Nguyễn Đình Đăng
Hội hoạ Việt Nam hiện đang rất bê bối với nạn tranh giả tranh nhái tràn lan đến nỗi tác giả một bài báo đăng trên New York Times mới đây đã kêu lên: “Nghệ thuật Việt Nam chưa bao giờ được ưa chuộng như ngày nay. Nhưng thị trường tràn ngập đồ giả.” (Vietnamese Art Has Never Been More Popular. But the Market Is Full of Fakes). [1]
Vì sao mà nên nỗi?
Mọi việc xảy ra trên đời này đều có nguyên nhân của nó.
Để hiểu thấu điều này chúng ta hãy cùng ngược dòng lịch sử quay lại thuở ban đầu khi hội hoạ mới sinh ra trên đất nước này.
Victor Tardieu trước canvas phác thảo bức bích hoạ trang trí giảng đường Đại học Đông Dương
Năm 1921 hoạ sĩ Victor Tardieu (1870 – 1937) nhận hợp đồng vẽ một bức bích hoạ khổng lồ diện tích 77 m2 tại giảng đường Đại học Đông Đương (19 Lê Thánh Tông ngày nay). Chính trong quá trình vẽ bức bích hoạ này mà ông đã nảy sinh ý tưởng thành lập một trường mỹ thuật để dạy hội hoạ cho người bản xứ. Kết quả là sự ra đời của trường Mỹ thuật Đông Dương vào năm 1925 mà Victor Tardieu là nhà sáng lập và hiệu trưởng đầu tiên. Đây là nơi khai sinh hội hoạ Việt Nam, bao gồm cả ba chuyên ngành sơn dầu, sơn mài và lụa.
Lễ khánh thành Đại học luật ngày 15.2.1932 tại giảng đường Đại học Đông Dương với bức bích hoạ của Victor Tardieu trên tường.
Trong tiêu chí của đề án thành lập trường MTĐD, được toàn quyền Đông Dương Martial Henri Merlin phê chuẩn ngày 27.10.1924, Victor Tardieu đã đề ra đường lối xây dựng một nền nghệ thuật vừa dân tộc vừa hiện đại [2]:
“Tới Đông Dương, người ta buộc phải nhận thấy những công trình lỗi lạc cổ xưa đã được xây dựng ở đây và từ khi chúng ta tới đây chẳng có gì được làm để tiếp tục những truyền thống đó. Liệu có cần thiết lập một nền giáo dục trong đó người ta có thể hấp thụ những nguyên tắc đại cương đã điều khiển việc xây dựng và trang trí các công trình này, những nguyên tắc rõ ràng đã được rút ra từ những bó buộc của khí hậu, cũng như các hình thức trang trí sinh ra đồng thời từ các yếu tố của công trình cùng các dạng thức đặc thù do điều kiện tự nhiên của đất nước?
Ý tưởng tổng quát không phải là lập ra một nhà trường áp đặt những hình thức cổ xưa một cách mù quáng hay thiếu phán xét, mà là lập ra một nhà trường phù hợp với những nhu cầu hiện đại trong khi vẫn tôn trọng những truyền thống địa phương.”
Alix Aymé (1894 – 1989)
Trong thư gửi từ Hà Nội cho thầy cũ của mình vào khoảng năm 1922 – 1923, nữ hoạ sỹ Alix Aymé cũng viết [3]:
“Học trò người An Nam khá có năng khiếu, về màu thì thua xa học trò Tàu, nhưng khá về dessin, bố cục, và sắp xếp. Con cố gắng dạy họ giữ phong cách An Nam của mình, phong cách xưa kia đã làm ra những thứ đẹp, và dạy họ tái phát hiện và học trong tự nhiên hoa lá và muông thú cách điệu mà người ta tìm thấy trên những đồ gốm và đồng cổ. Con cũng đang học vẽ sơn mài từ một người Nhật Bản để sau đó mở lớp dạy vài học trò. Con thấy có thể vẽ những bức tranh trang trí đẹp bằng sơn mài. Đó là một sản phẩm của đất nước này nhưng cho đến bây giờ được người An Nam dùng rất dở.”
