LỜI DẪN đầu sách CON NGƯỜI ĐIÊU TRÁ

sưu tập tác phẩm Vũ Trọng Phụng
do Lại Nguyên Ân biên soạn
dựa theo tài liệu sưu tầm của Lại Nguyên Ân và Peter Zinoman
2 tập, Nxb. Văn học, Hà Nội, 2018

Lại Nguyên Ân

Cách nay ba chục năm, các sáng tác của nhà văn VŨ TRỌNG PHỤNG (1912-1939), cũng sau ba chục năm (1957-1987) bị cấm đoán một cách vô lý, lại được trở về với công chúng, mà dấu hiệu đầu tiên chính là sự kiện xuất bản bộ Tuyển tập Vũ Trọng Phụng (3 tập, Nguyễn Đăng Mạnh, Trần Hữu Tá biên soạn, Nxb. Văn học, 1987).

Cũng từ đó, tác giả Vũ Trọng Phụng được gia tăng chú ý trong dư luận phê bình nghiên cứu, trong hoạt động xuất bản. Đã có một số hội thảo chuyên đề về tác gia Vũ Trọng Phụng, một số luận án đại học hoặc sau đại học lấy sự nghiệp văn học của nhà văn này làm đối tượng nghiên cứu phân tích. Nhiều tác phẩm của nhà văn này được liên tiếp in lại thành sách riêng, cũng thêm nhiều lần các bộ tuyển tác phẩm của ông được in lại hoặc soạn mới; cạnh đó còn có những sưu tập như CHỐNG NẠNG LÊN ĐƯỜNG (Lại Nguyên Ân sưu tầm biên soạn, Nxb. Hội Nhà Văn, 2000, 2004), VẼ NHỌ BÔI HỀ (Peter Zinoman sưu tầm, Lại Nguyên Ân giới thiệu, Nxb. Hội Nhà Văn, 2000, 2004), công bố thêm các phát hiện về những tác phẩm của nhà văn mà các giới văn học và công chúng còn ít hoặc chưa biết đến.

Tuy vậy, nếu ai đó đặt câu hỏi: chúng ta, bao gồm cả các giới văn học lẫn công chúng, đã có được đủ những dữ liệu cần thiết về các tác phẩm đã công bố của nhà văn này hay chưa, thì câu trả lời chắc chắn là chưa!

Nhìn vào sách in ra, có thể thấy một số tác phẩm của Vũ Trọng Phụng thường xuyên có mặt trên các kệ sách, một số tác phẩm thỉnh thoảng lại được in thêm. Tuy thế, đấy hầu hết là sách in lại. Ngay trong năm 2012 là dịp kỷ niệm 100 năm sinh Vũ Trọng Phụng, cũng không thấy xuất hiện cuốn sưu tập hay nghiên cứu mới nào về tác gia này.

Là người đã từng can dự việc tìm tòi giới thiệu lại di sản văn học Vũ Trọng Phụng từ những năm 1990s, tôi thấy cần làm thêm một số việc.

Còn nhớ, những năm 1990s ấy, các nhà “Phụng học” đàn anh, như Văn Tâm, Nguyễn Đăng Mạnh, Nguyễn Hoành Khung, Hoàng Thiếu Sơn… tại một cuộc họp bàn việc làm toàn tập tác phẩm của nhà văn họ Vũ, đã giao cho tôi phần việc đi tìm những tác phẩm cỡ nhỏ, lẻ, đã từng đăng báo đây đó của nhà văn này. Trong hướng làm việc được giao phó ấy, tôi đã công bố một số sáng tác đầu tay của nhà văn Vũ Trọng Phụng trong sưu tập “Chống nạng lên đường” (2000, 2004) và giúp bạn Peter Zinoman biên soạn đưa in tập “Vẽ nhọ bôi hề” (2000, 2004) như đã kể trên.

