Văn học miền Nam 54-75 (203): Võ Hồng (6)

THIÊN ĐƯỜNG Ở TRÊN CAO

clip_image001

Vohong_Thienduong

Phần 1

Tôi vừa mang giày vừa nhìn sang Thiết:

– Đáng lẽ anh Sanh phải ghi chú thêm mấy chữ nơi thiệp mời “Y phục dạ hội” hoặc “Y phục tự do”, như vậy để người đến dự khỏi phải suy nghĩ băn khoăn, cân nhắc.

Thiết ném mẩu thuốc lá xuống sàn nhà, di mũi giày chà nát:

– Khỏi phải băn khoăn. Không ghi chi hết có nghĩa là y phục tự do.

– Nhưng trong thiệp mời có chữ “Dạ hội tất niên” thì không thể đi đến với bộ quần áo mặc đánh tennis.

– Hẳn nhiên. Người tham dự phải diễn kịch sao cho vừa hợp ý của chủ nhân vừa trung thành với quan niệm của mình.

Quả đó là tiêu chuẩn của nếp sống hôm nay. Người thi sĩ khỏi cần đặt những câu thơ dễ hiểu, đủ ý, đúng văn phạm, tròn trặn, mà chỉ cần phóng ra những cái mốc – nhiều khi loạn xạ – và người đọc phải ngọ ngoạy bò tới bằng tư tưởng của chính mình. Ai lười biếng và nghèo nàn thì bỏ cuộc, xếp sách lại. Trong hội họa cũng vậy. Phải đem trí não ra để âm thầm làm nhiều cuộc suy luận dài.

– Anh chỉ mặc sơ mi thôi sao? Không choàng vét tông?

– Bấy nhiêu đó đã vừa. Sợ có nhiều tay còn mặc sơ mi ngắn tay và để hở cổ.

– Như vậy mà tôi định mặc vét tông. Thôi, để dung hòa tôi sẽ choàng cái áo len màu sẫm ở ngoài. Ban đêm mặc áo màu trắng khó coi.

– Tùy ý.

Giọng của Thiết lơ đãng. Tôi đi cùng xe với Thiết. Đó là chiếc Renault hai ngựa cụt ngủn như một con cóc ngồi chồm hổm. Với giá xăng 250 đồng một lít, con cóc hiên ngang chạy giữa phố, không còn bị ăn hiếp bởi những chiếc xe Jeep nhà binh Mỹ phế thải đang được vỗ về lại.

Phòng tiếp tân của anh Lâm đặt ở tầng lầu tư. Leo đến nơi, khớp xương đầu gối như nới lỏng ra. Phải cố giấu những hơi thở hổn hển. Thiết nói:

– Tao mệt đừ rồi. Leo bốn cái cầu thang bằng nhảy tám bản valse. Vậy nếu bây giờ tao đi về thì phải coi như là tao đã làm đầy đủ bổn phận.

Nhảy được thay bằng leo – tôi vừa thở dài vừa nói – nhưng còn có mục ăn

và uống…

Tôi không đợi câu trả lời của Thiết. Và đúng theo ý tôi nghĩ, anh không trả lời. Chắc chắn là tại anh đang mệt thật, đang thở. Chớ bình thường tính anh ba hoa, không hề nhường câu nói chót cho ai.

Chị Sanh tiếp chúng tôi ở mái hiên. Chiếc rốp1 dài hợp thời trang màu đỏ có kim tuyến lóng lánh. Chị mời chúng tôi ngồi ở hai chiếc ghế bành đặt cạnh chậu mai nở đầy hoa vàng. Chị nói:

– Nhà tôi dặn xin lỗi hai anh, nhà tôi đang bận tay một chút. Tại cái ampli2 vào phút chót hơi bị trục trặc.

Thiết và tôi không ngồi mà đi bắt tay những người đã đến trước. Vợ chồng thẩm phán Hòa. Vợ chồng nha sĩ Vượng. Vợ chồng ông Nam Thành, chủ khách sạn. Ông kiến trúc sư Duệ. Ông Trần Quang Tuyến, chủ đồn điền. Thiết vừa bắt tay vừa nói oang oang. Anh giao thiệp rộng, tính tình hồn nhiên vui vẻ nên khi anh sắp bước tới đâu thì y như trước mặt anh nở ra những nụ cười thân thiện và cởi mở. Làm như anh là một thứ đũa thần, một loại Hanasaki Jiji của thần thoại Nhật Bản.

