Mấy cảm nghĩ

Lại Nguyên Ân

Có thể là hình ảnh về văn bản cho biết 'Nhiều tác giả TƯ TƯỞNG GIÁO DỤC VIỆT NAM Trên báo Thanh Nghị 1941-1945 Wett'

Cách nay vài năm, một nhóm bạn nghiên cứu trẻ liên lạc với tôi, cho biết các bạn đang cùng nhau đọc kỹ một số phần trên tạp chí Thanh nghị (1941-1945) để chọn lấy các bài viết về giáo dục, để làm thành một sưu tập. Các bạn nói, khi nào thành hình tập sách đó, sẽ nhờ tôi viết lời giới thiệu. Khi đó tôi hoan nghênh và khích lệ các bạn, là vì tờ Thanh nghị vốn được dư luận nghiên cứu đánh giá rất tốt.

Thế nhưng, khi sưu tập do các bạn làm đã thành hình, đưa tôi đọc, tôi lại chần chừ đặt bút! Không phải vì các bài được chọn hay vì sự chọn bài! Mà chỉ vì đây là một phạm vi cần sự hiểu biết của giới chuyên gia, mà tôi thì lại không chuyên về lĩnh vực này!

Song, không sao từ chối các bạn được, tôi đành viết ít lời, tự xem đây chỉ là những suy nghĩ của một người không chuyên trước các vấn đề lý thuyết về giáo dục.

***

Xã hội người Việt, những năm nửa sau thế kỷ XIX sang đầu thế kỷ XX, đã trải qua những biến động lớn. Cuộc xâm lược của nước Pháp và sau đó, công cuộc thực dân hóa của người Pháp đã khiến xã hội người Việt dần dần ra khỏi thời trung đại quân chủ kiểu Đông Á, chuyển thành một xã hội cận đại và hiện đại, có nhiều nét gần gũi với các xã hội hiện đại kiểu Âu Mỹ, tuy mới ở trình độ đang phát triển.

Một trong số những lĩnh vực thay đổi rõ rệt chính là giáo dục.

Nền học Nho truyền thống, — vốn công khai tính chất tôn giáo, công khai ưu tiên giới nam, công khai mục tiêu đào tạo quan lại cho bộ máy cai trị, — bị giới hạn và xóa bỏ. Cái thay thế là một nền học mới, khi định hình, chính là hệ thống giáo dục Pháp-Việt. “Hệ thống giáo dục Pháp-Việt ở ba kỳ thừa hưởng những nguyên tắc của các đạo luật Jules Ferry được thiết lập trong những năm 1881-1882: miễn phí, bắt buộc và phi tôn giáo /thế tục. Song song với hệ thống giáo dục Pháp hoàn toàn, hệ thống giáo dục Pháp – Việt được thiết lập tại Nam Kỳ năm 1879, tại Bắc Kỳ vào năm 1904 và tại Trung Kỳ năm 1906.” (1) Bên cạnh giáo dục phổ thông, các đại học và cao đẳng được lập ra từ 1907, nhưng thực sự hoạt động từ 1917.

Quan sát những hiện tượng phát triển chiều sâu của văn hóa ngôn ngữ văn tự, như sự xuất hiện các sáng tác văn học tự sự kiểu mới, sự xuất hiện các sáng tác thơ mới tiếng Việt, sự xuất hiện các khuynh hướng trong hoạt động ngôn luận, báo chí, v.v., ta sẽ thấy chúng đều xa gần gắn với thời điểm những thế hệ học trò các trường Pháp-Việt ra trường, vào đời rồi cầm bút viết văn, làm báo.

Những năm 1940 chứng kiến sự phát triển loại báo chí chuyên về một số lĩnh vực tri thức xã hội-nhân văn. Tờ Tri Tân (Hà Nội, s. 1 ra ngày 3.6.1941) đi sâu khảo sát di sản trứ thuật Hán Nôm của quá khứ. Tờ Văn Mới (Hà Nội, s. 1 ra ngày 15.2.1939, bị cấm; tục bản, đánh số mới, s. 1 ra ngày 3.6.1939) đăng những tác phẩm nghị luận vận dụng tư tưởng duy vật của chủ nghĩa Mác vào phân tích xã hội. Tờ Thanh Nghị (s. 1 ra ngày 25.4.1941) đăng những bài nghị luận bàn về cơ cấu bên trong mà xã hội Việt Nam cần tạo dựng.

