Trần Đình Sử
Vấn đề ảnh hưởng của văn hóa Nam Á đối với văn hóa Hoa Hạ vào thời viễn cổ đang là một vấn đề được học giới của ta quan tâm. Trong nhiều phạm vi tìm kiếm, ảnh hưởng ngôn ngữ là một phạm vi quan trọng, nhất là khi nó được thể hiện thành tên gọi, được ghi vào thư tịch cổ.
Cách đây không lâu, trong tập kỉ yếu Quốc tế Bách Việt văn hoá nghiên cứu (Nghiên cứu quốc tế về văn hóa Bách Việt) do Nxb Khoa học Xã hội Trung Quốc xuất bản năm 1994, có bài của La Mạn cung cấp một số tư liệu đáng chú ý về phương diện này.
Trong bài Hạ.Việt.Hán: Ngôn ngữ dữ văn hóa mạn bút (Hạ-Việt-Hán: Tản mạn về ngôn ngữ và văn hóa), La Mạn phân biệt hai cách xưng danh: xưng danh kiểu Việt thì chức vụ, cương vị nêu trước, họ tên nêu sau; xưng danh kiểu Hán thì thì ngược lại, họ tên nêu trước, cương vị, chức vụ nêu sau. Theo phân biệt đó, tác giả đã dẫn ra nhiều cứ liệu trong thư tịch Hán cổ và đi đến nhận xét: “Nhiều thư tịch cổ cho thấy: từ viễn cổ cho đến thời Tiên Tần, cách xưng gọi kiểu Việt chiếm địa vị chủ đạo” trong tiếng Hán, trong thời ấy, cách xưng danh kiểu Hán chưa có vị thế chủ đạo. Trong sách Sơn Hải Kinh có một loạt tên gọi các Đế với từ Đế đứng đầu, như Đế Đan Chu, Đế Tuấn, Đế Giang, Đế Nghiêu, Đế Thuấn, Đế Hồng, Đế Chuyên Húc… Trong sách Sử kí của Tư Mã Thiên, thiên Hạ bản kỉ còn ghi: Đế Ngu, Đế Khải, Đế Thái Khang, Đế Trung Khang, Đế Thiếu Khang, Đế Dư, Đế Hòe, Đế Mang, Đế Tiết… Trong các thiên Ngũ đế bản kỉ, Ân bản kỉ cũng có nhiều tên gọi Đế như vậy. Đáng chú ý là trong các tài liệu ấy cũng có cách gọi kiểu Hán như Bạch Đế, Thiên Đế, Viêm Đế, Hoàng Đế, nhưng ít hơn. Có khi hai cách gọi cùng song hành, như Đế Hồng là tên gọi khác của Hoàng Đế. Viêm Đế và Thần Nông cũng chỉ là một người. Hiện tương này chứng tỏ trạng thái pha tạp của tiếng Việt và tiếng Hán vào thời xa xưa.
Trong sách Sơn hải kinh có một loạt tên gọi các thần bắt đầu với từ thần, nghe như tiếng Việt ngày nay: Thần Vụ Nhi, Thần Thiên Ngu, Thần Giang Nghi, Thần Trường Thừa, Thần Anh Chiêu, Thần Kế Mông, Thần Hồng Quang, Thần Canh Phụ, Thần Thái Phùng…
Cũng trong sách Sơn Hải kinh này có cách gọi về chức tướng (tể tướng) như Tướng Liễu (chương Hải ngoại bắc kinh), Tướng Do (chương Đại hoang bắc kinh), giống như cách gọi Tướng Thổ, thủy tổ của tộc Thương trong Kinh Thi: Tướng Thổ liệt liệt, Hải ngoại hữu tiệt (bài Thương tụng). hay trong Ân bản kỉ trong Sử kí với lời chú: Tướng Thổ phụ tá cho nhà Hạ, được ghi sử sách nhà Thương. Có chỗ gọi Hậu như Hậu Tắc (Đại hoang tây kinh), Hậu Thổ (Hải nội kinh). Trong sách Tả truyện có trường hợp gọi [Công tử + tên riêng] như Công tử Trát, Công tử Cưu, Công tử Tiểu Bạch. Các cách gọi Bá như Bá Tồn, Bá Ngu, Bá Phụ, Bá Lăng, Bá Ích cũng là cách gọi kiểu Việt. Trong sách Sơn hải kinh có nói tới núi Cô Dao, sách Trang Tử có nói tới núi Cô Xạ. Theo La Mạn thì Cô Dao, Cô Xạ đều là cách gọi Việt, cũng giống như nói nữ Oa, nữ Thi, nữ Xú, nữ Kiên, nữ Thích, nữ Tế. Nếu theo kiểu Hán thì phải gọi là Oa nữ, Dao cô.