Cũng chính trên hướng chú tâm tìm lại các tác phẩm ở dạng các bản đăng báo lần đầu, rồi in sách lần đầu, tôi đã đi tới việc thực nghiệm khảo sát văn bản học, với các công trình “Nghiên cứu văn bản tiểu thuyết “Giông Tố”” (Nxb. Tri Thức, H., 2007), “Nghiên cứu văn bản tiểu thuyết “Số Đỏ”” (Nxb. Văn hóa văn nghệ Tp.HCM., 2017). Từ những khảo nghiệm này, tôi thấy rằng, đối với văn học Việt Nam, chẳng những các tác phẩm viết bằng chữ Hán-Nôm xa xưa mà chính ngay các tác phẩm viết bằng chữ Quốc Ngữ từ trên dưới 100 năm trở lại đây, cũng cần được khảo sát, làm rõ sự biến động của văn bản tác phẩm trong quá trình lưu hành và tái bản, làm cơ sở cho việc bảo tồn các di sản ngôn ngữ văn tự của người Việt nói chung, trong đó có các tác phẩm văn học.

Cũng từ việc đi tìm các tác phẩm đăng báo của tác giả Vũ Trọng Phụng, tôi nhận rõ chỗ thiếu hụt to lớn trong nghiên cứu văn học sử, báo chí sử ở ta lâu nay, do sự hời hợt và chậm chạp trong kiểm đếm, kê cứu tư liệu sách báo.

Trên thực tế, nếu chăm chú nhìn vào từng bài đăng trên các trang báo cuốn sách xuất hiện trong thời gian, người thời sau sẽ cảm nhận được khá rõ từng bước đi trong nghề của mỗi tác giả quá khứ.

Lần theo sự xuất hiện của ngòi bút Vũ Trọng Phụng trong báo chí Việt, ta phải tìm tới những bộ sưu tập hiện còn của các tờ “Phụ nữ tân văn”, “Hà thành Ngọ báo”, “Nhật tân”, “Loa”, “Hải Phòng tuần báo”, “Tân thiếu niên”, “Tiến hóa”, “Công dân”, “Hà Nội báo”, “Tương lai”, “Đông Dương tạp chí”, “Tiểu thuyết thứ Ba”, “Tiểu thuyết thứ Năm”, “Thời vụ”, “Tao đàn”, “Tiểu thuyết thứ Bảy”, v.v. Tiếc rằng trong số này, không ít tên báo đã trở nên quá hiếm hoi, thậm chí không còn thấy dấu tích bộ sưu tập nào, ngay tại những trung tâm lưu trữ lớn trong nước. Các bản sách in lần đầu của các tác phẩm, tưởng là khó mất hơn, song cũng không phải dễ tìm kiếm.

Hiện tại, ngay những cuốn phác thảo lịch sử báo chí Việt Nam, lịch sử xuất bản Việt Nam, vẫn còn khá hiếm; trong khi đó, người ta đã cần đến những thứ còn phải cụ thể và chi tiết hơn nữa: lịch sử từng tờ báo, danh mục tác giả, danh mục bài vở trên từng tờ báo… Một vài công trình thống kê xung quanh một vài tờ như “Nam phong”, “Tri tân” vẫn là quá ít. Thiếu những kê cứu cụ thể như vậy, mọi tìm tòi về các tác giả, tác phẩm đều thiếu chỗ dựa, đành phải mò mẫm, trông đợi ngẫu nhiên, ăn may…

Những tìm kiếm các bài viết nhỏ lẻ từng đăng báo của Vũ Trọng Phụng mà tôi thực hiện, từ những năm 2000 đến nay, tuy ít nhiều có dấu hiệu khả quan, song vẫn còn những thiếu hụt khó vượt qua. Dù vậy, tôi thấy vẫn nên làm thành một sưu tập, lưu lại những kết quả tìm kiếm, tính đến hôm nay.

Ta thấy rõ: những tác phẩm của Vũ Trọng Phụng đã từng ít nhất một lần được in thành sách riêng, dù sớm hay muộn, như các tiểu thuyết “Dứt tình”, “Giông tố”, “Số đỏ”, “Vỡ đê”, “Làm đĩ”, “Lấy nhau vì tình”, “Trúng số độc đắc”, các phóng sự “Cạm bẫy người”, “Kỹ nghệ lấy Tây”, “Cơm thầy cơm cô”, “Lục sì”, vở kịch “Không một tiếng vang”, dịch phẩm “Giết mẹ”, — hiện nay là những tác phẩm đã tương đối dễ tìm, tại các hiệu sách và các thư viện, các trung tâm lưu trữ.

