Hình ảnh quốc gia và sự phát triển

Lê Học Lãnh Vân

1) Việt Nam, sau 44 năm hoàn toàn thống nhất, vẫn còn là một nước phát triển trung bình thấp, và có nhiều lo ngại bị bắt chết trong cái bẫy thu nhập trung bình!

Vì vậy, Việt Nam rất cần sự giúp đỡ, hợp tác từ các quốc gia phát triển, văn minh trên thế giới. Trong số các quốc gia đó, Nhật Bản là quốc gia giàu có với nền kinh tế rất phát triển, đã hỗ trợ vốn ODA nhiều nhất cho Việt Nam. Nhật Bản có nhiều kinh nghiệm tổ chức xã hội văn minh hiệu quả, từ các giá trị cốt lõi tới nền chính trị và mô hình quản lý quốc gia tiến bộ. Nhật Bản có quyền lợi song hành với Việt Nam, không có mâu thuẫn về chủ quyền lãnh thổ. Nhật Bản là quốc gia mà Việt Nam rất cần gầy dựng mối quan hệ ngoại giao cùng sự hợp tác thực chất tốt đẹp. Việt Nam rất cần xây dựng cho mình hình ảnh tiến bộ, văn minh, đạo đức trong con mắt của Nhật Bản nói riêng và thế giới nói chung.

2) Chắc có người thắc mắc: tại sao Việt Nam CẦN xây dựng cho mình hình ảnh tiến bộ, văn minh, đạo đức trong con mắt của Nhật Bản? Nói vậy có phải là tự đánh giá thấp mình không?

Xin thưa, không hề tự đánh giá mình thấp. Nếu phân tích các chỉ số về minh bạch quốc gia, về tự do thông tin, báo chí, về mức độ tham nhũng… thì Việt Nam đứng ở vị trí rất thấp so với thế giới. Người cầm visa Việt Nam thuộc vào số người ít được các nước sẵn sàng đón tiếp nhất. Tất cả những điều đó cho thấy lòng tin vào Việt Nam của các quốc gia khác thấp, và, đáng buồn thay, thậm chí thấp nhiều!

Do đó, muốn phát triển, Việt Nam cần xây dựng cho mình hình ảnh tiến bộ, văn minh, đạo đức. Đó phải là hình ảnh đẹp thực chất chứ không phải giả tạo, đẹp gỗ chứ không chỉ đẹp nước sơn! Điều đó trước hết là cho nước Việt, cho người Việt, tạo nền cho sự phát triển vững chắc, bền lâu. Không một quốc gia kém văn minh, kém đạo đức nào có thể phát triển lâu dài thực sự. Với nền tảng có sẵn, tôi tin rằng nếu có quyết tâm chính trị cao, Việt Nam có thể thay đổi ngoạn mục trong hai hay ba kế hoạch năm năm.

Trong khi tự xây dựng nền móng cho đất nước, Việt Nam cũng đồng thời xây dựng hình ảnh tốt đẹp cho mình, xây dựng niềm tin nơi các nước khác. Tốt đẹp thì người ta mới hợp tác tin cậy và dài lâu!

Với tín nhiệm của quốc gia chưa được cao như vậy, những người Việt tự trọng và biết nghĩ tới đất nước cần hết sức cẩn thận trong mọi hành vi, lời nói, tác phong sống… để chứng tỏ sự đúng đắn, văn minh. Lúc này, điều đó cũng quan trọng như ngày xưa người Việt quyết tử cho “Tổ Quốc quyết sinh” để giành độc lập. Cần cố gắng sống đúng đắn từng chút một để cùng nhau góp sức tạo hình ảnh nước Việt Nam ngày một tốt đẹp hơn. Với giới cầm quyền, điều này phải là mệnh lệnh nghiêm khắc, phải liêm khiết, tận tụy, trung thực, chấp nhận gian khó làm gương cho dân, cùng với dân cứu nước.

3) Nhìn lời qua tiếng lại giữa ông Chủ tịch Hà Nội với Tổ chức Xúc tiến Thương mại – Môi trường Nhật Bản (JEBO) trong sự việc xử lý nước sông Tô Lịch mà ngán ngẩm, mà buồn não ruột. Mà thất vọng mênh mông!

Là nhà chánh trị, ông Chủ tịch chắc phải biết trong hoàn cảnh hiện tại, giữa nước Việt và nước Nhật, từ ngoài nhìn vào, thế giới tin ai hơn. Ông chắc phải biết, đối với đa số người dân trong nước, họ tin ai hơn. Ấy là nói trong những trường hợp bình thường, muốn người ngoài tin, dân ta phải thành tâm hơn người, nỗ lực hơn người. Huống chi trong trường hợp này, nhiều sự việc xảy ra càng khiến người ta càng khó tin phía Hà Nội.

