Thuyết trình cho sinh viên nghệ thuật (kỳ 1)

Oscar Wilde

Nguyễn Đình Đăng dịch

Lời người dịch: Nguyễn Đình Đăng dịch toàn bộ thuyết trình của Oscar Wilde (1854 – 1900) cho sinh viên viện Hàn lâm Mỹ thuật Hoàng gia tại Câu lạc bộ của họ ở Golden Square, Westminster, đêm 30/6/1883. Khi đó Wilde mới 28 tuổi.

*

Trong thuyết trình mà tôi có đặc ân trình bày trước các bạn đêm nay tôi hoàn toàn không muốn nêu cho các bạn một định nghĩa trừu tượng về nghệ thuật. Bởi lẽ chúng ta, những người lao động nghệ thuật, không thể chấp nhận bất cứ quan niệm nào về cái đẹp lý tưởng để đổi lấy chính cái đẹp. Ngược lại, xa lạ với ý muốn cách ly nó trong một công thức hấp dẫn trí tuệ, chúng ta tìm cách thực hiện nó dưới dạng đem lại niềm vui sướng cho tâm hồn thông qua các giác quan. Chúng ta muốn tạo ra nó, chứ không phải định nghĩa nó. Định nghĩa phải theo sau tác phẩm: tác phẩm không được phỏng theo định nghĩa.

Thật vậy, đối với nghệ sỹ trẻ, không gì nguy hiểm hơn bất kỳ quan niệm nào về cái đẹp lý tưởng: y sẽ luôn bị nó dẫn dắt vào vẻ xinh xắn yếu đuối hoặc sự trừu tượng thiếu sinh khí, còn nếu có động đến cái đẹp lý tưởng bạn phải tránh tước bỏ sức sống khỏi nó. Bạn phải tìm thấy nó trong cuộc sống và tái tạo lại nó trong nghệ thuật.

Vậy nên, trong khi một mặt tôi không muốn nói cho các bạn bất kỳ quan niệm nào về cái đẹp lý tưởng, mặt khác, bởi cái tôi muốn nói đêm nay là xem xét làm thế nào để chúng ta có thể tạo ra nghệ thuật, chứ không phải làm thế nào để chúng ta có thể nói về nó, tôi không muốn dính dáng tới bất cứ thứ gì tựa như một lịch sử nghệ thuật Anh.

Để bắt đầu, một cụm từ như “nền nghệ thuật Anh” là một cụm từ vô nghĩa. Người ta cũng có thể nói về “nền toán học Anh”. Nghệ thuật là khoa học của cái đẹp, và Toán học là khoa học của chân lý: không có trường phái quốc gia nào cho chúng cả. Thật vậy, một trường phái quốc gia đơn thuần chỉ là một trường phái tỉnh lẻ. Và thậm chí cũng chẳng có cái gì là trường phái nghệ thuật cả. Chỉ đơn thuần có các nghệ sỹ, thế thôi.

Còn về các môn lịch sử của nghệ thuật, chúng hoàn toàn vô giá trị đối với các bạn trừ khi các bạn mưu cầu sự quên lãng phô trương của một chức giáo sư nghệ thuật. Biết ngày sinh tháng đẻ của Perugino hay nơi sinh của Salvator Rosa thật chẳng có tích sự gì đối với các bạn: Tất cả những gì các bạn cần học về nghệ thuật là nhận ra một bức tranh đẹp khi các bạn nhìn thấy nó, và một bức tranh xấu khi các bạn nhìn thấy nó.

Về thời đại của của nghệ sỹ, mọi tác phẩm đẹp trông đều hoàn toàn hiện đại: một tác phẩm điêu khắc thời cổ Hy Lạp, một chân dung của Velázquez – chúng luôn hiện đại, luôn hợp thời đại chúng ta. Còn về tính dân tộc của nghệ sỹ, nghệ thuật không có tính dân tộc, mà mang tính phổ quát.