Thế nhưng, một loạt những tác phẩm cỡ nhỏ hoặc những tác phẩm từng bị dở dang khi đang đăng tải, hiện đều ở tình trạng khó tìm, vả lại chưa hề được sưu tầm sắp xếp đầy đủ.
Sưu tập mà tôi thực hiện tại đây nhắm tới những tác phẩm loại đó.
Lấy tên một trong những truyện ngắn Vũ Trọng Phụng viết ngay lúc mới vào nghề văn, CON NGƯỜI ĐIÊU TRÁ, làm nhan đề chung, sưu tập này gồm các phần chính như sau.

1/ CHÙM TÁC PHẨM ĐẦU TAY
Đến nay đã rõ, Vũ Trọng Phụng được đăng báo sớm nhất là hai bài ca “Người đi”, “Kẻ ở” trên tờ “Phụ nữ tân văn” ở Sài Gòn, 1930. Tiếp đó là loạt bài đăng trên tờ “Hà thành Ngọ báo”, 1930-1932, gồm các bài viết trong các thể tài truyện ngắn, kịch ngắn, tiểu luận. Ngoài việc ký bằng họ tên thật Vũ Trọng Phụng, ông còn dùng bút danh Phụng Hoàng, chủ yếu cho những bài dịch thuật hoặc phóng tác các tác phẩm nước ngoài, chủ yếu là từ nguồn văn học Pháp; và nhà văn mà cây bút trẻ này ngưỡng mộ văn phong chính là G. de Maupassant (1850-1893).

Ngay sau truyện ngắn “Con người điêu trá”, diễn đạt tuyệt hay cái mà giới xã hội học thời nay gọi là đặc tính ẩn danh của con người đô thị, chùm tác phẩm đầu tay của Vũ Trọng Phụng đột nhiên ngừng lại. Tác giả trẻ này vô tình có bài đăng ấn phẩm “Tiếng chuông” bị cáo giác là in không giấy phép và có nội dung “làm bại hoại phong hóa”; người xuất bản ấn phẩm ấy bị phạt, Vũ Trọng Phụng bị gọi ra làm chứng và được quan tòa tha bổng.
Sự việc kể trên có thể là lý do khiến cây bút trẻ này chuyển sang dùng bút danh Thiên Hư, từ giữa năm 1933, để viết phóng sự “Cạm bẫy người” và các tác phẩm nhỏ lẻ khác, đăng các tờ “Nhật tân”, “Hải Phòng tuần báo”, “Loa”, rồi những năm sau, 1934-36, tham gia nhóm của Lê Tràng Kiều, viết cho các tờ “Tân thiếu niên”, “Tiến hóa”, “Hà Nội báo”.
Ngoài chùm bài đăng liên tục, từ “Kẻ ở”, “Người đi” (1930) đến “Con người điêu trá” (1932), người biên soạn đưa thêm vào phần này một loạt các tác phẩm cỡ nhỏ hoặc phóng sự dài đăng dở dang khác, tính đến 1935.

2/ TRUYỆN NGẮN
Đây là mảng tác phẩm tương đối phân tán, do được viết và đăng rải rác ở nhiều tờ báo khác nhau, đương thời ít được nhắc đến. Khi Vũ Trọng Phụng mất (13.10.1939), tòa soạn tạp chí “Tao đàn”, số đặc biệt về nhà văn này, có đưa ra một danh mục 15 tác phẩm chính của ông, trong số đó có “Cái ghen đàn ông” là tên một tập truyện ngắn, có lẽ tác giả có ý định tập hợp bản thảo và có nói với đồng nghiệp về ý định này chứ chưa hề có bản thảo nằm tại một nhà xuất bản nào. Trên thực tế, mãi đến năm 1988 mới xuất hiện cuốn sách mang cái tên như trên (“Cái ghen đàn ông”, Nxb. Văn học, 1988), tập hợp một số tác phẩm truyện ngắn của nhà văn này; tiếp đó là cuốn “Truyện ngắn Vũ Trọng Phụng” (Nxb. Hội nhà văn, 1996, 1997, 1999) với nỗ lực tìm kiếm và tập hợp của nhà nghiên cứu Lê Thị Đức Hạnh; đây là sưu tập được rất nhiều cơ sở xuất bản in lại, kể từ năm 2000 cho đến gần đây.

