“Buồm một cánh cô đơn, trong trắng…”

Khánh Phương

1.

Sách Nga văn lớp 12, những năm 1990 giới thiệu bài thơ “Cánh Buồm” của thi hào Nga Mikhail Lermontov (1814-1841). Bản tiếng Việt được chép lại đây theo trí nhớ là tổng hợp của hai bản dịch cô Nguyễn Thị Thục, cô giáo dạy Tiếng Nga đọc trên lớp cho chúng tôi, những học sinh lớp 12 của cô, nghe.

Cánh Buồm

Buồm một cánh cô đơn, trong trắng

Giữa muôn trùng biển sóng nhấp nhô

Nó tìm gì nơi dải đất xa xôi

Và để quên gì nơi miền quê yêu dấu?

Sóng chập chờn gió nổi lên nhè nhẹ

Buồm kêu lên, khe khẽ rít từng hồi

Vì hạnh phúc nó dửng dưng lặng lẽ

Chẳng kiếm tìm mà cũng chẳng buông xuôi

Dưới cánh buồm làn nước xanh như ngọc

Trên bầu trời nắng vàng ruộm từng không

Nhưng buồm day dứt đời bão tố

Dường trong bão tố có bình yên.

(Khuyết tên dịch giả)

Bài thơ ngắn ngủi, giản dị, và hoàn toàn không thách đố. Nó truyền tải đến người đọc ít nhất hai lớp nghĩa ẩn dụ. Thứ nhất, cánh buồm yêu thích đi xa, chấp nhận sứ mệnh đi vào bão táp, tìm thấy trong bão táp niềm vui thanh thản của chính mình. Lớp nghĩa ẩn dụ thứ hai tinh tế hơn, cần căn cứ vào những biểu tượng cụ thể mang tính khơi gợi hơn là nhắc lại sự tương đồng. Đó là, “cánh buồm cô đơn” (Vì sao cô đơn?), vị thế đứng giữa những điều quen thuộc (“miền quê”) và lạ lùng (“dải đất xa xôi”), tâm trạng “dửng dưng”, quay lưng với an toàn, thỏa mãn (xem bản tiếng Anh đối chiếu), khát vọng “nổi loạn”, “day dứt đời bão tố” (xem bản tiếng Anh).

Tình yêu đối với bão táp của Cánh Buồm hoàn toàn không nên và không thể diễn giải như khuynh hướng bạo động. Hành trình cô đơn của cánh buồm, trải qua những vị thế, tâm trạng, khát vọng… là hành trình tượng trưng của tâm tưởng giữa biển khơi của muôn vàn thử thách, hiểm nguy ngộ nhận. Đó là hành trình không thể thay thế của cá nhân xuất chúng gánh vác sứ mệnh của thời mình.

Bài thơ khuyến khích sự độc lập về tư duy trước mãnh lực của số đông, khả năng kiên định, bền bỉ chống chọi trước những trở lực để theo đuổi, bảo toàn sáng tạo và lý tưởng cá nhân.

Thông điệp mà bài thơ mang lại cho thời đại Lermontov, khuyến khích tuổi trẻ đi vào tâm bão của tư tưởng để kiếm tìm một con đường khai sáng nước Nga. Tiếp tục yêu thương và cống hiến cho lý tưởng ấy, người ta dễ trở nên lạc lõng hay thậm chí lập dị trong một thời đại kế tiếp mà hầu hết sống chỉ để vun vén cho bản thân mình.

Đồng thời, lý tưởng của “cánh buồm” Lermontov lại nhen lên niềm hi vọng dè dặt cho những trí thức của những đất nước nhỏ bé bị chà xát trong cơn địa chấn giữa các quốc gia lớn một con đường tiếp nối thắp ánh sáng tri thức cho tương lai quê hương.

2.

Tự mình “ủ mưu” và sắp xếp nhân tài, vật lực để thực hiện dự án soạn một bộ sách giáo khoa độc lập (môn Toán, Văn& Tiếng Việt, Tiếng Anh), cập nhật với tri thức giáo dục thế giới, đưa việc dạy trẻ trở về đúng ý nghĩa thực tiễn dạy làm người, dành cho học trò từ bậc tiểu học, dự kiến tới hết lớp 12 trong suốt gần hai mươi năm trở lại đây, nhà giáo Phạm Toàn đã tuân thủ sứ mệnh của cá nhân xuất chúng trong nền giáo dục Việt Nam sau 1975.

Hành động này đồng thời là nuôi dưỡng một tư duy độc lập trước mãnh lực của số đông, là kiên định theo đuổi đến ngày kết trái một lý tưởng đẹp, vượt lên những trở lực và nghịch cảnh.

