Văn học miền Nam 54-75 (452): Trùng Dương (4)

Lập đông (kỳ 1)

Tập truyện

“… Ngày này khoả lấp ngày khác, mỗi ngày qua đi với công việc chưa hoàn tất, những cái phải làm, những nơi phải đến, những người phải thăm, những lời phải nói, mỗi cá nhân tự nó là cái gì chưa hoàn tất, không thể hoàn tất, không thể hoàn tất ngay khi nó vừa được sinh ra…”

William Saroyan (One Day In the Afternoon Of the World)

Lập đông

1.

Cuộc tranh luận ngưng lại nửa chừng khi một người trong bọn chợt ngoảnh nhìn ra ngoài trời kêu lên:

“Trời sắp mưa! May quá…”

Không ai hiểu tại sao chữ “may quá” lại được thốt ra. Cũng chẳng ai buồn tìm hiểu. Họ cùng im lặng và ngước nhìn trời. Từng cụm mây đen vần vũ, như một đàn quân hung bạo lùa gió đập vào những tia nắng quái buổi chiều. Một vài người trong bọn đứng dậy cáo từ nói chạy đi có việc. Những người còn lại ngồi đợi cơn mưa tới, có lẽ vì họ cũng chẳng biết đi đâu, làm gì.

Những buổi chiều như nhau. Ngần ấy khuôn mặt vây quanh một chiếc bàn nhắc lại những tin tức xảy ra trong ngày mà ai cũng đã đọc qua hay nghe thấy, biết được. Ngần ấy vấn đề đưa ra không lối thoát. Thời tiết đôi khi cũng thay đổi phần nào câu chuyện bằng vào những hồi tưởng, những mơ ước về một đôi chuyến đi xa vẫn hoài mộng chưa thực hiện được (với ý nghĩ: miễn là ra khỏi thành phố này). Như buổi chiều hôm nay với cơn mưa gọi mùa đông trở về trong trí tưởng.

“Thèm làm một chuyến đi xa ghê. Hôm nào phải tổ chức đi một tuần cả bọn chứ?”

“Một tuần ít quá. Nửa tháng mới đủ”.

“Thì cứ đi, nửa chừng, người nào muốn về cứ việc lẳng lặng về, người nào muốn ở lại thì ở lại”.

“Đi vài ngày thì cũng phải thu xếp công việc cả tuần trước…”

“Đi thì phải đi có đôi, chứ đi một mình hay mấy thằng với nhau, chán bỏ mẹ!”

“Mỗi kỳ lập đông mình đều có một kỷ niệm, không biết kỳ này có gì đây?”

“Lập đông! Miền Nam làm quái gì có tiết lập đông mà đòi!”

“Thì cứ tạm cho là như vậy đi. Chết ai chưa? Sao khó vậy?”

“Người ta thường ở một chỗ và nghĩ và thèm về một chỗ khác…”

“Lập đông! Nhớ những ngày lập đông ở ngoài kia chi lạ…”

Nàng cảm thấy ngột ngạt. Ngột ngạt bởi nhiều cái một lúc. Bởi không khí đầy khói thuốc và tiếng người trong quán được vây phủ bằng những khung cửa kính. Bởi những điều đã được nhắc đi lặp lại nhiều lần. Bởi những khuôn mặt thân yêu mà quá quen thuộc. Bởi một thứ tình yêu câm nín đến mơ hồ. Bởi cuộc sống nặng nề đôi khi, ngờm ngợp đôi khi, huyền bí đôi khi… Bởi những linh hồn uất nghẹn hờn tủi theo gió vật mình vào cây cối bên ngoài khung cửa kính nhìn bọn người sống như những hình nhân đã chết song đầy đủ yên ấm bên trong, dù cùng chung những uất nghẹn hờn tủi mang mang. Bởi sự tù hẹp nơi đây. Bởi những chân trời, những bờ bến lạ bên ngoài những đường biên giới. Bởi những chốn đã biết. Bởi những nơi đã cảm thấy mà chưa được đặt chân, chưa được khám phá. Bởi sự giới hạn của kiếp người và sự không cùng của cuộc sống.

