Nhân dân ơi, xin chào

Truyện ngắn Nguyễn Lệ Uyên

 

Văn Việt: Nguyễn Lệ Uyên tốt nghiệp Đại học Sư phạm Cần Thơ khóa 3, ban Việt-Hán (năm 1970).

Động viên vào Sĩ quan Trừ bị Thủ Đức khóa 6/70 (cùng Cao Huy Khanh, Viêm Tịnh, Vũ Đức Sao Biển, Đoàn Thạch Biền…).

Có truyện ngắn đăng trên các tạp chí văn nghệ miền Nam trước 1975: Văn, Khởi Hành, Thời Tập, Chính Văn, Nhà Văn, Ý Thức, Tuổi Ngọc…

Nguyễn Lệ Uyên là bút danh lấy từ tên làng quê Lệ Uyên (Tuy Hòa – Phú Yên).

Đã xuất bản:

-3 tập truyện ngắn, 1 truyện dài thiếu nhi và 2 tập chân dung văn học viết về các nhà văn miền Nam đều do tạp chí Thư Quán Bản Thảo và Thư Ấn Quán Hoa Kỳ ấn hành.

-4 tập sưu khảo về Văn hóa Dân gian do Hội Văn Nghệ Dân gian Việt Nam ấn hành.

 

1. Bốn Lợt đang là nhân dân, đang là hột cát nhỏ, rất nhỏ trong hòn đá tảng, là tế bào tí xíu trong thân cây mấy ngàn năm tuổi. Ngày xưa ông lú lấp đâu đó giữa hàng đống nông dân. Bây giờ cái mác nông dân bị bóc ra, dán tem mới, tem nhân dân.

Và lúc này nhân dân bốn Lợt đang đứng trên bờ ruộng, bên này con mương nước, trên đôi chân run run, cảm thấy ngực mình xẹp xuống, hai lá phổi tan vỡ từng mảnh vụn, bay lên không trung, mắt đục xám, xương sườn, tay chân cũng tan ra từng mảnh. Cây gậy củ tre láng bóng chịu tất cả sức nặng bắt đầu tan ra đó, lún xuống, cong oằn như thể những cây lúa thì con gái đang dập gãy. Những thửa ruộng chìm sâu bên dưới quả núi cát khổng lồ ùn ùn bay tới. Cây lúa thì con gái bị hãm hiếp. Cánh đồng mơn mởn xanh cũng bị hãm hiếp. Máu từ háng, từ nách, từ rún đến cả miệng, mắt mũi ròng ròng chảy. Chảy lênh láng, vón cục thành đống cát cao nghệu. Đống cát cao kia dính máu đỏ bầm, chính là thằng hãm hiếp cây lúa, cánh đồng. Tiếng lẹp nhẹp nhấn xuống, đẩy mạnh, nhấn lút, đẩy mạnh sâu hơn nữa, phát ra âm thanh lóc chóc, lóc chóc… Tiếng lóc chóc dãy dụa quẫy đạp. Nước tứa ra. Màu nước máu đen từ háng, từ rún phụt ra, phụt thành vòi cao. Những mái tóc xanh, những thân hình non nớt chìm nghỉm trong cái màu nước đen, dưới sức đè của thằng khốn khiếp.

Bốn Lợt cười ha hả, cười khằng khặc như điên như dại khi nhớ lại ngày xưa người lớn ở làng này thường ví von cánh đồng làng An Phổ giống cái mông tròn của cô gái dậy thì. Mông đàn bà thì luôn hấp dẫn với đám người có cặp mắt hau háu cú vọ. Lại là mông cô gái hơ hớ tuổi xuân, nên làm nhiều anh lé mắt, lé mắt và nhểu nước miếng. Duy nhất chỉ có những anh bị thiến, những tay cù bơ cù bất mới không tơ tưởng, hay không dám tơ tưởng đến chuyện được choàng tay sờ soạng, giữ rịt làm của riêng. Dân trong làng và các xứ khác chết mê chết mệt bởi cái mông ấy. Nó xanh mướt màu xanh ngọc bích. Nó vàng ruộm màu vàng ròng dát trên các pho tượng nữ thần trong ngôi đền thiêng. Được nằm gối đầu lên mông, một lần thôi cũng đủ ngửi mùi hương lạ, mùi thơm của đất trời tụ lại ngan ngát mùi bồ kếp, lá chanh, bông bưởi trộn lẫn, một thứ hương thơm lạ lùng, hiếm thấy trên cõi đời này, làm say nức từ ông lão sắp xuống hố chí đến đứa trẻ mới tập đi. Người ta sống không thể thiếu nó, thèm thuồng vì nó. Người ta ghen tức vì nó, bởi dân làng này được sở hữu một cái mông tròn mênh mông rộng, cong mẩy, nằm vểnh giữa một bên là khúc sông Diễn, bên kia là cánh núi hình cung choàng tay ôm ấp, vuốt ve suốt đêm ngày, năm tháng.

Vậy mà giờ này cái mông ấy bị hãm hiếp đến nát tan, bị đứa hiếp dâm nuốt chửng vào bụng, bảo làm sao tim ông không vỡ vụn ra từng mảnh nhỏ, bay lên trời cao, bay vào cõi mù tăm vô tận?

Cây gậy củ tre cong thêm chút nữa. Ông sắp khuỵu xuống mất rồi, cũng sẽ tan theo cái mông bị nhấn lút lần hồi kia thôi.

