Văn học miền Nam 54-75 (493): Chu Tử (kỳ 7)

Sống

Chương 5

Huyền đang biên mấy bài tính cộng, trừ, cho bé Trúc làm, thì người vú già mở cửa phòng, nói với nàng:
– Ông cháu dặn lúc nào cô dạy học xong, thì mời cô sang phòng khách, ông chủ muốn nói chuyện.
– Được! Lát nữa tôi sẽ sang!

Đã gần một nửa tháng nay, Huyền trở lại dạy học ở nhà Kha. Nửa tháng sống trong một trạng thái bất thường, bứt rứt, Huyền ngong ngóng đợi Văn mang tiền xuống cho mượn để trả lại Kha, nhưng không thấy Văn xuống, mà Văn cũng không trả lời ra sao. Huyền đoán Văn chưa chạy ra tiền, nên không cho tin tức. Thái độ của Kha cũng ra vẻ câm nín, bí mật. Mỗi lần đến nhà Kha dạy học, chạm trán Kha, Huyền cúi đầu chào, thì Kha cũng gật đầu hoặc hỏi một câu xã giao: “Cô lên dạy các cháu”. Mãi hôm nay, Kha mới cho mời nàng sang phòng khách. Linh tính báo cho Huyền biết thế nào cũng sẽ “có chuyện” lành hay dữ, nên Huyền thấy xôn xao, nửa muốn chấm dứt ngay buổi học để sang gặp Kha xem có chuyện gì, nửa muốn kéo dài giờ học để khỏi phải đối diện với Kha. Nhưng mười phút học cuối cùng cũng đã chậm chạp trôi qua. Huyền vừa xếp sách vở, vừa nhìn trộm hình bóng mình trong tấm gương lớn treo trên tường; bộ mặt tái và bơ phờ của mình, làm Huyền tự nhủ: “Việc gì mà sợ! Hắn làm gì nổi mình”. Huyền nghĩ vậy, nhưng vẫn nghe rõ từng tiếng đập mạnh của trái tim mình. Trong thoáng giây, Huyền nghĩ ra một kế, bèn nói với Trúc:
– Trúc ở lại với chị. Còn Việt, Cúc thì ra “piscine” tắm cho mát.
Kha có ba đứa con: Việt 11 tuổi, Cúc tám tuổi là gái. Và Trúc sáu tuổi là đứa con trai duy nhất, nên được Kha “cưng” hơn cả. Huyền cũng yêu Trúc vì Trúc ngộ nghĩnh. Huyền vừa nảy ý định sẽ dẫn Trúc sang phòng khách gặp Kha. Có Trúc, Huyền sẽ đỡ sợ khi phải đương đầu với Kha. Trúc sẽ là cái vạch liên lạc làm dịu bớt tình hình, nếu có chuyện gì xảy ra…
Huyền vuốt qua mái tóc đã lâu ngày không uốn lại, xoa hai tay vào má cho máu trở lại, rồi cầm tay Trúc, thủng thẳng bước sang phòng khách, bộ điệu cô’làm ra vẻ tự nhiên, dung dị. Vừa mở cửa, Huyền đã thấy Kha đang trầm ngâm ngồi đợi trên đi-văng, trên đầu chit mái cái “băng” trắng vắt ngang từ tai tới giữa trán. Thấy Huyền dắt tay Trúc, Kha hơi chau mày tỏ vẻ khó chịu, nhưng chàng vẫn ngọt ngào nói với con:
– Trúc ra chơi với các chị, để Ba nói chuyện với cô giáo!
Trúc rời tay Huyền, ngoan ngoãn đi ra. Mất Trúc, Huyền như mất cái khí giới bảo vệ cuối cùng. Nàng nhìn Kha, chưa biết nói gì, thì Kha lên tiếng:
– Mời cô ngồi! Hôm nay tôi cần nói với cô nhiều chuyện.
Huyền im lặng ngồi xuống ghế. Cái ghế rộng mênh mông khiến Huyền càng cảm thấy mình nhỏ bé quá đối với cái ghế, đối với gian phòng rộng rãi, cực kỳ sang trọng. Huyền lấm lét nhìn cái “băng” quấn trên trán Kha, nàng định hỏi thăm Kha tại sao đeo “băng”, nhưng không hiểu sao, nàng không dám hỏi, có cảm tưởng mơ hồ là câu chuyện Kha sắp nói sẽ dính líu xa gần tới cái “băng”.
Kha dụi tắt điếu thuốc lá đang cháy, nhìn thẳng vào mặt Huyền:
– Chắc cô biết chuyện xảy ra?
Huyền ngơ ngác:
– Chuyện gì cơ ạ?
Bộ mặt ngơ ngác của Huyền khiến Kha hiểu Huyền không nói dối và thực tình Huyền không biết gì, nên Kha dịu giọng nói tiếp:
– Hôm qua tôi bị Hổ đón đường gây sự, hành hung bị thương!
– Hổ nào cơ ạ?
– Hổ đàn em hay bạn của ông Văn, anh cô, cô không biết sao?
– Dạ, các bạn bè của anh tôi nhiều lắm, tôi biết hết sao được!
– Thế cô không biết chuyện Hổ bị bắt, mới được con mẹ Phi Yến nhờ lão Phú Sơn can thiệp cho ra? Cô biết bà Phi Yến không?
Huyền lắc đầu. Nàng đi từ kinh ngạc này tới kinh ngạc khác, mỗi lần Kha hỏi nàng về Lượng, về thuốc phiện, về Tuyết v.v… Huyền lắc đầu, kêu không biết. Kha tỏ ý bằng lòng:
– Cô không biết là tốt hơn hết. Bây giờ thì tôi hỏi thực cô. Cô đứng về phe nào?
Giọng nói hách dịch của Kha làm cho Huyền khó chịu. Huyền vốn nhút nhát, nhưng người nhát thường có những phản ứng táo bạo:
– Thưa ông, tôi không hiểu ông định hỏi cái gì. Tôi có biết gì đâu, có phe đảng nào đâu?
– Cô cũng thừa thông minh để hiểu đó là phe Văn và phe tôi. Nếu cô binh vực anh cô, thì chắc cô không thể hợp tác với tôi; nếu cô hợp tác với tôi, thì dĩ nhiên cô không thể nghe lời anh cô. Cô nên chọn là hơn.
Huyền thản nhiên trả lời:
– Thưa ông, tôi thiển nghĩ, tôi chả có gì mà chọn cả. Chỉ có một việc đáng tiếc xảy ra hồi nọ, tôi đã trót lỡ miệng, nói cho anh tôi biết, thì tôi đã xin ông bỏ qua. Tôi tưởng câu chuyện nhỏ nhặt có gì đáng quan tâm khiến các ông phải tính chuyên ăn thua, trả thù nhau cho thêm rắc rối. Riêng tôi, tôi sở dĩ phải lên đây dạy học, là vì mẹ tôi đã chót mượn tiền của ông, nếu không có món tiền đó thì tôi đã không có mặt ở đây. Vậy tôi có liên can gì tới mà ông bắt tôi chọn! Nếu tôi được có quyền chọn, thì tôi đã ở nhà, không lên đây!
Kha cười gằn:
– Câu chuyện không nhỏ nhặt như cô tưởng đâu. Trong đời tôi, tôi thú thực với cô, chưa ai có thể bôi lọ tôi được, chưa ai có thể hành hung tôi được.
Rồi nhìn thẳng vào mắt Huyền, cũng giương to đôi mắt chống đỡ cái nhìn như xoắn của Kha, Kha nói tiếp:
– Tôi cũng nói rõ cho cô hiểu, chưa có một người đàn bà nào dám cưỡng lại ý muốn của tôi, chưa có người đàn bà nào dám cự tuyệt tôi, rồi lại đi phanh phui với người khác như cô đã làm. Cho nên tôi nói trước để cô biết là dù muốn dù không, cô cũng phải thuộc về tôi, phải lạy van mà yêu tôi như bao nhiêu con mẹ quí phái, sang trọng, bao nhiêu cô con gái tân đẹp đã phải quỳ mà lạy van tôi…
Kha vừa nói vừa rờ lên cái băng, hình như càng nghĩ tới vết thương trên trán, Kha càng không tiếc lời sỉ vả Huyền, để trút bao nhiêu uất ức lên đầu Huyền…
Những lời mắng nhiếc đột ngột của Kha làm Huyền lặng đi. Lòng tự ái bị chà đạp làm cho Huyền hết sợ Kha, và nàng nhìn Kha thách thức:
– Ông tưởng bất cứ người đàn bà nào cũng phải yêu ông, nếu ông muốn hay sao?
– Đúng thế!
– Ông hợm hĩnh quá!
– Không biết tôi có hợm hĩnh không, nhưng sự thực là thế. Tôi chưa thấy người đàn bà naò có thể đi ngược lại ý thích tôi, trừ cô…
– Trừ có tôi!
– Chưa chắc ô ạ! Cô cũng sẽ phải làm theo ý thích của tôi dù muốn hay không muốn.
Huyền thấy máu nóng bốc lên mặt bừng bừng. Tuy nhiên, nàng vẫn cố gắng cười nhạt:
– Ông nói dễ quá! Không phải ai, ông cũng mua chuộc được đâu!
Kha nhếch mép:
– Rồi cô sẽ thấy tôi nói đúng. Cô còn ít tuổi, ít kinh nghiệm cuộc đời, cô chưa hiểu khi người ta có tiền, có thế lực, thì không có gì mà người ta không làm nổi. Huống chi là mua cái tiết trinh của người đàn bà thời nay…
Cho rằng trêu tức Huyền như vậy cũng chưa đủ, Kha nhìn Huyền chăm chú, rồi nói tiếp:
– À! Độ này cô có thường gặp cậu Thịnh không?
Huyền sửng sốt:
– Thịnh nào?
– Cậu Thịnh, bạn học với cô, cái người đợi đón trước cửa nhà Thảo hôm cô đi dự đám cưới đó!
– Làm sao ông biết được tên của Thịnh?
Kha cười:
– Tôi biết lắm chứ! Tôi còn biết nhiều hơn nữa! Chẳng hạn tôi biết Thịnh hiện nay hoạt động những gì, có liên lạc với ai. Cô có biết cái bút máy Parker mà cậu ta tặng cho cô là do tiền ở đâu ra không? Có nhẽ cô không biết, nhưng tôi biết…
Kha vẫn nhìn Huyền. Huyền thiếu sự từng trải, không biết giấu giếm mọi xúc động, khiến Kha như đọc rõ đôi mắt mở to của Huyền tất cả sự ngạc nhiên, hoảng hốt. Mà Huyền ngạc nhiên thực! Huyền không thể ngờ Kha có thể biết từng chi tiết, từng cử chỉ, hành động của những người Huyền quen biết, mà lại biết hơn cả nàng. Huyền có cảm giác Kha đã bổ lưới vây tứ phía, nàng trốn ngả nào cũng không thoát khỏi bàn tay Kha. Và Huyền thấy sợ; gian phòng có máy điều hòa không khí mà Huyền vẫn toát mồ hôi, thấm ướt cả lưng. Sự kinh ngạc làm nàng im bặt, chưa biết nói gì, trong khi Kha vẫn nhìn nàng như con mèo thôi miên con chuột, mỉa mai nói tiếp:
– Kể ra mới bằng ấy tuổi mà Thịnh đã biết khủng bố, tống tiền để mua đồ tặng gái, cũng là giỏi lắm, đáng khen lắm. Tôi hỏi thực… những số tiền Thịnh kiếm được, Thịnh có gửi cô hoặc ông Văn không?
Huyền tái mặt:
– Ông định nói gì?
– Tôi nghĩ Thịnh yêu cô thì chắc mọi việc đều bàn luận với cô hay ông Văn, nhất là về tiền bạc, hắn để đâu thì ắt cô phải biết. Tôi nói vậy là để khuyên cô nên đề phòng… Thịnh sẽ bị bắt… Văn sẽ bị bắt… Cô cũng sẽ bị liên lụy nếu… Tôi muốn.
Huyền run run, tay phải vịn vào thành ghế để cố giữ bình tĩnh. Nàng chỉ thốt ra được một câu:
– Ông thật dã man!
Rồi nước mắt nàng trào ra. Nàng không còn đủ sức chống trả Kha. Nàng để mặc cho nước mắt chảy trên má và khi miệng Huyền nếm cái vị mằn mặn của nước mắt mình, thì Huyền mới thấy ngượng vì tự giận mình quá ủy mị, sợ sệt trước mặt Kha. Nàng vội lấy khăn tay lau nước mắt, mở to đôi mắt lúc này đã ráo hoảnh để trừng trừng nhìn Kha. Kha tưởng Huyền vẫn còn khóc, tiến lại sát bên Huyền, xoa lên mái tóc Huyền, nói như dỗ trẻ con:
– Thôi nín đi! Mới có thế mà khóc thút thít! Tội nghiệp!
Huyền đứng phắt dậy. Gương mặt Huyền dữ tợn đến mực Kha cũng phát hoảng. Huyền vẫn trừng trừng nhìn Kha, và giữa lúc bất ngờ nhất, Huyền không suy nghĩ gì, tát luôn hai ba cái tát vào mặt Kha.
Kha đứng yên để cho Huyền tát, không ngạc nhiên mà cũng không tức giận, hình như coi đó là phản ứng tự nhiên của một đứa bé, không đáng chấp. Thái độ thụ động bất để kháng của Kha, trước cái tát của Huyền, càng làm cho Huyền cảm thấy mình không phải là đối thủ của Kha. Nàng tát đến cái thứ ba mà Kha vẫn trơ trơ thì Huyền thấy rời rạc cả chân tay, không đủ sức tiếp tục nữa. Nàng buông mình, rơi xuống ghế và nước mắt nàng lại trào ra. Nàng gục mặt khóc rưng rức, trong khi Kha cất tiếng cười, như chửi vào mặt nàng:
– Tát được cũng khóc, không tát được cũng khóc. Thôi cô liệu mà lau nước mắt, về suy nghĩ cho kỹ, rồi đến đây mà phục tòng theo sở thích của tôi, nếu cô còn ham đời, ham sống… Lau nước mắt đi, kẻo tôi gọi thằng Trúc nó vào bây giờ, thì thật đẹp cho “cô giáo”.
Nghe Kha dọa Trúc vào, Huyền đứng phắt dậy. Nàng không dám nhìn vào gương để nhìn xem bộ mặt mình ra sao. Huyền không nói không rằng, mở cửa phòng khách, đi thẳng ra sân, giữa lúc một cái xe Citroen từ phía cổng chạy vào, đậu sát bên Huyền, và một thanh niên ở trên xe bước xuống. Đó là Hải, em ruột của Kha, một sinh viên y khoa. Tuy thuộc gia đình tỷ phú, Hải vẫn giữ được phong độ bình dân, giản dị của một thanh niên. Hải không giống phần đông thanh niên thời đại, ở điểm Hải ít nói và hay suy nghĩ.
… Từ hôm lên dạy học ở nhà Kha, thỉnh thoảng Huyền cũng gặp Hải. Huyền không biết Hải có cảm tình với mình hay không; vì mỗi lần gặp Huyền, Hải bao giờ cũng lịch sự, đàng hoàng, trao đổi mấy câu xã giao lấy lệ, chưa bao giờ hai người chuyện trò thân mật. Nhưng lần này, thấy gương mặt Huyền phờ phạc và dáng đi thất thiểu, Hải săn đón hỏi Huyền:
– Kìa cô Huyền, cô làm sao vậy?
Huyền ngượng nghịu, vuốt lại mái tóc:
– Có làm sao đâu anh!
Rồi một ý nghĩ vừa loé trong đầu óc, Huyền vội hỏi luôn:
– Anh có bận gì không? Anh có thể đưa tôi về được không?
– Được lắm chứ! Tôi sẵn sàng…
Hải tự hỏi không hiểu sao hôm nay Huyền có vẻ baọ dạn, trái với thường nhật, Huyền vẫn là một thiếu nữ e lệ, ít dám nói chuyện với đàn ông. Hải mở cửa xe, Huyền điềm nhiên bước lên ngồi bên cạnh Hải, Hải mở máy cho xe chạy, giữa lúc phòng khách sịch mở. Kha đứng nhìn ra, đôi lông mày hơi cau lại, khi thấy Huyền ngồi bên cạnh Hải. Huyền nhìn về phía Kha, trên môi nở một nụ cười ngạo nghễ, thách thức: Thì ra bao giờ cũng như bao giờ, người đàn bà rút cuộc cũng phải dùng đến cái khí giới của phái “yếu” là sắc đẹp của mình. Ở phòng khách nhà Kha bước ra, Huyền mang tâm trạng kẻ chiến bại, chưa biết chống trả cách nào đối với một đối phương mạnh và giảo quyệt gấp mình một trăm lần. Nhưng vừa gặp Hải, Huyền linh cảm ngay rằng cần phải lôi Hải về phía đồng minh với mình thì mới đủ sức chống lại Kha. Tại sao lôi người em ruột của Kha về làm đồng minh, và lôi bằng cách nào? Những câu hỏi trên mơ hồ lởn vởn trong đầu óc Huyền, Huyền không trả lời dứt khoát được.
