Văn học miền Nam (205): Võ Hồng (8)

THIÊN ĐƯỜNG Ở TRÊN CAO (KỲ 3)

clip_image001

Phần 7

Những cây xoan bắt đầu nở hoa. Mùi hương nhẹ lao trong không khí như

nhắc đến những cơn gió nồm thoi thóp thoang thoảng mát. Mùa hè đã len lỏi đến bằng những bước chân nhẹ nhàng. Mới hôm nào giữa giấc ngủ say người ta còn kéo chiếc chăn mỏng quấn vào người lúc nào không hay biết. Đó là chặng ba, bốn giờ sáng, cái mát dịu dàng của đêm làm giấc ngủ thêm say, thêm sâu. Rồi bỗng một ngày nào nắng trở nên ủ dột, không khí nặng nề oi bức như đang sốt ruột đợi một cơn mưa. Nhưng mưa chỉ rơi lác đác vài giọt. Tuy vậy mưa đã rửa sạch dấu vết của cái lạnh mơ hồ cuối xuân, và cái nóng của mùa hạ lần lần lấn chiếm. Và bây giờ thì cái chăn mỏng cũng phải vội vã xếp cất, cái áo len gây cảm giác hãi hùng. Mùa hạ làm mỏi mệt trí não và người ta muốn buông xuôi mọi việc, không muốn suy nghĩ gì hết.

Một buổi chiều nồng nực như vậy đó, có tiếng chuông điện thoại reo. Anh Tạo, thư ký văn phòng luật sư, lại cầm ống nghe.

– Alô… Dạ, đây là văn phòng luật sư Chấn. Luật sư Chấn bận họp ở dưới Hội đồng tỉnh. Dạ, chỉ còn luật sư Khải và tôi. Dạ… Dạ… Về cái vụ đó hả? Alô…

Dạ… Anh nói sao? Anh bị kẹt hả? Gắng thu xếp coi chớ… Trời ơi, tôi đã sắp đặt đâu đó, đã hẹn đúng giờ giấc… Hồi lại không kịp nữa… Alô… Mình đâu có biết nhà mà đến báo tin được? Chỉ biết có một trạm chót của đường dây… Cố nhiên là không thể điện thoại được, nếu điện thoại được thì dễ quá… Alô… Anh gắng thu xếp… Không được thì chết tôi, tôi biết làm sao bây giờ… Trễ quá rồi… Dạ…

Dạ… Alô.

Tạo đặt mạnh ống nghe xuống máy. Miệng lẩm bẩm giận dữ:

– Đồ mọi rợ. Thay đổi ý kiến cái kiểu chó gì vậy. Tôi hỏi:

– Gì đó? Áp phe buôn lậu hả?

– Đâu có, anh thằng Ty truởng nó cho tôi leo cây.

– Leo cây gì?

– Nó nhờ tôi bắt mối dùm một em. Nó mê con nhỏ như điếu đổ. Tôi chạy hết mình, cuối cùng mới bắt được mối. Liên lạc xong, hẹn giờ, hẹn địa điểm đàng hoàng, bây giờ nó điện thoại báo tin là lát nữa vợ nó tới bằng máy bay. Ở Huế vô.

– Hẹn mấy giờ?

– Dạ, tám giờ tối.

– Địa điểm chỗ nào?

– Dạ ở ngay nhà thằng Ty trưởng.

– Đẹp không?

– Cái đó thì khỏi chê.

– Trẻ không?

– Mười bảy, mười tám tuổi.

– Bảo đảm?

– Dạ, bảo đảm một trăm phần trăm. Thứ thượng hạng ngoại hạng mà.

– Anh đã thưởng thức chưa mà biết rõ vậy?

– Nói thiệt là chưa.

– Thì sẵn dịp thằng bạn Ty trưởng của anh nó bỏ rơi, anh lãnh đi. Nhất cử lưỡng tiện.

– Nhưng kẹt một cái tiền. Giá thượng hạng mà. Năm xấp.

