Boléro, đất, biển và người

Nguyễn Hoàng Văn

Thỉnh thoảng chúng ta lại chứng kiến một “trận” boléro mà, “trận” nào cũng vậy, cuộc tranh luận văn hóa lẽ ra phải tới nơi tới chốn này chỉ rộ lên rồi xẹp xuống nửa vời với sự áp đảo của số đông, cái số đông kết nối không chỉ bằng thị hiếu âm nhạc mà cả bằng đầu óc địa phương chủ nghĩa.[1]

Như gần đây nhất sau phát biểu của một ca sĩ đất Bắc và những lời chì chiết “sến-sang” tiếp nối từ số đông lấn lướt thế thắng, cái cung cách hờn mát lẽ ra chỉ thấy ở bên thua cuộc.[2] Phe thắng, như thế, chẳng mấy tự tin. Bên bại trận thì, hẳn nhiên, tra gươm vào vỏ trong tâm thế bất phục. Và cuộc tranh luận, do đó, lại đâm vào ngõ cụt.

Một ngõ cụt không lối thoát y như cái phần số lẩn quẩn theo điệu buồn boléro số kiếp của chúng ta, như một cộng đồng, một dân tộc, một quốc gia. Phải chăng, chúng ta còn bạc nhược, còn tiếp tục chấp nhận tình trạng bị tước đoạt tiếng nói là vì, phần nào đó, chúng ta càng ngày càng mê hoặc thứ âm nhạc nhừa nhựa dĩ vãng vàng son và tình đời cay đắng dở dang này?

Dĩ nhiên là tội vạ không thuộc về ca điệu mỏi mòn thương hận mượn vay mà đó, chẳng qua, chỉ là một triệu chứng bên ngoài. Vấn đề là chúng ta đang sống với những căn tính nào đó, đã thích nghi để tồn tại với môi trường chính trị – xã hội như thế nào đó để rồi, như một hệ quả, chúng ta trở nên quen tai quen miệng và thậm chí, đang trên đà nâng cái nhịp nhạc mỏi mòn này thành một thứ “quốc nhạc”. Chính những căn tính đó, chính cách thích nghi để tồn tại đó đã đông lạnh chúng ta trong tư thế nhẫn nhịn với tình trạng bị đè đầu.

Nhưng đầu tiên phải định rõ chia cách sến-sang. Tự gọi mình “sang” rồi dè bĩu “sến” cho một dòng hay trào lưu âm nhạc là một thái độ trịch thượng trong khi tư thế trưởng giả ấy cũng chẳng vững vàng gì. Nhạc sĩ Cung Tiến từng khẳng định rằng những tác phẩm đầu đời của mình, như “Thu Vàng”, chỉ là một dạng “bài tập” của thuở tập tành làm nhạc sĩ vậy mà, vẫn có không có ít người, an nhiên vớ lấy như là biểu hiện của sự sang cả.[3] Mà, không kể mấy tác phẩm sang trọng dạng “bài tập” ấy, ai có thể cảm nhận được sự “sang cả” nào trong thứ âm nhạc hô hào chém giết và ca tụng những thần tượng giả mạo?

Và cũng phải giải thích rõ thêm cái đuôi “số kiếp” thêm vào. Đó chỉ là cách để tạm phân biệt thứ boléro nội hóa nhừa nhựa của chúng ta so với boléro nguyên mẫu. Những khúc hát boléro sống động của các ca sĩ Mỹ La-tinh cũng đâu có chảy nhựa như là những lời ca phát ra từ cái miệng của Chế Linh, từ cái lưỡi của Thanh Tuyền, đôi môi của Giao Linh, Tuấn Vũ? Bố cục những ca khúc ruột của họ với tiểu kết cấu chát – chát – chát – chát – chum – chát – chum – chát – chùm, là một bố cục nặng tính tự sự, rất dễ hòa nhập với thói quen ngòn ngọt chuyện mùi của chúng ta.[4]

Mùi như là đời của những Kiều cô, Kiều cậu. Đừng nghe ca ve kể chuyện, đừng nghe thằng nghiện trình bày, ngạn ngữ đương đại phát sinh từ đất Bắc này khuyên chúng ta hãy cẩn thận, chớ vội phí phạm lòng tin bởi “câu chuyện đời tôi” của họ, anh hay ả, lúc nào cũng bi thảm, cũng chẳng đặng đừng, cũng đáng thương hơn là đáng trách, cũng chữ trinh kia có ba bảy đường. Nghĩa là mùi mẫn, giống hệt những tuồng cải lương.

