Chung quanh vấn đề “văn mẫu” (kỳ 3): Đại dịch văn mẫu, bao giờ chấm dứt?

Mân Côi


Trong vài thập kỷ qua, tình trạng học sinh chán và sợ học môn Văn đã trở thành hiện tượng “con voi ở trong phòng”, ai cũng thấy, ai cũng biết, nhưng có vẻ như không ai muốn nêu ra vấn đề phải mổ xẻ để hiểu thật rõ tác hại của nó, tại sao chúng ta lại đi đến chỗ ấy, và làm thế nào để thoát ra. Bài của thầy Trần Đình Sử đã đem lại một góc nhìn có tính chất “kỹ thuật” giúp trả lời những câu hỏi đó. Tác giả bài này hoàn toàn đồng ý với những gì thầy Sử đã nêu, chỉ muốn nói thêm những gì chưa thật rõ.

Phải khẳng định không có cái gì làm nhục người dạy, người học, việc dạy văn và bản thân văn chương hơn là cái được gọi là văn mẫu ấy. Tất nhiên ở đây không kể những bài học thuộc lòng lấy từ ngữ liệu dân gian như ca dao, tục ngữ ở lớp vỡ lòng. Chúng ta đang nói tới thứ “văn mẫu” được học thuộc để làm bài thi. Thứ “văn mẫu” đó hoàn toàn trái ngược với mục tiêu của việc dạy và học môn ngữ văn như nó thường được hiểu xưa nay, và mới được khẳng định lại cụ thể hơn trong Chương trình Giáo dục Phổ thông ban hành năm 2018 đang có hiệu lực([1]). Khi ra đề thi và thang điểm theo lối khích lệ học thuộc văn mẫu, hệ thống giáo dục này đã giết chết hoàn toàn ý nghĩa của việc dạy và học văn trong trường phổ thông. Sẽ không có kỹ năng ngôn ngữ nào được phát triển, không có năng lực tư duy nào được hình thành, thận chí cũng không có kiến thức nào còn đọng lại, nói gì tới những rung động trước cái đẹp qua phương tiện ngôn từ, bằng những bài văn mẫu như thế.

Thậm chí, phải nói cho chính xác hơn: dạy, học và thi bằng văn mẫu đã làm tê liệt khả năng cảm thụ văn học, gây ra một định kiến và ác cảm rất khó sửa chữa đối với việc học tập nói chung và môn văn nói riêng.

Nhưng tại sao? Tại sao một thứ quái gở như thế vẫn có đất sống mấy chục năm nay ở Việt Nam?

Phải chăng là vì như thế thì nhẹ việc cho thầy cô giáo, vốn đã quá mệt mỏi với trăm thứ giấy tờ sổ sách, với gánh nặng dạy thêm, mưu sinh? Vì dạy văn mẫu thì dễ hơn nhiều so với giảng văn, chấm đề thi dựa trên văn mẫu thì cứ đếm ý cho điểm, không cần phải suy nghĩ gì?

Phải chăng là vì như thế cũng dễ cho học sinh, vì học thuộc hay quay cóp văn mẫu không khó như động não, tự mình chất vấn bản thân, tự tìm tòi, đối chiếu, phân tích, đánh giá, lật đi lật lại một vấn đề và tìm cách diễn đạt sao cho người khác hiểu đúng điều mình muốn nói?

Phải chăng là vì như thế thì sẽ nhanh chóng tạo ra một thế hệ không còn biết suy nghĩ, không thấy cần phải phân tích, đánh giá, cảm thụ bằng đầu óc của chính mình, coi việc nhắc lại lời người khác như con vẹt, bất chấp đúng sai, là bình thường, miễn là có điểm cao, thi đậu, lấy được tấm bằng? Người học, như những con chó trong thí nghiệm của Pavlov, sẽ nhanh chóng học được cách đè nén suy nghĩ, cảm xúc của bản thân, sẽ nói điều người khác muốn họ nói, lâu dần sẽ quên hẳn bản sắc cá nhân và chỉ còn tồn tại bằng cái căn cước tập thể đã được áp đặt cho họ. Một người như thế sẽ rất dễ trở thành một người thừa hành, một kẻ có tư duy nô lệ, một chiếc đinh, con ốc trong bộ máy. Đó là những tính cách cần thiết để xây dựng chế độ toàn trị.

Nhìn lại quá khứ

Nếu tham khảo câu chuyện của những người học phổ thông trước năm 1975 ở miền Nam, thậm chí cả những người học ở miền Bắc thời đó, chúng ta sẽ thấy một bức tranh khác hẳn.

