Phan Nhiên Hạo và Chế tạo thơ ca

Lê Hồ Quang

Image result for Phan Nhiên Hạo và Chế tạo thơ ca

Cái tên tập thơ rất khiêu khích: Chế tạo thơ ca [*]. Thơ có thể “chế tạo” được ư? Phan Nhiên Hạo đã chế tạo thơ như thế nào? Đâu là những “kỹ thuật” mà tác giả đã dùng để chế tạo thơ mình? Liệu có thể xem những sản phẩm được chế tạo thuần kỹ thuật là thơ không?

Ta hãy lần lượt thử trả lời những câu hỏi trên.

Tập thơ được chia làm hai phần. Tác giả sử dụng chủ yếu thể thơ tự do và thơ văn xuôi. Một số bài sử dụng nguồn là các văn bản thuộc loại hình khác (bài báo, bài nghiên cứu…) và “chế” lại dưới hình thức thơ (Hà Nội 1, Hà Nội 2, Sau Cái Chết Xấu, Thư Nguyễn Quốc Chánh, Ẩm Thực Ở Một Làng Quê…). Được đặt trong phần 2, đây là loạt bài thể hiện khá tập trung ý tưởng “chế tạo” thơ ca của tác giả. Tuy nhiên, sự phân chia này chỉ mang tính tương đối và cũng không thực cần thiết. Bài Chế Tạo Thơ Ca nằm cuối tập, là một sự chốt hạ có chủ ý. Ở bài này ta sẽ thấy tuyên ngôn bán chính thức của nhà thơ về vấn đề đã nêu trên. Tôi gọi “bán chính thức” bởi nó được thể hiện dưới dạng thơ và bằng giọng điệu giễu cợt không khó nhận ra. Người ta “chế tạo thơ ca” đơn giản chỉ bởi vì “một buổi chiều không có việc gì để làm”. Nó có đủ các vật liệu, từ vật chất: “mười sáu con ốc, hai tấm kim loại, bốn bánh xe”; đến tinh thần: “hỗn hợp của xung đột, hy vọng, tình yêu và sự vô ích”. Sức mạnh của thứ thơ ca được chế tạo từ hỗn hợp này thật khủng khiếp: “Đủ sức chạy từ Mỹ sang Tàu trong một đường hầm/ tối om xuyên tâm trái đất”.

Những mô tả vắn tắt trên đủ cho thấy cái nhìn châm biếm của tác giả về công việc làm thơ. Qua cái nhìn này, làm thơ đơn giản chỉ là việc… làm thơ. Nó là sự phản đối hài hước nhưng mạnh mẽ đối với một số quan niệm khá phổ biến trước đó, chẳng hạn, đề cao thơ ca thái quá (do vô ý hoặc cố tình, vì những mục đích ngoài thơ), thiêng hóa, thậm chí thần bí hóa thơ, gán cho nó những ý nghĩa ngoại thân hoa mĩ hoặc những trách nhiệm to tát nhưng trống rỗng. Dĩ nhiên việc cho rằng thơ ra đời khi người ta không có việc gì làm (chỉ để lấp chỗ trống), hoặc xem thơ là “vô ích”, hoặc gọi sức mạnh của thơ chỉ là kết quả ngẫu nhiên của phản ứng thân xác thuần túy, v.v., rất dễ gây phản đối. Thực chất, đấy là một cách nói gây shock cố ý, nhằm khiến độc giả quan tâm tới vấn đề đang được bàn tới, tức thái độ, quan niệm cần có đối với thơ và việc làm thơ. Rõ ràng, ở đây tác giả đang tập trung vào việc đề xuất quan điểm mà theo anh, là hợp lý và cần thiết, hơn là chú ý tới việc trình bày quan niệm có tính hệ thống, đầy đủ. Cần phải có một thái độ, quan niệm tỉnh táo, khách quan hơn đối với việc làm thơ, và rộng ra, đối với hoạt động có tên gọi sáng tạo nghệ thuật, trong bối cảnh đương đại  – đây là thông điệp nghiêm túc của tác giả, đằng sau giọng điệu giễu cợt, châm biếm. Giọng giễu cợt này giúp Phan Nhiên Hạo tránh được thái độ trầm trọng hóa vấn đề, điều mà có vẻ tác giả này khá “dị ứng”, nhưng rất dễ sa vào khi có xu hướng “lập thuyết”.