– Nhà cô Huyền ở đường nào nhỉ?
Câu hỏi của Hải làm Huyền hơi cuống. Sự thực, nàng không muốn Hải biết nhà mình. Nàng cũng không có ý nhờ Hải đưa về, như Huyền đã nói với Hải. Sự thực, nàng chỉ mong ngồi lên xe của Hải, em ruột của Kha, ngay trước cửa nhà Kha để… trả thù Kha. Còn đi về nhà, hay đi đâu, thực tình nàng cũng chưa nghĩ tới, nên Huyền ấp úng trả lời Hải:
– Đường nào cũng được…
Hải phì cười:
– Sao lại đường nào cũng được!
Huyền đâm bẽn lẽn và nàng thu hết can đảm nói với Hải:
– Sự thực tôi cần nói với anh một vài điều nên mới ngồi nhờ xe anh. Chứ còn đưa về nhà, thì tôi khỏi phải phiền anh.
Hải tò mò đưa mắt thoáng nhìn gương mặt Huyền:
– Chuyện gì đó cô? Lúc nãy vừa gặp cô, tôi đã đoán là “có chuyện”.
– Anh có thể đoán được chuyện gì không?
– Tôi không phải thầy bói, nhưng cũng đại khái có thể đoán được: chắc là chuyện với anh Kha tôi.
– Sao anh biết?
– Tôi có biết gì đâu! Nhưng nhìn bộ điệu cô và anh Kha vừa rồi, tôi chỉ đoán là “có chuyện”. Vậy chuyện gì đó cô?
Huyền lưỡng lự một lúc, chưa biết trả lời thế nào. Sau cùng, nàng đành kể tất cả mọi sự xảy ra cho Hải nghe. Chỉ có một điều nàng giấu là sự liên lạc của mình với Thịnh. Huyền vẫn đinh ninh cho rằng Thịnh không phải người yêu của mình, thế mà không hiểu sao, Huyền lại cố tránh không muốn kể cho Hải biết. Hải vẫn yên lặng lái xe, làm ra vẻ chăm chú nhìn xuống đường… Nhưng khi Huyền kể đến đoạn Huyền tát Kha, thì Hải biến sắc:
– Chết chửa! Cô tát anh Kha thì nguy quá! Sao cô liều thế?
– Tôi cũng không hiểu sao tôi lại táo gan đến thế. Nhưng đã chót rồi, làm thế nào bây giờ hở anh?
Hải im lặng, nét mặt đăm chiêu. Một lúc lâu, Hải mới nói:
– Tôi biết tính anh Kha tôi! Tôi không bênh vực anh ấy đâu, nhưng chưa chắc anh ấy đã xấu như cô tưởng. Anh ấy lạ lắm!
Huyền bướng bỉnh:
– Không xấu mà lại tìm cách lợi dụng một người con gái vì nghèo phải đến nhà mình dạy học?
Hải thong thả cắt nghĩa:
– Có nhẽ chỉ vì tất cả những người đàn bà đến với anh ấy, đều sẵn sàng cho anh ấy lợi dụng; nên anh ấy đinh ninh là với tiền và thế lực, anh muốn gì cũng được… Âu cũng là bài học cho anh tôi… Bây giờ thì cô tính sao?
– Tôi chưa biết tính sao nên cầu cứu anh.
Hải tuy là một sinh viên, nhưng đầu óc già dặn, và tình cảm chín chắn. Đối với Huyền, ngay từ khi mới gặp, Hải đã thấy nảy nở trong lòng một tình cảm đặc biệt vì Huyền có sức quyến rũ của một thiếu nữ lành mạnh và không khô khan, lương thiện mà vẫn uyển chuyển, phức tạp, đầy mâu thuẫn. Hải không hấp tấp, mặc cho tình cảm của mình biến chuyển, chờ đợi thời gian sẽ nhuộm cho tình cảm đó màu sắc của tình yêu, tình bạn, hay tình anh em, v.v.
Chàng không vồ vập, cẩn thận thăm dò mực độ của tình cảm mình, và sung sướng nhận thấy mỗi ngày hình ảnh cô thiếu nữ nghèo, vừa hiền lành, vừa bướng bỉnh, vừa e lệ, vừa táo bạo, lại càng sâu đậm trong tâm hồn mình. Hải quen rất nhiều, từ cô thiếu nữ sang trọng, đỏng đảnh, cao kỳ, đến cô vũ nữ khêu gợi, nhiều mưu mẹo làm tiền, nhiều mánh khóe vặt. Nhưng so với họ, tâm hồn hồn nhiên, nhiều phản ứng của Huyền vẫn có cái độc đáo, hương vị đặc biệt, khiên Hải ngây ngất. Nghe Huyền kể chuyện Huyền tát Kha, Hải không khỏi áy náy, nhưng đồng thời, Hải cũng cảm thấy mình ràng buộc thêm, có cảm tình thêm đối với cô bé đã ngang nhiên dám tát một người mà không biết bao nhiêu đàn bà chỉ mong quỳ dâng tình yêu.
Đến ngã tư đèn đỏ, xe dừng, Hải quay lại, tò mò nhìn Huyền rất lâu, khiến Huyền e lệ ngó đi nơi khác.
– Thế lúc đó hành hung anh Kha, thái độ của anh ấy ra sao?
– Ông ấy chẳng tức giận gì, khiến tôi càng như lửa cháy chế thêm dầu…
– Ô kìa! Cô tát người ta, người ta không giận, thế thì cô còn tức cái gì?
– Vì người ta coi mình là trẻ con không thèm chấp!
– Cô là trẻ con đứt đuôi rồi! Người lớn gì mà vừa hành hung vừa khóc!
Huyền cười. Hải nhìn Huyền âu yếm:
– Đi đâu bây giờ? Cô vẫn chưa cho tôi biết nhà cô ở đâu để tôi đưa về?
Nghe Hải hỏi, Huyền xịu nét mặt, trả lời:
– Anh cho tôi xuống ngay đây cũng được!
Hải đảo mắt nhìn gương mặt phụng phịu một cách vô lý của Huyền, dịu dàng hỏi:
– Thế cô không muốn cho tôi biết nhà cô, không bằng lòng để tôi lại thăm cô?
Huyền đáp rất sẵng:
– Không!
Hải vân ôn tồn:
– Tại sao thế Huyền? Tôi hiểu những ý nghĩ của Huyền lắm. Nhưng nghèo đâu phải là một tội. Nghèo thì có gì xấu?
Nghe Hải đổi cách xưng hô, từ “cô” sang cách gọi bằng tên tục, Huyền vừa khó chịu, vừa sung sướng. Có nhẽ vì thấy lòng mình xao xuyến, nên Huyền trả lời Hải như khiêu khích:
– Anh giàu nên anh nói vậy! Chứ nghèo bao giờ cũng là một cái tội. Nghèo bao giờ cũng xấu! Tôi tin rằng nếu anh xuống chơi nhà tôi, anh nhìn thấy gia cảnh nhà tôi, anh sẽ…
Huyền chưa biết nói tiếp thế nào. Chả nhẽ lại nói rằng “anh sẽ hết yêu tôi”, vì sự thực, hai người chưa là ngỏ tình yêu với nhau!
– Thì “tôi sẽ làm sao”?
Huyền bực bội:
– Chả làm sao cả! Nhưng tôi không muốn anh biết nhà tôi! Người nghèo không nên giao thiệp với người giàu, anh có thấy thế không?
Hải vẫn ôn tồn:
– Cô Huyền nghĩ sai lệch hết cả. Huyền tưởng những người giàu thì sung sướng lắm sao! Họ khổ hơn Huyền nhiều.
Huyền lắc đầu:
– Anh là người giàu, anh không bao giờ hiểu nổi cái khổ, cái cực của kẻ nghèo… Một người con gái nghèo mới lại càng cực, càng nhục!
Hải cũng lắc đầu:
– Vậy thì cô là người nghèo, cô làm sao hiểu nổi cái khổ của kẻ giàu. Tất cả những người giàu đều là những kẻ bị Chúa đày đọa, đày đọa trong cô đơn… Số kiếp của kẻ giàu sang là không ai thực lòng với họ cả…
Huyền ngước mắt nhìn Hải như dò xét, Huyền tự hỏi không hiểu Hải có ý định ám chỉ nàng không, khi Hải than phiền không ai thực lòng với người giàu.
Huyền im lặng một lát, rồi mới chậm rãi nói:
– Ai sống ở đời mà chả cô đơn. Mà có ai hiểu ai? Nhưng tôi nghĩ: nếu tôi thực lòng với ai, thì sẽ được người ta thực lòng với mình. Thực hay không là tùy ở mình cả.
Hải lắc đầu:
– Cô chưa hiểu điều tôi muốn nói. Người giàu dù có thực lòng cũng không ai thực lòng với họ. Đồng tiền đã ngăn cách họ với tất cả mọi người. Ngay cả giữa những người máu mủ, ruột thịt, đồng tiền cũng tiêu hủy hết mọi tình cảm chân thực…
– Anh bi quan quá!
Hải lắc đầu:
– Cô không sống trong một gia đình giàu sang, nên chưa hiểu biết những thảm cảnh do đồng tiền gây ra. Cô có muốn biết, để từ nay hết ao ước trở nên giàu sang, tôi sẽ kể cô nghe chỉ một phần mười sự thực thôi, cũng đủ khiến cô lợm giọng…
Rồi Hải đem chuyện gia đình mình kể cho Huyền nghe. Cha Hải là một ông già đã 68 tuổi. Tuy gần miệng lỗ, ông có tới năm cô nhân tình thuộc đủ các loại, các tuổi: từ bà bé đã có con cái với ông, đến người thiếu phụ góa, cô thiếu nữ đang xuân, v.v. Bị gái xúi giục thi nhau vòi tiền, vòi cấp vốn, ông già thường gây chuyện với Kha về tiền bạc và kiện Kha ra tòa án, vì ông tuyên bố đã gửi Kha 40 triệu, hùn vào công ty với Kha. Ông đòi Kha phải hoàn lại cho ông 100 triệu vì trong thời gian năm năm, Kha đã nhờ số tiền của ông mà triệu phú trở thành tỷ phú. Kha thì cãi rằng chỉ nhận của ông già có bốn triệu, và con số bốn triệu, và số bốn triệu đó, Kha đã trả hết cho cha rồi.
Đã có lần ông già của Kha bị đầu độc. Người ta không biết là ai là phủ phạm! Bà lớn, bà bé, cô nhân tình, hay là Kha? Riêng ông già của Kha thì cố đổ riệt cho Kha chủ mưu vụ đầu độc để thủ tiêu ông, ngõ hầu khỏi phải thanh toán số tiền ông già đã gửi. Việc đưa tới pháp đình, Hải cũng phải ra Tòa làm nhân chứng…
Hải kể lại cái cảm tưởng nhục nhã của mình khi phải đứng giữa một người cha, một người anh, bên cạnh hai người luật sư nguyên và bị, đều là những người quen biết trong gia đình Hải, dưới bộ mặt vờ nghiêm nghị của mấy ông “quan tòa” vẫn lui tới nhà Kha, “vay” khéo tiền của cả ông già lẫn Kha, rồi Hải kết luận:
– Anh Kha đâu có phải người xấu. Nhưng từ khi anh càng trở nên giàu thì càng mất dần những tình cảm phúc hậu của con người. Ngày nào, anh cũng phải đề phòng, phải đối phó, phải mưu mô, thủ đoạn với người xung quanh chỉ đến với dụng ý bóc lột, lợi dụng. Ba tôi cũng vậy, nếu Ba tôi không tiền thì Ba tôi đâu có như bây giờ. Tiền còn ghê tởm hơn bệnh dịch hạch… Cô nghe tôi nói, cô đã hết ao ước giàu sang chưa?…
Tuy xúc động, Huyền vẫn cãi bướng:
– Tôi vẫn ao ước giàu như thường anh ạ! Vì cái sa đọa của sự giàu vẫn chưa thấm vào đâu với cái “thảm” của sự nghèo. Tôi biết một chị làm vũ nữ, bước đầu tiên của chị trên con đường trụy lạc chỉ là để kiếm một trăm đồng mua thuốc cho bà mẹ sắp chết. Tôi tưởng như thế cũng thảm hơn cả những chuyện tranh chấp mà anh vừa nói. Tôi vẫn ao ước giàu như thường…
Hải không trả lời. Chàng vừa lái xe, vừa chăm chú nhìn Huyền, khiến Huyền bối rối. Nàng táy máy bấm cái nút khuy máy radio, và giọng hát quen thuộc của một nữ ca sĩ văng vẳng đưa ra, gây cho Huyền cái ảo tưởng yên tâm là không phải chỉ có một mình nàng và Hải trong xe.
… Trời đột nhiên tối sầm đổ mưa. Những hạt mưa nặng nề, lộp độp đập xuống mui xe. Hải, một tay giữ tay lái, một tay lên cửa kính xe, nói với Huyền:
– Cô lên giùm tôi cái cửa kính phía cô ngồi!
– Cứ để cho mát anh ạ!
– Mưa hắt vào xe ướt hết!
Mưa ào ào đổ, tạt vào mặt Huyền, ướt cả đệm xe. Thấy Hải sắp sửa quàng tay ra sau lưng mình để lên cửa kính, Huyền vội vàng nói:
– Anh để yên, tôi lên cho.
Và nàng tần ngần vặn cái “tay nắm”, từ từ nhìn cái mặt kính dâng lên, ngăn cách nàng và Hải với thế giới bên ngoài…
Khi cái cửa kính đã lên hết, Huyền thấy rờn rợn nhìn cái que lau mặt kính rờn rập, hấp tấp đi đi, lại lại trước mắt Hải. Huyền có cảm tưởng như trái tim mình cũng đang rồn rập, kêu cứu, Huyền bắt đầu hối hận tại sao mình lại táo bạo, ngồi lên xe một mình với Hải. Huyền sực nhớ tối hôm dự tiệc ở nhà Thảo, Thịnh đưa nàng về, Thịnh đã cầm tay nàng và suýt hôn nàng, Huyền đưa mắt nhìn trộm Hải…
Mưa mỗi lúc một lớn! Không hiểu vì không khí trong xe ngột ngại hay vì Huyền xúc động, Huyền thấy khó thở, mặt nóng bừng, nàng nói với Hải:
– Ngột ngạt quá! Tôi xuống cửa kính anh nhé!
– Cô bảo sao? Tiếng mưa át hết cả. Tôi chẳng nghe thấy gì!
Huyền cố gắng nói to hơn:
– Tôi xuống cửa kính cho dễ thở, được không anh?
– Ấy chết! Mưa như trút thế này, cô điên hay sao mà lại hạ kính?…
Hải ngừng một lát, rồi tiếp:
– Tôi chả thấy gì là ngột ngạt cả… Ước gì cứ mưa mãi, mỗi lúc một lớn, mưa vô cùng tận…
Huyền xịu nét mặt. Nàng không biết những lời Hải nói là thành thực hay chỉ là những lời “sáo” của một thanh niên tán gái, nhưng dù sao, nàng cũng không muốn để cho lòng mình ngả theo cái đà tình cảm của Hải, nên nàng mỉa mai trả lời:
– Anh mơ mộng quá! Anh có biết trong lúc mưa to, gió lớn này, tôi đang nghĩ tới cái gì không?
– Tôi làm sao biết được những ý nghĩ của cô! Riêng tôi, trong lúc này, tôi nghĩ rằng hạnh phúc ở đời là điều rất dễ mà cũng rất khó…
– Tôi thì lúc này đang nghĩ đến quang cảnh ở nhà tôi, mưa dột lung tung, các em tôi phải đi lấy chậu, lấy thùng, kê khắp nhà để hứng nước dột, bếp thì tắt ngấm, không sao nhóm lửa được. Anh là người giàu, anh làm sao đoán được những ý nghĩ của người nghèo mỗi khi mưa!