“Thanh Nghị là tiếng nói của lớp trí thức do nhà trường Pháp đào tạo ra hoặc ở Paris hoặc ở Hà Nội… Họ nhận thấy rằng văn minh phương Tây rất cần để soi đường và kích thích dân tộc Việt Nam tiến bộ, nhưng họ muốn có cái gì của riêng mình. […..] Lần đầu tiên ta thấy những người trí thức xuất thân ở các trường đại học Pháp tập hợp chung quanh một cơ quan đứng đắn, sử dụng câu văn Việt hoạt bát, đạt đạo những suy nghĩ của họ. Cũng như toàn dân, họ thấy đất nước đang chuyển mình. Hơn cả toàn dân, họ thấy trách nhiệm của người hiểu biết, cho nên đứng ra lo liệu những rường cột cho tòa nhà Việt Nam ngày mai. [….] Những bài báo của nhóm Thanh Nghị làm cho người ta như đã cảm thấy cái không khí độc lập, cái ngày vui sắp tới mà người Việt Nam có thể cùng nhau lo lấy kể cả những vấn đề chuyên môn cao nhất.” (1)

Nhận xét dẫn trên của một chuyên gia lịch sử báo chí, quả là rất thích đáng đối với đề tài giáo dục được đề cập trên tờ Thanh nghị.

Là những trí thức của nền học mới, các tác giả viết cho Thanh Nghị có đủ trình độ hiểu biết cả về lý thuyết lẫn về lịch sử để luận bàn về hoạt động giáo dục. Có thể nói, các bài nghị luận về giáo dục trên Thanh nghị, tại Việt Nam những năm 1940 đã góp vào sự hình thành một ý thức lý thuyết về giáo dục, một triết lý về giáo dục.

Trong nhận thức của những tác giả như Nguyễn Văn Tố, Hoàng Đạo Thúy, Vũ Đình Hòe, Đinh Gia Trinh, Đỗ Đức Dục, nền giáo dục Âu Tây với lượng tri thức ngày một sâu rộng, là tiên tiến, đáng áp dụng, nhưng không vì thế mà có thể xem thường nền Nho học Á Đông truyền thống, với các chuẩn mực tu thân, rèn luyện nhân cách. Hoạt động giáo dục, theo họ quan niệm, là bao trùm mọi thời kỳ tồn tại của đời người, kể từ cái thai trong bụng mẹ đã cần “thai giáo”, trẻ sơ sinh cho đến trước lúc đi học vẫn cần “mẫu giáo”, cần “giáo dục gia đình”, sau giai đoạn đi học phổ thông và học nghề, vẫn cần được trợ giúp bằng giáo dục “bình dân”, bằng “tự học”.

Vũ Đình Hòe, chủ nhiệm Thanh Nghị, cũng là cây bút viết nhiều bài nhất về giáo dục trên tạp chí, đã nêu lên và biện luận khá kỹ lưỡng về chủ trương một nền giáo dục “vì nhân sinh”, nền giáo dục “rèn luyện tính khí”, chứ không phải nền giáo dục “vì học thuật”, “phổ thông tri thức”, tức là phân biệt ranh giới hoạt động giáo dục với hoạt động nghiên cứu khoa học. Ông còn luận bàn về nhiều vấn đề bên trong nền giáo dục phổ thông (sau này gọi là khu vực giáo dục “chính quy”) như ủng hộ việc mở chuyên ban “cổ điển Á Đông” ở cấp trung học, dạy chữ Nho (chữ Hán) và một số tác phẩm chữ Hán của tác gia cổ Trung Hoa và trung đại Việt Nam, bởi, theo ông, nền giáo dục của Việt Nam, bên cạnh việc lập một nền Việt văn tương đương với nền Pháp văn, còn phải “gây cho thanh niên một căn bản tinh thần vững vàng, nó sẽ huấn luyện thanh niên theo cùng một nhịp điệu nhịp nhàng với cuộc sống muôn năm của một dân tộc Á Đông, cuộc sống đời đời tiến hóa nhưng vẫn giữ nguyên cái bản sắc, cái tính chất riêng của nó.”

Nhấn mạnh yêu cầu “rèn luyện tính khí”, Vũ Đình Hòe và các tác gia Thanh Nghị cũng đồng thời đặt yêu cầu tôn trọng tự do và cá tính của trẻ em; như diễn giải của tác giả Phạm Lợi: “sự giáo dục có lập trên nền tảng tự do thì cá tính của con trẻ mới được phát triển hoàn toàn”. Quy trình “rèn luyện tính khí” còn được các tác giả khai triển trong những luận bàn về chương trình, phương pháp dạy học ở tiểu học, trung học, đại học, ba cấp học của một nền “giáo dục duy nhất”.