Cải lương lại làm tôi nhớ đến một đoạn đối thoại trong pho truyện gây tranh cãi của Nguyễn Mạnh Tuấn một thời, cái thời rậm rịch đổi mới theo… thời trước. Cái thời thiếu thốn toàn diện ấy – thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu thông tin, sách vở – tôi đã đọc liền một mạch khi vớ được Cù Lao Tràm để rồi quên sạch nhưng, mãi đến nay, sau hơn 30 năm, vẫn nhớ chính xác, ít ra cũng là 95 phần trăm, tôi tin vậy, lời thoại của một nhân vật về thứ âm nhạc luôn man mác một nỗi u hoài vì ra đời trong hoàn cảnh mất nước: “Có lắng nghe lời trai gái yêu nhau, có đọc các bài văn của các em học sinh, chúng ta mới thấy được cái hại của cải lương.”[5]

Nhân vật ấy là một giáo viên, nghĩa là một bậc trí thức làng. Anh trí thức làng trình bày với nữ bí thư một xã ở miền Tây Nam bộ, là đỉnh cao của quyền lực làng. Cù Lao Tràm xuất bản năm 1985 và trước đó gần 40 năm vùng đất này từng nằm trong bàn tay ngự trị của một bộ đôi đố kỵ cải lương tương tự, ông Lê Duẩn, Bí thư Xứ ủy Nam bộ, và ông Lưu Quý Kỳ, Giám đốc Sở Tuyên truyền Văn nghệ Nam bộ. Không cổ vũ quân dân đã đành, cải lương còn làm cùn nhụt ý chí chiến đấu của họ, ông bí thư nghĩ thế. Và ông giám đốc họ Lưu, kẻ đã láu cá chiếm giữ vai trò “trí thức đảng” độc quyền tại Nam bộ bằng cách học thuộc lòng tài liệu của trung ương rồi đốt sạch để đoan chắc không lọt vào tay ai khác, lại… láu cá tâng công bằng một lệnh cấm tức thời để rồi không lâu sau đó phải đấm ngực sửa sai.[6]

Cấm mà không chịu khó thăm dò trước sau và hậu quả là những vụ dinh tê hàng loạt. Viên lãnh chúa cách mạng là người Quảng Trị còn viên nịnh thần đầu cơ đoảng là người Quảng Nam. Ông lãnh chúa gốc miền Trung không hiểu người Nam bộ dù được bộ máy kháng chiến trao trọn trọng trách tại vùng đất đã khai sinh cải lương đã đành. Nhưng bậc “trí thức đảng” nắm trọng trách “tuyên truyền văn nghệ” đã hoàn toàn không nắm rõ bản chất của việc tuyên truyền bởi, nếu những nông dân Nam bộ dễ xúc động trước những cảnh đời éo le trong các tuồng tích cải lương bao nhiêu, họ sẽ càng ngọt tai với các tuồng tích về lãnh tụ đảng mà ông ta có nhiệm vụ phải nhét vào tai họ bấy nhiêu. “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, lãnh tụ đảng dạy thế. Nhưng “độc lập tự do”, với những nông dân theo kháng chiến này, cũng ngụ ý là tự do xuống xề, là tự do ngân nga và tự do gật gù trọn vẹn sáu câu. Vì họ tin theo lời dạy này nên mới liều mình theo kháng chiến thế nhưng chưa giành được “độc lập tự do” từ tay thực dân, họ đã bị tước đoạt sạch “tự do độc lập” với thứ âm nhạc đã thành máu thịt của mình: chọn lựa duy nhất là từ bỏ kháng chiến.

Câu chuyện bi hài này chưa phải là va chạm âm nhạc – chính trị đầu tiên. Trước đó hơn năm thế kỷ là xung đột giữa nhóm của đại công thần Nguyễn Trãi với nhóm của hoạn quan Lương Đăng mà thế thắng nghiêng về phía hoạn quan. “Kể ra, thời loạn dùng võ, thời bình chuộng văn. Nay đúng là lúc nên làm Lễ Nhạc. Song không có gốc thì không đứng được, không có văn thì không hành được. Hòa bình là gốc của nhạc, thanh âm là văn của nhạc….” câu chuyện bất đầu từ dự án “quốc nhạc” mà Nguyễn Trãi dâng lên Lê Thái Tôn để rồi chệch hẳn khỏi ý tưởng ban đầu với bàn tay sáng tạo của viên hoạn quan. Cuộc tranh luận về lễ nhạc bị chuyển hóa thành một xung đột chính trị và giới nho thần trịch thượng đã nhận lãnh một cái kết thảm khốc sau những thủ đoạn thâm cung của giới hoạn quan, là giới nắm rõ hơn ai hết sở thích trần tục của bậc quân vương trọn quyền sinh sát.[7]

Kẻ thắng trong những trò chơi chính trị luôn là kẻ nắm bắt được tâm lý trần tục từ phía của quyền lực, quyền lực trong tay bậc quân vương hay quyền lực từ sức mạnh của đám đông. Mà cả bậc quân vương, để yên vị là đấng quân vương, họ cũng phải nắm cho bằng được cái đám đông mệnh danh là bình dân, quần chúng. Mà đám đông bình dân này thì luôn dễ dãi lòng tin trước những câu chuyện bi, mùi. Thế cho nên, chính trị của kẻ thắng, luôn luôn, là một thứ chính trị của tích tuồng mùi.