Tôi không biết nên nói gì thêm, đành ngồi nhìn xuống tập hồ sơ. Còn phải lấy giấy chứng thương cho một thân chủ. Còn phải lập biện minh trạng. Còn phải lật tra bộ Hình luật canh cải. Mệt quá…

Tạo đi đi lại lại trong phòng. Giọng anh rên rỉ một mình:

– Số xui, đến chuyện chó này cũng xui. Rồi phải ì cổ ra mà đền tiền. Tôi hỏi:

– Đền cái gì?

– Chớ bộ hẹn rồi, họ tới, mình cười trừ mà được sao?

– Thì họ tới nhà tên Ty trưởng, rồi tên đó phải lo giải quyết lấy.

– Đâu có dễ vậy? Mà họ đâu có biết nhà tên Ty trưởng ở chỗ nào. Chính mình phải hướng dẫn. Họ chỉ gặp mình, họ chỉ biết có mình.

– A… cái đó mới rắc rối. Lơ mơ, vợ anh mà bắt gặp thì cũng chết anh. Tình ngay lý gian.

– Khỏi lo chuyện đó. Hẹn gặp mặt ở ngoài đường mà.

Tạo lững thững lại đứng nơi cửa sổ, tay đút túi quần, mắt nhìn ra đường. Căn phòng im lặng, tiếng quạt trần vù vù một điệu ru ngủ. Chợt Tạo quay lại.

– Hay là…

– Cái gì?

– Hay là anh… anh vớt dùm?

– Vớt cái gì?

– Anh nhận… tối nay.

– Đâu có được!

– Đáng giá lắm mà. Không dễ mà có một dịp hay như vậy. Phải nói rằng hên lắm tôi mới bắt được liên lạc và nhằm lúc kẹt sao đó, cô ta mới nhận lời. Người yêu của tướng mà. Chớ đâu phải loại “người yêu của lính”?

Tôi lại im lặng. Khó mà có nhiều ý kiến trong một lĩnh vực tôi vốn không quen. Tạo vẫn nghểnh mặt đợi chờ tôi trả lời. Khuôn mặt anh vốn dĩ quá dài ở chặng từ gò má đến cằm, hôm nay trông càng dài hơn, càng bi thảm hơn. Tôi nghĩ rằng sự việc không đến nỗi tồi t ệ như khuôn mặt ấy biểu lộ . Chứng cớ là giọng nói của anh vẫn sắc bén và khi nói anh còn nhớ làm duyên bằng cách để trễ cái môi dưới như anh vẫn thường làm mỗi khi tiếp xúc với nữ thân chủ. Tôi cắt đứt câu chuyện:

– Thôi, để làm xong công việc rồi đi về. Hổm rày nóng nực, công việc bê trễ. Mà cũng đáng tội cho anh, ai biểu đang không lãnh gông vào cổ.

Để tỏ sự dứt khoát, tôi đứng dậy đi mau lại tủ dựng hồ sơ.

Tạo thuộc về mẫu người tiểu tư sản của thời đại hôm nay, chịu ảnh hưởng của nếp sống thập niên 60 khi quân đội Mỹ hiện diện đông đảo ở miền Nam. Lương ít mà tiêu nhiều. Tháng nào cũng thiếu nợ, nhưng mỗi tối thứ bảy không thể vắng mặt ở quán nhậu Bảy Mập. Tủ lạnh 180 lít chạy suốt năm, nhưng mở tủ ra chỉ thấy những chai nước lọc. Hội đoàn nào cũng thích tham gia, nhưng thường hay sẵn tiền của bạn mượn đóng tạm đã. Rồi bữa sau quên trả lại. Một người như vậy thì có rất nhiều bạn bè và tôi có thể tin chắc rằng chỉ vì ham vui, vì thích giúp cho kẻ khác thỏa lòng mà Tạo bị khốn đốn trong nhiều vụ. Kể cả vụ đêm hôm nay. Tôi sẽ không ngạc nhiên chút nào hết nếu có ai nói với tôi rằng viên Ty trưởng đang làm khổ anh đó, không hề là bạn của anh, mà chỉ là một người bạn của bạn anh mà thôi. Và người tốt bụng nhẹ dạ là anh đang rối rắm tơ vò.

