Hồ sơ biên bản so sánh – bài 18: Thơ trẻ Cham và thơ của các dân tộc thiểu số phía Bắc – Khác biệt từ tư duy thơ đến khác biệt của cách xuất hiện và lối biểu hiện

Inrasara

Người Cham làm thơ tiếng Việt muộn.

Trong khi ngay từ thời kháng chiến chống Pháp, các nhà thơ dân tộc thiểu số ở phía Bắc như Nông Quốc Chấn, Bàn Tài Đoàn, Nông Viết Toại, Triều Ân… đã có mặt; rồi thời kì chiến tranh với Vương Trung, Vương Anh… vắt sang giai đoạn thống nhất đất nước, nổi lên các tên tuổi Y Phương, Lò Ngân Sủn, Pờ Sảo Mìn, Mai Liễu, Dương Thuấn… thì mãi năm 1996, Inrasara mới cho ra tập thơ đầu tay Tháp nắng do NXB Thanh niên xuất bản.

Như thế là muộn, quá muộn nữa là khác. Bởi truyền thống Cham đã có văn học viết từ thế kỉ XV-XVI. Muộn, mãi khi cơ hội tới với sự ra đời của đặc san Tagalau – Tuyển tập sang tác – sưu tầm – nghiên cứu Cham vào mùa Katê năm 2000, và khi đã thực sự nhập cuộc, các thi sĩ Cham xuất hiện hàng loạt và ồ ạt, để tạo nên một hiện tượng.

Cùng những khác biệt rất riêng.

1. Khác biệt từ tư duy thơ

Lối nghĩ cũ bị quy định bởi hệ mĩ học nông nghiệp vẫn còn kiên trì bám trụ nơi tâm thức nhiều người làm thơ Việt hiện nay, khiến tư duy thơ chúng ta co cụm lại, cố thủ trong truyền thống xưa cũ. Từ người Việt, Vương Trọng chẳng hạn.

NGƯỜI ẤY (báo Văn nghệ, số 32, 7-8-2004)

Ràng buộc cuối cùng với làng

Ngôi nhà và mảnh vườn

Cần chi nhờ người trông nom

Bán quách đi, ta là dân thành phố.

Người ấy bước đi hăm hở

Phía trước là công ti

Là hợp đồng, tiệc tùng

Ai cần chi

Một mái nhà gianh

Một mảnh vườn tre gai và dứa dại…

Hơn hai chục năm sau trở lại

Tóc bạc gió thổi

Người ấy đứng chôn chân trước ngõ nhà xưa…

Không có quyền bước qua cánh đồng

Người ấy đứng lẩm bẩm:

– Ta vô tình đã bán mất quê hương!

Cho đến các nhà thơ dân tộc thiểu số. Hữu Tiến dân tộc Tày ở đầu thiên kỉ này cũng không khác:

SAU ĐÊM (Sau đêm, NXB Văn hóa Dân tộc, 2008)

Ngày xưa

Tôi gặp người cha trong cổ tích

Chết dưới hố củ mài

Tôi gặp người con hóa thành chim

Gọi cha khi giáp hạt.

Ngày xưa

Tôi gặp nàng Tô Thị bồng con hóa đá

Nàng chết thủy chung.

Ngày nay

Tôi gặp đứa con kiện cha

Chia tài sản không đều.

Tôi gặp người vợ ngủ với trai

Khi chồng nằm viện.

Tôi ao ước ngày xưa.

Bán nhà ở quê bị đồng hóa với “bán quê hương”, nên thơ ta cứ “ao ước ngày xưa” ấy, trong khi bản thân ta và gia đình đã là dân phố thị từ khuya rồi. Và không phải không sướng… Tại sao “gặp đứa con kiện cha do chia tài sản không đều”, hay “gặp người vợ ngủ với trai khi chồng nằm viện” ta không tìm lối đi khác mở về tương lai sáng hơn, mà lại ngồi đó “ao ước ngày xưa”?

