Thơ Heinrich Heine: Người muôn vẻ khác

Phạm Kỳ Đăng dịch

Lời người dịch: Tập thơ thứ hai của Heinrich Heine xuất bản năm 1844 tại nhà in Hoffmann und Campe, Hamburg dâng hiến cho người đọc một chùm các bài toàn bộ mang tên riêng của đàn bà con gái Seraphine, Angelique, Diana, Hortensee, Clarisse, Emma, Friedrike, Katarina, Yolante và Maria, tập hợp dưới tiêu đề Người muôn vẻ khác (Verschiedene). Mới đầu việc in ấn không mấy suôn sẻ, bởi chính một nhà văn bạn ông đã cảnh báo nhà xuất bản và tác giả về sự “vô đạo hạnh” và thậm chí khuyên Heine đừng đưa vào tập. Vừa sau khi tập thơ ra mắt, một số nhà phê bình không tiếc những lời dè bỉu về thứ thơ ca ngợi “gái trăng hoa”, “tục tĩu, điếm đàng” và tác giả đã trượt dốc thành “nạn nhân của xúc cảm nhục dục”.


Cơ bản dễ nhận thấy, hành vi và tâm tính những người đẹp đứng ở nhiều vị trí khác nhau, không còn phù hợp, tương thích với khuôn mẫu của người đẹp lưu truyền từ thời Kinh Thánh được ngợi ca trong nghệ thuật vô cùng thoát tục và thoát dục, khi những khía cạnh đạo đức và tôn giáo được đẩy lên phía trước. Nào đâu còn thấy ở đây mẫu đàn bà nhẫn nhịn, hy sinh, cam chịu, thiêng liêng và tôn quí, thăng hoa trong hình ảnh Đức Mẹ Sầu Bi.

Ta thấy ở đây bóng dáng những người phụ nữ sau Cách mạng Pháp, thời kỳ Trùng hưng và Cách mạng tư sản 1848 tại Đức. Biến động xã hội đã tạo ra những cuộc tranh luận về giới tính; và người đàn bà của xã hội công dân – tư sản ý thức được giá trị của cá thể, bắt đầu tham gia vào hiệp hội và lên tiếng về nữ quyền.

Tác giả của tập thơ tình nổi tiếng nhất thế giới (Tập Tình ca), cũng không chỉ riêng ca một giọng điệu buồn thương bi lụy với mối tình khổ đau mất mát. Ông khắc họa những người đàn bà của mình với nhiều cung bậc tình cảm; rất nhiều khi độc giả nghe tiếng ông khúc khích cười.

Thơ tình trình bày một cách nhìn hướng vào giới khác, ở đó tác giả, là Petrarca, Shakespeare, John Donne, Goethe hay Heine cũng vậy, họ đóng vai trò cái tôi văn học miêu tả một người đàn bà có thực trong đời hay được ảo hóa. Lịch sử quan niệm tình yêu cũng không thể tách rời khỏi lịch sử quan niệm về người đàn bà.

Quan trọng, những người đẹp trong tập thơ mang lại cho tác giả và cho cả chúng ta một phương diện, một tầm nhìn ra người đồng thời, và có khi nhiều hơn nữa (ND).

SERAPHINE

 

I.

Anh thong thả dạo trong rừng tối

Trong cánh rừng mộng mơ,

Luôn bên anh bước dật dờ

Hình dáng em thanh tú.

 

Chẳng phải đó mạng che màu trắng?

Chẳng phải sao gương mặt em dịu dàng?

Hay chỉ là ánh sáng trăng đang

Ló chiếu qua rặng thông tối sẫm?

 

Phải đó là những giọt nước mắt?

Của riêng anh, anh nghe tiếng rỏ thầm

Hay là thực, em yêu đang khóc

Đi bên anh cùng sánh bước chân?

 

II.

Bên bờ cát đại dương yên ả

Màn trời đêm trùm phủ lên đây

Vầng trăng lách ra khỏi đám mây

Và thầm thì trên trùng sóng vỗ:

 

“Cái gã con người kia đứng đó

Gã tương tư hay mắc bệnh điên,

Bởi gã trông hào hứng, ưu phiền

Sao ưu phiền và đồng thời hào hứng?”

 

Thế đó vầng trăng cười vọng xuống

Và nói bằng giọng sáng óng tơ:

“Gã người đó tương tư và điên dại,

Thêm nữa còn là một nhà thơ”.

 

III.

Kia một con hải âu trắng,

Tôi nhìn nơi đó lượn chao,

Uy nghi trên làn sóng sẫm;

Vầng trăng cao tít trời cao.

 

Con cá mập, con cá đuối

Tung lên từ biển chộp mau

Biển dâng, hải âu chìm xuống;

Vầng trăng cao tít trời cao.