Hải lắc đầu, giọng hơi bực tức!
– Huyền luôn luôn bị cái mặc cảm của người nghèo ám ảnh. Cái nghèo của Huyền, cái giàu của tôi, có ăn nhập gì với câu chuyện của chúng ta ở đây, mà sao Huyền cũng đem vào để… gây sự với tôi.
Huyền không chịu thua:
– Ô kìa! Chính anh gây sự với tôi thì có! Bởi vì tôi quí trọng anh, nên muốn nói hết cả những ý nghĩ của mình với anh. Chứ tôi đâu dám gây sự với anh. Tôi lạm dụng ngồi lên xe của anh cũng đã là quá rồi. Anh cho tôi xuống đây!
– Huyền điên à! Mưa thế này mà xuống đây để làm gì?
Biết mình vô lý, nhưng đã trót nói rồi, Huyền lại càng nằng nặc đòi xuống:
– Anh cứ cho tôi xuống đây. Tôi trú ở dưới mái hiên một lúc, rồi lát nữa tạnh, sẽ về cũng không sao!
Thấy Huyền ương ngạnh, Hải phải làm lành, năn nỉ xin lỗi, mặc dầu Hải thấy mình không có lỗi gì, rồi Hải dỗ nàng:
– Nếu Huyền ngại ngồi lâu trên xe với tôi không tiện thì tôi đưa Huyền vào tiệm giải khát nào đó, chúng ta uống cái gì, rồi lát nữa Huyền về. Huyền bằng lòng không? Tôi khát quá!
Huyền gật đầu, hơi nhếch mép mỉm cười. Hình như sau cuộc “cãi nhau cho có chuyện”, sự thân mật lại càng thắm thiết, khăng khít hơn, khiến họ không dám nhìn nhau, nhưng đều biết rõ những cảm nghĩ đang rồn rập trong tâm tư mỗi người.
Suốt quãng đường từ bờ sông đến nhà hàng Brodard, hai người yên lặng, không ai nói một lờị…
Huyền vốn ít có dịp tới những chỗ sang trọng, nên khi Hải đẩy cánh cửa nhà hàng Brodard để nhường bước cho Huyền đi trước, Huyền thoáng nhìn thấy đàn ông, đàn bà lố nhố trong tiệm, thì nàng ngập ngừng chưa muốn tiến bước. Thấy Huyền ngần ngừ, Hải để tay lên vai Huyền trong một dáng điệu thúc giục. Huyền không nhìn thấy ai, bước bừa vào, chân vướng cả ghế nhà hàng, khiến nàng suýt ngã, Hải phải cầm lấy tay nàng để dẫn dắt… Huyền rụt tay về, và thấy một ghế bỏ trống gần đó, nàng khoan khoái thở ra, ngồi xuống. Hai người vừa ngồi yên chỗ, người chiêu đãi viên chưa kịp đến hỏi xem họ dùng gì, thì một thiếu nữ ngồi bên bàn gần đấy cùng với một người đàn ông, đã gật đầu mỉm cười chào Hải, nói vọng sang:
– Lâu lắm mới thấy anh Hải. Anh vẫn mạnh?
Hải gượng gạo chào thiếu nữ, ấp úng trả lời:
– Kìa cô Tuyết! Cám ơn cô! Tôi vẫn mạnh!
Huyền ngoảnh cổ lại, nhìn thoáng qua thiếu nữ mà Hải vừa chào, làm vẻ thản nhiên nói với Hải:
– Anh gọi em một ly cam tươi!
Hải biết Huyền khó chịu. Hải lúng túng giải thích với Huyền:
– Cô đó là cô Tuyết, một nữ sinh, cô Huyền có biết không?
Huyền lắc đầu… Hải nói tiếp:
– Còn người đàn ông ngồi cùng bàn với Tuyết, hình như là Lượng. Lượng trong vụ mất thuốc phiện mà cô vừa kể lúc nãy…
Huyền giật mình quay lại nhìn Tuyết và Lượng:
– Sao anh biết đó là ông Lượng?
Hải hạ thấp giọng, để mọi người xung quanh khỏi nghe tiếng:
– Sài Gòn tuy rộng lớn, nhưng người ta biết nhau gần hết đấy cô ạ! Huống hồ ông Lượng cũng là một “tay tổ” trong giới “áp phe” thì làm gì mà chả biết.
Huyền hỏi nhỏ Hải:
– Thế còn cô Tuyết? Cô ta có là “tay tổ” không?
Câu hỏi thẳng thắn của Huyền làm Hải tủm tỉm cười:
– Cô ấy cũng là một “tay tổ” trong giới nữ sinh! Tôi quen vì đã có lần khiêu vũ với cô ta trong một dạ tiệc.
– Khiêu vũ! Cô ấy giỏi quá nhỉ! Có nhiều nữ sinh biết khiêu vũ không hở anh?
– Nhiều lắm chứ! Cô có biết khiêu vũ không?
– Không.
– Thế là hủ lậu lắm! Để rồi lúc nào thư thả, tôi sẽ dạy cô học khiêu vũ…
Huyền lắc đầu:
– Cám ơn anh. Tôi vẫn thích cái “hủ lậu” của tôi hơn.
Hải cười, gật đầu tán thưởng:
– Tôi nói trêu cô cho vui, chứ cô không học khiêu vũ là phải.
Huyền tò mò nhìn Hải:
– Sao vậy? Anh thích khiêu vũ lắm cơ mà!
– Dĩ nhiên là tôi thích khiêu vũ, nhưng tôi không so ao ước được khiêu vũ với Huyền…
Huyền đỏ mặt, Hải vội giải thích:
– Có nhẽ tôi thiếu óc thẩm mỹ, vì tôi vẫn cho khiêu vũ chỉ là một trò chơi, nếu không phải một trò dâm dục được công khai thừa nhận. Cho nên tôi chỉ ưa khiêu vũ với những người mà tôi có ý tưởng lợi dụng, còn đối với những người mà tôi…
Như đoán trước Hải sẽ nói những gì, Huyền vội nói lảng sang chuyện khác:
– Theo lời ông Kha, thì cô Tuyết đã lấy ông Lượng, do anh Văn tôi làm “mai”. Điều đó, có thực không?
– Chắc đúng!
– Anh có thấy là “đẹp đôi” không? Nghe nói Tuyết chỉ đáng tuổi con ông Lượng!
Hải cười, nói thầm vào tai Huyền:
– Nói nhỏ chứ! “Đáng tuổi con” thì có nghĩa lý gì, miễn là người ta yêu nhau. Chả biết họ có yêu nhau không, nhưng xem chừng họ ăn ý với nhau lắm.
– Sao anh biết họ ăn ý?
– Vì tôi thấy họ ăn bánh một cách “ăn ý” lắm.
Huyền ngoảnh cổ lại, thấy Tuyết và Lượng ăn bánh ngon lành! Huyền cười:
– Hạnh phúc là thế, có phải không anh?
– Hạnh phúc giản dị như vậy đấy. Nhưng chẳng hiểu là thứ giả hay thứ thiệt!
Giữa lúc đó, cửa mở, Văn cùng Hổ mặc áo đi mưa lù lù tiến vào. Không để ý đến ai trong phòng, Văn tiến lại phía bàn của Lượng còn hai ghế trống để dành hai người.
Vừa thoáng nhìn thấy Văn, Huyền tái mặt. Huyền biết Văn săn sóc và thương mình hơn ai hết, cho nên Huyền rất sợ làm phật lòng anh. Nàng biết Văn sẽ không khỏi tức bực, kinh ngạc khi thấy Huyền ngồi cùng bàn, giải khát với một thanh niên, mà thanh niên đó lại là em ruột Kha. Nàng sẽ giải thích thế nào với Văn để Văn khỏi nghi ngờ? Huyền còn đương bối rối chưa biết tính sao, thì đã nghe thấy tiếng Tuyết nói liến thoắng sau lưng:
– Thầy cởi áo đi mưa ra! Mưa to quá thầy nhỉ!
Và tiếng Văn nửa đùa nửa thật, trả lời:
– Còn thầy với trò gì nữa! Bây giờ cô đã là bà Lượng thì đáng nhẽ tôi phải gọi bằng “chị”…
Không thể được, Huyền thì thầm nói với Hải:
– Anh Văn, anh ấy vừa lại, ngồi ở bàn ông Lượng. Em phải sang chào ông ấy một tý, kẻo anh ấy mắng chết.
Hải cũng giật mình, hỏi:
– Thế à! Ông Văn lại lúc nào vậy? Liệu ông ấy thấy Huyền ngồi với tôi, ông ấy có khó chịu không?
– Anh ấy ngồi đối diện với anh đó!
Hải nhìn về phía Văn. Trước kia, Văn đã một, hai, lần đến nhà Kha, nên Văn cũng biết Hải và nhận ngay ra Hải. Hải bèn cúi đầu chào. Văn chào lại Hải, nhưng khi Văn thoáng thấy Huyền ngồi bên cạnh Hải, Văn sa sầm nét mặt. Huyền ấp úng nói không thành tiếng: “Anh!”, và chưa bao giờ nàng thấy cái nhìn của Văn nghiêm nghị đến thế. Huyền đứng dậy, đi sang phía bàn Văn. Nàng chào qua mọi người, rồi đứng bên Văn, nói nhỏ:
– Em vừa dạy học ở nhà ông Kha về. Ông Hải ông ấy đánh xe đưa em về!
– Thế à!
– Ông Kha ông ấy vừa cãi nhau với em về chuyện ông Hổ đánh ông ấy bị thương, ông ấy lại làm nhục em khiến em tát ông ấy mấy cái tát!
– Thế à!
Hai tiếng “thế à” buông thõng của Văn, làm Huyền càng thấy lúng túng, ngượng ngập trước mặt Tuyết đang chăm chú nhìn mình. Nếu lúc đó không có ai, ngoài Văn, thì Huyền sẵn sàng giải thích thêm, để Văn khỏi giận; nhưng lòng tự ái của Huyền trước mặt người lạ, làm Huyền không thể nói nhiều với Văn, trong khi Văn vẫn giữ thái độ lạnh nhạt. Nàng bèn nói dỗi:
– Em về, anh nhé.
– Ừ…
Huyền thấy tức anh đến nghẹt thở. Nàng sắp sửa quay về chỗ cũ thì Hổ tinh ý, biết Văn không bằng lòng em, liền nói với Huyền:
– Về làm gì cô Huyền. Cô ngồi xuống đây, chúng tôi hỏi chút việc, rồi hãy về!
Huyền lúng túng chưa biết tính sao. Nàng nhìn Hải như có ý cầu cứu. Biết cái khổ tâm của Huyền không muốn làm buồn lòng anh, Hải đứng dậy đi sang phía bàn Văn, nói với Huyền:
– Cô Huyền ngồi lại đây. Tôi xin phép về trước.
Và không đợi Huyền trả lời, Hải bắt tay ba người đàn ông, bắt tay cả Tuyết, trước con mắt bực rọc của Lượng. Riêng đối với Huyền, Hải không bắt tay và chỉ cúi đầu chào đứng đắn, khiến Huyền thầm cảm ơn thái độ thông minh của Hải.
Hải vừa ra khỏi tiệm, Văn sầm nét mặt, mắng Huyền:
– Chịu cô thật! Dám một mình đi cùng con trai vào tiệm ăn! Cô tưởng đua đòi bắt chước bọn con gái mất dạy thời nay là đẹp lắm sao?
Bị anh mắng, Huyền uất ức không biết trả lời sao, nước mắt chạy vòng quanh. Tuyết thấy Văn chửi bọn “con gái mất dạy thời nay” thì cũng chạnh lòng định bênh vực Huyền nhưng nhìn bộ mặt lừ đừ của Văn, Tuyết biết là không nên trêu Văn vào lúc này. Văn nổi nóng thì dù Tuyết đã trở thành “bà Lượng” chăng nữa, Văn cũng bạt tai như thường, nên Tuyết nhìn trộm Văn, nửa muốn phản đối Văn, nửa sợ Văn phát khùng. Để phá tan cái không khí nặng nề, Hổ lên tiếng hỏi Huyền:
– Vừa rồi, tôi không nghe rõ, hình như cô Huyền nói với anh Văn là cô tát Kha, có phải thế không?
Huyền nhìn Hổ:
– Thưa ông, xin lỗi ông, ông là ông Hổ?
– Hổ là tôi!
Huyền gượng cười:
– Vì ông đánh hắn bị thương nên khi tôi tới dạy học, hắn đổ hết tức giận lên đầu tôi, mắng nhiếc, dọa nạt tôi đủ thứ, làm tôi cũng không nhịn được, nổi nóng tát hắn mấy cái… Trong lúc hốt hoảng, tôi phải nhờ ông Hải đưa về, khiến anh Văn hiểu nhầm…
Hổ trố mắt nhìn Huyền:
– Cô tát nó mấy tát?
– Ba tát!
– Thế nó phản ứng ra sao?
– Chẳng phản ứng gì cả!
Vốn bản tính lỗ mãng, Hổ thích thú cười phá lên, vỗ tay đôm đốp, khiến mọi người trong nhà hàng tò mò, khó chịu nhìn bọn Hổ. Hổ, không đếm xỉa đến ai, vẫn bô bô:
– Thế là trong hai ngày liền, thằng cha bị hai “cú”. Cô có thấy đầu nó bị thương không?
– Dạ có, tôi thấy hắn chit “băng” trên trán.
– Tặng phẩm của Hổ đấy cô ạ! Để mai mốt, tôi mượn luôn cái đầu nó!
Lượng đưa mắt nhìn Hổ, ra hiệu cho Hổ giữ ý tứ. Văn cũng dịu nét mặt, nói với Huyền:
– Thế sao lúc nãy mày không cho tao biết là mày tát Kha?
Huyền biết khi nào Văn không gọi nàng bằng “cô” nữa và hạ xuống “mày” là Văn hết giận. Nàng phụng phịu trả lời anh:
– Thì ngay lúc đầu, em đã nói là em tát hắn, nhưng anh chỉ “thế à”, “thế à”, có thèm nghe em đâu!
Văn cười xòa:
– Thôi được! Nhưng lần sau, đừng có đi với con trai vào tiệm làm gì!
Tuyết cong cớn, bĩu môi:
– Thôi “đốt” thầy đi! Thầy làm như đi với trai vào tiệm là hư hỏng à?
Lượng, từ nãy đến giờ vẫn im lặng, bèn lên tiếng:
– Đừng tán dóc nữa. Hãy bàn tính kế hoạch xem sao! Công việc cứ sa lầy mãi thế này, chán chết!
Hổ trả lời không nghỉ ngợi:
– Chẳng cần kế hoạch gì cả. Nếu mai mốt, nó vẫn không chịu trả “cái khoản” đó cho mình, thì tôi sẽ cho nó một “cú” thứ hai, rồi “cú” thứ ba, “cú” thứ bốn, kỳ cho bao giờ nó trả lại thuốc phiện và xin hàng thì thôi!
Văn lắc đầu:
– Không được, vừa rồi là hắn không đề phòng thì anh mới “sửa” hắn được vài cái, chứ bây giờ chưa chắc anh đã đánh được nó, mà có nhẽ hắn đang sửa soạn cho người đánh anh!
Huyền bèn kể chuyện Kha biết Thịnh là Việt Cộng, và ngờ Văn có liên lạc với Thịnh, v.v.
– Em xem ý hắn còn định gán cho anh là Việt Cộng đồng lõa với Thịnh trong mọi hành động của Thịnh nữa cơ đấy.
Văn cười nhạt:
– Em chả nói, anh cũng có thể đoán được, nhưng kệ nó!
Lượng là người thực tế, hiểu rõ tâm địa, mánh khoé của Kha, nên không khỏi lo lắng khi nghe Huyền thuật chuyện. Lượng hỏi Huyền:
– Cô thường lên dạy học nhà Kha, chắc cô biết hắn động tĩnh ra sao? Cô có biết thuốc phiện của chúng tôi, hắn dấu ở đâu không?
Huyền cười, đáp:
– Thưa ông, tôi chỉ biết dạy học, chức có biết hắn làm gì, toan tính gì đâu? Ngay cả chuyện ông Hổ đánh hắn, hắn nói thì tôi mới biết!