Mùi như kẻ thắng cuộc chính trị lớn nhất trên đất nước chúng ta trong gần ba phần tư thế kỷ qua. Nấp dưới cái tên giả Trần Dân Tiên rồi T. Lan, ông ta hì hục kể lể những câu chuyện đời hoạt động bi thảm và vô lý. Chuyện đấu tranh của một nhà cách mạng mà chỉ quẩn quanh với những sinh hoạt đời sống như ăn, uống, ngủ, ỉa và cao tay là những trận đôi co lý sự về chính trị thì chẳng có ý nghĩa gì to tát cả thế nhưng nó, bất kể vô lý đến đâu, cũng tỏ ra được việc bởi cái mà ông ta nhắm đến là giới bình dân có thói quen phí phạm niềm tin.[8]

Nếu việc phân định “sến-sang” hàm ý một thái độ trịch thượng thì, dẫu phải đạo chính trị đến đâu đi nữa, chúng ta không thể nào né tránh sự phân hạng cao thấp giữa hai hệ giá trị “tinh hoa” và “bình dân”. Nhạc boléro số kiếp, rõ ràng, là một thứ nhạc bình dân. Khi những suy nghĩ và cảm thụ theo xu hướng bình dân vươn lên chiếm lĩnh vị trí chủ lưu[9] thì, về mặt chính trị, đó là sự thắng thế của chính trị mị dân và, về mặt văn hóa, là một sự thoái hóa, thụt lùi.

Tính đa nguyên là bản chất hằng hữu của mọi xã hội và sẽ là một điều bình thường khi tầng lớp bình dân thưởng thức nhạc bình dân. Xã hội rất cần những sản phẩm bình dân để đáp ứng nhu cầu giải trí của công chúng nhưng xã hội cũng rất cần những giá trị tinh hoa để đóng vai trò dẫn dắt. Và sự bình thường của xã hội cũng nằm ở tính rạch ròi trong sự đa nguyên đó, y hệt sự phân biệt thứ hạng rõ ràng đâu ra đó như là The Good, the Bad and the Ugly, tên cuốn phim cao bồi Viễn Tây loại spaghetti nổi tiếng.[10] Khi thứ nhạc bình dân mang tên boléro vươn lên chiếm lĩnh thị trường văn hóa, phủ sóng phần lớn các chương trình truyền hình và lấn sân vào những thành trì tưởng là bất khả xâm phạm của âm nhạc tinh hoa thì, rõ ràng, sự rạch ròi ấy đã bị xáo trộn, lộn sòng, y như một đĩa spaghetti dở dang, nguội ngắt.

Nhưng đó cũng chỉ là triệu chứng của một căn bệnh chính trị – xã hội đã di căn vào mọi tầng bậc cao thấp, lớn nhỏ, chung riêng, vi mô và vĩ mô. Sự lộn sòng trơ trẽn giữa “trọc phú” với “quý tộc” qua sự hình thành của tầng lớp giàu xổi mệnh danh “đại gia”, lũng đoạn xã hội cả vật chất lẫn tinh thần.[11] Sự lộn sòng lòe lẹt khi hàng loạt công trình kiến trúc tầm cỡ quốc gia lại kệch cỡm theo óc thẩm mỹ của hạng trọc phú khoe của xó quê.[12] Sự lộn sòng ngu dốt giữa sử sách và tuồng chèo – cải lương khi một nhân vật lịch sử như Dương Thái Hậu bị Dương Vân Nga chiếm chỗ. Và sự lộn sòng đầy nhục mạ khi tổ quốc bị mang ra đánh đồng với nhà nước, khi những đóng góp đáng ngờ của quá khứ bị xem là hướng đi chính đáng và tất yếu cho tương lai.[13]

Vân vân, có rất nhiều thí dụ như thế nhưng căn gốc của vấn đề ở đây là ý niệm “bình dân”, như một giai tầng xã hội. Không ai chối cãi rằng người bình dân đã và đang đóng góp công sức đáng kể cho xã hội nhưng nói tới động lượng của sự thay đổi và phát triển, hay ít ra là nền tảng cho một sự ổn định tích cực, phải nói tới thành phần trung lưu.

Kể từ những bước đi đầu tiên trên con đường hiện đại hóa, những thành tựu rực rỡ nhất hay những thay đổi sâu đậm nhất của đất nước chúng ta đều ghi đậm dấu ấn của giới trung lưu. Từ phong trào “Truyền bá Quốc ngữ” đến “Thơ Mới” hay “Tự Lực Văn Đoàn”, những thành tựu văn hóa sáng chói này không thể nào trở thành hiện thực nếu không có bàn tay của giới trung lưu. Những thành tựu văn hóa của miền Nam kể từ sau 1954 cũng của thành phần trung lưu. Những nhà ái quốc sáng chói trong cuộc khởi nghĩa Yên Bái như Nguyễn Thái Học, Phó Đức Chính, v.v. cũng là người trung lưu. Thậm chí, cả cuộc “cách mạng vô sản”, xét cho cùng, cũng là một cuộc cách mạng của tầng lớp trung lưu khi tầng lớp có học này dẫn dắt giai cấp nông dân nhắm mắt ở dưới để hy sinh cho quyền lợi của một giai cấp xa lạ là… công nhân ở trên đầu.