Tính kỹ thuật (hiểu theo nghĩa là những tìm tòi, sáng tạo trong hình thức, biện pháp, lối viết) thể hiện trong thơ Phan Nhiên Hạo khá rõ. Từ tập Chế tạo thơ ca, tôi tạm khái lược mấy điểm sau đây:

– Phát huy tối đa sức mạnh của trí tưởng tượng, sử dụng nhiều yếu tố, chi tiết giả tưởng, siêu thực; các hình ảnh, hình tượng chỉ tồn tại trong giấc mơ, ảo giác, huyễn tưởng…; gây hiệu ứng mạnh về mặt hình ảnh.

– Sử dụng thường xuyên thủ pháp giễu nhại; thủ pháp cắt dán; thủ pháp tương phản, đối lập…  Chúng tạo nên một thế giới thơ đầy bất ngờ, gây kinh ngạc, pha trộn giữa thực/ hư, có lý/ phi lý, nên thơ/ suồng sã, nghiêm trọng/ hài hước…

– Phá bỏ trật tự tuyến tính của câu thơ, tạo sự đứt đoạn, phân mảnh, phi logic thường xuyên trên bề mặt văn bản;

– Trong một số bài thơ, trọng tâm thường dồn vào một, hai dòng cuối bài, tạo nên cấu tứ khá chặt chẽ, dù số lượng câu chữ cả bài nhìn chung khá dài.

– Phá vỡ kiểu trữ tình cổ điển bằng lối trữ tình – tự sự; giảm thiểu tối đa việc giãi bày xúc cảm, gia tăng yếu tố kể, tả, đặc biệt về “Những chi tiết không đáng kể” (tên của một bài trong tập); giọng điệu từ tốn, thản nhiên, phớt tỉnh, pha châm biếm, giễu cợt…

Tôi muốn đi vào một số phân tích cụ thể hơn. Về khả năng đánh thức trí tưởng tượng, với tôi, có lẽ ấn tượng nhất là Trong Những Chiếc Tàu Ngầm. Đặc biệt ở những hình ảnh này:

Có lần tôi đã ở chỗ đường xích đạo

Cố gắng cắt trái đất làm đôi dọc theo đường đánh dấu

Nhưng có người giữ tay tôi lại và bảo:

“Nếu bạn làm thế, nước sẽ rơi ra ngoài khoảng không

Và rồi con tàu của chúng ta,

Sẽ chẳng còn nơi nào để lặn.

Với tôi, trong những câu thơ ấy, thế giới đã được vẽ lại theo cách khác, hoàn toàn bất ngờ.[1]

Tác giả này thường tạo lập các tương quan liên hệ, suy tưởng bằng cách đặt những sự việc, hình ảnh xa lạ, khác biệt cạnh nhau và chỉ nhờ vào áp lực hệ thống mới có thể nhận ra mối liên hệ giữa chúng. Ví dụ trong hai dòng kết thúc của Bài Mùa Thu:

Khi còn bé tôi đã nhổ nước bọt vào bàn tay ngửa ra của một người mù

Bây giờ tôi phải làm gì trong mùa thu?

Với kết thúc này, ta buộc phải lần ngược trở lại phần đầu bài thơ. Cái tên Bài Mùa Thu rất dễ gợi liên tưởng đến cảm hứng lãng mạn quen thuộc. Tuy nhiên, như tác giả đã nói trong câu đầu tiên, “Như chiếc nón lật ngửa dưới nắng và sự vô dụng của một vật thể ở sai vị trí”, xuyên suốt bài thơ là nhận thức về “sự vô vọng của các kết hợp”, là cảm giác về sự phi lí, bất ổn thống trị trong đời sống cá nhân cũng như sự vận hành của thế giới: chiếc nón lật ngửa dưới nắng/ tôi không giống chính tôi trong những bức ảnh cũ/ buổi hòa nhạc ngoài trời không có ai nghe/  những người anh em không cùng tín ngưỡng/ một người nằm dài dưới gốc cây, với quả lựu đạn trong túi quần… Giữa chuỗi chi tiết kể, tả trong phần mở đầu (đôi khi có vẻ vụn vặt và rời rạc) và câu hỏi kết thúc là một khoảng trống lớn, vắng lạnh. Nhiều chi tiết mô tả đột ngột, như ngẫu nhiên, vụt hiện, đem lại những cảm giác trái ngược: khi suồng sã, lúc mơ mộng, lúc sắc lạnh khinh bạc, khi nặng trĩu ẩn ức đau đớn. Sự đứt mạch ấy chắc chắn gây không ít khó khăn trong tiếp nhận của độc giả. 