Thời Việt Nam Cộng hòa giáo viên phổ thông là một vị trí nghề nghiệp được xã hội tôn trọng, được nhà nước trả lương đầy đủ[2]. Giáo viên từ phổ thông trung học được gọi là giáo sư. Giáo sư văn chương thì thôi rồi, hình ảnh phổ biến là phong nhã lịch thiệp, nội dung bài giảng hút hồn với những áng thiên cổ hùng văn, những tác phẩm lừng danh đông tây, những bài thơ hay tiểu thuyết đi theo ta suốt cả đời người. Không hiếm hiện tượng nghe thầy giảng văn, trò há hốc mồm để nghe. Và từ lớp 6 đã có giờ thuyết trình (lúc đó gọi là trần thuyết), để học sinh tự mình trình bày hay tranh luận với nhau về một vấn đề, dưới sự gợi mở của thầy. Vì thế, không có gì ngạc nhiên khi “cô tú”, “cậu tú” thời đó (tương đương với tốt nghiệp phổ thông hiện nay) đã ra dáng người trí thức, ăn nói lưu loát, viết lách chuẩn mực, dùng từ có suy xét cẩn trọng, và nhất là, có khả năng suy nghĩ và đánh giá độc lập.

Người viết bài này từng có trải nghiệm những giờ học giảng văn như thế nên có thể hiểu tại sao. Học văn là một hành trình tự khám phá và tái tạo tác phẩm trong trí tưởng tượng của mình. Cái thật sự là Truyện Kiều không phải là 3.254 câu hay 22.778 chữ, mà là cái ở trong trí tưởng tượng của mỗi chúng ta, tức đã được cộng thêm với kinh nghiệm, vốn sống, cảm xúc của từng người, vốn không ai giống ai. Thầy giáo có thể trình bày cái tác phẩm trong tâm trí mình như một cách thị phạm, nhưng chủ yếu vẫn là hướng dẫn người học khám phá những ý nghĩa cộng hưởng giữa ngôn từ của tác phẩm và bản sắc tâm hồn của người học, khơi gợi những cảm xúc, khát vọng, suy tư về cái đẹp, về cái chân, cái thiện. Bằng cách đó, người học không chỉ hiểu về những xã hội và con người được phản ánh trong văn học, mà còn tìm hiểu, khám phá và phát triển bản thân, với tư cách là một con người cá nhân. Vì thế mà hành trình đó thật hứng thú, đầy đam mê và hữu ích. Sau này vào đời, mỗi người có một nghề nghiệp, lãnh vực chuyên môn khác nhau, nhưng dù là ai, làm công việc gì, trên bậc thang nào trong xã hội, chẳng phải chúng ta đều vẫn trước hết là con người và đều cùng chia sẻ những câu hỏi chung về ý nghĩa của cuộc sống, đều cùng cần đến những hiểu biết về lòng người để đi hết cuộc đời?

Ngay cả ở miền Bắc xã hội chủ nghĩa trước đây, cho dù xác định “nghệ thuật vị nhân sinh” (Lấy cán bút làm đòn xoay chế độ, mỗi vần thơ bom đạn phá cường quyền – Sóng Hồng/Trường Chinh), cho dù mục tiêu giáo dục được coi là “đào tạo con người mới xã hội chủ nghĩa”, tức con người “có tinh thần làm chủ tập thể”, “hồng hơn chuyên”, cũng vẫn không hề có việc dạy, học và ra đề thi dựa trên học thuộc lòng văn mẫu. Tuy có nhấn mạnh đến căn cước tập thể và có cái nhìn khá dè chừng với khái niệm cá nhân, các nhà giáo dục và nghiên cứu văn chương thời ấy vẫn hiểu được nguyên lý căn bản của văn học nghệ thuật, là dựa trên cá tính sáng tạo của tác giả và cảm thụ cá nhân của người đọc. Xóa bỏ sự cảm thụ rất riêng của người học và giản lược tác phẩm văn học thành những ý chính gạch đầu dòng, những “biện pháp nghệ thuật” được liệt kê, là giết chết việc dạy và học văn, là tước đi tất cả mọi niềm vui và hứng thú với cái đẹp, cái thiện, cái chân, là hủy hoại động lực hiểu cho thật rõ, thật chính xác về khả năng diễn tả của ngôn từ. Mà đã không hiểu những gì ngôn từ có thể diễn đạt, thì làm sao có thể sử dụng ngôn ngữ cho chuẩn xác?

Lối ra?

