Mấy mẩu chuyện góp nhặt liên quan đến phiên toà hôm nay

Giang Lại Đức

✅ CHUYỆN THỨ NHẤT: Ngón tay "number one" của Người Mẹ Việt

Mới mở đầu phần thủ tục phiên tòa xét xử cô Phạm Thị Đoan Trang, hội đồng xét xử đã phải vào trong hội ý vì luật sư nêu ra hàng loạt yêu cầu tố tụng cho phiên tòa đã chưa được thực hiện.

Tranh thủ, Đoan Trang quay lại nhìn về phía người mẹ đang ngồi cách mình khoảng sau 5m.

Người mẹ, tuổi đã trên bát tuần đưa ngón tay cái "number one" động viên con.

Vắn tắt, đơn sơ, nhưng quá đầy đủ cho một cử chỉ động viên con gái mình đang đối diện với nghịch cảnh cuộc đời.

Có lẽ, chỉ có dòng máu anh thư chảy trong huyết quản người mẹ Việt mới có thể luân chuyển, hun đúc nên tinh thần kiên cường của một Đoan Trang mà chúng tôi phải ngả mũ từ rất xa.

Tạm kết thúc buổi làm việc sáng với phần luận tội của VKS đề nghị mức hình phạt từ 7 đến 8 năm tù giam cho Đoan Trang.

Buổi chiều làm việc sẽ bắt đầu với phần phát biểu quan điểm bào chữa của các luật sư.

【LS. Đặng Đình Mạnh】

✅ CHUYỆN THỨ HAI: Hà Nội 14/12/2021: Hai người phụ nữ tại phiên tòa xử người yêu nước (Hình đi kèm bài) và việc anh trai của chị Đoan Trang bị cưỡng bức rời khỏi phòng xử.

Bà Bùi Thị Thiện Căn – mẹ của cô Phạm Đoan Trang – và cô Đỗ Thị Thu, vợ của anh Trịnh Bá Phương, gặp nhau tại phiên tòa xử người yêu nước Phạm Đoan Trang.

Một người mẹ già và một người vợ đang nuôi dưỡng hai con còn rất nhỏ trong khi chồng đang bị cộng sản bách hại trong trại giam.

Vai bên vai tạo nên một bức hình rất đẹp giữa Hà Nội hôm 14/12/2021. (Hình từ trang cá nhân của cô Đỗ Thị Thu.)

Có phiên toà nào mà người thân thanh thản, hiên ngang thế này không? Chỉ cần nhìn biểu hiện của người mẹ bất khuất của chị Đoan Trang, nhìn thái độ của người vợ trẻ của anh Trịnh Bá Phương, dù rồi đây khi chồng chị bị toà vu cáo kết tội, chị sẽ phải rất vất vả một mình gồng gánh nuôi con thơ… chắc chắn sẽ vất vả lắm lắm, nhưng tự thâm tâm chị biết những việc chồng mình làm là đúng, là chính nghĩa. Người mẹ, người vợ ấy đều rất chi là thanh thản, chẳng giống với bất kỳ loại phiên toà nào khác. Người mẹ ấy, người vợ ấy biết: con mình, chồng mình chỉ phạm mỗi "tội" duy nhất là YÊU NƯỚC. Chúng ta không cần nói gì nhiều, cũng chẳng cần phải thông minh, chỉ nhìn vào thái độ của họ, chúng ta cũng đoán hiểu được bản chất của phiên toà này là gì rồi… Hơn thế nữa, thậm chí khi để ý kỹ nơi ánh mắt những người thân, đặc biệt là của người mẹ Việt Nam bất khuất can trường này, tôi còn thấy ánh lên cả niềm hãnh diện nữa! Vâng, bà xứng đáng được tôn vinh, bà có đủ lý do để hãnh diện về người con gái của mình, bà khiến bao người phải nể phục… Đúng là: Hổ mẫu sanh hổ tử! Lại cả chuyện này nữa: chuyện anh trai của chị Đoan Trang bị an ninh đuổi ra khỏi toà, sau khi chị Đoan Trang nói xong lời sau cùng. Anh trai chị Đoan Trang, là ông Phạm Chính Trực, đã đứng dậy vỗ tay và nói to giữa tòa rằng: Gia đình luôn tự hào về Đoan Trang! Đồng thời, ông cũng tỏ thái độ phản đối việc xét xử bất công của tòa án… Chúng ta không bàn thêm nữa, nhưng tôi vẫn muốn bạn đọc thêm những lời của chị Đoan Trang trong phiên toà hôm nay:

✅ CHUYỆN THỨ BA: Những lời sau cùng trong ngày hôm nay của chị Đoan Trang, hay… ai kết tội ai?

