giáo, cuối cùng nhà Nguyễn cũng chẳng giữ được nước. Pháp nhảy vào, triều đình qui phục…Nhìn lại để thấy 1000 năm đô hộ giặc tàu nguy hại đến mức nào…

Còn đây…Nhìn lại 100 năm đô hộ giặc Tây để xem…

Trong bối cảnh mất nước thì xã hội Việt Nam lúc đó lại được hưởng những tiến bộ mà người Pháp đưa vào như dùng chữ quốc ngữ, mở nhà xuất bản, cho ra đời nhiều tờ báo; mở trường dạy học (trường Mỹ thuật Đông Dương, trường Y… lừng lẫy có từ thời ấy); dịch sách nước ngoài ra chữ quốc ngữ…Khắp Việt Nam, những nơi nghỉ mát và danh lam thắng cảnh tuỵêt đẹp đều do người Pháp tìm ra và xây dựng đầu tiên: Sapa; Tam Đảo; Nha Trang; Bạch Mã… Đường sắt cũng là người Pháp xây dựng và vẫn được dùng cho đến ngày nay. Cầu Long Biên đến giờ vẫn là biểu tượng về Hà Nội cũng do kĩ sư Pháp xây dựng, là người xây dựng tháp Epphen. Nhà hát Lớn đẹp nhất trong các nhà hát cho đến lúc này ở Việt Nam…

Thế hệ trí thức lớn lên vào thời Pháp đô hộ được hưởng khá nhiều lợi ích của nền văn hóa tinh túy bậc nhất thế giới bấy giờ. Có nhiều nét tính cách của người Thăng Long được thừa hưởng vẻ tài hoa, tinh tế của văn hóa Pháp. Tiếp nối tính nhân văn, tự trọng, khiêm cung, tự do, khoáng đạt của đạo Phật thời Lý, Trần, âm ỉ trong suốt thời gian độc trị của Nho giáo, để rồi bắt nhịp, hòa hợp với văn minh phương Tây, làm nên tính cách người Thăng Long xưa chăng? Trước năm 45, giới trí thức Hà Nội, Sài Gòn được hưởng làn gió trong lành về tự do, dân chủ từ Pháp quốc thổi sang… Chính nhờ những ảnh hưởng này đã sản sinh ra giới trí thức tuyệt vời mà đến giờ gần bị “tuyệt chủng”.

Chính họ đã làm ra phong trào Thơ mới tuyệt hay, một nền văn học, âm nhạc Tiền chiến mà đến giờ chưa có trào lưu văn học nghệ thuật nào sánh kịp… Nhiều danh sĩ, văn sĩ, nhạc sĩ lừng lẫy lập danh còn để chúng ta cúi đầu khâm phục nhiều thế kỉ nữa. Những danh phẩm của họ sẽ còn nuôi dưỡng tâm hồn Việt trong nhiều năm dài dài…Thế mới biết cái được mà thực dân Pháp mang lại cho xã hội Việt Nam lúc đó lớn đến mức nào. Tại sao kẻ đi xâm chiếm lại làm được điều mà đến giờ chúng ta vẫn chưa làm được cho dân tộc mình???

Và kể từ đó bị đứt đoạn sự kế thừa. Trí thức bị ném vào cuộc chiến tranh cách mạng, vào cối xay của nền chuyên chính vô sản…Những tinh hoa văn hóa vừa nở rộ đã sớm thui chột, biến dạng…

