Nguyễn Thông
Mấy hôm rồi, tiên ông Phạm Xuân Nguyên (Nguyen Pham Xuan) có chút than thở về việc cuốn sách tặng bị hồi cố, sau đó bác nhà văn Tạ Duy Anh (Lao Ta) cũng biên nhời bàn thêm. Vụ này kể ra cũng khó nói. Nhà cháu chỉ nhân đây kể lại chuyện số phận long đong của một cuốn sách, như một lời gửi đến bác Nguyên rằng chả nên lấy làm buồn, bác ạ.
Nhớ lần đến chơi nhà ông bạn gàn Cao Tự Thanh. Chỗ trọ hai gian của y trên giời dưới sách. Là kẻ mê sách nhưng lâu nay ít đọc, phần bận cuộc mưu sinh, phần nhiễm phải cái thói cứ động một tí là lụy vi tính, internet nên đã lâu tôi chẳng mấy khi cầm cuốn sách nào được đến mươi phút (nhưng vừa rồi với sách của Phan Thúy Hà thì khác, những cuốn Gia đình, Đừng kể tên tôi, Những ghi chép của các anh, Qua khỏi dốc là nhà… thì cứ phải đọc một mạch – câu này vừa biên thêm). Đang tâm thái ấy, trong lúc ký giả Xuân Ba và Cao tiên sinh đang say sưa đàm đạo, bất chợt nhìn lên giá sách tôi rút một cuốn cũ kỹ khổ bằng bàn tay, giấy ố vàng, bốn góc bìa nát nham nhở. Lật vài trang thấy toàn chữ Hán viết đủ kiểu chân, triện, lệ, hành, thảo kèm theo những bức tranh vẽ theo phong cách thủy mặc cực đẹp. Chủ nhà đang say với bạn tri kỷ, thấy tôi cầm cuốn sách quý của mình dáng điệu thờ ơ bất cẩn liền hắng giọng “mày có biết đang cầm cái gì trên tay không?”. Biết hỏi kẻ sở học nông cạn như tôi kể bằng thừa, lão hàn nho giảng giải: xét tuổi, hai cuốn này (thì ra còn một cuốn nữa tôi không để ý) dễ đã hơn trăm năm, còn chủ nhân đích thực của nó, là ai biết không, Phạm Quỳnh đ.â.ấ.y (y dài giọng)!
Tôi lật giở, ừ nhỉ, trên mỗi trang bìa sau bằng loại giấy na ná giấy xi măng vẫn nguyên chữ ký chân phương giản dị của cụ Thượng Chi, màu mực tím, đậm và rõ. Nét chữ mềm mại, kiểu chữ đặc trưng thế hệ Tây học những năm trước cách mạng không lẫn vào đâu được. Nhẩm tính chỉ từ hồi cụ chủ bút báo Nam Phong ký xác nhận quyền sở hữu của mình vào cuốn sách đến nay chí ít phải bảy tám chục năm, vậy sao thứ mực tím tôi chắc là mực Parker kia phóng qua ngòi bút sắt cứ như vừa mới thấm khô, dễ làm ta tưởng tượng người ký dòng chữ ấy mới nhấc ngọn bút khỏi trang giấy bản rồi khoan thai bước đâu đó nhẩm mấy câu thơ trong sách mà khen cái sự tuyệt hảo của người xưa.
Lại nhớ lứa chúng tôi sinh ra sau hòa bình lập lại hồi học cấp 3 được các thầy giảng về cuộc tranh luận quanh truyện Kiều, cũng chỉ được học duy nhất bài "Luận về chánh học cùng tà thuyết" của cụ Ngô Đức Kế, tranh luận với cụ Phạm Quỳnh, chứ có thấy trước tác của cụ Phạm đầu đuôi nó thế nào, nghe thì tạm hiểu rằng “chánh học” đương nhiên thuộc về cụ nghè Ngô – nhà nho yêu nước, còn “tà thuyết” ắt phải là Phạm Quỳnh – người làm quan đến chức Thượng thư bộ Học, rồi sau đó bộ Lại của "triều đình tay sai phản động". Sau này khi cuộc sống đã cởi mở, tìm hiểu những khúc nhôi chưa tỏ về con người lịch sử này ta biết ông bị kết thúc số phận cá nhân thật bi đát và lịch sử xứ ta kể từ sau cách mạng chưa hề công bằng với ông.
Mấy lần lão nhà văn Thái Vũ ghé tòa soạn Thanh Niên chơi, tôi lân la hỏi được ông lão kể lại, dù làm quan chức trọng quyền cao tột bậc nhưng sau ngày Nhật đảo chính Pháp (9.3.1945) cụ Phạm về ở ẩn tại biệt thự Hoa Đường bên sông đào Phủ Cam (Huế) và trong cơn sục sôi cách mạng đánh Pháp đuổi Nhật hạ bệ Nam triều, ngày 23.8.1945 cựu Lại bộ thượng thư Phạm Quỳnh bị một nhóm thanh niên Việt Minh đến nhà “mời” đi, cùng lúc là cả cha con ông Ngô Đình Khôi (Tổng đốc Quảng Nam, anh ruột ông Ngô Đình Diệm), kể từ đó họ mãi mãi không trở về.
