Thực hành phân tích diễn ngôn, hay là Viết lại lịch sử văn học (Lời dẫn)

Lã Nguyên

Có thể xem Văn học như một diễn ngôn của Trần Văn Toàn là cuốn sách chưa có tiền lệ. Tôi nói “chưa có tiền lệ” trước hết là nhìn từ nội dung và và hướng tiếp cận đối tượng nghiên cứu của nó. Về nội dung, đây là công trình nghiên cứu lịch sử văn học. Lịch sử văn học Việt Nam từ trung đại đến hiện đại là đối tượng suy ngẫm chính yếu của tác giả và là câu chuyện được đặt vào vị trí trung tâm của cuốn sách. Đối tượng này được tiếp cận chủ yếu bằng lí thuyết diễn ngôn của Michel Foucault.

Ở ta không thiếu những công trình nghiên cứu lịch sử văn học. Nhưng hầu hết những công trình mà tôi biết, nhất là các bộ giáo trình dùng cho sinh viên trong các trường đại học và cao đẳng, thường dừng lại ở sự mô tả tư liệu, thiên về trình bày quá trình xuất hiện của các tác gia, tác phẩm văn học và bối cảnh xã hội của sự xuất hiện ấy. Cách viết lịch sử văn học như vậy nói lên một sự thật mà ai cũng biết: Việt Nam không có truyền thống tư duy lí thuyết. Nhiều nhà nghiên cứu văn học sử ở ta tỏ ra không mấy mặn mà với lí luận văn học. Tôi đã chứng kiến thái độ kì thị lí thuyết ra mặt ở không ít nhà khoa học được xếp vào hàng “chuyên gia” có tên tuổi. Là giảng viên giảng dạy và nghiên cứu lịch sử văn học Việt Nam, Trần Văn Toàn có cách ứng xử khác với lí thuyết. Đọc các tiểu luận mà Trần Văn Toàn từng công bố gần hai chục năm nay trên báo, tạp chí và các diễn đàn hội thảo, tôi nhận ra ở tác giả, nói theo M. Foucault, một “ý chí hướng tới lí thuyết” vô cùng nhất quán và kiên định. “Ý chí” nhất quán này bộc lộ rõ trong cấu trúc của cuốn Văn học như một diễn ngôn mà tôi đang nói ở đây. Những điều Trần Văn Toàn trình bày trong cuốn sách cho thấy tác giả đặc biệt tâm đắc với lí thuyết diễn ngôn của M. Foucault. Lí thuyết diễn ngôn của Foucault là công cụ phương pháp luận được tác giả chuyên luận sử dụng để phân tích cả diễn ngôn văn học, lẫn diễn ngôn của các lí thuyết khác, ví như của lí thuyết hậu thuộc địa, lí thuyết về giới, hay lí thuyết phê bình sinh thái. Ta hiểu vì sao công trình nghiên cứu có phụ đề: “Foucault và văn học sử Việt Nam”. Ta cũng hiểu vì sao, trong một cuốn sách có ba phần, tác giả dành hẳn một phần, chia thành hai chương với trên một trăm trang, để giới thiệu về cuộc đời, về hoạt động sáng tạo đa dạng, phức tạp của Foucault và về ý nghĩa phương pháp luận đối với nghiên cứu văn học có thể rút ra từ lí thuyết diễn ngôn của ông. Tôi nghĩ, có lẽ ở ta chưa có công trình lí thuyết nào diễn giải sự nghiệp khoa học đồ sộ của Michel Foucault một cách công phu, chi tiết và có hệ thống như chuyên luận của Trần Văn Toàn.

Đọc Trần Văn Toàn, tôi thường băn khoăn, có cả chút tò mò, tự hỏi: liệu một người giảng dạy và nghiên cứu văn học sử có thể tìm thấy điều gì hữu ích cho lĩnh vực chuyên môn của mình từ lí thuyết diễn ngôn của M. Foucault? Và tôi nhận ra di sản tinh thần của M. Foucault đã góp phần khơi gợi những tư tưởng quan trọng, mang ý nghĩa nền móng trong tư duy khoa học của nhà nghiên cứu Trần Văn Toàn ở những điểm chính sau đây:

