Cửu Long cạn dòng biển Đông dậy sóng (kỳ 4)

Ngô Thế Vinh

CHƯƠNG VII

TRỞ VỀ – PATTIVATTNA

VỚI NHỮNG CÁNH ĐỒNG CHẾT

Chúng ta sẽ đốt hết cánh đồng cũ và cỏ cây mới sẽ mọc.

(Pol Pot)

Ông Khắc thì vẫn thích Malraux ngay từ cuốn sách đầu tiên La Voie Royale. Sách Malraux không những ông đọc mà còn có đủ bộ. Rất tiếc là một thời gian dài ông đã chỉ làm quen với một Malraux nhà văn nhà chánh trị đã thành danh. Nhưng mới đây trong chuyến sang Pháp vào các thư viện tìm tài liệu cho cuốn sách viết về các phong trào cách mạng Việt Nam từ 1920 tới 1945, như một cơ duyên, ông Khắc đã có khám phá kỳ thú về “một André Malraux khác”. Đó là một Malraux ở cái tuổi 23, cách đây hơn 70 năm lần đầu tiên tới Sài Gòn. Những bước đầu xông xáo của Malraux đã bị tờ báo địa phương L’ Impartial – Vô Tư gán ngay cho tội danh “tên phá hoại, kẻ ăn trộm các phế tích” và đồng thời bị tòa án ở Nam Vang kết án ba năm tù và năm năm cấm cư trú ở Đông Dương về tội “ăn cắp những phù điêu gỡ từ đền Angkor”.

Ông Khắc thì vẫn thích con người hành động của Malraux nhưng đồng thời ông cũng biết thêm về “một Malraux của đời thường” không phải chỉ qua bản án bị coi là trù dập của chánh quyền thuộc địa Pháp thời bấy giờ mà là qua một tác giả Mỹ Walter Langlois – André Malraux: The Indochina Adventure (New York 1966) đã rất khách quan tường thuật diễn tiến vụ đánh cắp cổ vật có dự mưu chứ không chỉ là một hành động ngẫu hứng – acting on a sudden impulse… do điên cuồng của tuổi trẻ – folie de la jeunesse như lý lẽ bạn bè muốn đưa ra để bênh vực Malraux ngay lúc đó là cả những năm về sau này.

… Malraux trước đó ra Hà Nội cũng đã gặp các thành viên của Trường Viễn Đông Bác Cổ – Ecole Francaise d’Extrême-Orient đã biết khu đền đài Angkor như một kỳ quan cần được bảo vệ và Malraux không thể không biết điều mà ông dự tính làm là phạm pháp. Vào Sài Gòn, Malraux vẫn cùng với vợ là Clara và một người bạn là Louis Chevasson, bằng đường sông Mekong tới Nam Vang, từ đó họ đi ngược dòng Tonlé Sap vào Biển Hồ lên tới Siem Reap rồi bằng đường bộ tới Angkor.

Malraux đã chuẩn bị rất chu đáo, thuê xe bò kéo và có cả các công nhân Khmer đi theo để phụ giúp. Tại đền Banteay Srei, Malraux đã cho dùng cưa đá cắt ra từ tấm phù điêu một tiên nữ apsaras tuyệt đẹp, ông còn cho gỡ thêm một số tượng nhỏ khác rồi cho đóng thùng chất lên xe, ngụy trang là “các thùng hóa chất” để đưa xuống tàu ở Biển Hồ trước khi chuyển về Sài Gòn.

Mọi việc tưởng yên thấm và nếu thành công thì đó là những cổ vật rất có giá ở đối với các nhà sưu tập ở Nữu Ước và chàng tuổi trẻ Malraux lúc đó cũng chẳng dư dật gì. Nhưng điều mà Malraux không biết là họ đã bị theo dõi từng bước ngay từ đầu; nên khi vừa về tới Nam Vang họ bị bắt cùng với đầy đủ tang vật. Trừ Clara là phụ nữ được miễn tố, còn lại hai người đàn ông: Malraux bị án 3 năm tù và Chevasson là 18 tháng.

Viện cớ đền Banteay Srei không thuộc vùng cấm được bảo vệ nên cả hai kháng án và được đưa về Sài Gòn tái thẩm. Do đã có chút danh tiếng trong giới văn học lúc đó, Malraux được các bạn văn ở Paris lên tiếng bênh vực khiến vụ án mang vẻ văn học và chánh trị. Chánh trị hay không thì tòa án ở Sài Gòn cũng vẫn xử Malraux là có tội nhưng với án giảm xuống còn một năm tù treo và sau đó không một ngày ở tù, Malraux trở lại Paris. (Tưởng cũng nên mở một dấu ngoặc về một điều quá trớ trêu_ the rich irony, theo ngôn từ của Milton Osborne, là chính con người đã phạm tội phá hoại di tích – cultural vandalism ở Đông Dương lại trở thành Bộ Trưởng Văn Hóa của chánh phủ De Gaulle trong nhiều năm sau.)

Một năm sau là một André Malraux hoàn toàn khác trở lại Sài Gòn với quyết định ra tờ báo L’ Indochine nhằm khởi đầu một chiến dịch tố cáo chánh quyền thuộc địa, đấu tranh cho sự cởi mở chánh trị cho người “An Nam”. Malraux muốn đặt lại vấn đề Đông Dương trong bối cảnh Viễn Đông với cuộc cách mạng Tân Hợi đang diễn ra ở Trung Hoa. Tờ L’ Indochine không những đả kích tính lộng hành xấc xược của các nhà lãnh đạo thuộc địa người Pháp mà còn phơi bầy tệ nạn luồn cúi và tham ô của đám quan lại bản xứ.

