Phạm Nguyên Trường
331. Mass media – Các phương tiện truyền thông đại chúng. Các phương tiện Truyền thông đại chúng là một loạt các công nghệ truyền thông nhằm tiếp cận tới số lượng lớn khán giả, thông qua những phương tiện thông tin đại chúng. Truyền thông đại chúng sử dụng rất nhiều công nghệ khác nhau.
Các phương tiện thông tin bao gồm phim ảnh, đài phát thanh, băng đĩa nhạc hoặc truyền hình. Phương tiện kỹ thuật số bao gồm Internet và truyền thông trên thiết bị di động. Phương tiện truyền thông Internet bao gồm các dịch vụ như e-mail, các mạng xã hội, các website và đài phát thanh và truyền hình trên Internet. Nhiều phương tiện truyền thông đại chúng khác cũng đã hiện diện trên các website. Các phương tiện truyền thông ngoài trời truyền thông tin qua các phương tiện như ứng dụng thực tế ảo tăng cường; bảng quảng cáo; khinh khí cầu; bảng quảng cáo bay; bảng hoặc ki-ốt đặt bên trong và bên ngoài xe buýt, tòa nhà thương mại, cửa hàng, sân vận động thể thao, toa tàu điện ngầm hoặc xe lửa….. Phương tiện in truyền tải thông tin qua các đối tượng vật lý, như sách, truyện tranh, tạp chí, báo hoặc tờ rơi. Tổ chức sự kiện và diễn thuyết trước công chúng cũng có thể được coi là các hình thức truyền thông đại chúng. Những tổ chức kiểm soát các công nghệ này, như các hãng phim, các công ty xuất bản, các đài phát thanh và truyền hình, cũng được gọi là các phương tiện truyền thông đại chúng.
Các chính phủ ngày càng khó kiểm soát và giám sát, nhất là trước sự lan tràn của truyền hình vệ tinh, truyển hình cáp, mạng Internet, mạng lưới phương tiện truyền thông đại chúng toàn cầu và sở hữu chéo trong ngành truyền thông ngày càng gia tăng. Trong khi các công trình nghiên cứu về ảnh hưởng của truyền thông cho rằng, ngoài những cuộc bầu sử và những sự kiện lớn khác, các cuộc tranh luận và bình luận chính trị nghiêm túc chỉ thu hút được các nhóm nhỏ. Ảnh hưởng, nếu có, cũng không đáng kể và không trực tiếp. Tuy nhiên, tiếp cận với các phương tiên truyền thông đại chúng là điều kiện quan trọng sống còn đối với các đảng phái chính trị lớn, đồng thời phương tiện truyền thông còn tạo điều kiện cho các ứng cử viên đại diện cho nhóm thiểu số, với những quan điểm phi chính thống, trình bày cương lĩnh của mình.
332. Mass society – Xã hội đại chúng. Xã hội đại chúng là bất kỳ xã hội nào trong thời hiện có nền văn hóa đại chúng và các thiết chế xã hội quy mô lớn, có tính cá nhân hóa. Có người nói: Xã hội đại chúng là xã hội mà sự thịnh vượng và bộ máy quan liêu đã làm suy yếu các mối quan hệ xã hội truyền thống. Những bài viết đầu tiên về xã hội đại chúng xuất hiện hồi thế kỷ XIX, đề cập đến xu hướng cào bằng trong thời kỳ Cách mạng Công nghiệp, làm suy yếu các giá trị truyền thống và quý tộc.
Trong các tác phẩm của các nhà chính trị học đầu thế kỷ XX như Alexis de Tocqueville, thuật ngữ này được sử dụng trong các cuộc thảo luận về những lo ngại về sự thay đổi trong tổ chức chính trị ở phương Tây kể, từ sau Cách mạng Pháp. Sự quan tâm của giới tinh hoa chủ yếu tập trung vào “sự chuyên chế của đa số” hay còn gọi là sự cai trị của đám đông.
Cuối thế kỷ XIX, trong các tác phẩm của mình, Émile Durkheim (1858-1917) liên kết thuật ngữ này với xã hội như một đám đông các cá nhân rời rạc. Trong các tác phẩm của chủ nghĩa tân-Marxist, thế kỷ XX, ví dụ như Trường phái Frankfurt, xã hội đại chúng được người ta gán cho xã hội gồm những cá nhân rời rạc được gắn kết lợi với nhau bằng nền văn hóa đại chúng phục vụ lợi ích của chủ nghĩa tư bản.
Các tác phẩm mang tính bảo thủ trong thế kỷ XX chỉ trích xã hội đại chúng từ một góc độ khác. Ví dụ, José Ortega y Gasset (1883-1955) than thở về sự suy tàn của nền văn hóa cao trong xã hội đại chúng.
333. Materialism – Chủ nghĩa duy vật. Chủ nghĩa duy vật là trường phái triết học cho rằng, vật chất có trước ý thức, tinh thần và quyết định ý thức, tinh thần. Vật chất tồn tại ngoài ý thức của con người và không phụ thuộc vào ý thức của con người. Vật chất là nguồn gốc của ý thức.
Chủ nghĩa duy vật có liên hệ chặt chẽ với chủ nghĩa duy vật lý, với quan điểm cho rằng tất cả những gì tồn tại đều là vật chất. Chủ nghĩa duy vật lý triết học xuất phát từ chủ nghĩa duy vật với các lý thuyết về khoa học vật lý, kết hợp các quan niệm phức tạp hơn về vật chất so với vật chất thông thường (ví dụ như không-thời gian, năng lượng và lực lượng vật lý và vật chất tối). Do đó, một số người thích thuật ngữ duy vật lý hơn là chủ nghĩa duy vật, trong khi một số người khác lại coi đây là những từ đồng nghĩa.
Chủ nghĩa duy tâm, chủ nghĩa đa nguyên, thuyết nhị nguyên, thuyết toàn tâm và các hình thức khác của nhất nguyên luận là những triết lý mâu thuẫn với chủ nghĩa duy vật hay chủ nghĩa duy vật lý.