Hãy đợi đấy: “bò + trâu = bò”!?

Tô Văn Trường

Người bạn đang là nghị sĩ ở Quốc hội mới gửi mail cho tôi tâm sự rất đáng suy ngẫm: “Đọc bài “Vui buồn cùng Quốc hội” của anh, em nghĩ đến bài Cảm Hoài (còn gọi là Thuật Hoài) của Đặng Dung quá! Đó không chỉ là nỗi buồn, mà là nỗi đau và sự bất lực của người chí sĩ nặng lòng vì Nước ạ!”.

Ngẫm suy, đúng là cơ chế quyết định tất cả. Nhớ câu chuyện về Tôn tử huấn luyện nữ binh cho vua Ngô xem. Hiệu lệnh nghe tiếng trống thì tiến, nghe tiếng chiêng thì lùi. Đội trưởng là cung phi được sủng ái không thực hiện cũng bị xử chém. Từ đó, hàng quân tiến thoái theo lệnh nghiêm chỉnh. Vậy cơ chế quyết định cho vận hành, tốt thì kẻ nhát cũng phải gan dạ xông lên, lỏng lẻo thì ra trận ai cũng chạy để còn giữ lấy mạng!

Cơ chế chưa tốt thì cá nhân tốt cũng có thể làm được một phần kiểu "xử lý tình huống" nhưng không bền vững. Lúc sinh thời, Gs Hoàng Tụy đã tâm sự với tôi về cách chọn nhân tài của nước ta, theo kiểu năng lực của cá nhân được qui hoạch kiểu hiện nay ngày càng thụt lùi vì đến đời n là At^n với 0<t<1, khi n lớn thì nó sẽ tiến dần tới zero! Trong lịch sử Việt Nam có nhiều sĩ phu, trí thức yêu nước có cao kiến và đề xuất “đột phá” nhưng cũng phải ngậm ngùi đành mang theo xuống tuyền đài!?

Công tâm nhận xét, trong hàng ngũ lãnh đạo vẫn có “quạ trắng” nhưng không nhiều. Dân mong họ dốc sức làm việc, giảm được thiệt hại cho đất nước, cho nhân dân (trong phạm vi hoạt động của mình), há chẳng hơn hẳn những thứ phù du khác sao?

Nhiều người, kể cả lão thành cách mạng, giới trí thức hỏi tôi bình luận về tiêu chí lựa chọn lãnh đạo cho Ban chấp hành Trung ương khóa 13 đặc biệt được nhấn mạnh tiêu chí: “Không tham vọng quyền lực và trung thành với chủ nghĩa Mác-Lê Nin”? Tôi nhớ cách đây ba năm, đã đề cập đến vần đề “nhạy cảm” này, đến nay vẫn còn mang nguyên tính thời sự. Người nào am hiểu về triết học một cách thấu đáo đều biết tham vọng quyền lực là thuộc tính của con người, là động lực của sự phát triển, không hiểu ai tham mưu cho lãnh đạo, mà đến giờ này, vẫn lại ghép nó vào ý nghĩa xấu xa? Không tham vọng quyền lực thì đừng làm lãnh đạo, vấn đề là phải kiểm soát quyền lực trong khuôn khổ của pháp luật.

Tham vọng quyền lực là một khía cạnh thuộc về bản năng đầu đàn, nó tự có trong mỗi con người và chỉ khác nhau ở mức độ yếu hay mạnh chứ không phải “tốt hay xấu”. Tốt, xấu là khái niệm thuộc về văn hoá, mà văn hoá là sản phẩm của bản năng sáng tạo. Nếu trong quy định của Đảng về tiêu chí cán bộ lãnh đạo mà có điều “tuyệt đối không tham vọng quyền lực” thì thật khó hiểu và hoàn toàn thiếu hiểu biết về bản chất của vấn đề.

Về vấn đề kiên định với Chủ nghĩa Mác Lênin? Để một xã hội phát triển lành mạnh về phía tiến bộ cần có (1) Một học thuyết phát triển đủ tốt và đủ tiên tiến, (2) Một hệ thống luật pháp & thể chế & bộ máy nhà nước & thị trường tổ chức tốt, (3) Những cá nhân – con người tốt – tức là đủ phẩm chất lắp vào các vị trí của hệ thống số (2) và (3) thường đồng thời là sản phẩm của (1) và (2).