Cũng vẫn viên giám đốc tờ L’ Impartial, công cụ của chánh quyền bảo hộ đã tố cáo Malraux là thiên Cộng. Với cái nhãn hiệu ấy qua sở mật thám, tờ L’ Indochine bị mất đi nhà in. Nhưng không tương nhượng, Malraux tìm mọi cách tục bản tờ báo với một tên mới nhiều ý nghĩa L’ Indochine Enchaine’ – Đông Dương Xiềng Xích nhưng báo chỉ ra thất thường vì vô số những khó khăn không vượt qua được. Chính giai đoạn này Malraux đã nhận ra cái ảo vọng của cuộc đấu tranh ngoài nước Pháp nơi mà thành lũy thuộc địa còn quá ư vững chắc. Không chậm trễ, Malraux quyết định rời Sài Gòn với một bài viết cuối trên tờ Đông Dương Xiềng Xích trước khi đình bản hẳn: “Tiếng nói quần chúng cần phải được cất lên, đòi hỏi giới chủ nhân phải thanh toán những nỗi khổ sai cực nhọc, nỗi quạnh hiu kinh hoàng đang đè nặng lên các cánh đồng Đông Dương… Rồi ra chúng ta có giành được tự do hay không, chưa thể biết được… chính vì vậy mà tôi phải về Pháp.” Lúc đó Malraux chỉ mới vừa 24 tuổi.

Bao năm xa rồi, khi còn là một phóng viên chiến tranh theo chân những đơn vị quân Miền Nam trên khắp vùng cao nguyên, trên đồng bằng châu thổ Cửu Long với chằng chịt những sông cùng rạch rồi cả hành quân sang Cam Bốt – cũng trên Con đường Vương giả ấy, ông Khắc đã không thể không ngưỡng mộ và thán phục sức chiến đấu dũng cảm và can trường của những người lính. Họ thắng những trận đánh nhưng lại chẳng có quyền quyết định gì về cuộc chiến tranh. Để rồi ba mươi năm ròng rã hy sinh, đã phải tủi hận kết thúc vội vàng bằng Một Tháng Ba Gãy Súng.

Cũng bao năm sánh vai với đám nhà báo ngoại quốc tứ xứ, không thiếu những tên vô lại như một lũ lính lê dương đánh thuê: mấy ngày gần chiến trận cũng được gọi là gần với cái chết, rồi trở về thành phố với rượu thuốc phiện và gái, rồi thách đố nhau về labia majora của gái Khmer và gái Việt khác nhau ra sao: rằng của gái Khmer nảy nở hơn vì do di sản Ấn Độ còn của gái Việt thì nhỏ hơn do từ truyền thống Mông Cổ. Ông Khắc cũng hiểu rằng đã có hàng ngàn phóng viên nhà báo thuộc đủ quốc tịch trước sau đi vào cuộc Chiến Tranh Việt Nam và cũng đã có 320 người không bao giờ trở về, họ được kể là tổn thất phụ – collateral damages, nói theo ngôn từ giới quân sự Mỹ. Ông Khắc thì được kể là người sống sót.

Đi giữa mênh mông Những Cánh Đồng Chết, ông Khắc vẫn không sao hiểu được mối tương quan giữa nền văn minh Angkor rực rỡ và rồi nền giáo dục Pháp với những tên tuổi Jean Jacques Rousseau, Montesquieu đầy tính khai phóng mà sản phẩm của nó lại là những trái đắng dẫn tới một chánh sách “tự diệt chủng_ self inflicted genocide” tàn bạo hơn cả thời Trung Cổ và ban đầu người ta không thể tin là sự thật.

Tên Pol Pot gần như đồng nghĩa với Khmer Đỏ. Như những người cộng sản khác, khó mà có một lý lịch rõ ràng của Pol Pot: “Sinh năm 1928 tại Kompong Thom với tên Saloth Sar, bố Khmer mẹ người Hoa, gia đình đạo Phật nhưng học trường Dòng ở Nam Vang; sau đó du học Paris theo ngành vô tuyến, hoạt động chánh trị với nhóm sinh viên Khmer ở Pháp cùng Khieu Samphan, Ieng Sary; về nước đổi tên dạy học, tiếp tục hoạt động và lãnh đạo đảng Cộng sản Khmer hay Angkar chỉ có nghĩa là Tổ Chức của Khmer Đỏ.”

Đối với thế giới ngày nay tên Pol Pot như biểu tượng của tội ác nhưng thực ra tư tưởng chỉ đạo là từ Khieu Samphan xuất thân từ đại học Sorbonne. Trong luận án tiến sĩ 1959 Khieu Samphan sau khi đã phân tích những hậu quả của chánh sách Thực dân Cũ và Mới đối với Cam Bốt và ông ta đi tới kết luận “để bảo vệ độc lập thật sự về chánh trị và kinh tế cho Cam Bốt thì cần phải hoàn toàn cô lập quốc gia này và trở về một nền kinh tế nông nghiệp tự túc.”

Trước thời Khmer Đỏ, nói tới cách mạng ở Cam Bốt có nghĩa là “Nổi Dậy – Bambahbambor”. Thời đại Pol Pot, cách mạng lại có nghĩa là “Trở Về Quá Khứ_ Pattivattna”, đó là ước vọng trở về với nền văn minh Khmer cổ xưa, xoay ngược chiều kim đồng hồ đưa đất nước Cam Bốt trở lại thời đại nguyên sơ “Niên đại Số Không – Year Zero” phủ nhận mọi giá trị của nền văn minh hiện đại: không có giáo dục, không có khoa học kỹ thuật, không có báo chí và cả tiền tệ trao đổi cũng bị đặt ra ngoài vòng pháp luật.