Những vết nhăn hằn sâu ở khoảng giữa hai chân mày. Hai vết nhăn ở hai bên mũi kéo cái miệng nhô lên như người sắp khóc. Năm ngàn không phải là một số tiền nhỏ đối với những người như Tạo. Lương tháng 25 ngàn mà một tạ gạo đã hết 19 ngàn. Nhà anh một vợ bốn con, phụ thêm một người em vợ. Hai trăm đồng tiền chợ mỗi ngày là ngang tầm với rau muống, cá hố và mắm ruốc. Còn tiền mắm muối, củi lửa? Còn tiền điện tiền nhà? Tiền bác sĩ, tiền giấy bút sách vở và tiền học phí cho con? Tiền ân nghĩa họ hàng, ma chay cưới hỏi? Rõ ràng vợ anh là một diễn viên xiếc lành nghề, khéo giữ được thăng bằng trên một sợi dây. Và trong thời gian dài.

Tạo lại đứng kề tôi hồi nào tôi không hay. Rồi bỗng nhiên anh cất giọng ồ ồ làm tôi giật mình:

– Tôi nghĩ rằng chỉ có anh là giúp tôi được. Tôi quay lại:

– Anh thật tình khổ sở về vụ này lắm sao?

– Thật tình.

– Vậy thì… Thôi, được. Tôi sẽ cố gắng giúp anh. Anh hẹn với người ta tám giờ phải không?

– Tám giờ đúng.

– Vậy tám giờ anh đưa người ta đến đằng tôi. Tối nay tôi không ăn cơm nhà. Có hẹn đến ăn cơm với vài người bạn. Nhưng tôi sẽ cáo lỗi xin về sớm. Anh giữ chìa khóa cửa nhà tôi. Đưa người đến đàng hoàng, mở cửa bật đèn đàng hoàng. Như một thân chủ của tôi vậy. Đây…

Tôi móc túi lấy chìa khóa trao cho Tạo.

Mãn giờ làm việc, tôi tìm đến địa chỉ của cái quán chả cá nơi Cường, Hiệp và Tân đã hẹn đến. Mỗi tuần chúng tôi gặp nhau một lần như vậy, bốn đứa cùng độc thân, ăn uống đùa nghịch rồi chia tay. Trong bữa ăn, chúng tôi đề cập đến mọi chuyện trong tuần, chuyện trong thành phố và chuyện trên báo chí. Chúng tôi thay đổi chỗ gặp mặt luôn luôn, lần này thì nơi quán thịt vịt, lần khác thì nơi tiệm chả ram bánh cuốn, lần sau thì nơi quán nhậu tôm cua lươn ếch.

Tôi bỏ con đường lớn, đi vào một cái hẻm nhà cửa lòi ra thụt vào. Có tiếng trẻ kêu gọi ơi ới, tiếp sau là tiếng chân người chạy rầm rập. Tôi tưởng có một vụ cướp giựt nào đang xảy ra, nhưng ngạc nhiên thấy nhà cửa hai bên hẻm cứ đi ềm nhiên lặng lẽ. Cái hẻm thật rất đông con nít và những nam nữ choai choai 17, 18 tuổi. Nhiều người mặc những cái áo quá ngắn và chật, hở vai hở bụng, những cái quần hở rún. Một số khác mặc đồ bộ bằng vải hoa, lụng thụng nhớp nhúa.

Con trai để tóc dài, sơ mi bó sát ngực, nịt sát lưng, trông chặt chẽ như những bó chả lụa, chả giò.

