“Tình nghĩa mẹ cha”: Bao nhiêu bài thơ thương mẹ, nhớ cha?

Trần Đình Sơn Cước

clip_image002

Nếu bạn không phải là nhà biên tập, người đọc bản thảo, tôi không dám chắc lúc nhận được một tuyển tập thơ dày đến 530 trang, 166 tác giả với trên 400 bài thơ viết về một chủ đề không mấy hấp dẫn là tình nghĩa mẹ cha, bạn có dám đọc hết quyển sách ấy không, hay chỉ lướt qua một số tác giả mình quen tên, lật năm mười trang, đọc đôi ba bài thơ. Rồi thôi. Xếp nó lên tủ sách hoặc để quên một góc nào đó…

Tôi đặt mua ấn bản bìa cứng. Nhìn tuyển tập bề thế, trang nhã, trình bày đẹp với tranh bìa của họa sĩ Lê Phổ vẽ cha ôm con, mẹ thêu thùa trong căn phòng ấm áp tình thương. Thế nhưng, nhìn bìa sau, tên các nhà thơ lấp đầy cả một trang, lòng cũng ngần ngại, làm sao đọc và thưởng ngoạn cho hết số thơ của các tác giả trong tuyển tập. Đã thế, trong “Lời Thưa Đầu Sách” của đại diện nhóm thực hiện (Luân Hoán, Nguyễn Thành, Lê Hân), nhà thơ Luân Hoán lại thú nhận là “phần lớn những tài năng đích thực với danh thi sĩ, họ đều sớm trưởng thành không còn nương dựa nhiều vào mùi hương sữa mẹ, hơi ấm của lòng nôi, cùng những giọng hát đẩy đưa sự khôn lớn.” Ông lại nghĩ rằng “Phải chăng tình yêu đích thực làm nên một nhà thơ là tình yêu nam nữ, kế đến tình dành cho quê hương đất nước?” Nghĩ như ông vậy, quả làm cho tôi chút nản lòng khi muốn đọc hết 166 người làm thơ về bậc sinh thành mà, tình cảm thiêng liêng đó lại là một tình cảm rất phổ thông, khó mà hay hơn được những câu ca dao quen thuộc “Công cha như núi Thái Sơn, Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra…”, “Mẹ già như chuối ba hương, như xôi nếp một như đường mía lau…”

Tôi xếp tuyển tập lên bàn viết. Lâu lâu lại liếc nhìn nó, cầm lên lần giở vài trang, nhìn một vài hình tác giả, đọc lướt qua tiểu sử của họ. Rồi thôi. Có đêm, muốn đọc, lại ngại vì sách dày quá, cầm trong tư thế đọc để dỗ giấc ngủ thật cũng bất tiện!

Bỗng một đêm tôi nghĩ phàm làm con ai cũng thương cha nhớ mẹ, nhưng mỗi người chắc có cách thương cách nhớ khác nhau. 166 người làm thơ viết về 166 ông cha bà mẹ của mình, dù có giống nhau cái thương cái nhớ đó, nhưng mỗi người chắc có một cách thương nhớ cho cha cho mẹ của riêng mình mà chắc không ai giống ai được. Ý nghĩ đó khiến tôi tò mò đọc từng tác giả, từng bài thơ như một người biên tập, người đọc bản thảo…

Từ đó, tôi đã gặp những ông cha, bà mẹ cả ba miền đất nước trong một tuyển tập được biên soạn ở nước ngoài. Dù chưa phải đầy đủ, dù hình ảnh “cha dân tộc”, “mẹ anh hùng” được người chủ trương không tập hợp, chân dung các bà mẹ ông cha từ Hà Nội, Hải Phòng, Nghệ Tĩnh đến Huế, Quảng Nam, Phú Yên, Bình Định, tận Cà Mau, sông Tiền sông Hậu,… đều được các người con hiếu thảo, là những nhà thơ thành danh hay chưa đã trút tấc lòng thương yêu kính trọng mẹ cha qua từng câu chữ chắt lọc từ trái tim mình. Tôi đã gặp bà mẹ miền Bắc của Nguyễn Ngọc Oánh: “tiễn con ra chốn chiến trường. Gạt thầm nước mắt mong đường con khô”; bà má miền Nam sau 1975 phải xẻ thân làm năm để thăm nuôi năm người con trai là quân nhân bên thua cuộc đang làm thân tù trong các trại “học tập cải tạo”: “Năm thằng con trai chiến tranh năm ngả. Khi đi ở tù năm đứa năm nơi. Má xẻ làm năm giọt lệ già nua. Má trải chia đều ba miền đất nước. Những giọt già nua đứt từng khúc ruột…” (Quang Dương).