Một bộ phận hoạt động giáo dục khác mà Vũ Đình Hòe, Nguyễn Văn Tố, và nhiều tác giả khác trên Thanh Nghị quan tâm, là giáo dục “bình dân”, nhắm tới một thành phần cư dân khi đó rất đông đảo, là những người đã qua tuổi học trò, đang dành phần lớn thời gian hàng ngày để hành nghề kiếm sống, nhưng học vấn thì còn ở tình trạng quá thiếu hụt, không ít người còn mù chữ. Thành phần này đã từng là đối tượng của hoạt động truyền bá quốc ngữ, một phong trào mà mà tạp chí Thanh Nghị là một trong những đại bản doanh, chủ nhiệm Thanh Nghị Vũ Đình Hòe là một trong những yếu nhân (với chức danh phó hội trưởng Hội truyền bá quốc ngữ, 1938-1945). Những luận chứng về lĩnh vực này trong hoạt động giáo dục của các tác gia Thanh Nghị, trên thực tế, đã là cơ sở cho phong trào “diệt giặc dốt” sau tháng 8/1945, cho loại hình “bổ túc văn hóa” ở miền Bắc từ những năm 1955 trở đi, mà cho đến gần đây vẫn được duy trì dưới tên gọi mới “giáo dục thường xuyên”.

Quan niệm giáo dục là hoạt động thường xuyên đối với mọi thành phần xã hội, các tác giả Thanh Nghị còn luận bàn về các dạng thức giáo dục ngoài trường học, ví dụ giáo dục trong những tập hợp theo lứa tuổi, — trẻ em, phụ nữ, thanh niên. Họ nhấn mạnh vai trò cha mẹ, vai trò của “giáo dục gia đình” đối với trẻ em, vai trò những tổ chức có tính chất hướng đạo đối với các lớp tuổi thanh thiếu niên, v.v.

Đặt hy vọng về tương lai của đất nước vào tuổi trẻ, hầu hết các tác giả quen thuộc của Thanh Nghị đều có bài về thanh niên, không chỉ luận về sự cần thiết tham dự các hoạt động giáo dục đối với lớp thanh niên đương thời, các tác giả còn nêu trực tiếp những khuyên nhủ, cổ động lớp người trẻ tuổi rèn luyện cho mình những năng lực, phẩm chất cần thiết để sống một cách xứng đáng với cuộc sống con người, với dân chúng, với đất nước. Ở những bài viết ấy, các tác giả như Hoàng Đạo Thúy, Nguyễn Văn Tố, Đinh Gia Trinh, đã hiện diện như những nhà giáo dục chứ không chỉ như những nhà bình luận về giáo dục.

Đương nhiên cũng có thể nhận ra một số nốt nhấn hoặc còn hơi mờ, hoặc lại hơi quá đậm trong sự luận bàn và đề xuất các quan niệm xung quanh các vấn đề giáo dục của các tác giả trên Thanh Nghị. Chừng như họ có sự đề phòng hơi thái quá đối với nền Âu học dày đặc tri thức về thế giới khách quan, cho nên đã đặt hơi nhiều niềm tin thậm chí có phần ảo tưởng vào nền học Á Đông xưa vốn nặng về sự rèn tập lòng sùng kính, tín mộ, thậm chí vào cả những giáo điều sai trái, lại khá nghèo nàn về kiến thức. Khi đề xuất các chương trình học cho hệ giáo dục bình dân, nơi mà đối tượng đang thiếu thốn nhất là những kiến thức phổ thông, những năng lực tối giản, các tác giả này vẫn đưa vào luận chứng “thiết kế” những nội dung dạy luân lý, đức dục, — điều mà sau này các hệ bổ túc văn hóa đều không thực hiện! (Đối với những người lớn, các vấn đề đạo đức đã do đời sống thực tế điều chỉnh, họ đi học “bình dân” chỉ để bổ túc những kiến thức và kỹ năng tối thiểu mà họ vẫn còn thiếu).

Những nét nhấn hoặc mờ hoặc lệch như vậy, tất nhiên là khó tránh khỏi, nhất là khi luận bàn trên các ý niệm, trên lý thuyết khái quát. Nhìn chung lại, vẫn có thể thấy đã có một ý thức về giáo dục, một triết thuyết giáo dục, trong những bài về giáo dục của tạp chí Thanh Nghị hồi nửa đầu những năm 1940. Những tư tưởng đó đã được tiếp nối, kế tục hoặc phản bác, trong những thời gian tiếp theo, khi công việc tổ chức nền giáo dục quốc dân trở thành công việc của giới chức giáo dục Việt Nam.

Mảng bài kể trên có thể được xem như một mảng trong sự hình thành và phát triển tư tưởng về giáo dục ở Việt Nam.

Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

Hà Nội, tháng Tư 2021

Dưới đây là Mục lục, chép theo bản thảo do nhóm biên soạn gửi cho tôi (để tôi viết giới thiệu), có thể chênh lệch so với bản in /tôi chưa có sách in/

MỤC LỤC (theo bản thảo)

TƯ TƯỞNG GIÁO DỤC VIỆT NAM

– Vấn đề giáo dục (Phạm Lợi, T.N. s. 33)

Chương I : VẤN ĐỀ CHUNG CỦA GIÁO DỤC

– Mấy điều cải cách khẩn cấp trong gia đình giáo dục (Vũ Đình Hòe, T.N. s. 1)

– Một nền giái dục bị lung lay. Giáo dục vì hoc thuật và khoa trau dồi tri thức (Vũ Đình Hòe, TN, s. 16)

– Giáo dục vì nhân sinh và khoa rèn đúc tính khí (Vũ Đình Hòe, TN. s. 17)

– Việc lập một nền học cổ điển Á Đông ở Đông Dương (Vũ Đình Hòe, TN., s. 22)

– Một vài ý nghĩ về việc cải cách giáo dục (Vũ Đình Hòe, TN., s. 25)

– Một vài ý nghĩ về việc cải cách giáo dục. Chức vụ và trách nhiệm giáo sư (Vũ Đình Hòe, TN., s. 26)

– Việc học nghề (Hoàng Đạo Thúy, TN., s. 50)

– Sự học chuyên nghiệp và kỹ thuật (Trọng Đức, TN., s. 77)

– Du học sinh (Tân Phong, TN., s. 80)

– Khái luận về học vấn: Học lấy và học ở nhà trường (Đinh Gia Trinh, TN., s. 95)

– Gia đình và giáo dục. Giáo dục duy nhất (Vũ Đình Hòe, TN., s. 93, 95)

– Việc xây dựng một nền giáo dục Việt Nam (Vũ Đình Hòe, TN., s. 100-104, 108, 109)

Chương II : GIÁO DỤC BÌNH DÂN

– Vấn đề giáo dục bình dân. Giáo dục bình dân ở xứ ta (Vũ Đình Hòe, TN., s. 37)

– Một chương trình dạy trong các lớp bình dân (Vũ Đình Hòe, TN., s. 45)

– Một chương trình dạy học trong các lớp bình dân, lớp cao đẳng người lớn (Vũ Đình Hòe, TN., s. 48)

– Một chương trình dạy học trong các lớp bình dân, lớp cao đẳng người lớn, bài tiếp theo (Vũ Đình Hòe, TN., s. 50)

– Chương trình dạy trong các lớp bình dân, lớp cao đẳng người lớn, bài tiếp theo (Vũ Đình Hòe, TN., s. 58)

– Chương trình dạy trong các lớp bình dân, lớp cao đẳng người lớn, bài tiếp theo (Vũ Đình Hòe, TN., s. 62)

– Chương trình dạy trong các lớp bình dân, lớp cao đẳng người lớn, bài tiếp theo (Vũ Đình Hòe, TN., s. 66)

– Vấn đề văn hóa giáo dục trong công cuộc giáo dục bình dân (Đỗ Đức Dục, TN., s. 94)

– Nền học bình dân (Ứng Hòe Nguyễn Văn Tố, TN., s. 100 – 104)

Chương III : GIÁO DỤC THANH NIÊN VÀ TRẺ EM

– Thanh niên với văn chương Việt Nam. Một vài tín ngưỡng về nghệ thuật (Đinh Gia Trinh, TN., s. 1)

– Thanh niên đối với sự học (Ứng Hòe Nguyễn Văn Tố, TN., s. 14)

– Thanh niên đối với lễ giáo (Ứng Hòe Nguyễn Văn Tố, TN., s. 23)

– Thanh niên với cần lao (Ứng Hòe Nguyễn Văn Tố, TN., s. 26)

– Thanh niên đối với việc làng (Ứng Hòe Nguyễn Văn Tố, TN., s. 32)

– Việc giáo dục trẻ nhỏ trước khi đến tuổi đến trường (Phạm Lợi, TN., s. 37)

– Trọng sự tự do và cá tính trẻ con trong việc giáo dục (Phạm Lợi, TN., s. 39)

– Nhiệm vụ của thanh niên đối với tổ quốc (Đinh Gia Trinh, TN., s. 107)

– Tinh thần mới của thanh niên (Đinh Gia Trinh, TN., s. 108)

– Sắp đặt tuổi trẻ (Hoàng Đạo Thúy, TN., s. 100-104)

– Nguyên tắc hoạt động của thanh niên (Đinh Gia Trinh, TN., s. 114)

Tư tưởng giáo dục Việt Nam trên báo Thanh Nghị 1941-1945, nxb Dân Trí, 2022.

Comments are closed.