Người bất tuân sếp và mở tường Berlin

Soraya Sarhaddi Nelson (thông tín viên NPR’s Berlin), http://www.npr.org/blogs/parallels/2014/11/06/361785478/the-man-who-disobeyed-his-boss-and-opened-the-berlin-wall

Bản dịch của Văn Việt

clip_image002

Người Đông Berlin tràn vào Tây Berlin sau khi viên sĩ quan biên phòng Harald Jaeger phớt lờ lệnh trên và mở cổng cho đám đông khổng lồ hỗn loạn. Alain Nogues/Sygma/Corbis

 

Với nhiều người Đức, thì Harald Jaeger là người mở tường Berlin.

Đó là một di sản vẫn còn khiến người sĩ quan biên phòng Đông Đức không yên ổn 25 năm sau ngày ông chống lại lệnh trên và để hàng ngàn người Đông Berlin ào qua chốt gác của mình vào phía Tây.

“Tôi không mở bức tường. Mọi người đứng ở đó đã mở”, ông già 71 tuổi oang oang nói, ông nguyên là trung tá phụ trách kiểm tra hộ chiếu ở Phố Boholmer. “Ý chí của họ quá mạnh, không thể có lựa chọn nào khác hơn là mở biên giới”.

Những người dân này đã đến chốt gác của ông ngay lập tức sau khi nghe tin Ủy viên Bộ Chính trị Guenther Schabowski nói – sau mới biết hoá ra là nhầm – tại buổi họp báo tối ngày 9 tháng 11, 1989 rằng người dân Đông Berlin sẽ được phép vượt biên vào Tây Đức.

clip_image004

Harald Jaeger trong bộ đồng phục bên lá cờ trung đoàn biên phòng CHDC Đức năm 1964. Courtesy of Harald Jaeger

 

Schabowski là một thành viên Đảng Xã hội Thống nhất Đức cầm quyền đã giúp vào việc buộc nhà lãnh đạo Erich Honecker thôi chức vì áp lực cải cách của cả khối Xô viết.

Jaeger nhớ lại mình gần như bị sốc mạnh trong bữa ăn tối khi nghe Schabowski nói trên tivi tại phòng ăn của đơn vị. Ông vội chạy ra cơ quan để biết rõ các lính biên phòng phải làm gì.

Với người Đông Berlin mà việc khao khát sang khu Tây thành phố đã 28 năm ở ngoài tầm hiện thực, thì ý của Schabowski không thể rõ hơn. Ông ta là thành viên ban lãnh đạo đảng cầm quyền mà, lời của ông ta chính là luật!

clip_image006

Jaeger đứng trước mảnh tường Berlin còn lại. Sau lưng ông là một bức ảnh chụp ngày 9/11/1989, khi ông là sĩ quan biên phòng đã mở cổng Bornholmer, sự biến đánh dấu sự sụp đổ của bức tường. Soraya Sarhaddi Nelson/NPR

 

Nhưng với Jaeger, mọi điều ông được học với tư cách một người cộng sản phục vụ tổ quốc trong quân đội, đội tuần tra biên giới và Bộ An ninh quốc gia, đã quay 180 độ trong đầu. Ông nhớ lại: Bức tường Berlin là một “thành trì chống phát xít. Khi nó được dựng lên vào ngày 13/8/1961, tôi đã rất hân hoan.”

Một cảm giác không chắc chắn

28 năm sau đó, vào ngày 9/11, thời gian trước lúc tường Berlin sụp đổ, Jaeger rất bối rối. Ông nói khoảng từ 10 đến 20 người có mặt ở Phố Bornholmer ngay sau buổi họp báo của Schabowski. Họ đứng xa đường biên, sốt ruột chờ một dấu hiệu từ lính biên phòng cho thấy vượt qua biên giới là được phép. Nhưng lính biên phòng không ra dấu gì hết.

Rồi đám đông lên đến 10 nghìn người, nhiều người la lớn: “Mở cổng đi!”.

“Tôi gọi Đại tá Ziegenhorn, lúc ấy là sếp của tôi, và ông ta bảo: ‘Anh gọi tôi vì chuyện ngớ ngẩn này ư?’”, Jaeger nói, và kể rằng Ziegenhorn bảo ông đuổi đám đông kia đi. Ông đã gọi tiếp các quan chức khác nhưng cũng không ích gì hơn.

Ông nhấn mạnh rằng lính biên phòng Đông Đức không hề có lệnh bắn vào những người dân vượt biên bất hợp pháp vào đêm hôm ấy cũng như những đêm khác. Nhưng Trung tâm Lịch sử Đương đại chính thức ở Potsdam nói rằng đã có 136 người bị giết tại tường Berlin trong suốt thời gian tồn tại của nó, bao gồm những người tìm cách trốn đi, những lính gác và những người đứng xem.