Các thi sĩ Cham rất khác. Jalau Anưk (“Tạ lỗi”, Tagalau 4, 2005) là một. Từ giã quê nhà vào phố thị, dù cũng thất vọng ở buổi đầu:

Thuở ấy tôi đi

Với

hào quang trước mắt

ngỡ được tắm trong thế giới diệu kì

ngỡ hái trọn bao trái cây mơ ước.

Thuở ấy tôi đi…

mang nông nỗi thời trai trẻ

bơm háo thắng qua vụn vặt kiến thức

nuôi xảo quyệt cơm-áo-gạo-tiền phủ bẩn giấc mơ.

Nhưng không phải vì thế mà anh chùn bước. “Dưới vòm trời là những mái nhà” (Tagalau 6, 2006) khích lệ và hối thúc những bàn chân đi tới:

Cứ đi đi! – Phía trước là con đường

… Đi đi em!

phía bên kia nông hoèn hoẽn sông quê là ùn ùn sóng bể

sau hoang hoãi đêm dài là rực phố đông vui

phố cũng thích Xaranai

phố cũng say đắm lòng tháp cổ

phố cũng rộn ràng với Ginơng

phố cũng trải lòng với điệu múa Apsara

phố cũng hiểu Ariya

phố cũng sụt sùi nghe chuyện ngày xưa bà kể

Đi đi em! Đi đi! – Mang hình em vào phố

Tư duy mở, thơ mở về hướng mĩ học mới, khác. Qua đó, thơ Việt cơ hội chuyển hướng say mới, khác.

2. … đến khác biệt về thi ảnh, lối nói

Từ khác biệt tư duy thơ đến khác biệt thi ảnh và lối nói. Bùi Tuyết Mai dân tộc Mường ở Hòa Bình, cả khi về xuôi (Hà Nội) vẫn giữ lối nói dân dã, mộc mạc với những thi ảnh cụ thể, gần gũi tạo nên phong cách thơ người nữ dân tộc Mường này. Phong cách dân gian ấy đi suốt hành trình thơ Bùi Tuyết Mai:

Cái tuổi tập bay

Lời ông lời bà lời cha lời mẹ

Cũng là lời xóm lời làng

Chim khôn tìm cành cao mà đậu

Người ngoan tìm bạn tốt cùng đi…

Cả khi xuống núi về thành, nó vẫn chưa một lần rời bỏ thi sĩ này. Đó chính là khác biệt giữa thơ của nhiều nhà thơ người dân tộc thiểu số phía Bắc với thơ các bạn thơ trẻ Cham hôm nay. Như “Lưu khách”…

LƯU KHÁCH

Hãy dừng chân nhà em một đêm

Chỉ một đêm thôi

Cho con ngựa anh nghỉ ngơi

Hãy nán lại nhà em một đêm

Chỉ một đêm thôi

Cho con ngựa anh uống nước

Hãy nghỉ lại nhà em một đêm

Chỉ một đêm thôi

Cho con ngựa anh ăn vài đấu ngô thơm

Hãy ở lại nhà với em một đêm

Một đêm thôi…

Cả bài thơ bốn lần lặp lại “Hãy… lại nhà em một đêm/ Chỉ một đêm thôi” chỉ thay đổi mỗi động từ: “dừng”, “nán”, “nghỉ”, “ở”. Mời người ở lại, mà lại vòng vo sang đối tượng khác: nhấn vào sự nghỉ, ăn của ngựa. Nhưng mục đích chính vẫn là là: người đi ngựa. Dùng chuyện ngựa để nói chuyện mình: “ở lại nhà em một đêm/ Một đêm thôi”.

Kiều Maily ở cực Nam Trung Bộ khác hẳn. Vẫn là chuyện rủ rê người tình, thi sĩ Cham rời bỏ lối nói dân gian, chuyển hẳn về phía hiện đại. “Nhảy” nói lên đầy đủ phẩm chất ấy.