Joseph Inguimberty (1896 – 1971)
Những nghệ sĩ Art Déco Pháp như Jean Dunand (1877 – 1942) và Gaston Suisse (1896 – 1988) là những người đầu tiên đã dùng sơn ta nhập từ Việt Nam, vốn là một chất liệu dùng làm đồ mỹ nghệ, như một chất liệu cho hội hoạ. Họ là những người đã vẽ nên những bức tranh sơn mài đầu tiên vào những năm 1920 – 1930 tại Paris. Hồ sơ triển lãm “Từ sông Hồng tới sông Mekong. Những tầm nhìn từ Việt Nam. 21.9.2012 – 27.1.2013” tại Bảo tàng Cernuschi ở Paris viết [4]:
“Thị hiếu sơn mài tại Pháp vào những năm 1920, sau Jean Dunand (1877 – 1942), đã ảnh hưởng đáng kể lên sự phát triển sơn mài tại Việt Nam những năm 1930. Hoạ sĩ và giáo sư Joseph Inguimberty, được đồng nghiệp Alix Aymé giúp đỡ về phương pháp tiến hành, mong muốn thành công trong nghệ thuật này. Họ đã đề xuất thực hành sơn mài với trường Mỹ thuật Đông Dương vào khoảng những năm 1927. Sơn mài đã chính thức được đưa vào chương trình học tập của trường. Các nghệ nhân, như Đinh Văn Thành (1898 – 1977) được giao nhiệm vụ truyền đạt các cách thức truyền thống cho học sinh.”
Évariste Jonchère (1892 – 1956)
Sau khi Victor Tardieu qua đời, điêu khắc gia Évariste Jonchère được chỉ định làm hiệu trưởng trường Mỹ thuật Đông Dương từ năm 1938. Thông tin của Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước CHXHCN Việt Nam cho biết [5]:
“Ông chú trọng tới phát triển nghệ thuật sơn mài. Mặt khác, ông cho mở khoa Đồ gỗ và khoa Gốm sứ. Ông là người đưa ra ý tưởng về việc tổ chức một đơn vị giúp đỡ các cựu sinh viên trường Mỹ thuật Đông Dương trưng bày tác phẩm nghệ thuật của mình mà không phải quá bận tâm về vấn đề cơm áo gạo tiền hàng ngày.”
Như vậy, cho dù Tardieu có mắng vài học trò trường Mỹ thuật Đông Dương là “đám ba que ba láp” và “vẽ như lợn” [6] hay Jonchère có coi các nghệ sĩ bản xứ là “nghệ nhân chứ không phải hoạ sĩ” [7], những điều trên thực tế có thể hoàn toàn đúng, song công lao của các ông thầy Pháp đối với mỹ thuật Việt Nam vẫn lớn hơn nhiều so với những lời nói có thể làm tổn thương lòng tự tôn đầy mặc cảm nhược tiểu của một số người Việt.
*
Người Việt đã trả ơn những người thầy Pháp ra sao?
Sau khi dùng “gậy tầm vông đánh tan quân bạo tàn” vào năm 1954, người Việt đã ra tay xóa sạch mọi tàn dư của chủ nghĩa thực dân, kể cả công lao của những người thầy Pháp đã đem ánh sáng của 5 thế kỷ hội hoạ châu Âu đến khai sáng cho mình.
Thay vì phục chế bức bích hoạ khổng lồ Victor Tardieu vẽ trong 6 năm ròng, người ta đã cạo sạch nó, để lại một bức tường trắng. Mãi đến năm 2006, nhân dịp kỷ nhiệm 100 năm thành lập Đại học Đông Dương, một bản sao bằng sơn dầu trên canvas mới được vẽ vội vàng trong 3 tháng, dựa trên những bức ảnh đen-trắng do cháu gái cụ Tardieu cung cấp, để treo vào chỗ bức bích hoạ cũ.
Lịch sử truyền miệng xây dựng hình ảnh Évariste Jonchère, hiệu trưởng kế nhiệm Victor Tardieu, như một ông thầy thực dân [7]:
“Ông được cho là đã nói với các quan chức thực dân rằng hội họa Việt Nam chỉ có tính ‘trang trí’ là nhiều nhất và nên đào tạo sinh viên trường Mỹ thuật Đông Dương thành các nghệ nhân hơn là các họa sĩ và điêu khắc gia chuyên nghiệp. Ông cũng được trích dẫn đã nói: ‘Tôi đã thấy các nghệ sĩ tại Hà Nội và họ là các nghệ nhân chứ không phải họa sĩ. Một số sinh viên tại trường đồng tình với Jonchère; những người khác sinh sự với ông. Một cuộc tranh cãi đã xảy ra gay gắt đến mức sinh viên đã lập nhóm để ủng hộ phe này hay phe kia.”