Tìm đến hiệu Hải Âu. Đó là một ngôi nhà sàn bằng gỗ cất lấn ra bờ sông. Nước mang hơi mát nhẹ nhàng và những bụi dứa lá bóng mướt, những đám lau lác đìu hiu tạo nên màu xanh dịu mát và khung trời yên tĩnh nghỉ ngơi. Ngồi sau ba ly bia 33 vàng óng sủi bọt, Cường, Hiệp, Tân đang chong mắt chờ tôi. Tôi ngồi xuống ghế vừa nói.

– Mình đi qua cái hẻm, thấy có cái gì bất ổn nơi đó. Tân hỏi ngay:

– Bất ổn như thế nào? Nghe kêu réo lung tung và người chạy rầm rầm phải không?

– Ừ.

Tân cười to:

– Đúng mày là con nai, thứ “nai đồng quê” ngây thơ. Có biết vì sao không?

– Không.

– Tụi nó báo động đó. Thấy mày mặt lạ bước vô xóm, nó sợ mày là lính kiểm tục đi bắt xì ke.

– Sao lại có vụ đó?

– Tao quên cho mày biết trước rằng hẻm này có động xì ke. Tụi bộ hạ bán thuốc, chích choác cả ngày, hễ nhác thấy nhân viên kiểm tục là phải lo tẩu tán phi tang.

– Thì chỉ những người bán thuốc, trữ thuốc hoặc có giữ thuốc trong mình mới phải chạy trốn. Còn những người khác, cho dẫu ghiền mà trên tay không có thuốc thì việc chi mà phải sợ, phải chạy? – Hiệp hỏi.

Cường cướp lời, giải thích:

– Trong thành phần nghiện, một số lớn không có giấy tờ hợp lệ, hợp pháp. Cứ chận lại bắt đưa giấy tờ là lòi ra hết. Hoặc không có thẻ căn cước, hoặc là đào binh, hoặc là trốn quân dịch. Còn nữ thân chủ thì có một số làm nghề mãi dâm, đã bị bắt, đã từng bị án, có đầy đủ hồ sơ nơi Ty Cảnh sát. Do đó, hễ thấy sắc phục cảnh sát là họ sợ, họ trốn, cho dù cảnh sát chận đường nhiều khi chỉ để… hỏi thăm nhà.

Tôi hỏi:

– Thường lứa tuổi nào hay hút hay chích? Tân:

– Đủ hết. Mấy thanh niên tóc dài và mấy cô ăn mặc hở bụng đó. Có lính nữa. Có những ông đạp xích lô. Có những bà sồn sồn hay lớn tuổi, mặc bà ba xách giỏ, mà mày tưởng là quê mùa và làm ăn lương thiện. Không thể tưởng tượng nổi.

Rồi quay sang Cường và Hiệp, Tân tiếp:

– Cái hẻm nó ồn ào cả ngày. Khách mua đến bằng Honda, cứ để cho máy nổ, ngồi trên xe trả tiền nhận hàng rồi quay đầu xe rú ga dông lẹ. Tao đố tụi bay: hàng mua rồi, tụi nó giấu ở đâu?

– Nhét vô bụng, dưới áo sơ mi. – Hiệp nói.

Tân lắc đầu:

– Nhét dưới xu chiêng nếu là đàn bà. – Lời Cường. Tân lại lắc đầu.

– Thôi, để tao bày cho. Bỏ vô miệng. Chủ bán gói thuốc trong giấy nhựa nên bảo đảm khỏi ướt. Nếu gặp cảnh sát xét ngặt quá thì nuốt luôn.

Tôi còn nghi hoặc:

– Nếu mua nhiều mà nuốt kiểu đó thì mắc cổ chết. Tân giơ bàn tay trấn an:

– Yên trí. Điều thứ nhất: khách chơi chẳng mấy khi có dư nhiều tiền để mua nhiều một lần. Dân ghiền chính hiệu có tiếng là luôn luôn túng thiếu. Điều thứ hai: khả năng nuốt, khi cần, vượt quá sức tưởng tượng của mày. Tao đưa một trường hợp chính mắt tao trông thấy. Một anh, có lẽ là phế binh, què chân phải ngồi xe lăn, hôm đó đóng vai kẻ bán thuốc lẻ. Anh ta giấu một túi nhựa đựng mươi, mười lăm tép thuốc chi đó. Hai người cảnh sát mặc giả dạng thường dân đến mua. Sử dụng đúng phong phóc ngôn ngữ nhà nghề:

– Cho tôi hai cái.

