Một cuộc đời như một tác phẩm nghệ thuật

Milan Kundera

Thạch Chương dịch

Thế kỷ 21 số 11, tháng 3/1990

Tôi bao giờ cũng cảm thấy đặc biệt khó chịu về lời nhận định người ta gán (theo tôi là không đúng) cho Goethe: “một cuộc đời phải giống như một tác phẩm nghệ thuật.” Vì đời sống vô hình thể và không giống một tác phẩm nghệ thuật nên con người mới cần đến nghệ thuật. Ấy thế mà trong những ngày lớn này của cố hương tôi, miền Trung Âu, tôi đã vô cùng mừng rỡ được biết rằng Václav Havel rồi đây sẽ trở thành chủ tịch nhà nước Cộng hòa Tiệp Khắc. Tôi nghĩ đến ông và tự nhủ: có những trường hợp (rất hiếm) đem so sánh một cuộc đời với một tác phẩm nghệ thuật là chính đáng.

Cả cuộc đời Havel thực ra được xây trên một chủ đề lớn duy nhất; không có gì là ngẫu nhiên về nó cả, không có sự chuyển hướng (Havel chưa hề bao giờ xúc động về những ảo tưởng trữ tình của chủ nghĩa cộng sản cả, vì thế chưa hề có nhu cầu phải vứt bỏ chúng đi, như nhiều bậc tiền bối của ông đã làm); cuộc đời ấy là một tiến trình từ tốn, liên tục, và nó cho ta ấn tượng là một sự thống nhất toàn bích trong sáng tác. Hơn nữa, tôi có cảm tưởng rằng chính Havel đẽo gọt đời mình với một niềm thích thú của người nghệ sĩ, như một nhà điêu khắc đẽo gọt tảng đá, mỗi lúc đem lại cho nó một ý nghĩa và hình dạng sáng sủa hơn. Cái phong cách ông lãnh đạo cuộc đấu tranh mấy tuần lễ qua (“một loại cách mạng ôn hòa,” ông bảo tôi như thế trong thư) thật là quyến rũ chẳng những trên quan điểm chính trị mà còn trên quan điểm thẩm mỹ nữa. Nó giống như phần nhạc kết prestissimo [“rất nhanh”] của một bản sonata sáng tác bởi một nhạc sĩ bậc thầy.

Một tác phẩm nghệ thuật được làm ra để cho người khác nhận thức. Làm cuộc đời ta thành một tác phẩm nghệ thuật lập tức phơi bày nó trước sự xem xét tỉ mỉ của người ta, vạch trần nó trong luồng ánh sáng. Không thể tránh được. Nhưng nếu con người bị rọi sáng như thế còn là một nghệ sĩ nữa, thì hắn đành liều: cuộc-đời-trở-thành-tác-phẩm-nghệ-thuật của hắn có thể khiến người ta quên đi những tác phẩm nghệ thuật của mình. Trong trường hợp Havel, điều đó hẳn sẽ đáng buồn. Chưa đầy ba mươi tuổi, các vở kịch đầu tay của ông đã được dựng ở Praha: Bữa tiệc ngoài vườnBức công văn. Đó là các vở kịch thông minh, và đầy khiêu khích, không giống bất cứ gì khác (có lần tôi đã bàn đến điều này trong bài tựa cho một bộ kịch phẩm của ông: chúng có thể, nếu cần, nhưng chỉ gần đúng thôi, được xếp vào loại kịch nghệ phi lý [théâtre de l’absurde]), và mang một tính hài hước hấp dẫn không ai cưỡng nổi. Thực vậy, nếu như tôi yêu thích hai vở kịch này nhất trong toàn bộ tác phẩm của ông, ấy là vì hồi đó tôi vẫn còn được coi chúng ở Praha, với những công trình sản xuất tuyệt vời, hoàn toàn trung thành với tinh thần của tác giả. Và bởi vì hồi đó tôi đã được coi chúng tại Nhà Hát Balustrade, dạo ấy là nơi làm việc của Havel, và là một nơi, đốì với giới trí thức Tiệp Khắc, sẽ luôn luôn còn biểu trưng cho những năm 1960 và cho cái tinh thần tự do ngỗ nghịch hồi đó. Những tác phẩm về sau (chẳng hạn Khán giả, vở kịch một màn tuyệt diệu) cũng hay không kém; giá như trên thế giới này còn những công ty [sản xuất kịch] coi văn bản của một tác giả như cơ sở của nghệ thuật sân khấu, thì các vở kịch đó ắt sẽ nằm trong kho tiết mục trình diễn của khắp mọi nơi.