Lượng ngồi thừ ra suy nghĩ, rồi một lát sau, chàng hơi có vẻ ngượng, đề nghị với Văn:
– Theo chỗ tôi biết thì hình như Kha “ưa” cô Huyền lắm, và mọi sự xảy ra cũng chỉ vì cô Huyền. Vậy tại sao ta không tương kế tựu kế, nhờ cô Huyền đóng vai “đạo quân thứ năm”…
Văn vội gạt đi:
– Chết chửa? Ông lại định dùng em tôi làm mỹ nhân kế hay sao? Đâu có được! Mà con này nó ngây ngô lắm! Tôi đang khổ tâm vì chưa xoay được tiền cho nó trả lại thằng Kha, khỏi phải lên nhà nó dạy học, còn mỹ nhân kế cái gì?
Nghe nói đến mỹ nhân kế, Tuyết vội lắng tai nghe và nửa đùa, nửa thật, nói với Văn:
– Mỹ nhân kế thì phải triệu đến “Tuyết” này! Thằng cha Kha thuộc loại nào mà ghê gớm thế hở thầy?
Hổ nhìn Tuyết, và vốn là một đứa “ruột để ngoài da”, chàng nói ngay ý nghĩ của mình:
– Ừ, giá mà cô Tuyết áp đảo thằng cha đó thì… được lắm.
Văn nhìn cái chau mày trên trán Lượng, cố giữ để khỏi phá lên cười, và nháy Tuyết:
– Kia kìa! Cứ nhìn bộ mặt cau có của ông Lượng, thì cũng biết ông Lượng có tán thành hay không cái đề nghị của ông Hổ. Người ta mới yêu nhau mà bảo Tuyết đóng vai “Điêu Thuyền” thì có chết cha nhân loại không!
Hổ cười ngây ngô, cãi quấy:
– Phi Yến và tôi chả sắp yêu nhau là gì? Thế mà giá ai muốn mượn Phi Yến của tôi để làm kế mỹ nhân thì đây “ký” liền.
– Rõ thối cậu chưa, Phi Yến nào sắp sửa yêu cậu?
Hổ nhắc đến Phi Yến khiến Văn chợt có ý nghĩ là phải nhờ Phi Yến một lần nữa mới giải quyết được công việc. Chàng liền bảo Lượng:
– Thôi được! Để tôi gặp Phi Yến và bàn với bà ta, rồi sẽ nói rõ anh biết. Chỉ cái tài và thế lực của Phi Yến mới áp đảo nổi Kha.
Tuyết vẫn còn tiếc rẻ cái vai trò mỹ nhân kế mà nàng rất thèm đóng, nằn nì với Văn:
– Việc gì thầy phải nhờ đến bà Phi Yến, Tuyết cũng có cách trị nổi thằng cha đó.
Lượng lắc đầu tỏ ý bực bội, Tuyết nhìn Lượng, lườm một cái dài, làm Văn phì cười, nói trêu hai người:
– Ông Lượng nhà ta thì chỉ muốn Tuyết áp dụng mỹ nhân kế với ông Lượng thôi; ngoài ra, không thể áp dụng với ai khác, Tuyết đã nghe ra chưa? Từ nay, đừng có xin đám lăng nhăng như vậy, kẻo ông Lượng buồn…
Nghe những lời Tuyết nói và nhìn cử chỉ của Tuyết, Huyền thấy rõ Tuyết không thực lòng yêu Lượng, mà Lượng thì có vẻ hơi “si ngốc”. Huyền tự hỏi không hiểu hai người sẽ còn dan díu với nhau được bao lâu, và Tuyết sẽ lợi dụng Lượng đến chừng nào? Huyền băn khoăn muốn biết những cảm nghĩ thầm kín của Tuyết đối với Lượng, muốn biết lúc này Tuyết có sung sướng thực không, và ngoài Lượng, lúc này Tuyết có yêu ai, có để ý đến ai không. Huyền băn khoăn muốn biết, không phải để thỏa mãn lòng tò mò, nhưng chính vì nàng đang băn khoăn về tương lai hạnh phúc bản thân, nàng muốn tìm một con đường đi chắc chắn, mà kinh nghiệm sống của Tuyết đối với nàng sẽ không phải là thừa. Huyền nghĩ đến Thịnh, đến Hải, đến Kha… Một đôi lần, tâm hồn ngao ngán khi nghe mẹ nàng rên rỉ than phiền cảnh gia đình túng thiếu, Huyền đã thoáng có ý nghĩ chịu để cho Kha lợi dụng cho yên hết mọi sự. Lúc này, Huyền nhìn Tuyết và nghĩ thầm: “Mình để cho Kha lợi dụng thì có nhẽ cũng như Tuyết dan díu với Lượng”. Ý nghĩ đó khiến Huyền cảm thấy cần phải làm thân với Tuyết, hiểu rõ tâm sự của Tuyết. Huyền bèn thủ thỉ hỏi Tuyết:
– Chị ở đâu? Cho tôi biết địa chỉ, tôi sẽ lại thăm chị…
Trong thâm tâm, Văn không muốn Huyền làm quen với Tuyết, biết lối sống và nếp suy tưởng phóng túng của Tuyết, nên khi Huyền hỏi địa chỉ của Tuyết, Văn vội gạt đi:
– Cô Huyền thật ngớ ngẩn. Những cặp uyên ương người ta làm tổ ở đâu, chỉ sợ người ngoài tìm đến ám. Thế mà cô lại hỏi địa chỉ của Tuyết là thế nào?
Tuyết lườm Văn một cách rất “đàn bà tính” tưởng chừng như Văn không phải là thầy dạy học của mình:
– Thôi “đốt” thầy đi! Chị Huyền đến thăm Tuyết, mà thầy cũng cấm nốt hay sao?
Biết Tuyết ngổ ngáo, Văn đành phải nói chữa:
– Thầy nào cấm! Đó là thầy sợ Huyền nó đến quấy rầy hạnh phúc của hai người. Chứ nếu muốn nó đến chơi thì… càng hay!
Rồi chừng như không muốn kéo dài buổi gặp gỡ, Văn nói với Hổ:
– Nhờ anh Hổ lên tìm Phi Yến hẹn gặp ở nhà anh Lượng ngày mai sáu giờ chiều. Và bây giờ thì hai anh và Tuyết về, còn tôi thì đưa Huyền về nhà…
Họ từ biệt nhau. Văn và Huyền ra khỏi tiệm. Mưa rào vừa tạnh, thành phố vẫn còn ướt sũng nước. Ở những miền nhiệt đới chỉ có hai mùa mưa, nắng, tâm hồn người ta cũng giản dị, ít màu sắc. Sau cơn mưa, người ta ào ào khoan khoái đổ xô ra đường. Văn không muốn gọi taxi, nói với em:
– Trời mát, đi bộ một lúc cho đỡ tù hãm!
Hai người đi lững thững trên hè đường Tự Do. Mỗi lần gặp em, Văn không khỏi chạnh nghĩ đến mẹ mình, đến thân quyến còn lại ở ngoài Bắc, vì Huyền và gia đình Huyền là những người độc nhất, trong huyết thống mẹ chàng cùng di cư với gia đình chàng vào Nam.
Huyền đi bên cạnh anh, không biết anh mình nghĩ gì, nhưng cũng im lặng không dám hỏi. Văn hút hết một điếu thuốc, đốt tiếp điếu thứ hai, mới sực nhớ là mình đang đi giữa thành phố Sài Gòn cùng đứa em gái. Chàng miễn cưỡng từ biệt cái không khí heo may giá buốt của miền Bắc mà lòng hoài hương vừa đưa chàng về, để hỏi em:
– Thế nào, tình hình ở nhà em lúc này ra sao?
– Bi lắm! Cho khéo mẹ em vỡ nợ!
– Vỡ nợ bao nhiêu!
– Cũng chả bao nhiêu! Nhưng họ đến rần rần, mỗi người một vài trăm, một vài nghìn. Họ mạt sát, chửi bới, chịu không nổi!
– Thế còn Thịnh?
– Trốn quân dịch rồi! Hắn ở đâu em cũng không biết. Nhưng ngày nào em cũng nhận được thư của hắn.
– Hắn nói gì?
Huyền im lặng một lát, rồi đáp:
– Lăng nhăng đủ thứ. Hắn đòi nhất định lấy em…
– Thế còn Hải?
Nghe Văn nói tới Hải, Huyền lúng túng, chưa biết trả lời sao, nên nói hoãn binh:
– Hải nào, thưa anh? Anh nói Hải em ông Kha hay Hải nào?
– Chứ còn Hải nào nữa? Hình như em cũng có cảm tình với hắn, và hắn cũng có cảm tình đặc biệt với em, có phải thế không?
Huyền trả lời bằng cách hỏi lại anh:
– Anh thấy Hải là người thế nào?
Văn cười:
– Anh chỉ thoáng gặp hắn một hai lần, làm sao biết rõ hắn được. Có nhẽ hắn là người khá, không như bọn con trai bây giờ, nhưng hắn là con nhà giàu, lánh họ là hơn. Và chắc em cũng thấy rõ mình nghèo, không nên giao thiệp với người giàu.
“Người nghèo không nên giao thiệp với người giàu”. Huyền nhớ mang máng hình như nàng vừa nói câu đó với Hải khi ngồi trên xe với Hải, thế mà khi nghe Văn nói, Huyền lại có cảm tưởng Văn hơi cố chấp, vô lý. Nhưng bề ngoài, nàng vẫn trả lời anh:
– Vâng em cũng nghĩ như vậy!
Vì Huyền linh cảm Văn sẽ không bao giờ tán thành sự quen biết – đừng nói là yêu nhau – giữa Hải và nàng. Nàng biết anh là người chủ quan, đã ghét ai thì ghét từ con chó nhà người ta ghét đi, nên dù Hải có khác hẳn Kha chăng nữa, Văn cũng không thể ưa Hải được!
Để đổi hướng câu chuyện, Huyền hỏi anh:
– Anh có tiền chưa?
Văn lắc đầu:
– Chưa có, nhưng em cứ yên tâm. Thế nào rồi cũng có!
Huyền mỉm cười: “Thế nào rồi cũng có”. Huyền nghe Văn nói câu đó không biết lần thứ mấy! Văn thường “dọa” những người thân là sẽ có tiền triệu, nhưng ai cũng biết, mà Văn cũng tự hiểu là Văn không có tài làm tiền. Chàng làm “áp phe” như một thi sĩ làm thơ; chàng rất giỏi về lý thuyết, kế hoạch làm tiền, bố trí, xếp đặt đâu ra đấy. Nhưng khi đụng vào thực tế và hành động, chàng lại rụt rè, không dám làm những việc bần tiện, bẩn thỉu mà người làm “áp phe” tất nhiên phải gặp. Rút cuộc, chàng chẳng bao giờ kiếm được một cắc nhỏ về áp phe. Càng không kiếm được tiền, Văn càng khinh ghét tiền và mỗi khi có đồng nào, do dạy học và viết báo đem lại, chàng trả thù bằng cách tiêu bừa, tiêu bãi – không phải cho bản thân mình, mà là vào những việc thậm vô lý, vô ích!
Đột nhiên, Huyền nói với anh:
– Nhiều khi em nghĩ lẩn thẩn, nếu mình không gặp được người mà mình mong ước, thì tốt hơn hết là lấy một người thật già, nhưng thật nhiều tiền!
Văn nhìn em:
– Em thích tiền lắm à?
– Em không thích tiền, nhưng không có tiền, không những khổ về vật chất, mà còn khổ cả về tinh thần! Em cũng muốn mơ mộng lắm, nhưng nếu đời không cho phép mình mơ mộng thì cũng phải thực tế, có phải không anh… Nhiều khi em thấy chủ nợ chúng đến nhà làm dữ, chửi bới nhục nhã, em đã nảy ý tưởng buông xuôi hai tay, để cho Kha lợi dụng, miễn là có tiền trả nợ cho gia đình… Không phải là em hy sinh, nhưng cốt là để được yên thân…
Những điều Huyền vừa nói không khỏi làm Văn giật mình, tự hỏi: “Chả nhẽ bọn thanh niên nam nữ của thời đại cũng chán chường, hoài nghi hơn cả mình sao?”.
… Và chàng buồn rầu nói với em:
– Một người con gái ở vào tuổi em, mà có những tư tưởng mệt mỏi như vậy, là điều đáng lo lắm! Chưa chi em đã khiếp nhược, tính chuyện lấy một ông già nhiều tiền, thì em chưa xứng đáng để hưởng yêu đương. Tình yêu là một sự thử thách, một cuộc chiến đấu. Chỉ những kẻ bền gan, tin ở tình yêu, mới chiến thắng được tình yêu…
Bị lôi cuốn bởi lời mình nói, Văn hầu như đánh lừa được chính mình, nên chàng say sưa, hăng hái nói liên miên, khiến Huyền cảm động nhìn anh. Nàng không khỏi ngạc nhiên thấy lần này luận điệu của Văn không phải là luận điệu “chán đời” mà chàng vẫn có. Huyền nửa đùa, nửa thật khen anh:
– Không ngờ hôm nay anh lại yêu đời thế!
– Em tưởng anh là đứa chán đời à?
Hai anh em nhìn nhau cười. Những chuyện tiền nong mà Huyền vừa đả động tới, làm Văn sực nghĩ đến lát nữa, chàng xuống nhà Huyền, sẽ phải gặp mẹ Huyền để nghe bà kể lể, than phiền về tiền! Văn bèn đổi ý, nói với Huyền:
– Thôi, để anh gọi taxi cho em về một mình, anh chả xuống nhà em nữa!
– Sao vậy anh?
Văn cười:
– Chưa có tiền! Xuống nhà em mà không có tiền thì chỉ thêm buồn.
– Thế bao giờ anh xuống? Liệu sắp có tiền chưa anh?
– “Thế nào rồi cũng có”. Em cứ yên tâm, ráng đợi ít bữa.
… Huyền đi rồi, Văn đứng bần thần, vẫy mọt cái taxi, ngồi lên xe mà vẫn chưa biết đi đâu.
– Ông về đâu? Người tài xế taxi hỏi.
– Để tôi nghĩ đã!
Người tài xế ngoảnh cổ lại nhìn Văn, thấy bộ mặt đạo mạo, nghiêm nghị của Văn, biết Văn không phải kẻ điên, nên yên tâm quay trở lại với tay lái, một nụ cười vớ vẩn trên môi.
– À, ông cho tôi xuống chợ Nguyễn Tri Phương!
– Dạ!
Văn vừa nghĩ tới “cha” Phan và nảy ý định xuống thăm “cha” Phan, để hiểu rõ cân trạng sinh hoạt của “cha” ra sao.
“Cha” Phan là vị linh mục cách đây bảy năm đã trút trả áo linh mục để khoác áo chiến sĩ quốc gia chống Cộng. Văn không hiểu rõ “cha” Phan trút cả áo linh mục trong trường hợp nào, do động cơ tinh thần nào. Chàng chỉ quen “cha” trong thời gian hai người bị giam ở khám vì lý do chính trị.
Điều làm cho Văn ngạc nhiên về “cha” Phan là cái tâm hồn bình lặng, thản nhiên của “cha”, bề ngoài không có vẻ gì là tâm hồn sôi sùng sục của một nhà Cách mạng đã vì Cách mạng đến mức trút áo linh mục để lao mình vào Cách mạng. Khi còn bị nhốt chung với “cha” Phan trong khám, mỗi lần Văn cảm thấy chán nản, hoặc nóng ruột vì bị giam lâu, chàng thường kiếm “cha” Phan để đàm đạo và tìm lại sự bình tĩnh tâm hồn.
Cách đây hơn mười ngày, tình cờ Văn gặp “cha” Phan ngoài đường, bên một cái xe gắn máy “cà rỉ”, hỏi “cha” độ này làm gì, thì “cha” cười hồn nhiên, trả lời Văn:
– Cũng “áp phe” như anh!
Không biết “cha” Phan nói đùa hay nói thực, nhưng câu nói của “cha” Phan đã gợi trí tò mò của Văn muốn tìm hiểu những biến chuyển thực trong tâm hồn người chiến sĩ đã từng có hành động rất “khùng”, tự nhận mình là đại diện nhân dân đô thành lên chiến khu của một đoàn thể chống chính phủ, để phong tướng cho kẻ cầm đầu loạn quân!