Phải nói rằng nếu vận dụng cách hiểu hợp lý về tác phẩm thuộc thể tài này thì phần lớn những bài đăng sớm của Vũ Trọng Phụng đều là truyện ngắn. Tất nhiên, để thấy rõ tất cả những nét bút của tác giả trẻ thể hiện trong chùm tác phẩm đầu tay, người biên soạn đã đặt những tác phẩm ấy vào mảng viết kể trên, và không đưa lại vào phần truyện ngắn này.

Được đưa vào đây chỉ là mạch truyện ngắn từ “Quyền làm bố” (1933) đến “Từ lý thuyết đến thực hành” (1939).

Nhân đây cũng xin nêu ý kiến riêng đối với 3 tác phẩm lâu nay vẫn được các nhà biên khảo đưa vào truyện ngắn Vũ Trọng Phụng; đó là các đoạn văn nhan đề “Bắt vích”, “Ăn mừng”, “Đoạn tuyệt”, từng được thông báo là di cảo của Vũ Trọng Phụng và đăng tải lần đầu trên tạp chí “Tao đàn”, số đặc biệt về Vũ Trọng Phụng (lớp mới, s. 1, tháng 12/1939). Theo sự tìm hiểu của tôi, đây chính là các đoạn văn trích từ bản thảo tiểu thuyết “Người tù được tha” mà tác giả Vũ Trọng Phụng đang viết dở dang; bản thảo tác phẩm này được bạn bè ông đem trích in như trên trong số tạp chí “Tao đàn” tưởng niệm ông ngay sau khi ông mất. Như vậy, không thể vì đã từng thấy chúng từng xuất hiện một cách độc lập với nhau trên tạp chí “Tao đàn” 1939 mà coi đây là ba truyện ngắn riêng rẽ của Vũ Trọng Phụng.
Người nghiên cứu và cả bạn đọc có quan tâm, có thể thấy các đoạn văn này, trong mạch văn một số chương của truyện dài “Người tù được tha”, bản đăng báo 17 kỳ, 4 chương trên “Tiểu thuyết thứ Bảy”, lớp mới, từ 8/5 đến 25/8/1945; sau này trong bộ “Tuyển tập Vũ Trọng Phụng” (1987) các soạn giả cũng đưa tác phẩm này vào ngay tập I (tr. 119-163), tuy chỉ mới có 2 chương đầu.

Tóm lại, ta có đủ lý do để không thể tiếp tục xem 3 đoạn văn kể trên là 3 truyện ngắn độc lập của Vũ Trọng Phụng.

Cũng xét về thể tài thì các tác phẩm “Cái chết bí mật của người trúng số độc đắc”, “Hội nghị đùa nhả” đều là truyện ngắn, tuy tác giả đã đưa nhiều yếu tố đối thoại của kịch vào tác phẩm.

Ở sưu tập này, tôi cũng đưa đồng thời vào đây các dạng thức dị bản của cùng một truyện, như “Tình là dây oan” (1934) và “Một con chó hay chim chuột” (1937), “Anh em họ” (1935) và “Lòng tự ái” (1937), “Quyền làm bố” (1933) và “Người có quyền” (1937). Thiết nghĩ, mức độ chênh lệch và tương đồng giữa các dị bản sẽ cho thấy: việc khẳng định mỗi trường hợp là hai dị bản cùng một tác phẩm, hay là hai tác phẩm tách biệt nhưng có độ tương đồng – là việc không hề dễ để tỏ thái độ dứt khoát, nếu người nghiên cứu hiểu rõ tính chất động chứ không tĩnh của văn bản văn học.