Quay lại sự bức xúc của mấy nhà nho tiên tiến đầu thế kỉ 20… Chính vì được tiếp xúc, giao lưu với văn minh phương Tây và thấy sự thối nát, bất tài của sự cai trị Nho giáo nên mới có phong trào Khải mông, Duy tân do các cụ khởi xướng, tiêu biểu nhất là hai cụ Phan: Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh. Đến giờ nhiều người thấm thía đường lối duy tân của cụ Phan Châu Trinh. Mấy nhà nho duy tân đã nhắc đến những thứ mà từ xưa chưa bao giờ xuất hiện trong xã hội Việt Nam: dân trí, dân khí, dân sinh, dân quyền, dân chủ, nhân quyền… Bỗng đâu người dân được quyết định vận mệnh của mình, không bị lệ thuộc, áp bức vì sự lạm quyền của nhà nước và pháp luật (quan hệ vua tôi, quan niệm trung nghĩa của Nho học đã đè bẹp ý chí phản kháng của người dân). Nhưng người dân bấy giờ mấy ai hiểu được điều đó ngoài mấy ông đồ Nho cách tân? Giáo sư Trần Đình Hượu đã phát hiện: chủ thể cho cuộc vận động dân chủ của các nhà Nho duy tân là con người “quốc dân-đồng bào” chứ không phải là con người “cá nhân–công dân” như trong cách mạng dân chủ phương Tây. Con người “quốc dân-đồng bào” ra đời không những là sản phẩm của cuộc đấu tranh dân tộc giành độc lập mà còn là sản phẩm của tư tưởng Nho giáo, nếp nghĩ theo nho giáo. Họ lấy gia đình mà hình dung thế giới. Lấy cuộc sống làng họ mà hình dung xã hội và nhà nước. Sống theo tình, nghĩa, từ nghĩa đồng tông, đồng hương mà suy đến nghĩa đồng bào. Lấy ân tình với tổ tiên đất nước, tình nghĩa với đồng bào thay thế nghĩa quân thần. Với cách suy nghĩ đó thì tổ chức xã hội cũ có mở rộng, có thêm bớt nhưng không có cách mạng. Con người vẫn là thành viên của cộng đồng chứ không phải cá nhân… Hơn thế nữa, đơn vị cho xã hội dân chủ những người trong quan hệ cha con, anh em, vợ chồng, tức là hệ tiểu nông chứ không phải cá nhân trong quan hệ tư sản. Cái dấu Nho giáo đóng vào dân tộc ta có mất đi cũng để lại vết sẹo sâu vào da thịt…

Đọc cuộc đời Phan Châu Trinh thấy nhiều chuyện thú vị… Do đấu tranh với chính quyền thực dân Pháp nên cụ bị bắt, rồi giao cho Nam triều kết án, bị đày ra Côn lôn, Côn đảo. Tuy bị kết án nhưng cụ lại được chính phủ Pháp trọng đãi và kính nể. Chính viên Thống đốc Nam kì ra tận Côn Đảo tìm hiểu lập trường đấu tranh của cụ. Sau đó cụ được Hội Nhân quyền Pháp can thịêp ráo riết với chính phủ Pháp nên được thả… Chả hiểu nước Pháp nghĩ gì mà lại cho cụ mang theo con trai sang Pháp cùng với viên toàn quyền Klubolowsky? Ở Pháp cụ lại tiếp tục đấu tranh về tội tham nhũng của chính quyền Pháp ở Đông Dương… Lại bị tù… Rồi lại được hội nọ hội kia đấu tranh nên lại được thả… Nếu cụ Phan thành công với học thuyết của mình thì nước Việt ngày nay sẽ như thế nào? Liệuu cụ Phan Châu Trinh có đủ sức đẩy lưng dân tộc Vịêt cất bước đi trên con đường mà theo cụ là tươi sáng cho đến tận bây giờ không?

Cụ Phan chủ trương bắt tay với người Pháp, đấu tranh thông qua nghị trường. Cụ không muốn bạo động, đánh nhau, đổ máu mà muốn canh tân đất nước theo từng bước đã vạch ra:

-Khai dân trí, bỏ lối học tầm chương trích cú kiểu nho học. Mở trường dạy quốc ngữ cùng kiến thức khoa học thực dụng, bài trừ hủ tục xa hoa.

-Chấn dân khí: thức tỉnh tinh thần tự lực tự cường, mọi người giác ngộ được quyền lợi của mình, thoát khỏi nọc độc chuyên chế.

-Hậu dân sinh: phát triển kinh tế, cho dân khai hoang làm vườn, lập hội buôn, sản xuất hàng nội hóa.