Cho nên khi Văn nảy ra ý định đến thăm “cha” Phan, chàng thấy tâm hồn vui vui, như bao nhiêu sầu muộn của thế tục không còn nghĩa lý gì nữa! Văn quen nhiều vị linh mục mặc dầu chàng không phải là người công giáo. Tâm hồn những người đã hiến dâng trọn vẹn cuộc đời của mình cho một lòng tin, cho một lý tưởng vẫn là một kho tàng bí mật mà Văn muốn khám phá để tìm lối thoát cho tâm tư khắc khoải của mình…
… Phan ở một căn gác xép tối om. Người ta phải lom khom leo một cái cầu thang hẹp, nhỏ, dựng đứng như bức vách để lên tới căn phòng dài bốn thước, rộng ba thước của chàng. Đồ đạc trên gác vỏn vẹn có một cái giường sắt, một bộ bàn ghế gỗ tạp và một cái giá đựng sách. Trên tường là một cây thánh giá và một bức hình Đức Mẹ. Trong bóng tối, Văn dò từng bước lên cầu thang, khi đầu Văn đã ló vào gian phòng, mà chân còn ở bậc thang, đã nghe thấy tiếng cười dung dị của Phan:
– Ồ! Cũng lần mò đến thăm được cơ à!
Phan đang nằm đọc sách trên giường, mình trần trùng trục, vận sơ sài một cái quần “sà loỏn”, vội nhỏm dậy, chạy ra nắm tay Văn, lắc thật mạnh!
– Thưa… “cha” vẫn mạnh khoẻ?
Mặc dầu Phan không còn là một linh mục nữa, nhưng mọi người vẫn gọi ông bằng “cha”. Văn biết cách xưng hô đó là vô lý, nhưng đã nhiều lần chàng định thay đổi cách gọi, mà rút cuộc, thói quen vẫn mạnh hơn.
Có lẽ chính Phan cũng khó chịu về sự xưng hô không còn lý do tồn tại đó, nhất là không xứng với lối ăn mặc đơn giản của mình lúc này, nên Phan cười, thẳng thắn bảo Văn:
– Thôi… đừng gọi bằng “cha” nữa!
– Dạ, nhưng không gọi bằng “cha”, nghe không tiện tý nào!
– Tại sao không tiện? Anh cứ gọi tôi bằng anh như đối với một người bạn. Thú thực với anh, tôi rất băn khoăn thấy mọi người vẫn gọi tôi bằng “cha” từ năm, bảy năm nay. Chúng ta bị quá khứ ràng buộc ghê gớm quá nhỉ. Anh nên gọi tôi bằng “anh”, tức là giúp tôi nghiêu lắm, giúp tôi…
– Giúp “cha” dứt khoát tư tưởng! Văn đỡ lời.
– Đúng rồi! Tôi bây giờ chỉ là một người “bổn đạo” thường, như hàng triệu người bổn đạo khác…
Rồi Phan cười, nói tiếp:
– Cũng như tôi bắt chước anh làm “áp phe” chỉ là để có những ý nghĩ, cảm xúc thông thường của một người dân thời đại!
Văn cũng cười:
– Nếu vậy thì thưa “cha”, ấy chết xin lỗi “cha”! Thưa anh… nếu vậy thì còn thiếu một điều rất quan hệ.
– Điều gì, anh?
Văn nửa đùa nửa thật, trả lời:
– Nếu anh định sống như mọi người dân thường thì điều cần thiết là anh phải lấy vợ. Chưa nếm mùi thê nhi, thì chưa thấu triệt được thế nào là tục lụy. Anh đã được nghe chủ nợ réo, con cái vòi ăn quà sáng bao giờ chưa? Dĩ nhiên là chưa! Như thế thì anh chưa hoàn toàn sống đời một người dân thường với ý nghĩ, băn khoăn của người dân thường. Anh cần phải lấy vợ… Anh nên lấy vợ. Anh chưa tới 50 tuổi. Lấy vợ còn kịp chán…
Phan cười:
– Anh tưởng tôi không nghĩ đến chuyện lập gia đình à? Tôi không muốn nói dối anh. Tôi đã nghĩ rất nhiều đến chuyện kiếm một người đàn bà, nhưng…
– Nhưng chưa có ai xứng đáng?
– Chưa có ai hợp với hoàn cảnh đặc biệt của mình thì đúng hơn. Và nhất là tôi chưa có đủ điều kiện vật chất để lập gia đình…
Tò mò, Văn hỏi Phan:
– Hỏi thực anh, anh đã yêu bao giờ chưa?
Phan vẫn cười dung dị:
– Thôi đi! Anh giới thiệu tôi người đàn bà nào thì giới thiệu, chứ đừng hỏi lôi thôi nữa… mà từ lúc anh tới, chỉ có anh hỏi chuyện tôi, tôi chưa hỏi chuyện anh… Độ này làm ăn ra sao? Công việc khá không?
Văn lắc đầu:
– Vẫn như cũ, mà còn có phần “bết” hơn trước. Sống bây giờ mệt mỏi lắm, “cha” à, à quên xin lỗi anh. Nhiều lúc, muốn trở lại khám đường, nằm dài tu dưỡng một thời gian như hồi nọ, khoẻ quá anh nhỉ.
Phan cười buồn không đáp, loay hoay lấy bếp cồn nhóm lửa, đun nước, rồi lấy bộ đồ uống trà tàu, trịnh trọng pha trà cho Văn uống. Phan bình thản bảo Văn:
– Uống đi anh! Anh thì cứ vất vưởng, ngược xuôi suốt đời. Nhiều lúc tôi nghĩ thật tội nghiệp cho anh, anh quay cuồng dữ dội mà chả đi tới đâu!
Văn cạn chén trà, rót luôn một chén khác, rồi chậm rãi hỏi Phan:
– Không đi tới đâu là thế nào hở anh?
– Không đi tới đâu là không bao giờ thành công trong việc gì, chứ sao!
Văn nghĩ một lúc, rồi trả lời:
– Tôi đã suy nghĩ kỹ anh ạ. Có nhẽ tôi không đủ năng lực để đi tới thành công, nhưng giá tôi có đủ yếu tố thành công, tôi cũng không muống thành công!
Phan biết là Văn thích lập dị, nên không phản đối, để mặc Văn nói. Văn tự chiêu nước, uống luôn một hơi, rồi tiếp:
– Anh có thấy những người thành công trên đời – dù là đấng anh hùng, vĩ nhân – ít nhất cũng phải có điểm hoặc bất nhân, hoặc đểu cáng, hoặc tàn ác, hoặc táng tận lương tâm thì mới thành công được không? Và đã thành công rồi, thì còn sống làm gì, hở anh? Sống ở đời là để tìm ý nghĩa của sự sống, chứ sống không phải là để thành công… Anh có đồng ý không? Theo tôi, sống ở đời… là để thất bại… Anh xem cái bộ mặt của những kẻ thành công có bao giờ đáng yêu không? Chỉ có sự thất bại mới đẹp, mới đáng yêu có phải không anh?
Phan tủm tỉm cười:
– Anh làm Cách mạng mà đề cao “thất bại chủ nghĩa” thì cũng là chuyện hi hữu lắm!
“Làm Cách mạng”! Danh từ Cách mạng mà Phan vừa gán cho Văn, khiến Văn có cảm tưởng vừa ngượng, vừa chua xót, vì Văn đột nhiên nhớ tới hồi chàng học lớp nhất trường tiểu học Hưng Hóa, vào một đêm lạnh buốt, dày đặc bóng tối, chàng chẳng hiểu Cách mạng là gì, cũng theo Phó đảng trưởng Việt Nam Quốc Dân Đảng, Xứ Nhu đi tấn công thành Hưng Hóa, và lần đầu tiên, trong đời chiến sĩ của mình, Văn ném quả lựu đạn, không nổ! Để rồi đến hai giờ sáng, đoàn quân rút lui qua sông – riêng thuyền của chàng, và các đồng chí tý hon của mình mắc cạn ở bãi cát giữa sông – chàng lên bãi cát, rúc đầu vào lòng một người bạn, ngủ một giấc ngủ thật ngon lành, chờ sáng hôm sau, trưởng đồn người Pháp và tri huyện người Nam đi lượm bọn chàng về, lấy báng súng đánh vào đầu bọn Văn. Đó là lần đầu tiên mà cũng là lần chót – chàng nhận những báng súng của kẻ thù một cách thực ngang nhiên, say sưa đến mức gần như chỉ thấy thích mà không biết đau. Về sau, Văn càng sống, những hành động của chàng càng nặng trĩu, tính toán, hậu ý, và cả những hành động đẹp nhất cũng vẫn có cái góc cạnh hoặc bần tiện, hoặc hèn hạ, vụ lợi của nó, nếu Văn không tự dối mình, đào sâu vào tâm khảm, vào tiềm thức…
– Anh có thấy người ta càng sống thì càng sa đọa, xuống thấp không?
Cái băn khoăn của Văn, Văn vừa diễn tả thành câu hỏi đột ngột, làm Phan lắc đầu:
– Tôi không đồng ý với anh. Tôi nghĩ rằng người ta càng sống thì càng hiểu mình thêm, càng hiểu những cái xấu và những cái tốt của mình. Bản chất con người là hướng thượng. Sa ngã cũng làmột triệu chứng hướng Thượng! Cả đến anh là người vẫn tưởng nhầm đã đánh mất thiên đường của mình, chính tâm hồn tâm hồn anh cũng hướng thượng và anh đặt thiên đường của anh mỗi ngày mỗi cao để anh khỏi với tới, thì đúng hơn.
Lý luận lập dị của Phan làm Văn phá lên cười:
– Sa ngã cũng là một triệu chứng hướng thượng! Vậy thì vươn lên cao tức là một triệu chứng suy đồi… có phải thế không anh? Nhưng tôi hỏi thực anh, anh đã có kinh nghiệm bản thân thế nào là sa ngã chưa, sa ngã thật rùng rợn, thật thê thảm bao giờ chưa?
Phan nhìn thẳng vào mắt Văn, trả lời:
– Sao lại không?
– Anh có bị quỉ Satan hành hạ đến tối tăm bao giờ chưa?
– Có thể có chứ!
Văn lắc đầu:
– Tôi không tin là anh đã trải qua những trạng thái tâm hồn kể trên, hoặc anh chỉ tưởng tượng mà đoán ra thôi. Mà chưa từng sống, chưa trải qua những trạng thái tâm hồn của kẻ “mất thiên đường” thì làm sao mà thông cảm được?
– Đó là anh bi quan nghĩ như vậy, chứ không một người nào sống mà “mất thiên đường” cả.
– Trái lại, tôi biết nhiều người đã hoàn toàn mất thiên đường. Anh không tin, thì mời anh vận quần áo, rồi tôi đưa đi.
– Đi đâu?
– Đi đến gặp những kẻ mất thiên đường! Anh không dám đi hay sao?
– Ừ! Đi thì đi! Nhưng đi đâu mới được chứ?
– Nhưng anh hứa với tôi là anh sẽ đi chứ?
– Tôi hứa là sẽ đi mà!
Văn mỉm cười như đã cho được Phan vào tròng:
– Cám ơn anh. Vậy thì anh mặc quần áo, tôi sẽ đưa anh đến một “ổ nhện”!
Phan sửng sốt:
– “Ổ nhện”?
Văn vẫn bình tĩnh:
– “Ổ nhện” thì đã sao! Anh đã “gần” một gái mãi dâm bao giờ chưa?
Phan đành phải lắc đầu. Văn lại càng được thể:
– Ấy đấy! Chỉ mới đến một “ổ nhện” mà anh đã sợ sệt rồi!
Rồi Văn cười hóm hỉnh, nói tiếp:
– Anh không “làm gì” thì thôi, tùy anh. Nhưng anh đã hứa với tôi, thì xin anh mặc quần áo cho. Không phải là vô ích đâu anh ạ! Anh sẽ biết rõ thế nào là “mất thiên đường”.
Phan suy nghĩ một lát, rồi như một người sắp sửa làm điều gì liều lĩnh, Phan tặc lưỡi nói:
– Đi thì đi. Kẻo anh lại bảo là sợ. Nhưng tôi giao hẹn trước là…
– Là anh không “gì” chứ gì! Cũng không sao. Miễn là anh đi cho biết sự thực ở đời… Tôi sẽ đưa anh tới một chỗ thật đặc biệt, khiến anh suy nghĩ…
Phan thong thả vận quần áo, chải đầu, thắt cà vạt. Phan mở ngăn kéo lấy ra một lọ nước hoa “eau de cologne” vẩy lên tóc, xoa lên mặt, khiến Văn giật mình. Phan cười khẩy, ngạo Văn:
– Anh thấy chưa? Anh ngạc nhiên tại sao tôi cũng biết dùng “eau de cologne” phải không? Rồi anh sẽ ngạc nhiên thấy tôi còn sống nhiều hơn anh nữa!
Văn lắc đầu cười:
– Thú thực, tôi vẫn không sao hiểu nổi anh!
Phan cũng cười bí mật:
– Tự hiểu mình cũng chưa chắc, còn nói chi đến chuyện hiểu người khác… Nhưng lúc này, có một điều anh cần hiểu là anh muốn đưa tôi đi đâu thì đi, nhưng… tiền thì tôi không có. Liệu anh có đủ tiền xe pháo và chi mọi khoản không?
– Dạ đủ
– Vậy thì ta đi! Tôi sẵn sàng rồi đây!
Hai người xuống cầu thang. Ra tới đường, Văn chăm chú nhìn Phan với bộ “đồ lớn” rất hợp thời, cái cà vạt màu đỏ, cái đầu chải láng, Văn tủm tỉm cười:
– Trông anh không còn có vẻ gì của một vị linh mục hay một nhà Cách mạng. Vậy anh là cái gì?
– Tôi là… tôi! Nhưng đi đâu bây giờ? Gọi taxi chứ?
– Được! Anh cứ yên tâm. Bây giờ thì ta hãy tới Bàn Cờ “ngoắc” Hổ, vì Hổ mới là thổ công chính cống. Tôi sẽ bảo nó dẫn anh tới một nơi lạ lắm.
… Đến Bàn Cờ, Văn để Phan ngồi chờ ngoài xe, anh vào ngõ hẻm, rồi năm phút sau, trở ra cùng Hổ. Hổ vừa nhìn thấy Phan, đã bô bô:
– Lạy “cha” ạ!
Văn lườm Hổ:
– Đừng gọi anh Phan bằng “cha” nữa, cha nội ơi! Anh Phan có là linh mục nữa đâu! Tôi vừa tiểu đi cho cậu biết hôm nay mình đi đâu, vậy phải nhìn vào cách ăn vận của anh Phan hôm nay mà xưng hô chứ, cậu ngu quá!
Hổ thốt ra một ý nghĩ mà chính Văn cũng vừa nói với Phan:
– Không gọi bằng “cha” nghe nó ra làm sao ấy!
Văn căn dặn Hổ:
– Cậu nhớ lấy nhé. Kẻo lát nữa tới đó, lại buột miệng thì hỏng bét!
Hổ ngớ ngẩn hỏi:
– Nhưng mà đến đó thật à?
– Sao lại không thật!
Hổ thích chí, cười phá lên. Anh chàng vừa uống hết một ly “ba xị đế”, nên càng thấy cuộc đời lên men! Lúc này, hầu như anh quên hết cả vợ con đang ngắc ngoải để chỉ thấy sống ở đời cũng là một cái gì khoái lắm, nghiều bất ngờ lắm. Hổ vốn bản chất yêu đời, đặt mình xuống là ngủ, ngáy như bò rống, dù gặp chuyện phải lo đái ra máu chăng nữa!
Hổ ngắm Phan trịnh trọng trong bộ đồ lớn, lại cất tiếng cười sặc sụa mùi rượu:
– Thím Tư nhà ta hôm nay được tiếp “cha”… à quên anh Phan, thì khoái lăn đùng ra mất. Nhưng đến thím Tư thực chứ?
– Có ai nói đùa với anh bao giờ mà cứ hỏi lẩn thẩn mãi!
– Vậy thì cho xe chạy xuống Gò Vấp!
… Ngồi trên xe, thỉnh thoảng Hổ lại ngoảnh cổ lại, nhìn xuống Phan, ngồi ở phía sau với Văn, và Hổ lại ngửa cổ, cười ròn rã. Rồi đột nhiên, Hổ hỏi Văn:
– Nhưng sao lại xuống thím Tư. Theo ý tôi thì nên giới thiệu Phi Yến với… anh Phan thì có nhẽ tốt đôi hơn!
Nghe nói đến Phi Yến, Phan vội hỏi:
– Phi Yến nào?
– Phi Yến, nhân tình lão Phú Sơn ấy mà!