NHẢY

Giữa anh và em là vực thẳm

mấy lần số cát bãi Nam Kương kia không thể lấp đầy

giữa đôi mắt chúng ta là vực thẳm

đắm đuối đến đâu cũng không thể đầy

giữa thân thể chúng ta là vực thẳm

ngàn nụ hôn cũng không thể làm đầy

anh có muốn cùng em nhảy không?

Không còn là chuyện ngựa với sự nghỉ và cái ăn rất cụ thể như thi sĩ họ Bùi đất Hòa Bình, ở Kiều Maily là “vực thẳm”, là “số bãi cát Nam Kương”, là “giữa đôi mắt” và sự “đắm đuối”, nghĩa là chông chênh và bấp bênh khôn lường. Kiều Maily cũng không mời người tình “ở lại nhà” đầy an bình nữa, mà là “nhảy”. “Nhảy” qua vực thẳm kia hay nhảy về đâu? – không biết.

3. … và giọng điệu thơ

Nhà thơ Y Phương ở thế hệ trước, sau khi xuống phố và làm người phố thị, thơ anh vẫn có những ngoái lại: hồi tưởng kỉ niệm đẹp và tình người ấm áp bên cạnh cái nhìn không đồng tình về nỗi người hiện tại nơi làng quê yêu dấu. Trở lại bản quán, anh “Không hiểu vì sao cả làng bỏ đi đâu”, anh “Men theo đường chân người/ Giờ chỉ thấy những mảnh sành/ Vương vãi trên luống cày…” (“Làng hoang”).

Tôi đi trên nền làng xưa

Cúi nhặt vài mảnh vỡ

Rạn nâu

Lạnh tanh như dạ cụ cố

Đâu rồi làng một thuở…

Đó là cảm thức cổ điển của người đàn ông làng Hiếu Lễ khi bước vào làng thơ ở thời kì đầu Đổi mới. Như là một tiếc nuối. Tuệ Nguyên thì khác: phản tỉnh và phê phán.

Sỏi đá và mảnh đất quê hương, ở nơi ấy chàng trai thấy em bé sứt môi, những phận đời trôi giạt, hồi chuông và những mảnh vỡ, nhất là đêm và những giấc mơ. Bao nhiêu giấc mơ đa chiều và vô lượng chiều. Hoang mang, thất thố, hụt hẫng, chán chường, mỏi mệt. Ngôn ngữ Cham độn tiếng Việt, mấy đám trẻ học đòi, thế hệ già bảo thủ, những đứa con hư hỏng nổi loạn và bất trị, những đứa con yêu cuồng dại tự do, chối từ và ghì níu, ôm ấp nâng niu hay khinh miệt. Tất cả.

CHÚNG TA LÀ NHỮNG KẺ ĐÁNG THƯƠNG

(Những giấc mơ đa chiều, NXB Hội Nhà văn, H., 2009)

Ở đó chúng ta có làng mạc và văn hóa

chúng ta có thế hệ nối tiếp nhau

chúng ta có ngôn ngữ chữ viết và những trang sách

nhưng chúng ta rất mù mờ…

Vì lẽ chúng ta có những cọng tóc xoăn da ngăm và đầu óc mù tịt

nên chúng ta dễ tổn thương

Vì màu da mà chúng ta phải tắm cho đến khi nhiễm bệnh cảm

chúng ta phải tô đủ thứ son phấn lên khuôn mặt

Vì mái tóc mà chúng ta luôn trùm lên đầu những tấm vải đen

chúng ta luôn lai vãng gần tiệm uốn xoáy duỗi tóc

Vì tiếng nói mà chúng ta phải ngoảnh mặt với nhau…

Trong một xã hội nông thôn Cham bề ngoài tưởng yên tĩnh và cố kết đó, ở bề sâu và mặt sau nó chất chứa bao nhiêu âm thanh và cuồng nộ, đầy biến động, chực đổ vỡ để phải chịu nhận nhiều mất mát sắp tới. Sự bừa bộn trong câu chữ của thơ Tuệ Nguyên rất thích hợp để diễn đạt nó. Không có bảng chỉ dẫn. Cũng không cần thứ bảng chỉ dẫn kia ở đó.