Khieu Samphan ngay khi trở thành quốc trưởng Cam Bốt đã tuyên bố: “Chúng ta không cần máy móc. Chúng ta làm mọi thứ chủ yếu dựa trên sức mạnh của nhân dân. Chúng ta hoàn toàn tự túc. Điều này phản ánh tính anh hùng của dân tộc ta. Nó cũng chỉ rõ sức mạnh vĩ đại của nhân dân ta. Bằng tay không chúng ta làm nên tất cả.” Khẩu khí những người Cộng Sản lãnh đạo thường giống nhau như vậy.

Và cũng bằng tay không ấy bao nhiêu sọ người bị đập vỡ, bao nhiêu hố chôn người tập thể được đào lên và cũng đã mọc ra hàng loạt những con đập thô sơ trên sông nhằm mục đích thủy lợi nhưng rồi ruộng đồng thì chẳng thêm nước mà cá thì không vào được Biển Hồ. Không có chất xám của trí tuệ, không có kỹ thuật cơ giới, chỉ có sức người vắt ra bằng bạo lực nên đê đập chỉ là những mảnh nhỏ vụn thô sơ vô dụng và không còn đứng vững sau một hai cơn lũ. Hậu quả là các nông trường bị hạn hán, để cứu vãn, hàng chục ngàn máy bơm được nhập cảng từ Bắc Hàn nhưng chỉ một thời gian ngắn tất cả trở thành những đống sắt han rỉ vứt rải rác trên khắp những cánh đồng chết. Và bây giờ thì dân chúng Cam Bốt đang trở lại cùng nhau đập phá những “con kênh Pol Pot” để cứu ruộng và cứu lấy cá.

Lần thứ hai, cùng với Cao người bạn trẻ, trở lại với con sông Mekong hùng vĩ, như ngược dòng-sông-lịch-sử, ngược dòng-sông-thời-gian vẫn còn đó trên bờ lộ, nơi cửa rừng, cả trên những cánh đồng, những khối sắt thép vô tri của cuộc chiến tranh đã qua, tất cả vẫn chậm chạp han rỉ và mục ruỗng trong cái khí hậu ẩm thấp của lục địa Á Châu gió mùa.

Bằng đường số 6 đi Siem Reap phía bắc Biển Hồ, ông Khắc cũng có dịp trở lại thăm Angkor giữa khoảng cách thời gian ngót 30 năm, để chứng kiến những khu đền đài đổ nát hơn. Ông cũng tới nơi mà cách đây hơn 70 năm André Malraux đã đặt chân đến và sau đó bị chánh quyền thuộc địa kết án tù với tội danh “ăn cắp các phù điêu gỡ từ đền Banteay Srei ở Angkor.” Cảnh tịch liêu của Angkor gợi nhớ câu thơ của Bà Huyện Thanh Quan: “Nền cũ lâu đài bóng tịch dương”. Thành quách điện đài Angkor vẫn còn đó, vẫn là “chứng nhân vô tri” cho những năm tháng máu me của người dân Cam Bốt. Chẳng ai có thể nghĩ được rằng chỉ mấy năm trước đây thôi đã có những chú lính Khmer Đỏ tuổi chưa quá 15 vẻ mặt dại khờ nhưng ánh mắt thì lạnh tanh lòng rực thù hận đã hướng nòng súng AK vào những pho tượng tiên nữ Apsaras tuyệt mỹ như những tấm bia để tập bắn.

Tiếp nối sự suy tàn của đế quốc Angkor, lịch sử dân tộc Khmer là một tiến trình bạo động và tự hủy khiến Henri Mouhot nhà thám hiểm người Pháp đầu tiên ngược dòng sông Mekong năm 1861 đã phải rất sớm đưa ra nhận xét: “Hình như người Khmer họ chỉ có phá hủy mà không bao giờ biết xây dựng lại.”

Câu hỏi của Cao người bạn trẻ cũng là câu hỏi mà chính ông Khắc chưa có lời giải đáp. Rằng một nền văn minh Angkor rực rỡ như thế mà sao bị tiêu vong? Đã không chỉ có một mà bao nhiêu câu trả lời của các nhà nghiên cứu và cũng chỉ là bấy nhiêu giả thiết. Dễ dàng thì cho rằng đế quốc Angkor đã bị tiêu diệt do một cuộc chinh chiến xâm lăng bởi một nước lân bang – bị đội quân hùng mạnh Champa tàn phá rồi sau đó bị Xiêm đánh. Rằng chánh sách tàn bạo bóc lột sức lao động suốt 30 năm để hoàn thành công trình Angkor khiến dân chúng phải bỏ đi_ voted with their feet, nói theo kiểu nhà báo Tây Phương. Rằng chánh sách sai lầm về dẫn thủy đã phá hủy toàn thể nền nông nghiệp và trung tâm kinh tế đã phải di chuyển từ trong lục địa ra vùng duyên hải…

Cam Bốt ngày nay là một đất nước rộng gần gấp 30 lần diện tích đảo Singapore với một vùng châu thổ phì nhiêu, là một trong những vựa lúa của Đông Nam Á. Hậu quả những năm chiến tranh do Mỹ ném bom, sự tàn phá của Khmer Đỏ khiến người dân Cam Bốt nay không đủ gạo ăn. Đói kém thất nghiệp, gái quê đổ về Battambang và Nam Vang để kiếm sống. Các cô hoặc quần quật làm việc 16 giờ một ngày trong các khách sạn tiệm ăn phục vụ cho hơn 20 ngàn lính mũ xanh Liên Hiệp quốc UNTAC – United Nations Transitional Authority in Cambodia, nhân viên các tổ chức cứu trợ, các doanh nhân ngoại quốc và dĩ nhiên cả du khách. Hoặc nếu không muốn phải vất vả – con số này thì không ít, các cô chọn con đường bán thân mau có tiền nhất là khi gia đình nghèo khó của họ ở quê hoàn toàn sống nhờ vào những đồng tiền ấy. Vẫn còn cảnh buôn người của thời Trung Cổ, có cả những cô gái được mua từ Việt Nam đem sang Cam Bốt để phục vụ chốn lầu xanh. Mean touk mean tray, mean luy mean srey – có nước có cá, có tiền là có gái. Ngạn ngữ Khmer đã nói như vậy.