 

Ôi hồn yêu thương, thoáng nét

Rụt rè, và đớn đau sao!

Mặt nước gần linh hồn quá;

Vầng trăng cao tít trời cao.

 

IV.

Rằng em yêu anh, anh biết,

Anh phát hiện đã lâu rồi;

Thế mà khi em thú nhận,

Làm anh giật bắn cả người.

 

Anh trèo ngay lên ngọn núi

Và reo lên và hát ca,

Anh ra bờ biển, và khóc

Khi vầng dương lặn, chiều tà.

 

Tim anh như mặt trời vậy

Trông kia đang bốc lửa hồng,

Trên biển tình yêu hạ xuống

Đắm chìm rực rỡ, mênh mông.

 

V.

Hải âu nhìn sang đây mới

Tò mò ta quá đi thôi,

Bởi vì anh áp chặt vậy

Tai anh vào với làn môi.

 

Con hải âu rất muốn biết

Gì nơi em tỏa từ môi?

Em rót tai anh đầy những

Nụ hôn hay đó những lời!

 

Nếu như chỉ riêng anh biết

Điều chi ríu rít trong hồn!

Bao lời và những chiếc hôn

Trộn lẫn vào nhau tuyệt diệu.

 

VI.

Như một con nai nhút nhát

Trốn tôi, nàng thoắt như nai

Trèo mỏm này sang mỏm khác,

Tóc nàng trong gió tung bay.

 

Đến triền đá xuôi xuống biển

Tôi đã đuổi kịp được nàng,

Tôi âu yếm nói dịu dàng

Khiến trái tim nàng cảm động.

 

Ngồi đây cao như trời rộng

Chúng tôi khoan khoái như trời,

Dưới chân, tối thẫm biển khơi

Mặt trời dần dần đổ bóng.

 

Mặt trời huy hoàng chìm xuống

Biển đen sẫm tối dưới chân;

Sóng trào tới đó rì rầm

Với niềm sướng vui hoang dã.

 

Ôi nàng đừng khóc, mặt trời

Không mất đâu trong ngọn sóng;

Mặt trời với bao lửa nóng

Nấp vào trong trái tim tôi.

 

VII.

Trên đá tảng chúng ta kiến thiết

Ngôi nhà thờ Tân Ước mai sau,

Kinh Tân Ước thứ ba mới hẳn,

Cực khổ qua hết mức khổ đau.

 

Đã hủy sạch riêng tây đôi ngả

Khiến chúng ta mê muội lâu nay;

Sự hành hạ xác thân ngu xuẩn

Kết cục rồi thế đó dừng tay.

 

Trong biển tối em có nghe thấy Chúa?

Với trăm ngàn giọng nói cất lời

Thấy không em, trên đầu ta đó

Muôn ngàn tia sáng Đức Chúa Trời?

 

Chúa thiêng liêng ngự trong ánh sáng

Cũng như trong tăm tối gần xa,

Chúa là tất cả, gì hiện hữu

Ngài ở trong những nụ hôn ta.

 

VIII.

Màn đêm xám phủ trên biển cả

Và nhiều sao lấp lánh nhỏ li ti,

Thư thoảng vang vang trên mặt nước

Những tiếng người dài giọng kéo đi.

 

Gió phương Bắc cỗi già nơi đó

Đang nô đùa với sóng biển trụi trần,

Nhảy múa như giàn sáo đại phong cầm

Khoa trương như đại phong cầm no sáo.

 

Nửa tiêu sơ và nửa thiên chúa giáo,

Ngân lên giai điệu đó tiêu tao,

Và can đảm vươn tới tầng cao,

Khiến trên đó những ngôi sao mừng rỡ.

 

Những vì sao, luôn to thêm kích cỡ

Đang bừng bừng với đám cháy đam mê,

Kết cục lớn như những mặt trời kia

Trên bầu trời vòng quanh lơ lửng.

 

Tới nhạc tấu, vang lên bên dưới chúng

Xoáy cồn lên những điệu khúc mê tơi;

Đó là những chim dạ oanh mặt trời,

Đang lượn bay quanh trên cao tỏa sáng,

 

Và rào rạt, quật ầm ào hùng tráng,

Tôi nghe trời và biển hát ca;

Và tôi cảm cơn hứng bao la

Ùa vào trái tim tôi như dông tố.

 

IX.

Nụ hôn bóng gió, tình yêu bóng gió

Cuộc đời đồng bóng, tuyệt vời!

Em tin rằng mọi thứ, em điên ơi

Không thay đổi, mãi là thật sự?

 

Gì thương mến chắc chắn ta chiếm ngự

Tan biến đi như như giấc mơ thôi

Và những con tim quên lãng,

Những con mắt díu ngủ vùi.

 

X.

