Có một nơi như thế

Vũ Thành Sơn

Cô gái đột ngột chuyển hướng câu chuyện. Chưa bao giờ đầu óc tôi phải bận rộn với những câu hỏi đại loại nghiêm trọng như tôi muốn gì ở cuộc đời, tôi muốn gì ở mình,… như vào lúc này.

Tôi trả lời cô mà trong đầu chỉ nghĩ đến H.

Mục đích của tôi không chỉ là kiếm thật nhiều tiền, được đi du lịch nhiều nơi, có quần áo đẹp hoặc nhà đẹp mà còn có những giấc mơ đẹp.

Tôi không chắc những gì vừa nói ra đó đã thật sự là suy nghĩ của chính mình chưa, bởi thoáng nghe qua, có vẻ như tất cả giống với mục đích của đời H quá. Chỉ có một điều mà tôi chắc chắn nhất, là trong nhiều giấc mơ đẹp của tôi gần đây thường xuyên có hình bóng cô, nhưng tôi không đủ tự tin cũng như thành thật với chính mình để nói ra điều đó với cô gái. Vì thế tôi ngập ngừng, bỏ lửng ở đó.

Chuyện xảy ra đã khá lâu, có lẽ hơn một năm nay, sau chuyến đi hành hương với H. Tôi nhớ khi ấy chúng tôi vừa kết thúc cữ bơi thì trời đột ngột đổ cơn mưa to, tôi rủ cô vào một quán cà phê bên cạnh. Quán có bán cả ăn sáng, cô gọi một tô hủ tíu Nam Vang, còn tôi một cái bánh mì với trứng ốp la như thường lệ. Cô ăn chậm rãi, từ tốn như thể cố ý chờ cho dứt cơn mưa bên ngoài. Nhưng cơn mưa có vẻ như còn lâu mới tạnh.

Thật là may mắn (hay thất vọng?), lúc đó cô chẳng đoái hoài gì đến giấc mơ của tôi. Cô chỉ hỏi:

Nếu có thật nhiều tiền anh sẽ làm gì?

Một lần nữa tôi lại lúng túng. Tôi chưa bao giờ có nhiều tiền, chứ nói gì đến thật nhiều tiền. Lương tháng khiêm tốn của một anh công chức chỉ đủ cho tôi trang trải những nhu cầu cần thiết và cho phép mình có những niềm vui nho nhỏ, chẳng hạn mua mấy đĩa nhạc, cà phê hay bia bọt với bạn bè hoặc lâu lâu có một chuyến đi chơi xa trong nước. Còn có thật nhiều tiền ư?

Bạn bè đồng nghiệp của tôi có nhiều người giàu. Họ có thật nhiều tiền hay không, tôi không thể biết. Nhưng có một thực tế là trong lúc tôi chạy Air Blade thì họ đi Ford, Toyota, Chevrolet, Mercedes; ở biệt thự, đi du lịch Châu Âu, Nhật hay Hàn Quốc. Họ có nhiều mối quan hệ có thể mang đến nhiều lợi lộc. Họ làm thành một thế giới khép kín mà tôi chỉ là một người đứng bên lề. Thỉnh thoảng tôi được mời đặt chân ghé qua thế giới của họ, nhân một dịp sinh nhật hay hội hè, nhưng cũng chỉ để củng cố thêm cái ý nghĩ rằng mình hoàn toàn là một người thuộc về một đời sống khác.

H., một người của thế giới đó, có lần đã lâu vỗ vai tôi khuyên:

– Giá nhà đất đang xuống. Ông nên đầu tư mua một miếng đi.

Giọng nói và vẻ mặt của H. thành thật. Hắn quá giàu có, có lẽ chẳng việc gì phải mồi chài kiếm tiền ở cái thứ rách te tua như tôi cả. Biết tôi không thành thạo những chuyện như thế này, H. chỉ cho tôi một miếng đất đang rao bán ở Quận Gò Vấp. Giá cả OK, chấp nhận được, ông chơi đi, H. nói.