Jaeger nói rằng chỉ được phép nổ súng khi binh lính cảm thấy tính mạng bị đe doạ.

Trong suốt ¼ thế kỷ làm việc tại chốt biên phòng Phố Bornholmer, binh lính của ông chỉ bắn một phát súng cảnh cáo. Nhưng vào ngày 9/11, ông rất lo nếu đám đông trở nên hỗn loạn, họ sẽ đi đến bị sát thương cho dù không phải do súng ống.

 

Đêm sụp tường Berlin (bấm vào đây để xem video)

 

Đập để mở cổng

Để giảm độ căng, ông được lệnh cho vài người đi qua, nhưng đóng dấu vào hộ chiếu để làm cho chúng vô hiệu nếu họ muốn quay lại nhà.

Sự ra đi của họ chỉ làm đám đông sôi lên thêm, và áp lực lên Jaeger tăng lên từ hai phía trên và dưới cảnh báo có thể xảy ra nổi loạn. Bất chấp lệnh của cấp trên không cho phép thêm người đi qua nữa, vào lúc 11 giờ 30 đêm, “Tôi hạ lệnh cho binh lính bỏ qua mọi việc kiểm soát, nâng rào chắn lên và cho mọi người dân Đông Berlin đi qua”, ông nói.

Đó là một mệnh lệnh mà Jaeger sẽ không bao giờ ban ra nếu không có việc Schabowski họp báo 4 giờ trước đó.

Ông ước chừng có hơn 20 nghìn người Đông Berlin đã đi ô tô và đi bộ vào khu Tây tại Phố Bornholmer. Thậm chí có vài người Tây Berlin tò mò cũng đi vào khu Đông.

Những người vượt biên ôm hôn các lính biên phòng và cho họ những chai sâm banh, Jaeger nhớ lại. Một số đám cưới từ vùng Đông chuyển dịch qua biên giới, một đôi tân hôn còn tặng hoa cưới của họ cho lính biên phòng.

Nhưng Jaeger nói ông từ chối rời bỏ Đông Berlin.

“Tôi đang làm nhiệm vụ,” ông giải thích và cười to. Các sĩ quan Đông Đức không được phép qua biên giới cho đến trước lễ Giáng Sinh. Tháng sau nữa, các cấp quan liêu còn hoãn cả hồ sơ xin đi thăm khu Tây của ông.

Đi thăm khu Tây

Khi cuối cùng cũng đi được, Jaeger quyết định phải đi qua biên giới ở chốt gác của mình vào vùng Tây Berlin ở phía bên kia.

“Tôi cảm thấy như mình đã biết chỗ ấy sau khi thường nghe chuyện từ những người hay đi qua”, ông nói. “Vì vậy tôi muốn tận mắt thấy nó như thế nào”

Dù sao cảm tưởng đầu tiên của ông về Tây Berlin không tích cực lắm. Thí dụ như ông ngạc nhiên thấy những người di trú Thổ Nhĩ Kỳ sống khổ ngang với những người nhập cư ở khu Đông. Nhưng qua những người Đông Berlin đi qua biên giới ông cũng biết rằng hàng hoá của khu Tây tốt hơn hàng hoá khu Đông và dễ kiếm hơn. Thí dụ như chuối, ở khu Tây có cả trong mùa đông, trong khi khu Đông không có.

Chính phủ Tây Đức cho mỗi người Đông Đức qua thăm 100 mác (khoảng 60 đô la). Jaeger nói ông đã mua một cái bơm xe hơi và chỗ còn lại thì cho vợ và con gái.

Việc tái thống nhất Đông và Tây Đức năm 1990 đưa đến việc giải tán bộ chỉ huy biên phòng Đông Đức và Jaeger thấy mình thất nghiệp ở tuổi 47. Ông thử làm nhiều việc kinh doanh khác nhau, trong đó có bán báo, nhưng không bao giờ khá lên được.

Vì vậy ông đã nghỉ hưu tại một thị trấn nhỏ ngoài Berlin và để thì giờ trả lời phỏng vấn và đi du lịch với vợ, bà Marga. Ông nói ông bà thích đi thăm những nước mà trước 1989 họ không đi được, trong đó có Thổ Nhĩ Kỳ, vào dịp kỷ niệm 50 năm ngày cưới.

Jaeger nói ông không hối tiếc về việc mình đã làm trong đêm 9/11/1989, và cũng không bị cấp trên của mình trừng phạt vì việc đó. Ông nói thêm là mình đang trông ngóng những hoạt động kỷ niệm 25 năm vào cuối tuần này. Điểm nổi bật sẽ là cuộc gặp gỡ một người anh hùng của ông – Mikhail Gorbachev. Nhà lãnh đạo Xô viết đã mời ông đến gặp ở một khách sạn Berlin vào ngày thứ bảy.

Comments are closed.