Đám quái vật thời cơ khí, ào ào chạy qua mặt ông gào rống, giống như những tên cướp ngày, tung bụi mù mịt, ném vào mặt ông những cái tát bầm bập. Nó xịch tới xịch lui trên chiếc mông nát tan thành trăm ngàn mảnh vụn, rồi đè nghiến lên chiếc mông tròn của cô gái yêu làng An Phổ, chổng đít ỉa từng đống lớn rồi hối hả bỏ chạy. Tốp khác lại ập đến, lại chổng đít. Ông nhướng mắt nhìn mà thấy như chúng đang ỉa vào mặt ông, tới tấp ỉa vào mặt ông. Tội nghiệp cô gái yêu của làng. Khốn khổ thay cô gái yêu của làng bị hãm hiếp trước sự bất lực của nhân dân.

Bụi trùm kín đường về. Những con quái vật nối đuôi lao tới. Cuộc chiến không cân sức tiếp tục giữa một bên là cô gái yếu đuối bị đè ngửa nằm bất động và bên kia là những tên cướp có sức mạnh gấp mấy chục thần Hercules nối lại. Nước mắt ông chảy dài. Cây gậy trong tay ông cũng chảy nước mắt.

Vào đến đầu làng, bốn Lợt chạm mặt trưởng thôn Mạnh. Trưởng thôn có khuôn mặt méo một bên, luôn luôn đỏ như vừa từ trong hũ rượu bước ra. Trưởng thôn ngó ông già, đón lại:

-Lại ra đầu đường nữa chớ gì?

Ông già đưa cây gậy củ tre lên huơ huơ như thay câu chào mà cũng như sắp bổ xuống đầu trưởng thôn. Nhưng cây gậy củ tre không ngẩng được lâu. Nó từ từ rớt xuống, lưng lửng giữa thắt lưng rồi lại cắm đầu xuống đất. Ông ngó trưởng thôn bằng cặp mắt có đám bụi bám trên hàng lông mi màu trắng.

-Giỏi, chú lại theo dõi tôi.

-Ông mà cứ gào rống, tôi không tha.

– Thì sao? – Ông già nhướng cặp mắt có hàng lông mi nhuộm trắng bụi.

-Ông đi vận động nhân dân trong thôn chống lại chính sách của trên. Ông muốn tư hữu, ông muốn cả thôn cứ chổng đít lên trời, mặt cắm xuống bùn đen miết sao? Nông dân. Nông dân là cái củ kít gì. Một năm làm ra được bao nhiêu sản phẩm cho làng nước? Trên đã giải thích nhiều lần rồi. Chỉ có công nghiệp hóa nông thôn thì dân mới giàu, nước mới mạnh. Ông hiểu ra chưa? Chỉ có những cái đầu bã đậu mới không nhận ra điều này. Trên luôn luôn sáng suốt. Chỉ có những cái đầu bã đậu là ngu tối.

-Biết chớ sao không? Mang cả hàng trăm tỉ bạc của nhân dân lên núi, thuê xe ủi, xe xúc vẩy càng đâu mươi mẫu, giăng cờ gióng trống, quay phim chụp ảnh ca ngợi thành tích khai hoang ruộng nước cho đồng bào thiểu số. Thành tích lớn lắm. Nhân dân lại đứng mũi chịu sào cho cái thành tích ấy. Vậy chớ mấy chục mẫu thượng đẳng điền đây, phải mất mấy trăm năm mới thành khoảnh? Mồ hôi nước mắt và cả máu nữa. Đổ ra bao nhiêu mới có con đập dẫn nước tưới tiêu hoàn chỉnh, nay đem phá đi?

-Phá? Sao lại pha…á á… – Trưởng thôn trợn ngược mắt.

Không phá sao tự dưng lấp ruộng lập khu công nghiệp?

-Ông đúng là đồ óc bã đậu – Trưởng thôn nhổ phẹt bãi nước miếng quày quã bỏ đi. Bỏ đi thẳng không thèm ngó lại. Ông già nói nhóng theo:

-Có chúng mày là đồ ngu, đồ óc bã đậu. Khu công nghiệp thì làm đâu chẳng được. Thiếu mẹ gì những khu đất khô cằn, lại đi lấy cây lúa, cánh đồng màu mỡ đỡ đít khu công nghiệp? Tiền đền bù mỏng dính chỉ ba ngày là sạch. Họ làm gì với nhúm tiền lẻ, thứ của bố thí đó? Chuyển đổi cái con mẹ chúng bây! – Ông già cũng nhổ phẹt bãi nước miếng, nhưng bãi nước miếng không rơi xuống đất, nó dính toòng teng giữa hai môi thâm đen như cái câu móc níu dính lại. Cái móc câu ấy như muốn khuyên: ông đừng có há miệng ra nữa.

Về tới nhà ông thấm mệt. Mệt không phải vì đường xa, vì đôi chân già nua. Ông mệt bởi vừa sáng đã gặp thằng thổ tả chận họng. Cái mặt méo câng câng. Đầu tóc luôn bôi mỡ đến con ruồi vừa chạm lên cũng trượt té nhào. Và nhân dân nữa, cũng bị coi như lũ ruồi không bám được trên mái tóc bôi mỡ của thằng mặt méo. Chân chưa chạm đã trượt ngã, sức đâu mà cản ngăn. Nhân dân đâu dám cản, chỉ là tấm đệm lót, là những chiếc ghế đẩu để chủ nhân xê dịch, ngồi lên. Ngồi lên và còn đái són, địt tũn vào mặt ghế đẩu. Nhân dân được tung hê lên mây xanh và nhân dân lãnh đủ. Ông ấm ức nhưng ông chỉ là một hột nhỏ, rất nhỏ trong tảng đá khổng lồ kia thôi. Chịu phép!