Như từ bao giờ, con sông Mekong hùng vĩ vẫn không thay đổi vẫn tiếp tục nhịp điệu ngàn năm, tiếp tục là mạch sống của dân cư sống hai bên bờ. Nó cũng là con sông thời gian soi bóng sự thịnh suy của những nền văn minh, những buổi bình minh rồi lại hoàng hôn.

Từ Lào qua khỏi thác Khone hay Tứ Thiên Đảo, nơi chấm dứt rất sớm giấc mơ của Francis Garnier cách đây hơn một trăm năm khi thám hiểm ngược dòng sông Mekong để tìm một thủy lộ giao thương với Trung Quốc. Chảy vào lãnh thổ Cam Bốt con sông Mekong còn phải qua thêm một khúc ghềnh thác Sambor giữa Stung Treng và Kratié trước khi thực sự thả mình hiền hòa trên vùng châu thổ, mênh mang trải rộng ra từ ba tới năm cây số. Trên khúc sông nơi phụ lưu Se Kong bắt nguồn từ Việt Nam đổ vào, vẫn còn thấy xuất hiện những con cá voi hiếm hoi. Trước đây phỏng định rằng còn khoảng hơn 100 con, nhưng do lính và cả thường dân Cam Bốt sử dụng chất nổ bừa bãi giết cá hàng loạt và đồng thời cũng sát hại luôn cả giống cá voi này. Tương truyền rằng cá voi cũng đã từng được nuôi trong các hồ của điện đài Angkor từ nhiều thế kỷ trước. Chao Phraya con sông duy nhất ở Thái Lan có cá voi thì nay cũng đã bị tiêu diệt do nước sông quá ô nhiễm.

Cư dân sống hai bên bờ sông Mekong luôn luôn bị tri phối bởi khí hậu Gió Mùa Tây Nam thổi vào từ vịnh Thái Lan. Mùa mưa bắt đầu từ tháng Năm đến tháng Chín, kết hợp với mùa tuyết tan từ rặng núi Hy Mã Lạp Sơn, nước sông Mekong dâng cao từ 2 tới 8 mét mênh mông tràn bờ làm ngập lụt một phần ba diện tích đất đai, phủ lớp phù sa màu mỡ mỗi năm lên khắp ruộng đồng. Đó cũng là thời gian con sông Tonlé Sap đổi chiều chảy ngược vào Biển Hồ, tăng diện tích mặt hồ tới 10 ngàn cây số vuông, gấp bốn lần so với mùa khô và làm ngập hết các khu rừng lũ_ flooded forest. Đây là hồ nước ngọt lớn nhất Đông Nam Á. Các đàn cá từ sông Mekong cũng lội ngược dòng sông Tonlé Sap tới các khu rừng lũ chọn nơi trú ngụ an toàn để sinh đẻ và tăng trưởng.

Rồi mùa mưa qua đi để bước sang mùa khô từ tháng 1 tới tháng 5. Đây là thời gian mực nước bắt đầu ổn định và con sông Tonlé Sap lại chảy xuôi dòng với vô số tôm cá từ Biển Hồ đổ vào các nhánh sông Mekong và diện tích Biển Hồ bắt đầu co lại.

Đây cũng là Ngày Hội Nước Giựt Bom Oum Touk truyền thống của quốc gia Cam Bốt, được tính theo tuần trăng vào khoảng cuối tháng 10 đầu tháng 11 diễn ra tại khu mà người Pháp gọi là Quatre Bras – nơi bốn nhánh sông hội tụ. Cánh tay thứ nhất Mekong Thượng là dòng chính sông Mekong chảy từ hướng đông bắc xuống tới gần Nam Vang và bắt đầu chia làm hai: Mekong Hạ và sông Bassac là cánh tay thứ hai và ba – cũng là sông Tiền và sông Hậu khi chảy vào Việt Nam. Còn cánh tay thứ tư là Con sông Nước Ngọt – sông Tonlé Sap bắt nguồn từ Biển Hồ. Trong dịp hội lễ vua và hoàng hậu tới đây chung vui với thần dân, khai mùa cho ngư dân đánh cá thu hoạch, cho nông dân bắt đầu mùa gieo trồng. Bị gián đoạn nhiều năm vì chiến tranh cho mãi tới năm 91 khi thái tử Sihanouk vẫn được dân chúng yêu mến trở lại Cam Bốt và mở lại ngày hội lễ Bon Oum Touk trên một vùng đất còn dấu vết hoang tàn của những Cánh Đồng Chết.

Cao hỏi ông Khắc đã nghĩ sao về Sihanouk. Với cái nhìn của một nhà báo, ông Khắc cho là Sihanouk đã bỏ lỡ những vận hội của lịch sử_ Il a manqué les rendez-vous de l’histoire. Ông ta luôn luôn là vấn đề nhưng cũng lại là giải pháp cho Cam Bốt. Bàn tay ông ta không trực tiếp vấy máu nhưng chính ông đã im tiếng thỏa hiệp với Khmer Đỏ trong những năm tắm máu của những người dân Cam Bốt.