Cô nương bên bờ biển

Rầu rĩ đứng thở dài:

Mặt trời lặn mất rồi

Lòng cô bao xúc động.

 

“Vui lên nào, cô bạn!

Vẫn vở cũ mà thôi!

Mặt trời lặn đầu trước

Trở lại từ đằng đuôi”.

 

XI.

Thuyền anh với những cánh buồm đen lướt

Băng băng trên biển cả hoang sơ;

Lòng anh rất buồn ra sao, em biết

Em làm anh rất tủi nhục, vô bờ.

 

Trái tim em, không thủy chung như gió

Ngả chiều này sang chiều khác phất phơ;

Thuyền anh với những cánh buồm đen lướt

Băng băng trên biển cả hoang sơ.

 

XII.

Em ăn ở sao tệ bạc,

Anh không giấu trước người đời;

Anh ra tít tắp biển khơi

Kể cho cá tôm nghe tuốt.

 

Anh giữ cho em tiếng tốt

Chỉ riêng trên mặt đất liền;

Đại dương khắp chốn, tuy nhiên

Họ biết nỗi em nhục nhã.

 

XIII.

Trùng trùng kéo những con sóng tung bọt

Hẳn tới bờ xanh;

Chúng cuộn dâng và vỡ tan tành

Hẳn trên cát sỏi.

 

Cường tráng và to lớn chúng đi tới,

Chẳng nghỉ ngưng chi,-

Kết cục chúng trở nên gay gắt,

Với ta phỏng giúp được gì?

 

XIV.

Tảng đá ký tự nhô trên biển

Tôi ngồi đây với những giấc mơ.

Hải âu gào, gió rít âm u,

Những con sóng thong dong và ngầu bọt.

 

Tôi đã mến yêu vài cô bé đẹp

Và đôi ba cậu trai trẻ tốt lòng,-

Họ giạt về đâu? Gió âm u thổi

Sóng bọt tung và dạo thong dong.

 

XV.

Biển cả chiếu huy hoàng trong nắng,

Như thể vàng mười.

Anh em ơi, nếu như tôi chết,

Hãy buông thân tôi xuống biển khơi.

 

Tôi đã luôn yêu thật nhiều biển cả,

Đại dương thường với sóng triều êm

Làm tim tôi dịu nỗi ưu phiền;

Ta từng đối đãi nhau ưu ái.


Nguyên tác tiếng Đức:

SERAPHINE

I.

Wandl ich in dem Wald des Abends,

In dem träumerischen Wald,

Immer wandelt mir zur Seite

Deine zärtliche Gestalt.

Ist es nicht dein weißer Schleier?

Nicht dein sanftes Angesicht?

Oder ist es nur der Mondschein,

Der durch Tannendunkel bricht?

Sind es meine eignen Tränen,

Die ich leise rinnen hör?

Oder gehst du, Liebste, wirklich

Weinend neben mir einher?

II

An dem stillen Meeresstrande

Ist die Nacht heraufgezogen,

Und der Mond bricht aus den Wolken,

Und es flüstert aus den Wogen:

Jener Mensch dort, ist er närrisch,

Oder ist er gar verliebet,

Denn er schaut so trüb und heiter,

Heiter und zugleich betrübet?

Doch der Mond, der lacht herunter,

Und mit heller Stimme spricht er:

Jener ist verliebt und närrisch,

Und noch obendrein ein Dichter.

III

Das ist eine weiße Möwe,

Die ich dort flattern seh

Wohl über die dunklen Fluten;

Der Mond steht hoch in der Höh.

Der Haifisch und der Roche,

Die schnappen hervor aus der See,

Es hebt sich, es senkt sich die Möwe;

Der Mond steht hoch in der Höh.

Oh, liebe, flüchtige Seele,

Dir ist so bang und weh!

Zu nah ist dir das Wasser,

Der Mond steht hoch in der Höh.

IV

Daß du mich liebst, das wußt ich,

Ich hatt es längst entdeckt;

Doch als du mirs gestanden,

Hat es mich tief erschreckt.

Ich stieg wohl auf die Berge

Und jubelte und sang;

Ich ging ans Meer und weinte

Beim Sonnenuntergang.

Mein Herz ist wie die Sonne

So flammend anzusehn,

Und in ein Meer von Liebe

Versinkt es groß und schön.

V

Wie neubegierig die Möwe

Nach uns herüberblickt,

Weil ich an deine Lippen

So fest mein Ohr gedrückt!

Sie möchte gerne wissen,

Was deinem Mund entquillt,

Ob du mein Ohr mit Küssen

Oder mit Worten gefüllt?

Wenn ich nur selber wüßte,

Was mir in die Seele zischt!

Die Worte und die Küsse

Sind wunderbar vermischt.

