Văn chương thời của những kẻ giết người

Vũ Thành Sơn

Ngày 12 tháng 10 năm 2017, hai thanh niên cùng ở xã Quang Trung, huyện Phú Xuyên, Hà Nội đi trộm chó ngay trong địa bàn huyện. Sau khi bắt trộm được bốn con chó, hai thanh niên bị người dân phát hiện, đuổi đánh. Kết quả: một thủ phạm bị đánh gục, tử vong tại chỗ; còn một thủ phạm chạy thoát, đến trình báo và khai nhận vụ trộm chó với chính quyền sở tại.

Ngày 23 tháng 4 năm 2018, bốn thanh niên điều khiển hai xe gắn máy lưu thông trên đường Phan Đăng Lưu, hướng từ sân bay Tân Sơn Nhất về chợ Bà Chiểu, quận Bình Thạnh. Khi đến đoạn cách giao lộ với đường Vạn Kiếp khoảng 200 mét thì xảy ra va quẹt với một xe máy khác do nam thanh niên (khoảng 25 tuổi) chạy phía trước. Đúng lúc đó, một người bạn của thanh niên 25 tuổi chạy đến, cự cãi với nhóm bốn thanh niên kia. Trong lúc xô xát, người bạn của nam thanh niên bị đâm gục ngã xuống đất và tử vong.

Ngày 10 tháng 1 năm 2018, sau một cuộc nhậu cùng bạn bè tại phòng trọ của mình, người chồng say rượu gây sự, chủi bới, đánh đập vợ. Tức giận, người vợ vớ con dao đâm một nhát trúng ngực chồng làm anh này chết ngay sau đó.

Hằng ngày những bản tin về những vụ bạo hành, giết người như thế xuất hiện thường xuyên, dày đặc trên khắp các mặt báo, truyền hình, phương tiện truyền thông trong nước, đến mức người ta không còn chứng kiến cái xấu, cái ác như là một tai nạn, một hiện tượng bất thường, hy hữu, cá biệt và nhất thời, có khả năng làm cho cộng đồng bỗng chốc lo lắng, bất an, mà từ bao giờ chúng đã trở nên quen thuộc, thành cái hằng ngày, thành một phần miễn nhiễm của cuộc sống. Chúng hiện diện quanh quẩn, vô hình nhưng đồng thời bất ngờ có thể là một ai đó chung quanh chúng ta, trong chúng ta. Người hành nghề mổ lợn này là một người chồng gương mẫu, một người hàng xóm tốt bụng nhưng đồng thời cũng là người vô tư bỏ chất tạo nạc Salbutamol vào thịt bán ra thị trường. Người thầy giáo cấp một đáng kính kia hằng ngày đứng trên bục giảng với bảng đen, phấn trắng nhưng sau giờ đứng lớp lại là một tên cuồng dâm cưỡng bức tình dục đối với chính những học trò bé bỏng của mình. Cái ác càng lúc càng mang bộ mặt thân thiện. Những cố gắng tra vấn ban đầu truy tìm nguồn gốc của cái xấu, cái ác, vì vậy, dần dần tỏ ra bất lực và với thời gian chúng được thay thế bằng sự cố gắng tự trang bị kiến thức cũng như kỹ năng khéo léo để tự bảo vệ.

Tuy vậy, người ta không thể không tiếp tục tra vấn, truy nguyên về nguồn cội của cái ác bởi vì cho dù có hãnh tiến về thành tựu và sự tiến bộ vượt bậc của nền văn minh vật chất đến đâu, người ta vẫn không khỏi bàng hoàng nhận ra sự thụt lùi bi đát của những giá trị nhân bản, vẫn phải đối mặt như hàng nghìn năm trước đây trước những vấn đề nan giải muôn thuở và cay đắng trước một sự thật là con người hầu như vẫn dẫm chân tại chỗ trong hành trình dài tìm kiếm chân lý, tự do và hạnh phúc đích thực. Trong nỗ lực không mệt mỏi đó nhằm tìm kiếm lối thoát cho bi kịch con người, văn chương, mà Umberto Eco coi như một trong những quyền năng phi vật chất, chỉ có khả năng cho chúng ta chạm được ngón tay vào số phận mà không thể thay đổi được nó[1]. Câu hỏi đặt ra ở đây là: ngay cả khi không thể thay đổi được số phận, liệu văn chương còn có ý nghĩa đối với hành trình đơn độc của con người giữa sa mạc hoang lạnh mà cả Thượng Đế lẫn Con Người đều vắng mặt? Hay văn chương chẳng qua được mộ điệu chỉ bởi vì chính vẻ đẹp tự thân của nó chứ không phải vì nó phục vụ cho một cái gì, như Umberto Eco nghĩ?