Trải qua hàng chục lần cải cách, bộ sách giáo khoa phổ thông áp dụng toàn quốc, nói riêng, môn Văn&Tiếng Việt, nhất là ở cấp tiểu học vẫn không thoát khỏi sự nghèo nàn về kiến thức và cũ kỹ về phương pháp. Những câu thơ đẹp như “Long lanh đáy nước in trời/ Thành xây khói biếc non phơi bóng vàng” (truyện Kiều-Nguyễn Du), hay những đoạn văn thơ mộng như “Nhớ lại buổi đầu đi học” (Thanh Tịnh) biến mất, thay vào đó là những bài đọc hoặc ngây ngô, thiếu logic hay cầu kỳ làm dáng một cách không cần thiết. Học văn trở thành gánh nặng với cả thầy lẫn trò, một môn thuộc lòng dài dặc, khủng khiếp. Môn Văn ngày càng xa rời mục tiêu học xúc cảm và cái đẹp.

Hầu hết các gia đình viên chức, người lao động nghèo không có điều kiện cho con tị nạn giáo dục ở nước ngoài gần như chỉ còn tuyệt vọng chờ một sự thay đổi.

Dám theo đuổi việc soạn một chương trình học khác biệt về kiến thức và phương pháp không chỉ can đảm mà còn là một trách nhiệm quá lớn. Bằng sự tận tâm, hết lòng bộc lộ ở thành quả c ông việc, nhà giáo Phạm Toàn cho chúng ta, những người tuyệt vọng chờ một sự thay đổi biết tài năng và trách nhiệm của ông tương xứng với công việc. Điều ông làm cũng như một tia sáng loé lên trong màn đêm mông lung, rằng dân chủ hóa giáo dục không chỉ là mở lối cho trường bán công, tư thục. Dân chủ bắt buộc phải có những hệ thống triết lý, kiến thức và phương pháp đa dạng.

Điều mà tôi ngạc nhiên là gần như không một ai trong hệ thống giáo dục chính thống quan tâm đến nhà giáo Phạm Toàn và công việc của ông. Trong hệ thống ấy, vẫn còn những người tâm huyết chính trực muốn thay đổi. Nếu họ gặp gỡ những ý tưởng của Phạm Toàn, biết đâu lại chẳng phải duyên lành, hạnh ngộ?

3.

Có lần nhà giáo Phạm Toàn nói với tôi: “Dạy văn là dạy sự đồng cảm”. Đây là tư tưởng quan trọng ông đã thể hiện trong cuốn sách giáo khoa Văn lớp 1: “Đồng cảm: Trò chơi Đóng vai”. Tôi hoàn toàn ủng hộ ý tưởng này. Khi nói/viết ra một bài thơ, hoặc câu chuyện, hoặc câu chuyện bằng thơ, người viết tái tạo lại một hiện thực như nó đã xảy ra với chính mình, và muốn người đọc cũng sẽ trải qua hiện thực ấy như nó đã xảy ra với mình, hoặc xảy ra với chính người đọc ấy. Đó là ý nghĩa kép của sự đồng cảm, và “đồng cảm” có nghĩa là sáng tạo một cách chủ động.

Tôi ít khi được trò chuyện và làm việc chung với nhà giáo Phạm Toàn, có lẽ do “duyên”. Nhưng những lời nói của ông tôi thường nhớ dai, không hiểu vì sao. Ví dụ, ông đặt câu hỏi: “Theo các bạn, trong thế giới ngày nay, có phải thơ ca đã hoặc sẽ chết rồi? Tôi sẽ mời một bạn họa sĩ trả lời câu hỏi này, mời bạn Thuý!”. “Ai mà động tới bọn trẻ con là tôi cắn đấy!”. “Tự bản thân mình không thấy mình “vĩ đại” thì sẽ không ai thấy mình “vĩ đại”.” Một lần ông nói, “Thế hệ các bạn là thế hệ bị bỏ rơi.” Tôi hiểu ông nói chữ “bỏ rơi” là bị bỏ rơi về mặt tư tưởng. Tôi hiểu ý ông, nên không cãi, rằng thực ra cháu chưa bao giờ có những người đồng trang lứa, cùng thế hệ. Một người, thực ra nên sống giữa dòng chảy cuồn cuộn sinh khí của mọi thời, mọi thế hệ, chứ không phải giữa “thế hệ mình”.

Viết những dòng này, lòng tôi nặng trĩu vì thương ông. Thương một người cả đời đã sống cho nhiều người, đem cho nhiều tình yêu thương. Giữa mang mang vô tận của thời gian và điều chưa biết.

July 1st, 2019

· Ghi chú:

Bản tiếng Anh đối chiếu

The Sail

One white and lonely sail out there,

amidst fog and the ocean’s blue.

What does it seek in distant lands?

What’s amiss in the land it knew?

Waves leap up into whistling wind;

the tall mast bends; the rigging creaks.

This isn’t a flight from trouble—

contentment is not what he seeks.

Splashing spray is brighter than sky,

when sunshine pours from above.

But he, rebellious, seeks the storm,

as if in the storm there were love.

Mikhail Lermontov
Translated by Frank Beck

Comments are closed.