Những dòng này được Đoan Trang đọc cho luật sư ghi lại vào ngày hôm qua, 13/12/2021, một ngày trước khi phiên tòa diễn ra. Chỉ đến khi được gặp luật sư vào ngày hôm qua, cô mới biết rằng có phiên tòa xét xử mình. Đoan Trang nhờ luật sư công bố, phòng trường hợp tòa không cho phép cô nói lời sau cùng. Xin được đăng lại nguyên văn nội dung do gia đình cung cấp:

Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14, lãnh tụ tinh thần của người Phật giáo Tây Tạng, từng nói một câu đại ý: chúng ta hãy thử tưởng tượng một thế giới trong đó có cả 6 tỷ người đều theo cùng một tôn giáo thì điều gì sẽ xảy ra khi đó? Chắc chắn là trước sau cũng có một nhóm người thấy rằng tôn giáo đó không còn mang lại lợi ích cho họ nữa, thế là họ tách ra và thế giới có thêm một nhóm tôn giáo khác hoặc một nhóm người không theo tôn giáo nào.

Điều Đức Đạt Lai Lạt Ma nói là để chúng ta thấy rằng bản chất của thế giới này, bản chất của cuộc sống là đa nguyên, và bản chất của con người là hướng tới sự đa nguyên. Chỉ có những kẻ ngu xuẩn mới đi tranh cãi về sự đa nguyên và phủ định sự đa nguyên. Chỉ những kẻ độc ác mới tiêu diệt sự đa nguyên. Và chỉ có những chính quyền cực kỳ độc ác và ngu xuẩn mới tiêu diệt sự đa nguyên bằng cách đàn áp, cầm tù những người bất đồng chính kiến, người viết sách, viết báo, người phản biện xã hội, người hoạt động dân chủ, nhân quyền.

Trong một xã hội dân chủ, nếu có một công dân viết sách, viết báo hoặc trả lời phỏng vấn báo chí nước ngoài nói lên những điều chính quyền không muốn nghe thì cách hành xử văn minh có thể là gì? Văn minh nhất là chính quyền đó không làm gì cả bởi vì con người văn minh là phải biết cách tôn trọng quan điểm và lợi ích của người khác. Trong trường hợp tệ hơn, nếu chính quyền đó có máu độc tài và thấy rằng những điều công dân đó nói là không thể chấp nhận được, thì chính quyền có thể chỉ đơn giản là viết lên những cuốn sách, những bài báo phản bác lại quan điểm của công dân đó, thậm chí mạnh dạn liên hệ trực tiếp với cơ quan báo chí nước ngoài để xin họ bố trí cho một cuộc phỏng vấn trong đó người của chính quyền có thể nói lên những quan điểm của mình, phản bác quan điểm của công dân kia. Nhưng Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã không làm như thế mà chọn một cách làm hèn hạ, ngu xuẩn và độc ác hơn rất nhiều, đó là bắt bớ cầm tù công dân của mình chỉ vì công dân đó viết sách, viết báo và trả lời phỏng vấn báo chí nước ngoài.

Ngày hôm nay, các anh, chị kết án tôi, có thể bỏ tù tôi nhiều năm nhưng không sao cả bởi vì như nhân vật Nguyễn Trãi trong vở kịch "Bí mật vườn Lệ Chi" đã nói: "Con thú có thể cắn chết con người nhưng vẫn là con thú. Con người mang trong mình lẽ phải có thể bị sát hại vì lẽ phải, nhưng bảo vệ lẽ phải mãi mãi vẫn là thiên chức của con người."

Những bản án càng dài thì càng chứng tỏ bản chất độc tài, phi dân chủ, phản dân chủ của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Các anh, các chị có thể bỏ tù tôi và hả hê đắc thắng vì đã xóa bỏ được một cái gai trong mắt các anh chị nhiều năm nay, nhưng mãi mãi các anh chị không xóa bỏ được tiếng xấu, độc tài, phi dân chủ, phản dân chủ. Vì con thú mãi mãi là con thú, nó không bao giờ có thể trở thành người được.

✅ CHUYỆN THỨ TƯ: "Án nào cũng thế thôi, là bởi vì có mẹ!"

Từ thủa lọt lòng được mẹ thương yêu, nuôi nấng và dạy dỗ. Cho đến khi trưởng thành, mẹ vẫn là chỗ dựa vững chắc của những đứa con. Mẹ của chị Trang là một người mẹ kiên cường, là bậc thang nâng đỡ cuộc đời chị. Một ngón tay đưa lên bằng mười lần câu nói. Họ có cùng nhịp đập của trái tim, sự thấu cảm. Mấy năm rồi hai mẹ con mới được nhìn thấy nhau. Ở cái khoảng cách không xa mà cũng chẳng gần ấy, họ chỉ có thể giao tiếp với nhau bằng ánh mắt và cử chỉ. Tù đi vì nhà tù là nơi ở của người công chính, một bản án không được công nhận bởi xã hội và chính người tù, một bản án thất bại. Một bản án không làm người thân của những người bị hại nao núng hay sợ hãi, một bản án đáng khinh. Một bản án mà chẳng có lấy một cơ sở lập luận cho ra hồn luật, một bản án đáng kinh, à kinh là kinh tởm chứ không phải kinh sợ.

【Trịnh Kim Tiến】

 

Nguồn: FB Giang Lại Đức

Comments are closed.