Điều thú vị là tôi cứ tưởng các nhà thơ viết về người mẹ của mình với bao chịu đựng hy sinh cho con chắc cũng không xa mấy hình ảnh mẹ hiền đã khắc ghi trong thơ nhạc xưa nay: “bên ướt mẹ nằm, bên ráo con lăn”, “lòng mẹ bao la như biển Thái Bình…”, nhưng tôi bất ngờ còn gặp được chân dung của các bà mẹ rất khác: bà mẹ nuôi (từ mẫu). Không phải là bà mẹ nuôi vì một mình mình mồ côi mẹ, mà người mẹ với tấm lòng bao dung như nước các đại dương, nhận nuôi hết năm người con với những màu da khác biệt: “Mẹ dắt con đi dạo phố. Chiều rơi nhè nhẹ ở chân trời. dăm con: mỗi đứa màu da khác. mỗi quê hương của mỗi cuộc đời.” “…bà mẹ nuôi tấm lòng biển cả. xóa nhòa ranh giới những non sông. nhưng trong mắt mẹ đầy mưa nắng. của mỗi con chan chứa ruộng đồng.” (Hồ Tuấn Nhã). Hoặc chân dung một bà mẹ hàng xóm của nhà thơ An Nhiên đang sống trong nước. “bà là một người mẹ. một người mẹ bốn con. hai trai và hai gái. được sinh nở vuông tròn.”, nhưng “bốn con bốn tác giả. đã cộng sự cùng bà. tình yêu pha tình dục. lòng người mẹ bao la.” Người mẹ ấy, xưa nay ít ai ca ngợi vì “người đời ái ngại ngó. với chút ít coi thường. hình như ít ai thấy. người phụ nữ đáng thương.” Chính vì vậy, An Nhiên đã nhìn thấy: “nếu là thơ ca ngợi. về người mẹ Việt Nam. mẹ tôi và bà ấy. đáng chọn chữ lên trang.” (An Nhiên). Một công nhận bất ngờ, đáng khâm phục và kính trọng! Hoặc trong xã hội Việt Nam xưa và cả nay, mẹ chồng con dâu ít khi nào tương hạp, thế nhưng nhà thơ Xuân Quỳnh đã làm người đọc cảm động khi viết về “Mẹ Của Anh” một cách chân thật: “Phải đâu mẹ của riêng anh. Mẹ là mẹ của chúng mình đấy thôi. Mẹ tuy không đẻ, không nuôi. Mà em ơn mẹ suốt đời chưa xong.” (Xuân Quỳnh)…

Càng đọc, tôi càng gặp nhiều chân dung bà mẹ ông cha khác nhau, với nhiều tình thương và cảnh đời rất cảm động. Tôi nẩy ra ý định góp thêm vài thống kê nhỏ cho bản mục lục của tập sách. Có lẽ nhà biên tập, các người đọc bản thảo đã có đủ số liệu hơn tôi, nhưng họ không nêu lên cho người đọc được thấy. Tôi mạo muội làm công việc đó, theo thiển ý của tôi. Và tôi cũng để ngỏ một khoảng trống là độ chính xác về những con số “thống kê” để mời gọi bạn đọc khác hãy đọc tuyển tập và chỉ giùm chỗ sai sót của tôi.