Hệ thống luật pháp và thể chế này (2) vừa sử dụng lại cũng vừa phát triển và giám sát các cá nhân (3) đó, khiến cho họ “không muốn, không dám, và không thể” tham nhũng, rộng hơn là phải đáp ứng được yêu cầu của vị trí công việc. Hệ thống cũng rất sớm phát hiện và đào thải những cá nhân không phù hợp – cả về đạo đức công vụ lẫn năng lực hoàn thành nhiệm vụ. Một hệ thống yếu kém không thể làm được việc ấy dẫn đến người xấu thì lợi dụng leo được lên cao và trục lợi, người tốt bị loại từ “vòng gửi xe”, không có không gian để tồn tại hoặc bị tha hóa thành người xấu.

Các quy định chỉ đề cập đến bản thân những cá nhân tách rời mà không đề cập đến (1) và (2) nêu trên là một biến số phụ thuộc của vấn đề. Kiên định Chủ nghĩa Mác Lênin thuộc về học thuyết phát triển là một vấn đề rất lớn. Khi người ta kiên trì đi theo sự tiến bộ thì ta có thể dùng từ “kiên định”, còn ngược lại thì kiên định sẽ trở thành “bảo thủ, trì trệ” cản trở sự phát triển.

Ở các nước chậm tiến, người cầm đầu xưa nay đều có khuynh hướng muốn chọn người theo khẩu vị của mình, khiến cho con “matrioska” ngày càng bé đi. Nhưng nguy hiểm hơn là giả danh dân chủ, tập thể, tiêu chuẩn khách quan để áp đặt nhân sự “thủ túc” nhưng lại không chịu trách nhiệm gì hết.

Tiêu chuẩn phải là những thước đo, tức là phải lượng hóa được, cân đo đong đếm được. Trong khi đó làm thể nào để khẳng định được “Tuyệt đối không tham vọng quyền lực.”? Hay “Kiên định với Chủ nghĩa Mác Lênin”? Cho nên trong cuộc sống thực, các tiêu chí này sẽ được dùng vào mục tiêu nào đó, chứ tuyệt nhiên không phải để chọn người tài. Chưa nói đến: Ai trong Đảng có thể giải thích được chuẩn xác Chủ nghĩa Mác Lênin là gì? Nhất là so với nguyên gốc những gì Mác và Lênin đã viết ra. Nó có phải thực sự dẫn đường cho đất nước ta trong thế giới hôm nay?

Việc vận dụng chủ nghĩa Mác Lênin vào mỗi nước khác nhau ít nhiều, nhưng đều tuân thủ các “quy luật phổ biến” (chín quy luật) nêu trong Tuyên bố Moskva năm 1957 của 12 Đảng Cộng sản và công nhân các nước xã hội chủ nghĩa. Thực chất “chín quy luật” đó có một số nội dung quan trọng nhất, chủ yếu nhất, phổ biến nhất mà Liên Xô và các nước thuộc khối Liên Xô trước đây và Đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay đang vận dụng:

(i) “Kế hoạch tập trung” là phải “xóa bỏ kinh tế thị trường”, phải là Cương lĩnh thứ hai của Đảng.

(ii) “Sở hữu” phải là “công hữu về tư liệu sản xuất”.

(iii) Hợp tác hóa nông nghiệp.

(iv) “Tư tưởng” phải là “tư tưởng xã hội chủ nghĩa”, v.v.

Từ năm 1986 đến nay, nước ta chuyển sang kinh tế đa thành phần sở hữu, chuyển sang kinh tế thị trường, xóa bỏ việc hợp tác hóa trong nông nghiệp nên chúng ta từ một nước nhập bo bo để ăn, trở thành nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. Như vậy thực tế, Việt Nam đâu có còn kiên định theo chủ nghĩa Mác Lênin?

Thiết nghĩ, trong hoàn cảnh hiện tại của nước ta là hãy cứ bám lấy cái gì đúng đã đề ra được, đó là trung thành với sự nghiệp dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ văn minh, bảo vệ tổ quốc, thực hiện dân chủ & công khai minh bạch để thúc đẩy & rèn luyện cán bộ thực hiện mục tiêu này. Làm được như vậy là đất nước được nhờ rồi.

Nhìn chung, việc vạch ra “tiêu chuẩn” và “chọn người theo tiêu chuẩn” là cách làm cũ, gắn với thể chế kinh tế chỉ huy tập trung quan liêu, do một đảng cầm quyền. Sòng phẳng ra mà nói, người ta vạch ra nhưng chưa nơi nào và chưa ở đâu thực hiện nó cả. Nó chẳng có gì hơn là cái bảng “Tiết hạnh khả phong” trao cho cô Tư Hồng. Điều cần tránh học mót lối thách cưới “gà chín cựa, ngựa chín hồng mao…” của vua Hùng gạt Thủy Tinh để Sơn Tinh chắc suất làm rể.