3/ VĂN NGHỊ LUẬN
Tác giả Vũ Trọng Phụng viết trong thể luận ngay đầu đời văn, ấy là bài về chấn hưng nghề diễn kịch, là các bài dịch về kịch lãng mạn, về lối văn tả chân… Vào hẳn nghề văn, ông dành thời gian và công sức cho các tác phẩm phóng sự, tiểu thuyết, nhưng không quên thể luận. Khi đáp trả những chất vấn về văn chương, ông dùng các thể tiểu luận, bút chiến; nhưng khi phải thực sự làm công việc nhà báo, ông cũng viết các bài chính luận trên các đề tài thời sự xã hội, chính trị, văn hóa. Đọc các bài văn chính luận của Vũ Trọng Phụng trên “Đông Dương tạp chí” chẳng hạn, người ta sẽ thấy thực ra lối văn này của ông cũng chẳng xa lạ gì với lối viết phóng sự của chính ông, nhất là loại phóng sự nhắm tới các vấn đề (hơn là tới những hiện trạng sự việc) dạng như “Lục sì”.

Còn nhớ, khi tôi thực hiện việc biên tập bộ sách mang tên “Toàn tập Vũ Trọng Phụng” (5 tập, Nxb. Hội nhà văn, 1999) do nhà phê bình Nguyễn Đăng Mạnh chủ trì, tôi chỉ nhận được chừng 7 bài cho phần “tiểu luận, tạp văn”. Qua nhiều tìm kiếm khác nhau, ở sưu tập này đã tập hợp được gần 30 bài nghị luận của nhà văn này. Tiếc là vẫn còn chưa tìm được văn bản một số bài viết khác nữa, trên các tờ như tuần báo “Công dân” (1935-1936), hoặc “Tiểu thuyết thứ Năm”, “Tiểu thuyết thứ Bảy”, v.v.

4/ TẠP VĂN
Ta thấy rõ, ban đầu Vũ Trọng Phụng chỉ là người gửi bài tới các tờ báo. Nhưng vài ba năm sau, khi đã là tay bút quen mặt trong làng báo, có lúc ông can dự công việc các tòa soạn, phải viết những bài ngắn, điểm tin tức, điểm dư luận. Rõ nhất là thời gian Vũ Trọng Phụng tham gia nhóm của Lê Tràng Kiều, phải đối đáp với những chất vấn, những đả kích từ các nhóm cạnh tranh khác, như nhóm chủ trương “nghệ thuật vị nhân sinh”, hoặc nhóm Tự Lực. Sự thắng lợi của Mặt trận Bình dân đưa tới việc thành lập chính phủ Bình dân ở Pháp khiến dư luận xã hội ở Đông Dương trở nên sôi nổi. Vốn có cảm tình với xu hướng cánh tả, Vũ Trọng Phụng càng hăng hái góp tiếng nói cổ vũ phong trào Đông Dương đại hội, nồng nhiệt chào đón đại biểu Mặt trận Bình dân Justin Godard sang điều tra tình trạng lao động ở các thuộc địa Pháp ở châu Á, trong đó có Đông Dương. Tạp văn trong tay Vũ Trọng Phụng khi đó rất dễ chuyển thành văn nghị luận, thậm chí chính luận!

Số trang tạp văn của Vũ Trọng Phụng không nhiều, nhưng đây là mảng viết có thể cho người đọc thấy rõ hơn về nhận thức và thái độ xã hội chính trị của nhà văn, là điều mà dư luận hậu thế, nhất là những năm 1957-1987 ở miền Bắc, thường rơi vào cực đoan, nhân được biết một vài dữ liệu đơn lẻ đã vội vã đưa ra thái độ kỳ thị, cấm đoán vô lý, vốn không phải là cách ứng xử thích đáng đối với di sản văn nghệ. Chính sự kỳ thị ấy khiến những tạp văn Vũ Trọng Phụng từng viết mà nay ta còn tìm lại được, trở nên một thứ dữ liệu thậm chí cần thiết hơn mức thông thường ở một tác gia văn học.