Ở một đất nước tự hào là “văn hiến chi bang”, rêu rao xây dựng theo một thứ lý thuyết chính trị “đạo đức, văn minh” hoặc ngay giữa lòng Châu Âu, cái nôi của chủ nghĩa nhân đạo Thiên Chúa giáo, văn hoá Phục hưng và lý tính, cái ác vẫn không ngừng sinh sôi nảy nở bất chấp những nỗ lực có thể có nhằm ngăn chặn, loại trừ.

Hãy nhớ lại trường hợp Radovan Karadzic, tổng thống cộng hòa của người Serb tại Bosnia. Trước Tòa Án Tội Ác Quốc Tế, Karadzic tự biện hộ cho mình và bác bỏ hết 11 tội danh bị cáo buộc liên quan tới cuộc chiến Bosnia 1992-1995. Karadzic nói: “Tôi sẽ biện hộ rằng lý do dân tộc của chúng tôi và của họ là chính đáng và thiêng liêng. Chúng tôi có cơ sở. Chúng tôi có chứng cứ và bằng chứng mạnh mẽ.”

Nhưng làm sao chúng ta có thể hiểu nổi một nhà thơ đã từng xuất bản sáu tập thơ và được trao hai giải thưởng danh giá Jovan Ducic năm 1969 và Michail Sholokhov năm 1994 như Radovan Karadzic lại có thể ra lệnh thảm sát 7500 đàn ông và trẻ em người Hồi giáo Bosnia tại Srebrenica, chưa nói đến những vụ giết người, thủ tiêu, tra tấn và trục xuất cưỡng bức khác?

Làm sao chúng ta có thể giải thích được trong lịch sử không ít kẻ độc tài, thủ phạm máu lạnh gây ra những vụ đốt sách, giam cầm, thanh trừng, diệt chủng, hay lạnh lùng ném hàng triệu sinh mạng vào một cuộc chiến đẫm máu huynh đệ tương tàn vô nghĩa lại đồng thời là những nhà thơ, nghệ sĩ hay “danh nhân văn hóa”?

Cũng như George Steiner, chúng ta không thể không đặt câu hỏi làm sao một trong những kẻ sáng chế và điều hành cỗ máy giết người hàng loạt Auschwitz lại có thể là một độc giả Shakespeare; buổi tối đọc Goethe, Rilke hay chơi Bach, Schubert rồi sáng hôm sau vẫn đi đến Auschwitz làm việc bình thường? Và sau khi đã chứng kiến sự sụp đổ của những giá trị nhân bản và biết bao niềm hy vọng bởi những đường lối chính trị man rợ, thú tính trong thời đại, cũng như George Steiner, phải chăng đã đến lúc chúng ta buộc phải hoài nghi về vai trò, ảnh hưởng của văn chương đối với xã hội và cùng với ông, phải thốt lên rằng văn chương, thực ra, chỉ “làm giảm đi tính trực tiếp và khía cạnh khốc liệt của hoàn cảnh thực tế. Chúng ta có xu hướng phản ứng chính xác với nỗi buồn trong văn chương hơn là với sự khốn cùng của người hàng xóm”? [2] Chúng ta chứng kiến văn chương bất lực trong việc ngăn chặn cái ác, cái xấu cùng lúc chứng kiến sự thoái trào của Thi ca và Ý tưởng siêu hình trong đời sống trí thức. Vị trí ưu thắng của khoa học thực nghiệm, công nghệ thông tin, mạng xã hội và kỹ thuật nghe nhìn cùng với sự nở rộ của các thể loại phóng sự, tự truyện, hồi ký, lịch sử, khảo cứu… đã dần dần đẩy những hình thức sáng tác hư cấu đứng bên lề của cuộc sống. Những ngóc ngách lẩn khuất sâu thẳm trong tâm hồn con người không còn được rọi chiếu, soi sáng từ ngọn bút của nhà văn nữa mà từ nay sẽ là đối tượng miêu tả của những gã viết sớ ở các miếu đền. Những tra vấn siêu hình nhường bước cho những bài giảng chính trị gây mê, đượm mùi dân túy. Con người đang đánh mất đi chiều kích siêu hình học trong chính hiện hữu của mình. Mặc dù đầu sách xuất bản không hề giảm sút nhưng thời kỳ của những tác phẩm đồ sộ như Tn trò đời, Chiến tranh và hòa bình, Nhng người khn kh… đã cáo chung; người ta đang sống với những bi kịch nhỏ, những thỏa hiệp ngầm. Điều đáng buồn này không chỉ diễn ra trong địa hạt văn chương mà ở hầu hết các sinh hoạt nghệ thuật khác. Người ta dễ dàng thỏa mãn và ra sức ca ngợi những cái đẹp mắt bóng lộn, đỏng đảnh.