VI

Sie floh vor mir wie ‘n Reh so scheu,

Und wie ein Reh geschwinde!

Sie kletterte von Klipp zu Klipp,

Ihr Haar, das flog im Winde.

Wo sich zum Meer der Felsen senkt.

Da hab ich sie erreichet,

Da hab ich sanft mit sanftem Wort

Ihr sprödes Herz erweichet.

Hier saßen wir so himmelhoch,

Und auch so himmelselig;

Tief unter uns, ins dunkle Meer,

Die Sonne sank allmählich.

Tief unter uns, ins dunkle Meer,

Versank die schöne Sonne;

Die Wogen rauschten drüber hin,

Mit ungestümer Wonne.

O weine nicht, die Sonne liegt

Nicht tot in jenen Fluten;

Sie hat sich in mein Herz versteckt

Mit allen ihren Gluten.

VII

Auf diesem Felsen bauen wir

Die Kirche von dem dritten,

Dem dritten neuen Testament;

Das Leid ist ausgelitten.

Vernichtet ist das Zweierlei,

Das uns so lang betöret;

Die dumme Leiberquälerei

Hat endlich aufgehöret.

Hörst du den Gott im finstern Meer?

Mit tausend Stimmen spricht er.

Und siehst du über unserm Haupt

Die tausend Gotteslichter?

Der heilge Gott der ist im Licht

Wie in den Finsternissen;

Und Gott ist alles was da ist;

Er ist in unsern Küssen.

VIII

Graue Nacht liegt auf dem Meere,

Und die kleinen Sterne glimmen.

Manchmal tönen in dem Wasser

Lange hingezogne Stimmen.

Dorten spielt der alte Nordwind

Mit den blanken Meereswellen,

Die wie Orgelpfeifen hüpfen,

Die wie Orgelpfeifen schwellen.

Heidnisch halb und halb auch kirchlich

Klingen diese Melodeien,

Steigen mutig in die Höhe,

Daß sich drob die Sterne freuen.

Und die Sterne, immer größer,

Glühen auf mit Lustgewimmel,

Und am Ende groß wie Sonnen

Schweifen sie umher am Himmel.

Zur Musik, die unten tönet,

Wirbeln sie die tollsten Weisen;

Sonnennachtigallen sind es,

Die dort oben strahlend kreisen.

Und das braust und schmettert mächtig,

Meer und Himmel hör ich singen,

Und ich fühle Riesenwollust

Stürmisch in mein Herze dringen.

IX

Schattenküsse, Schattenliebe,

Schattenleben, wunderbar!

Glaubst du, Närrin, alles bliebe

Unverändert, ewig wahr?

Was wir lieblich fest besessen,

Schwindet hin, wie Träumerein,

Und die Herzen, die vergessen,

Und die Augen schlafen ein.

X

Das Fräulein stand am Meere

Und seufzte lang und bang,

Es rührte sie so sehre

Der Sonnenuntergang.

Mein Fräulein! sein Sie munter,

Das ist ein altes Stück;

Hier vorne geht sie unter

Und kehrt von hinten zurück.

XI

Mit schwarzen Segeln segelt mein Schiff

Wohl über das wilde Meer;

Du weißt, wie sehr ich traurig bin,

Und kränkst mich doch so schwer.

Dein Herz ist treulos wie der Wind

Und flattert hin und her;

Mit schwarzen Segeln segelt mein Schiff

Wohl über das wilde Meer.

XII

Wie schändlich du gehandelt,

Ich hab es den Menschen verhehlet,

Und bin hinausgefahren aufs Meer,

Und hab es den Fischen erzählet.

Ich laß dir den guten Namen

Nur auf dem festen Lande;

Aber im ganzen Ozean

Weiß man von deiner Schande.

XIII

Es ziehen die brausenden Wellen

Wohl nach dem Strand;

Sie schwellen und zerschellen

Wohl auf dem Sand.

Sie kommen groß und kräftig,

Ohn Unterlaß;

Sie werden endlich heftig –

Was hilft uns das?

XIV

Es ragt ins Meer der Runenstein,

Da sitz ich mit meinen Träumen.

Es pfeift der Wind, die Möwen schrein,

Die Wellen, die wandern und schäumen.

Ich habe geliebt manch schönes Kind

Und manchen guten Gesellen –

Wo sind sie hin? Es pfeift der Wind,

Es schäumen und wandern die Wellen.

XV

Das Meer erstrahlt im Sonnenschein,

Als ob es golden wär.

Ihr Brüder, wenn ich sterbe,

Versenkt mich in das Meer.

Hab immer das Meer so liebgehabt,

Es hat mit sanfter Flut

So oft mein Herz gekühlet;

Wir waren einander gut.

©® Phạm Kỳ Đăng và Văn Việt

Comments are closed.