2. Ông già thọc gáo dừa vào khạp nước. Nước cạn đáy. Chiếc gáo khua rồn rột vào thành khạp. Âm thanh khô dòn, vê tròn lại như một ấm ức không bay ra khỏi người. Ông ném gáo vào khạp. Cán gáo quay tròn như cái chong chóng, quay một vòng mới chịu đứng yên. Ông trở ra thềm giếng đưa tay kéo cần vọt, thòng xuống giếng. Chiếc gàu thiếc lủng nhiều lỗ dưới đáy. Chiếc gàu kéo lên khỏi thành, nước tòe tròn như vòi sen. Kéo qua khỏi thành chỉ còn nửa gàu. Một tay vịn sào cần vọt, tay kia hứng những giọt nước rớt rửa mặt. Lại thòng gàu vục xuống giếng, kéo lên và xối chảy ồ trên hai mu bàn chân. Nước mát làm ông tỉnh táo. Cái thằng mặt méo ó đâm, chuyên rình trộm và tâu báo. Mà mọi người trong làng này làm gì đến nỗi nguy hại chớ. Cái khẩu hiệu “dân biết, dân bàn…” như tờ vàng mã dán trên cổng chuồng heo, chuồng bò mỗi dịp năm mới cúng ông chuồng bà chuồng chắc. Bàn cái củ đếch. Mới mở miệng ra nó kêu phá hoại thì còn bàn nỗi gì? Mà có bàn đến lưỡi nát nhão ra cũng vậy thôi. Ai nghe theo nhân dân? Chỉ có nhân dân là bị xỏ mũi như xỏ mũi bò dắt đâu chạy đó. Trì kéo lại thì rách lỗ mũi. Lỗ mũi mà rách thì máu mình chảy, thịt da mình đau, lưỡi mình nát…. Chạy theo. Cứ chạy theo. Nhắm mắt chạy theo? Chạy lên núi, nhảy xuống biển, nhảy vào lửa, chun vào gai… Ông cụ tổ nhà mày. Tao gào rống đấy, làm gì tao? Tao gào rống chớ không cầm cây đánh lại chúng mày thì làm gì tao? Ông trời cho con người cái miệng. Cái miệng không mở ra, không nói là câm. Miệng sẽ thúi như củ hành thúi. Nói vậy, gào vậy đến trời xanh còn động lòng. Chỉ có lũ mày là đá, là hòn đất, cứt đái không biết đầu đuôi để suy xét thiệt hơn…

Ông nổi giận như thể có thằng mặt méo đang đứng trước mặt. Chừng miệng khô đắng, ông mới thấy mình vô lý. Đi nói với cây gậy củ tre thì ích gì. Nó đâu có gây ra chuyện, nó luôn đỡ bước đi rệu rụm của mình mà? Ông mệt và bước tới phiến đá nhẵn kê sát gốc mận ngồi thở dốc. Mả mẹ thằng mặt méo. Ông lầu bầu, giở gói thuốc ra, nghĩ sao lại nhét vào túi. Lại lôi ra rồi vo tròn, ném mạnh ra xa, như thể ném vào thằng mặt méo.

Chó sủa ngoài ngõ. Giỏi lắm, vào đây mặt méo. Ông cho một gậy u đầu như cái sừng trâu. Cặp mắt hom hem có những sợi lông bạc nhướng lên. A… lại thằng ba Thể. Gì nữa đây? Làng này ai không biết mày xung phong đăng lính. Đăng lính để xách súng về rượt thằng chú nhà mày lươn lẹo mất ba sào ruộng ông bà chia cho. Rồi mày có bắn nổi chú mày không? Hay cuối cùng mày tự bắn vào chân để tìm cách giải ngũ? Mày tự móc thịt da mày ra, vậy mà có ai tha thứ mày không? Ra tòa án binh, ngồi tù. Ngồi tù chán thì ra lao công đào binh. May mà mày chưa chết. Súng đạn tha mày. Cách mạng không nhắm vào đầu mày bắn vỡ làm trăm mảnh, quốc gia cũng không nỡ hành hạ mày chết thảm. Vậy mày biết ơn. Mày đi vận động bà con giao lại thẻo ruộng để làm khu công nghiệp. Cái miệng dẻo quẹo của mày khiến bà con mềm lòng. Một người ký đơn thì hai người ký, rồi ba, rồi mười. Giỏi. Dân vận giỏi. Mày còn bày ra trò tao chống đối chánh sách để xã kêu, huyện kêu, tỉnh áp giải. Tao chỉ nói cái “dân bàn”. Không cho “bàn” thì tao rống, tao gào chớ có cầm cây gậy củ tre đánh vào đầu lũ chúng mày đâu?