Còn về “Đạo đức và luận lý Đông Tây” của cụ rất rõ ràng: xã hội Việt Nam thời đó không có cả luân lý gia đình lẫn luân lý quốc gia (cốt lõi là ý thức dân tộc). Tiêu vong sạch sau cả ngàn năm Nho giáo. Cụ chống Nam triều rất quyết liệt và vạch trần sự thối tha trong xã hội Việt Nam từ triều đình đến tận thôn xã, từ vua quan, cường hào, cho đến thân sĩ, dân thường. Cụ bảo, “các bậc đại thần ăn đầm, nằm đìa ở chốn triều đình”, “các quan tỉnh huyện chỉ biết “bắt phu, thu thuế cùng đi đón đi tiễn quý quan”,đút lót người trên nhiễu kẻ dưới”. Và ở thôn xóm lúc nhúc đầy hạng người đi lại “tráp giày bệ vệ, rần rần ngựa xe”… Ngoài những bọn nịnh hót, luồn cúi, những bọn ỷ thần cậy thế, có tiền thì ăn chơi “suốt cả thành thị cho đến hương thôn, đứa gian giảo thì như ma quỷ, lừa gạt, bóc lột, cái gì mà chẳng dám làm; đứa hèn yếu thì như lợn, như bò, giẫm cổ, đè đầu cũng không dám ho he một tiếng! Cả mấy mươi triệu người như đàn ruồi, lũ kiến, không còn chút nhân cách nào”. Cụ càng không tin gì ở đám hủ nho “ươn hèn, lười biếng, ù ù cạc cạc”. Thế thì làm gì có khái niệm luân lý xã hội? “Xã hội luân lý thật trong nước ta tuyệt nhiên không ai biết đến. So với quốc gia luân lý thì người mình dốt nát hơn nhiều. Một tiếng bạn bè không thể thay cho xã hội luân lý được…”. Luân lý xã hội không thể là tình cảm bạn bè mà phải coi trọng sự bình đẳng của con người, không chỉ quan tâm đến từng gia đình, từng quốc gia mà còn đến cả thế giới. Cụ chỉ ra luân lý xã hội thực chất chưa có ở nước ta “rằng, vì, thì, là, mà”: mọi người “phải ai tai nấy”, “ai chết mặc ai”, không biết đoàn kết. Người nước mình không biết đến đoàn thể, không trọng công ích. Bọn học trò ham quyền tước, vinh hoa, sinh ra giả dối, nịnh hót. Giai cấp thống trị mặc dân cực khổ, nô lệ, ra sức “vơ vét”, “rút tỉa”. Ngày trước bọn chúng là “cử nhân”, “tiến sĩ” (thời nho học), ngày nay là “kí lục, thông ngôn”. Quan lại chính là một “lũ ăn cướp có giấy phép“…

Theo quan niệm dân chủ công khai của cụ Phan là phải bãi bỏ chế độ quân chủ với một thái độ phê phán nghiêm khắc. Phải truyền bá chủ nghĩa xã hội, gây dựng đoàn thể vì sự nghiệp giành tự do, độc lập dân tộc. Xây dựng đoàn thể cũng chính là gây dựng tinh thần đoàn kết, phát huy tinh thần bình đẳng của con người trong xã hội. Khái niệm chủ nghĩa xã hội của cụ không phải là thứ mà xã hội Việt Nam đang xài, chắc chắn thế rồi…

Còn khái niệm “Quân trị chủ nghĩa và dân trị chủ nghĩa” là: So sánh hai cái chủ nghĩa quân trị và và chủ nghĩa dân trị thì chủ nghĩa dân trị hay hơn cái chủ nghĩa quân trị nhiều lắm. Lấy theo ý riêng của một người hay là của một triều đình mà trị nước, thì cái nước ấy không khác nào một đàn dê, được no ấm vui vẻ hay là phải đói rét khổ sở chỉ tùy theo lòng của người chăn. Còn như theo cái chủ nghĩa dân trị thì tự quốc dân lập ra hiến pháp, luật lệ, đặt ra cơ quan để lo việc chung cả nước, lòng quốc dân muốn thế nào thì làm thế ấy. Dù không có người ta giỏi làm cho hay lắm, cũng không đến nổi phải đè đầu khốn nạn làm tôi một nhà một họ nào. Xét lịch sử xưa, dân nào khôn ngoan biết lo tự cường tự lập, mua lấy sự ích lợi chung của mình thì càng ngày càng bước tới con đường vui vẻ. Còn dân ngu dại, cứ ngồi yên mà nhờ trời, mà mong đợi trông cậy ở vua ở quan, giao phó tất cả quyền lợi của mình vào trong tay một người, hay một chính phủ muốn làm sao thì làm, mà mình không hành động, không bàn luận, không kiểm xét, thì dân ấy phải khốn khổ mọi đường”…

Nhưng có chi tiết mà nhiều người nuối tiếc… Là vì, khi vua Khải Định mất, cụ Phan đánh điện tín cho Khâm sứ Trung kỳ Pasquier nói rằng cụ sẽ ra Huế để lo cải tổ triều chính và lập dân đảng. Nhưng cụ chưa kịp thực hiện ước mơ đó thì mất vì trọng bệnh, khi ấy mới 55 tuổi (cái tuổi có thể trụ được 2, có thể là 3 “nhiệm kì” bây giờ). Liệu đây có phải là một cơ hội đã lướt qua dân tộc chúng ta?