Về khảo cổ học thì hãy quên nó đi: khảo cổ học chỉ đơn thuần là khoa học bao biện cho thứ nghệ thuật tồi; đó là tảng đá rất nhiều nghệ sỹ trẻ va vào rồi chìm nghỉm; đó là vực thẳm nhiều nghệ sỹ, già hoặc trẻ, rơi xuống không trở về. Hoặc, nếu có trở về, y cũng bị bao phủ bởi bụi bặm của các thời đại và mốc meo của thời gian đến mức không còn được nhận ra như một nghệ sỹ nữa, và y phải tự che đậy mình dưới cái mũ giáo sư, hoặc chỉ đơn thuần là một người minh họa cổ sử, trong suốt phần đời còn lại của y. Bạn có thể đánh giá khảo cổ học vô tích sự như thế nào đối với nghệ thuật từ việc nó rất được công chúng ưa chuộng. Tính đại chúng là vòng nguyệt quế thế giới khoác lên nghệ thuật tồi. Bất cứ thứ gì đại chúng ưa chuộng đều sai.

Vậy thì, bởi tôi sẽ không nói với các bạn về triết lý của cái đẹp, hay lịch sử nghệ thuật, các bạn sẽ hỏi tôi định sẽ nói về cái gì. Chủ đề thuyết trình của tôi đêm nay là cái gì làm nên một nghệ sỹ và nghệ sỹ làm ra cái gì; nghệ sỹ có những mối quan hệ gì với môi trường xung quanh mình, nghệ sỹ cần nhận được học vấn gì và chất lượng của một tác phẩm nghệ thuật tốt là gì.

Bây giờ, về các quan hệ của nghệ sỹ với môi trường xung quanh, tôi muốn nói tới thời đại và đất nước nơi y sinh ra. Mọi nghệ thuật tốt, như tôi đã nói, chẳng dính dáng gì tới một thế kỷ riêng biệt nào cả; mà tính phổ quát này là phẩm chất của tác phẩm nghệ thuật; các điều kiện tạo nên phẩm chất đó thì khác nhau. Và, theo tôi, điều các bạn cần làm là phải hoàn toàn hiểu thời đại của mình để hoàn toàn tách mình ra khỏi nó; nên nhớ rằng nếu bạn đúng là nghệ sỹ, bạn sẽ không phải là người phát ngôn của thế kỷ, mà là bậc thầy của vĩnh hằng, rằng toàn bộ nghệ thuật dựa trên một nguyên tắc, và rằng sự quan tâm đơn thuần mang tính thời gian là hoàn toàn vô nguyên tắc; và rằng những người khuyên các bạn làm nghệ thuật của mình trở thành đại diện cho thế kỷ XIX là đang khuyên các bạn tạo ra một nghệ thuật mà con cháu các bạn, khi các bạn sinh ra chúng, sẽ cho là lỗi thời. Nhưng các bạn sẽ bảo tôi rằng đây là thời đại vô nghệ thuật, và chúng ta là một dân tộc vô nghệ thuật, và nghệ sỹ chịu đựng nhiều trong thế kỷ XIX của chúng ta.

Dĩ nhiên y chịu đau khổ, trước hết tôi sẽ không phủ nhận điều đó. Nhưng hãy nhớ rằng, kể từ khởi đầu của thế giới, chưa bao giờ từng có một thời đại nghệ thuật, hay một dân tộc nghệ thuật nào cả. Nghệ sỹ luôn đã, đang, và sẽ là ngoại lệ cực kỳ tế nhị. Không có một thời đại hoàng kim của nghệ thuật, mà chỉ có các nghệ sỹ, những người đã tạo ra thứ hoàng kim còn hơn cả vàng thật.

Cái gì, các bạn nói với tôi, những người Hy Lạp chẳng lẽ không phải là một dân tộc nghệ thuật hay sao?

Ồ, những người Hy Lạp chắc chắn là không, song có lẽ ý các bạn muốn nói những người Athens, những công dân của một trong hàng ngàn thành phố.

