Bởi vì sách không chỉ là sách

Phạm Việt Hưng

Phải coi sách cổ là tài liệu hiện vật lịch sử vô giá chứ không chỉ là một dạng ghi chép văn bản. Nếu không thì việc mất sách cổ sẽ còn tái diễn.

Sự việc Viên Nghiên cứu Hán Nôm mất sách cổ phát lộ hồi cuối năm ngoái thu hút sự quan tâm đặc biệt của giới sử học và nhiều nhà nghiên cứu văn hóa trong nước. Hôm qua (30/3), bản viện lại tiếp tục ra Thông cáo số 3 về việc mất/thất lạc và hư hại tài liệu Hán Nôm và như mấy tháng qua: Vẫn chưa “chỉ mặt, đặt tên” được ai là người phải chịu trách nhiệm cho vụ việc nghiêm trọng này.

Trong Thông cáo số 3 này có đoạn: “Sự việc mất/thất lạc và hư hại tài liệu cần được giải quyết trên tinh thần trân trọng tài liệu một cách đúng mức (không hạ thấp, không thổi phồng) và tinh thần khoa học nghiêm túc; giải quyết một cách công khai, minh bạch, có căn cứ pháp lí”.

Cũng trong thông cáo mới nhất này, cụm từ “photocopy”, “bản sao” được lặp lại rất nhiều lần. Việc này mang tính chất thống kê, nhưng bị một số người hiểu nhầm rằng, cho dù mất sách thì bản sao vẫn còn, hàm ý không ảnh hưởng tới việc mất nội dung hay công tác nghiên cứu. Trên thực tế, trong Thông cáo số 1, ngày 21/12/2022, điều này đã được Viện Nghiên cứu Hán Nôm nhắc tới ở điểm 11: “tức là nội dung sách không bị mất”.

Logic này là một cách hiểu sai rất tai hại, nên cần phải minh định một số điều sau về sách.

Trong công tác nghiên cứu lịch sử, văn hóa, việc lưu giữ bản gốc sách có ý nghĩa cực kỳ quan trọng. Nó không chỉ nằm ở nội dung các trang sách mà nó là dạng tư liệu vật lý có thật. Tư liệu ấy có niên đại, có thể được xác định bằng nhiều cách bao gồm cả các công cụ khoa học. Tư liệu ấy còn lưu trữ các thông tin về địa điểm, quá trình, diễn biến và có đời sống riêng – những thứ không chỉ nằm ở nội dung văn tự bên trong các trang sách.

Bản sách gốc như một dấu mốc có thật để chứng minh vô vàn những thứ mà bản sao không bao giờ làm được.

Để cho dễ hiểu, chúng ta thử hình dung việc chứng minh việc đánh dấu chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa chẳng hạn. Tư liệu lâu đời nhất chúng ta thu thập được có ghi nhận địa danh hai quần đảo này là bản đồ vẽ xứ Quảng Nam trong “Toàn tập thiên nam tứ chí lộ đồ thư” do Đỗ Bá, tự Công Đạo, biên soạn vào năm 1686. Cuốn sách bằng bằng chứng vật lý có thật để Việt Nam tuyên cáo với thế giới về tính lịch sử lâu đời của vấn đề – thứ mà dùng một bản sao sẽ hoàn toàn vô tác dụng mặc dù các nội dung giữa bản gốc và bản sao hoàn toàn không suy suyển.

Tương tự như vậy, nghiên cứu về người Việt cổ từ thời đồ đá cũ, người ta phải dùng những bằng chứng vật lý thu thập được từ núi Đọ (Thanh Hóa), chứ không thể dùng một thứ bản sao bằng thạch cao. Một hiện vật có niên đại 30,40 vạn năm mới có giá trị nghiên cứu, còn các bản sao dù có sao chép hoàn hảo tới đâu thì cũng là vô tác dụng.

Trong số những cuốn sách đã mất tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm, có bản sách độc bản hàng trăm năm tuổi, lưu giữ chúng không chỉ là lưu giữ nội dung và phải coi đó là hiện vật lịch sử, là tài liệu của một thời kỳ, giai đoạn lịch sử và có giá trị vĩnh viễn.

Thế mới nói, coi sách chỉ là sách thì thật là… thất sách. Và chắc chắc, việc mất mát những tài liệu lịch sử vô giá của đất nước sẽ còn tái diễn dài dài nếu như không một ai phải chịu trách nhiệm cho điều này.

Nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/boi-vi-sach-khong-chi-la-sach-a600718.html

Comments are closed.