Nếu lúc đó, trong xe, đèn không tắt, thì Hổ và Văn đã nhìn thấy Phan tái mặt như người bị trúng gió độc. Phi Yến là gì đối với Phan? Cái tên Phi Yến vừa thốt ra ở miệng Hổ, đã gợi những hình ảnh gì, những xao xuyến gì trong tâm hồn Phan? Bí mật! Chỉ biết ngay lúc đó, Phan vốn là người bình tĩnh, mừng giận không để lộ ra nét mặt, mà giọng nói cũng lạc hẳn đi:
– Các anh đưa tôi tới Phi Yến à?
– Xuống thím Tư. Nhưng nếu anh muốn tới Phi Yến thì chúng tôi sẽ đưa anh tới, và sẽ không xuống thím Tư nữa!
Phan vội đáp:
– Xuống thím Tư chứ!
Từ lúc đó, suốt dọc đường, Phan im lặng, thờ thẫn như người mất hồn. Văn và Hổ đều vô tình không biết cơn giông tố nào vừa nổ dậy trong đầu óc người trước kia đã từng là linh mục. Nhưng khi xe dừng lại ở một đường hẻm, Phan hoàn toàn lấy lại bình tĩnh, có vẻ thản nhiên, như không có chuyện gì xảy ra.
………………………………………………………
… Thím Tư ở một căn nhà có gác, không điện, chỉ có một ngọn đèn dầu hỏa lù mù. Ba người vừa đẩy cửa, bước vào nhà, thì một đứa con gái, khoảng 11, 12 tuổi, cất tiếng chào Hổ:
– Kìa Ba!
Văn đưa mắt hỏi Hổ:
– Con anh đấy à?
Hổ lắc đầu cười, hỏi tiếp đứa bé:
– Má có nhà không con?
– Má ở trên gác.
– Làm gì trên đó?
– Hút!
– Lên nói với Má là có Ba dẫn hai bác lại chơi!
Đứa bé lên gác rồi, Hổ nói nhỏ, giải thích:
– Bất cứ ai đến ngủ với mẹ nó một lần, lần sau đến, đều bị nó gọi bằng Ba, chứ có “ba”, bốn gì! Hai anh nhìn con bé đó, lúc này nó cũng chưa có vú, ngực gì cả, thế mà cách đây năm năm, nó đã từng bị hãm hiếp!
– Bị hãm hiếp?
– Hiếp giả. Người bị gán tội hiếp dâm nó, hiện đang nằm ở khám Chí Hòa.
– Hiếp dâm giả, nghĩa là thế nào? Anh bịa chuyện gì mà lạ lùng vậy?
– Chuyện thực mà… Nhưng ly kỳ hơn tiểu thuyết. Để tôi kể cho các anh nghe, rồi các anh có tin hay không là tùy ý. Đây chỉ là một “giai thoại” trong hàng ngàn “giai thoại” về cuộc đời thím Tư, mà các anh sắp sửa được “hội kiến”…
Rồi Hổ đem chuyện thím Tư dàn cảnh trò hiếp dâm kể cho hai người nghe: Cách đây vài năm, trong số khách làng chơi thường lui tới thím Tư, có một ông chủ hiệu tạp hóa, anh Ba Sanh, là một thứ chồng hờ, rất mê thím Tư. Ba Sanh mua cho thím Tư một cửa hàng thợ cạo ở Khánh Hội, cho thím được thu tiền cắt tóc hàng ngày. Nhưng thím Tư nhiều “chồng” quá, lại có thói quen là khi ngồi đánh bài cào, đánh chắn, thì cứ thích vỗ vào đùi người đàn ông ngồi bên cạnh, nên Ba Sanh ghen, đòi lại cửa hàng không cho thím Tư thu tiền nữa. Thím Tư uất giận, tìm cách trả thù, mà một khi đàn bà để tâm thù, thì không có gì là họ không dám làm. Thím Tư có đứa con gái lên sáu, không biết con của người “chồng” nào, trong số những người chồng thường đi lại với thím. Đứa bé vẫn ngủ với Ba Sanh, mỗi khi Ba Sanh ngủ đậu lại ở nhà thím. Một tối nọ, thím Tư vờ làm lành với Ba Sanh, dụ cho Ba Sanh tới nhà, rồi vứt đứa bé vào giường Ba Sanh. Sớm hôm sau, thím Tư lấy một vật cứng làm sây sát, chảy máu âm hộ đứa bé, rồi chu choé, la ầm lên là Ba Sanh đã hiếp dâm con gái mình. Nội vụ đưa ra xử tại phiên Tòa Đại hình. Trước Tòa, thím Tư bù lu bù loa, ôm lấy luật sư bên bị, khóc kể lể rằng:
– Nếu con tôi không bị con quỉ sống nọ phá vỡ trinh tiết, thì sau này, thế nào nó chả lấy được chồng sang trọng như luật sư đây!
… Tới đây, Hổ nhìn hai người, hỏi:
– Thế rồi, tòa xử! Hai anh có thể đoán được tòa xử thế nào không?
– Tha bổng chứ còn xử cái gì?
– Bảy năm khổ sai! Hổ bình tĩnh đáp…
– Bảy năm khổ sai! Anh nói đùa hay nói thiệt?
– Sự thực thì Ba Sanh hiện đang còn đền tội ở khám Chí Hòa, và chỉ đợi hết hạn để ra phục hận!
Văn lắc đầu:
– Thế luật sư bên “bị” ở đâu, mà không biện hộ cho Ba Sanh?
Hổ chép miệng:
– Chính luật sư bên “bị” cũng mất tinh thần vì bị thím Tư ôm trước tòa, bù lu bù loa, nên không còn bình tĩnh bênh vực thân chủ nữa. Cho đến cả cử tọa cũng đinh ninh rằng, không có lý nào một người đàn bà có thể bịa đứng một chuyện ghê sợ như vậy, để hãm hại người tình!
Câu chuyện rùng rợn, làm Văn lặng người, trong một cảm xúc thương xót lẫn buồn nôn. Chàng hỏi Hổ:
– Người đàn bà sau đó có bao giờ bị hối hận rày vò không?
Hổ cười:
– Làm gì có chuyện hối hận! Lát nữa bà ta xuống, anh nhìn bộ mặt bà ta, xem có bóng dáng của hối hận không?
Giữa lúc đó, đứa bé ở trên gác xuống, nói với Hổ:
– Má xuống ngay bây giờ. Má đang hút giở, sắp xong!
Phan, Văn chăm chú nhìn đứa bé. Mặt nó quắt, hai mắt lơ láo. Nhìn đứa bé, Văn không ngăn nổi một mặc cảm bứt rứt, như chính mình là người có tội đối với những đứa trẻ sinh ra đời mà không được sống, được hưởng cái tuổi ngây thơ, hồn nhiên của chúng…
Phan hỏi Hổ:
– Thím Tư xuất thân là người thế nào?
– Hình như xuất thân là một thôn nữ, mỗi buổi sáng chỉ biết đánh răng bằng ngón tay trỏ, đút vào miệng, và không biết đếm quá sốt trăm. Năm 17 tuổi, nàng đi đốn củi, bị một tốp lính tây đen đi tuần, bắt nàng về đồn hãm hiếp. Đó là vào khoảng năm 1945 – khi chiến tranh Việt Pháp bùng nổ. Một tháng sau, bà đã thành bà “quản”, vận đồ đầm, nói tiếng Pháp kiểu “moa ba con nết, túa duy lũy phe ồm ộp”. Hai năm sau, nàng thành chủ nhà chứa, và từ trên mười năm nay, bà đã lên hàng ngũ những tay tổ trong nghề…
Ngay lúc đó, thím Tư ở trên lầu bước xuống, gật đầu chào Văn, Phan rồi ôm chầm lấy Hổ:
– Trời ơi! Chồng tôi bỏ tôi tới bốn, năm tháng mới trở lại. Em nhớ anh quá, lần này về có mang tiền cho em không?
Hổ lắc đầu:
– Vẫn ba đào, rách lắm em ạ!
Rồi chàng chỉ vào Văn, Phan, giới thiệu:
– Đây là ông… Văn và ông… Phan. Hai ông anh tôi là người đạo mạo, rất sẵn tiền, chưa bao giờ biết thế nào là “ổ nhện”, nên hôm nay, tôi đưa lại đây giải trí. Em phải làm thế nào cho các “đại ca” hoàn toàn vừa ý khi ra về!
– Được, được! Nhất định là các đại ca phải hài lòng!
Nghe Hổ kể chuyện về thành tích của thím Tư, Văn cũng như Phan đinh ninh thím Tư phải là một quái thai, một mụ Tú Bà ghê tởm nhất. Nhưng khi thấy mặt thím Tư, hao hao có bộ điệu, giọng nói của một “mệ” về già, hơn là một chủ nhà chứa, hai người không khỏi ngạc nhiên. Không những thế, thím Tư tuy đã đứng tuổi, vẫn còn một vài nét độc đáo, của người đã từng trải, tiếp xúc với đủ hạng người.
– Để em lên gác sửa soạn và cho gọi các “dì” nó tới hầu tiếp các anh nhé!
Người đàn bà bước lên cầu thang, Văn nhìn theo, nói với bạn:
– Tôi tưởng mụ ta không còn có gì là “con người” nữa, ai ngờ bề ngoài cũng chả khác các bà “lương thiện” mấy!
Hổ bèn lên tiếng tán tụng thím Tư:
– Lưu manh, đểu cáng như vậy, nhưng cũng biết đối xử hào hùng ra phết đấy! Chồng hờ, rách rưới như Hổ này, mỗi lần tới đều được cung phụng, đủ mọi thứ: ăn, hút thả cửa; và lúc nào chán, bỏ đi, “nàng” cũng không quên dúi vào túi cho năm, bảy chục, một vài trăm làm tiền xe pháọ.. Kể cũng gọi là chu đáo và đẹp đấy chứ!
Văn lắc đầu:
– Thế thì trời cũng không hiểu nổi thím Tư của anh thuộc loại “quái thai” nào!
Ngay lúc đó, thím Tư đã trở xuống, hỏi Hổ:
– Quên chưa hỏi các anh, định dùng những gì, định gọi mấy “em”, để cho đi gọi.
– Một “em” thật “chiến” thì bao nhiêu tiền?
– Cũng tùy ở chỗ các anh muốn loại nào? Nữ sinh 16 tuổi cũng có. Thiếu nữ 20 tuổi bán hàng cũng có, gái góa, gái nạ dòng cũng có. Béo cũng có, gầy cũng có…
Nghe thím Tư kể đến “nữ sinh 16 tuổi”, Phan đưa mắt nhìn Văn; còn Hổ cười bô bô nói:
– Nữ sinh 16 thì chắc là học trò ông Văn! Nhưng đó là thứ “thiệt” hay thứ giả đó hở… mình?
Thím Tư trợn mắt, tức giận như một nhà đạo đức bị xúc phạm tới danh dự:
– Ai thèm đưa thứ giả! Có thẻ học sinh hẳn hòi mà!
Văn cười, hỏi:
– Thẻ học sinh trường nào?
– Trường “Lạc Long”… Các ông không biết đó là cái ổ mãi dâm à!
Văn thở phào, khoan khoái, vì Văn chỉ sợ thím Tư nói trúng ngay trường của Văn. Văn nhớ lại, cách đây hai tháng, văn phòng nhà trường nhận được một cái trát của Biện Lý Cuộc đòi một nữ sinh Đệ Ngũ của trường Văn phải ra phòng dự thẩm về tội “thông gian”. Văn cho gọi nữ sinh đó lên, nữ sinh Hồ Lệ, và Văn đã bàng hoàng khi thấy Hồ Lệ chính là nữ sinh trưởng lớp, không những nổi tiếng hoa khôi của lớp, mà còn nổi tiếng ngoan, nhu mì, chăm chỉ và nhất là dễ khóc… Văn đưa cái trát cho nữ sinh, không dám hỏi lý do tại sao nàng lại bị gọi ra phòng dự thẩm. Văn sợ không muốn nghe sự thực hoặc những lời nói dối của người nữ sinh. Buổi trưa hôm đó, Văn về nhà, bần thần nghĩ ngợi, bỏ cả bữa ăn. Văn tự cho mình là kẻ chán chường, rạc rài, không còn biết ngạc nhiên trước bất cứ chuyện gì, thế mà cái chuyện Hồ Lệ bị đòi ra phòng dự thẩm cũng làm cho chàng “ngã ngửa”, như vừa ở trên chín từng mây rớt xuống vực thẵm, không hiểu nổi đời là thế nào, sống là thế nào nữa!
Nửa đùa, nửa thật, Văn hỏi thím Tư:
– Có phải tên là Hồ Lệ không?
Thím Tư trố mắt nhìn Văn:
– Sao ông biết? Mới đi khách mà! Vâng! Tên là Hồ Lệ… Nhưng Thủy Lệ chứ không phải Hồ Lệ.
Hổ cười lớn:
– Thì Thủy Lệ cũng như Hồ Lệ!
Văn hỏi tiếp:
– Nhưng người Bắc hay người Nam?
– Người Bắc!
Văn thở ra như vừa thoát khỏi một cơn ác mộng. Hồ Lệ là người miền Nam, vậy không phải là Thủy Lệ của thím Tư. Văn điềm nhiên bảo thím Tư:
– Vậy thím cho gọi ai thì gọi, miễn là không phải Thủy Lệ. Còn các anh cần gì cứ gọi.
Hổ tiếp lời:
– Tôi thì chỉ mười đồng ba xị đế và một đồng cân thuốc là thấy… “thiên đường” rồi, còn anh Phan thì… một “thiếu nữ bán hàng”, có phải không anh Phan?
Phan vội xua tay:
– Chết! Tôi không “gì” cả. Tôi chỉ đến đây làm “quan sát viên” cũng đủ rồi.
Văn lắc đầu:
– Không được! Anh không thể chỉ đóng vai quan sát viên! Tối hôm nay, anh là vai chính. Chúng tôi sở dĩ tới đây là vì anh. Anh không thể từ khước cái gì cả. Từ khước là chưa… dứt khoát tư tưởng…!
Phan cười hồn nhiên:
– Tôi sẽ không từ khước cái gì cả. Tôi sẽ sống thật nhiều “ba xị đế” với anh Hổ. Tôi sẽ hút cả thuốc phiện cho các anh coi… Nhưng còn cái khoản đàn bà thì rồi sẽ có, nhưng xin cứ để từ từ…
Hổ thích chí, vỗ tay:
– Tiến bộ! Tiến bộ lắm! Nhưng anh Phan hút thuốc phiện bao giờ chưa?
– Chưa.
– Thế thì anh lại cần phải hút. Nguồn hạnh phúc duy nhất đấy anh ạ! Có phải Nguyễn Thái Học đã nói: “không thành công, thì thành nhân” phải không?
Văn cười:
– Nguyễn Thái Học thì dính dáng gì cái hút thuốc phiện của anh, mà anh ngoắc cả nhà anh hùng dân tộc vào?
– Tôi chưa nói hết… “không thành công thì thành nhân” đúng lắm! Nhưng không “thành nhân” thì làm cái gì?
Văn đỡ lời:
– Thì hút thuốc phiện!
Hổ vỗ tay:
– Ấy đấy. Không thành công thì hút thuốc phiện! Thật là một chân lý!
Văn chép miệng:
– Chỉ khổ cho tôi, tập hút thuốc phiện mãi vẫn không thấy thích, vẫn không nghiện nổi. Có lẽ cái số kiếp tôi còn phải… thành công một lần, nên trời chưa muốn bắt nghiện thuốc phiện chăng?
Thím Tư nghe ba người nói chuyện toàn những điều mà thím cho là mơ hồ, cám hấp, và nhất là không thấy ba người đá động gì đến chuyện giá cả, tiền nong, thì phát bực, vỗ tay vào đùi Hổ thật kêu, thúc giục:
– Thôi các anh tính sao thì tính cho sớm để kịp cho gọi.
Hổ đưa mắt nhìn Văn. Văn vừa mới vay lương non ở Tòa Báo được mấy ngàn, liền móc ví, lấy ra một ngàn, đưa cho Hổ. Hổ trao cho thím Tư, hất hàm hỏi:
– Đủ chưa? Cả gái, thuốc phiện và ba xị đế!