Nếu những thành tựu sáng chói của dân tộc là sản phẩm của người trung lưu thì điều kiện kinh tế – xã hội của đất nước lại không đủ sức để nuôi dưỡng họ thành một giai tầng đủ mạnh để xoay chuyển hẳn thời thế. Và cả cái thành phần trung lưu điều khiển cuộc cách mạng kỳ dị kể trên, vị tất họ đã hoàn tất cuộc cách mạng lạ thường ấy nếu không có sự trợ giúp của hai nước đỏ Nga, Tàu? Như thế, ngày nào giai cấp trung lưu Việt Nam còn chưa đủ lớn, ngày đó đất nước vẫn bị thụt lùi với sự thao túng của các thế lực mỵ dân.

Nếu sự phát triển của một đất nước gắn liền với sự lớn mạnh của giai tầng trung lưu thì sự phá sản hay thụt lùi của nó cũng diễn ra tương tự và đó chính là những gì đang diễn ra tại Mỹ. Khi một bộ phận lớn thành phần trung lưu nước Mỹ bị phá sản, lùi xuống làm người bình dân như là cái giá của tiến trình toàn cầu hóa do công ăn việc làm bị chuyển hết sang Á châu, lá phiếu trả thù của họ đã khiến nước Mỹ thụt lại với nền chính trị bình dân và một ông Tổng thống chẳng giống ai, ông Donald Trump.

Cái giá mà giai cấp trung lưu Mỹ phải trả này lại là cơ hội cho một tầng lớp giàu có mới tại Việt Nam, như là một phần của Á châu. Thế nhưng tầng lớp ấy vẫn chưa thể đảm đương vai trò động lực cho một cuộc cách mạng toàn diện cho đất nước trừ việc làm cho xã hội màu mè một cách bát nháo ra với cung cách tiêu thụ trưởng giả học làm sang. Không phải vớ được một công việc tốt hay được của hoạnh tài như đào được kho báu hay trúng số độc đắc là có thể trưởng thành và nâng hạng ngay về mặt xã hội. Từ vị trí thuộc một giai tầng bậc thấp, sự vươn cao về mặt xã hội đòi hỏi một sự hội nhập bao hàm ba tiến trình tích lũy song song, tích lũy về kinh tế, tích lũy về quan hệ xã hội và tích lũy về văn hóa. Xã hội cuống cuồng theo cơn sốt tiêu thụ và cuộc chạy đua “tính lũy kinh tế” đè bẹp tất cả nên, trên phương diện xã hội, văn hóa hay chính trị, phần đông, thành phần mới nổi này vẫn tiếp tục… như vậy.

Họ vẫn tiếp tục như vậy và đất nước vẫn vậy. Cũng bởi thằng dân ngu quá lợn / Cho nên chúng nó lại làm quan (Tản Đà). Đất nước vẫn vậy theo đúng ý đồ của nhà cầm quyền bởi chiến lược kẻ mỵ dân nào cũng gói gọn trong hai chữ “ngu dân”. Nhưng thời đại này không còn thời dễ dàng bịt kín tai mắt con người nên chọn lựa tối ưu phải là kềm hãm sự lớn mạnh của giai tầng trung lưu và, do đó, phải “bình dân hóa” những nhận thức văn hóa của những kẻ đang nghiễm nhiên là “trung lưu” về kinh tế. Họ tha hồ tích lũy của cải nhưng không nên tích lũy về văn hóa và, trong chiều hướng này, vô tình hay cố ý, boléro đã trở thành một công cụ y như là “tinh thần thể dục”.

Đó phong trào xã hội mà Toàn quyền Pháp De Coux thổi lên vào đầu thập niên 40 của thế kỷ 20 để làm nhiễu loạn những nhận thức chính trị trong giới trẻ Việt Nam, từng được Nguyễn Công Hoan khắc họa một cách bi hài trong truyện ngắn cùng tên.[14] Nếu ngày đó nhà cầm quyền thực dân thổi bùng “tinh thần thể dục” thì ngày nay, vô tình hay cố ý, đất nước tràn ngập một “phong vị boléro”.

Đầu tiên thì Tuấn Vũ, Chế Linh, những ca sĩ bình dân, đĩnh đạc bước vào “đại hý viện” của thủ đô đê tỉ tê những chuyện tâm tình. Bây giờ thì cả nước, cơ hồ, đang chuyển mình thành một “hý viện quốc” với cùng phong vị khi những làn sóng điện truyền hình đều rung theo nhịp phách chát chùm với hàng loạt những gameshow mang tên boléro trong khi người người, nhà nhà, ai cũng có một “tâm tình” để tỉ tê ngọt mặn theo sự bùng nổ của hiện tượng “tâm thư”. [15]