Thứ nhất: một ý niệm riêng về đối tượng nghiên cứu. Tôi cho rằng nhà khoa học đích thực bao giờ cũng theo đuổi một đối tượng nghiên cứu riêng nào đó. Michel Foucault là nhà khoa học lớn. Ông không hẳn chỉ là nhà triết học, nhà lí luận, nhà văn hóa học, mà chủ yếu là nhà nghiên cứu lịch sử văn hóa xã hội. Ông xây dựng lí thuyết về văn hóa chẳng qua là để nghiên cứu lịch sử của nó. Cho nên, người ta dễ dàng nhận ra sự khác biệt giữa Foucault với các học giả đương thời trước hết là ở sự lựa chọn đối tượng mô tả lịch sử. Vào những năm 1960, ông đặt ra cho mình nhiệm vụ mô tả tất cả những gì mà lịch sử văn hóa châu Âu chưa thảo luận, chưa mô tả. Người ta chưa mô tả lịch sử điên rồ thì ông mô tả và lập phả hệ cho lịch sử của sự điên rồ. Văn hóa học châu Âu chưa thảo luận về lịch sử y học, lịch sử tính dục, hay lịch sử hình phạt và nhà tù, thì ông đem các đối tượng ấy ra thảo luận để lấp đầy những khoảng trống lịch sử ở châu Âu. Tôi đồ, có lẽ Trần Văn Toàn đã nhìn thấy ở hướng mô tả lịch sử của Foucault những gợi dẫn cho các bước đi của mình trong việc nghiên cứu lịch sử văn học dân tộc. Sách Văn học như một diễn ngôn cho thấy đối tượng nghiên cứu của tác giả là hàng loạt chủ đề diễn ngôn làm thành bình diện nội dung văn hóa – xã hội ở một giai đoạn cụ thể, hoặc nhiều thời đại văn học khác nhau, ví như chủ đề về dân tộc, về “những kẻ khác”, hay chủ đề về giới tính. Ở ta, cho đến nay, đó quả là những chủ đề còn ít được chú ý, thậm chí không mấy ai nghĩ là chúng có thể trở thành đối tượng mô tả lịch sử. Trần Văn Toàn, như tôi nghĩ, là người đầu tiên đặt vấn đề nghiên cứu thấu đáo một chủ đề rất lớn, có ý nghĩa hết sức hệ trọng với lịch sử nghệ thuật ngôn từ: thiết chế và tiến trình văn học. Theo hướng tìm kiếm những khoảng trống trong nghiên cứu khoa học như Foucaull đã làm, Trần Văn Toàn phát hiện nhiều đối tượng mô tả lịch sử mới mẻ, gây bất ngờ đối với ngay cả những người trong giới chuyên môn của mình.

Thứ hai: một ý niệm mới về văn học và lịch sử văn học. Muốn nghiên cứu lịch sử văn học, phải có ý niệm rõ ràng về văn học và lịch sử của nó. Đến lượt mình, muốn có ý niệm rõ ràng về lịch sử văn học, lại phải có lí luận văn học. Điều này được N. G. Chernyshevsky (1828-1889) nhấn mạnh từ giữa thế kỉ XIX. Tôi nhớ trong “Lời dẫn” viết cho tuyển tập Aristotle lần đầu tiên được dịch sang tiếng Nga (1854), ông nói một ý rất hay: “Nếu không có lịch sử đối tượng thì sẽ không có lí thuyết về đối tượng, nhưng nếu không có lí thuyết về đối tượng thì thậm chí dẫu một chút ý niệm về lịch sử của nó cũng sẽ không thể có, vì khi ấy sẽ không thể có nhận thức gì về đối tượng, về ý nghĩa và ranh giới của nó”. Hơn mười năm trước, tôi đã viết về sự cũ kĩ, già nua của nền lí luận văn học ở Việt Nam. Nó già nua, cũ kĩ, vì cho tới tận cuối những năm 1990, các nhà lí luận, phê bình của chúng ta dường như không mấy chú ý tới các “bước ngoặt ngôn ngữ” và “bước ngoặt diễn ngôn” đã diễn ra trong tư duy khoa học ở châu Âu, rồi lan ra toàn thế giới trong suốt thế kỉ XX. Phải đến những năm đầu thế kỉ XXI, tiếng vọng của các mệnh đề “bước ngoặt ngôn ngữ”, “bước ngoặt diễn ngôn”, “cái chết của tác giả”, “sự sụp đổ của các đại tự sự”, “tâm thức hậu hiện đại” … mới dội vào Việt Nam, nhưng đại bộ phận giới nghiên cứu, phê bình văn học ở ta hình như vẫn chỉ nghe thanh âm vang dội ấy như “gió thoảng ngoài tai”. Khoa nghiên cứu văn học vẫn khăng khăng một mực dựa vào phản ánh luận của Lênin để cắt nghĩa đặc trưng, bản chất của văn học và lịch sử văn học. Mà lí luận phản ánh của Lênin thì có nguồn cội từ thời Hy Lạp cổ đại, dạng thức đầu tiên của nó là thuyết “bắt chước” (mimesis) của Plato và Aristotle. Thuyết “bắt chước” cổ đại, hay phản ánh luận hiện đại đều tin rằng có một thế giới hiện hữu, phi kí hiệu học, tồn tại khách quan bên ngoài ý chí của con người và con người hoàn toàn có thể “bắt chước”, hoặc nhận thức được thế giới ấy. Theo đó, là hình thái ý thức đặc thù thuộc thượng tầng kiến trúc, văn học nghệ thuật phản ánh tồn tại xã hội và chịu sự qui định của nó, lịch sử văn học là sự phản ánh lịch sử của các hình thái kinh tế – xã hội khác nhau, mà chủ nghĩa xã hội và văn nghệ hiện thực xã hội chủ nghĩa sẽ là đỉnh cao của lịch sử văn minh và văn hóa nhân loại.