Nàng vừa cảm thấy trống rỗng, vừa cảm thấy ứ đầy.

Nàng dời bàn đứng dậy như người sống trong cơn mộng du, như kẻ vừa nhấp ly rượu mạnh; dù sự tỉnh táo đến trong suốt.

Trời sắp mưa, đi đâu bây giờ?

Nàng cười lắc đầu, cáo từ, không giải thích.

Gió thổi tung mái tóc quện vào mặt, vào cổ nàng. Gió thổi tung những tà áo quện người vào ống chân nàng. Nàng không tỏ ra một cố gắng chống trả giữ gìn mà buông dài thả lỏng thân thể tâm hồn trong không gian. Nàng thầm nghĩ nếu mình cứ tiếp tục như thế này liệu mình có được bay bổng như mây, hay ít ra được như cành lá khô bay lả tả vì bị cuốn hút trong hơi gió? Dường như mình đã cười, mà không thấy phải cố gắng vận dụng đến những bắp thịt ở trên mặt. Dường như mình đã bước mà không phải cố gắng vận dụng đến lớp thần kinh trên óc sai khiến cho bắp thịt dưới chân làm việc.

Một chiếc lá khô lìa cành…

2.

Người mẹ mở cửa thấy nàng, kêu lên:

“Đi đâu mà ướt nhẹp thế này? Sao không trú ở đâu đợi ngớt mưa rồi hãy về? Lại cảm cho mà xem”.

Nàng lấy khăn tắm rồi vào phòng tắm, sau khi nở một nụ cười cho mẹ an lòng.

Tôi muốn bé lại năm, mười tuổi, hay hơn thế nữa, dù tôi vẫn không ngớt yêu hiện tại đau thương, với những bạn bè, người yêu, bế tắc, mâu thuẫn, say sưa, tỉnh táo, khát vọng, sự tù túng, ngột ngạt và ý nghĩ về những bờ bến lạ. Để sự săn sóc của mẹ trọn vẹn. Để tôi không cảm thấy sự săn sóc hiện tại của mẹ là vô ích, bởi cái đối tượng săn sóc là tôi chẳng đáng gì, chẳng đáng gì với những điên rồ, vô lý, mâu thuẫn, mơ hồ. Như cành lá khô mà, tôi đã giả đóng vai trong cơn mưa buổi chiều vừa qua.

Con đã dầm mình trong mưa và nghe tiếng cười tưởng tượng như muốn phá vỡ thân thể mình, mẹ ạ. Phải thấy rằng mình muốn vỡ tung đến nơi, mới thấy được sức chịu đựng đồng nhất của những chất đã cấu tạo nên thân thể mình – Ôi cái thân thể tội nghiệp mà lì lợm của tôi ơi, ôi mẹ ơi, người đã ban cho con một thân thể, người đã cho thức ăn cho cái thân thể đó phát triển nảy nở đến cái mức tối đa của nó. Con đã quên cái ơn đó trong bao lâu rồi nhỉ?

Mãi đến buổi chiều hôm nay, đứng giữa trời mưa, con chợt nhận ra điều đó. Do đâu, con đã tự hỏi.