Khi trở lại an tọa nơi ghế, anh thì thầm giảng giải cho tôi nghe về mỗi nhân vật. Ông thẩm phán không có gì đáng nói. Được coi như một người liêm khiết. Làm thẩm phán nhiều năm mà di chuyển bằng Yamaha trong khi lục sự, thừa phát lại đi ô tô. Ông chủ đồn điền là tay ăn chơi có nhãn hiệu. Khách hàng thường xuyên của loại du hí “nhất dạ đế vương” theo đúng công thức Hồng Kông Chợ Lớn. Cái bụng phệ xứng đáng với hai kho tiền lớn mà ông đang làm chủ: cái đồn điền và cơ sở buôn lậu. Ông kiến trúc sư là tín đồ gạo lứt muối mè số 7. Chắc vì nể tình quen biết với chủ nhân mà đến chơi vậy thôi, chớ theo phương pháp tân dưỡng sinh thì mỗi ngày không được đi tiểu quá ba lần. Vậy quầy rượu ê chề kia chắc đang làm khiếp đảm con lạc đà đệ tử của Ozawa.

– Ông nha sĩ, – Thiết nói nhỏ – ngó vậy mà cù lần. Đó là thứ người ăn cơm nguội điểm tâm, nhưng lại có máu say mê tiền. Ngoài nghiệp vụ chính là nhổ răng, trồng răng, hễ nghe có mối nào đẻ ra tiền là xông xáo góp mặt. Thậm chí làm cái số đề số chót nữa.

– Bộ râu ngó chịu chơi lắm.

– Chỉ có bộ râu là chịu chơi. Mà mày coi, bộ râu thì biết chơi cái gì? Vài tháng mới tới tiệm thợ cạo một lần cho thợ cắt xén. Tốn vài trăm bạc. Ông Nam Thành được hơn nhiều. Mạnh thường quân của mọi công cuộc từ thiện.

– Ngó bà vợ…

– Chú mày lầm. Đó là một người đàn bà tốt không thể tưởng tượng được. Bữa nào rảnh tao sẽ kể nhiều chuyện tốt của bà ta cho mày nghe. Bây giờ không phải lúc. Kìa mày…

Tôi ngẩng nhìn theo dấu hiệu đưa mắt của Thiết. Một cặp thật xứng đôi lững thững đi vào.

– Bác sĩ Thuần. – Tiếng nói nhỏ của Thiết.

Tôi nhìn vào khuôn mặt trang điểm thật quý phái của người đàn bà. Đôi mắt đen thăm thẳm. Hai hàng lông mày tô đậm.

Trong khi anh Sanh làm thủ tục giới thiệu thì ùn ùn những cặp khác kéo tới. Trật tự bị xáo trộn và những lời chào hỏi khi bắt tay nhau trở nên vội vã mất phần trang trọng.

Tiệc ăn bắt đầu. Mỗi người lại quầy rượu nói tên hoặc chỉ vào thứ rượu mà mình thích. Cô chiêu đãi pha chế loang loáng và trao ly rượu kèm một nụ cười và một cái gật đầu khẽ. Qua bàn ăn, khách tự lấy món ăn bỏ vào dĩa.

Thiết lại vẫn đứng cạnh tôi, hùng hục gắp thức ăn. Gắp bỏ luôn cả vào dĩa của tôi, làm như dạ dày tôi là chi nhánh của dạ dày anh. Vừa giải thích:

– Phải ăn nhiều vào. Mình có làm kiến trúc sư đâu mà ăn theo Ozawa. Cái bánh tét này ngon đấy. Chẳng biết chiên bằng mỡ hay bằng dầu thảo mộc. Hình như mỡ thuộc âm. Thêm món dưa kiệu dưa hành này. Ơ! Có chả ram và giò lụa.

Tiệc nhảy tiếp theo. Ban nhạc mở màn bằng bản Cầu sông Kwai nhịp Paso. Đèn chuyển sang màu tím âm u. Căn phòng trông sâu hun hút như một hang động. Từng cặp bấu víu vào nhau lướt nhẹ nhàng trên sàn nhảy lót cao su êm.

Thiết hỏi tôi:

– Mày nhảy không?

– Không có pác-tơ-ne3.

– Kiếm coi con nhỏ nào ngồi một mình.

– Anh đã kiếm ra được ai chưa? Cho phần anh.

– Tao nhắm con váy cao màu da cam ngồi ở kề cái ampli kia. Nó thèm nhảy lắm. Không hiểu sao mà party4 nào cũng có mặt nó. Khiến đôi khi tao nghĩ rằng chẳng ai mời mà nó cũng cứ đến.