– Bốn trăm. Đưa tiền trước.

– Đây còn có ba trăm rưỡi. Cho thiếu bữa sau trả.

– Không được. Tiền trao cháo múc. Biết các cha ở đâu mà đòi.

– Thôi, trả đủ đây. Đưa thuốc đây, cha nội. Lẹ lẹ lên.

Nắm tiền, đếm đủ tiền xong, người phế binh mới moi áo lấy túi thuốc. Tức thì hai người cảnh sát chụp luôn hai cánh tay của người phế binh để giành lấy túi thuốc. Người phế binh biết thế nguy, chống cự hết mình. Y nhoài người, y ngã sấp xuống, y lăn ra khỏi xe, y nằm lết trên đất, y gục mặt xuống đường, y vùng vẫy, y xé túi nhựa, y nhai cả bao nhiêu tép thuốc vào miệng, y nhai, y nuốt. Hai người cảnh sát không làm gì được, đành nhìn tang vật biến mất tiêu ngay dưới mắt mình. Người hầu bàn mang thêm bia và lần lượt dọn những đĩa gỏi.

– A-lê! Nhào dzô! – Hiệp ra lệnh.

Chúng tôi không khách sáo, nhập tiệc một cách hăng hái. Tân khề khà nói tiếp:

– Tao có nói là cái hẻm này ồn ào cả ngày. Ngoài tiếng xe Honda rú là tiếng cãi nhau, chửi nhau, đùa nghịch đấm đá nhau. Dân ghiền có nhiều tật, khi đói thuốc hiện ra cách này, khi no thuốc hiện ra cách khác. Khi đã no thuốc, đứa thì ngồi gục đầu xuống, đứa thì múa may, đứa thì hát ông ổng, đứa thì khoái vật nhau, thụi nhau. Có đứa uống thêm Binoctal để “phi” cho lâu, say quá nằm ngủ lăn giữa đường, ngủ đến sáng hôm sau mặt trời trưa trật vẫn chưa dậy nổi.

Có tiếng ba, bốn đứa trẻ đồng thanh hát một bài ca, không được ăn nhịp với nhau:

Từ ngày hai đứa bước chân vào chốn bụi đời.

Từ ngày hai đứa bước chân vào chốn ăn chơi.

Qui Nhơn, Đập đá ai ai cũng biết danh tôi.

Danh tôi là Đấng Chịu Chơi.

– Chớ sao. Tiệm chả cá này đang tính dọn đi, kiếm một địa điểm khác. Chớ khách nhậu mỗi lần phải đi qua cái hẻm đ ó, họ ngại th ấy mồ. Dám bị hành hung hay bị móc túi. Trường sơ học tư thục Ấu Nhi của ông giáo Đỗ đã dọn đi rồi. Để ở nơi này phụ huynh không dám cho con tới học. Chữ nghĩa học đâu chưa thấy, chỉ việc học chửi thề, nói tục và đâm chém theo lũ bụi đời là đã đủ hư thân mất nết rồi.

Hiệp chậc lưỡi:

– Dời một ngôi trường là cả một sự tốn kém. Mới biết, ở đời muốn làm ăn được phải trải qua bao nỗi khó khăn.

– Không kể việc làm ăn, cả ngày muốn sống yên ổn cũng không yên ổn được. Nhiều người chịu không thấu muốn bán nhà tìm chỗ khác ở. Hở một cái là bị ăn cắp. Sáng bưng khay ly tách ra truớc hiên cửa, sực nhớ vô nhà lấy viên xà bông, vội chạy ra thì tụi nó đã bê cả bộ khay chạy mất biến.

Cả Hiệp, Cường và tôi cùng cười không giữ được.