Rất thú vị là trường hợp dùng từ phương vị như trên, dưới, trong, ngoài. Các từ này ở tiếng Việt thì đặt trước danh từ, ở tiếng Hán thì đặt sau danh từ. Trong Kinh Thi có hàng chục trường hợp từ phương vị đặt theo kiểu Việt, ví dụ trung lâm là trong rừng như Thi vu trung lâm “đặt lưới vào trong rừng” (bài Thố tư 3, thiên Chu Nam), trung cốc là trong hang như Dị vu trung cốc “bò vào trong hang” (bài Cát đàm 1, thiên Chu Nam), trung tâm là trong lòng như Trung tâm hữu vi “trong lòng áy náy” (bài Cốc phong 2, thiên Bội phong), trung hà là giữ sông như Tại bỉ trung hà “tại giữa sông kia” (bài Dung phong, Bách chu), trung trạch là giữ đầm như Tập vu trung trạch “Dồn vào giữa đầm” (bài Tiểu nhã, thiên Hồng nhạn), hạ tuyền là dưới suối như Liệt bĩ hạ tuyền “Nước lạnh dưới suối” (Tào phong, thiên Hạ tuyền), trung điền là giữa ruộng như Trung điền hữu lư “Giữa ruộng có lều” (bài Tiểu nhã, thiên Tín nam sơn), trung nguyên là trên đồi như Trung nguyên hữu thục “Trên đồi có đậu” (bài Tiểu nhã, thiên Tiểu uyển)… Theo tác giả thì các chữ Trung Quốc, Trung Nguyên cũng đều có thể hiểu theo kiểu Việt, nghĩa là trong nước, trong thảo nguyên.
Các tư liệu trên cho thấy, chỉ có cấu tạo từ là theo kiểu Việt, còn từ vựng lại là của tiếng Hán, các tên quan chức, danh từ chung, từ phương vị là của tiếng Hán. Những ví dụ trên là những hóa thạch của cách gọi Việt đã cố kết lại. Nó chứng tỏ thời ấy ngữ pháp tiếng Việt phương Nam đã thâm nhập vào tiếng Hán khá sâu và có tính hệ thống hơn là người ta tưởng. Nó chứng tỏ rằng thư tịch Hán cổ đang lưu giữ những dấu tích của ảnh hưởng văn hóa phương Nam, đáng được các nhà văn hóa học quan tâm nhiều hơn nữa.
Điều đáng lưu ý “Việt” ở đây không phải là tiếng Việt hiện nay. Đó là từ chỉ các cư dân sống ở phía Nam sông Dương Tử (Trường Giang), mà ngôn ngữ thuộc ngữ hệ Tai-Kadai hay Nam Á (ngữ hệ của tiếng Việt). Điều đáng lưu ý là trật tự danh ngữ trong các tiếng Tai-Kadai và Nam Á đều là “chính trước, phụ sau”.
Thời Tần là thời người Hán xâm chiếm phương Nam, biến Việt Nam thành quận huyện. Họ lại coi các nước xung quanh là tứ di, có văn hóa thấp để họ đến giáo hóa, mà thực ra là họ tiếp thu các nguồn văn hóa ấy và kiến tạo nên văn hóa của mình.