– Vậy thì anh xáp lại đi. Còn tôi, để đợi coi có cô nào đến trễ mà thấy thích thì tôi sẽ nhập cuộc.

Thiết lại mời cô váy da cam. Cô gái mảnh dẻ đứng cao hơn anh chừng vài phân nhưng bởi mặc váy cao nên trông càng cao hơn. May là anh mặc sơ mi, chớ nếu đóng vét tông vào sẽ thành cái cối xay.

Tôi nhìn những tà áo dài phất phơ bay theo nhịp chân di chuyển. Tôi nhìn những mũi giày đen nhích tới, kéo lui, như e thẹn chập chờn. Tiếng nhạc bên tai rập rình, thỉnh thoảng là một hồi saxo nức nở. Trong màu tím âm u, lấp lánh ánh kim khí của các nhạc cụ, ánh ngọt nồng của những viên đá nhỏ, nhẵn bóng, gắn vào tường.

Nơi mái hiên, những chậu hoa nở rộ, bình thản, vô tư. Tôi nhìn sang dãy nhà bên kia đường. Trong một căn lầu có ánh đèn sáng, một ông cụ tóc bạc mặc áo dài đang hí hoáy sắp xếp gì đó trên một đi văng thấp. Đằng sau là bàn thờ có đôi chân đèn đồng vàng bóng cắm hai cây sáp đỏ tươi. Không khí u tịch của tuổi già đi xuống.

Khi bản nhạc dứt, các cặp rời nhau, trở về với đĩa thức ăn và ly rượu bỏ dở. Ánh đèn bật sáng trở lại và câu chuyện trao đổi rào rào. Giữa lúc đó, nơi cửa cầu thang chợt hiện ra một thiếu nữ vóc dáng mảnh mai, tóc rẽ làm hai bỏ xõa xuố ng vai. Nàng mặc sơ mi đan màu vàng nhạt và quần Jeans bó chẽn. Không son phấn. Tôi ngạc nhiên nghĩ rằng chẳng lẽ người thiếu nữ này đi lầm nhà. Làm sao có thể lầm nhà đến mãi tầng thứ tư?

Câu hỏi vừa tới đó thì có một người bước tiếp theo sau lưng nàng, một người vạm vỡ. Mái tóc hớt cao làm cái trán bớt thấp. Hai hàm bạnh ra, cân xứng với đôi môi dày. Cặp mắt nhìn quằm quặm. Thiết nói khẽ:

– Trung tá Kỷ.

Tôi gật đầu mà không rời cái nhìn dán vào khuôn mặt người thiếu nữ. Nàng đứng lại và ông Trung tá bước tới. Ông Trung tá quàng tay vào lưng nàng.

Tôi liên tưởng ngay đến những vuốt sắc của con ó bấu vào con chim bồ câu non. Tôi nghe một cái nhói nơi trái tim mình.

————-

Chú thích: 1 Rose: Áo đầm dài.

2 Máy khếch đại âm thanh.

3 Partenaire: Bạn chơi, người cùng khiêu vũ.

4 Liên hoan, dạ hội.

Phần 2

James quành xe thật gấp, xe chạy lọt vào sân, đậu cứng ngắc trước cửa lớn

của một ngôi biệt thự kiểu cổ. Đó là loại biệt thự quen gặp ở những tỉnh lỵ, xây cất từ thời người Pháp mới sang đô hộ Việt Nam. Mái hiên rộng để tránh cái nắng nhiệt đới được bao quanh bởi một hàng lan can thấp. Một cái phòng lồi ở trước, trống trải, không vách, làm nơi ngồi hóng mát buổi chiều, nơi người ta nhấm nháp ly rượu khai vị trước bữa ăn tối. Nơi người ta hút thuốc lá và đánh bridge1 sau bữa ăn tối. Những cây bông sứ thân mình uốn cong sù sì đứng rải rác nơi cái vườn mọc đầy cỏ. Bởi không được săn sóc kỹ, nhiều bụi cỏ đứng cao quá đầu gối, man dại, hoang vu.

Một thanh niên tóc dài tới vai lưỡn thưỡn từ trong nhà bước ra, đi lại gần cửa xe. Cái sơ mi quá chật và cái quần cũng quá chật khiến thân hình y dài ngoẵng.

– Thưa anh.

– Có đứa nào trong nhà không?

– Dạ có thằng Dũng và thằng Lý Thiết Quày.

– Còn thằng Phúc?

– Dạ nó đi Đập Đá chưa về. Anh sai nó đi Đập Đá hồi sáng mà.

– Ừ. Tao sai. Tao tưởng nó về rồi.

Im lặng.