Mẹ đời! Bà bảy É đấy. Cả đời không chồng con, chỉ có hai đôi nừng với lùng tùng xèng kim chỉ, dầu mỡ, kẹo cốm chắt mót từng đồng để mua sào ruộng làm phần thực, để sau này giao cho đứa cháu nhận giỗ tự cho bà. Là cách phòng xa hương khói, để vong linh khỏi vướng vất lạnh lão nơi đầu truông cuối xóm; để bà không trở thành con ma đói. Đấy, cái sào ruộng bảy É mua kia ai không biết bà nhịn ăn? Một muỗng gạo ăn hai ngày. Mày nhớ coi. Cả làng này ai không nhớ cái cảnh con cá trê bà mua về, rộng vào thùng nước. Ngày đầu cầm dao cắt phần đuôi tí bẻo nấu canh, phần còn lại thả vô thùng. Nó quẫy mạnh như từ máy chém trở về. Máu loang ra nhuộm đỏ nước. Ngày sau nó bị bắt lên đoạn đầu đài, bị tùng xẻo chút xíu nữa, ngày sau thêm chút, mỗi ngày một chút thịt xương chỉ còn trơ khất cái đầu và hai cái ngạnh cùng mấy cọng râu thòi ngửa lên mặt nước… Chung số phận với con cá trê là trái thu đủ trước sân, mỗi ngày xẻo một miếng nhỏ. Phần còn lại đau quá nó khóc, khóc cho đến khi còn cái cuốn vẫn khóc. Nước mắt trắng đục rớt xuống. Nó khóc tới chiều vẫn còn chảy nước mắt. Trái thu đủ và con cá trê bằng cườm tay ăn cả tuần chưa hết. Ăn chưa hết một con cá bằng cườm tay con nít cả tuần, nên mua được sào ruộng. Sào ruộng ấy bà cướp giựt, lươn lẹo của ai? Vậy mà sau hợp tác, góp của góp công làm ăn chung, sào ruộng tự dưng biến mất, chia cho mảnh khác bằng đít trâu ngoi. Nhưng rồi vũng trâu ngoi ấy cũng không yên, bị lật sấp cạp vào mông, rồi lật ngửa bắt dạng háng để hãm hiếp. Mấy trăm con cá trê và bao nhiêu những hột muối mặn chát bị lật ngửa ra, bị nhồi dập thành mây khói, bay thẳng.

Mày còn nhớ cây duối đứng ở đầu gò Tơ không? Hồi đánh Mỹ, nó đưa bụng ra hứng chịu không biết bao nhiêu là đạn của hai bên: đạn súng máy, súng cối, cà nông, đại liên, tiểu liên, mìn, lựu đạn… xối xả găm vào người nó. Thân hình nó bị băm vằm y như mảnh đất cày. Người ta lại đóng đinh lên người nó, móc khẩu hiệu, lá cờ. Hai bên thi nhau vẽ khẩu hiệu treo cờ. Treo lên, giật xuống, giật xuống rồi lại treo lên. Nay cờ màu vàng, mai cờ màu xanh đỏ thay phiên nhau đứng trên mình nó. Nó giơ cao những tấm khẩu hiệu, giơ cao những lá cờ và ôm chặt những mảnh đạn của hai bên vào người, sâu trong người. Máu chảy ròng ròng. Không phải máu màu đỏ, chỉ là một chất lỏng sền sệt, nhờn nhợt đục. Nó cũng đau như con người. Nó chảy máu nhờn nhợt đục như cốt tủy từ trong người nó tuôn ra. Vậy mà nó đâu có chết. Nó sống nhăn răng. Hết chiến tranh, cành nhánh mọc ra tua tủa, che mát một khu đất lớn cho lũ trẻ chăn bò ngồi đánh bi, xóc đũa, nhảy cờ chuông… Mùa tháng Tư trái chín đặc cành, vàng ruộm, tụi trẻ tranh nhau trèo lên suốt bỏ đầy mũ. Tụi trẻ con vui với những chùm trái chín vàng, hỉ hả với những cành sà thấp để chúng bấu tay vào, nhún chân bay lên không, sà xuống đất. Nó tươi tốt, vòm nhánh tủa ra như làn tóc mây, thân nó mây mẩy như đứa con gái một con… Cả làng này ai không nhìn thấy? Vậy mà từ khi vào hợp tác, ông kế hoạch lượm trái cà nông thúi treo lên làm kiểng lệnh. Nhân dân được điều hành bằng tiếng kiểng lệnh này. Sáng ra đồng: kiểng; trưa hết chuyện: kiểng; xế ra đồng: kiểng. Chiều tắt nắng lại kiểng; tối kiểng họp hành, kiểng mít ting, kiểng ăn chia công điểm… Kiểng, kiểng… người dân phản xạ theo tiếng kiểng Pavlov. Kiểng chi phối toàn bộ sinh hoạt của nhân dân trong ngày, chỉ còn thiếu tiếng kiểng để nhân dân đồng loạt leo lên giường ngủ, ôm đít vợ là thành một quyển kinh âm thanh cho một giáo phái mới nữa thôi!

Nhưng mà, lạ. Tại sao nhân dân chịu đựng được tiếng kiểng ấy hàng bao năm trời, không ai bị tâm thần, không ai chết vì tiếng kiểng buốt tai? Vậy mà cây duối chết đứng bởi tiếng kiểng ngân vang, rền. Nó chết từ giữa thân chết xuống, rồi lộn ngược lên đầu. Cành nhánh vẫn xanh đấy, nhưng thân thể chết rồi, chết từ từ, lên tới tóc tai. Cuối cùng, cành nhánh cũng khô oặt, thành một khối xám xịt? Lũ trẻ con buồn vì không còn chỗ trốn nắng, đánh bi. Riêng chỉ có cái kiểng là vẫn ngoác mõm rổn rảng mỗi sáng mỗi tối… đều đều, không ngưng.

Ba Thể sán tới, sà xuống ngay gốc mận. Bốn Lợt chỉ chỉ đầu gậy ra phía xa, ý nói ba Thể chịu khó ngồi nhích xa ra một chút. Ông không chịu nổi cái mùi hôi muôn thuở, từ miệng ba Thể mỗi khi há ra. Không phải mùi cóc chết, cũng không là mùi thiu úng của thịt cá ươn. Nó là cái mùi tổng hợp của tất cả những thứ xương xẩu, rác rưởi vất ra ngoài mưa nắng lâu ngày được ủ kín trong bụng nó phà ra. Hôi không chịu được!

Ba Thể nhích ra chút, đít kê lên hòn gạch, gãi đầu:

-Anh Bốn ơi, anh cứ làm vậy, không khéo sắp nhỏ liên lụy…

-Cái gì, chú nói sao? Tôi làm gì để sắp nhỏ liên lụy?