Ghi nhận đầu tiên của tôi là thơ về mẹ nhiều hơn về cha. Có phải các nhà thơ thương mẹ hơn thương cha? Chắc là tự nhiên, con thương mẹ nhưng kính cha. Tôi tìm thấy hơn 286 bài thơ về mẹ, gấp gần 4 lần thơ về cha, khoảng 77 bài. Ngoài ra, có chừng 25 bài thơ viết cho cả cha cùng mẹ trong một bài thơ. Có tác giả chỉ viết về mẹ hoặc về cha. Người viết về mẹ nhiều nhất là nhà thơ Hoàng Xuân Sơn với 7 bài thơ. Sau đó, có 7 tác giả có riêng 5 bài về mẹ mình. Có 22 nhà thơ vừa viết thơ cho mẹ, vừa viết thơ cho cha. Thơ về mẹ, các nhà thơ gọi đủ danh xưng cho mẹ tùy theo vùng miền: MẸ, MẠ, MÁ, ME, MẸ HIỀN, MẸ NUÔI… Phần cha, được gọi: CHA, BA, BỐ, THẦY. Trong cuộc đời, mỗi khi đau thương, vấp ngã, con thường kêu mẹ hơn gọi cha, nên tôi tìm thấy 101 lần các nhà thơ kêu khóc “MẸ ƠI” trong thơ của mình, nhưng chỉ gọi “CHA ƠI” chừng 20 lần. Phải chăng vì cha nghiêm nghị, mẹ dịu hiền nên khi vịn mẹ vịn cha mà đứng trong đời, cách thế vịn cũng khác: “Lan can mẹ, mẹ khom lưng. Để con được vịn, khỏi cần nhón chân”, nhưng “Lan can ba, ba thẳng lưng… Con nhón chân, con đưa tay. Con vịn ba với cái đầu ngẩng lên.” (Trần Hoài Thư).

Về hình thức thơ, như nhà thơ Luân Hoán đã thưa trong lời đầu sách: “Nhà thơ Việt đương đại mỗi ngày mỗi đông, tân hoặc cổ hình thức…”, nhưng tất cả các nhà thơ trong tuyển tập khi viết thơ về cha về mẹ tuyệt đại bộ phận đều dùng hình thức thơ có vần, rất ít bài viết theo thể tự do, thơ văn xuôi hoăc thơ tân hình thức. Mở đầu tuyển tập là bài ngũ ngôn của nhà thơ Xuân Tâm “…Hoàng hôn phủ trên mộ. Chuông chùa nhẹ rơi rơi. Tôi biết tôi mất mẹ. Là mất cả bầu trời.”. Thơ bảy chữ, tám chữ chiếm một phần lớn, nhưng thể lục bát được sử dụng chiếm gần 1 phần tư số thơ (hơn 95 bài). Thể lục bát dễ thấm tình thương mẹ kính cha, dễ tỏ bày lòng hiếu thảo. Có rất nhiều câu lục bát rất hay, gần gụi như ca dao. “Cõng con qua hết khổ đau. Mẹ còn trơ một dáng cầu oằn cong” (Song Nguyễn). “Lạy trời đất, lạy trăng sao. Lạy sông. Lạy biển, cuốn ào rừng đi.Thân tôi nào có tiếc chi. Chỉ xin khốn khó từ bi mẹ già” (Hạ Quốc Huy)…

Cuối cùng, đọc hết các nhà thơ viết về mẹ về cha mình, tôi thấy tình cảm biết ơn vô hạn, nhớ thương tha thiết đấng sinh thành của mình trong từng câu thơ, con chữ của họ bày lên trang giấy. Bên cạnh những tình cảm cao quý đó, có người còn ân hận nói với mẹ với cha: “Con nửa đời làm thơ. Chưa câu nào cho mẹ…” (Hồ Chí Bửu), “Ta cầm hương hoa vung vãi khắp nơi. Cho mối tình đầu, tình sau, tình cuối. Thì lúc ấy mẹ ngồi trong bóng tối. Tựa cửa một mình chống chọi với mùa đông” (Lê Minh Quốc). Thưa mẹ, Thưa cha, xin thông cảm mỉn cười tha thứ cho họ, vì các đấng sinh thành đã sinh ra cho đời các nhà thơ dệt mơ dệt mộng dệt thơ cho đời đẹp thêm… Xin các nhà thơ hãy yên tâm:

“…mọi hoa trên đời đều xinh

thơ về cha mẹ lung linh vui buồn

nghìn muôn năm giữa đời thường

con người trân qúi mùi hương sinh thành.”

(Luân Hoán)

Hằng năm, vào các dịp lễ Vu Lan, lễ Cầu Hồn, Ngày của Mẹ, Ngày của Cha, chắc chắn tuyển tập “TÌNH NGHĨA MẸ CHA” (1) sẽ còn được nhiều lần mang ra đọc lại…

Chicago 6-20

————————————————————————————————————————

(1) TÌNH NGHĨA MẸ CHA, tuyển tập thơ nhiều tác giả, Nhân Ảnh 2020

Comments are closed.