– Lão Thái Phát ở Bồng Sơn có vô lấy hàng không?

– Dạ lão không vô. Mà lão có gởi cái thư cho anh.

– Bằng bưu điện?

– Dạ không. Thư tay. Có người đem trao hồi xế.

James mở cửa xe bước ra. Cửa xe đóng sầm một ti ếng lớn. Đế giày gõ lộp cộp trên bậc cấp, trên hiên. Người thanh niên đi kề bên, hối hả như chạy.

– Dạ, em để bức thư trên bàn anh.

– Được.

Phòng khách rộng và đồ đạc không ngăn nắp được soi sáng mờ mờ bằng hai ngọn đèn lắp vào tường. Bốn chiếc ghế xa lông lớn, kiểu cũ, có chỗ tựa tay bằng gỗ uốn cong hình cánh cung. Mặt ghế bọc da màu nâu đã trũng xuống.

Khi James bước vào, có một thân người đang nằm ở chiếc đi văng kê ở góc phòng chợt ngồi chồm hổm dậy. Cũng một mớ tóc dài và có thêm bộ râu. James liếc qua một thoáng, vừa cất tiếng:

– Thằng Dũng đó hả?

– Dạ.

James tiến thẳng lại mặt trận, cầm lên phong thư, xé đánh toạc một tiếng gọn, lôi tờ giấy ra đọc. Loang loáng. Đoạn hắn ném tờ giấy xuống bàn.

– Đù mẹ. Lại có rắc rối!

Người thanh niên tên Dũng, sau khi ngoác cái miệng ra ngáp một cái ngáp dài, đứng dậy hỏi:

– Dạ, thưa anh có chuyện gì vậy?

– Lão Thái Phát không vô nhận hàng được. Tụi nó đang theo dõi.

– Em có thể đi theo hộ tống hàng cho lão.

– Hộ tống thì được, nhưng lão không dám chứa hàng trong nhà. Tiệm Lan Chi mới vừa bị lục soát. Thằng Lý Thiết Quày đâu?

– Dạ nó mới chạy đâu đó. Lý Thiết Quày ơi! Anh Năm gọi mày!

Có tiếng dép kéo lê l ệch xệch từ hiên sau đi tới. Một người chống nạng gỗ hiện ra. Cái đầu mới cạo nhẵn, láng bóng dưới ánh đèn.

– Thưa anh Năm kêu em.

– Ừ. Cái vụ đó đi đến đâu?

– Dạ, còn đang thương thuyết. Em có đến ngay bản doanh của Tư Búa. Ảnh cũng tỏ ra biết điều và chịu thương lượng với băng mình. Em có đại diện cho anh, tuyên bố để giao khu Xóm Động trực thuộc phạm vi ảnh hưởng của băng ảnh. Ảnh nói để họp ban Tham mưu của ảnh bàn lại cho kỹ. Ảnh sẽ trả lời sau năm ngày.

– Được.

James đi lại mở cửa kính ăn thông ra biển. Gió biển thổi mạnh đánh bạt cánh cửa khiến hắn phải dùng sức mới đẩy ra được. Gió thổi vào dãy cây phi lao, tiếng vi vút nhọn hoắt như tiếng những ngọn roi xé gió. Mặt biển đen ngòm. Đèn ghe câu chạy thành một dãy dài thẳng băng dọc theo dãy núi Phương Mai, dọc theo chân Gành Ráng. Bầu trời chi chít sao, nhưng ánh sao mờ nhòe trông buồn bã hiu hắt.

James móc gói thuốc, nhón một điếu đặt lên môi. Phải ba que diêm mới mồi được điếu thuốc. Đêm nay đột nhiên hắn cảm thấy buồn. Vu vơ, man mác không biết lý do vì đâu. Lúc nãy lái xe qua Bar Bông Hồng, nhìn lên sân thượng thấy đèn màu nhấp nháy, hắn định lên nhảy vài bản, nhưng sau khi đậu xe, khóa công tắc, gài cửa kính, hắn chợt thấy không thích nữa. Mọi ý muốn, mọi háo hức, mọi đam mê lả tả rơi vụn và hắn lại cho xe chạy vu vơ. Đường Phan Bội Châu… đường Trần Hưng Đạo… đường Tăng Bạt Hổ… Vừa rẽ qua đường Trần Cao Vân, một em mặc Polo đỏ, quần Pát đỏ, vẫy tay gọi hắn rối rít. Em bé làm

ở Air Việt Nam2 và chịu chơi hết mình. Hắn ngừng xe lại, thò đầu ra hỏi:

– Có việc gì không?