Người Nhật đem công nghệ Nano Bioreactor tiến bộ vào Việt Nam để xử lý nước sông Tô Lịch, miễn phí. Dân ta có con sông xanh giữa thành phố không phải tốn tiền, dân ta học được công nghệ tiến bộ xử lý, làm sạch một con sông. Bao điều tốt đẹp cho đất nước! Các kết quả thí nghiệm được báo cáo cho thấy đầy hứa hẹn thành công. Đó là một demo, nghĩa là làm thực tế để chứng minh công nghệ Nhật thân thiện với môi trường và hữu hiệu.

Thế mà không biết bao nhiêu khó khăn cứ theo nhau gây khó khăn, quấy phá công trình thí nghiệm. Trong khi đó, dư luận đồn đãi rất nhiều rằng công trình này nếu thành công sẽ cạnh tranh với một công ty sân sau của Hà Nội. Rồi đùng một cái, nước Hồ Tây được xả vào đoạn sông đang thử nghiệm làm trôi đi biết bao công sức! Bao nhiêu điều “đúng qui trình” xảy ra theo một hướng là làm thí nghiệm thất bại, người Nhật bỏ cuộc.

Thế rồi công trình của người Nhật bị yêu cầu dừng lại. Thế rồi những quan chức thủ đô công kích người Nhật. Thế rồi chính ông Chủ tịch thủ đô nói rằng “các chuyên gia Nhật sử dụng công nghệ nano tại sông Tô Lịch… không hề xin phép thành phố mà thông qua Công ty Thoát nước Hà Nội làm ngay tại sông Tô Lịch” (Tuổi Trẻ, 07/12/2019).

Nhưng JEBO đã trưng ra bằng chứng là tờ Thông báo số 142/TB-VP của Ủy ban Nhân dân Hà Nội ký ngày 09/5/2019 đã “Đồng ý cho Đoàn chuyên gia Nhật Bản phối hợp với Công ty cổ phần cải thiện môi trường Nhật Việt thực hiện thí điểm xử lý làm sạch môi trường nước trên một đoạn sông Tô Lịch và một góc Hồ Tây bằng nguồn tài trợ của bên Nhật Bản (đơn vị tự nguyện thực hiện thí điểm và tài trợ kinh phí thí điểm)” (Tuổi Trẻ, 07/12/2019)

Với giấy trắng mực đen như thế, JEBO tuyên bố về lời nói của ông Chủ tịch Hà Nội: “Chúng tôi xin lấy danh dự ra đảm bảo và khẳng định 100% đây là thông tin sai sự thật”.

Thưa các anh chị, trong trường hợp này, theo chứng cớ, theo tâm lý và phán xét thông thường, người ta nên tin ai, sẽ tin ai?

4) Việc đôi co xung khắc giữa chính quyền Hà Nội với với JEBO, đáng buồn thay, lại xảy ra ngay lúc đất nước đang rất cần chắt chiu gầy dựng từng chút niềm tin. Không được tiếp cận những thông tin “mật”, tôi không dám có ý kiến là có sân sau tại Hà Nội hay không. Tuy nhiên, cách xử lý truyền thông, xử lý khủng hoảng như vậy chỉ khiến người ta thêm thắc mắc, nghi ngờ cả ngoài nước lẫn trong nước!

Nhiều người nói sự việc là một tai nạn ngoại giao. Tôi nghĩ không chỉ là thế!

Tai nạn là một sự kiện không lường trước. Với nhiều người dân, tôi tin họ linh cảm trước những “tai nạn” kiểu này bởi vì chúng không xảy ra ngẫu nhiên hay tình cờ! Nhìn lại sự việc đã xảy ra, người ta có thể nghi ngờ được không rằng đây là một sắp xếp cố ý, bằng những cách thức thiếu trung thực, để gạt bỏ đoàn chuyên gia Nhật? Người ta có thể thấy, nghi ngờ được không sự xung đột giữa lợi ích quốc gia với lợi ích cá nhân, phe nhóm? Đây là điều các quốc gia văn minh, các công ty đa quốc gia trên thế giới rất kiêng ngại.

Đây thực sự là một cú đấm mạnh vào uy tín đã yếu sẵn của Việt Nam. Trong hoàn cảnh tranh chấp quốc tế tìm từng cơ hội đầu tư FDI, trong hoàn cảnh một làn sóng đầu tư đang rời Trung Quốc tìm bến đỗ nơi một quốc gia Đông Nam Á, sự kiện này đồng nghĩa xua đuổi đầu tư, vất bỏ cơ hội! Những sự việc như thế này là viên đá rất lớn cản đường phát triển của cả dân tộc!

Sự việc đáng buồn đã xảy ra! Dù còn phải giải quyết những hệ lụy tiếp theo, sự việc coi như đã xong. Vấn đề của đất nước là làm sao cho nó không lặp lại dù dưới dạng này hay dạng khác, không lặp lại tại thủ đô cũng như không lặp lại tại bất kỳ nơi nào trên đất nước. Làm sao tìm được những người thực lòng vì dân chúng, vì tổ quốc và có năng lực đứng ra đảm nhiệm việc dân việc nước?

Ngày 07 tháng 12 năm 2019

Comments are closed.