Thím Tư bấm ngón tay, tính toán:
– Gái năm bách này; thuốc phiện hai bách này… vị chi là bảy bách; ba xi đế, cam, lê, táo hai bách nàỵ… vị chi là chín bách. Còn một bách xe pháọ… là vừa đủ nếu các anh chỉ dùng một…
… Thím Tư đi rồi. Văn và Phan lững thững theo Hổ lên gác. Gian gác chia làm hai phòng, một phòng ngủ và một phòng hút thuốc. Gọi là hai phòng cho oai, nhưng sự thực, thì hai phòng chỉ ngăn cách bởi một bức rèm kéo, bằng vải, bỏ cái rèm đi thì hai phòng chỉ là một, và dù có bức rèm chăng nữa, người nằm hút bên này cũng nghe rõ tiếng nói, cười và có nhẽ cả tiếng thì thầm của người ở bên kia phòng. Phòng ngủ vỏn vẹn có một cái giường gỗ, trải đệm trắng, một cái tủ gương và một cái “bô”, một cái chậu “cổ điển” của những phòng ngủ bán ái tình. Phòng hút có một sập, trên đó phủ một tấm da hổ đã sờn hết cả lông. Dụng cụ bàn đèn thì sơ sài, vá víu, chắp nối, cái dọc tẩu một kiểu, cái nhĩ một kiểu, cái chụp đèn là một cái ly khoét trôn. Văn đưa mắt nhìn phòng ngủ, phòng hút, rồi lại nhìn mặt Phan. Nhưng bộ điệu, nét mặt Phan vẫn thản nhiên như nhà đó là nhà chàng, gác đó là nơi chàng đã lui tới nhiều lần…
Đứa bé mang thuốc, rượu ba xi đế cùng một đĩa khô mực lên. Hổ bèn đóng vai chủ nhà: lấy ly, rót rượu mời hai người nhậu nhẹt, rồi chàng loay hoay châm đèn, thử lại cái dọc tẩu xem có hở không.
Hổ nốc một hơi cạn cả ly rượu vừa rót đầy, rồi chàng cởi áo “sơ mi”, treo lên mắc, nằm dài ra sập, miệng nói:
– Để tôi tiêm cho các anh hút nhé!
Văn không biết uống rượu, chỉ nhấp một chút xíu cũng đỏ mặt, nên chàng chỉ nhấm nháp lấy lệ. Văn không ngờ Phan cũng là một tửu đồ hữu hạng. Thấy ly của Phan đã cạn, Văn vội rót tiếp, Phan không từ chối, đưa lên môi, làm một hơi cạn ly thứ hai. Khiến Văn phát hoảng:
– Chết chửa! Tửu lượng của anh cũng vào hàng Lưu Linh mất rồi!
Phan cười nụ:
– Chứ đâu có như anh!
Rồi Phan bảo Hổ:
– Đã “nhậu” thì nhậu cho “đã”. Tôi chưa hề biết say bao giờ. Anh bảo nó mua lấy một chai “lít” nữa! Hôm nay tôi cũng muốn say lắm.
Hổ vừa gật đầu lia lại, vừa lăn điếu thuốc trên mặt nhĩ. Mùi thuốc nướng thơm tỏa bay ngào ngạt. Làm xong điếu thuốc đầu tiên, Hổ đưa dọc tẩu sang phía Phan:
– Nào mời anh khai mạc!
– Thì hút!
Phan kéo một hơi dài, tiếng vo vo ròn và kêu, không khác một dân nghiền chính cống. Hổ vừa chiếu đèn cho Phan hút, vừa khen tấm tức:
– Hút thế này mới là hút chứ! Còn ông Văn kéo thì chán mớ đời!
Phan hút xong điếu thuốc, chiêu ngụm nước nóng cho khói vào bụng, rồi ngửa mặt nhìn trần nhà, từ từ nhả chút khói còn lại, trong khi đó, Văn không ngớt quan sát, lặng ngắm sắc diện Phan, thấy Phan vẫn thản nhiên, bí mật như thường.
Hết điếu này tới điếu khác, mỗi lần Hổ đưa dọc tẩu cho Phan, Phan đều không từ chối, khiến Văn kinh ngạc hỏi:
– Anh bảo chưa hút thuốc phiện bao giờ, sao anh kéo giỏi và thành thạo thế?
Phan mắt nhắm, như còn đắm đuối trong cái khoái đi mây về gió, chậm rãi trả lời Văn:
– Tôi nói dối anh làm gì! Đây là lần đầu tiên tôi hút, cũng như lần đầu tiên tôi tới “ổ nhện”. Nhưng cái “tạng” tôi lạ lắm. Bình sinh tôi chưa biết say cái gì, kể cả rượu, cờ bạc, thuốc sái, trừ có hồi còn niên thiếu, tôi đã có một lần saỵ… say một người đàn bà.
Hổ và Văn cũng phá lên cười:
– Anh mà cũng saỵ… gái!
– Say hơn các anh là đàng khác.
– Anh kể đi! Kể cho nghe chuyện anh say gái nào.
Tiếng Phan như từ quá khứ dâng lên:
– Khoan! Anh Văn bỏ tiền mua thêm một “chỉ” thuốc phiện nữa đi!
Ngay lúc đó, có tiếng léo xéo từ dưới nhà đưa lên. Văn phân biệt thấy tiếng dép của Thím Tư và tiếng giày cao gót của một người đàn bà khác. Hổ nháy mắt nói với Văn:
– “Nàng” tới đó!
Tiếng giày nện lên cầu thang, khiến Văn sượng sùng nhìn Hổ, Phan. Hổ vẫn “phớt” tỉnh, còn Phan thì vẫn lạnh lùng, tưởng chừng Phan không nghe thấy cả tiếng chân bước của họ.
Thím Tư đã lên hết cầu thang, còn người đàn bà vẫn còn đứng giữa cầu thang, ngó lên, không chịu bước nữa, khiến thím Tư thúc giục:
– Lên đây em! Làm “con… gái” cái con mẹ gì nữa! Các ông trên này toàn là người tử tế, đứng đắn cả mà!
“Tử tế! Đứng đắn!” Nghe mấy tính từ của thím Tư tặng bọn chàng, Văn và Phan đều vô tình đưa mắt nhìn nhau, cùng có cảm tường là thím Tư hỏi lai lịch của mình với Hổ và biết rõ bọn họ là ai!
Người con gái vẫn không nhúc nhích, khiến thím Tư phải dỗ dành:
– Ô kìa! Lên đây cô Thủy Lệ! Các ông giáo ở trên này, chứ ai đâu!
Văn tái mặt, thụi vào lưng Hổ, nói nhỏ:
– Ô kìa! Đã bảo bà ta đừng gọi “của nợ”, mà sao lại thấy kêu “Thủy Lệ” với “Hồ Lệ” rối rít thế kia có bỏ mẹ không!
Hổ đặt cái dọc tẩu xuống khay đèn, nhổm dậy, đi chân đất tới cầu thang, miệng bô bô:
– Nào em Thủy Lệ đâu! Lên cho các anh chiêm ngưỡng dung nhan một chút nào!
Rồi Hổ bước xuống cầu thang, cầm tay Lệ, lôi xềnh xệch nàng lên, khiến Lệ vừa bước, vừa kêu:
– Bỏ tay em ra! Bỏ tay em ra!
Lệ chỉ mới độ 16 tuổi, không đẹp, không xấu, nước da nàng hơi nhợt và quầng mắt thâm. Lệ vận một bộ đồ đầm rẻ tiền, nhưng sạch sẽ. Nếu gặp ngoài đường, người ta vẫn có thể đinh ninh Lệ là một nữ sinh trường Đầm. Vừa thoáng nhìn nét mặt non choẹt của Lệ, Văn sừng sộ với thím Tư:
– Đã bảo đừng gọi cô bé này tới, sao bà vẫn cứ gọi?
Thím Tư ấp úng chống chế:
– Dạ, nhưng những người khác đều đi khách vắng, chỉ còn có mình cô này.
Rồi thím Tư biện hộ:
– Ông nhìn cô này cũng ngon lành lắm, ăn đứt các cô khác, chứ kém gì?
Người con gái tưởng Văn chê mình, nên tiu nghỉu, sầm nét mặt, ra chiều thất vọng, nghĩ đến cảnh huống bị đuổi về mà không được chút tiền nào. Văn tinh ý, vội giải thích cho người con gái khỏi buồn:
– Cô Lệ đừng vội hiểu nhầm là chúng tôi không ưng cô! Bọn này nhiều tuổi, đã dặn bà chủ mời một bà đến nói chuyên cho vui. Nhưng lại mời được cộ.. thì cũng chả sao. Ngồi xuống đây Lệ… Tuổi Lệ năm nay bao nhiêu?
Người con gái cúi gầm mặt, ngồi xuống, nói trong cuống họng, hai chữ cụt ngủn:
– Mười sáu!
Văn hỏi Phan:
– Tuổi thực anh bao nhiêu?
– Bốn mươi tám!
Hổ tủm tỉm cười:
– Bốn mươi tám và mười sáu, vừa đúng gấp ba! Đẹp đôi chán!
Văn phụ họa:
– Họa sĩ Picasso tám mươi lăm mà lấy vợ hai mươi haị… thì sao?
Biết hai người định tâm gán Lệ cho mình, Phan nghiêm nét mặt, đường hoàng bảo Lệ:
– Cháu Lệ đừng có nghe hai ông bạn của bác nói đùa mà tưởng thực. Các bác tới đây chỉ là để nhậu nhẹt, cho gọi cháu tớị… nói chuyện cho vui, chứ không có ý định gì khác…
Nghe Phan nói, Thủy Lệ ngơ ngác, không hiểu bọn Phan là hạng người nào. Lệ mới nhập tịch làng mãi dâm chưa quá một năm, nhưng nàng cũng đã bị một, hai lần bọn con trai quit tiền công, nên khi nghe Phan nói chỉ gọi nàng tới nói chuyện, Lệ đâm băn khoăn lo lắng, không hiểu có được trả tiền hay không – nếu bọn Phan chỉ gọi nàng đến “nói chuyện”. Lệ lấm lét nhìn bọn Phan, muốn hỏi cho dứt khoát. Văn thấy nét mặt đăm chiêu của Lệ, hiểu ngay thắc mắc của Lệ, bèn nói với Lệ:
– Tuy chỉ là gọi đến nói chuyện, nhưng vẫn trả tiền cho Lệ như thường. Đừng sợ…
Nghe Văn nói huỵch toẹt sự lo lắng của mình, Lệ cười, tươi tỉnh ngay lại. Còn Hổ thì thấy câu chuyện đổi chiều và nghe cách xưng hô “bác”, “cháu” của Phan, Hổ lắc đầu, nói với thím Tư”:
– Đến đây mà các “cha nội” cũng vẫn đạo mạo, xài toàn “bác bác”, “cháu cháu”, thì còn gỡ gạc vào đâu!
Rồi chừng như chưa hết bực tức vì thái độ mà Hổ cho là “đứng đắn không đúng chỗ” của Văn, Hổ chỉ Văn và Phan, nói với Lệ:
– Đây là hai ông “thầy đời”, hai giáo sư Văn, Phan, nữ sinh Thủy Lệ còn đợi gì mà không lạy thầy đị…
Nghe nói đến tên Văn, Lệ đột nhiên chăm chú nhìn Văn, rồi chớp mắt luôn hai ba cái, ấp úng hỏi Văn:
– Có phải thầy là thầy Văn, Ba của chị Thu không?
Văn sửng sốt nhìn Lệ, vẫn không nhân ra Lệ là ai:
– Sao Lệ biết, cái Thu, con tôi.
Sự vui mừng được gặp “thầy” cũ, làm Lệ quên phứt khung cảnh ngang trái của sự gặp gỡ. Mắt Lệ sáng lên, nàng ôm choàng lấy cánh tay Văn, nói như reo:
– Thầy quên rồi sao? Con là Thục, bạn với chị Thu ở Đệ Lục, thầy quên rồi sao?
Văn nhíu đôi lông mày nhìn Lệ, và khi Lệ nói đến tên Thục, Văn chợt nhớ ra. Chàng buông thõng hai tay, lắc đầu nhìn Lệ, và chàng phải cố trấn tĩnh, để cho giọng chàng khỏi thành một tiếng kêu thương:
– Trời ơi! Con Thục! Sao đến nông nỗi này hở con? Mà sao mày chóng lớn thế! Sao mày lại làm cái nghề này hở con?
Mãi tới lúc đó, Lệ mới ý thức được thực tế phũ phàng của cuộc gặp gỡ: nàng không còn là một nữ sinh nữa!
Và cái giây phút vui mừng, bồng bột được gặp thầy cũ tan biến ngay, nhường cho niềm tủi nhục, khiến Lệ cúi đầu không dám nhìn Văn, trong khi Hổ vừa hút xong điếu thuốc, cất giọng cười khanh khách mà Văn nghe như tiếng đổ vỡ của cuộc đờị…
– Chao ôi! Thế là “thầy trò gặp nhau”. Số kiếp tướng Văn là như vậy! Đi đến đâu cũng có chuyện, mà toàn là những chuyện động trờị… Vậy thì làm sao lại đến “lông lỗi” này hở cô Lệ, hay cô Thục?
Văn đang buồn, nghe Hổ nói giọng “nông nỗi” thành “lông lỗi”, cũng bật cười, lắc đầu nhìn Lệ. Lệ cúi gầm mặt, không dám nhìn Văn. Nước mắt Lệ trào ra, chảy thành dòng trên má, trên cằm, đổ giọt xuống cái ngực hở nửa chừng, làm Lệ sực nhớ tới cách ăn vận đĩ thõa của mình, và Lệ lại càng tủi, thẹn, không biết dấu cẳng, đùi để hở của mình vào đâu. Văn thở dài, đặt tay lên vai Lệ:
– Cứ khóc đi con ạ!
Nghe Văn nói, Lệ òa lên khóc thành tiếng. Nước mắt như gội rửa tâm hồn cô bé mãi dâm, để Lệ trở về với sự trong trắng của đời nữ sinh, Lệ vừa khóc, vừa kể lể hoàn cảnh của mình: cha chết, mẹ đi lấy chồng, Lệ ở với dượng, người dượng manh tâm lợi dụng nàng, Lệ bỏ nhà ra đi, sa vào ổ mãi dâm: một chuyẹn tầm thường không có gì đặc biệt, kỳ lạ, như bước đường cổ điển của tất cả những người con gái sa cơ lỡ bước. Ba người lặng yên nghe Lệ khóc. Văn im lìm, câm nín, nghe tiếng sèo sèo của thuốc phiện nướng, tiếng thổn thức của Lệ, thấm vào tâm hồn cô liêu của mình. Nghe Lệ khóc, Văn đột nhiên nhớ lại hồi niên thiếu, ở quê nhà, anh ruột Văn bị lao, từ trần. Mẹ Văn, những buổi chiều mưa gió, nhớ con, ngồi ở thềm nhà ngang, cất tiếng khóc ai oán, kể lể như các bà mẹ thôn quê, thường khóc thành những bài khóc có vần, có điệụ… “Con ơi! Nhà cao cửa rộng, con không ở, con ra nằm ngoài đồng, giời mưa giời gió, ai bưng cơm, rót nước cho con… Con ơi! Lá vàng còn ở trên cây, lá xanh rụng xuống, trời ơi là trờị…”. Mỗi khi tiếng khóc của mẹ Văn cất lên, Văn điên cuồng, phải bỏ nhà chạy ra ngoài ngõ, mà tiếng khóc của mẹ chàng vẫn văng vẳng đuổi theo chàng. Văn biết trong khi mẹ chàng khóc, mẹ chàng còn đắm đuối trong tiếng khóc, nên không buồn bằng chàng là người nghe khóc. Và Văn tự nhủ: “Suốt đời, ta chỉ là người nghe khóc”.
… Lệ khóc một thôi, một hồi, thấy không ai khuyên mình nín, nàng đành lấy khăn lau nước mắt, rồi hỏi Văn:
– Thu nói vẫn đi học, hở thầy?
– Ừ, nó vẫn đi học. Nó vừa thi đậu. Mà con bỏ học đã mấy năm rồi?
– Hơn hai năm, từ hồi ở Đệ Lục đó thầy!
Từ lúc hai thầy trò nhận ra nhau, Phan vẫn nằm im, mắt nhắm, gương mặt như tạc bằng cẩm thạch. Thỉnh thoảng Hổ tiêm xong điếu thuốc, đặt cái dọc tẩu lên tay Phan, thì Phan lại mở mắt, kéo một hơi, rồi lại nhắm mắt. Có nhẽ Phan say thuốc phiện, say rượụ… Nhưng cũng có nhẽ Phan không say gì cả, tâm hồn chàng đang bừng sống với những hình ảnh của một quá khứ tưởng chừng đã chết, mà tiếng khóc của Lệ cùng khói thuốc và hơi men vừa làm nổi dậy trong lòng chàng…
Đột nhiên, Hổ nói với Phan:
– Anh Phan có đứa con nuôi nào chưa?