Đắn đo một lát, ba Thể mở miệng:

-Nhân dân có mất chút đất, nhưng thế vào là những nhà máy, xưởng sản xuất… thu hút công nhân hàng trăm. Lương tháng triệu rưỡi, hai ba triệu, cao gấp mấy trăm lần ôm thẻo ruộng nhỏ, không sướng hơn sao?

-Tôi có nói chi đâu. Tôi đồng ý. Nhân dân cũng bị đồng ý. Có điều là thiếu mẹ gì những khu đất cằn khô, gát nước… cả trăm mẫu không dùng lại đi lấy đất ruộng hai vụ, lại là đất thượng đẳng điền để làm khu công nghiệp là sao? Ngày trước một mẫu ruộng ở khu này, có giá tới hơn ngàn cây vàng, chú rõ quá mà. Cả khúc “Năm Eo” này có ruộng đất nào sánh bằng ruộng đất này? Con người thì được sinh ra liền liền chớ đất đai đâu sinh đẻ ra đất con đất cháu được?

-Cả làng giờ ai cũng ký đơn, chỉ còn anh.

-Tôi không ký. Tôi nhất quyết không ký. Chú đừng kỳ kèo vận động vận điếc gì ráo trọi

Ông nói và giơ đầu gậy có ý bảo ba Thể đi về.

Ba Thể không về. Ba Thể ngồi lại với ông, không nói chuyện đất đai nữa. Ba Thể lái sang chuyện khác, kể đông kể tây, nói tuồng nói tích. Ông quá rõ cái bản mặt nhơn nhơn của nó khi dông dài. Ông nhổm mông đít lên toan đứng dậy. Ba Thể lận đâu chai rượu trong lưng quần, lôi ra. Thấy chai rượu màu vàng vàng, mắt ông sáng lên. Ông có tật xấu, rất xấu là thấy rượu thì lòng không thể dằn xuống. Uống không nhiều, chừng vài ly. Nhưng hễ thấy rượu là mắt ông sáng lên, lòng mềm nhũn. Ông thu cây gậy về, ép sát vào thân mình, như thể nó là đứa vệ sĩ, tên nhắc tuồng, nhắc ông rằng chớ để lòng mềm như con bún thiu.

Ba Thể tự động vào nhà tìm ly. Tìm được hai ly hột mít liền quay ra, đặt giữa khoảng cách hai người, mở nút, rót rượu. Hai chiếc ly vun thành ngọn. Thơm. Thơm như hồi xưa ông đứng ngửi mùi thuốc Seventy Nine tuôn ra từ cái lỗ đen của ống vố có hình dạng giống bầu diều con gà ăn no của thằng Mỹ đen. Ba Thể nâng ly “Mời anh”. Ông bưng ly nhấp một ngụm nhỏ. Thơm, đúng là rượu ngon. Ông kẹp chiếc ly giữa hai ngón tay, nheo mắt hỏi:

-Chú tìm đâu ra ngữ này? Chắc của quan thầy biếu cống?

-Thằng cháu đi Ba Lan về, tặng cho chai nhỏ. Nghĩ anh sành rượu nên mới sang anh. Uống rượu cũng như Bá Nha với Tử Kỳ vậy.

Thằng này định lái thuyền vô bến đây, ông nghĩ và cảnh giác, xuống tấn và tung ra ngọn cước:

-Cái vụ vào hợp tác làm ăn tập thể cứ coi như bước đầu xây dựng xã hội chủ nghĩa từ hạ tầng đi. Hồi đó không ai không dám vô. Không vô thì bị liệt vào hàng ngũ phản động, bị bắt đi học tập cải tạo phải không? Tự nguyện vô hợp tác với cây dùi cui và chiếc còng kín hở sau đít thì đến Thiên Lôi cũng vãi cứt đái. Vô tuốt. Nhưng cái hạ tầng đó nó không “thượng” mà ngày cứ “hạ” mãi nên người ta mới nghĩ ra khoáng 10, khoán 100. Cái thời đói khát mù mờ chuông kiểng điếc tai, khiến nhân dân cũng mê lú để nhảy qua khoán. Nhưng ruộng nhận khoán không phải ruộng của chính mình nữa, mà ở đâu đó, của ai đó, gốc tích mờ mịt; nhưng nhân dân cũng được làm chủ, cứ coi như cuộc cải cách ruộng đất ở hạ tầng lần thứ ba. Hết địa chủ, hết phú nông, trung nông, bần cố nông hết sạch. Chỉ còn nhân dân. Nhân dân đứng lên làm chủ. Ai cũng như ai. Mừng. Mừng quá đi chớ? Người không tấc đất giờ có đất trong tay. Sướng. Sướng đến rụng rời chân tay. Đâu có kiểu con cá trê bằng cườm tay con nít cắt làm nhiều lần, từng khoanh nhỏ một đến cả tuần, còn lại cái đầu của nó ngóc lên mặt nước thoi thóp thở để ngó mảnh ruộng xa xa, để cháu chắt mình sẽ bơi lội tung tăng dưới làn nước thơm ngan ngát? Cứ cho lấy của người giàu chia cho người nghèo là hợp đạo lý. Quá hợp, phải không? Nhưng sắp tới đây cái thằng nhân dân cào bằng kia bị cho ra rìa, ruộng đất thu lại để đưa cho mấy thằng giàu nứt đổ đổ vách xây nhà xây xưởng, kinh doanh. Cái đám mafia này sẽ “thượng” lên, thượng tuốt lên trời cao, còn đám nhân-dân-nông-dân thì sẽ “hạ”, hạ mãi xuống bùn đen. Nhân dân sẽ mãi chổng đít để đội cái đám mafia này không biết chừng nào mới gãy cổ đây!