Theo tục lệ những ngày trước hội lễ, thuyền đua giữ trong các chùa được đem ra sơn phết lại và vẽ mắt rắn thần Naga – Naga là tên con rắn huyền thoại ngậm cả khối nước lũ của con sông Mekong giúp nông dân tránh lụt và có thể canh tác ruộng đồng. Vào ngày hội hàng trăm con thuyền như vậy với đủ tay trèo tụ tập trên mặt sông. Dân chúng đứng đông đảo hai bên bờ và luôn luôn được giúp vui bởi các tay hề hát những bài ca riễu. Lẫn vào đám đông ấy có không ít những người cụt chân vì mìn bẫy phải đi ăn xin. Hội vui kéo dài đến ngày thứ ba và kết thúc vào buổi tối sau hoàng hôn với đủ các thuyền đua và quan khách. Vua và hoàng thái hậu ngự trên một cung điện nổi để chứng kiến con thuyền thắng giải vinh dự tiến ra khánh thành ngày hội lễ Bom Om Touk. Riêng hoàng thái hậu thì tay cầm một vỏ sò mang đầy nước ngọt của con sông Mekong vẩy lên má lên tóc theo nghi thức Chào Đón Trăng Lên, trong muôn tiếng vui reo hò của đám đông dưới ánh sáng rực rỡ của pháo bông: để thực sự khởi đầu cho một mùa gieo trồng và những ngày chài lưới rộn rã. Bị cuốn hút vào cuộc vui đầy sinh lực ấy người ta dễ dàng quên đi Khmer Đỏ quên đi Cánh Đồng Chết.

Không phải chỉ có đền đài Angkor, những Cánh Đồng Chết, Cam Bốt còn được cả thế giới biết đến với những bãi mìn lớn nhất thế giới và hàng tháng vẫn tiếp tục gây què cụt cho hàng chục ngàn người khác. Không có một gia đình nào còn nguyên vẹn và cũng không có một gia đình nào mà không có kinh nghiệm thật đau thương không thể nào quên. Con số bốn triệu trái mìn rải ra trên khắp lãnh thổ Cam Bốt không phải là xa với sự thật và vân là một vũ khí tuyệt hảo để tiếp tục cuộc chiến tranh hao mòn.

Cao hỏi ông Khắc nhà báo:

— Nhưng mìn ở đâu mà lắm thế hả anh?

— Đó là di sản của các phe phái tham chiến tại Cam Bốt. Mìn bẫy đã được gài vào Cam Bốt từ nhiều năm trước bởi các toán Lực Lượng Đặc Biệt Mỹ từ Việt Nam xâm nhập, rồi từ 67 không lực Mỹ thả mìn dọc theo biên giới Việt Cam Bốt, rồi tới hàng ngàn tấn mìn khác gài bởi quân cộng sản Bắc Việt, nhưng nhiều nhất vẫn là mìn Trung cộng do Khmer Đỏ gài lại trước khi tháo chạy. Phỏng định rằng chỉ riêng Khmer Đỏ không thôi đã để lại khoảng ba triệu trái mìn chống cá nhân. Do đó nơi nào cũng có thể là cạm bẫy chết người đối với người dân Cam Bốt.

Cảnh thường gặp đối với du khách là nhan nhản những người què cụt đi ăn xin trước những quán ăn và các khách sạn trong thủ đô Nam Vang.

Phía biên giới tây nam giáp với Thái Lan là hai rặng núi Đậu Khấu và núi Voi_ Cardamons & Elephants mountains, nơi của rừng già với những cây gỗ quý, cũng là nơi mà trước đây có đủ loại cọp voi trâu rừng báo vằn và cả một loài thú rất hiếm kouprey đã được chọn làm biểu tượng cho World Wide Fund for Nature, nhưng nay thì chắc đã bị tiêu diệt do bị săn làm con thịt phần còn lại thì bị giết hay què cụt bởi vô số mìn bẫy.

Ông Khắc nhận định:

— Đâu phải chỉ có nỗi kinh hoàng quá khứ mà là cả ở tương lai: những bãi mìn ấy vẫn tiếp tục phá vỡ cuộc sống thanh bình của người dân Cam Bốt, nó gieo thảm họa chết chóc bất cứ lúc nào trong cuộc sống hàng ngày của họ, nó ngăn chặn mọi triển vọng hồi phục của quốc gia này.

Rồi ông Khắc chuyển mối quan tâm xuống đồng bằng sông Cửu Long:

— Đồng bào châu thổ mấy năm gần đây khốn khổ vì những con lũ do tính bất thường của nó: lụt tới sớm hơn đổ về nhanh hơn lại lớn hơn nên thiệt hại rất cao kể cả về nhân mạng. Người ta nói tới thời tiết bất thường khắp thế giới do ảnh hưởng của El Nĩno, có phải vậy không?

Cao tìm một cách giải thích khác:

— Trực tiếp nhất vẫn là do hậu quả phá rừng trên thượng nguồn mà các nhà bảo vệ môi sinh gọi là “lối phá rừng tự sát_ suicidal deforestation”. Ở Lào thì quân đội độc quyền khai thác gỗ, ở Miên thì Khmer Đỏ; năm 92 đã có hơn một triệu hecta rừng mưa_ rain forest và rừng lũ bị phá. Dân đen Cam Bốt thì đói khát chứ lính Khmer Đỏ thì mập ú, chỉ riêng khu rừng Pailin họ đã kiếm hàng triệu đôla mỗi tháng do phá rừng bán gỗ cho các con buôn Thái Lan… Mà rừng thì như một tấm bọt biển khổng lồ giữ nước của những tháng mưa để rồi suốt năm rỉ rả chảy vào các phụ lưu trước khi đổ vào con sông Mekong.

