Phan Văn Song: Phát biểu nhận Giải của Chủ tịch Hội đồng Giải Văn Việt lần thứ Mười

Phan Văn Song

Kính thưa quý vị trong Hội đồng Giải Văn Việt, kính thưa các vị khách quý, và kính thưa toàn thể các bạn quan tâm,

Thật bất ngờ và vô cùng vinh dự khi công việc khiêm tốn của tôi đã được ghi nhận qua giải thưởng này. Đây là một nguồn cổ vũ to lớn để tôi tiếp tục công việc của mình. Thật ra, tôi không phải là một dịch giả chuyên nghiệp. Ban đầu, trước những tuyên truyền dối trá của Trung Quốc về nhiều mặt, đặc biệt là về biển Đông, tôi cố tìm đọc các tài liệu liên quan về lịch sử và pháp lí từ nhiều nguồn để có thể phần nào nắm bắt sự việc khách quan hơn, trước hết tự giải độc cho mình và nếu có điều kiện thì lan tỏa những hiểu biết đó tới nhiều người khác qua các phương tiện có thể tận dụng được. Khi đọc tài liệu tiếng nước ngoài, sau khi lướt qua thấy có điều mới và có vẻ thú vị, tôi thường muốn nắm rõ hơn nội dung của nó và ý định của tác giả. Với tôi cách tốt nhất để có thể đạt được điều đó là tự mình chuyển ngữ thành tiếng Việt, và sẽ thật lãng phí khi không chia sẻ bản dịch hoàn thành cho những ai quan tâm. Điều đó vô hình trung biến tôi thành một dịch giả nghiệp dư, và qua Văn Việt tôi đã chia sẻ được với nhiều bạn đọc hơn công trình của tác giả Lê Oa Đằng – Từ mở rộng biên cương trên bản đồ đến xây dựng đảo nhân tạo: Lịch sử 100 năm tranh chấp biển Đông – mà Hội Đồng Giải Văn Việt lần thứ 10 đã ưu ái chọn trao giải dịch thuật hôm nay.

[Nhân đây tôi xin phép được giới thiệu một chút về cuốn sách này. Đây là cuốn thứ hai trong bộ sách hai cuốn bàn về lịch sử biển Đông của tác giả Lê Oa Đằng, một học giả khá kín tiếng của Đài Loan. Cuốn nhất có tựa là Lịch sử biển Đông bị bóp méo: Biển Đông trước thế kỉ 20 và cuốn thứ hai có tựa như đã nêu bàn về lịch sử biển Đông từ năm 1900 trở đi. Với hai cuốn sách này, tác giả đã dựng lại lịch sử biển Đông từ xưa cho đến nay, dựa trên việc xem xét một khối lượng lớn các nguồn tài liệu của Trung Quốc, Việt Nam và phương Tây mà tác giả tìm được, có liên hệ so sánh, phân tích theo một quan điểm khá trung lập các luận điểm và bằng chứng do các bên liên quan đưa ra. Đặc biệt trong cuốn sau, nội dung chủ yếu nằm trong thời hiện đại, lúc đã có luật pháp quốc tế, nên tác giả có vận dụng luật quốc tế trong các phân tích của mình. Do đề tài rộng, bao gồm một thời kì lịch sử dài, nói theo Trung Quốc là ‘tự cổ dĩ lai’*, hơn nữa việc sưu tập tài liệu và viết ra chỉ do một người hay một nhóm người (có thông tin cho rằng Lê Oa Đằng là tên chung một nhóm học giả) thực hiện nên khó lòng tránh khỏi những chỗ thiếu sót, phiến diện, thậm chí chưa đúng. Dù tác giả đề cao nguyên tắc “kiêm thính tắc minh, thiên thính tắc ám” (nghe đủ cả sẽ sáng tỏ, nghe một phần sẽ mù quáng – Đường Thái Tông) nhưng trong phân tích, so sánh đôi khi không tránh khỏi thiên vị thường tình hay do chưa có đủ thông tin. Do đó, khi đọc sách người đọc cần chú ý cảnh giác và vận dụng óc phê phán.]

Nhân dịp này, tôi muốn gửi lời cảm ơn chân thành đến Hội đồng Giải Văn Việt, đã trân trọng công việc của tôi. Tôi cũng muốn cảm ơn Văn Việt đã giúp phổ biến công trình đến đông đảo bạn đọc hơn. Nhân đây, tôi cũng muốn gửi lời cảm ơn đến hai thân hữu (không muốn nêu tên) đã giới thiệu và có những đóng góp ban đầu cho bản dịch này.

Dịch thuật không chỉ là việc chuyển đổi ngôn ngữ, mà còn là việc truyền tải văn hóa, tư tưởng và cảm xúc từ tác phẩm gốc sang ngôn ngữ đích. Tôi luôn cố gắng giữ nguyên tinh thần và giá trị của tác phẩm gốc, đồng thời cũng cố gắng truyền tải một cách chính xác và sinh động đến người đọc. Theo mục đích chính của công việc dịch thuật như đã nêu, tính chính xác được cố gắng chú trọng đến mức cao nhất có thể được. Tuy nhiên, do tác phẩm có nhiều chỗ liên quan tới lịch sử và văn hóa Trung Hoa mà tôi không thật am tường nên chắc chắc trong bản dịch sẽ có những chỗ chưa thật đảm bảo tính chính xác như ý muốn và dĩ nhiên không trông đợi bản dịch sẽ mượt mà, bóng bẩy về mặt văn chương. Rất mong bạn đọc lượng thứ.

Một lần nữa, tôi xin gửi lời cảm ơn chân thành đến Hội đồng Giải Văn Việt, và toàn thể các bạn quan tâm.

Cảm ơn quý vị!


* Có người dịch ngược qua cụm từ tiếng Anh ‘from the ancient times’ thành ‘từ thời cổ đại’ mà tôi cho là không đúng, vì cụm từ này trong tiếng Trung cũng như tiếng Anh nói tới một khoảng thời gian mơ hồ, có thể từ hàng triệu năm, hàng trăm năm, thậm chí vài chục năm trước chứ không hề có nghĩa cụ thể y như trung đại hay hiện đại.

This entry was posted in Phát biểu nhận giải Văn Việt, Số đặc biệt and tagged . Bookmark the permalink.