Đến đầu thế kỉ 20, xã hội Việt Nam vẫn là xã hội lạc hậu như thời trung cổ…Có một khoảng trống đen tối vô cùng lớn sau “đêm trường nho giáo”. Một khoảng trống về quyền lực, nhận thức, dân trí… Chỉ ít người men theo ánh sáng le lói của văn minh phương Tây sang được bờ bên kia, cực kì cô đơn, bất lực, như hai cụ Phan? Các cụ dự định bắc cầu cho mọi người đi qua khoảng trống đó nhưng lực bất tòng tâm, sự nghịêp bất thành… Vài chục năm sau, khi cả dân tộc còn đang ngơ ngác thì gặp ngay lý thuyết xã hội chủ nghĩa viển vông mà chuyên chính vô sản là phương tiện để xây dựng xã hội. Từ bấy đến giờ liên miên trong chiến tranh, phe phái ý thức hệ, bạo lực cách mạng… khiến bao mơ ước lụi tàn. Vậy là vừa thoát khỏi gần 100 năm thuộc địa của Pháp thì lại rơi vào vòng xoáy thuộc địa ý thức hệ…

Cụ Phan Châu Trinh gợi nhớ đến Thánh Mahatman Gandhi với đường lối đấu tranh bất bạo động và canh tân đất nước, khai mở dân trí. Ngày trước học lịch sử, học sinh vẫn phải học phê phán đường lối đấu tranh của cụ Phan là cải lương… Thế Gandhi cũng cải lương sao? Cải lương mà đòi được độc lập cho Ấn Độ… Vì sao Gandhi không muốn dùng bạo lực khi các đồng chí của ông nôn nóng muốn dùng vũ khí để giành độc lập: “Các bạn nhầm rồi, mục đích của chúng ta không chỉ là đòi độc lập cho Ấn Độ. Cái cao cả lâu dài hơn là phải rèn luyện cho người dân Ấn Độ xứng đáng sống trong nền độc lập đó. Mà cuộc đấu tranh lâu dài này của chúng ta chính là môi trường để rèn luyện cho người dân đủ phẩm giá sống trong nền độc lập của mình”. Đó là tầm nhìn xa của một tư cách lãnh tụ vĩ đại với tâm hồn nhân văn cao cả vô biên, hiếm hoi.

Nhiều năm người ta hay lấy việc giành độc lập cho đất nước làm khiên đỡ cho sự độc quyền lãnh đạo đất nước. Hy sinh cho đất nước khi có chiến tranh là việc khó chối bỏ. Nhưng biết sống cho tổ quốc thì không phải ai cũng làm được, nhất là khi họ nắm trong tay quyền lực và thu lợi cá nhân từ quyền lực ấy. Phẩm giá con người, suy cho cùng cũng là một năng lực, và năng lực ấy cần được nuôi dưỡng và bồi đắp hàng ngày, hàng giờ trong những môi trường văn hóa, nhân văn, dân chủ, tự do…

Bản sắc văn hóa Việt?

Mảnh đất chúng ta gọi là Tổ quốc ngay từ ngày đầu lập nước đã không được lựa chọn láng giềng cho mình, tựa như không thể lựa chọn cha mẹ vậy. Một láng giềng không hơn về văn hóa, văn minh thuở ấy mà chỉ lấy sự hung bạo để bắt người hàng xóm phải coi họ như cha mẹ, chịu lệ thuộc vào họ. Bị cương tỏa, áp đặt bởi bạo lực cả ngàn năm thì đương nhiên sự ảnh hưởng làm sao tránh được? Tư tưởng Khổng giáo âm u, tù hãm, giả dối, mê mờ ám ảnh, chi phối cho đến lúc này vẫn chưa thoát. Sự ghét bỏ và chỉ trích Phật giáo của các Nho thần chưa phải là nguyên nhân làm cho mọi giá trị cùng Phật giáo suy vong. Chính sự chạy theo nền văn hóa “nước lạ” mà không thấy được giá trị của nền văn hóa truyền thống dân tộc mới là nguyên nhân chính của sự suy đồi. Nền văn hóa “nước lạ” này được xây dựng trên thái độ giáo điều, quan điểm chật hẹp về chân lý: đó là sở học Tống Nho tự cho mình là độc tôn, còn tất cả cái nhìn khác về nhân sinh và về vũ trụ đều là sai lầm. Tính cách cực đoan, độc đoán, độc tôn, tự mãn được đóng dấu “Nho học” và phát tán cho đến tận lúc này…Và đau thương hơn nữa khi Việt Nam tiếp nhận học thuyết CNCS. Đây là học thuyết được hưởng lợi nhiều nhất từ nho giáo: hình thức, giả dối, độc đoán, độc tôn… Cùng với nho giáo, Việt Nam một lần nữa bị dìm ngắc ngoải trong những quan niệm giáo điều, bảo thủ, tự mãn, độc tôn, đè nén văn hóa Việt khiến nó suy yếu, cằn cỗi…