-Anh Bốn nói quá đi chớ trên vẫn nghĩ tới tiền đồ dân tộc: Anh coi, hồi mấy thằng Ngụy nó có làm được con đường nhựa, có kéo điện về tận nông thôn cho dân xài không? Nay nhà nào cũng có ti vi, máy hát… Đòi sao nữa?

Ly rượu vẫn kẹp giữa hai ngón tay, nhưng coi bộ nó run run, run lật bật. Hình như ly rượu trở chứng run chớ không phải bốn Lợt?

-Chú mới kỳ. Thời chiến tranh hai bên chỉ lo vít đầu nhau mà cắn xé, đá đạp, thoi vào sườn của nhau đến chảy máu… còn sức đâu mà lo tới chuyện điện đóm, đường sá…? Hết cắn xé, đánh nhau rồi mà không làm được ba chuyện cỏn con này, hóa ra chú ám chỉ bọn lục lâm thảo khấu? Chú phạm tội tày đình đó nghe. Phạm tội từ tư tưởng, từ suy nghĩ chệch choạc. Chú coi chừng.

Chỗ bàn chân bị lỗ đạn tự bắn của ba Thể bỗng dưng nổi đỏ hỏn như mào con gà cồ. Ba Thể gãi đầu giục:

-Coi kìa, uống đi anh… đổ hết bây giờ.

-Ờ, uống chớ. Rượu ngon. Thiệt ngon. Mà chú hay chuyện gì chưa?

-Gì anh?

-Cái thằng ba Tánh với năm Bầu đó.

-Mấy ảnh làm sao anh bốn?

-Chú có bà con? Bà con thì đây không tiết lộ.

-Dạ không. Bà con chi đâu. Kêu anh anh em em với lãnh đạo cho nó thân mật, có tính quần chúng nhân dân chút xíu đó mà. Xưa anh không nhớ hội nghị nào khi nhắc đến tổng bí thơ Lê Duẩn, ai cũng gọi anh Ba đó sao. Gọi như vậy cho thân mật, cho gần gũi với quần chúng nhân dân. Mình dân chủ mà. Một thời như vậy thành quen.

-Đám vô tích sự. Thấy người sang bắt quàng làm họ thì có.

-Hồi nãy anh nói…

-Ờ, nhớ rồi. Là như vầy. Người ta chỉ thằng cha bí thơ Ba Tánh ngồi ghế chưa nóng đít đã có đàn em xúm tới xây cho nhà riêng bốn từng dưới tỉnh, nhờ chỉ định cho lũ nhỏ trúng thầu mấy công trình lớn. Thằng cha có đồng ra đồng vào liền bỏ bà vợ già rụng răng đi ôm đít một em gà móng đỏ múp rụp, mua cho nhà riêng. Ầm ĩ cả lên, giấu ai? Còn cha năm Bầu chủ tịch, ăn theo đổi đất lấy công trình, lươn lẹo một lúc mấy lô đất rìa thành phố chia cho con. Sướng chưa? Nhân dân với quần chúng như tôi và chú đây thì được cái đếch gì, hử?

Thấy ngồi lâu với Bốn Lợt không được chuyện gì, có khi bị vạ lây, Ba Thể bèn đứng lên nói “Thôi em về”. Ba Thể bước đi hai bước bị bốn Lợt gọi giật:

-Hè, chú mang chai rượu về – Bốn Lợt giơ đầu gậy chỉ chai rượu màu vàng đang đứng lẻ loi trên nền. Cực chẳng đã, Ba Thể quay lại, quay lại và khum xuống, khum xuống rồi cầm chai rượu nhét vào lưng quần, bước đi…

3. Làng An Phổ giờ như đang có trận động đất kéo dài. Cả làng cuồng lên với những tiếng động như bị kẻ cướp cầm đinh nhọn chọt vô lỗ tai, kêu gào inh ỏi. Mới bảnh mắt, hai thằng cha gặp nhau đầu ngõ, nháy nhau. Thằng trẻ tuổi giơ bọc mồi lên cao ngang mày, đưa qua đưa lại như mấy tay tập chó săn mồi. Thằng già hơn chút xíu cười tít mắt. Một thằng đưa qua đưa lại, một thằng cười tít mắt. Cả hai quàng vai nhau bước đi, giữa đường gặp thằng chạy xe máy Tàu mới mua chiều qua, bèn chặn lại. Bọc mồi giơ lên, đưa qua đưa lại. Thằng có chiếc xe tàu rú ga, bóp còi tin tin, khói phun sau đít xanh dờn. Ba thằng hể hả chất nhau lên xe, rú ga phành phạch, phóng thẳng.

Cuộc nhậu bắt đầu bằng tiếng rú ga. Những thằng trai làng lao vào hũ rượu. Chúng vừa được giải phóng, vừa được lột xác. Không ai gọi chúng là thằng nông dân nghèo kiết xác nữa. Tiền ấy từ trời cao rớt xuống, rớt trúng vào tay một lũ trước là bần cố nông. Làm bần cố nông tự dưng được ruộng, nay sắp làm công nhân thì được tiền. Có tiền trong tay rồi. Nhậu. Nhậu để mừng được lột xác. Nhậu để lột cái xác nông dân hôi hám mùi bùn, mùi cứt trâu, cứt bò bám dày trên tóc. Mai mốt đây thôi, không ai dám ngang nhiên gọi chúng là nông dân, chúng sắp thành công nhân rồi đến đít rồi. Phải gọi là anh, anh công nhân! Công nhân là giai cấp tiền phong, tiến lên hàng đầu, sản xuất hàng loạt sản phẩm cao cấp bán ra nước ngoài, thu về đống vàng, đống ngoại tệ. Giàu nước, giàu làng, anh công nhân cũng giàu, thơm tho chớ không hôi hám mùi bùn cứt. Dzô… dzô… Chúng khạc ra những tràng dài như đạn pháo bắn vào đồn địch. Đồn địch vỡ toang, xác địch như rạ. Dzô… dzô…