Lại nói về bộ sách quý. Biết tôi mù chữ Hán, ông bạn họ Cao giảng giải bộ này gồm 6 cuốn (Cao tiên sinh mới có 4 cuốn đóng gộp thành 2 tập, còn vì sao thiếu 2 cuốn tôi sẽ nói sau) tên gọi Thi họa phảng (Thuyền thi họa), thứ tự các cuốn từ 1 đến 6 theo chủ đề là: Sơn thủy, Nhân vật, Hoa điểu, Thảo tùng, Mai lan trúc cúc, Phiến phổ. Khổ sách nhỏ, 17 x 10cm, giống loại sách thiếu nhi khá phổ biến của NXB Kim Đồng, giấy bản mịn, do một NXB nào đó của Trung Quốc ấn hành không thấy đề tên nhưng ghi rõ năm xuất bản Quang Tự Mậu Tý, nếu cứ chiếu theo đời vua Quang Tự nhà Thanh thì vào năm 1888. Tính đến Mậu Tý 2008 vậy bộ sách này đã thọ ngoại bách tuế, chính xác là 120 tuổi (còn giờ năm 2022 thì 134 tuổi).
Tôi săm soi lật kỹ thấy phía dưới chữ ký mềm mại của cụ Thượng Chi còn có con dấu tròn son đỏ, ghi rõ: phía trên Quốc gia Việt Nam, phía dưới Trung Phần trong vòng tròn bao bọc, chính giữa là hai chữ đậm hơn: Văn Hóa. Tôi thắc mắc, Cao tiên sinh giải thích chỉ có dưới trào Ngô Đình Diệm mới dùng danh từ Trung Phần để chỉ miền trung Việt Nam. Đây có lẽ là con dấu của một cơ quan lưu trữ hoặc thư viện nào đó hồi Ngô Đình Cẩn thay mặt chính quyền họ Ngô cai trị xứ Huế. Phải chăng sau cơn gia biến tang thương ngày 23.8 ở biệt thự Hoa Đường, gia đình cụ Phạm thượng thư phút chốc nát tan mỗi người mỗi ngả, đến thân mạng còn không giữ được nói chi sách vở.
Nhà văn Thái Vũ kể sau này có hỏi ông Phan Hàm (khi ấy là thanh niên tiền tuyến của Việt Minh, về sau lên đến cấp tướng QĐND VN) người trực tiếp chỉ huy việc bắt Phạm Quỳnh, ông Hàm cho biết đã khám xét khá kỹ căn biệt thự, kể cả những tủ sách. Vậy thì những cuốn sách mà chủ nhân từng vẩy bút đặt lên chữ ký mực tím Parker tươi rói bắt đầu chặng đường lưu lạc từ đây chăng? Khi Ngô Đình Cẩn làm lãnh chúa Trung phần, ông ta từng cho sưu tầm thu gom nhiều di sản văn hóa cổ, trong đó có các tác phẩm Hán Nôm quý hiếm để nhà nước quản lý, lưu trữ, vì thế mới có con dấu tròn Văn Hóa ấy.
Nhưng tại sao sách quý lại lưu lạc đến nhà bạn tôi? Hàn nho Cao Tự Thanh thuật lại rằng giữa năm 1975 y đang học năm thứ ba ngành Hán Nôm khoa Văn trường ĐH Tổng hợp Hà Nội thì miền Nam giải phóng, nôn nóng quá bèn bỏ dở chừng vào ngay Sài Gòn (chuyện này tôi biết bởi tôi cùng khóa với y, chỉ khác ngành học). Một trưa cuối năm trong túi chỉ có 300 đồng tiền chế độ cũ đủ để ăn sáng vài bữa, đang lang thang thì gặp bà cụ quẩy gánh ve chai đi về chợ sách cũ Đặng Thị Nhu (Q.1) gần chợ Bến Thành. Thấy trong đống lộn xộn sách cũ sách mới hai quyển bìa đã cũ nát, lật giở biết là quý thư bèn quyết mua bằng được. Bà cụ đòi 300 đồng, chàng sinh viên nghèo năn nỉ, rốt cục dứt giá hai trăm. Đem về đọc kỹ mới tá hỏa tam tinh vì bộ sách những 6 cuốn, đóng thành 3 tập, nhớn nha nhớn nhác thế nào chỉ thấy hai, mất toi một tập gồm 2 cuốn Sơn thủy và Nhân vật. Tiếc đứt ruột nhưng giờ bà cụ ve chai ấy biết tìm nơi đâu. Ra chợ Đặng Thị Nhu bao lần dò la nhưng cả người lẫn sách vẫn bặt âm vô tín. Thôi thì cái duyên nhiều khi nó cứ dở dang vậy, ngay cả mối duyên với sách. Bù lại bằng chút an ủi, phát hiện ra chủ nhân của 2 tập sách gần trăm tuổi kia (tính đến thời điểm đó) chính là Thượng Chi Phạm Quỳnh.
Tôi thắc mắc sao biết đó chữ ký của cụ Phạm, ông chủ sách đương thời trợn mắt “tao từng nghiên cứu bao nhiêu sách Hán Nôm cái xứ này, có cả sách của Phạm Quỳnh, chữ ký ấy lẫn đi đâu được”. Nói đến đây, Cao tiên sinh với tay lên đầu ghế lấy chiếc áo sơ mi mặc vào nghiêm chỉnh, tôi thấy lạ thắc mắc sao không cởi trần cho mát, y trừng mắt “đọc sách phải đàng hoàng”, sau đó giở cuốn Thảo tùng ra, chỉ vào trang trái vẽ hai cây trúc quân tử cứng cáp phong sương, trang phải kèm hai câu viết theo lối chữ triện, đọc sang sảng “kiên phối tùng bách/ kính lăng sương tuyết” (bền ngang tùng bách/ cứng khinh tuyết sương) rồi cười khà khà: chúng mày thấy chưa, người đọc những cuốn sách ấy chẳng phải kẻ tầm thường.
Đời sách, tôi nghĩ, cũng như con người có khi phải trải qua bao dâu bể, số phận thăng trầm. Như cuốn sách cổ này.
Nguồn: FB Nguyễn Thông