– Không. Em đi xi nê. Đi với em nhé?

– Không.

– Phim Christine. Hay lắm.

– Không thích cái thứ ái tình lãng mạn kiểu thế kỷ mười chín đó.

– Cảm động lắm mà.

– Chắc vậy. Em cầm theo cái khăn mùi soa này để lau nước mắt.

Vừa nói James vừa móc túi quần lấy chiếc mùi soa, chìa tay ra khỏi cửa xe trao cho. Cô bé lúng túng, đưa tay ra nhưng lưỡng lự không biết nên cầm hay không. Nhưng James đã vội ấn chiếc mùi soa vào tay nàng rồi nhấn ga cho xe vọt tới. Xe quẹo xuống đường Gia Long và James chợt thấy mình tàn nhẫn. Đáng lẽ nên mời cô bé lên xe và đưa nàng đến rạp xi nê. Rồi mình giã từ. Nhưng mà lạ, hình như óc mình đóng băng cứng ngắc trong đó… Không phải, hình như có một khối sắt nằm chật trong đó, nằm chặt trong đó, nặng vô cùng và làm óc mình mệt mỏi vô cùng.

Sóng vỗ ì ầm và tiếp theo sau, bọt sóng vỡ rì rào trên mặt cát. Nghe đơn điệu buồn bã lạ. James bước trở vào phòng khách.

– Hậu!

– Dạ.

Hậu tên là người thủ hạ đã xuất hiện đầu tiên ra đón hắn.

– Tao mới gặp Trung tá Kỷ

– Dạ.

– Đi với một con nhỏ trông lạ lắm.

– Anh thử tả hình dáng…

– Có tả mày cũng không biết. Lạ hoắc mà, đến tao mà còn không biết, huống chi mày. Con nhỏ trông xinh lắm. Tao chịu cái típ đó. Chắc là dân ở đâu mới lạc tới.

– Dạ, chắc vậy.

– Hổm rày sao không thấy mặt con Tuyết?

– Nó mới ghé lại đây hôm qua.

– Nó với Trung tá Kỷ hết cặp bồ với nhau nữa hay sao mà Trung tá Kỷ lại đi với con khác.

– Em không rõ.

– Mày có nghe nó than buồn, than chán đời không?

– Không. Hôm qua nó ghé lại đây ăn một mạch hết sạch cả một mẹt bún ốc. James cười:

– Ăn nói như mày! Nhưng đó cũng có thể là triệu chứng nó đang buồn.

James đi đi lại lại trong phòng. Những bước dài. Chợt hắn đứng dừng lại trước mặt Hậu:

– Mày cho đàn em bám sát theo Trung tá Kỷ. Tìm hiểu lai lịch con nhỏ.

– Dạ.

– Tìm mọi cách đưa con nhỏ về đây cho tao gặp.

– Dạ.

– Tìm mọi cách, nhớ chưa? Và càng sớm càng tốt.

– Dạ. Anh tin ở em.

– Thôi, mày có thể đi chơi.

– Dạ.

James thấy trong người chợt nhẹ nhàng. Và hắn liền hiểu. Nỗi bực dọc mà ngẫu nhiên hắn mang lấy từ đầ u hôm đến bây giờ, hắn đã tìm được nguyên do: đó là bởi con nhỏ xinh xắn kia.

James đi về phòng mình. Tay nắm quay, cửa hé mở. Hắn kêu lên:

– Kiều Chân! Em đợi anh từ hồi nào?

– Từ tám giờ.

– Vậy mà buồn quá anh đã cho xe chạy lang thang. Giá anh biết có em đợi anh ở đây. À, ba má có phản ứng gì không khi biết em bỏ không thi kỳ này?

– Bả đâu có biết? Bả tưởng em vẫn học, vẫn thi.

– Tiền trọ tiền học vẫn gởi đều đều?

– Rất đều. Còn gởi thêm mật ong, thuốc tễ để tẩm bổ mà học cho chắc đậu.

– Tội nghiệp mấy bà cụ.

– Đôi lúc em cũng hối hận lắm chớ.

– Uấy, mà hơi đâu. Mình sống cuộc đời của mình, mình có sống lấn qua cuộc đời của mấy bả đâu? Thôi, em ngồi dậy thay áo đi.

Họ thay áo trước mặt nhau một cách tự nhiên.

– À, em học sư phạm hả?

– Không. Chính trị kinh doanh.

– Bỏ quách đi cũng phải. Tiếc làm gì. Mấy ngân hàng sập tiệm lần lần hết thì lấy ai mướn em?

