Quan niệm về cái riêng tư của Virginia Woolf

Joshua Rothman

Đoàn Huyền dịch

Thời điểm này, khi dùng từ “riêng tư” ta thường chỉ nghĩ đến nét nghĩa chính trị của nó. Ta nghĩ đến người khác, đến cách họ có thể ảnh hưởng đến ta, đến cách họ có thể dùng thông tin của mình cho mục đích riêng của họ, hoặc can thiệp đến những quyết định cá nhân của ta. Chúng ta bận tâm đến ranh giới phân chia cuộc sống cộng đồng và cuộc sống riêng tư. Những điều ta nghĩ đến ấy, có thể gọi là ý thức về cái riêng tư của một công dân.

Rõ ràng, đó là một cách hiểu đáng kể. Nhưng người ta vẫn có nhiều cách khác để hiểu từ “riêng tư”. Một trong những cách hiểu đó được diễn tả tuyệt đẹp trong cảnh nổi tiếng xuất hiện phần đầu cuốn Mrs.Dalloway. Đó là đoạn hồi tưởng về quãng thời gian khi nhân vật Clarissa còn là cô bé. Một tối, cô đi dạo với mấy người bạn: hai cậu chàng phiền hà, Peter Wash và Joseph Breitkopf cùng cô bạn gái Sally Seton. Sally gợi cảm, thông tuệ và “Bô-hê-miêng” – mang trong mình “một kiểu phóng túng như thể cô có thể nói và làm bất cứ điều gì.” Hai anh chàng, bỏ rơi các cô gái, lần dần đi trước, hoàn toàn đắm chìm vào cuộc bàn luận tẻ ngắt về Wagner. “Rồi nó đến – giây phút ngây ngất nhất trong cả cuộc đời Clarissa, khi hai người đi ngang qua một chậu hoa.” Sally ngắt một bông hoa từ chậu kiểng và hôn Clarissa:

Toàn bộ thế giới dường như đảo lộn! Những kẻ khác biến mất, còn mình cô với Sally. Và cô cảm thấy mình vừa được trao một món quà bọc kín, kèm lời dặn dò chỉ được giữ lấy mà không được soi ngắm; món quà ấy – một viên kim cương, cái gì đó chắc chắn là quý giá, được bọc kín, thứ mà đêm ấy khi mà họ cùng dạo loanh quanh Clarissa đã tháo mở, hay một tia hào quang xuyên không, một sự mặc khải, một cảm giác thánh thần!

Woolf thường quan niệm về cuộc sống theo cách này: như một món quà mà bạn được trao tặng, thứ mà bạn phải nắm giữ và trân trọng nhưng không bao giờ được phơi mở. Bởi nếu làm vậy sẽ hủy hoại “bầu khí quyển”, dập tắt ánh hào quang – và ánh hào quang của sự sống chính là thứ làm nên ý nghĩa cho cuộc sống. Thật khó để nói việc chỉ nắm lấy cuộc sống mà không soi ngắm thực sự có nghĩa gì, nó là một trong những bí ẩn ở các tác phẩm của Woolf. Nhưng bí ẩn ấy có liên hệ nào đó đến việc lưu giữ bí mật của cuộc sống, đến việc để mặc cho một vài thứ nào đó không được miêu tả, được xác định, được hiểu, đến việc phải tận hưởng những cảm xúc nào đó ví như sự tò mò, phút ngỡ ngàng, lòng khao khát và sự mong chờ. Cảm thức đó dựa trên thức nhận sâu sắc về sự quý giá và mong manh của cuộc sống, và trên ý tưởng kiểu Heisenberg về những trực cảm tinh thần và phức tạp nhất của con người, thứ mà nếu soi ngắm quá gần sẽ làm đổi thay cảm giác của ta. Nói cách khác, nó liên quan đến sự riêng tư nội tại, nhờ đó bạn có thể che chắn bản thân khỏi con mắt xoi mói của kẻ khác và khỏi con mắt quan sát của chính bạn. Người ta gọi đó là ý thức về sự riêng tư của một nghệ sĩ.