– Còn bị liên lụy nữa – Tân tiếp – cảnh sát vây bắt, có hồi bí quá tụi nó liệng luôn tang vật qua ban công, qua sân thượng nhà mình. Thế là mình lãnh đủ. Tình ngay lý gian. Gặp có vị “bạn dân” hiểu biết thì cũng phải năn nỉ mềm môi, gặp trúng vị hắc ám thì hậu quả còn dài dài. Phiền phức không thể tả được.

Cường nói:

– Thôi, không nói chuyện đó nữa. Nghe quá, ăn hết vô. Đời sao lắm nỗi khốn khổ như vậy. Tôi lặng nhìn ra bờ sông. Những rặng tre lù lù bóng tối, những thôn xóm xa le lói ánh đèn, cảnh vật yên tĩnh trong đêm. Đằng sau lưng tôi, cái xóm khốn khó như lời Cường đang tiếp diễn vở kịch hàng ngày hàng đêm của nó, với những diễn viên mỗi ngày mỗi đêm xơ xác rõ ràng.

Bước sang món cháo cá, tôi nhìn đồng hồ rồi đứng dậy:

– Thôi, tụi bay cứ tiếp tục. Tao về.

Cường, Hiệp và Tân ngạc nhiên khi tôi xin cáo từ về sớm.

– Mới có tám giờ kém mười.

– Nhưng tao bận chút việc.

– Việc gì mà gấp vậy?

– Đáng lẽ hồi chiều tao đã điện thoại cho tụi mày biết là tao không đến. Nhưng tao nghĩ rằng có thể đến với tụi mày trong một giờ rồi rút lui.

– Mày có vẻ không được tự nhiên, chiều hôm nay.

– Lời Tân – Hy vọng rằng không có chuyện gì xấu đến với mày.

Tôi lắc đầu:

– Bình thường. Mọi việc đều bình thường.

Danh tôi là Chúa Bụi Đời. Tình mình đẹp mãi, hỡi cô xì ke. Rồi mình đi kiếm cô-ken mình hút dài dài. Rồi mình đi kiếm Pall Mall mình kéo lai rai.

Tân nói:

– Đó, bài ca của mấy anh chị bụi đời. Tụi nhỏ bắt chước, lời lẽ đổi lung tung. Chúng nó còn thêm một điệp khúc. Như thế này:

Con ơi, con ơi, hút chi cái loại cần sa, hút chi cái loại bán nhà. Hết tiền rồi đi ăn cắp. Cảnh binh nó bắt sẽ khổ đời con, chắc con sẽ là hạn tù trăm năm. Ông ơi, ông ơi, chúng con hút phiện đã lâu, chúng con đã thuộc làu làu. Bảy trăm mới mua một điếu. Nhà con xa lắm, ở tuốt Cà Mau, bây giờ xin ông hãy thả con ra.

Cố nhiên là bợm ghiền không ưa điệp khúc này. Hễ nghe đứa nhỏ nào hát là dọa bợp tai.

– Có thêm âm nhạc và văn chương bình dân pha vào thì chắc chắn là món này ồn ào lắm. – Hiệp nói

Tôi ngồi trên xe mà hồi hộp thực sự. Tôi sẽ đối diện với một người như thế nào đây? Qua ngôn ngữ của Tạo tôi còn nhớ những từ đẹp, trẻ, thượng hạng

nhưng những chữ đó chưa đủ vẽ nên chân dung một người. Tôi cho xe chạy mua rồi chợt thấy mình bối rối, tôi hãm bớt tốc lực. Xe dừng trước nhà. Đèn sáng ở phòng khách. Coi như đó là triệu chứng tốt. Tôi dắt xe ra hiên sau, khóa lại. Cửa phòng khách khép hờ, tôi gõ nhẹ hai tiếng rồi bước vào. Người con gái đang ngồi ở ghế xa lông quay lưng lại tôi. Khi bước chân của tôi tiến lại gần, nàng quay mặt lại. Tôi suýt kêu lên: Trinh!