Sau một tuần nghĩ ngợi, cân nhắc rồi vay mượn thêm cho đủ số tiền, tôi quyết định mua miếng đất ấy để thử thời vận. Thấp thỏm, lo âu lẫn với cảm giác háo hức, hy vọng, hằng ngày tôi theo dõi giá cả mua bán trên các trang báo. Bỗng chốc tôi thấy mình trở thành một nhà đầu tư địa ốc be bé. Nhưng tôi không có phẩm chất kiên nhẫn của một người kinh doanh biết nuôi dưỡng thời cơ cho chín mùi; mấy tháng nghe ngóng, chờ đợi làm cho tôi quá mệt nhọc, căng thẳng. Cho nên vừa có người hỏi mua, tôi bán ngay lập tức.

Nghe tin, H. lắc đầu cười chế nhạo, Ông nhát gan quá.

Quả thật, chưa đầy một năm, miếng đất của tôi đã tăng giá đến chóng mặt, lên gấp đôi số tiền tôi bỏ ra ban đầu.

Đó là lần đầu tiên và có thể cũng là cuối cùng trong đời tôi có cơ hội kiếm nhiều tiền.

Tôi trả lời cô gái, vẫn giữ cái kiểu ỡm ờ từ đầu:

– Ừm…ừm… tôi sẽ đi du lịch nước ngoài, Pháp chẳng hạn, là nước mà tôi hết sức ngưỡng mộ hoặc mua một căn hộ. Thế còn em?

– Em sẽ sang Mỹ theo diện EB5.

Câu trả lời nhanh và chắc nịch như có sẵn trên môi đó cho tôi cảm tưởng cô gái đã nung nấu một quyết tâm không thể lay chuyển về sự ra đi này từ lâu.

Tôi nhìn gương mặt xương xương, bờ vai tròn trịa rồi nhìn lên mái tóc đen dày, nơi nhiều mộng tưởng khác có lẽ vẫn đang còn ẩn nấp bên dưới. Tôi buông một câu thăm dò:

– Nhưng Mỹ là một miền đất nhiều hứa hẹn mà cũng nhiều thử thách chết người.

Tôi chưa từng đặt chân đến Mỹ, điều tôi vừa thốt ra chẳng qua chỉ là một sự lặp lại những thứ người ta vẫn nói ra rả về đất nước này, chẳng có gì mới mẻ và cũng không biết chắc có bao nhiêu phần trăm sự thật. Nhưng tôi còn biết nói gì lúc đó? Khuyến khích? Hay can ngăn?

– Em biết mà, cô đáp.

Chúng tôi quen nhau ở một câu lạc bộ bơi lặn. Thỉnh thoảng rủ nhau đi cà phê hay ăn uống nhưng chưa ai mời nhau về nhà. Chừng vài tháng, tôi biết cô đang làm việc cho một bệnh viện, đã có một cuộc hôn nhân tan vỡ. Tôi không biết mình có thích cô ta hay không nữa nhưng thiện cảm thì chắc chắn có. Vì sự bộc trực, tính cách thẳng thắn hay nước da nâu sáng, thân hình săn gọn của cô? Tôi không lấy làm chắc.

Tôi hỏi H. về EB5.

Tôi nghĩ hắn có con đang học ở Mỹ, năm nào vợ cũng sang thăm vài tháng, chắc hẳn là rành mấy cái vụ đó lắm.

H. nhìn tôi kinh ngạc, Ồ! bây giờ cũng quan tâm đến chuyện đó nữa à?

Tôi không muốn nói sự thật nên cứ phải vòng vo.

Ba tháng sau lần gặp gỡ ấy, cô báo tin đã đính hôn với một người Hàn Quốc và chuẩn bị xuất ngoại.

Tôi vẫn sinh hoạt đều đặn ở câu lạc bộ mặc dù kể từ ngày ấy trong giấc mơ của tôi không còn hình bóng của cô gái nữa. Một cảm giác hụt hẫng, trống vắng len vào đời sống tôi một thời gian trước khi nó được lấp đầy bởi những sự kiện khác.

