Thay lời từ biệt

Nguyễn Thị Từ Huy

Không có mô tả ảnh.

Mọi thời điểm quan trọng trong quá trình học với thầy đều đáng nhớ.

Năm 1997, sau khi lấy xong bằng đại học tại chức tiếng Pháp, tôi quyết định theo học cao học ngành Văn học phương Tây, lúc đó chỉ nghĩ là để kiến thức tiếng Pháp của tôi có thể hữu dụng. Theo lời khuyên của nhiều người, tôi tìm đến thầy Phùng Văn Tửu, một trong những giáo sư hàng đầu của ngành này, để nhờ thầy nhận hướng dẫn luận văn cao học cho tôi.

Đó là một buổi tối, không còn nhớ rõ mùa nào trong năm, chúng tôi tới nhà thầy và được thầy tiếp chuyện. Tôi nói về nguyện vọng của mình, về việc muốn học cao học ở Đại học Sư phạm Hà Nội, và mong muốn được thầy hướng dẫn luận văn. Thầy hỏi rất cặn kẽ quá trình học của tôi. Và thầy hỏi tôi đã được học những tác giả phương Tây nào ở bậc đại học, tôi có từng học Samuel Beckett không… Tôi còn nhớ một phần nội dung trả lời, về việc vào thời điểm tôi học cử nhân, trong chương trình của trường tôi không có Beckett. Tôi nhớ nội dung này, bởi vì nó mang tính quyết định cho câu trả lời của thầy. Thầy từ chối không nhận hướng dẫn cho tôi. Câu chuyện khiến thầy nghĩ rằng tôi không có đủ các kiến thức cần thiết để làm việc với thầy. Tôi ra về, dĩ nhiên là lòng đầy thất vọng, thất vọng về bản thân mình. Nhưng nếu nhìn từ khía cạnh khác, khía cạnh trách nhiệm của thầy đối với chất lượng công việc và yêu cầu đào tạo, thì ta thấy rằng, nền giáo dục (vốn bị chỉ trích rất nhiều) của chúng ta được bảo tồn ở mọi thời nhờ những người như thầy.

Sau đó, tôi tham gia kỳ thi tuyển thạc sĩ Văn học Phương Tây của Đại học Sư phạm Hà Nội. Năm ấy có 5 thí sinh, và cuối cùng chỉ có một mình tôi đỗ. Đề thi do chính thầy Phùng Văn Tửu ra. Những chi tiết này, tôi muốn nhắc lại để nhấn mạnh tính chất nghiêm túc của Đại học Sư phạm Hà Nội, nơi đã một thời đặt chất lượng lên trên hết. Với chỉ một sinh viên, lớp vẫn được mở và tôi vẫn được học, tất nhiên, những môn chung thì tôi học chung với các học viên cùng khóa, nhưng khác ngành. Những môn chuyên ngành, chỉ có một mình tôi học.

Khi tôi vượt qua kỳ thi, thầy Tửu nhận hướng dẫn luận văn cho tôi, và tôi đã thấy vui như thế nào, đến lúc này vẫn còn nhớ rõ.

Đến lúc chọn đề tài cho luận văn. Tôi tới cuộc hẹn với thầy, mang theo một số ý tưởng về một số tác giả Pháp mà tôi yêu thích ở thời điểm đó. Thầy để tôi trình bày hết các ý mà tôi có, rồi hỏi: “Chị đã đọc Alain Robbe-Grillet chưa?”. Choáng váng. Cái tên Alain Robbe-Grillet rơi xuống như một âm thanh hoàn toàn xa lạ, lần đầu tiên tôi nghe thấy. Sau câu trả lời của tôi, thầy hỏi tiếp: “Chị có biết nhà văn nào thuộc phong trào Tiểu Thuyết Mới không?” Dĩ nhiên là tôi, một sinh viên đến từ tỉnh nhỏ, ở thập niên 1990, tôi không biết gì về phong trào này và các tác giả của nó.

Sau đó, thầy giải thích cho tôi rằng thầy đánh giá cao các ý tưởng của tôi, nhưng về phần mình, thầy muốn tôi thực hiện một nghiên cứu về Robbe-Grillet. Dĩ nhiên, thầy không áp đặt, mà để cho tôi lựa chọn. Và để cho sự lựa chọn là hoàn toàn tự nguyện, thầy nhấn mạnh thêm: “Chị phải suy nghĩ thật kỹ, bởi vì đây là một tác giả rất khó, mà chị lại chưa bao giờ đọc ông ấy. Công việc sẽ không dễ dàng đâu.”

Tôi không biết Robbe-Grillet là nhà văn như thế nào, không biết tác phẩm của ông ấy ra sao, nhưng tôi đã chọn làm luận văn về ông ấy. Bởi vì thầy nói rằng ông ấy rất khó hiểu. Tôi tìm đọc tác phẩm của Robbe-Grillet, chủ yếu là bằng tiếng Pháp. Hà Nội những năm 1990 đã nhập rất nhiều tác phẩm của các tác giả thuộc trường phái này, và có những người dịch và làm nghiên cứu về họ, thế hệ của những chuyên gia đầu ngành, như thầy Phùng Văn Tửu, cô Đặng Anh Đào, cô Lê Hồng Sâm, cô Đặng Thị Hạnh, và thế hệ sau một chút, như cô Lê Phong Tuyết. Đó là điều thật đáng ngạc nhiên: khó khăn chung về các phương diện, nhất là kinh tế, không ngăn được giới trí thức Hà Nội cập nhật các giá trị tinh thần của thế giới.