Nàng không tỏ ra xúc động. Bình tĩnh nhìn tôi từ đầu đến chân như để đánh giá tôi vậy. Tôi khẽ gật đầu chào và nàng cũng gật đầu đáp lại. Nên bắt đầu cuộc hỏi thăm xã giao như thế nào? Bổn phận của chủ nhà là tôi đó mà. A, may quá, tôi tìm ra câu nhập đề rồi. Tôi hỏi:

– Tạo đâu?

– Tạo nào?

– Người đưa cô đến đây.

– À, anh ký giả Duy Nhân đó hả? Ảnh về rồi.

Ký giả Duy Nhân! Tạo nó phải mượn một cái tên giả.

– Ảnh, đợi đến tám giờ năm, chưa thấy anh về. Ảnh xin lỗi phải đi có việc cần. Ảnh nhờ em về nói lại với anh. Những tiếng anh, em nàng dùng một cách tự nhiên như chúng tôi đã từng quen xưng hô với nhau như thế. Tôi tìm được sự thoải mái nhờ lối xưng hô đó. Tôi lại ngồi ở chiếc ghế xa lông đối diện.

Đêm nay nàng mặc jupe serrée màu cát. Xăng đan cùng màu. Mái tóc vẫn không thay đổi, chải rơi xuống hai vai.

– Cô đã ăn tối rồi?

– Rồi.

– Cô có cần uống một tí cà phê?

– Khỏi. Cám ơn.

Tôi xin phép vào thay quần áo. Nàng đứng dậy đi theo một chân với tôi, vừa hỏi:

– Phòng rửa mặt ở đâu anh?

– Cô… em cứ đi theo tôi.

Tôi đặt một tay lên vai nàng. Nàng đưa tay quàng qua lưng tôi. Chúng tôi kết thân với nhau một cách dễ dàng và tự nhiên như vậy. Tôi nhìn xuống đồng hồ: tám giờ mười chín phút.

Khi nàng cởi áo ra, thân nàng mảnh như một con tôm. Nàng chưa kịp ăn, chưa kịp lớn. Bắp thịt ở cánh tay, ở đùi cũng mềm như ở lưng. Có cái gì bé bỏng, yếu đuối, ngây thơ. Tôi xót xa hôn lên mái tóc. Tôi với tay lấy hộp sữa nóng Guigoz đặt ở bàn ngủ, múc một thìa đổ vào miệng nàng.

– Em cần phải ăn nhiều sữa.

– Uống sữa chớ.

– Uống sữa là chuyện con nít. Lớn lên một chút, người ta ăn sữa bột như thế

này.

– Em đã lớn chưa.

– Coi như còn thiếu nhi. Còn vị thành niên.

– Nói giỡn. Em đã có thẻ căn cước rồi.

– Đó là việc của Ty Cảnh sát. Chớ những bắp thịt mềm xèo này – tôi nắn vào bắp thịt đùi của nàng – còn cần sữa.

Nàng ôm chầm lấy tôi, hôn lên môi khiến môi tôi nhận một số bột sữa ngọt lịm.

– Anh nói chuyện nghe buồn cười. Không giống như người ta. Mà anh cũng là thiếu nhi như em, thấy không? Anh cũng còn ăn sữa bột.

– Không phải. Sữa bột để sẵn đó phòng khi đi ngủ, nếu thấy bụng đói thì ăn. Tốt hơn bánh bích qui có thể bị mốc, hơn trái cây có thể để lâu bị úng.

– Anh sống một mình?

– Cứ ngó xung quanh khắc biết.

Nàng ăn sữa một cách ngon lành. Nhai chậm rãi như mộ t con mèo nhỏ. Khi nàng từ chố i thìa sữa chót, tôi rót nước lọc vào ly đưa kề miệng và nàng cúi xuống uống từng ngụm nhỏ. Nhìn bóng chúng tôi phản chiếu trong tấm gương lớn, tôi thấy xúc động lạ thường. Đứa con gái bé bỏng kia đang ăn và uống như mọi đứa bé. Như đang được săn sóc bởi bàn tay của người mẹ, của người anh.