Cao còn bổ túc thêm:

— Chủ trương phá rừng lũ quanh Biển Hồ của Pol Pot còn làm sút giảm nghiêm trọng nền ngư nghiệp của xứ này. Mực nước cạn tới mức báo động, khiến các đoàn di ngư từ sông Mekong vào Biển Hồ đã không còn nơi trú ngụ để sinh sôi nảy nở.

Ông Khắc nói giọng cảm xúc:

— Phải chăng đó là cái vòng luẩn quẩn của các nước kém phát triển, đã nghèo khó lại phung phí nguồn tài nguyên nên càng nghèo khó hơn. Thế còn các dự án thủy điện thì sao?

Đây là lãnh vực rất am tường của Cao, anh nói:

— Trước đây là Ủy ban sông Mekong – MR Committee, nay là Ủy Hội sông Mekong_ MR Commission, đã hoạch định dự án một chuỗi 17 con đập trong lãnh thổ Cam Bốt mà người ta tin rằng có vai trò thiết yếu trong nỗ lực canh tân đất nước này. Nó cũng đáp ứng với kế hoạch xây đập của các quốc gia thượng nguồn: Trung Quốc 9 đập bậc thềm, Thái Lan hơn 40 đập và Lào 56 đập, nếu không phát triển đồng bộ Cam Bốt là nước hạ nguồn sẽ phải chịu những hậu quả rất bất lợi về kỹ thuật kinh tế và cả môi sinh.

Cao tiếp đi vào chi tiết:

— Đã có hai dự án lớn được hoạch định từ nhiều năm trước: dự án thủy điện Sambor công suất 1000MW phía bắc thị trấn Kratié cách Nam Vang 140 dặm có khả năng tiêu tưới cho hơn 90 ngàn mẫu Anh, mực nước dâng sẽ làm ngập 800 cây số vuông ghềnh thác sẽ mở ra một thủy lộ giao thông giữa Lào và Cam Bốt. Nhưng nó cũng khiến cho 60 ngàn người mất hết nhà cửa đất đai với hậu quả môi sinh không sao lường trước được. Riêng về dự án Tonlé Sap là một ý niệm khá sáng tạo của Ủy Ban sông Mekong trước đây. Biển Hồ sẽ được xử dụng như một hồ chứa thiên nhiên. Cửa đập được mở ra trong mùa lũ suốt 5 tháng để nước chảy ngược vào Biển Hồ tới mức dự trữ cao nhất trước khi được đóng lại và như vậy sẽ giảm lũ lụt dưới vùng châu thổ. Trong mùa khô hay mùa nước thấp, cửa đập được mở ra từng phần, có khả năng điều hòa mực nước sông Mekong đủ sâu cho tàu lớn có thể tới tận Nam Vang. Do giảm thiểu nước mặn vào vùng châu thổ, từ đó tăng thêm hai triệu rưỡi mẫu Anh đất canh tác mà trước đây bỏ hoang do bị muối phèn, khô hạn hay lũ lụt. Ngoài ra mực nước Biển Hồ vốn đã bị cạn, nay sẽ có mực nước cao hơn một mét trong mùa nước thấp sẽ làm gia tăng lượng cá Biển Hồ đang có nguy cơ bị sa sút.

Cao tiếp:

— Hứa hẹn bao nhiêu điều lợi nhưng thiếu tiền, thiếu nhân lực lại thêm tình hình chánh trị luôn luôn bất ổn nên các dự án của Ủy ban sông Mekong từ hơn 40 năm qua vẫn chỉ là trên giấy. Duy có dự án Prek Thnot đã được khởi công từ những năm 60 phải bỏ dở vì chiến tranh rồi sau đó còn bị Khmer Đỏ phá hủy thêm nên chẳng ai mà dự liệu được đến bao giờ mới hoàn thành.

Cho đến nay Nam Vang vẫn là thành phố lớn nhất bên bờ con sông Mekong, được hình thành cách đây hơn sáu thế kỷ. Tương truyền rằng khi thấy hình bốn bức tượng Phật nổi trôi trên mặt nước sông Mekong tới đây thì dừng lại, nhà vua cho đó là điềm lành nên chọn nơi đây làm thủ đô để xây dựng hoàng cung. Nam Vang ngày nay với ngót một triệu dân, cũ kỹ và nhếch nhác, với dấu vết thời thuộc địa còn lại là những biệt thự của người Pháp trước đây nhưng đã rêu phong. Những con đường chính mang tên các vị vua chúa và cả những nhà lãnh đạo thế giới đương thời như De Gaulle, Nehru, Mao Trạch Đông thì cũng đã luôn luôn đổi thay theo bước thăng trầm của những chế độ chánh trị. Chiếc cầu sập không được sửa chữa, bến cảng hoạt động cầm chừng với những cần trục hoen rỉ. Chỉ mấy năm trước đây thôi, phó tổng thống Mỹ Spiro Agnew tới Nam Vang tặng Tướng Lon Nol một “Con Voi Trắng” vật linh biểu tượng cho vận may nhưng cũng đã không cứu vãn được chế độ cực kỳ tham nhũng ấy không xụp đổ. Để rồi vào tháng 4 năm 75, đoàn quân chiến thắng Khmer Đỏ với đồng phục đen đội nón Mao mang dép râu Hồ Chí Minh đi vào thủ đô Nam Vang với dân chúng đứng hai bên đường hoan nghênh chào đón. Tập đoàn Lon Nol thì đã bỏ chạy sang Hawaii mang theo hàng triệu đôla, duy chỉ có Long Boret và Sirik Matak thủ tướng và phó thủ tướng ở giờ phút chót đã không chịu bước lên trực thăng Mỹ mà can đảm chọn ở lại và cũng biết là để nhận lấy cái chết chắc chắn từ tay Khmer Đỏ. Sirik Matak cũng là một ông hoàng, người đóng vai trò then chốt trong vụ đảo chánh của Lon Nol năm 1970 đã bị Khmer Đỏ lên án tử hình với tội danh là “tên đầu sỏ trong 7 tên phản bội”. Trong bức thư tuyệt mệnh gửi đại sứ Mỹ John Gunther Dean, trao tay đám ký giả ngoại quốc, Sirik Matak viết: “…Tôi cám ơn ông Đại sứ có nhã ý giúp tôi phương tiện thoát tới tự do. Tôi không thể ra đi trong một tình huống hèn nhát như vậy… Tôi không tưởng tượng được rằng một nước lớn như Hoa Kỳ mà lại có lúc đang tâm bỏ rơi một dân tộc chọn tự do. Các ông đã từ chối bảo vệ chúng tôi và chúng tôi không làm gì khác hơn được. Các ông ra đi, chúc ông và nước Mỹ tìm được hạnh phúc dưới bầu trời này. Nếu phải chết tại nơi đây trên quê hương mà tôi yêu mến, thì cũng để nhớ rằng tất cả chúng ta sinh ra và một ngày nào đó đều phải chết. Riêng tôi chỉ có phạm lỗi lầm là đã đặt tin tưởng vào Người Mỹ các ông…”