Nhưng rồi người ta hoài nghi: hình như bức tranh lịch sử văn minh và văn hóa thực tế của loài người không giống với cách tưởng tượng nói trên. Các nhà hiện tượng luận đã chứng minh bản chất bất cập vật của ý thức. Tức là trong tư duy, con người không có cách gì để tiếp xúc trực tiếp với thế giới sự vật. Con người chỉ có thể tiếp xúc với nhau và với sự vật qua ngôn ngữ và các hệ thống kí hiệu. Với ý nghĩa như thế, con người là một “sinh vật kí hiệu học”. Kí hiệu, ngôn ngữ luôn là vật trung gian giữa con người và thế giới sự vật. Cho nên, J. M. Lotman đề xướng khái niệm “kí hiệu quyển” (“Semiosphere”) để chỉ một không gian kí hiệu tồn tại như một hiện thực bao bọc con người, giống như “sinh quyển” và “trí quyển”. Đây là cơ sở nảy sinh quan niệm xem văn hoá là một hệ thống kí hiệu, thế giới là một văn bản và “tác phẩm nghệ thuật là một dạng cấu trúc đặc biệt, một hệ thống kí hiệu, hay đơn giản là một kí hiệu”. Quan niệm ấy cho phép xếp văn nghệ vào các hiện tượng kí hiệu học, xem lịch sử văn hóa là lịch sử của các hệ thống kí hiệu.

Ở nửa sau thế kỉ XX, “bước ngoặt diễn ngôn” tiến xa hơn nữa, đưa tư duy khoa học chuyển qua một hệ hình thế giới quan hoàn toàn khác Nó xem toàn bộ thế giới là một thực tiễn diễn ngôn. Nó khẳng định: “không có hiện thực ngoài diễn ngôn” (J. Derrida). Diễn ngôn được hiểu như một phát ngôn hoàn chỉnh, một hành vi lời nói kiến tạo văn bản bao gồm người nghe bình đẳng với người nói và được xem là “sự kiện giao tiếp trong tương tác xã hội” (van Dijk) giữa chủ thể, khách thể và người tiếp nhận. Với thế giới quan truyền thống và thế giới quan hiện đại ở giai đoạn kinh điển, thế giới được giới hạn hoá trong không gian và thời gian, mang bản chất sự kiện và vật thể, con người và vạn vật liên hệ với nhau theo nguyên tắc quyết định luận nhân quả. Theo thế giới quan hiện đại thời hậu kinh điển, thế giới được giới hạn hoá trong các thông tin của con người và các nhóm xã hội, mang bản chất của diễn ngôn và các ý kiến như một hành vi lời nói, con người và vạn vật quan hệ với nhau theo nguyên tắc phụ thuộc xác suất và các quy tắc, chuẩn mực đối thoại (M. Makarov). Ở đây vạn vật không phải là cái hiện tồn vốn dĩ, mà tất tật, kể cả con người, đều là cái được kiến tạo. Cái được kiến tạo này trở thành “quyền lực” mạnh tới mức khiến con người không điều khiển được ngôn ngữ, mà ngôn ngữ và các “thẩm quyền diễn ngôn” điều khiển con người. Đây là cơ sở của quan niệm xem văn học là một hình thức diễn ngôn.