Thơ chàng trai Cham này phát lộ thoải mái, tự do. Tự do đến tùy tiện.

Lối nhìn khác đòi hỏi giọng điệu khác. Khác cả với người cùng thế hệ. Các nhà thơ dân tộc thiểu số ở phía Bắc thời hậu Đổi mới, dù không thiếu lối suy nghĩ mới, nhưng thơ vẫn cứ giữ nhịp điệu truyền thống. Hoàng Chiến Thắng là một.

NGÔI NHÀ TÔI (Gọi ngày xuống núi, NXB Hội Nhà văn, 2009)

Từ phía mặt trời

Tôi mang về ngôi nhà màu nắng

Ký ức đêm

Nhức buồn

Từ phía gió

Tôi mang về ngôi nhà sắc gió

Tàn đêm

Từ tôi

Ngôi nhà không cánh cửa

Phía nào

Cũng em

Thi sĩ Cham Tuệ Nguyên (“Những đoạn trích”, Những giấc mơ đa chiều) ở đất Sài Gòn thể hiện khác:

Tôi đi vào con đường không có bảng chỉ dẫn

mỗi lần lầm lạc tôi bắt đầu đánh dấu.

Tôi đang sống cùng thời đại với họ,

nhưng khi họ cứ mải mê dò từng bước để đi thì tôi lại nằm một xó tập bay.

4. Khác biệt từ cách xuất hiện

Trong khi các nhà thơ dân tộc thiểu số ở phía Bắc chỉ xuất hiện trên báo chí chính thống, hay cho ra mắt tập thơ ở các nhà xuất bản có giấy phép của Nhà nước, thì các cây bút Cham đã khác hẳn. In chính thống hay phi chính thống, thơ in giấy hay thơ đăng lên mạng cũng không chừa. Trần Wũ Khang xuất hiện lần đầu qua mạng Talawas, Tienve, sau đó in tác phẩm đầu tay ở nhà xuất bản ngoài luồng: Giấy Vụn. Tuệ Nguyên [cùng Bỉm] còn mở nhà xuất bản Tùy Tiện hoạt động xôm tụ nữa. Sau đó nhà thơ trẻ này ra riêng với nhà xuất bản Ciet, in tác phẩm của các tác giả Cham.

Xuất bản là vậy, cả cách nhập cuộc vào dòng chảy thơ tiếng Việt của Cham cũng rất khác. Không còn tâm thế bó hẹp trong bản sắc hay khép nép bên lề, mà xộc thẳng vào trung tâm diễn đàn chung của cả nước. Như Trần Wũ Khang: mạnh mẽ, tinh nghịch, và phản tỉnh đẫm chất hậu hiện đại.

NỖI NIỀM PHÊ BÌNH (Quà tặng của Quỷ sứ, NXB Giấy Vụn, 2008)

Có lẽ những giọt nước mắt đã khóc vào khẩu hiệu

vào trăn trở của nỗi niềm phê bình

là những giọt nước mắt phim bộ

có lẽ

từ đại hội năm ngoái khóc

sang tập áp cuối

năm nay

khóc chuyền tay như thể đội vận động viên 1000m X 4

có lẽ

vòng đầu ta may mắn hơn

kẻ kế bên – Thái Lan chẳng hạn

hay người chạy ở đường line số 4, 5

Nhật hay Hàn Quốc

vô tư vòng hai

ta yên tâm số một, đinh ninh vô địch

vòng ba ta dồn sức

mồ hôi ta làm nên tất cả

có lẽ là những giọt mồ hôi được làm giả

như mồ hôi trong phòng massage

làm ta đuối sức

cũng có thể ta đã trục trặc khâu nào đó

chỗ đưa-nhận gậy chẳng hạn

ta đổ lỗi cho nhau

đổ qua lại như các bà nhà quê đổ thóc giống ra phơi

vẫn chừng ấy thóc giống cho cả mùa vụ

cho suốt mùa khẩu hiệu

cũng có thể là những hạt thóc đã ẩm, mốc

ta đại hi vọng vòng cuối cùng

có lẽ lại là hi vọng giả

như nước mắt phim bộ

như mồ hôi trong phòng massage.