***

H. nói với tôi, Ông nên đi cầu may đi.

Không hiểu sao H. lại nói vậy. Năm nào hắn cũng đi lễ Vía Chùa Bà, lần đầu tiên năm nay hắn mới rủ tôi.

H. lái xe đến nhà đón tôi đi Châu Đốc. Đang là mùa lễ hội, từ sáng sớm trên đường đã nườm nượp xe nối đuôi nhau thành một hàng dài xoắn xuýt không dứt như một đàn cá. Quá nhiều người đi cầu may và tôi nhận ra mình cũng đang trở thành một trong những con cá bất hạnh đó.

Chúng tôi dừng lại ăn sáng ở một quán ven đường. Quán nêm chặt người. Len lỏi mãi mới tìm được hai chỗ.

Vừa ăn tôi vừa hỏi H. vì sao hắn nói tôi nên đi cầu may.

H. không trả lời thẳng câu hỏi của tôi mà hỏi vặn lại:

– Ông này hay có tật giật mình quá. Ai mà không cần may mắn hả?

– Một người giàu có, vợ đẹp con ngoan như ông thì đâu có phải là kém may mắn.

– Nhưng cái đó đâu phải là tất cả.

Ủa? Hắn còn muốn gì nữa? Trong một chuyến đi như thế này, nhìn bên ngoài, dễ có cảm tưởng cứ như tôi với hắn đều đồng hội đồng thuyền, nhưng thực tế là chúng tôi khác nhau quá xa, chẳng có gì chung, ngoài cái chung lớn nhất là cùng mang thân phận làm con người ở xứ sở này.

Đến trưa lễ Bà vẫn chưa kết thúc, H. đã kêu tôi đi về. Giữa một biển người, biển rác đó, chúng tôi không thể chống cự lại được dòng người không ngớt đổ ra dồn dập, xô đẩy, cuốn phăng mọi thứ đi về phía trước. Sức nóng ban trưa từ mặt đường nhựa đập vào mặt hừng hực cùng với hơi người làm cho tôi mệt lả. Chúng tôi chẳng có thể làm gì khác hơn là cứ để mặc cho đám đông ấy lôi kéo mình đi, đến đâu thì đến, như hai kẻ bị đắm tàu giữa biển khơi phó mặc cho sóng dữ.

Khi lấy được xe, cả hai đã nát nhàu, tơi tả.

Nhưng H. chưa về thành phố ngay. Hắn lái xe ra khỏi khu vực Chùa Bà, còn đi lòng vòng một lúc lâu nữa rồi mới dừng lại trước một ngôi chùa nằm ven sông. Nhìn bề thế bên ngoài, có lẽ nên gọi nó là một cái tịnh xá thì đúng hơn. Cửa chùa đóng chặt. Bên trong sân vắng vẻ, nhưng sạch sẽ, ngăn nắp. Một bộ bàn ghế bằng đá kê ở một góc, một chiếc xe đạp mini, mấy cái chậu kiểng, một chồng gạch lát nhà xếp dựa vào tường. Phía trên treo một dây cờ Phật giáo. Cửa chánh điện cũng đóng. Lẽ ra vào dịp như thế này, chùa nên mở cửa bởi sẽ không có ít người đi lễ Vía Bà đến thắp hương dâng lễ. Không hiểu H. lại đến đây làm gì?

Tôi thấy H. đứng thò đầu qua cửa ngó dáo dác vào trong một lúc rồi cất tiếng gọi. Không có tiếng ai thưa. H. gọi nữa, tiếng gọi vang vọng vào bên trong hun hút. Tôi bắt đầu cảm thấy sốt ruột quay ra ngó những chiếc ghe chở hàng chạy ngược xuôi trên sông. Có một chút gió từ mé sông thổi qua. H. vẫn kiên nhẫn đợi. Mãi một lúc sau mới thấy có bóng người từ phía hậu liêu đi ra.