Điều này có vẻ hoàn toàn mâu thuẫn với thông tin do Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước cung cấp đã nói ở trên.
Lịch sử hội hoạ Việt Nam, được biên soạn sau 1954, mô tả sự ra đời của tranh sơn mài như một sự tình cờ, sau khi Joseph Inguimberty nhìn thấy các đồ bằng gỗ phủ sơn ta tại Văn Miếu [8]:
“Nguyên một buổi được họa sĩ Nam Sơn hướng dẫn đi vẽ tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Joseph Inguimberty đã thực sự sửng sốt, bàng hoàng trước các hoành phi, câu đối, đồ thờ sơn son thếp vàng lâu đời, lên nước thời gian, ngả sang các gam màu vô cùng phong phú và kỳ lạ, ở nhà đại bái. Ông đã đề xuất ngay ý kiến với hiệu trưởng Victor Tardieu để đưa sơn ta vào chương trình nghiên cứu và thực tập.”
Tác giả của huyền thoại trên dường như không biết, trước khi lên đường sang Đông Dương, Inguimberty đã sống tại Paris, nơi nghệ thuật sơn mài của Jean Dunand, Gaston Suisse, và các nghệ sĩ Pháp khác dùng sơn ta nhập từ Đông Dương, với các kỹ thuật từ làm vóc, mài, tới gắn vỏ trứng áp dụng trên diện rộng, đang là thời thượng, nơi nhà nước Pháp đã thành lập hội sơn mài Đông Dương từ năm 1917, và nơi thợ sơn mài An Nam cũng đã đến hành nghề mở tiệm làm đồ sơn mài tưng bừng tại quận 14 từ năm 1920 [9 – 11]. Sơn mài Đông Dương được coi là một trong những kỹ nghệ mới rất thành công tại kinh đô ánh sáng thời đó. Là một hoạ sĩ từng học tại trường Cao đẳng Nghệ thuật Trang trí Paris (l’École Nationale Supérieure des Arts Décoratifs de Paris), tức cùng trường với các nghệ sĩ sơn mài Jean Dunand và người đồng niên Gaston Suisse, lại sắp lên đường sang Đông Dương vào năm 1925 để khai sinh cho hội hoạ sơn mài Việt vào những năm 1927 – 1930, Inguimberty không thể không biết tới môn nghệ thuật đó.
Bỏ qua công lao khai sáng và xây dựng nền móng của những người thầy Pháp, lịch sử được viết sau 1954 đã tạo ra một bức tranh của một nền mỹ thuật cách mạng ra đời trên chiến khu Việt Bắc với ngọn cờ đầu là Tô Ngọc Vân, hiệu trưởng trường mỹ thuật kháng chiến. Theo Nora Taylor [7]:
“Mặc dù Tô Ngọc Vân dường như là một họa sĩ không hoàn hảo bằng Trần Văn Cẩn hay Lê Phổ, ông đã được các sử gia nghệ thuật Việt Nam 40 năm qua coi là một trong những họa sĩ vĩ đại nhất xuất thân từ trường Mỹ thuật Đông Dương (…) Tô Ngọc Vân đã trở thành một lãnh tụ trong phong trào cách mạng sau năm 1945. Ông đã đưa một số sinh viên mỹ thuật lên chiến khu Việt Bắc và thành lập ở đó một trường dạy vẽ tranh chính trị và theo phong cách hiện thực xã hội chủ nghĩa. Ông đã chết vì các vết thương trong trận Điện Biên Phủ năm 1954 và từ đó tới nay được tung hô như một anh hùng.”
*
Gần một thế kỷ đã trôi qua, khuôn viên trường Mỹ thuật Đông Dương năm nào nay đã hầu như hoàn toàn thay đổi thành Đại học Mỹ thuật Việt Nam, “đàng hoàng hơn to đẹp hơn”. Các di tích thực dân đã được quét sạch bách. Và cùng với chúng là mọi dư âm về những người thầy Pháp. Bức tượng chân dung Victor Tardieu của điêu khắc gia Georges Khánh, cựu sinh viên khóa I trường Mỹ thuật Đông Dương, dựng trong khuôn viên trường từ năm 1938, cũng bị dẹp bỏ.
