Đóng góp của nhà thơ – dịch giả Khế Iêm với “Thơ Mỹ – Một thời đáng nhớ”

Hoàng Hưng

Với 240 bài thơ của 59 nhà thơ Mỹ được dịch tiếng Việt và trình làng dưới hình thức song ngữ, tập “Thơ Mỹ một thời đáng nhớ” dày 700 trang là một nỗ lực thật công phu của Khế Iêm.

Dịch thơ, như Khế Iêm thừa nhận trong sách, là điều bất khả, nhưng vẫn phải dịch! Nhất là vì công chúng thơ Việt Nam được mở rộng với mức độ chưa từng có sau 1975, nhưng rất ít người có khả năng tiếp cận thơ nước ngoài nguyên bản. Điều đó góp phần quan trọng cho tình trạng… đứng tại chỗ về thẩm mỹ thơ, không thưởng thức được những sáng tạo mới mẻ, khác lạ so với truyền thống, thậm chí có khuynh hướng “bài tân” (kỳ thị cái mới) giông giống các “nhà nho” phản ứng với “Thơ Mới” (ảnh hưởng thơ Pháp) trong thập niên 1920-1930.

Thơ Mỹ – Một thời đáng nhớ chú trọng giới thiệu cho chúng ta các nhà thơ Mỹ đương đại (xuất hiện từ nửa sau thế kỷ XX), đặc biệt là các nhà thơ đi theo trường phái New Formalism (Khế Iêm dịch là “Tân Hình thức” và đã “chết tên”, nhưng tôi muốn dịch là “Tân Điển thức” – lối thơ này phản ứng lại thơ tự do, muốn hồi phục âm luật truyền thống với những dòng thơ có số âm tiết đều đặn): Elizabeth Alexander, Bruce Bawer, David Hermandez, Emily Grosholz… và hai tên tuổi nổi bật Frederic Turner, Dana Gioia.

Điểm đáng lưu ý là nhiều tác giả trong sách là những người đã trực tiếp giao lưu, cộng tác với dịch giả lâu nay như Frederic Turner, Frederic Feirtein, Tom Riordan, Dana Gioia… nên có thể giúp ông hiểu rõ hơn ý nghĩa của nguyên tác – nhiều khi không dễ nắm bắt ngay cả với người bản ngữ.

Tuy có những dòng dịch còn chưa thoả mãn người đọc về độ chuẩn ý nghĩa cũng như cái đẹp ngôn ngữ, nhìn chung Thơ MỹMột thời đáng nhớ là đóng góp mang tính “khai phá” đáng ghi nhận của Khế Iêm cho sự phát triển thẩm mỹ văn học và mở rộng tầm nhìn văn hoá của bạn đọc Việt Nam.

This entry was posted in Số đặc biệt and tagged . Bookmark the permalink.