Vĩnh biệt nhà thơ Charles Simic

Hoàng Hưng

Có thể là hình ảnh về 1 người và kính mắt

Ông qua đời ngày 9/1/2023, thọ 84 tuổi.

Nhà thơ gốc Serbia đoạt giải Pulitzer năm 1990, Thi khôi Hoa Kỳ 2007.

Nên nhớ là đến năm 15 tuổi ông mới biết nói tiếng Anh.

Thơ ông “chọc một cái lỗ trong cuộc sống thường ngày để lộ ra một cái gì vô tận” (New York Times).

Sau đây là những nén nhang tưởng nhớ ông: chùm thơ tôi đã dịch và in trong tập song ngữ 15 nhà thơ Mỹ thế kỷ X”, NXB Hội Nhà văn 2004.

 

CHARLES SIMIC

(1938)

Charles Simic sinh năm 1938 tại Belgrade, Nam Tư. Năm 16 tuổi ông cùng với mẹ sang Mỹ sống với người cha ở New York City. Gia đình Simic dọn đến Oak Park ít lâu sau đó. Sau khi tốt nghiệp trung học, ông làm tạp vụ tại báo Chicago Sun Times và theo học đại học ban đêm, lấy được bằng cử nhân vào năm 1966. Hiện nay ông là Giáo sư khoa tiếng Anh ở trường Đại học New Hamsphire.

Có thơ in từ năm 1959, đến năm 1967 ông xuất bản tập thơ đầu What the Grass Say. Đến nay Simic là tác giả của hơn 60 cuốn sách, nhiều tác phẩm của ông đoạt giải thưởng, trong đó có giải Pulitzer về thơ năm 1990 cho tập thơ – văn xuôi The World Doesn’t End. Năm 1995 Simic được bầu vào Viện Hàn lâm Văn học Nghệ thuật Hoa Kỳ.

Thơ Simic không dễ xếp loại. Một số bài thơ của ông có khuynh hướng siêu thực, siêu hình trong khi các bài khác là những chân dung hiện thực của bạo lực và tuyệt vọng.

 

NHỮNG QUE DIÊM

Tối mò khi tôi bước

Trên phố

Nhưng rồi ông xuất hiện

Người chơi diêm

Trong những giấc mộng của tôi

Tôi chưa bao giờ thấy

Mặt ông mắt ông

Sao bao giờ tôi cũng

Phải chậm chạp thế nhỉ

Và những que diêm đã cháy

Xuống sát ngón tay ông

Nếu là một ngôi nhà

Chỉ kịp nhìn một thoáng

Nếu là một đàn bà

Chỉ một cái hôn thôi –

Rồi bóng tối chập lại

Thì tôi có thể đang ăn tối

Đang đắp một quả tuyết cầu

Đang được Giáo Hoàng La Mã

Nhổ cho mấy cái răng

Hoặc đang trần truồng chạy

Trên một bãi chiến trường

Người chơi diêm

Biết mà không nói

Ông chỉ thích những trò chơi bỏ dở

Những thành phố khó nhận mặt

Nhũng tình yêu lớn ra đi

Trong một hơi thổi phù

 

Hoàng Hưng dịch

 

 

THÀNH PHỐ

Góc phố nào cũng ít nhất một người bị đóng đinh câu rút.

Những con mắt một kẻ thần bí, điên dại, sát nhân.

Chúng biết sự tuẫn tiết ấy thực sự chẳng vì cái gì hết.

Những con mắt biết. Mọi đau đớn của kẻ tuẫn đạo

Bày cả ra. Mẹ cao quí của tất cả chúng ta

Nâng niu những chiếc bọc của bà trên vỉa hè

Nói với từng chiếc như thể nó là đứa con thần thánh

Có nhiều kẻ không hề thấy những cảnh ấy.

Một cặp hôn hít nhau thèm khát không rời

Ngay chỗ ai đó nằm phủ tờ nhật báo.

Với cặp bàn chân đẫm máu, sưng to gấp đôi,

Thò ra trong cái lạnh của ngày,

Chứng cớ ảm đạm của một học thuyết mới.

Anh biết không, tôi sợ. Một người đàn ông rú lên

Rồi tiếp tục bước đi như không có gì xảy ra.

Tôi tìm kiếm mắt người ai cũng tránh mắt tôi.

Tôi bắt đầu giống người đàn ông ấy chút nào chăng?

Tôi không có lời đáp nào cho những câu hỏi ấy.

Người bị đóng đinh câu rút ở góc phố bên cũng vậy.

 

Hoàng Hưng dịch

 

 

CHỨNG MẤT NGỦ KHÁCH SẠN

Tôi thích cái hố nhỏ của tôi,

Có cửa sổ trông ra một bức tường gạch.

Ở phòng bên có một chiếc duơng cầm

Mỗi tháng vài chiều

Một ông già què đến chơi

Bản "Thiên Đường Xanh Của Tôi".

Tuy nhiên phần lớn là yên tĩnh.

Mỗi phòng một con nhện trong áo khoác nặng nề

Bắt ruồi bằng cái mạng

Dệt bằng khói thuốc với mộng mơ.

Tối quá,

Tôi không nhìn được mặt mình trong tấm gương lavabô

Năm giờ sáng tiếng chân trần lên gác.

Người "Di Gan" đoán số,

Có cửa hiệu ở góc đường,

Đi tiểu sau đêm ân ái.

Cũng có lần, tiếng một đứa trẻ thút thít

Gần đến nỗi đã có lúc

Tôi tưởng chính mình đang thút thít.

 

Hoàng Hưng dịch

 

 

KIẾN TRÚC BI THẢM

Trường học, nhà tù, những cái cây trong gió

Ta trèo những cầu thang ảm đạm của các ngươi,

Đứng trong những góc xa nhất của các ngươi

Mặt nhìn vào vách.

Tên sát nhân ngồi hàng đầu.

Một cô bé Ophelia điên dại

Viết lên bảng đen ngày tháng hôm nay.

Đao phủ là người bạn tốt nhất của tôi.

Hắn đã mặc đồ đen rồi.

Người giữ nhà đem chuột nhắt cho chúng tôi chơi.

Trong căn phòng ấy với những hoàng hôn đỏ –

Là thời gian cho vĩnh cửu nói,

Nên chúng tôi nghe

Như thể tim mình làm bằng đá.

Tất cả bây giờ đổ nát

Những bức tường nứt, tróc

Mọi cửa sổ đều vỡ

Không còn đến một bóng đèn trần trụi

Cho người tù bị quên trong cô vắng

Và cậu học trò bị rớt lại đằng sau

Ngắm nhìn cây mùa đông trụi lá

Bị gió quất tơi bời

 

Hoàng Hưng dịch

Comments are closed.