Sách “Phế tích Mỹ Sơn – Cánh cửa mở vào nghệ thuật cổ Champa”

 

  

“Tháng Năm về điểm sơn xuyên

Trên tàn phế [tích] dựng muôn nghìn thảo hoa.”

Bùi Giáng

clip_image002

LỜI TỰA (trích từ cuốn Phế tích Mỹ Sơn – Cánh cửa mở vào nghệ thuật cổ Champa, Nxb Đà Nẵng, 2021)

Quyển sách mỏng mà quý bạn cầm trên tay là một giới thiệu về Mỹ Sơn, phế tích nổi bật là Di sản Văn hóa Thế giới được UNESCO công nhận từ năm 1999. Mục đích của sách này là cung cấp những kiến thức cơ bản về một di tích lịch sử và cũng là kiến trúc quan trọng nhất của vương quốc cổ Champa tại miền Trung Việt Nam, nhằm giúp độc giả tiếp cận với vẻ đẹp của phế tích bằng những hiểu biết thiết yếu về lịch sử phát triển nghệ thuật của nó.

Ngoài phần giới thiệu chung về văn minh và nghệ thuật Champa, nhiều hình ảnh của di tích được chọn lọc để minh họa đều có giải thích chi tiết để độc giả có thể nắm bắt những đặc điểm sinh động của các kiệt tác kiến trúc và điêu khắc của Mỹ Sơn được sáng tạo từ thế kỷ VII-VIII cho đến thế kỷ XIII.

Sách viết về Mỹ Sơn đã xuất bản chỉ có một vài nhưng thiên về chuyên môn khảo cổ học nên đông đảo bạn đọc khó tiếp cận. Với mong muốn giới thiệu vẻ đẹp đặc th của mỹ thuật Champa với công chúng, chúng tôi thực hiện khảo luận này và hy vọng rằng nó sẽ là bạn đồng hành của độc giả khi đến thăm Mỹ Sơn, sẽ cùng bạn đọc khám phá cá tính thẩm mỹ độc đáo của nền nghệ thuật này; và hy vọng rằng quyển sách nhỏ này sẽ giúp quý độc giả có thêm hiểu biết về Mỹ Sơn để rồi yêu quý và cùng chung tay gìn giữ di sản văn hóa vô giá này.

Gặp gỡ Trần Kỳ Phương và Bùi Chí Trung

Tôi bắt đầu các chương trình khảo cứu ở Việt Nam và Cambodia từ năm 1990. Ngay từ cuộc khảo cứu lần đầu ở Việt Nam, có thể không chính xác lắm, tôi đã gặp Trần Kỳ Phương, tôi thường gọi là anh Kỳ. Thật ra vào mùa hè năm đó, vợ chồng tôi đã được GS Chihara Daigoro, người rất nổi tiếng về các nghiên cứu kiến trúc Đông Nam Á, mời đến nhà để trao đổi và yêu cầu chúng tôi xúc tiến công tác khảo cứu ở Đông Nam Á.

Từ khi còn là sinh viên tôi đã đi thăm Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan, Indonesia nhiều lần nhưng chưa hề nghĩ rằng những quốc gia này sẽ là các đối tượng nghiên cứu trọng điểm của mình. Trong một buổi hội thảo ở Đại học Sophia tôi được giới thiệu với TS Đặng Văn Bài, Cục trưởng Cục Bảo tồn Bảo tàng, Bộ Văn hoá-Thông tin Việt Nam nhưng cũng chỉ chào hỏi thông thường mà thôi.

Khoảng một tháng sau, GS Chihara điện thoại cho tôi bảo rằng vé máy bay, visa đã có rồi, đã gởi fax liên lạc với TS Bài của Bộ Văn hoá-Thông tin và cả đến Trần Kỳ Phương là quản thủ của Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng; và dặn dò rằng sau khi công tác ở Hà Nội xong, khi đến Đà Nẵng sẽ được ông Kỳ đón ở phi trường. Ngoại trừ năm nay bị đại dịch Corona, tôi không đi Việt Nam được, nhưng trong vòng 30 năm nay, năm nào Trần Kỳ Phương và tôi cũng gặp nhau, khi thì khảo sát ở Việt Nam khi thì trong các hội thảo khoa học ở Nhật. Nội dung trao đổi với nhau luôn luôn chỉ hướng về một đề tài là nghiên cứu và bảo tồn các di sản văn hoá Việt Nam.