Georges Khánh bên tác phẩm của mình, tượng Victor Tardieu, tại lễ khánh thành bức tượng trong khuôn viên trường Mỹ thuật Đông Dương năm 1938.
Tô Ngọc Vân được tung hô [12] thành ông vua sơn dầu Việt Nam, Nguyễn Gia Trí – ông vua sơn mài, Nguyễn Phan Chánh – ông vua tranh lụa. Các bộ tứ Lân – Vân – Cẩn – Trí, Lân – Phổ – Cẩn – Chánh, Liên – Nghiêm – Sáng – Phái , v.v. được xưng tụng.
Trong khi đó công lao của những người thầy Pháp hầu như không được nhắc đến. Nếu có thì vai trò của họ cũng khá mờ nhạt, chỉ như những người chứng kiến [13]:
“Có lần anh Trần Văn Cẩn vẽ hình con phượng bằng sơn then, rồi phủ sơn son lên hình phượng, phủ bằng sơn không có dầu mà có nhựa thông. Khi sơn khô bác Thành đem mài, hình phượng rõ ra, mặt tranh nhẵn phẳng. Sự tìm tòi ra cách làm này mở đầu cho kỹ thuật mài sơn, khiến người giáo sư Pháp khi xem quá mừng rỡ, đem đập hết các chai dầu pha sơn. Ông ta cho rằng đó là một khám phá quan trọng đối với nghề sơn.”
Người kể thậm chí đã không nêu tên “người giáo sư Pháp”, Joseph Inguimberty, người đã thành lập ban sơn mài khai sinh hội hoạ sơn mài Việt Nam.
Hoạ sĩ Nguyễn Đức Hòa chia sẻ:
“Thời tôi học ở trường, người ta hết sức tránh nhắc đến các thầy Pháp, nhất là sau khi tiếp nhận chủ nghĩa Hiện thực Xã hội chủ nghĩa là ‘con đường duy nhất đúng dành cho các nghệ sĩ’ và từng có cả thầy Liên xô Kuznetxov đại diện cho chủ nghĩa ấy sang dạy. Ông này từng đoạt giải Nhất ở Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc Việt Nam năm 1960. Hồi ấy chỉ có các cụ học thời Mỹ thuật Đông Dương thì thầm với nhau về các thầy Pháp thôi. Suốt thời bao cấp, dù thế nào thì quan điểm chính thống vẫn coi đó là bọn thực dân!”
Tệ hơn, trong khi tán dương nghệ thuật của hoạ sĩ Việt, người ta không quên xúc phạm những người đã dạy cho họ biết thế nào là dessin – cha đẻ của cả ba nghệ thuật là hội hoạ, điêu khắc và kiến trúc:
“Ông Trí (Nguyễn Gia Trí) thoát được khỏi thành kiến về chất liệu. Ông cũng thoát khỏi được lối vẽ hình họa mà người châu Âu mang đến, định áp đặt trong Trường Mỹ thuật Đông Dương.” [14]
Mãi tới năm 2015, ngót 80 năm sau khi Victor Tadieu qua đời tại Hà Nội, một bức tượng nhỏ tạc cái đầu ông mới được dựng trong khuôn viên trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, nhưng lại khuất vào một góc, sau khi vào cổng phải rẽ sang tay phải mới nhìn thấy. Chữ ghi trên tượng cũng rất tiết kiệm, như trên mộ chí các vĩ nhân trong nghĩa địa Père Lachaise ở Paris, vẻn vẹn chỉ có “Victor Tardieu (1870 – 1937)”. Không hề có một từ để có thể bật mí cho người xem biết đây là người sáng lập và/hoặc hiệu trưởng đầu tiên của trường Mỹ thuật Đông Dương. Cũng không thấy ghi ai là tác giả bức tượng, hay bức tượng được sao chép từ tác phẩm của ai [15].
Vậy liệu có nên ngạc nhiên với nạn đạo tranh, nhái tranh, giả tranh tràn ngập thị trường tranh Việt hiện nay?
Đến công ơn của thầy dạy mình thành tài còn quên, hoặc cố tình lờ đi, thì hỏi làm sao lớp hậu sinh khả úy có thể biết tôn kính tiền nhân cũng như biết trân trọng thành quả lao động và tài năng của người khác.