Nhiều người chấp nhận ý tưởng rằng mỗi chúng ta có một phần bên trong kiên định nào đó – phần nhân của cái tự ngã mà chúng ta không thể chia sẻ với kẻ khác. (Levin, ở cuối tiểu thuyết Anna Karenina gọi nó là “sự thiêng liêng của những điều thiêng liêng” và cho rằng, dù chàng có gần gũi với mọi người xung quanh bao nhiêu chăng nữa, thì vẫn luôn luôn tồn tại “một bức tường giữa sự thiêng liêng của những điều thiêng liêng của tâm hồn tôi và người khác, thậm chí cả vợ tôi.”) Điều thu hút Woolf là cách mà chúng ta ý thức về cái bên trong đó. Nhà văn cho rằng, chúng ta biết nó rõ nhất khi chúng ta ở thời khắc không được phòng vệ, bị buộc phải dùng nó để tự vệ với thế giới bên ngoài.

Có gì đó thích thú thậm chí lộ liễu trong cảm giác tự vệ đó, vì thế chúng ta đi tìm những môi trường trong đó chúng ta có thể cảm thấy sự đối nghịch sâu sắc hơn giữa thế giới bên ngoài và bên trong. Woolf bị hấp dẫn bởi cuộc sống đô thị – bởi cảm giác của cái cô-đơn-phơi-bày được vỉa hè các con phố khích động và bởi cái cách “phố ám” [street haunting] – như cách gọi của nhà văn, cho phép bạn có thể lạc mất rồi cuối cùng tìm thấy mình trong nhịp điệu xa lạ và quen thuộc của đô thị. Woolf bị thu hút bởi hình ảnh của người chủ tiệc: người đàn-bà-bị-nhìn, đứng ở những bậc thang, thân thiện với mọi người, người càng lúc càng trở nên bí ẩn bằng chính sự hiện diện của mình. (Một trong những sự thú vị của việc mở tiệc, Woolf cho rằng, là nó cho phép bạn gây bất ngờ chính mình: được vây quanh bởi bạn bè, là trung tâm của sự chú ý, bạn cảm thấy sự chia tách của mình với thế giới xã hội mà bạn là thành viên). Tác giả chỉ ra rằng cha mẹ, bạn bè, tình nhân và vợ chồng có thể ngày càng trở nên không thể biết hết về nhau, sự không thể biết này chỉ tăng chứ không giảm – [bởi] luôn tồn tại ở đó, một cái lõi của tự ngã, thứ mà không bao giờ tự trình báo bản thân nó. Nhà văn chắc rằng, ngay cả khi nghệ sĩ phô bày cuộc sống của họ, họ vẫn thành công nếu tiếp tục duy trì vị trí cố thủ cuối cùng của chốn riêng tư – một suối nguồn không bị vấy bẩn bởi thế giới bên ngoài. “Một thứ quan trọng nhường ấy; một thứ bị bao phủ bởi chuyện phiếm, bị xóa nhòa, mờ đi trong cuộc sống của cô, bị đánh rơi mỗi ngày trong tha hóa, gian dối, trong những cuộc tán gẫu,” Clarissa nghĩ ở cuối cuốn tiểu thuyết. Tất nhiên, những cuộc tán gẫu – bữa tiệc ấy – giúp cho cô hay cô đánh mất điều gì ở phút đầu.

Việc gìn giữ sự riêng tư bên trong theo cách thức này mang đến nhiều lợi ích và cũng đòi hỏi cái giá phải trả. Khoảng giữa tiểu thuyết Mrs. Dalloway, chồng Clarissa, Richard, quyết định mua hoa hồng tặng Clarissa vào giờ ăn trưa; anh dự định sẽ về nhà, trao tận tay cô bó hoa và nói “Anh yêu em.” Đó là một điều lãng mạn không quen thuộc tí nào với anh nhưng dù là lí do nào, thì anh đã choáng ngợp khi nhận ra “kết hôn với Clarissa là một điều kì diệu.” Richard tiến vào phòng khách, tặng vợ đóa hoa nhưng anh nhận ra mình không thể nói những lời đã định trước. Anh quá phấn khích, ngập tràn trong tình yêu: “Hạnh phúc là như vầy, như vầy,” Ngọn sóng tình yêu dâng trào trong anh. Nhưng dù vậy anh chỉ có thể trò chuyện về những điều thường nhật: bữa trưa, buổi tiệc tối và người gia sư của con gái họ. Cuối cùng anh đứng lên rồi đi khỏi. Clarissa nhìn theo anh. “Anh ấy dừng một lát như thể sẽ nói điều gì đó,” Woolf viết, “và cô băn khoăn, những bông hồng này là thế nào nhỉ? Sao vậy nhỉ?” Khi Richard đi rồi, Clarissa nghĩ:

Có một phẩm chất nào đó trong con người; một sự cô đơn; thậm chí có một hố sâu ngăn cách giữa cả vợ chồng, và người ta phải coi trọng cái đó vì chính người ta sẽ không chia sẻ nó cho ai cả; hoặc giả người ta nếu lấy đi nó từ chồng họ, trái với ý muốn của anh, sẽ không sao tránh khỏi việc đánh mất sự độc lập, sự tự trọng của chính mình – một điều gì đó, trên tất cả, là vô giá.

Phong cách của Woolf là dựng một cảnh lãng mạn và làm nó trở nên không thể xâm phạm – đó là cái giá phải trả, bạn có thể nói vậy, của sự riêng tư bên trong. Hôn nhân, tình yêu, sự thân mật chỉ có thể đem bạn đi xa một quãng, ở cuối con đường rồi bạn sẽ quay trở lại cái phẩm chất cô độc không dễ chịu gì ấy. Và Clarissa thích sự khắc kỉ hơn sự gần gũi. Cô thi thoảng nghĩ về Peter Wash người đã yêu cô trước đây, người mà lẽ ra cô sẽ lấy chứ không phải Richard. Peter là người chín chắn, trí thức, lãng mạn, đam mê. Anh thích trò chuyện và coi trọng những suy nghĩ của cô. Anh định tâm thấu hiểu tường tận tâm hồn cô. Đó là một điều đáng khao khát với nhiều người, những người coi sự gần gũi là điểm tốt đẹp nhất trong một mối quan hệ. “Nhưng với Peter mọi thứ phải được chia sẻ, mọi thứ phải tan vào nhau. Và ước muốn đó không thể khoan thứ, cô nghĩ.” Sau này, ngồi ở công viên nhớ lại cuộc tranh luận giữa cô và Peter: “Đột ngột cô tự hỏi liệu anh ấy sẽ nói gì nếu hiện tại anh ấy sống với mình?” Richard cho cô sự riêng tư và sự cô đơn bên trong; anh để tâm hồn cô lưu giữ con người cô. Tất nhiên, anh ấy sẽ không bao giờ nói “Anh yêu em.” Ngược lại Peter sẽ nghĩ rằng luôn có sự lạnh lùng, gượng gạo, có gì đó thăm thẳm trong cô … một bức tường đá. Dù Chúa biết anh yêu cô ấy.” (Câu chuyện của Septimus Smith, chiếm khoảng một nửa tác phẩm này, (mặt khác) cho thấy kết cục buồn nhất của cái riêng tư nội tại: Smith tự hành xác và lánh xa tất cả kể cả những người muốn giúp anh.)

Đồng thời, lợi ích của việc cứ kiên cố “bức tường đá” có thể rất tuyệt diệu. Tiêu biểu như việc Clarissa tự mua hoa, và cho phép cô thưởng thức cái thú vị, tĩnh lặng và đẹp đẽ của cửa hàng hoa; điều tương tự, diễn ra trong cuộc sống nội tại của Clarissa, nơi những cảm xúc luôn căng đầy của cô mãi trong sạch, mãi không thể chạm đến. Ngay cả Peter cùng với thời gian cũng tự nhìn nhận bản thân mình theo cách này: “sự đền bù của việc già đi là niềm đam mê luôn được bảo lưu mạnh mẽ, cuối cùng người ta có quyền năng để nêm được hương vị tuyệt đỉnh vào sự tồn tại của mình, đủ quyền năng để nắm lấy kinh nghiệm và xoay vần nó dưới ánh sáng”. Bằng việc học cách để mặc cuộc sống bên trong của mình, bạn học cách vun trồng và thấu hiểu giá trị của nó.