Tôi trình bày dài dòng như thế, vì phải đặt vào bối cảnh tri thức chung của tư duy lí luận và khoa học về văn học ở Việt Nam và thế giới, ta mới thấy hết ý nghĩa thời sự và tính cập nhật ở cuốn Văn học như một diễn ngôn của Trần Văn Toàn. Có thể khẳng định chắc chắn: ở Việt Nam, cho tới tận thời điểm này, hướng tiếp cận văn học như một diễn ngôn vẫn còn là điều mới mẻ. Quan trọng hơn, với hướng tiếp cận được gợi dẫn từ triết học văn hóa của M. Foucault, Trần Văn Toàn có cơ sở để phân tích lịch sử văn học, chính xác hơn, sẽ viết lại lịch sử văn học Việt Nam theo cách riêng của mình.

Thứ ba: thực hành phân tích diễn ngôn, hay là viết lại lịch sử văn học. Trần Văn Toàn chia chuyên luận của mình thành ba phần. Nhưng hệ thống vấn đề được tác giả đưa ra thảo luận lại cho thấy cuốn sách có hai trọng tâm:

Trọng tâm thứ nhất, như đã nói, là bàn về các vấn đề lí thuyết thông qua việc tổng thuật về cuộc đời, sự nghiệp khoa học và triết học văn hóa của M. Foucault. Ở đây tôi muốn nhất mạnh thêm về cách tổng thuật Foucault của tác giả chuyên luận. Ta biết, các công trình nghiên cứu đa dạng trải dài ngót ba chục năm của của M. Foucaul bao giờ cũng xoay quanh sáu “từ khóa”: “diễn ngôn”, “tri thức”, “quyền lực”, “thực hành”, “khảo cổ”, “phả hệ”. Sáu “từ khóa” này giống như sáu cột trụ dựng lên toàn bộ lâu đài triết học về văn hóa và lịch sử văn hóa vô cùng đồ sộ của Foucault. Qua tổng thuật của Trần Văn Toàn, ta vừa thấy trình tự xuất hiện của mỗi từ mà tư duy của Foucault chỉ xoay quanh nó, đồng thời lại thấy chúng có vẻ xích lại gần nhau, đồng nghĩa với nhau, thậm chí, cả sáu từ kia hình như được nhà khoa học sử dụng để chỉ chung một hiện tượng làm nên nền móng mà nhờ đó văn hóa có thể tồn tại và phát triển. Tôi có cảm giác Trần Văn Toàn tổng thuật Foucault tựa như tổng thuật về sự trải nghiệm lí thuyết của bản thân, của người đang dò tìm trong lí thuyết một hướng đi riêng của mình. Cho nên, khi tổng thuật, Trần Văn Toàn luôn giữ cho mình “vị thế đừng ngoài tích cực” (thuật ngữ của M. Bakhtin) của một nhà khoa học để mô tả lí thuyết của Foucault như mô tả một loại diễn ngôn, dẫu là của một học giả lớn, vẫn chịu sự chi phối bởi khung tri thức – quyền lực của thời đại.