– Em có học, có đậu đâu mà họ mướn?

– Mà có mướn thì lương lậu cũng chẳng bao lăm. Đi theo băng của anh, ngó bộ còn có đường hơn.

– Thôi, xin đi. Đường “chết đói” hả?

– Đâu có bao giờ? Lâu lâu cũng có kẹt tiền một chuyến, nhưng rồi cuối cùng đâu vẫn vào đó. Hôm nay em mang đến cho anh được bao nhiêu?

Kiều Chân vỗ bình bịch vào bụng:

– Không có đồng xu teng nào hết. James sa sầm nét mặt:

– Đã dặn em cứ ăn cắp bừa đi. Rồi vài ngày có tiền, anh hoàn trả lại em.

– Bà già mấy bữa nay rên túng quá trời. Khách sạn chẳng có ma nào đến thuê. Ba mươi sáu phòng đóng cửa im ỉm.

– Lén mở tủ sắt…

– Có lén mở rồi. Chỉ toàn giấy nợ và bằng khoán nhà đất.

James lại ngồi ở cái ghế thấp, cởi giày rồi lặng lẽ cởi áo. Đoạn hắn lại giường ôm hôn Kiều Chân:

– Thôi, chúng mình đi ngủ. Ngủ một giấc đảo điên. Mọi việc phó mặc cho ngày mai, vì ngày mai trời lại sáng.

—————-

Chú thích: 1 Một loại đánh bài.

2 Công ty Hàng không.

Phần 3

Trong suốt hai ngày liền, tôi bị ám ảnh bởi người thiếu nữ của đêm dạ hội.

Nàng có liên hệ như thế nào đối với Trung tá Kỷ? Có thể đó là một nữ sinh ham vui vẫn thường trốn nhà để đi dự những bum, những ban pha-mi, nh ững pacty1 thường được tổ chức vào đêm Giáng Sinh, đêm Tất Niên. Nữ sinh ham nhảy mỗi ngày mỗi nhiều và họ có nhiều cớ để nói dối với gia đình, trốn đi chơi vài giờ buổi tối. Nhiều gia đình không kiểm soát xuể con cái bởi chưng cha mẹ cũng bận lo những cuộc vui riêng của họ. Nhiều cha mẹ khác túi bụi trong việc kinh doanh.

Tôi nhớ mãi khuôn mặt không son phấn của nàng, nhớ mái tóc học trò rẽ giữa và bỏ xõa xuống vai. Nhớ chiếc sơ mi đan màu vàng nhạt và cái quần Jeans bó chẽn. Tất cả đều mang dáng dấp của một nữ sinh, chắc là cúp cua một lớp luyện thi buổi tối, vui chơi vài giờ rồi trở lại l ớp, mang sách vở về nhà. Tự nhiên và thoải mái như khi làm một bổn phận bình thường.

Đêm đó nàng nhảy liên miên nhưng tôi nhận thấy những bước nhảy của nàng chưa được thuần thục. Nàng nhảy được Tango và Slow. Qua nhịp Swing, nàng ngã người hẳn vào cánh tay của Trung tá Kỷ, đôi bàn chân rụt rè dọ hỏi. Giữa hai bản nhạc khi đèn bật sáng lên, tôi không rời mắt khỏi cái khuôn mặt học trò đó, hiện diện lạc lõng giữa những khuôn mặt trang điểm lộng lẫy phấn son khác. Người đàn bà nào mặt cũng sáng hẳn lên, đôi má cũng phớt hồng, đôi môi cũng tươi mọng, đôi mắt cũng thâm u. Những nét đẹp vừa tươi mát, vừa ấm áp đó mơn trớn cái nhìn của mọi người đàn ông, dụ hoặc ngả nghiêng, vỗ về mộng mị. Chỉ có riêng nàng mộc mạc, da như đang thở mùi xà phòng Golden hay xà phòng Dove và đôi môi chắc ngọt mùi kem va ni.

Thiết đứng sừng sững sau lưng tôi lúc nào không hay. Anh xâm nhập phòng tôi bất cứ lúc nào, khỏi cần gõ cửa. Thấy tôi giật nẩy mình, anh toét miệng cười:

– Mơ mộng gì đó?

– Ơ… ơ… Ngồi nghĩ mông lung.

– Vàng lên 120 ngàn đồng một lượng rồi.

– Anh sắp cưới vợ?

– Ai nói?

– Không cưới vợ thì việc gì phải lo đến giá vàng?