Từ sáng đến xế chiều những tràng đại bác bắn xối xả, bắn tiếp tiếp, liên tu bất tận lên những đồn bót đã bị vỡ cháy. Và, giờ đã đến lúc ca khúc khải hoàn. Những kẻ thắng trận nhừ tử bắt đầu mở máy, vặn volume hết mức, thọc dĩa nhựa vào ổ máy. Máy chạy xè xè êm như cơn gió nồm phất phơ buổi xế chiều. Chiếc karaoke mới mua êm như xe ô tô con mới xuất xưởng. Những hình người chạy nhảy trên màn hình. Nhạc xập xình xập xình, những chiếc micro đưa sát miệng. Chiếc micro giống ống thổi lửa kê miệng thổi vào bếp lò, củi bốc khói. Phooo…phooo…ooo… Cả rượu, cả miệng răng và lưỡi cùng cất lên, phooo… phooo… đồng ca: “…Đêm mắc mùng ngủ với vợ, nghe nói rượu thì dậy mà đi. Vợ có nói năng chi, đây là cho một đạp…vợ là vợ mà ta là ta. Vợ cầm chén lên tay, ta cầm chai đập lại, trong cuộc chiến điêu tàn, mà vợ là vợ còn ta là ta… Vợ thì ví như cơm, em thì như tô phở, cơm mà khê thì đi ăn phở, vợ là vợ mà cơm là cơm…” .

Những tràng đại bác bắn vọt từ những chiếc miệng há lớn. Âm thanh bập bùng. Rượu phừng phựt bập bùng bay ra tiếng đại bác nổ đinh tai. Mái nhà rung rinh. Cây cối đứng ngoài rào nghiêng ngã theo tiếng đại bác dội lên. Cuối xóm, tràng đại liên của mấy bà sồn sồn không chịu kém mấy thằng thanh niên, xổ những tràng baằng bằaaàng… ra sân. Tiếng nổ chát chúa, tiếng đại liên tiểu liên gào lên: “Lỡ yêu rồi, làm sao quên được anh ơi…”. Những cái miệng rượu phậm phực gào lên, trả lễ: Thôi nín đi em, lệ đẫm vai rồi, buồn thương nhớ ơi. Mai bước sang ngang, lòng thêm nát tan, tình đã dở dang…”. Dở cái con mẹ lũ nhóc: “Đêm nay trên đường hành quân ra mặt trận, trùng trùng đoàn quân…”. Mẹ kiếp mặt trận vỡ rồi, thắng trận rồi, hành con khỉ gió. Lập tức tiếng bộc phá ình oàng ca vọng cổ eo éo ở đâu đó, nổi lên, tung bổng mái tranh: “Cúc Hoa ôi, cũng vì duyên số, kẻ bắc người nam… đôi nhạn lẻ bầy… nên đôi ta chẳng đặng sum ơ…ơ… vâ…y… vầ…ầy…”.

Đấy không phải đạn pháo, tiểu đại liên, bộc phá, cà nông mà là tiếng súng thắng trận. Người ta bắn pháo bông mừng thắng trận. Anh công nhân thắng thằng nông dân. Nhà máy chiến thắng ruộng đồng. Chết lũ chúng bây. Hết cái thời khói đốt đồng bay bay trong gió chiều. Hết cái mùi rơm rạ phảng phất. Sẽ chỉ còn lại mùi xăng dầu, mùi công nghiệp cất cao cuộn khói như vòi rồng. Vòi rồng chóc mõm hút nước biển Đông, há mõm phun ra khói. Khói phun ra sản phẩm cao cấp. Sản phẩm phun ra tiền bạc và tiền bạc đẩy mấy anh công nhân bay bổng lên tít trời cao, tận mây xanh. Rượu trộn lẫn với tiếng ca sậm sựt hóa thành những con rồng lộn, vòng vòng…

(…) Bữa hôm ba Thể gặp thằng mặt méo trưởng thôn lấy danh sách đám thanh niên đưa cho ban quản lý khu công nghiệp tuyển chọn công nhân, hắn nhăn nhó: “Cái cột nghề nghiệp ghi sao đây? Có đứa nào có nghề ngỗng gì đâu, toàn cắt lúa, đánh cộ bò, thồ hàng… Có đứa nào biết gì về máy móc dây chuyền, ghi làm sao?”. Trưởng thôn đang bập bập điếu thuốc trên môi nói: “Thì ông ghi đại vào. Đứa nào cũng biết chuyền, biết công nghiệp tất, chết ai?”. Ba Thể: “Còn cái vụ hát hò, rượu chè ông tính sao chớ coi không đặng. Mấy ông bà già phản ánh: chịu hết thấu. Hát thâu đêm suốt sáng. Cả làng thi nhau hát, không ai ngủ nghê gì được. Đầu xóm đùng đùng, cuối xóm đùng đùng!”. “Văn nghệ. Đấy là văn nghệ! Không thể cấm nhân dân phát huy văn nghệ. Mặc, cứ để hát líp ba ga. Hát ớn, mỏi miệng, tự chúng nghỉ. Không cấm được đâu. Luật không ghi cấm hát hò, cứ phát huy tính dân chủ, là nhân dân làm chủ…”. Trong khi đang nói, điếu thuốc vẫn dính cứng trên môi. Điếu thuốc nhảy tưng tưng trên môi khi phát âm, như thể điếu thuốc cũng đang múa may điệu hip hop, múa may đến ngất ngây, nước miếng thấm ra đầu giấy ướt kêu đánh xèo nghe thiệt nhỏ. Điếu thuốc tắt ngấm. Trưởng thôn bập bập mấy hơi tiếp, không nghe khói chạy vô phổi, liền nhổ phẹt xuống đất. Ba Thể nói: “Vậy thì cứ ghi thí xác?”. “Ừ, thí xác!”.