– Không!
– Vậy tốt hơn hết là cô Lệ làm con nuôi anh Phan, để anh Phan gây dựng lại cuộc đời cho cô ấỵ.. Có phải không anh Văn?
Văn cười, không đáp. Phan cũng cười, nhìn Lệ:
– Nếu việc đời cái gì cũng giải quyết, một cách giản dị như ý muốn của anh Hổ, thì làm gì có chuyện thương tâm… Nhưng may ra thì tôi có cách giải quyết ổn thỏa, hơn lời đề nghị của anh Hổ.
Văn vội hỏi:
– Cách thế nào?
– Bảo cháu Lệ nó sang nghỉ ở giường bên kia. Nó vừa trải qua con xúc động, không nên nghe chuyện của chúng mình…
– Anh nói đúng…
Rồi Văn nói với Lệ:
– Đi sang bên này, con.
Lệnh ngoan ngoãn theo Văn. Nhìn cái giường trải đệm trắng, với hai cái gối, Văn không khỏi gượng… nhìn Lệ, và trong con mắt Lệ, Văn lại chợt nhìn thấy ánh mắt của cô gái mãi dâm. Văn thở dài lần thứ hai, nói với Lệ:
– Con nằm nghỉ đây một lát, rồi thầy sẽ đưa về… À con ở gần đây không?
– Cách đây độ hai trăm thước.
– Ở với ai?
– Với hai ba đứạ.. như con!
Văn bảo Lệ nằm xuống. Chàng lấy cái mền ở đầu giường, phủ lên người Lệ, Văn có cảm tưởng như chàng đắp mền cho một đứa con đang lâm bệnh nặng. Đắp xong, Văn vội vàng kéo màn, ngăn đôi hai phòng, rồi đi sang chỗ Hổ và Phan.
Phan lim dim mắt, hỏi Hổ:
– Có còn “ba xi đế” không?
– Còn gần nửa lít!
– Cho tôi xin một ly nữa!
Hổ lặng lẽ rốt đầy ly rượu đưa cho Phan. Phan làm một hơi cạn ly, rồi lại nằm xuống, không nói không rằng. Đợi một lúc, thấy Phan vẫn im lìm, Văn lên tiếng hỏi:
– Anh vừa nói, có cách giải quyết ổn thỏa cho Lệ, vậy cách giải quyết của anh thế nào?
Vẫn không mở mắt, Phan nói như trong giấc mơ:
– Nhờ Hổ đi gọi Phi Yến tới đây!
Văn và Hổ đều sửng sốt:
– Anh bảo sao? Đi gọi Phi Yến cho anh à! Anh quen Phi Yến?
– Quen.
– Quen thế nào?
– Quen thân.
– Thân thế nào? Từ bao giờ?
– Thân lắm, cách đây hơn hai mươi năm!
Văn hiểu ngay và chàng lắc đầu nhìn Phan. Hổ lỗ mãng hơn, hỏi Phan:
– Phi Yến là người yêu ngày xưa của anh phải không?
Nghe đến hai tiếng “người yêu”, Phan mở mắt, trả lời Hổ:
– Anh biết cũng thế thôi! Nhờ anh đi gọi giùm tôi Phi Yến, anh có vui lòng không?
– Dạ! Vui lòng lắm chứ! Vậy bảo lại ngay đây?
– Vâng, anh cứ nói giùm là có tôi cần gặp bà ta. Tôi tin là nghe anh nói, bà ta sẽ tớị.. Lúc này có nhẽ tôi hơi say, lại thêm phải giải quyết chuyện cháu Lệ, nên mới cần gặp, chứ ngày mai, thì chắc… hết cần rồi.
Hổ nhanh nhẩu mặc quần áo, bước mạnh xuống cầu thang, hùng dũng như hồi chàng chỉ huy những trận đánh đêm quyết chiến với kẻ thù…
Thím Tư ơ dưới nhà đi lên, thấy Hổ bước xuống, vội hỏi:
– Mình đi đấy à?
Hổ ôm thím Tư hôn đánh “choẹt” thành một tiếng, bảo thím:
– Lên bảo anh Văn đưa thêm tiền mua thuốc phiện. Lát nữa anh trở lại. Lý thú lắm mình ơi!
Hổ đi rồi, Phan lấy chai rượu “đế” rót một ly, không biết là ly thứ bao nhiêu. Văn tỏ ý băn khoăn:
– Anh uống nhiều vậy, còn đâu tỉnh táo mà gặp Phi Yến?
Phan lừ đừ trả lời:
– Tôi muốn “con người say” của tôi gặp Phi Yến, hơn là “con người tỉnh” của tôi gặp bà!
– Anh sợ tỉnh thì không đủ can đảm gặp “người cũ” hay sao?
– Không phải là không đủ can đảm. Nhưng say mà gặp thì vẫn hơn!
Mà Phan đã bắt đầu say thực sự! Nhưng cái say của Phan là cái say của Phổ Chiêu thiền sự Phạm Thai, càng sai càng lỳ: Mặt Phan chỉ tái đi chứ không đỏ. Uống hết ly rượu cuối cùng, Phan buông ly, nằm sóng xoài, tâm hồn phiêu diêu, chập chờn như đã lì khỏi xú xác trần gian. Phân thiêm thiếp mê đi lúc nào không biết. Phan nằm im, mắt nhắm, hơi thở đều đều. Văn lấy tấm mền phủ lên người Phan.
Văn nhìn Phan ngủ, nhìn ngọn đèn dầu lạc hiu hắt và gian phòng nửa tối nửa sáng, tự nhiên Văn thấy cô đơn lạ lùng, có cảm tưởng như trong lúc này, cả thế gian đều ngủ, duy có một mình Văn là bị đày đọa phải thức để mang hộ cái buồn dương thế cho mọi người. Chàng cất tiếng gọi Lệ:
– Lệ ngủ rồi à!
– Thưa thầy, con vẫn thức đấy ạ!
Thím Tư và Lệ đang thì thầm to nhỏ với nhau ở giường bên. Văn thoáng nghe tiếng Lệ nói: “Em không lấy đâu”! Hình như là thím Tư chia tiền cho Lệ, mà Lệ chê ít không chịu lấy. Sự phỏng đoán của Văn càng làm Văn ngao ngán, gọi hai người:
– Mời thím Tư sang bên này. Cả Lệ nữa!
Thím Tư và Lệ vừa sang, Văn hỏi luôn:
– Hai người thì thầm chuyện gì vậy?
Thím Tư thẳng thắn đáp:
– Tôi đưa tiền cho cô Lệ, nhưng cô nhất định không lấy, nhường tất cả cho tôi. Vậy tôi hoàn lại anh phần của Lệ…
“À, ra thế! Thì ra đời cũng chưa hoàn toàn ghê tởm như ta tưởng. Người đàn bà táng tận lương tâm như thím Tư, cũng vẫn phân minh về tiền bạc, hơn cả những kẻ ăn cắp, đội lốt đạo đức, đội lốt chính trị trong xã hộị…”. Văn tự nhiên thấy đỡ nản và ôn tồn bảo thím Tư:
– Thôi thím Tư giữ cả đi. Lệ nó không lấy là phải. Thím Tư tiêm thuốc mà hút cho vui.
Thím Tư nằm xuống, Lệ ngồi phía chân thím. Thím Tư hút luôn ba điếu, rồi hỏi Lệ:
– Cô Lệ dùng một điếu cho tỉnh người nhé?
Lệ ngượng ngập, lắc đầu, đảo mắt nhìn Văn. Văn sửng sốt:
– Chết chưa? Lệ cũng biết hút à?
Thím Tư đỡ lời:
– Thỉnh thoảng cô ấy cũng hút đấy. Nhiều khi “khách” họ bắt ép thì cũng phải chiều họ. Rồi hút dần cũng thấy thích, nhất là đỡ mệt…
Văn lo sợ, hỏi Lệ:
– Vậy con đã nghiện chưa?
Thím Tư cười ròn rã, trả lời hộ Lệ:
– Đã nghiện thế nào được! Mới thấy thích thôi!
– Thấy thích là bắt đầu nghiện rồi còn gì nữa!
Lệ vội bào chữa:
– Con đã biết thích đâu! Chỉ lúc nào buồn, họ bảo hút thì hút thôi.
Lời bào chữa ngây thơ của Lệ làm Văn phì cười.
Ngay lúc đó, có tiếng cửa mở ở dưới nhà, Văn vội nói nhỏ với hai người:
– Chắc là Hổ trở lại với Phi Yến, thím Tư và Lệ cứ ngồi yên xem tôi dàn cảnh, thử xem Phi Yến đối với Phan là thế nàọ…
Hai người gật đầu. Có tiếng Hổ bô bô:
– Mời chị lên gác. Anh ấy ở trên nàỵ…
Rồi Hổ cất tiếng gọi:
– Anh Phan ơi! Chị Yến đã tớị… Anh xuống đón chị…
Không thấy ai trả lời, Hổ ba chân bốn cẳng, bước mạnh lên cầu thang. Phi Yến lật đật bước theo sau.
Vừa trông thấy Phi Yến, Văn làm ra vẻ thất vọng, nói với Phi Yến:
– Chị đến có lẽ hơi chậm! Anh ấy nhớ chị nên uống nhiều rượu quá, bị trúng gió độc, ngất đi, gọi mãi không thấy tỉnh…
Vô tình, cả Hổ lẫn Yến đều mắc lừa. Hổ biến sắc, lẩm bẩm: “Sao chóng dữ vậy”. Còn Phi Yến thì tái mặt, run run đi tới chỗ Phan nằm. Thấy Phan nằm im, mắt nhắm, mình phủ mền, Yên đinh ninh là Phan sắp chết hoặc chết rồi, nàng chẳng còn kịp giữ gìn gì nữa, ôm choàng lấy Phan, khóc nức nở:
– Anh Phan! Anh Phan! Yến đây mà! Khổ quá anh ơi! Anh Phan!
Yến vừa khóc, vừa ôm Phan, lay Phan. Đột nhiên, Phan mở mắt, ngồi nhổm dậy, dụi mắt, đường hoàng chào Phi Yến:
– Bà… Bà… mới lại!
Văn vỗ tay reo:
– Sống lại rồi. May quá! Ái tình kỳ diệu thực!
… Thím Tư và Lệ cố bịt miệng để khỏi phá lên cười. Còn Phi Yến thì vẫn không để ý tới ai, không biết trời đất là gì cả, ngoài Phan! Phi Yến vẫn ôm lấy Phan:
– Nằm xuống anh! Kẻo gió. Anh đỡ chưa?
– Tôi có sao đâu! Phan vừa nói, vừa gỡ tay Phi Yến, cố thoát ra khỏi vòng tay chặt chẽ của Phi Yến. Phi Yến thì tin lời Văn là thực, cho rằng vì mình mà Phan “sống lại”, nên không chịu buông tha Phan, chỉ sợ buông, thì Phan lai té xỉu mất.
Phan gỡ thoát khỏi vòng tay chặt chẽ của Phi Yến, rồi nghiêm trang hỏi Yến:
– Thưa bà vẫn mạnh?
Yến lại nắm lấy tay Phan, rền rỉ:
– Anh! Anh đừng gọi em bằng “Bà” nữa! Anh nằm xuống kẻo bị trúng gió bây giờ!
– Không, tôi có làm sao đâu!
Văn, thím Tư, Lệ nhìn nhau, cố nhịn cười. Hổ như đã đoán được sự dàn cảnh của Văn, bèn cười lớn:
– Đúng rồi! Anh Phan nên nằm xuống, kẻo lần này trúng gió thực đấy. Cơn gió này xem ra dữ dội lắm!
Phan ngơ ngác nhìn bọn Hổ, không hiểu Hổ nói gì. Nhưng Phan vẫn trịnh trọng nói với Phi Yến:
– Sở dĩ tôi phải nhờ anh Hổ tới mời Bà, là để phiền bà chút việc, Bà có vui lòng giúp cho không?
– Việc gì em cũng xin vâng, nhưng anh hãy bỏ cái tiếng “Bà” đi. Anh chưa tha tội cho em sao?
Phan vội ngắt lời Yến, chỉ vào Lệ, nói:
– Đây là cô Lệ. Bà gặp cô Lệ ở đây thì Bà đã đoán được hoàn cảnh của cô. Tôi đã nhận Lệ làm… con nuôi, nhưng sự thực là tôi không đủ điều kiện để nuôi và gầy dựng cho Lệ. Vậy Bà có thể giúp tôi, lo lắng cho Lệ được không?
Phi Yến thoáng nhìn Lệ, rồi hỏi Phan:
– Anh gọi em, chỉ có vậy thôi ư?
– Dạ!
Phi Yến dằn từng tiếng:
– Chỉ có việc gửi gấm cô Lệ thôi?
– Dạ!
Biết Phi Yến sắp sửa òa lên khóc, Văn nói xen vào:
– Anh Phan tự dối mình thì đúng hơn. Tôi biết… Việc cô Lệ chỉ là một cái cớ… Tôi chẳng hiểu chị Phi Yến đã mắc tội gì với anh Phan. Nhưng anh Phan đã mời chị tới, tức là đã quên lỗi của chị rồi.
Phi Yến sung sướng nghe Văn nói, còn Phan thì hơi cau mặt, nói với Phi Yến:
– Sự thực nếu không có chuyện Lệ, thì tôi không dám mời bà tới. Vẫn biết là còn những kỷ niệm… Chúng ta nên sống với kỷ niệm, nhưng đừng khêu gợi kỷ niệm ra làm gì… Bà hứa với tôi là đừng bao giờ đả động đến quá khứ…
Biết Phan sẽ không bao giờ thổ lộ tâm tình trước một người thứ ba, Văn khẽ bấm Hổ, ra phía giường ngủ, thì thầm vạch kế hoạch cho Hổ, để Hổ bảo tất cả mọi người rút lui xuống dưới nhà cho một mình Phan và Phi Yến ở lại. Hổ làm theo kế của Văn, ra ám hiệu cho thím Tư và Lệ lặng lẽ chuồn. Người chuồn cuối cùng là Văn.
Xuống dưới nhà, Hổ khúc khích cười, nói đùa với Văn:
– Liệu Phan có bị Phi Yến… không?
Văn cười buồn:
– Xem chừng anh ấy cũng “đau khổ” lắm, thương nhớ Phi Yến lắm, nhưng không dám bộc lộ tâm tình… Chúng mình rút xuống thế này là đẹp lắm!
– Nhưng Phan và Phi Yến yêu nhau, rồi bỏ nhau ra sao, mà Phi Yến luôn luôn hỏi Phan đã tha tội cho bà ta chưa?
– Nào ai biết được! Mà biết làm gì… Cuộc tình duyên nào cũng như cuộc tình duyên nào! Yêu nhau, rồi đổ vỡ… Rồi hối tiếc… Nhưng… chuyện họ đã vậy, chuyện mình tính sao bây giờ? Hổ ở lại đây hay về?
Hổ chưa kịp trả lời, thì thím Tư đã lên tiếng:
– Anh Hổ phải ở lại với em chứ. Vợ chồng cách bao nhiêu lâu mới gặp nhau!
Hổ cười:
– Chả ở lại với mình cũng “đó nọ” biết ngủ đâu đêm nay! Vậy anh Văn đưa Lệ về à?
Thím Tư góp ý kiến:
– Đêm khuya, khó gọi taxi lắm, mà mưa vẫn chưa tạnh! Hay anh Văn và Lệ ngủ lại đây! Dưới nhà cũng còn đủ giường…
Giữa lúc đó, có tiếng Phan gọi Văn. Văn vội nói với thím Tư:
– Thôi chúng tôi chuồn đây! Kẻo Phan xuống bắt kịp chúng tôi. Cho tôi mượn cái áo đi mưa.
– Tôi chỉ có một cái thôi.
– Cũng chả sao. Hai thầy trò tôi chung một cái áo đi mưa cũng được. Cốt che đầu là đủ.
Thím Tư đưa áo đi mưa cho Văn, Văn chả kịp chào ai, nói với Lệ:
– Thôi về con. Đưa thầy tới chỗ con ở cho biết nhà, rồi mai mốt, thầy sẽ xuống thăm…
Hai thầy trò băng mưa ra đường…

Nguồn: http://vietmessenger.com/books/?title=song

Comments are closed.