Khác với giới lãnh đạo của miền Nam Việt Nam, hô hào người khác ở lại cầm súng chiến đấu còn họ thì trước sau cúi mặt ra đi; Sirik Matak và Long Boret chọn ở lại, cả hai đã bị hành quyết ở Olympic Stadium, nơi mà trước đó vài ngày các đoàn trực thăng đã di tản số tướng lãnh và viên chức cao cấp chế độ cũ còn lại qua hết Thái Lan.

Ông Khắc cho rằng một đất nước Cam Bốt còn những con người như vậy họ vẫn có lý do để mà hy vọng. Có người kể lại rằng một ngày trước khi lực lượng Khmer Đỏ tràn vào thủ đô, họ đã thấy một con Cá Sấu Trắng nổi lên trên một khúc sông gần Nam Vang. Sấu trắng là vật thần thoại của dân tộc Khmer và tương truyền rằng loại cá này chỉ xuất hiện khi đất nước có biến cố trọng đại. Và chẳng ai có thể tưởng tượng được biến cố ấy sẽ ra sao. Nhưng chỉ ít lâu sau đó thì dân chúng bị lùa hết ra khỏi thủ đô nếu chưa bị sát hại ngay thì cũng bị đưa tới các trại tù lao cải chết dần mòn vì đói khát bệnh tật. Theo các nhân chứng sống sót kể lại thì những nạn nhân bị giết rất ít bằng súng mà đa số bằng búa, ống sắt hay xiên nhọn hay bị chôn sống trong những nấm mồ tập thể ngay trên những ruộng nước. Cả chục năm sau trên những thửa ruộng lúa xanh nhiều nơi những miếng xương sọ người những mảnh quần áo rách còn vương vãi trên nền đất vẫn là một cảnh tượng hãi hùng.

Rồi hàng sư đoàn quân Cộng Sản Việt Nam tràn qua Nam Vang năm 79 cho điều mà họ gọi là giải phóng Cam Bốt, Khmer Đỏ bị đánh bật, một chánh phủ mới thân Việt Nam được hình thành nhưng rồi mười năm sau “cái ngày không tránh được – the inevitable day” là quân cộng sản Việt Nam phải rút ra khỏi Cam Bốt. Một hiệp ước ngừng bắn được ký kết giữa các phe. Một lần nữa ông Hoàng Sihanouk trở lại hoàng cung. Sau Việt Nam và Lào, Cam Bốt bắt đầu theo chánh sách đổi mới, chấp nhận quyền tư hữu. Đã có những dấu hiệu của một đất nước hồi sinh. Những tàu hàng lớn của Singapore vào bến bỏ neo đổ lên bờ những hàng hóa và xe hơi mới của Nhật. Khách sạn Cambodiana bên bờ sông Mekong mới xây xong, đã lại đầy ắp du khách và các doanh nhân Thái Lan, Singapore, Hồng Kông tới tìm cơ hội làm ăn.

Cho dù có hơn 20 ngàn lính mũ xanh nhưng bạo động vẫn tiếp diễn bên ngoài Nam Vang. Trộn lẫn chiến tranh và niềm hy vọng hòa bình, tại thủ đô khách sạn tiệm ăn mọc ra như nấm. Đường xá bắt đầu kẹt xe, phi trường quốc tế Pochentong tấp nập những chuyến bay tới từ Singapore, Bangkok, Sài Gòn. Các chuyến bay shuttle đi Angkor đã tăng lên 5 chuyến mỗi ngày cho dù có xảy ra vụ bắt cóc và sát hại du khách. Như một truyền thống của các nước Á châu, xây dựng và tham nhũng đã cùng một lúc phát triển ở Cambốt : tương lai chỉ là một chút ánh sáng le lói rất xa ở nơi cuối đường hầm.