Sau khi đã lên danh mục tham khảo các tác phẩm của Robbe-Grillet có ở các thư viện Hà Nội, tôi báo với thầy là tôi sẽ làm luận văn về Robbe-Grillet. Chúng tôi mất một buổi để chọn đề tài. Thầy Tửu thực sự là người hướng dẫn, gợi mở cho tôi trong việc này. Cuối cùng chúng tôi chọn vấn đề thi pháp. Lúc đó, tôi không thực sự hiểu ý nghĩa của hướng nghiên cứu thi pháp đối với Việt Nam, chúng tôi chọn nó như một phương pháp làm việc. Giờ đây, với một độ lùi nhất định, có thể nói rằng, thi pháp là một lựa chọn có ý nghĩa lịch sử đối với giới nghiên cứu văn học ở Việt Nam.

Rồi cũng đến lúc kết thúc hai năm cao học. Trong buổi trao đổi cuối cùng trước khi trình luận văn, với tất cả sự chân tình, và thẳng thắn trong chân tình, thầy cho tôi biết rằng các thầy cô trong Bộ môn Văn học Nước Ngoài của Đại học Sư phạm Hà Nội đã đề cập đến việc giữ tôi lại làm việc ở Bộ môn. Và chính vì điều này nên thầy, người hướng dẫn, sẽ không tham gia vào hội đồng bảo vệ luận văn của tôi, để đảm bảo cho mọi đánh giá đều chính xác, khách quan, không thiên vị. Hội đồng sẽ không phải chịu ảnh hưởng, dù là gián tiếp, của người hướng dẫn. Kết quả của tôi là do tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm, và nó là kết quả của tôi. Và đó sẽ là cơ sở để các thầy cô của Bộ môn Văn học Nước ngoài quyết định có nhận tôi về làm việc hay không.

Trước khi tôi lên lớp dạy buổi đầu tiên, tôi đến thăm thầy, và những gì thầy nói, dù kể ra hay không kể ra, sẽ không bao giờ quên được, không quên được vì chính cái sự nhỏ của từng chi tiết. Sau khi nói về kinh nghiệm soạn giáo án, kinh nghiệm trình bày một bài giảng, cả kinh nghiệm viết bảng của thầy (bắt đầu từ góc trái, phía trên của bảng, và đặt dấu chấm hết ở góc phải phía dưới bảng, sao cho tất cả những nội dung quan trọng nhất của bài giảng được viết hết lên trên bảng). Và phải tính toán sao cho khi mình nói những chữ cuối cùng của bài giảng thì chuông hết giờ vang lên. Tôi không làm được như vậy, nhưng không bao giờ quên những chia sẻ của một nhà giáo chân chính. Và có lẽ đấy là một trong những lý do mà, giờ đây, trong thời đại 4.0, tôi vẫn thích cách trình bày bài giảng theo kỹ thuật truyền thống, nghĩa là sử dụng phấn và bảng.

Thầy còn dặn, lúc này thầy đã chuyển sang gọi tôi là cô, có lẽ trong tư cách đồng nghiệp: “Dù là mùa đông, khi lên lớp, cô không được đội mũ. Nếu mặc áo vét đen thì bên trong nên mặc sơ mi màu trắng hoặc dùng một chiếc khăn màu trắng. Cô không được cao lắm, đừng mặc cái gì khiến cô bị lùn đi”. Đó chỉ có thể là những gì một người cha nói với con mình. Tôi đã quên rất nhiều thứ trong đời này, quên nhiều điều cao siêu đã đọc, quên nhiều điều có tính triết lý sâu hay rộng, nhưng những chi tiết nhỏ này thì luôn còn lại trong một bộ nhớ đã bắt đầu suy tàn dưới tác động của thời gian.

Năm tôi về Đại học Sư phạm Hà Nội làm việc cũng là năm thầy đưa Robbe-Grillet và chương trình giảng dạy, và phân công tôi phụ trách tác giả này. Và tôi không dừng lại ở cao học, tôi tiếp tục cùng Robbe-Grillet đi hết bậc tiến sĩ. Có lẽ nhà văn Pháp này không biết rằng ông ấy đã làm đổi hướng cuộc đời tôi, đã mở ra vô số những cánh cửa trong đầu óc nhỏ bé của tôi, từ đó mà các không gian thực có thể mở ra. Nhưng nếu không có thầy Phùng Văn Tửu thì tôi không biết đến ông. Thầy đã kết nối tôi với ông ấy. Thầy thiết kế cho tôi cuộc gặp gỡ với Robbe-Grillet. Vậy nên, chính thầy là người đặt điểm đầu tiên và thúc đẩy các quá trình chuyển động trong cuộc sống của tôi. Hoặc cũng có thể nói, thầy đã đặt tôi vào một thế giới khác, từ đó mở ra nhiều thế giới khác nữa.

Có phải ai cũng có may mắn trong đời gặp một người thầy như vậy?

Kính gửi thầy lời tạm biệt của người học trò năm xưa. Những gì em học được từ thầy là vô giá và những điều đó sẽ được giữ lại, cùng với hình ảnh của thầy, chừng nào em còn ở lại trên trái đất này.

Sài Gòn, 9/3/2022

Ngày mất của thầy Phùng Văn Tửu.

Comments are closed.