Với một số đặc điểm kể trên, Bài Mùa Thu quả là một phản-thơ-thu truyền thống. Dưới áp lực hệ thống, ta sẽ thấy rõ câu hỏi trong phần kết bài hoàn toàn không vu vơ. Nó cũng không chỉ nhằm đến một hành vi cụ thể. Vấn đề là người ta đã từng hành động sai trái/ tàn ác/ đểu giả/ bất nhân và bây giờ điều đó có được phép/ nên tiếp tục? Cả một hệ thống lỗi, bắt đầu từ khâu vận hành đầu tiên, liệu điều này có phải đã được báo trước trong cách hành xử nhẫn tâm khi “tôi” là một đứa trẻ và trở thành tất yếu khi đã là một người “nhập cư già mặc quần áo cũ/ lạc lõng và phiền trách các đổi thay”? Giữa hai dòng thơ là trùng trùng biến động về thời gian, không gian và trải nghiệm cá nhân (và ta cũng nhận ra ở đó dấu vết của một thời kỳ lịch sử, chính trị – xã hội đầy biến động). Chính khoảng cách đó (được tạo ra bởi sự gắn kết giữa hai hình ảnh quá đối nghịch về tính chất) khiến bài thơ kết thúc trong sự hoang mang, giằng xé, cảm giác vô phương hướng và bi kịch.

Thơ Phan Nhiên Hạo là nỗi băn khoăn thường trực về sự tồn tại của nhân tính trong thế giới nhân tạo hiện đại. Thơ anh không từ chối những vấn đề của thời cuộc, ngược lại, chủ đề thời cuộc luôn song hành với sự ưu tư về thân phận “lưu vong” của hiện hữu người. Cái tôi trong Chế tạo thơ ca đầy cô độc và bơ vơ. Không tìm thấy mình trên mảnh đất xứ người, đã đành, anh ta cũng không tìm thấy chỗ đứng của mình trên chính mảnh đất của quê hương. Ám ảnh về sự lạc lõng, trôi dạt, bất ổn, bất định, chờ đợi điều mãi mãi không bao giờ tới, anh ta bước đi/ ngồi/ đứng/ nhớ/ đọc/ nhìn… trên mặt đất nhưng không nhìn thấy/ cảm thấy gì, ngoài một đời sống “thiên đường chuông giấy” đến “thiên đàng bằng nhựa” (ý của Inrasara [2]), với ruồi, rác thải, nhựa, đồ nhân tạo. Tất cả chỉ là một thực thể trống rỗng, vô hồn, chiếu ứng tự cái nhìn trống rỗng bên trong:

Tôi đọc hết mục rao vặt, tôi ăn hết ổ bánh mi

tôi nhìn hai con chó vật nhau trên thảm cỏ

rồi tôi kêu những tiếng cao và ngắn

của loại chim cánh cụt

một ngày mùa hè đẹp trời ở Santa Monica

                                       (Di Cư Mùa Hè)

Thơ Phan Nhiên Hạo thường kết hợp giữa kể, tả với nhận xét ngắn, thản nhiên, thoáng nét châm biếm. “Tôi” được mô tả chủ yếu qua hành động, phần nhiều đơn giản, mang tính thói quen, đôi khi vô hồn như thể một hình nhân bằng nhựa dẻo: tôi đi, tôi đứng, tôi nhìn, tôi ngồi, tôi ngủ, tôi đọc, tôi xem phim, tôi chạm, tôi mỉm cười, tôi đẩy cửa, tôi soi…  Hành động nào cũng đẩy anh ta đến nghiệm sinh cô độc:

Tôi đi xe điện mạ đồng băng qua những tên người đã chết

Băng qua những ngã tư đường chán chường mồ hôi nách của nhau

Đi về phía biển

Nơi một con còng trên bờ đang chạy thi với bóng của chính nó

                             (Xe Điện Mạ Đồng)

Cảm giác sống của con người chỉ thực sự được đánh thức bằng những chi tiết đời sống nhỏ bé, “không đáng kể”, đôi khi trần trụi, thô giản: “Tôi thức dậy hai lần giữa đêm, một lần đi tiểu và một lần đứng ngắm/ Những vì sao trên trời”.  Chúng được cảm nhận chủ yếu qua thị giác, thính giác, xúc giác, “giữa cần câu, giẻ rách, và các câu chuyện ướp muối giản dị hơi đượm mùi tự kỷ”.

Chế tạo thơ ca có những bài thực sự gây ấn tượng (Trong Những Chiếc Tàu Ngầm, Ở Nhà Một Người Câu Cá, 1858, Tấm Ảnh Những Năm 60, Khai Quật… ). Không hiếm những đoạn hay, gợi cảm giác và trí nghĩ. Và những rung động sâu.

Bây giờ, hãy trở lại vấn đề “chế tạo thơ ca” mà tác giả đã đặt ra. Thơ có cần kỹ thuật không? Đương nhiên là cần, thậm chí còn phải là kỹ thuật cao tay. Bằng cách đưa ra những ví dụ “chế tạo thơ ca” cụ thể, sinh động, trình bày chúng trong quá trình hình thành, Phan Nhiên Hạo cho người ta thấy rõ hơn tầm quan trọng của phương diện kỹ thuật, từng bị xem chỉ là yếu tố phụ trợ trong thơ, bên cạnh tư tưởng, xúc cảm. Chẳng hạn, các thao tác chuyển đổi từ hình thức của văn bản khoa học sang hình thức thơ như ngắt dòng, tạo khoảng trắng trên văn bản, nén chữ – giãn chữ, in đậm chữ, v.v.; công khai đường dẫn đến các văn bản, tài liệu nguồn đã được sử dụng dưới dạng vật liệu thô trong quá trình tái chế/ chế tác thơ ca; hoặc, sử dụng kỹ thuật cắt dán, lắp ghép, chuyển cảnh, quay chậm trong hội họa, điện ảnh… Quá trình làm thơ, qua cách nhìn và mô tả của Phan Nhiên Hạo, đã bị “lột trần” mớ xống áo huyền thoại bí mật vốn có, trở thành một hoạt động chế tác kiểu công nghệ. Những bí ẩn của nó, được giấu kín trong phòng tối bấy lâu, đã bị “phơi sáng” hoàn toàn qua cách trình bày hết sức tường minh, mạch lạc này. Nó trở thành một dây chuyền sản xuất, không hơn, với vật liệu đầu vào – quá trình chế tác – sản phẩm đầu ra. Quả thực, xét cả về ý tưởng lẫn cách trình bày đều hết sức độc đáo và thú vị!