Liệu văn chương, nghệ thuật hiện thời có còn năng lực tác động đến con người, gây cảm hứng cho con người, có còn thực sự làm cho đời sống tinh thần con người, cá nhân cũng như cộng đồng, thêm phong phú, tinh tế? Câu hỏi có thể được đặt lại theo một hình thức khác: trong sự băng hoại của xã hội ngày nay về đạo đức, tinh thần và các giá trị chuẩn mực, liệu văn chương, nghệ thuật có phải gánh chịu một phần trách nhiệm? Cũng trong ý nghĩa đó, nhưng ở một chiều ngược lại, khi nhìn trở về quá khứ, chúng ta ít nhiều không thể không nghi ngờ liệu những lời thú tội muộn màng nhưng thành thật của Chế Lan Viên có được bao nhiêu phần trăm sự thật khả dĩ chấp nhận được khi ông tự gán cho thơ mình một phần trách nhiệm đối với dòng chảy của lịch sử vào một giai đoạn mà văn chương đích thực, văn-chương-mang-khuôn-mặt-người chưa từng bao giờ hiện diện? Hay một lần nữa chỉ nên coi đó như là một ví dụ điển hình cho sự hoang tưởng thường gặp ở xứ sở này đối với năng lực không có thật của văn chương?

Mậu Thân, 2000 người xuống đồng bằng
Chỉ một đêm còn sống sót có 30
Ai chịu trách nhiệm về cái chết 2000 người đó?
Tôi!
Tôi – người viết những câu thơ cổ võ
Ca tụng người không tiếc mạng mình
                        trong mọi lúc xung phong
Một trong 30 người khi ở mặt trận
                      về sau mười năm
Ngồi bán quần trên đường nuôi đàn con nhỏ
Quán treo huân chương đầy mọi chỗ
Chả huân chương nào nuôi được người lính cũ!
Ai chịu trách nhiệm vậy?
Lại chính tôi!.
..”

Chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa, thực ra, là một thứ nghệ thuật sàng sảy; nó nắm bắt hiện thực qua cấu trúc, có nghĩa là chọn, lựa, lọc từ hiện thực những yếu tố có “ý nghĩa”, đồng thời loại bỏ hoàn toàn những yếu tố “vô nghĩa”. Hiện thực, dưới lăng kính của trường phái này, chỉ là những cái có ý nghĩa.[3] Đó là một thứ nghệ thuật mang màu sắc luân lý và vắng bóng con người. Có lẽ đó là một công trình hoang tưởng, đầy tham vọng cuối cùng của con người nhằm nhào nắn thực tại theo ý muốn ngông cuồng của mình. Cuối cùng, chúng ta hy vọng vậy, bởi lẽ cũng như Kierkegaard khi nói về Socrates và Jesus, “Chân lý bị đánh cho tới chết”.

Vargas Llosa, trong Notes on the Death of Culture, cho rằng chính kỹ nghệ quảng cáo trong vai trò là dòng chính thống trị nền văn hóa đương thời chú trọng đề cao óc khôn ngoan hơn sự thông tuệ, hình ảnh hơn ý tưởng, sự tếu táo hơn tính nghiêm cẩn, cái tầm tầm hơn chiều sâu, cái bông lơn hơn sự nghiêm túc đã là nguyên nhân cho tình trạng tuột dốc của văn hóa nói chung và sự khủng hoảng của nền văn hóa đọc, nói riêng, trong đó nhà văn bị đẩy ra vị trí của kẻ đứng ngoài cuộc và ngay cả độc giả văn chương hiện thời cũng bị liệt vào loại “có nguy cơ tuyệt chủng”.

Và vì vậy, câu hỏi văn chương có thể làm được gì, không còn là câu hỏi chỉ dành riêng cho văn chương và những người cầm bút nữa.


[1] Umberto Eco, “Sur quelques fonctions de la littérature”. Trong Le Magazine littéraire số 392 tháng 11 năm 2000.

[2] George Steiner, “Humane Literacy”. Trong Language and Silence, Essays on Language, Literature and the Inhuman, New Haven – London: Yale University Press, 1998.

[3] Roland Barthes, “Nouveaux problèmes du réalisme”. Trong Oeuvres complètes, tome 1, Paris: Seuil, 2002.

Comments are closed.