Trọng tâm thứ hai là thực hành phân tích diễn ngôn. Đây là phần chủ yếu, chiếm ba phần tư số trang của cuốn sách, tạo nên sức nặng cho chuyên luận Văn học như một diễn ngôn của Trần Văn Toàn. Tôi nghĩ, tổng thuật lí thuyết diễn ngôn của Foucault dẫu khó đến đâu vẫn không khó bằng thực hành phân tích diễn ngôn với yêu cầu không sa vào tình trạng minh họa cho lí thuyết. Và tôi cho rằng, phần tinh túy nhất mà Trần Văn Toàn tiếp nhận được ở Foucault không hẳn là lí thuyết của ông, mà chủ yếu là thực hành phân tích diễn ngôn. Với Foucault, phân tích diễn ngôn quả không phải là để minh họa cho lí thuyết của bản thân, mà là để phân tích lịch sử, đúng hơn, để viết lại lịch sử văn hóa. Trong Văn học như một diễn ngôn, Trần Văn Toàn cũng phân tích lịch sử văn học Việt Nam, viết lại lịch sử văn học dân tộc theo cách riêng, trong nhiều trường hợp, cách viết của tác giả hết sức sáng tạo. Chẳng hạn, có thể xem Chương I ở phần II của chuyên luận là bản viết lại lịch sử tiếng nói của các chủ thể thuộc địa về thực dân và về chính bản thân mình. Qua việc phân tích nhiều văn bản cụ thể, lập hồ sơ tương quan quyền lực – tri thức giữa các chủ thể thuộc địa và chủ thể thực dân, Trần Văn Toàn đã phác họa một bức tranh lịch sử rộng lớn về tiếng nói của nhiều tầng lớp người Việt, những chủ thể yếu thế trong tương quan với chủ thể thực dân, từ văn sĩ là Nho gia – cách mạng, qua nhà cách mạng – văn sĩ, đễn văn sĩ trí thức Tây học, về Việt Nam và dân tộc, về thực dân Pháp và người Pháp. Trong trường hợp này, với Trần Văn Toàn, viết lại lịch sử đồng nghĩa với sự đối thoại lí thuyết bằng tri thức và kiến văn riêng của mình với hàng loạt học giả lớn, trong đó có Edward W. Said với Đông phương học nổi tiếng của ông. Theo hướng “khảo cổ học tri thức” như thế, ở chương II của phần II, Trần Văn Toàn lập “phả hệ” cho diễn ngôn về người đàn ông và người đàn bà như là những diễn ngôn về “giới” và giới tính” trong suốt chiều dài của lịch sử văn học Việt Nam từ trung đại đến thời hiện đại. Chương III của phần II không trực tiếp phân tích diễn ngôn văn học, mà được tác giả dành riêng để bàn về mối quan hệ giữa thiết chế và tiến trình văn học. Đọc chương này, độc giả sẽ thấy, rằng thiểt chế văn học là một hệ thống chuẩn mực mà xã hội, hay một nhóm xã hôi và cộng đồng sáng tạo văn học xác lập trên cơ sở một quan niệm chung nào đó về giá trị để phân biệt những gì được thừa nhận là văn họckhông phải văn học. Khi đã được xác lập, thiết chế sẽ tạo ra các loại hình hoạt động văn học, từ sáng tác, tiếp nhận cho tới phương thức tiêu thụ sản phẩm sáng tạo ở mỗi thời đại, nó góp phần hình thành các kiểu nhà văn và kiểu người đọc, mở rộng, hoặc thu hẹp không gian diễn ngôn của văn học. Đặc biệt, thiết chế có thể chuyển từ bên ngoài vào thiết chế bên trong của sáng tác ngôn từ, vì nó bao giờ cũng tác động trực tiếp tới khuynh hướng vận động của phong cách và thể loại, bình diện, mà theo M. Bakhtin, quyết định những “số phận lớn” của lịch sử văn học. Nói tóm lại, thiết chế có thể tác động mở đường, hoặc kìm hãm sự phát triển của tiến trình văn học. Một vấn đề quan trọng như thế mà thật tiếc, không hiểu vì sao khi viết về lịch sử văn học, hình như hầu hết các nhà nghiên cứu đều bỏ qua. Cho nên, những gì được Trần Văn Toàn bước đầu trình bầy ở đây sẽ gợi dẫn để giới chuyên môn và bạn đọc rộng rãi tiếp tục thảo luận và suy ngẫm.

Nhìn chung, tôi đọc các bài thực hành phân tích diễn ngôn của Trần Văn Toàn với niềm hứng thú đặc biệt, bởi sự phân tích của tác giả bao giờ cũng mang lại cho trí não tôi một điều gì đó mới mẻ về lịch sử diễn ngôn trong văn học dân tộc. Giữa những phần viết đầy hấp dẫn, tôi thấy cả ba chương ở phần II, – Diễn ngôn về dân tộc và kẻ khác – những tiếng nói của chủ thể thuộc địa, Quyền lực/ giới tính và văn họcThiết chết và tiến trình văn học, – nổi lên như những điểm sáng, mang lại tầm vóc khoa học cho chuyên luận của Trần Văn Toàn.

Không có lí thuyết vạn năng. Hệ thống lí thuyết nào cũng chỉ mở ra cho nhà nghiên cứu một khoảng thấy nào đó trước đối tượng. Dựa hẳn vào triết học văn hóa của M. Foucault để phân tích diễn ngôn văn học Việt Nam, chuyên luận của Trần Văn Toàn khó vượt ra ngoài những giới hạn riêng của nó. Nhưng chắc chắn Văn học như một diễn ngôn của tác giả vẫn là tiếng nói chưa có tiền lệ, một tiếng nói hấp dẫn, mới mẻ, đầy tinh thần cách tân, góp phần mở rộng biên độ các giá trị, đưa khoa học văn học Việt Nam hòa nhập với khoa học nhân văn của nhân loại./

L. N.

Hà Nội, 28/8/2024

Comments are closed.