– Tao đang bực mình. Bán bốn chục lượng vàng hồi giá vàng còn 50 ngàn. Hùn mua xe Jeep nhà binh phế thải. Bây giờ xăng đắt, xe Jeep nằm đống nơi ga ra, chó nó chẳng thèm rớ tới. Uống xăng như uống nước, chịu gì thấu. Trong khi giá vàng nhảy lên hơn gấp đôi.

– Đó là luật thương mại, lên voi xuống chó bất ngờ.

– Nhưng tao tức là có lắm thằng… cốt chó mà cứ lên voi hoài. Lên đến mức bây giờ đã biến thành… khổng tượng. Hôm qua tao gặp Thục Dung.

Tôi không biết có chuyện gì quan hệ đến tôi. Nếu không thì chắc Thiết đã không nhắc đến tên nàng giữa câu chuyện về thời giá đang chuyển dần sang khoa động vật học. Ừ, dễ thường cả tháng nay tôi không gặp Thục Dung. Tôi bù đầu vì mấy vụ bào chữa ở tòa án quân sự Mặt trận. Nghiên cứu h ồ sơ và bổ túc hồ sơ là cả một mớ rối rắm nhiêu khê. Thân chủ thì ngồi trong quân lao, mà muốn xin giấy tờ chứng minh thì chính mình lại phải liên lạc với tiểu đoàn nọ với đại đội kia không biết hiện đang hành quân ở mặt trận xa xôi nào. Bảo thân thích họ hàng chạy lo thì hoặc đó là một người vợ quê mùa tay dắt con thơ, nách mang con mọn, hoặc một bà mẹ già chưa nói ra một lời đã bệu bạo khóc. Có trường hợp một quân nhân phạm tội chỉ còn một cha già. Ông cụ nặng tai đến nỗi tôi không hiểu bằng phép màu nào, ông cụ có thể đến được văn phòng luật sư mà không bị xe cán dọc đường. Luật sư Chấn hỏi gì ông cụ cũng chỉ hả và hử. Hết cả nhẫn nại, luật sư Chấn chuyển giao ông cụ sang bàn giấy tôi, nghĩ rằng phổi tôi chưa chùng. Suốt cả tháng, tôi phải tiếp xúc với những loại khó khăn bất ổn như vậy. Hoặc tệ hơn.

Thiết đi lại cửa sổ, đứng mân mê tấm rèm vải hoa. Anh chợt xoay người: Tao nghĩ rằng mày nên xúc tiến công việc của mày.

– Việc gì?

– Thục Dung.

Thấy tôi im lặng. Thiết nghiêm trang nhìn tôi:

– Mày cũng đã già rồi.

– Ba mươi hai tuổi.

– Hẳn nhiên là chưa phải già lắm, nhưng không phải là còn trẻ nữa.

– Nếu tôi quay lại hỏi anh?

– Thì tao già hơn mày, nhưng trường hợp tao lại khác. Tao còn đang làm ăn lông bông, được món này hỏng món khác. Trong xã hội, tao không có địa vị, tao không chỗ đứng, không có chỗ ngồi.

– Chớ còn tôi…

– Đem tao ví với mày sao được? Mày chỉ còn một năm nữa là xong thời gian tập sự. Mày sẽ ra hành nghề Luật sư, đó là một chức vị.

– Tôi không chối cãi điều đó. Nhưng không phải vì thế mà tôi có thể phủ nhận cái giá trị của anh.

Thiết mỉm cười:

– Giá trị? Xã hội đã xếp sẵn những nấc thang giá trị rồi. Trên thượng tầng là những ông đậu bằng cấp cao, chức vụ lớn: Tiến sĩ, Thạc sĩ, Tổng trưởng… Gần đây có thêm giá trị của dân biểu, nghị sĩ. Loại giá trị này còn thả nổi. Như đồng đô la và đồng bảng Anh.

– Nhưng anh là típ người của thời đại hôm nay, loại người thân lập thân, loại self made man2 rất có giá trị trong xã hội Âu Mỹ. Những nhà kinh doanh…

Thiết cười lớn, ngắt lời tôi:

– Nhà kinh doanh Lê Đình Thiết hiện đang rút gọn thể tích xuống bằng con chuột nhắt. Từ voi xuống chó, giờ xuống đến chuột. Nhưng xin lỗi mày, mày đừng có đánh lạc hướng. Vấn đề hôm nay không phải là tao mà là mày. Con bài đã ném xuống chiếu rồi: đó là Thục Dung.