4. Không ai làm tình làm tội hột cát nhỏ, tế bào nhỏ xíu kia. Sức của ông có gào rống, bất quá bay xa vài chục mét, bay lòng vòng trong làng, rồi mắc kẹt đâu đó giữa lùm bụi ken dày, tối thui, mất hút. Lúc đầu người ta cũng hơi bực mình, khó chịu. Khó chịu và tìm cách hạ ông, nhưng không hạ được, không thể làm tình làm tội ông được. Bốn Lợt vin vào cái dân “bàn kia” để bực tức bàn, lớn tiếng bàn. Nhưng không ai nghe ông bàn, coi như ông gào rống với đầu gối, bay vào thinh không. Người ta ngó lơ. Bí thơ bận bịu với con bồ nhí bia ôm. Chủ tịch loay hoay giấy tờ cho mấy lô đất giá ngàn vàng. Người ta lo giữ mấy lô đất riêng, lo ôm ấp bộ ngực căng phồng của cô bồ nhí, hơi đâu tranh cãi với ông già sắp gần đất xa trời?

Đất trời không chìu theo ông, theo nhân dân. Càng ngày ông càng gầy xộp đi. Gầy xộp có lẽ vì buồn, tiếc… mà cũng có thể con người ông chỉ đứng vững chừng ấy với năm tháng.

Lũ con ông xúm về săn sóc. Có đứa còn ấn vào tay ông quyển kinh Bát Nhã Ba La Mật Đa. Ông đẩy ra, thều thào: “Một mình cha đọc thì phỏng ích gì. Không ích gì, nếu như cả bầy đầy tớ nhung nhúc kia không thèm liếc mắt tới Bát Nhã…”.

Mặc dù ông đã nằm một chỗ, miệng không thể gào như trước, nhưng hai tai ông lại vểnh lên như tai mèo. Ông nghe hết mọi chuyện từ đầu thôn tới cuối xóm. Ông nghe rành rọt từ những cái miệng của người khác. Những người tới lúc này mới nhận ra ông già có lý do để gào, để cầm cây gậy củ tre chỉ vào mặt thằng mặt méo một bên, huơ cây gậy xua đuổi thằng tự bắn vào thịt da mình. Nhưng giờ thì đã quá muộn. Bốn Lợt xẹp lép, nằm dán sát trên chiếc chõng tre. Ông như chiếc lá sắp rụng xuống đất, như bọt bèo sắp tan vào đại dương mênh mông. Hối thì đã quá muộn, nhưng thế nào người ta cũng không để ông cô độc. Người ta đến thăm ông, không có hộp trà nhân sâm, không có yến sào… chỉ vài nải chuối mật, chục trứng gà so, và kèm theo:

“Nhà thằng Bảnh sạch trơn. Mua xe máy Tàu chở vợ được ba bữa. Đi nhậu quắc cần câu, tự đâm đầu vào cột cây số nước. Xe cong như chiếc bánh tráng nướng, còn cái đầu nó thì toác ra. Mới hôm kia thôi, không chắc sống nổi. Khổ con vợ!”.

Ông già vểnh tai lên nghe tiếng chép miệng thương cảm của bà bạn già ngoài xóm Lẫm. Âm thanh tiếng chép chưa kịp bay tan đâu đó trên tấm vách tróc lở vôi vữa thì một giọng khác chen vào:

“Từ ngày hết ruộng, có đồng tiền đền bù sinh lung. Từ nhỏ chí lớn nhậu nhẹt, ca hát suốt ngày như lũ điên. Nhà này có dàn máy karaoke thì nhà khác dòm vô, ba chân bốn cẳng chạy xuống phố ôm về cái đắt hơn, xịn hơn. Suốt ngày đêm đùng đùng như động đất… Đứa vào nhà máy chỉ đếm trên đầu ngón tay. Còn lại thất nghiệp! Ruộng đâu nữa mà sống, đứa đi phụ hồ, đứa chặt mía thuê, đứa giữ em dưới phố… cũng long lỏng cái bụng, chưa chết đói!”.

Một giọng khác cất lên, như giọng đàn ông, còn trẻ:

“Con Nhạn con Tòng ròm sắp sửa làm đám cưới với thằng Nhơn con hai Phó, bỏ nhà đi, rủ theo chục đứa khác lên Sài Gòn bán bia ôm…”.

Ông già cục cựa trở mình. Trở mình mà không xoay qua được. Những âm thanh cứ lăn tăn trong đầu, những hình ảnh cứ lăn tăn trước mắt. Cái mông tròn của cô gái làng An Thổ vùng dậy khỏi thằng hãm hiếp, chạy tuốt lên Sài Gòn. Những cái mông tròn làng An Thổ lại dạng háng, lại tiếp tục bị hãm hiếp. Giọt máu đen từ xa, rất xa bay thẳng, găm vào mắt ông, chảy ra, vón lại thành cục ghèn to bằng đầu đũa…

(trích từ tập truyện Chân dung tự vẽ, Thư Ấn Quán, Hoa Kỳ xuất bản, 2010)

Comments are closed.