Lời giới thiệu sách LẦN THEO DẤU CHỮ của Trịnh Hùng Cường

Lại Nguyên Ân

This image has an empty alt attribute; its file name is image-64.png

Tôi quen Trịnh Hùng Cường từ một dịp ít nhiều ngẫu nhiên.

Số là từ cách nay vài ba chục năm, tôi đã chuyển ngòi bút phê bình văn nghệ (mà đối tượng thường là tác giả tác phẩm đương đại) sang nghiên cứu một số hiện tượng văn hóa văn nghệ ở Việt Nam từ đầu thế kỷ XX.

Để có thêm các nguồn tài liệu, tôi không những chăm chỉ đến các thư viện lớn nhỏ, mà còn gắng tìm và kết thân với những bạn có ham mê tìm hiểu, lưu trữ, mua bán sách báo cũ, cổ.

Nhóm “Sách xưa” là một trong những địa chỉ tôi tìm thấy khá sớm. Tôi tham gia các hoạt động do nhóm này tổ chức, nhất là các cuộc trưng bày sách báo cũ thuộc những thời kỳ đầu tiên của văn hóa chữ Quốc ngữ tại Việt Nam, những cuộc trưng bày mà hiện vật là những ấn phẩm xưa cũ vốn đã thuộc sở hữu riêng của các thành viên “Sách xưa”, giá trị thương mại không hề nhỏ, tiềm năng giá trị văn hóa có thể còn lớn hơn.

Trong một lần tham dự trưng bày như thế, tôi đã gặp Trịnh Hùng Cường.

Tôi được biết, Cường vốn làm nghề xây dựng, không liên quan trực tiếp đến sách báo. Chẳng biết mối duyên nào đã đưa anh bạn 8X này đến với loại đồ cổ thường bị mối mọt tàn phá kia?

Cường có lần kể như đùa: Là vì nhà cháu ở gần một nơi chứa… phế liệu, cháu thấy trong đấy có những sách báo của các thời đã khá xa xưa, đọc trong ấy thấy nhiều thứ thú vị! Cháu thu nhặt, và trở thành người sưu tập sách báo cũ!

Tôi chưa có dịp đến thăm nhà Cường ở Bắc Ninh để được xem bộ sưu tập sách báo cũ mà Cường hiện có, nhưng biết rằng trong số ấy có những ấn phẩm thuộc hàng quý hiếm, ví dụ série “Đại Việt tân báo” (1905-1908) mà nhiều thư viện lớn hiện cũng không có.

Không rõ những chủ nhân sưu tập đồ cổ nói chung thường đối xử với các đồ vật cổ mình đang lưu giữ ra sao?

Có phần chắc là họ đều ít nhiều phải bỏ công tìm hiểu để nắm được những thông tin cần thiết về nguồn gốc, lai lịch của chúng. Việc này đối với người sưu tập sách báo cũ còn khó hơn, là vì sớm muộn gì yêu cầu đó cũng khiến họ phải làm công việc của người nghiên cứu văn hóa! Kinh nghiệm cho tôi biết, mỗi khi tôi cần tìm thì những thông tin do các thành viên “Sách xưa” cung cấp đều đáng tin cậy.

Cuốn sách có lẽ là đầu tay này của Trịnh Hùng Cường, “Lần theo dấu chữ” với nội dung là lịch sử thời kỳ đầu của việc in ấn bằng chữ Latin ở Việt Nam (1862-1920), là một cuộc trưng bày không phải đầu tiên của Trịnh Hùng Cường, chỉ là lần trưng bày đầu tiên của anh trên mặt sách in.

Tôi biết, lịch sử ngành in ở Việt Nam là đề tài không dễ trong nghiên cứu. Khá ít chuyên gia sử học tiếp cận đề tài này. Cách nay trên 30 năm, một bộ “Lịch sử ngành in Việt Nam” đã được xuất bản (2 tập, tập 1: 1987, tập 2: 1992). Đó là công trình do Cục xuất bản (Bộ Văn hóa-thông tin) đặt hàng một nhóm chuyên gia biên soạn. Bộ sách này hiện không thấy lưu tại Thư viện quốc gia (31 Tràng Thi, Hà Nội). Tôi ngẫu nhiên có tập 2 của sách này, là phần nói về “ngành in cách mạng”, tính từ 1952 đến 1990; nhưng tôi không có tập 1 để biết, những thời kỳ đầu của in ấn tại Việt Nam được ghi nhận và miêu tả trong sách đó ra sao.

Ở những nét chung nhất, người ta biết hoạt động in ấn có từ khá xa xưa, ban đầu thường là lối in mộc bản (khắc ván), chẳng hạn lối in kinh sách ở vùng Đông Á trung đại, là khắc (chữ ngược) từng trang lên bản gỗ rồi in nhân bản ra nhiều trang giấy, đóng lại thành các tệp sách. Người Việt cũng sớm biết sử dụng lối in mộc bản này; các địa phương Hồng Lục, Liễu Chàng ở Hải Dương xưa có các tốp thợ từng khắc ván bộ “Đại Việt sử ký toàn thư”, Nội các quan bản, năm Chính Hòa thứ XVIII (1697).

Bước chuyển lớn trong hoạt động in ấn của nhân loại là việc ở châu Âu, năm 1450, một người Đức là Johannes Gutenberg (1400-1468) sáng chế ra máy in di động và sử dụng các con chữ rời, gọi tắt là lối in hoạt bản. Đây được coi là cuộc cách mạng trong in ấn, truyền thông, một cốt mốc của thiên niên kỷ thứ hai, mở ra thời hiện đại của xã hội loài người.

Lịch sử vốn đầy nghịch lý và trớ trêu! Cái máy in và kiểu in hoạt bản từ châu Âu đã đến Việt Nam theo cung cách nghịch lý trớ trêu ấy! Nó đến cùng súng đạn và cuộc xâm chiếm thuộc địa.

Nhưng lịch sử xâm lược sau khoảng 80 năm đã kết thúc. Còn lịch sử in ấn theo kỹ nghệ Âu Mỹ thì tiếp tục tồn tại và phát triển tại xứ sở chúng ta, đáp ứng các nhu cầu phát triển của con người và xã hội Việt Nam.

Xem qua các trang cuốn sách của Trịnh Hùng Cường, tôi nhận thấy, sự nhập khẩu máy in và triển khai kiểu in hoạt bản tại Việt Nam hồi cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX được tác giả trình bày dưới dạng các hoạt động cụ thể nhiều hơn là những thông tin và nhận định bao quát. Tác giả có trong tay khá nhiều cứ liệu hiển thị hiển ngôn, cho nên dù không diễn giải dài dòng vẫn đủ sức thuyết phục.

Cố nhiên trong cuốn chuyên đề lịch sử in ấn này, tác giả có thể còn có những sai sót, lầm lẫn nào đó, điều mà chính anh đã lưu ý và cáo lỗi trước cùng độc giả.

Đấy cũng không phải những lời khách sáo, bởi có thể sẽ có những kê cứu tại đây trở nên sai lẫn khi có chuyên gia nào đó gặp được những tư liệu khác cho thấy chỗ thiếu hụt ở người đi trước. Đó là những điều bình thường trong nghiên cứu.

Trước mắt chúng ta, trong sách này đang có một trưng bày về một đề tài thú vị.

Xin giới thiệu cùng bạn đọc.

Hà Nội, tháng Sáu 2023

Comments are closed.