Tôi trở lại lúng túng. Tình cảm giữa tôi và Thục Dung chưa thật minh bạch để tôi có thể dùng một từ ngữ mà mệnh danh, mà chỉ định nó. Thật là một tình trạng lưỡng lự khó chịu. Tôi và Thục Dung quen nhau đã hơn hai năm r ồi. Chúng tôi có cảm tình với nhau, điều đó tôi không phủ nhận, nhưng cảm tình cứ chạy song song với đường chân trời. Tùy hoàn cảnh và tâm trạng mà có khi lên khi xuống, nhưng vẫn không thoát khỏi cái vị thế song song. Thục Dung là con của Luật s ư Chấn. Nàng đang h ọc năm thứ ba dược khoa. Sắc đẹp, gia thế và ngành học như cùng a tòng nhau để tạo nàng thành người sung sướng. Trong cái xã hội khắc khoải b ất ổn hôm nay, hầu hết thanh niên nam cũng như nữ đều không biết tương lai sẽ dành phần gì cho mình. Đi học, đi thi, chỉ là làm những bổ n phận. Không ai tin chắc vào những quyền lợi mà mình sẽ hưởng. Đậu xong tú tài, nếu đậu luôn vào các ngành chuyên môn như y khoa, dược khoa, kiến trúc, trườ ng kỹ sư… thì coi như có thể nắm chắc tương lai. Còn nếu phải học các phân khoa tự do khác như văn khoa, luật khoa, khoa học… thì tha hồ mà phiêu lưu, nếu không phiêu lưu khi học, khi thi, thì cũng sẽ phiêu lưu khi nắm đủ các chứng chỉ trong tay. Xã hội lãng đãng, xã hội bềnh bồng và con người như loài rong thạch.

– Nếu tao học giỏi như mày, có tương lai hứa hẹn như mày và có người yêu xinh đẹp như Thục Dung thì tao coi như mãn nguyện.

– Hồi đó thì anh sẽ có thêm nhiều nguyện khác. Hạnh phúc ở đời không giống như những hợp chất, kết hợp bởi đơn chất nhất định.

– Không được, không thể đem cái này ví với cái kia được.

Thiết vừa nói vừa xăn tay áo. Nét mặt giận dữ rõ ràng. Tôi cảm động nhìn anh. Vấn đề ở đây là tình yêu của tôi mà anh thiết tha đến nó không kém thua đối với hạnh phúc của anh. Anh hầm hầm đi lại gần tôi.

– Mày có tật đam mê. Hễ không chơi thì thôi, chơi vào là mê. Không giống như tao. Tao thấy bữa tối trướ c mày cứ nhìn chòng chọc vào con bồ của thằng Trung tá Kỷ. Coi chừng, đừng đụng vào tụi nó mà mang họa có ngày. Tao biết nhiều trường hợp vì giành gái mà thằng lớn hất chân thằng nhỏ, đày đọa thằng nhỏ, cho đi nằm đồn ở hỏa tuyến, ở biên giới. Mày thì khỏi ở cảnh đó, khỏi phải sợ ai, tao biết. Nhưng mà tao thấy không ổn đâu. Thôi, dẹp bỏ đi. Mày có Thục Dung của mày. Nếu mày mà…

Có tiếng gọi ngoài cửa sổ:

– Khải ơi! Có bận gì trong đó không?

Tiếng của chị Trâm. Chị Trâm là láng giềng của tôi ở căn nhà bên tay trái. Tôi vội vã nói:

– Không có bận gì hết. Mời chị vô chơi.

Thiết lật đật xổ tay áo, lúng túng cài lại nút măng sết. Vội vã hấp tấp, tôi thấy anh loay hoay tra tới trật lui. Anh ngồi lại ngay ngắn.

Tôi đi lại đứng nơi cửa ra vào. Chị Trâm tươi cười bước vào, tay cầm một cái hộp nhỏ:

– Hồi mười giờ có người đến tìm Khải, nhưng lúc đó Khải đi vắng. Người ấy trao hộp này nhờ tôi đưa lại dùm.

Tôi mỉm cười:

– Hy vọng đó là một người đàn bà…

Chị lắc đầu:

– Hãy thất vọng ngay đi? Vì đó là một người đàn ông.

– Chẳng sao. Đợi mở hộp ra sẽ biết. Bây giờ mời chị vào đã.

Tôi cầm lấy cái hộp ngoài bao giấy hoa và có thắt nơ bằng lụa vàng. Khi tôi bước lui thì chị Trâm nhìn anh Thiết. Anh lúng túng đứng dậy.

——————-

Chú thích: 1 Boom, Bal de famille, Party: Liên hoan, dạ hội

Nguồn: http://book.vuilen.com/book_view.php?bookid=1873

Comments are closed.