Đó là một chú tiểu, tóc để chỏm, độ mười hai, mười ba tuổi, khuôn mặt bầu bĩnh. Chưa ra đến cửa chú đã vòng tay trước ngực chào lễ phép, Chào hai chú.

Coi chú bữa nay lớn hẳn ra đó nghen, H. nói.

Chú tiểu cười bẽn lẽn, không đáp.

Qua cách chuyện trò của H. với chú tiểu, tôi đoán hắn hẳn là khách quen đã đến chùa này nhiều lần.

Thầy có ở chùa không?, H. hỏi.

– Dạ, thầy con đi từ hồi sáng rồi.

– Chừng nào thầy mới về?

– Dạ, con không biết.

H. tỏ ra thất vọng. Gương mặt hắn thẫn thờ quay ra bến sông, ánh mắt xa xăm như đang tìm kiếm gì đó ở chân trời. Tôi nghe tiếng một con gà gáy lẻ loi trong xóm. Một lúc sau H. quay lại, lại nhìn vào bên trong chùa, rồi nói với chú tiểu:

– Khi nào thầy về, nhớ nói có chú đến chùa nhé.

– Dạ.

Nói xong, H. ra hiệu cho tôi đi ra xe. Thưa hai chú về. Tôi quay đầu lại, vẫy tay chào chú tiểu.

Trên xe H. giữ im lặng mãi cho đến khi ra khỏi thị xã. Vẫn giữ chặt tay lái, H. nói mà không nhìn tôi như thể đang độc thoại với chính mình:

– Tôi biết trước là sẽ không gặp được cô ấy.

Tôi quay qua, không hiểu hắn đang định nói đến ai.

– Cô nào?

Hình như không nghe thấy tôi hỏi, hắn vẫn tiếp tục độc thoại:

– Cô ấy không muốn gặp tôi. Lần nào cũng vậy.

– Ai? Ông đang nói đến cô nào?

Có lẽ tôi đã nói hơi to bởi thấy H. quay phắt sang. Có cảm tưởng như hắn vừa thoát ra khỏi một cơn mê ngắn.

Nhưng không phải, H. lại rơi vào im lặng, lại đắm chìm vào dòng suy tưởng không dứt của mình. Khoảng mươi, mười lăm phút như thế trôi qua như thể không hề có sự hiện diện của tôi bên cạnh. Tôi khá bất ngờ vì đang chứng kiến trước mặt mình một con người khác hẳn.

Rồi bất chợt tôi nghe hắn buông ra một tiếng thở dài kèm theo một cái lắc đầu thật nhẹ.

Người yêu của tôi, H. nói.

Tôi bắt đầu ngờ ngợ ra câu chuyện nhưng vẫn lặp lại câu hỏi từ nãy giờ.

H. thong thả kể: Sư cô trụ trì chùa là người yêu cũ của hắn. Hai người trước đây đã cùng nhau thề non hẹn biển và mọi thứ đã được họ chuẩn bị sẵn sàng cho một cuộc sống chung. Nhưng cuối cùng cơ quan H. làm việc, nói đúng hơn, bộ phận tổ chức của cơ quan đó, can thiệp. Họ đưa ra lý do gia đình người yêu của hắn có lý lịch không trong sạch, có cha và anh phục vụ trong chế độ miền Nam. Họ buộc H. phải hủy bỏ cuộc hôn nhân và chấm dứt quan hệ yêu đương.

H. đã nhượng bộ. Người yêu chán chường, bỏ đi tu.

Một thời gian sau H. cũng lấy vợ và chuyển cơ quan.

Ân hận vì việc làm của mình trong quá khứ, H. dò la biết được nơi người yêu mình xuất gia, nhiều lần tìm cách gặp mặt nhưng lần nào cũng bị khước từ.

Kể xong câu chuyện, H. im lặng, mắt đăm đăm nhìn ra đằng trước con đường rồi sau đó lại tiếp tục lẩm bẩm một mình, rất nhỏ, tôi không nghe được, chỉ thấy những chuyển động mấp máy của đôi môi. Có thể lại là một cuộc độc thoại hay đối thoại với một người nào đó vô hình trước mặt, tôi không thể biết.