Những trang sử tranh đấu giành độc lập của chúng ta còn giữ lại “Hải ngoại huyết lệ thư”, những dòng chữ viết bằng máu và nước mắt của nhà ái quốc Phan Bội Châu lúc bôn ba xứ người tìm đường cứu nước. Bây giờ có mong đọc “tâm thư”, ắt hẳn không ít chúng ta cũng mong mỏi những dòng chữ viết bằng “máu và nước mắt” của những nhà chính trị từng lưu gót chân mình tại Thành Đô hay Bắc Kinh mà hậu quả là những mật ước hay điều ước đáng ngờ, đầy tranh cãi. Nhưng không, hoàn toàn không. Chỉ thấy một rừng một biển những “tâm thư” vô duyên, vô nghĩa lý, vớ va vớ vẩn, nhí nha nhí nhách, y hệt những thứ tình buồn nhảm nhí nhừa nhựa giọng boléro. Ca sĩ cãi nhau chuyện ngồi lê: tâm thư. Người mẫu đôi chối nhau lời ganh ghét: tâm thư. Hotgirl khó ở trong người: tâm thư. Bệnh nhân tức giận với dịch vụ công: tâm thư.[15] Và cả các ông bà bộ trưởng bị phiền hà bởi những lời chỉ trích ấy: cũng tâm thư. Có lẽ chưa bao giờ người Việt cần cù “tâm tình” như thế. Dân thường bất ý nhau thì ‘tâm thư” còn quan chức bất ý với hệ thống chính trị mình cúc cung phục vụ thì “tâm tư”. [16] Cả xã hội, cơ hồ, đang bị boléro hóa và, cái “phong vị” này, nhìn rộng ra, chính là một thứ gông xiềng vô hình ngăn không cho chúng ta bứt phá, thay đổi.

Giữa năm 2016, khi danh từ Vũng Áng – Formosa chiếm lĩnh hầu hết các trang tin hay các tài khoản mạng xã hội, tôi đã nghe một nhà thơ trong nước bày tỏ sự… lạc quan trước thảm họa của đất nước bởi, theo anh, đó là cơ hội, là dịp may để đất nước đứng lên. Mà thật, không khí lúc ấy đã căng tràn như một dây đàn sắp đứt, như một bờ nước tràn ứ chực vỡ, như thùng thuốc súng chỉ chờ châm cho mồi lửa và, sau bao nhiêu năm dẫm chân tại chỗ, đây sẽ là cơ hội để vùng lên, thay đổi. Nhưng cơ hội mong mỏi ấy đã không đến mà nguyên nhân, phần nào, có lẽ cũng là tinh thần boléro khi, từ Vũng Áng của hai năm trước cho đến Phú Quốc – Vân Đồn năm nay, luôn có cái gì đó rời rạc, thiếu thiếu trong hình ảnh những đoàn người bừng bừng phẫn nộ đang tập hợp với mục tiêu đòi quyền sống cho ra con người.

Tôi nghĩ đến sức mạnh thần kỳ của La Marseillaise mà Stefan Zweig đã tái hiện trong “The genius of one night: ‘The Mareillaise’”.[17] Bài ca đã trở thành niềm cảm hứng của dân tộc Pháp hơn hai thế kỷ nay với nhiều biến cố lịch sử thăng trầm. Bài ca với một số phận kỳ lạ, ra đời như một hành khúc của một đơn vị địa phương quân rồi trở thành bài ca cách mạng, thành quốc ca, rồi bị cấm, rồi trở thành quốc ca đến tận hôm nay và, đáng nói hơn, nó, La Marseillaise, còn ra đời khi nước Pháp trải qua một thời kỳ đen tối giống hệt đất nước của chúng ta hôm nay khi vừa gánh vác một chính quyền bất tài thối nát ở trên đầu, vừa đối phó với thế lực xâm lược từ phương Bắc:

Hãy tiến lên, hỡi những người con của Tổ quốc

Ngày vinh quang đã đến rồi,

Chúng ta hãy chống lại sự áp bức,

Ngọn cờ nhuốm máu đã giương lên.

Hãy cầm lấy vũ khí hỡi những công dân!

Hãy tập hợp lại thành đội ngũ!

Thật là khó để chuyển tải sức lôi cuốn của một hành khúc hùng tráng lên trên mặt giấy. Càng khó hơn khi phải diễn dịch nó qua một ngôn ngữ khác nhưng cái chính ở đây là những người con đất Việt đang sôi máu vì Vũng Áng hay Vân Đồn, v.v. cần có một bài ca hực lửa để họ kết nối nhau thành một khối để đứng lên và đi tới. Nó, bài ca đó, phải là cảm hứng của thời đại, phải là bài hát cuồng nộ của đám đông, phải là biển đang sục sôi giận dữ, phải là đất đang gầm lên long trời, và phải là người đã chịu đựng hết nổi. Nhưng không. Những khúc hát đấu tranh lan tràn và phổ biến những ngày này không phải là lời kêu gọi mạnh mẽ, bạo liệt và hào khí mà, phần đông, chỉ là những tâm sự tỉ tê, dẫu không hẳn là nhịp phách boléro thì cũng thuộc về cái phong vị boléro.