5/ TIỂU THUYẾT “QÚY PHÁI”, những phần còn tìm được

Trong số những truyện dài của Vũ Trọng Phụng mà giới văn nghệ biết tên, có 2 tác phẩm về sau ngày càng mờ mịt: “Quý phái” và “Người tù được tha”.

“Người tù được tha” chưa hề được công bố trong sinh thời tác giả; chỉ khi ông vừa qua đời, trong một số báo tưởng niệm ông, tờ tạp chí “Tao đàn” của nhà Tân Dân mới thông tin có một di cảo của nhà văn mang tên ấy, nhân đó công bố vài đoạn trích (“Bắt vích”, “Ăn mừng”, “Đoạn tuyệt”).

Thật ra, ngay khi Vũ Trọng Phụng lâm bệnh thì một truyện dài khác của ông là “Trúng số độc đắc” cũng đang đăng đều kỳ trên tuần san “Tiểu thuyết thứ Bảy”, và sẽ còn đăng liên tục sang đến đầu năm 1940 mới hết; phần đăng sau ngày tác giả mất đó, về nguyên tắc, cũng cần xem như di cảo. Điều đáng quan tâm là tác phẩm này tuy sẽ được in thành sách riêng khá muộn, nhưng vì tờ tuần báo đăng tải nó lại được khá nhiều người lưu giữ, nên rốt cuộc không khó khăn gì để nó được in thành sách riêng (“Trúng số độc đắc”, Hoàng Thiếu Sơn giới thiệu và chú thích, Nxb. Văn học, H., 1990).

“Người tù được tha” thì bản thảo có lẽ được giữ tại nhà Tân Dân, cho nên, khi “Tiểu thuyết thứ Bảy” đổi thể tài, cho ra mắt “Tiểu thuyết thứ Bảy, lớp mới”, từ ngày 5.5.1945 (số 1), tuần san mới này đã đăng đều kỳ truyện dài “Người tù được tha”. Tính đến số cuối cùng của série này (s. 17, ngày 25.8.1945), di cảo kể trên của nhà văn Vũ Trọng Phụng đã đăng tới đoạn đầu chương 4; không rõ bản thảo chưa đăng ra sao, chỉ biết rằng đây là tác phẩm chưa hoàn thành.

Trường hợp “Quý phái”, nó từng được tác giả đưa đăng báo hai lần, cả hai lần đều bỏ dở, nhưng sau đó không thấy đăng tiếp, mặc dù liền đó tác giả vừa viết báo vừa viết tiếp những truyện dài khác. Phần vì “Quý phái” không được đưa in thành sách riêng, phần vì hai tờ báo từng đăng tải tác phẩm này (“Đông Dương tạp chí”, “Tiểu thuyết thứ Năm”) về sau đều mất mát nặng nề, trở thành những tài liệu hiếm hoi, nên dấu tích tác phẩm mờ dần, ngay trong tầm nhìn của giới nghiên cứu.

Việc tìm lại được một số phần của truyện dài “Quý phái” do nỗ lực của nhà thơ Anh Chi và của tôi. Quá trình tìm lại những mảnh vụn còn sót lại của một tác phẩm đã từng có mặt trên đời cho chúng tôi thấy rằng tiếp cận lịch sử báo chí, lịch sử xuất bản trong tính cụ thể tư liệu của chúng là một yêu cầu nghiêm túc mà mọi nghiên cứu văn học sử đều không nên bỏ qua.

6/ THỐNG KÊ VIỆC CÔNG BỐ TÁC PHẨM VŨ TRỌNG PHỤNG

Ở các nền học thuật phát triển bình thường và cân đối, việc nghiên cứu một tác giả không chỉ bao gồm công việc phân tích nhận định các mặt ý nghĩa, giá trị chứa đựng trong các sáng tác của tác giả ấy mà còn — và cần phải bắt đầu từ — việc liệt kê càng gần mức đầy đủ càng tốt các sáng tác của tác giả ấy, nếu không thể kê cứu được các tác phẩm từ nguồn bản thảo thì ít nhất cũng ghi nhận được tiến trình xuất hiện của tác giả ấy trong một cộng đồng văn học, tức là ghi nhận hoạt động công bố tác phẩm của tác giả ấy ra trước cộng đồng văn học quen thuộc của anh ta.