“Tam quyền phân lập”, “nhà nước pháp quyền”, “kinh tế thị trường”, “xã hội dân sự”, “tòa án hiến pháp” đã được chứng minh là một hệ thống luật pháp & thể chế & bộ máy nhà nước & thị trường tổ chức tốt, rất hiệu quả và thành công ở đa số các quốc gia. Nếu vì điều kiện gì đó, mà ta chưa có ngay hệ thống này thì cũng nên đặt lộ trình để có được hệ thống ấy thay vì cứ phải bàn mãi những cá nhân, con người tốt, tức là đủ phẩm chất lắp vào các vị trí của hệ thống theo lý thuyết (1) độc tài “nhân trị” hay “đức trị” luẩn quẩn mãi thế này.

Nếu như tiêu chuẩn có ý nghĩa thật, thì tiêu chuẩn trước hết mà dân cần ở người lãnh đạo là không bảo thủ, không tham nhũng. Cách chọn phù hợp là bầu cử công khai minh bạch, trong đó các quan chức ứng cử nói rõ những điều đổi mới muốn làm và khai báo tài sản của mình được giám sát công khai.

Đừng biến cán bộ, lại là cán bộ cao cấp thành những robot được lập trình sẵn cho những mục tiêu của lập trình! Cho đến nay, kể cả ở mức cao nhất có thể có được của phát triển trí tuệ nhân tạo, cũng không thể tạo ra được robot thay thế được con người, nó càng không thể có tâm hồn như con người. Cũng như không có một thứ chủ nghĩa hay sự kiêng cấm nào, có thể ngăn ngừa được sự sa đọa của con người nếu nó chỉ là một cái máy được lập trình và hoạt động trong một hệ thống hỏng. Mọi nỗ lực theo hướng này là ảo tưởng và duy ý chí, ngoan cố trốn tránh việc phải làm là xây dựng con người và xây dựng một hệ thống chính trị – xã hội lành mạnh.

“Chẳng trâu, chẳng ngựa, chẳng hươu nai

Thử hỏi người dùng thích, thích ai?

Đừng bắt trâu cày đi vắt sữa

Lấy nai thay ngựa cưỡi thế này.

Tạo hoá sinh ra muôn ngàn thứ

Mỗi bầy một nghiệp thế mới hay

Cớ sao cứ lấy bò làm gốc

Cắm cái sừng hươu quái đản này?

Xin mượn câu chuyện “Bò và Trâu” chuyện logic học của người bạn là nhà ngôn ngữ học để kết luận cho bài viết này:

“Con hỏi bố: "Bò cộng với trâu là bò và trâu hay chỉ là bò?". Bố quát: "Hỏi gì kỳ vậy, con?".

Con lại hỏi: "Bò vàng hay bò trắng có phải là bò không?". Bố xanh mặt, sờ vào đầu con, lo lắng hỏi: "Con có bị làm sao không?".

Con cười vang: "Chỉ là thắc mắc thôi ạ”.

Điều 15 Luật Tổ chức Tòa án Nhân dân viết: "Tiếng nói, chữ viết dùng trước Tòa án là tiếng Việt.", thì "tiếng" trong "tiếng Việt" phải hiểu là tiếng nói của một dân tộc, một cộng đồng. Vậy logic sẽ là “bò + trâu = bò.”

Giả sử trước tòa, luật sư trình một văn bản để biện hộ cho thân chủ, nhưng viết bằng chữ Nôm – thứ chữ Nguyễn Du dùng để viết Truyện Kiều; quan tòa không thể cho đó không phải là chữ Việt. Nhưng quan có chiếu theo luật để chấp nhận văn bản này không, hay yêu cầu luật sư phải viết lại bằng chữ Quốc ngữ? Vậy logic sẽ là: Bò vàng hay bò trắng đều là bò. Nhưng trong hai loại bò đó, có một thứ bò mới được [quan] coi là bò."!

Viết đến đây, tôi chợt nhớ đến câu nói: "Nào, hãy đợi đấy!" (Ну, погоди!). Câu này nghe quen quá nhỉ! Đúng rồi, đó là tên bộ phim hoạt hình Nga nổi tiếng từ những năm 70 của thế kỷ trước đấy mà!

Comments are closed.