Các bạn có cho rằng họ là một dân tộc nghệ thuật không? Hãy xem xét họ thậm chí ở thời kỳ phát triển nghệ thuật cao nhất của họ, nửa cuối thế kỷ thứ năm trước Công nguyên, khi họ có những thi sỹ và nghệ sỹ vĩ đại nhất thế giới Cổ đại, khi đền Parthenon mọc lên trong sự yêu kiều theo lệnh của một Phidias, và triết gia thuyết giảng về sự minh triết trong bóng râm của vòm cổng được vẽ màu, còn bi kịch lướt đi trong sự hoàn hảo của đám rước lộng lẫy và bi thương trên sân khấu cẩm thạch. Vậy họ có phải là một dân tộc nghệ thuật không? Không hề. Một dân tộc nghệ thuật là cái gì nếu không phải là một dân tộc yêu mến các nghệ sỹ của mình và hiểu nghệ thuật của họ? Những người Athens cũng chẳng thể làm được như vậy.

Họ đã đối xử với Phidias như thế nào? Chúng ta nợ Phidias một thời đại vĩ đại, không chỉ trong nghệ thuật Hy Lạp, mà trong toàn bộ nghệ thuật, ý tôi nói là việc đưa mẫu sống vào sử dụng.

Và các bạn sẽ nói gì nếu có ngày tất cả các giám mục Anh, được người Anh chống lưng, từ điện Exeter kéo sang Hàn lâm viện Hoàng gia, lôi Ngài Frederic Leighton tống lên xe tù trở đến nhà ngục Newgate vì cáo buộc đã cho phép các bạn dùng mẫu thực trong các dessin vẽ các hình tượng thiêng liêng?

Liệu các bạn có chắc sẽ không gào lên chống lại sự man rợ và chủ nghĩa đạo đức của một ý tưởng như vậy không? Liệu các bạn có chắc sẽ không giải thích cho họ rằng cách tệ nhất để vinh danh Thượng Đế là làm ô danh con người, kẻ được tạo ra theo hình ảnh của Ngài, và là tác phẩm từ bàn tay của Ngài; và rằng nếu người ta muốn vẽ Chúa Ki-tô thì người ta phải có một người giống Chúa nhất mà người ta có thể tìm thấy, và nếu muốn vẽ Thánh mẫu Đồng trinh thì phải vẽ từ cô giá trinh bạch nhất mà người ta biết?

Liệu các bạn có chắc sẽ không vội vàng lao ra và đốt trụi nhà ngục Newgate, nếu cần, và nói rằng một thứ như vậy là vô song trong lịch sử?

Chưa từng có ư? Vậy mà, đó chính là điều những người Athens đã làm.

Trong phòng các tượng cẩm thạch Parthenon ở Bristish Museum, các bạn sẽ thấy một cái khiên bằng cẩm thạch trên tường. Trên cái khiên đó có hai hình người: một người đàn ông giấu mặt một nửa, người kia có những nét đẹp như thần của Pericles. Vì đã làm cái khiên này, vì đã đưa hình ảnh của chính khách vĩ đại nhất, người đang cai trị Athens thời đó, vào một phù điêu lấy từ lịch sử thiêng liêng, Phidias đã bị bỏ tù, và ở đó, trong nhà ngục của Athens, nghệ sỹ tối cao của thế giới cổ đại đã chết.

Và các bạn cho rằng đây là một trường hợp ngoại lệ chăng? Dấu hiệu của một thời đại Phàm phu là tiếng la hét của sự vô luân chống lại nghệ thuật, và tiếng la hét đó đã do những người Athens dấy lên chống lại mọi thi sỹ vĩ đại và nhà tư tưởng vĩ đại trong thời của họ – Aeschylus, Euripides, Socrates. Florence vào thế kỷ thứ mười ba cũng vậy. Những nghề thủ công giỏi là nhờ các phường hội nghề nghiệp, chứ không phải nhân dân. Thời điểm các phường hội mất quyền lực của chúng và nhân dân xông vào là thời điểm vẻ đẹp và sự trung thực trong tác phẩm đã chết.

Và vì vậy, đừng bao giờ nói về một dân tộc nghệ thuật; chưa bao giờ từng có một thứ như thế.

(Còn tiếp)

Nguồn: FB Nguyễn Đình Đăng

https://www.facebook.com/ng.dinhdang/posts/pfbid0KRVBNRTnm5NsPZgtxRRZPzjBB92oca6AKdDvHchZpgmoJQJhAeYd5CrPpuDTTsGNl

Comments are closed.