16.8.2017
Tượng Victor Tardieu tại Đại học Mỹ thuật Việt Nam, 42 Yết Kiêu, Hà Nội. Ảnh do HS Nguyễn Đức Hòa cung cấp.
Tác giả bài viết đang trả lời câu hỏi: “Who is this guy?” (Người này là ai?) của khách tham quan về bức tượng Victor Tardieu tại Đại học Mỹ thuật Việt Nam sáng 2.6.2017
___________________
[1] Richard C. Paddock, Vietnamese Art Has Never Been More Popular. But the Market Is Full of Fakes, New York Times, 11.8.2017.
[2] “Ba trường nghệ thuật của Đông Dương – Hà Nội – Phnom Penh – Biên Hòa” (Trois écoles d’art de l’Indochine: Hanoi – Phnom Penh – Bien Hoa, Hanoi, Imprimerie d’Extrême-Orient, 1931), trang 11 – 12.
[3] Thư Alix Aymé gửi Maurice Denis (bản dịch của Nguyễn Đình Đăng) trong cuốn sách của Pascal Lacombe và Guy Ferrer “Alix Aymé – Une artiste peintre en Indochine – A French painter in Indochina 1925 – 1940” do Somogy Editions d’Art xuất bản năm 2012.
[4] Du fleuve Rouge au Mékong, Visions du Việt Nam, 21 septembre 2012 – 27 janvier 2013, Dossier de press, Musée Cernuschi, p.7
[5] Hoàng Hằng, Những điều chưa biết về trường Mỹ thuật Đông dương, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước.
[6] Trịnh Lữ, Những dấu vết thôi thúc ôn cố tri tân, Tia Sáng 1.4.2017.
[7] Nora Taylor, ORIENTALISM/OCCIDENTALISM, The Founding of the École des Beaux-Arts d’Indochine and the Politics of Painting in Colonial Việt Nam, 1925-1945, Crossroads: An Interdisciplinary Journal of Southeast Asian Studies, 11(2):1-33.
[8] Nguyễn Quang Phòng, Các hoạ sĩ trường cao đẳng mỹ thuật Đông Dương (NXB Mỹ thuật, 1993)
[9] Liliane Sarcey, Une visite à l’atelier de M. Jean Dunand, Conferencia (Journal de l’Université des Annales) No 9 năm 1926 (Xem phần dịch tiếng Việt “Jean Dunand: ‘Tôi đã nghĩ ra cách dùng vỏ trứng’” của Nguyễn Đình Đăng).
[10] L’Echo Annamite 19.3.1926, Ibid. 28.1.1929.
[11] Emmanuel Bréon, Gaston Suisse 1896-1988 : Splendeur du laque Art Déco (Somogy éditions d’art, 2013)
[12] tung hô (嵩呼): Hán Vũ Đế lên chơi núi Tung Sơn (嵩山), quan, lính đều nghe tiếng xưng hô vạn tuế đến ba lần.
[13] Lê Quốc Lộc, Gặp gỡ nghệ nhân sơn mài cao tuổi Đinh Văn Thành, Văn Nghệ, 7.6.1975.
[14] Trinh Nguyên, Bậc thầy tranh sơn mài, Thanh Niên, 5.1.2014.
[15] Theo tra cứu trên internet, bản gốc bức tượng đồng này là tác phẩm của hoạ sĩ và điêu khắc gia Vũ Cao Đàm (1908 – 2000), cựu sinh viên khóa I trường Mỹ thuật Đông Dương, Bức tượng được bà Alix Turolla-Tardieu, cháu nội Victor Tardieu, tặng Đại học Mỹ thuật Việt Nam ngày 15.11.1997, nhân kỷ niệm 60 năm ngày mất của Victor Tardieu. Sau đó 18 năm, vào dịp kỷ niệm 90 năm thành lập trường Mỹ thuật Đông Dương Năm (1925 – 2015), đương kim hiệu trưởng Đại học Mỹ thuật Việt Nam Lê Văn Sửu đã cho đúc một bản sao bức tượng này để dựng trong khuôn viên trường. Bản gốc hiện được trưng bày trong bảo tàng của trường.
Nguồn: FB Nguyễn Đình Đăng