– Đây là lần thứ ba anh được gặp em.

Vừa nói xong, tôi biết là tôi đã vụng về. Nhắc làm chi đến hai lần trước? Thái độ hay nhất là cứ coi như mình không hề biết gì hết về nàng.

– Mấy lần trước anh gặp em ở đâu? Tôi phải nói dối:

– Ở ngoài phố.

– Ờ có thể là khi em đi xi nê.

Nàng nằm dài xuống giường và kéo tôi nằm bên cạnh. Nàng nhìn kỹ vào mặt tôi rồi chợt lồm cồm ngồi dậy.

– Để em nặn cái mụn này cho anh.

Vừa nói vừa đưa hai ngón tay đè vào mặt tôi. Đau quá, tôi lắc đầu. Nàng giữ chặt tôi lại bằng cả hai bàn tay, vừa vỗ về.

– Ngoan nào. Nằm im. Em sắp nặn ra được rồi.

Đau quá, tôi chảy nước mắt.

– Đây này, thấy không? Cái mụn đen ở đầu.

Nhưng nàng chưa chịu thôi. Còn lật quay mặt tôi đủ chiều để tiếp tục những vết mụn. Tôi lại chảy nước mắt ràn rụa.

Khi cuộc săn đuổi chấ m dứt, mặt tôi rát lên, tôi cảm thấy cần một chút an-côn thoa sát trùng. Nhưng nàng lơ mơ nhìn lên trần nhà vừa lơ đãng hỏi tôi:

– Anh tên là Tường phải không?

– Ơ… ơ…

– Làm ở Liên hiệp bảo hiểm công ty phải không?

– Ơ… ờ…

Chắc là thằng Tạo đã đặt tên mới và nghề nghiệp mới cho tôi. – Chớ anh không phải là luật sư Khải?

Tôi giật mình lồm cồm ngồi dậy. Có cái gì rối rắm đây. Nàng bình tĩnh kéo tôi nằm xuống.

– Tại lúc nãy ngồi đợi anh ở phòng khách, em thấy trong tủ sách có nhiều cuốn gáy in tên luật sư Khải mạ vàng.

– A! – Tôi reo lên mừng rỡ.

– Em ngỡ là tên anh.

– A… không. Anh không phải vậy. Cái nhà này, tủ sách này là của luật sư Khải và ông ta đi vắng. Anh tới ở chơi một thời gian rồi đi.

Tôi thấy mình khá lanh trí để khéo chọn một cách giải thích đầy khôn ngoan. Bởi đâu phải chỉ một tủ sách tố cáo tôi? Còn những phong bì thư đọc xong ném rải rác.

– Em nghe người ta khen luật sư Khải.

– Khen thế nào?

– Khen có tinh thần xã hội, bào chữa cho những bị cáo nghèo và bị áp bức mà không lấy tiền công.

– Chỉ có vậy?

– Em chỉ mới nghe có bao nhiêu đó.

– Nghe ai nói?

– Mấy nhỏ bạn. Hình như báo chí có nói. Ờ, hình như em có đọc đâu đó trên báo thì phải. Một lần.

Quen tay, nàng lại mân mê trên mặt tôi, dễ chừng để tìm mụn. Tôi vội vàng cầm bàn tay đó đặt lên ngực tôi.

– Ông ta quen thân anh lắm hả?

– Bạn thân.

– Ông ta chắc già hơn anh?

– Cũng… suýt soát tuổi.

– Em tưởng làm luật sư thì phải già chớ. Phải để râu nữa chớ.

– Làm hippy mới bắt buộc để râu. Luật sư thì không.

Nàng nhíu mày:

– Anh chế nhạo em. Em mới là hippy. Em là bụi đời. Em sống ngoài pháp luật.

Tôi đặt một ngón tay lên môi nàng:

– Thôi. Dừng lại. Đây không phải là chỗ xưng tội.

Comments are closed.