Nhưng vấn đề cũng nằm chính chỗ ấy. Cũng giống như khi đứa con được thụ thai vào lòng mẹ, khi nào và ở đâu thì trong thân xác ấy xuất hiện linh hồn? Khi nào và ở đâu, cái linh hồn thi ca sẽ xuất hiện và biến cái văn bản báo chí/ khoa học này thành một “bài thơ”? Làm thơ không phải là chế tạo kiểu công nghệ robot. Bất chấp những kỹ thuật công nghệ đỉnh cao, thi tính vẫn rất có thể không xuất hiện (dĩ nhiên, thi tính thế nào, lại là vấn đề khác, xin không bàn ở đây. Theo tôi, một số bài như Hà Nội 1, Sau Cái Chết Xấu, Thư Nguyễn Quốc Chánh, Ẩm Thực Ở Một Làng Quê vẫn chỉ là những thử nghiệm, những gợi ý tìm tòi hình thức). Nếu hình dung một bài thơ đúng nghĩa phải là một chỉnh thể trọn vẹn, thống nhất –  một sinh thể, như người ta vẫn nói – thì đâu là điểm chập nổ, khởi sinh sự sống, biến các yếu tố tư tưởng, xúc cảm, kỹ thuật riêng lẻ kết nối vào nhau để tạo thành BÀI THƠ? Với trường hợp Phan Nhiên Hạo, ở những bài thơ của anh, chẳng hạn Trong Những Chiếc Tàu Ngầm, Ở Nhà Một Người Câu Cá, 1858, Tấm Ảnh Những Năm 60… điều gì mới thực biến chúng thành thơ? Là tư tưởng  (triết học, xã hội, mĩ học)? Là nguồn nhiệt hứng xúc cảm? Là kỹ thuật viết? Hay là phải toàn bộ những yếu tố kể trên? Còn nữa: là lý trí chế tạo nên sinh thể đó bằng các thao tác kỹ thuật hay còn có sự trợ giúp của yếu tố khác trong quá trình sáng tạo, là vô thức, trực giác?

Thật ra, tất cả những điều nói ở đây hoàn toàn không mới. Về điều này, chắc chắn Phan Nhiên Hạo có chủ kiến riêng, anh hoàn toàn không ngây thơ, thậm chí, còn hơi quá tinh quái nữa là đằng khác, khi đặt vấn đề theo kiểu phản-vấn-đề. Không phải những kết luận sẵn có, mang tính định mệnh, thực chất, Chế tạo thơ ca là một sự trình bày quan điểm, một đề xuất, gợi ý độc đáo. Tập thơ đã thiết kế nên một tình huống sáng tạo giả tưởng nhưng buộc độc giả phải đối mặt với một số câu hỏi có tính cốt tử trong sáng tạo, cụ thể là trong việc làm thơ, từ đó, để bổ sung, điều chỉnh, nhận thức lại vấn đề. Hoặc, thường  gặp hơn, để phản đối, để tranh cãi. Tập thơ quả thực đã gieo một chất kích thích nhận thức mạnh mẽ, để dẫu đồng tình hay phản đối, người đọc không thể tiếp nhận một cách ù lì, thụ động. Do đó, đóng góp ý nghĩa nhất của tập thơ này không nằm ở những sản phẩm thơ “hoàn thiện”, đã “hoàn tất”, mà nằm ở “tính vấn đề” của nó, hoặc, nói cách khác, nằm ở hàng loạt câu hỏi mà nó đã đặt/ khêu gợi ra: Bản chất của thơ là gì? Có thể chế tạo thơ được không? Cái gì làm cho thơ thực sự trở thành thơ?… 

Đó không chỉ là vấn đề đặt ra cho độc giả. Thực chất, đó cũng chính là vấn đề đặt ra với tác giả và những người làm công việc sáng tạo, đòi hỏi phải được suy nghĩ, lý giải sâu hơn, thấu đáo hơn, rốt ráo hơn. Những câu hỏi đó thực sự vẫn rất đáng phải nghĩ trong bối cảnh hiện tại. Một khi tưởng đã đi đến cùng câu hỏi với “sản phẩm thơ ca” thành hình, những câu hỏi vẫn nằm đó, như một khiêu khích, một thách thức, một mời gọi nghĩ tiếp.

Vinh, 10/7/2019

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Phan Nhiên Hạo (2004), Chế tạo thơ ca 99 – 04, Nxb Văn, San Jose.

2. Inrasara, Phan Nhiên Hạo, lưu vong chuyên nghiệp ở thiên đàng bằng nhựa, https://www.vanchuongviet.org/index.php?comp=tacpham&action=detail&id=8042


[*] Trong một ngách liên tưởng khác, cũng hoàn toàn bất ngờ, những câu thơ của Phan Nhiên Hạo gợi tôi nhớ đến thế giới của trí tưởng tượng đáng kinh ngạc trong tập thơ Tận cùng của lối đi này (Where the Sidewalk Ends) của Shel Silverstein, bản dịch của Nhã Thuyên.

Comments are closed.