5. … cho đến thủ pháp thơ

Thủ pháp so sánh chẳng hạn.

Tạm trích Võ Thị Hạnh Thủy (Thế giới nghệ thuật thơ Inrasara, Luận văn Thạc sĩ Ngữ văn, Ngành văn học Việt Nam hiện đại, Viện Văn học, 2008):

Oa oa oa/ mẹ mừng ngây như đá…

Mẹ ngủ/ mẹ ngủ mềm/ ngát như hoa…

(Y Phương, Chín tháng)

Em hãy ngủ như trăng sao ngủ

(Dương Thuấn, “Đêm ngủ nương”)

Con nhỏ theo mặt trời sẽ lớn/ Sẽ chạy chon chon như một chú chồn

(Dương Thuấn, “Lên rẫy”)

Các mẫu vật so sánh trong thơ Y Phương, Dương Thuấn chủ yếu là các mẫu vật tự nhiên, gần gũi với đời sống thiên nhiên núi rừng. Các nhà thơ này đều chung mục đích là tái hiện cuộc sống, tình cảm tâm lí của người vùng cao một cách cụ thể. Các hình tượng thơ biểu cảm ở sắc thái mộc mạc. Ở một góc nhìn nào đó, có thể thấy rằng, Y Phương, Dương Thuấn đã thành công ở việc gợi lên hình bóng xứ sở, gợi lên hình ảnh thiên nhiên và con người miền núi quê hương.

Khác với Y Phương, Dương Thuấn, tư duy duy lí đã đẩy Inrasara tìm đến lối so sánh phức hợp, đa tầng. Vế so sánh được làm rõ, biểu cảm bằng nhiều những phương trình so sánh khác:

Cây xương rồng như nhà sư khất thực theo vết chân gió trái mùa lang thang

Lạc bước qua triền đồi quê tôi để bị chịu cầm tù trong cát…

Như ẩn sĩ cô đơn – yêu thương mà không cần nước mắt

Sẵn lòng cho nụ cười khinh bạc của lùm cỏ dại hay cụm mây hoang

(“Sinh nhật cây xương rồng”, Sinh nhật cây xương rồng, 1997)

Vế so sánh và vế được so sánh lần lượt được mở rộng, đối chiếu với nhau, soi sáng nhau, biểu đạt giá trị của nhau. Lối so sánh này đòi hỏi người viết có khả năng ngôn ngữ phong phú, có nhiều liên tưởng mạnh mẽ, độc đáo, đột xuất với kiểu loại đa dạng. Thơ tự do, với việc mở rộng tối đa hình thức của nó đã giúp Inrasara tạo ra những vế so sánh với cấu trúc toàn vẹn, nhiều tầng bậc hình ảnh, gợi ra cái đa dạng, bề bộn, sinh động vốn có của cuộc đời, khơi dậy cả trầm tích của văn hóa Chăm”.

*

Tôi không nói thơ Jalau Anưk, Trần Wũ Khang, Kiều Maily, Tuệ Nguyên hay hơn hay kém hơn thơ Hữu Tiến, Bùi Tuyết Mai, Y Phương, Dương Thuấn, mà là sự khác biệt. Khác biệt lớn. Ngoài khác biệt qua cách nghĩ, lối nói riêng của các dân tộc, chính khác biệt của những khác biệt ở nhà thơ Cham làm nên sự đa dạng và phong phú của thơ tiếng Việt đương đại. Chúng làm giàu thêm nền văn học đa dân tộc Việt Nam.

Comments are closed.