Vụ nhiễm độcVũng Áng – Formosa đã dẫn đến hiện tượng Trần Thị Lam, đứa con của đất Hà Tỉnh, với bài thơ “Đất nước mình ngộ quá phải không anh”. Bài thơ lan ra bất cứ nơi nào trên thế giới miễn là có người Việt, nó được đọc, được ngâm, được phổ nhạc để hát mọi nơi và đã thực sự kết nối con người trước nỗi đau và nỗi lo chung. Nhưng những lời hát và âm điệu như thế chỉ đủ để nối kết nối con người trong tủi hận, để hát cho nhau nghe chơi quanh bàn nhậu hay bàn trà rồi tải lên youtube rao mời chứ chưa đủ để kết nối họ hừng hực đứng lên giữa đường phố rầm rập đòi lại tiếng nói, đòi lại núi sông. Mà không chỉ bài thơ này. Hầu như, tuyệt đại đa số những ca khúc viết về Biển Đông trong những ngày qua, đều vậy. Cái mà nhân dân, tổ quốc cần là những tiếng gầm như một đợt sóng thần nhưng chỉ ủ ê một giọng kể lể, có khi kể lể bằng giọng cầu kinh.

Nếu đó chỉ là những lời ca giày vò theo những đớn đau của đất nước thì cả những phản ứng trực tiếp trước đòn thù cũng vậy, cũng héo mòn sầu não theo phong vị boléro:

Xin hỏi anh là ai?

Sao bắt tôi tôi làm điều gì sai?

Xin hỏi anh là ai?

Sao đánh tôi chẳng một chút nương tay?

Xin hỏi anh là ai?

Không cho tôi xuống đường để tỏ bày

Tình yêu quê hương này, dân tộc này đã quá nhiều đắng cay!

Tôi không chê trách mà, ngược lại, rất thán phục sự dũng cảm của tác giả nhưng vấn đề cần được đặt ở một tầm mức cao hơn, rộng hơn, từ góc độ văn hóa. Tác giả, Việt Khang, là người Nam bộ. Người Nam có thể rất mùi với cải lương nhưng khi cần, có thể nghĩa khí, hiên ngang, rắn rỏi và, thậm chí, cực kỳ anh chị “Đụ má tại sao chúng mày đánh tao!”. Những đòn roi vụt xuống liên tiếp, nhanh như bão, nặng như núi thì ít ra chúng ta cũng phải một lần gầm lên, đanh thép, quyết liệt, dữ dội, lẽ nào chỉ tần mần “xin hỏi” rồi ủ ê than vãn “đắng cay”?

Đừng nghe ca ve kể chuyện, đừng nghe thằng nghiện trình bày, chúng ta đã nhắc đến ngạn ngữ đương đại phát sinh trên đất Bắc. Nhưng không chỉ có những câu chuyện và lời trình bày liến thoắng của những ca ve và đám nghiện nghĩa đen. Bên ca ve bị miệt thị bán thân còn có đám ma cô chính trị ngay ngáy che giấu trò bán nước. Bên bọn nghiện dặt dẹo thân xác là bọn nghiện quyền lực méo mó linh hồn đang trơn tru trình bày để thể hiện ở mình một linh hồn lành lặn. Để làm vậy thì chúng phải liên tu trình bày, liên tu kể chuyện, những câu chuyện mà, xét về bản chất, cũng chẳng thoát ra khỏi quỹ đạo những câu chuyện tuồng mùi của nhân vật giả Trần Dân Tiên.

Như thế thì nhân dân, tuyệt đại đa số, phải vĩnh viễn làm đám bình dân dễ dãi niềm tin, dễ tin và khóc theo những tuồng tích chính trị bi, mùi. Như thế thì họ phải vĩnh viễn là khán giả của thứ văn nghệ bi mùi. Và như thế thì thành phần “trung lưu” về kinh tế phải mãi mãi giẫm chân tại chỗ như là hạng quần chúng bình dân về mặt văn hóa và chính trị. Và như thế cái tinh thần boléro như sợi xích vô hình trói chặt đất nước sẽ tiếp tục được giới tài phiệt hay nhóm lợi ích truyền thông nuôi dưỡng với sự khuyến khích của nhà cầm quyền.

“Nay đúng là lúc nên làm Lễ Nhạc. Song không có gốc thì không đứng được, không có văn thì không hành được. Hòa bình là gốc của nhạc, thanh âm là văn của nhạc”, chúng ta đã nghe lời tâu như thế của Nguyễn Trãi. Và Nguyễn Trãi, khi tâu lên như thế, chắc hẳn đã nghiền ngẫm rất kỹ tư tưởng của Khổng Tử “Thánh nhân chi trị thiên hạ dã, ngại chư dĩ lễ nhạc”. Nếu bậc thánh nhân cai trị và kiềm chế thiên hạ bằng lễ nhạc thì nhạc, theo quan niệm ấy, làm con người gần nhau hơn, và lễ, cũng trong quan niệm ấy, lại làm con người tương kính nhau trong những giềng mối trật tự. Nhưng giềng mối trật tự, với chúng ta, đã bị quấy đảo và lộn sòng tận gốc rễ. Và nhạc, với chúng ta, đang bị nhừa nhựa hóa theo thứ âm điệu làm cho con người không muốn ngóc đầu lên.