Dù rằng Havel được thế giới biết đến chủ yếu (và đúng) như một người sáng lập Hiến Chương 77 [tổ chức nhân quyền ở Tiệp Khắc], như một kẻ chống đối đã từng nằm tù nhiều năm, như đại diện đạo đức hàng đầu của xứ sở ông, nhưng trong thâm tâm ông sẽ vẫn là một nhà soạn kịch, một thi sĩ của kịch trường. Bỏ qua điều này là không hiểu được ông. Có nghĩa là không hiểu được, trước nhất, rằng ông đã có gốc rễ ăn sâu nhường nào trong cái nét đặc trưng của truyền thống dân tộc: phong trào canh tân Tiệp Khắc hồi thế kỷ XIX đã được tổ chức, không phải chung quanh Giáo Hội, không phải chung quanh quân đội, không phải chung quanh một đảng phái chánh trị, mà chung quanh nền văn hóa nói chung và những sân khấu kịch nghệ nói riêng. Các khuôn mặt chính trị Tiệp Khắc lớn nhất hồi đó đã là các nhà văn: Frantisek Palacky, một nhà sử học; Karel Havlicek một nhà thơ trào phúng; và rồi Tomas Masaryk, một nhà triết học.

Tầm vóc của Havel trong tư thế một nghệ sĩ làm cho ông khác với những nhân vật chính trị lớn của hôm nay. Ta đừng nên quên rằng các vở kịch sớm nhất của ông đã đẩy khán giả các nơi vào một tâm trạng cứ phải cười rũ rượi không ngừng. Vâng, lúc khởi đầu sự nghiệp của Havel đã có tiếng cười. Hài hước. Và hài hước có nghĩa là hoài nghi. Và hoài nghi có nghĩa là tự mỉa mai. Hai năm trước, ở Paris, tôi được coi vở kịch Largo Desolato [“Chậm buồn hoang vắng“] của ông. Trong đó Havel suy ngẫm về tình cảnh của mình một cách châm biếm, mai mỉa: tình cảnh của một người tận tụy nhiệt tình với đấu tranh chính trị và do đó không còn làm chủ được một cuộc-đời-đời mình-mà mọi người khác đều muốn chiếm đoạt làm của riêng. Trong màn cuối, khi cảnh sát đến bắt nhân vật chính, hắn cảm thấy gần như hạnh phúc vì được cô đơn trở lại, không thuộc về ai khác trừ chính mình. Kẻ chống đối, người anh hùng hiện đại đó, vác số mệnh mình không như một niềm vinh quang hồ hởi, mà đúng hơn như một bó nặng hầu như phi lý. Hắn chỉ muốn thà được làm những gì khác (viết kịch chẳng hạn, hay làm thơ), để trút bỏ cái vận mệnh ấy, nhưng không làm được. Bởi vì trong lúc ấy, có cái gì to lớn hơn hắn đã túm lấy hắn, cái gì vượt qua hắn, cái mà Havel gọi là trách nhiệm.

Đối với ông, đó là đạo đức của sự chống đốì. Havel thảo luận về nó trong một bài tiểu luận (về cuốn Một cuốn mộng thư Tiệp Khắc của Ludvik Vaculík, một tác phẩm lộng lẫy cũng xuất phát từ “sự chống đối mang tư tưởng hoài nghi” đó). Làm cơ sở cho nền đạo đức ấy là điều chắc chắn của kẻ hoài nghi (điều mà chỉ một nhà soạn kịch hay một nhà tiểu thuyết mới có thể tới được) rằng giữa cá tính của một người và số phận của hắn không có một sự thống nhất nào, rằng cái nọ luôn luôn là nạn nhân của cái kia. (Tác phẩm nghệ thuật mà một cuộc đời trở thành thì không đồng nhất với cuộc đời ấy; hai bên còn có thể thù nghịch nhau là đằng khác). Cái khả năng lấy một quan điểm mỉa mai về tình cảnh riêng của mình, đề phòng cho đời mình khỏi bị bất cứ một giải thích cường điệu nào (lối giải thích kitsch [lố lăng, kệch cỡm], như chúng tỏi thường nói tại Trung Âu), có thể gọi là một thứ khôn ngoan. Trong số những khuôn mặt chính trị lớn trong thời đại chúng ta, tôi không thấy ai khác có được sự khôn ngoan đó. Bởi lẽ đó là sự khôn ngoan của một thi sĩ.

(Nguyên bản Pháp ngữ của Kundera; Thạch Chương dịch từ bản dịch Anh ngữ của Linda Asher đăng trong The New Republic ngày 29-l-l990)

Comments are closed.