Đường lên Biển Hồ, theo đường số 5 dọc theo hữu ngạn con sông Tonlé Sap, trong bầu không khí thật nóng ẩm nhưng hai bên đường lúa vẫn xanh. Xa xa là làng mạc nhà cửa thưa thớt, với các cây trái vùng nhiệt đới soài chuối dừa và cả những cây thốt nốt thẳng cao. Trên đường chỉ gặp những người đàn bà Khmer trong những chiếc sarong sậm màu gầy ốm da nâu mắt sâu đen buồn bã và rất vắng bóng dáng đàn ông. Vài chiếc cầu sắt cũ rỉ với mấy người lính Cam Bốt trẻ măng lụng thụng trong bộ quân phục màu xanh cũ sờn duy chỉ có cây súng AK với băng đạn cong giết người là vẫn mới. Không có gì bảo đảm là con lộ ấy có an ninh ban ngày, lại càng kinh sợ hơn vào ban đêm. Sau nhiều vụ phóng viên mất tích, như một “golden rule”của đám nhà báo ngoại quốc trên xứ Chùa Tháp, là không bao giờ di chuyển bên ngoài Nam Vang từ sau bốn giờ chiều.

Thị trấn Kompong Chhnang bên bờ sông Tonlé Sap vẫn là bến cảng lớn của những vựa cá. Nơi dốc bến đá, từ những chiếc ghe chài được đưa lên hàng tấn những cá tươi, được đổ vào những thùng nước đá hay những chiếc thúng trước khi được chất lên các xe tải hay những chiếc xe ngựa thồ để chuyển về các làng mạc xa xôi. Sin Heang thành viên Ủy ban sông Mekong Cam Bốt cho biết cứ 4 kí cá trong các bữa ăn của người dân Cam Bốt thì đã có 3 kí đánh lên từ Biển Hồ.

Phần đường còn lại thì bụi mù với bầm rập những ổ gà. Khu rừng lũ quanh hồ đã bị phá hủy rộng rãi trong thời Pol Pot, không có cây lớn mà chỉ còn những khu đầm lầy – mudflat với những bụi cây thấp rậm rạp. Tám ngàn cây số vuông rừng lũ nay chỉ còn chưa tới một phần ba. Hậu quả không có cây chống lũ bờ hồ bị sạt lở bao nhiêu lớp đất màu mỡ trút xuống đáy hồ. Chỉ trước đây ít năm thôi vào mùa khô mực nước hồ sâu trung bình hai mét thì nay có nơi chỉ còn chưa đầy nửa mét. Mùa hè nước cạn lại rất nóng khiến loại cá trắng cả ngàn con chết nổi phều, chỉ có giống cá đen có mang thở có thể trốn rúc xuống bùn sâu nên chịu được và sống sót. Có những con cá đen phải dùng vây lội bộ – walking fish, trên cạn nhiều giờ chỉ để di chuyển từ vũng cạn tới các trũng nước sâu. Mất nguồn cá không chỉ là mối đe dọa trên sự sống của ngư dân Biển Hồ mà còn làm mất đi nguồn chất đạm chính trong mỗi bữa ăn của người dân Cam Bốt. Các nhà môi sinh báo động Biển Hồ đang có nguy cơ về một “thảm họa môi sinh – ecological calamity.”

Bằng thuyền chúng tôi tới khu làng nổi, với sặc mùi cá khô phơi trên mái những căn nhà đủ dạng đủ kiểu: các tiệm ăn tiệm tạp hóa tiệm làm tóc và cả trạm xăng nhớt, chỉ có khác là di chuyển thì bằng xuồng. Lại còn những khu nhà lồng_ floating cages, nuôi cá giống như ở Châu Đốc. Không thiếu những gia đình ngư dân Việt Nam mà người Khmer gọi là “Youn – người Bắc,” sống ở đây nhưng khó mà phân biệt được họ với người Khmer trong sinh hoạt. Chỉ ngủ qua đêm trên Biển Hồ, cảm giác thật kỳ lạ vào buổi sáng tinh sương bên ngoài trời còn tối, Cao chợt nghe thấy mấy người trong bọn họ loáng thoáng nói với nhau bằng mấy câu tiếng Việt khi chuẩn bị ghe tàu ra khơi. Cáp Duồn_ chặt đầu thả trôi sông vẫn là mối ám ảnh kinh hoàng của các gia đình ngư dân Việt không phải chỉ với Khmer Đỏ mà ngay với những người Miên sẵn có ác cảm bắt nguồn từ lịch sử nhưng xem ra đám người Việt ấy chưa bao giờ có ý định bỏ về nước hay sẽ vĩnh viễn rời xa Biển Hồ.

Thuyền máy lớn đưa đoàn ra khơi, phía trước là trời nước mênh mông không thấy đâu là cuối bãi cuối bờ. Trên bầu trời mây vần vũ, dưới mặt hồ thì cuộn sóng, cho người ta cái cảm giác đang ngoài biển khơi chứ không phải trên một mặt hồ trong đất liền. Khi nhắc tới dự án đập thủy điện Tonlé Sap thì Sin Heang có thái độ chống đối quyết liệt với lý lẽ không phải là thiếu vững chắc: con đập sẽ gây sẽ gây trở ngại cho các đoàn di ngư từ ngoài Biển Đông lội ngược dòng 4-5 trăm cây số để vào Biển Hồ, mà mỗi giống cá có một thời điểm và không gian riêng nên sẽ không có một cửa đập hay thang cá nào – fish ladder, đáp ứng được những yêu cầu khác biệt ấy. Nhưng liệu có được mấy người như Sin Heang? Cho dù đã có lệnh cấm, nông dân vẫn tiếp tục phá nốt khu rừng lũ để có thêm đất canh tác. Số người không có bao nhiêu nhưng sự tàn phá của họ trên thiên nhiên thật đáng kể. Chính con người đã biến biển Aral ở Trung Á thành sa mạc. Không phải chỉ có Pol Pot, mà ngay chính những người nông dân Cam Bốt sẽ quyết định có giữ trái tim Biển Hồ đang thiếu máu ấy còn đập nữa hay không?

Comments are closed.