“Có lắng nghe lời trai gái yêu nhau, có đọc các bài văn của các em học sinh, chúng ta mới thấy được cái hại của cải lương”, chúng ta đã nhắc tới suy nghĩ của một nhân vật trong Cù Lao Tràm. Nhưng chúng ta, nếu lắng nghe các bài ca đấu tranh hiện tại, nếu để ý đến những luận điểm “thực thà” từ những kẻ vẫn còn tin vào cái bộ máy phá nước, phá cả tiền đồ cho tương lai, đã có mấy ai thoáng nghĩ đến cái hại của boléro?[18]

Sydney 12.9.2018


[1] Cuộc tranh luận về boléro sớm nhất mà tôi được biết đã nổ ra vào năm 2005 trên báo Thanh Niện. Xem “Nhạc ‘sến’, là nhạc gì ?”: https://thanhnien.vn/event/nhac-sen-la-nhac-gi-2772.html

Hay http://soha.vn/nhung-phat-ngon-gay-soc-ve-dong-nhac-bolero-trong-nam-2017-20171218104717676.htm

“Những phát ngôn gây sốc về dòng nhạc Bolero trong năm 2017”, Tiểu Vân (T.H) | 18/12/2017

[2] Xảy ra vào tháng Tám năm 2017, xem:

http://vietnamnet.vn/vn/giai-tri/nhac/bung-no-tranh-cai-quanh-phat-ngon-ve-nhac-bolero-cua-tung-duong-394224.html

[3] https://www.nguoi-viet.com/van-hoc-nghe-thuat/Hien-tuong-Cung-Tien-trong-tan-nhac-Viet-4249/

[4] Tôi đã trình bày luận điểm này trong tiểu luận “Sơn – Sến – Sawyer – Sử: ả điếm và đồng chí”.

https://www.tienve.org/home/literature/viewLiterature.do?action=viewArtwork&artworkId=8663

Đã in lại trong: Nguyễn Hoàng Văn (2014) Ngôn ngữ và quyền lực, Người Việt

https://www.amazon.com/Ngon-Ngu-Quyen-Luc-Vietnamese/dp/1629882402

[5] Cù Lao Tràm, tiểu thuyết của Nguyễn Mạnh Tuấn, Nxb. Văn nghệ TP. in lần thứ nhất, Tp. HCM., 1985;

Tôi thuật lại theo trí nhớ.

[6] Vũ Thư Hiên, Đêm giữa ban ngày, Văn nghệ, 1997. (Chương 15)

“Lưu Quý Kỳ là người không dễ hiểu. Những anh em tập kết kể trong miền Nam Lưu Quý Kỳ là đệ tử ruột của cả Ba Duẩn lẫn Sáu Búa. Khi Ba Duẩn lên án cải lương ủy mị, đã không có tác dụng động viên bộ đội chiến đấu thì chớ, còn làm họ yếu lòng, Lưu Quý Kỳ nhanh nhảu lập tức ra lệnh nghiêm cấm không cho hát cải lương nữa. Chuyện những nhà mác-xít nay cấm cái này mai cấm cái kia không phải là chuyện lạ. Các nhà lãnh đạo miền Bắc cấm tranh hội họa siêu thực, đa đa, lập thể, cấm nhạc trữ tình, nhạc buồn, gộp chung vào thành "nhạc vàng", cấm viết văn có "biểu tượng hai mặt" thì ở miền Nam các bậc thế thiên hành đạo cấm có một thứ nhạc cải lương thôi còn ít. Khốn nỗi, ai cũng biết nhân dân Nam bộ yêu mến cải lương như thế nào, và lệnh cấm cải lương gây ra một phản tác dụng dữ dội. Nhiều người bỏ kháng chiến trở về thành chỉ vì ở vùng kháng chiến không có cải lương. Người ta còn kể khi nhận được các tài liệu lý luận văn nghệ nào từ miền Bắc gửi vào Lưu Quý Kỳ đọc xong, ghi chép xong là đốt ngay, không cho ai được đọc nữa. Thế là anh độc quyền những lý luận văn nghệ xã hội chủ nghĩa để dạy dỗ các văn nghệ sĩ không bao giờ được tiếp cận những tài liệu nọ.”

[7] Đại Việt sử ký toàn thư, tập 2, bản dịch của Hoàng Văn Lâu, Hà Văn Tấn hiệu đính, Nhà xuất bản Khoa học Xã hội (1998). Xem các trang 336 và 345 – 346 (1998).

Nguyễn Liễu bị thích vào mặt và bị đày đi xa vì phỉ báng hoạn quan, Nguyễn Trãi sau (vì vụ án Lệ Chi Viên) bị tru di tam tộc.

Lỗ bộ ty đồng giám kiêm tri điển nhạc sự Lương Đăng phỏng theo quy chế của nhà Minh soạn nhạc, dâng lên vua, Hành khiển Nguyễn Trãi, Tham tri bạ tịch Nguyễn Truyền, Đào Công Soạn, Nguyễn Văn Huyến, Tham nghị Nguyễn Liễu dâng sớ tâu: ““Muốn chế tác lễ nhạc, phải đợi có người rồi hãy làm, được như Chu Công thì sau mới không có lời chê trách. Nay sai kẽ hoạn quan Lương Đăng chuyên định ra lễ nhạc, chẳng nhục cho nước lắm sao![..] ”

Lương Đăng tâu: “Thần không có học thức, không biết quy chế cổ, các nghi thức nay đã làm, chỉ trông cả vào hiểu biết của thần mà thôi, còn ban hành hay không là quyền của bệ hạ, thần đâu dám chuyên quyền”.