Thử hỏi, tại một cộng đồng văn học, công chúng và giới phê bình sẽ hình dung ra sao về một tác giả từ không đến có nếu không phải là thông qua các dấu hiệu cơ bản như: anh ta trình diện bằng tác phẩm đầu tay, tiếp đó công bố thêm dần dần những tác phẩm khác, với những đặc tính sáng tạo thể hiện trong đó, anh ta sẽ khiến cộng đồng văn học ghi nhớ như một tác giả với những đặc sắc riêng đã được ghi nhận, đánh dấu?

Vậy công việc thứ nhất của người nghiên cứu là tìm lại, ghi lại các dấu tích của bước đường tham dự cộng đồng văn học mà tác giả ấy để lại trên các loại ấn phẩm sách báo.

Ở một xứ sở dân nghèo như ở ta, sẽ là hơi xa xỉ nếu đòi hỏi phải tìm được bản thảo (bản viết tay) của những tác phẩm các nhà văn viết ra in ra từ dăm bảy chục năm trước. Nhưng là hoàn toàn hợp lý việc yêu cầu tìm lại dấu vết việc công bố tác phẩm trên những ấn phẩm có số lượng in ít ra cũng chừng 1000 bản, lại phải tuân thủ luật lưu chiểu (mới chỉ áp dụng ở Việt Nam từ 1922).

Tôi biết, vẫn có người muốn rêu rao rằng loại công việc kể trên chỉ là việc của nhân viên thống kê thư tịch, không xứng với tư cách nhà nghiên cứu!

Bỏ qua những định kiến tương tự, tôi đã thử làm công việc thống kê trong khu vực báo chương sách vở, và thấy thật là dại dột nếu người ta bỏ qua công việc ấy, cái công việc mà rốt cuộc nó cho ta một trải nghiệm hiếm hoi, một khả năng miêu tả, tái dựng (hoặc tân tạo một ảo ảnh ngày một hoàn bị) một con người làm văn, các bước đi của anh ta, những vấp váp và thành công của anh ta trên đường sự nghiệp.

Kết quả sự thống kê nói trên, người ta có thể gọi là “thư mục”, song tôi sẽ giữ nguyên để nhấn mạnh tên gọi “thống kê”. Thống kê này, về việc công bố dưới dạng bài đăng báo hoặc sách in, khi sắp xếp theo trật tự thời gian, về lâu dài sẽ gợi ý cho một thứ niên biểu, tiểu sử sáng tác, tuy còn thiếu khá nhiều dữ liệu khác nữa.

Bản thống kê việc công bố tác phẩm của Vũ Trọng Phụng được thực hiện từ năm 2001, thường xuyên được bổ sung do những tìm kiếm mới khi có thêm tư liệu mới. Tiếc rằng một vài dữ kiện đã không được kiểm định tận nơi, đành ghi lại kết quả gián tiếp từ thông tin trong các sách hoặc bài báo của các tác giả khác (ví dụ những tác phẩm của Vũ Trọng Phụng trên tờ “Công dân”). Hy vọng bản thống kê này sẽ được nhận xét, bổ sung để được hoàn bị hơn nữa.

Nhân biên soạn để xuất bản cuốn CON NGƯỜI ĐIÊU TRÁ, sưu tập những tác phẩm nhỏ lẻ, dở dang nữa, của nhà văn Vũ Trọng Phụng, tôi mong sẽ giúp thêm tài liệu cho những ai quan tâm đến việc thưởng thức, tìm hiểu các dạng văn phẩm khác nhau của nhà văn Vũ Trọng Phụng. Hơn thế, từ công việc thực hiện trên di sản của một tác giả, tôi cũng muốn gợi ý các đồng nghiệp thực hiện loại công việc tương tự về nhiều tác gia văn học khác của văn chương Việt Nam.

Hà Nội, ngày 8/11/2016
LẠI NGUYÊN ÂN

Comments are closed.