Và bạn còn gặt được một điều khác nữa, một sức mạnh tinh thần lạ lùng: sức mạnh để quan sát bản thân một cách trừu tượng. Thay vì lạc lối trong những điều vụn vặt của cuộc sống, bạn nắm giữ lấy các cảm xúc, các mẫu vật, các thanh âm. Bạn học cách để trân trọng các khía cạnh này của cuộc sống, cho chính bạn, mà không đối thoại với chúng cũng không tàn phá chúng bằng cách phân tích chúng quá nhiều. Woolf nghĩ rằng những cảm xúc được trân trọng này có thể là nguồn cội của sức thu hút: khi Peter trông thấy Clarissa ở bữa tiệc, tự hỏi chính mình, “Sự kinh động này là gì vậy? Trạng thái đê mê này là gì vậy? … Điều gì chiếm lấy mình bằng sự hưng phấn cực độ này?” câu trả lời có thể chính là tia hào quang của Clarissa, tia hào quang không bao giờ hiện diện nhưng luôn phát quang âm thầm. Trong lúc đó, Clarissa cho trực cảm nâng cô lên trên thời khắc ấy một chút. Dạo quanh khu vườn dưới ánh đèn màu, cô gặp gỡ các vị khách của mình: “Cô không biết tên họ, nhưng cô biết họ là những người bạn, những người bạn không có tên, những bài ca không lời luôn là những điều tuyệt vời nhất.” Đó là sức mạnh của thế giới bên trong của người nghệ sĩ. Nó gìn giữ để giai điệu khỏi bị nhấn chìm bởi ngôn từ, bởi câu chuyện, bởi thông tin.

Nhận thức nội tại phức tạp của Woolf về cái riêng tư tất nhiên mang dấu ấn của một không gian và thời gian cụ thể (tôi không có ý nói đến tiểu sử cụ thể riêng của Woolf – nhà văn có một cuộc sống khuất lấp cực kì giàu có). Nhận thức ấy chịu ảnh hưởng từ chủ nghĩa nữ quyền, và của nhận thức rằng đàn ông, chứ không phải phụ nữ, được quyền hưởng thụ sự riêng tư. Nhưng nhận thức này của Woolf còn khởi phát từ ý tưởng tiêu biểu của chủ nghĩa hiện đại rằng luôn tồn tại một tự ngã bên trong, giấu kín, cố kết, nơi mà nghệ thuật đột khởi. Ngày nay, chúng ta ngày càng có xu hướng nhìn nhận nghệ thuật như một quá trình cộng sinh – sản phẩm của một hoạt cảnh hơn là của một cá nhân. Tôi đồ rằng chúng ta cũng biết rõ rằng chúng ta trông cậy nhiều thế nào vào các mạng xã hội để giúp ta hiểu về chính mình. Những năm gần đây các triết gia đang tranh luận rằng liệu có phải người khác có thể biết rõ chúng ta hơn chính chúng ta hay không.

Dầu vậy, với tôi, nhận thức của Woolf về cái riêng tư vẫn hữu ích; khi tôi nhớ lấy nó, tôi thấy nó khắp mọi nơi. Tiểu thuyết của Adelle Waldman, Những chuyện tình của Nathaniel P. [The Love Affairs of Nathaniel P.] là một trong những gì tôi thấy, nó là một phiên bản “trái dấu” của chuyện tình, nằm ở phần giữa cuốn Mrs.Dalloway: giống như Clarissa, Nate chọn người tình không hiểu hết anh chứ không chọn kẻ biết rõ mình. (Anh lựa chọn vậy một phần để anh có thể tiếp tục gây ngỡ ngàng chính mình, có nghĩa để tiếp tục sáng tạo). Trong khi đó, trên Tumblr và Facebook chúng ta tìm thấy đúng hiện trạng xã hội hóa cái riêng tư mà Woolf đã miêu tả. Thường chúng ta nghĩ phương tiện truyền thông xã hội như một diễn đàn cho sự phô phang cá nhân. Nhưng, chắn chắn sự liệt kê trên bề mặt các chi tiết hàng ngày – các bữa ăn, các bài tập luyện, các suy nghĩ về chính trị, sách vở, và âm nhạc đã chạm đến giới hạn của nó, nó kết cục lại nhấn mạnh cho chính những gì ta không thể chia sẻ được. Thoả sức nói về cuộc sống của mình sẽ giúp bạn hiểu được sức nặng của những cảm giác quá mơ hồ, quá tâm linh để có thể diễn đạt này. Ngược lại, nếu không bị nói đến, bị phô bày, chúng sẽ đưa sự tồn tại của cái riêng tư của bạn vào chốn thanh bình. “Chia sẻ” thực ra là đối lập với những gì chúng ta làm, giống như một trong những bà chủ tiệc của Woolf, chúng ta luyện tập một sự cởi mở giới hạn để có thể cảm thấy sự vững chắc của chính cuộc sống riêng tư của mình.