Nguyễn Liễu tâu rằng: “Từ xưa đến nay chưa bao giờ có cảnh hoạn quan chuyên phá hoại thiên hạ như thế này”.

Đinh Thắng từ trong bước ra, mắng rằng: “Hoạn quan làm gì mà phá hoại thiên hạ? Nếu phá hoại thiên hạ thì chém đầu ngươi trước”.

Cuối cùng phải giao Liễu cho hình quan xét hỏi. Án xử xong, tội đáng chém, nhưng được lệnh riêng, cho thích chữ vào mặt, đày ra châu xa.

[8] Tôi cũng đã trình bày vấn đề này trong tiểu luận “Sơn – Sến – Sawyer – Sử: ả điếm và đồng chí” đã dẫn ở trên.

[9] http://laodongthudo.vn/gameshow-ve-bolero-no-ro-giam-gia-tri-vi-qua-lam-dung-62695.html

[10] Phim của đạo diễn Ý Sergio Leone, cha đẻ của thể loại phim “Spaghetti Western”, phim về đề tài cao bồi Viễn Tây Mỹ mang phong cách Ý, do các hãng phim Ý sản xuất.

[11] ‘Cơn sốt’ trung lưu Việt https://kinhdoanh.vnexpress.net/tin-tuc/vi-mo/con-sot-trung-luu-viet-3664131.html

Và: Tiềm năng kinh doanh từ tầng lớp trung lưu Việt Nam

http://tapchitaichinh.vn/nghien-cuu-trao-doi/nghien-cuu-dieu-tra/tiem-nang-kinh-doanh-tu-tang-lop-trung-luu-viet-nam-134557.html

[12] Hàng loạt nhà hát, “trung tâm hành chính” hay “cổng chào” tại địa gới mỗi tỉnh. Hay thí dụ nổi bật nhất là Cầu Rồng, cây cầu trông giống hệt một cái cáng khiêng hòm bắt qua sông Hàn ở Đà Nẵng/ Tôi đã đề cập đến công trình này trong bài “Tay mẹ nối đầu rồng” http://www.procontra.asia/?p=2547. Đã in lại trong cuốn Ngôn ngữ và quyền lực đã dẫn.

[13] Người khai sinh ra tên Dương Vân Nga là sọan giả chèo Trúc Đường, anh ruột nhà thơ Nguyễn Bính. Tuồng chèo soạn vào giữa thập niên 60, khai thác mối tình giữa Dương Thái Hậu (vợ Đinh Tiên Hoàng) và Thập đạo tướng quân Lê Hoàn. [Dẫn theo: Đinh Công Vĩ (2006), Các chuyện tình vua chúa hoàng tộc Việt Nam, NXB Phụ Nữ, tr. 64.] Sau tuồng chèo này được chuyển thể sang cải lương, càng nổi tiếng hơn với cái chết của cô đào cải lương Thanh Nga vào năm 1978, giữa lúc đang đóng vai chính trong tuồng cải lương này. Hiện tại nhiều trang web hay tài liệu lịch sử xuất bản trong nước ghi “Dương Vân Nga” thay vì “Dương Thái Hậu” như Đại Việt Sử Ký đã ghi. Thí dụ: TS Nguyễn Quang Lê (2001), Từ Lịch Sử Việt Nam nhìn ra thế giới, NXB Văn hoá Thông tin, tr. 98. Cuốn sách của ông tiến sĩ sử học này được ông Phan Ngọc Liên, “Giáo sư tiến sĩ – Chủ tịch hội Giáo dục lịch sử” viết lời giới thiệu; và ngay trong bài giới thiệu đã khai bút: “V.I Lênin đã chỉ rõ…”.

[14] https://isach.info/story.php?story=tinh_than_the_duc__nguyen_cong_hoan

[15] Chỉ gần “google” mấy cụm từ “gởi tâm thư” hay “tâm thư gởi” sẽ thấy hàng trăm thí dụ!

[16] Từ “tâm tư” hiện được giới quan chức sử dụng phố biển, và sử dụng như một động từ, thí dụ Phùng Quang Thanh:“Đại tướng Phùng Quang Thanh: Không phong Tướng, anh em tâm tư”

http://giaoduc.net.vn/Xa-hoi/Dai-tuong-Phung-Quang-Thanh-Khong-phong-Tuong-anh-em-tam-tu-post151969.gd

[17] La Marseillaise của Claude Joseph Rouget de Lisle, một sĩ quan công binh. Bài hát này không xuất phát từ Marseille mà là Strasbourg như là hành khúc của đoàn quân bảo vệ tổ quốc tại trận tuyến sông Rhein vào năm 1792 nhưng rơi vào quên lãng. Sau đó bài hát “lưu lạc” đến Marseille và từ đây đã phổ biến khắp nơi!

[18] Để ý các phản hồi trên mạng trước các thông tin nóng bỏng về đất nước, hay lập luận của giới dư luận viên.

Comments are closed.