Nhưng ngay từ buổi sơ khai bị áp bức, áp đặt bởi Trung Quốc, dân tộc Việt Nam đã luôn phản kháng lại sự áp bức thô bạo, không thối chí. Cũng từ đó, đời sống người Việt luôn ở trạng thái bị giằng co, uất ức, căm hận, nhưng vẫn phải kìm nén để gã hàng xóm không kiếm cớ lật mặt cho quân sang đánh cướp và vẫn dương dương tự đắc của kẻ “có lớn mà không có tử tế”. Tâm thế của người Việt chẳng mấy khi yên bình, nhẹ nhõm là thế… Chiến tranh liên miên suốt mấy ngàn năm. Phải chăng vì thế mà cuộc sống của chúng ta chỉ tồn tại và phát triển qua các cuộc chiến tranh? Nếu không có gã hàng xóm xấu tính thì đâu đến nỗi chiến tranh bỗng trở thành cuộc sống bình thường qua nhiều thế kỷ? Và, đời sống hòa bình bỗng trở nên bất thường? Có phải vì thế đã qua gần 40 năm cuộc chiến (không biết có phải là cuối cùng?) Nhiều kẻ vẫn chưa quen với lối sống thời bình khi nhìn đâu cũng thấy thế lực thù địch? Hơn thế là cuộc chiến tranh về ý thức hệ, cuộc nội chiến tư tưởng giữa những người đồng bào vẫn đeo đẳng, dai dẳng? Những kẻ quyền cao chức trọng vẫn sợ “diễn biến hòa bình” đến độ nhìn đâu cũng thấy kẻ thù tiềm ẩn ngay chính đồng bào mình?

Nếu chút gì tốt đẹp của nền văn hóa đặc thù của Việt Nam còn đến bây giờ là do công gìn giữ của chính những người dân bình thường, nghèo khổ, có khi còn mù chữ, của những kẻ trí cô đơn, thất thế mà quyền lực cách mạng sau này muốn “đào tận gốc, chốc tận rễ”… Họ mang niềm tin hồn nhiên, chân thật khi tiếp nhận đạo Phật, dung hòa với tín ngưỡng bản địa ngây thơ, trong sáng, hồn nhiên… Trong khi phần lớn quan chức, giới trí thức tinh hoa ít nhiều bị ảnh hưởng của Nho học, có đặc quyền, đặc lợi đều trở nên lọc lõi (biết cách tạo chỗ đứng và giữ chỗ đứng), cơ hội, thực dụng (học nhằm đỗ đạt làm quan); bảo thủ, độc đoán (do tự tôn và tự mãn)… đã làm văn hóa, xã hội, chính trị ngả dần theo sức hút (ép buộc) của phương Bắc. Nhưng đến giờ những người có công gìn giữ ấy vẫn chưa có quyền tự chủ quyết định vận mệnh đất nước mình…

Nhiều năm người ta hô hào giữ gìn bản sắc dân tộc… Tốn bao giấy mực, tiền của hội thảo, dự án… Bản sắc dân tộc vẫn cứ “lặn không sủi tăm”…Sao không học từ cha ông hàng nghìn năm trước?

Chả cần phải thêm gì sất. Cứ làm nhạt dần và đi đến tuyệt giao với Nho học cực đoan. Bỏ hết những nhãn mác ý thức hệ dán chồng chất bao năm nay. Quay lại bồi đắp đạo Phật, cùng với tinh hoa của các tôn giáo khác như tự do, bình đẳng, bác ái của thiên chúa giáo… thành nền tảng tâm thức dân tộc, dung hợp với tín ngưỡng dân gian, bỏ mê tín, dị đoan (chủ yếu du nhập từ Trung Quốc). Hãy tin rằng đạo Phật không cần phải thay đổi để thích nghi với khoa học tiên tiến và đời sống hiện đại mà vẫn giữ được cốt lõi của mình. Cứ thế bản sắc dân tộc từ từ lộ diện, chói sáng, tự chủ… Đã có minh chứng từ tiền bối, có phải thời nay phát minh ra đâu? Chủ yếu là từ bỏ, không cần phải thêm nhiều vào…

 

(*) Tài liệu từ “Việt Nam sử học Phật giáo” của Thiền sư Thích Nhất Hạnh và của Nguyễn Đức Hiền – cử nhân sử học.

Tác giả gửi Văn Việt.

Comments are closed.