Văn mẫu đã trở nên thịnh hành suốt ba chục năm qua, hẳn là có những lý do sâu xa hơn những gì ta thấy trên bề mặt, và tác hại của nó, đương nhiên không thể xóa được hết ngày một ngày hai.

Tác hại của nó không chỉ là cả thầy lẫn trò đều chán ghét môn văn, chán luôn cả việc học, từ đó khiếm khuyết về năng lực sử dụng ngôn ngữ cho việc tư duy và diễn đạt. Tác hại đó còn là kém phát triển về khả năng tư duy độc lập, mà hệ quả trực tiếp của nó là kém cỏi trong kỹ năng giải quyết vấn đề, chưa nói đến năng lực giao tiếp và khả năng sáng tạo. Mà ngày nay, những việc không cần tới sáng tạo (thậm chí, kể cả những công việc đòi hỏi sáng tạo), máy móc, robot, trí thông minh nhân tạo đã đảm nhận cả rồi, nếu con người mà không có năng lực giao tiếp/sáng tạo ở mức độ cao, thì làm sao cạnh tranh trên thị trường toàn cầu?

Tân Bộ Trưởng đã có ý kiến cần xóa bỏ văn mẫu. Chương trình Giáo dục Phổ thôngTổng thể cũng nhấn mạnh mục tiêu và những yêu cầu cần đạt của môn Ngữ văn cho từng cấp học, những thứ chắc chắn không thể nào đạt được nếu vẫn duy trì lối dạy, học và ra đề thi dựa trên văn mẫu như hiện nay.

Để xóa bỏ nó, thì cách trực tiếp nhất là thay đổi cách ra đề và cách “đánh giá thành tích” của các địa phương, như bài của thầy Trần Đình Sử đã nêu.

Việc đó không khó, chỉ cần một chút “quyết tâm chính trị” là làm được. Nhưng khó hơn nhiều là việc thay thế nó bằng việc dạy và học văn sao cho đạt được mục tiêu đã xác định (thực ra là Chương trình Giáo dục Phổ thông Tổng thể đã xác định mục tiêu này khá khiêm tốn và thực tế, nhấn mạnh vào ngữ hơn là văn). Để làm được vậy thì cần thay đổi cách đối xử với người thầy, trong đó có cách đào tạo và quản lý chuyên môn. Chẳng phải việc chấm bài môn văn bằng cách đếm ý tính điểm đã dựa trên một giả định là không thể đặt niềm tin vào người chấm (không đủ trình độ, thiếu công bằng và khách quan, tham nhũng, v.v.)?

Nhưng xóa bỏ văn mẫu là đặt gánh nặng phải suy nghĩ lên vai giáo viên, những người đã quá quen với văn mẫu, và bản thân họ cũng đã lớn lên trong nền giáo dục văn mẫu. Để họ hiểu và thực hành được việc dạy ngữ văn không cần dựa vào văn mẫu, để họ cùng chia sẻ mục tiêu của môn ngữ văn trong trường phổ thông và thực hiện được nó, cần nhiều thời gian và nỗ lực.

Nhưng đường dài vạn dặm bắt đầu bằng một bước chân. Lẽ nào cách đây mấy chục năm, miền Nam thời Việt Nam Cộng hòa làm được, miền Bắc Dân chủ Cộng hòa làm được, mà ngày nay chúng ta không thể làm được?


[1] Có thể nêu vắn tắt là bao gồm phát triển năng lực ngôn ngữ (ví dụ như: viết được văn bản nghị luận và văn bản thông tin, có đề tài tương đối phức tạp; có thái độ cầu thị và kỹ năng /văn hoá tranh luận phù hợp, v.v.), và phát triển năng lực văn học (ví dụ như phân tích và đánh giá văn bản văn học dựa trên những hiểu biết về phong cách nghệ thuật và lịch sử văn học, phân tích được đặc điểm của ngôn ngữ văn học, câu chuyện, cốt truyện và cách kể chuyện; nhận biết và phân tích được một số đặc điểm phong cách nghệ thuật trong văn học, v.v.).

[2] Một con số tham khảo để tạm hình dung: lương giáo viên tiểu học năm 1969 khoảng 10.000 đồng, còn vàng thì giá khoảng 5-6 ngàn một lượng, nếu tính theo giá hiện nay thì tiền lương đó tương đương với khoảng trên 100 triệu đồng/tháng. Tấm hình cô giáo tiểu học thời Việt Nam Cộng hòa bắt tay tổng thống Mỹ Nixon khi ông thăm lớp học cũng cho thấy thần thái và tư cách của giáo viên thời đó.

Comments are closed.