Tháng 9 năm 1994, với sự hợp tác của Toyota Foundation và Japan Foundation, về phía Việt Nam có TS. Đặng Văn Bài và Trần Kỳ Phương hỗ trợ, để tổ chức triển lãm “Con đường Tơ lụa trên Biển: Văn hoá và Di tích của Vương quốc Champa” được trưng bày tại năm thành phố lớn trên toàn nước Nhật bắt đầu từ thành phố Nagoya, hội trường là Viện Mỹ thuật tỉnh Aichi – Trung tâm Văn hoá Nghệ thuật tỉnh Aichi. Khi đó, TS Makita Toichi, Phụ trách Chương trình và Giám đốc Kamezawa Naomichi của Toyota Foundation bảo tôi rằng khi đến Nagoya thì trước tiên phải gặp Bùi Chí Trung, nếu không lầm là chúng tôi đã gặp nhau ở Trung tâm Giao lưu Quốc tế Nagoya. Nhìn tên anh tôi biết là người Việt nhưng khi gặp mặt lại là một thân sỹ nói tiếng Nhật rất lưu loát, nhờ sự hợp tác của Bùi Chí Trung, chương trình triển lãm ở Nagoya đã thành công tốt đẹp.

Sau đó trong Chương trình khảo sát Trùng tu Lăng Minh Mạng ở Huế từ năm 1996, chủ trì bởi công trình sư Tanaka Fumio, Bùi Chí Trung đã hợp tác với chương trình trong chức vụ là cố vấn học thuật kiêm thông dịch. Mối quan hệ mật thiết với Trần Kỳ Phương và Bùi Chí Trung bắt đầu từ những ngày đó, cả ba chúng tôi luôn hướng đến việc bảo tồn các di sản văn hóa của mình.

Lần này, để giúp bạn đọc hiểu sâu hơn các di sản văn hóa của Việt Nam, Trần Kỳ Phương và Bùi Chí Trung lập kế hoạch cùng hợp tác xuất bản sách giới thiệu về Di sản Văn hóa Thế giới Mỹ Sơn. Ngay như hiện nay mỗi lần Trần Kỳ Phương đi thăm Mỹ Sơn đều có những phát hiện mới; còn Bùi Chí Trung thì luôn luôn suy nghĩ phương cách trùng tu di tích. Tôi rất đồng cảm với nguyện vọng của hai tác giả là, cùng lúc giới thiệu văn hoá Việt Nam rộng rãi ra thế giới đồng thời cũng tạo điều kiện để công chúng Việt Nam hiểu biết và quan tâm hơn đến di sản văn hoá của đất nước mình.

Bùi Chí Trung nhờ tôi viết lời giới thiệu cho nội dung tập sách này. Điều tôi muốn lưu ý ở đây là, đã có rất nhiều đồng nghiệp người Việt Nam kể cả hai tác giả này, cùng với các nhà nghiên cứu Nhật Bản, và các đoàn thể hỗ trợ để chung sức tiến hành đăng ký thành công di tích Mỹ Sơn trở thành một di sản văn hóa thế giới; và họ cũng sẽ tiếp tục bảo tồn các di sản văn hoá Việt Nam về lâu dài trong tương lai.

Tôi nghĩ rằng sự hiểu biết sâu rộng hơn về di tích Mỹ Sơn là rất cần thiết và cuốn sách này sẽ là một cột mốc giúp độc giả có cơ hội tái nhận thức giá trị độc đáo của di sản này.

GS Shigeeda Yutaka

Khoa Kiến trúc, Trường Khoa học và Kỹ thuật, Đại học Nihon

Bùi Chí Trung dịch

Comments are closed.