Cũng có thể thỉnh thoảng bạn sẽ tình cờ gặp một vài tác phẩm diễn tả cảm thức của Woolf ở một phong cách hoàn toàn khác, hãy tận hưởng cảm giác mi lạ ấy. Tôi đã xem đi xem lại hàng trăm lần màn trình diễn nhạc phẩm Side of the Road” [(Bên đường] của Lucian William năm 1989, từ lần đầu tôi tình cờ nghe ca khúc ấy cách đây vài năm. Bài hát hình thành quanh một ẩn dụ đơn giản: Williams đang hạnh phúc lái xe cùng người yêu. Nhưng cô vẫn muốn đỗ lại mé đường và đứng đó một mình. “Em muốn biết anh ở đó, nhưng em muốn một mình”:

Giá chỉ một hai phút, em muốn biết cảm giác không bên anh

Em muốn biết cảm giác chạm da mình vào nắng, vào gió.

Em bước ra cánh đồng, ngọn cỏ cao, chà vào đôi chân em.

Em đứng ngắm không gian rộng mở và nông trang ở xa.

Và em tò mò về những người sống ở đó,

Và em phân vân liệu họ có hạnh phúc, có mãn nguyện.

Ở đó có một đôi vợ chồng và những đứa con?

Người vợ có yêu chồng, có buông tóc mỗi đêm?

Nếu em dong chơi quá xa, đừng tìm em.

Không có nghĩa em không yêu anh, không có nghĩa em sẽ không trở lại và ở lại bên anh.

Chỉ là em cần một ít phút giây

Chạy theo con đường thẳng tắp,

Tới nơi của những gì hoang dã,

Tới nơi em đã từng đến.

Từ một góc độ hoàn toàn khác, William bắt được một ý tưởng chúng ta đã thấy trong tiểu thuyết của Woolf: rằng không có một cách thỏa đáng, cuối cùng nào để cân bằng nhu cần được thấu biết và nhu cầu cần được cô đơn. Sự cân bằng này luôn luôn không chắn chắn và chỉ có tính lâm thời; nó luôn là vấn đề của sự không thỏa mãn, của sự cho-nhận và của hi sinh. Bởi vì cái riêng tư của người nghệ sĩ là trạng thái tinh thần hơn là một nguyên tắc, không có điều luật gì có thể giúp ta quản chế nó. Tùy mỗi người, chúng ta cân bằng giữa sự mạo hiểm và những gì được nhận về – trao đổi theo một tỉ lệ hợp lí: cô đơn đổi lấy tự do, sự tường giải đổi lấy những bí ẩn và sự hiểu biết đổi lấy những điều không biết ở riêng mỗi cá nhân.

Nguồn: Dịch từ bản tiếng Anh Virginia Woolf’s Idea of Privacy trên trang The New Yorker tháng 7/2014.

Đường dẫn: http://www.newyorker.com/books/joshua-rothman/virginia-woolfs-idea-of-privacy

Về tác giả: Joshua Rothman là biên tập viên của tạp chí The New Yorker, và cũng là tác giả của một số tiểu luận trên tạp chí này.

Comments are closed.