Dường như con đã nhìn thấy một cánh lá khô rời cành, đảo lộn nhiều vòng trong gió bị mưa quất rạp nhiều phen, và cuối cùng thì cánh lá đặt mình nằm yên dưới gốc cây, kẹt trong một đám rễ khiến những dòng nước không cuốn trôi nó đi được nữa, và gió cũng không có cách nào nhấc bổng nó lên được nữa. Con bắt gặp mình suy nghĩ… Rễ cây đã đem nhựa sống cho lá, lá phát triển đến khi khô héo rụng xuống cội. Và con thấy rằng phải trở về, phải trở về. Dường như con đã nhớ một lần mẹ đã nói với con với một giọng hết sức bình thản, đầy vẻ chờ đợi: Mẹ sống giỏi lắm là năm bảy năm nữa mà thôi… Con mơ hồ, lúc đó, thấy một cái gì cựa mình thức giấc trong con. Cho đến khi dầm mình trong cơn mưa chiều nay, con hiểu cái đó là cái gì rồi. Đó là sự chết chờ đợi ở ngưỡng cửa cuộc đời mà lâu nay tuổi trẻ đã làm con quên đi mất, mà những băn khoăn tìm kiếm đã làm con xao lãng đi mất; cũng như những lúc con đã tự hủy hoại thân thể mình bằng yêu đương, suy nghĩ, nổi loạn, bằng thuốc lá, rượu, cà-phê, thức đêm, bằng những dự tính trời biển để rồi đối mặt với thực tế ngạo mạn, bằng sự hờ hững đối với thân xác đã nhiều lần được mẹ chăm lo, bú mớm, chải chuốt, vuốt ve.

Người mẹ ngạc nhiên thấy người con gái, trong bộ đồ ngủ, đến ngồi bên chân mình, dúi tóc vào đầu gối mình, tựa như ngày nó còn bé tí teo, và cất tiếng hỏi mình những câu mà ngày xưa mình vẫn thường hỏi nó.

Mẹ cần gì, mẹ? Mẹ muốn gì, mẹ? Mẹ có ao ước gì không mẹ?

Không, mẹ chẳng cần gì nữa. Không, mẹ chẳng muốn gì nữa. Và mẹ chẳng còn ao ước gì nữa. Chỉ có cơn bệnh tê thấp làm mẹ khổ sở. Chẳng người già nào tránh khỏi. Mẹ chấp nhận như thế…

Chỉ có vậy thôi sao, mẹ?

… Còn con, con đã tự tạo lấy cuộc sống của con, con đứng vậy, nhưng làm sao mẹ biết được con có được sung sướng trong cái thế đứng mà con thường nói là ích kỷ, là không ràng buộc, là mơ hồ với những lúc con bỗng trở nên xa vắng buồn bã…

Mẹ đã thấy hết mọi sự rồi đó. Con muốn khóc…

Tại sao?

Con không biết được. Có thể vì những điều mẹ vừa nói. Có thể vì nỗi xúc động khi con ngồi bên chân mẹ đây mà tưởng như hai mươi mấy năm đã qua, mọi sự không thay đổi là bao – có lẽ vì đã thay đổi quá nhiều… Con bỗng thấy mình như nhỏ lại, như trở nên mỏng manh tựa một đứa hài nhi.

Chính đó cũng là điều mà mẹ mơ ước: tất cả các con nhỏ lại, trở thành những đứa hài nhi, dù cho mẹ có vất vả chăm lo cho tất cả trở lại, cũng được, mà mẹ còn vui sướng là đằng khác. Vì ít ra, ít ra, khi các con còn nhỏ, mẹ còn biết được các con mẹ muốn gì, cần gì, sữa và tình thương, lúc nào mẹ cũng sẵn… Bây giờ có nhiều cái các con cần mà mẹ không sẵn, không có, không biết tìm đâu ra… Con đã khóc rồi đó…

Vâng lúc nãy, khi con dầm mình dưới mưa, con đã muốn khóc vùi. Nhưng con đã không khóc được… Bây giờ, con khóc được, và con cũng chẳng thấy cần phải ngăn giọt lệ của mình lại nữa.

Lại đây, con gái mẹ, lại đây. Ít ra lúc này, mẹ thấy mình cần thiết đối với con. Lòng mẹ đây, con hãy gục vào và khóc cho hết nước mắt, cho vơi phiền muộn…

3.

Cuộc tranh luận ngừng lại nửa chừng. Họ chờ một cơn mưa. Nhưng cơn mưa chiều hôm trước không trở lại. Và tiết lập đông trở về trong trí tưởng của họ, của nàng, với cơn nắng làm se môi của ngày.

Nguồn: http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=14461&rb=08

Comments are closed.