***

Một hôm H. hớt hải chạy đến báo tin cho tôi một khúc bờ sông bất ngờ bị sạt lở và ngôi chùa đã bị cuốn xuống sông cùng với nhiều căn nhà khác. Tin tức thì tôi cũng đã biết từ sớm nhưng không ngờ ngôi chùa lại nằm trong số những căn nhà không may mắn đó, có thể trí nhớ tôi khi đó không định vị được vị trí của chùa hay có thể bản tin tôi đọc được quá tóm tắt sơ sài. Cả khu vực hiện thời đang bị phong tỏa.

Tôi hỏi H. có tin tức gì của sư trụ trì và chú tiểu không.

Hắn lắc đầu. Sự tuyệt vọng đong đầy hai hốc mắt sâu trũng. H. mất ngủ vì những cơn ác mộng. Hình ảnh ngôi chùa và chú tiểu với đôi má bầu bĩnh hôm nào bỗng chốc như hiện ra trước mặt. Tôi nắm vai hắn bóp chặt.

H. rủ tôi đi An Giang. Nhưng lần đó tôi không thể dời lại cuộc hẹn để đi cùng.

Buổi tối về nhà, hình ảnh chú tiểu với ngôi chùa vẫn không rời khỏi tâm trí tôi. Tôi biết trước mình sẽ có một đêm mất ngủ. Chuyện này thường xảy ra mỗi lần tôi phải nghĩ ngợi hay lo lắng về một việc gì nhiều. Nhiều khi tôi phải dùng đến thuốc ngủ, một viên Lexomil ngủ mê mệt đến sáng. Tôi mở máy nghe nhạc và uống liền mấy ly rượu mạnh, hy vọng làm cho tinh thần sẽ lắng dịu trở lại. Nhưng trằn trọc mãi gần đến hai giờ sáng tôi mới chợp mắt thiu thiu rồi bất thình lình lại bị dựng dậy bởi tiếng khóc thét của một đứa bé hàng xóm.

Những ngày tiếp theo, H. vẫn đến cơ quan làm việc bình thường nhưng khá lặng lẽ, tránh những cuộc gặp gỡ và tiếp xúc với mọi người, ngay cả với tôi. Một, hai lần tôi muốn gợi chuyện nhưng thấy thái độ khép kín của H., tôi liền từ bỏ ý định, hiểu rằng vào lúc này mình cần nên giữ một khoảng cách tôn trọng cần thiết đối với sự riêng tư của hắn, cho đến một ngày nào để chính H. chủ động tâm sự.

Nhưng một cơ hội như thế sẽ không bao giờ có nữa khi bất thình lình H. biến mất.

***

Tin H. định cư ở Mỹ cùng với vợ con không hề làm cho tôi ngạc nhiên. Tôi nghĩ trước sau gì việc đó cũng sẽ xảy ra, chỉ là sớm hay muộn mà thôi.

Cũng như cô gái, sau cùng H. đã tìm được cách để kết thúc câu chuyện của mình.

Trong giấc mơ của tôi bây giờ thỉnh thoảng xuất hiện hình bóng của họ nhưng nhiều nhất vẫn là ba tôi. Lần gần nhất mà tôi còn nhớ mạch lạc: tôi thấy ông trở về ngồi ở một góc phòng, mặt mày cau có khi trông thấy tôi loay hoay mãi mà không làm sao lắp được cái vỏ bánh xe đạp. Lần khác tôi dìu ông bước lên một chuyến xe đò, không hiểu sao bất thình lình ông trượt chân ngã sấp xuống, tay vẫn còn hươ hươ trước mặt.

Những giấc mơ đó thường để lại cho tôi một vị đắng dai dẳng nhiều ngày sau. Tôi buồn bã nhận ra một phần đời sống của mình vẫn còn quá nhiều liên hệ ràng buộc với bóng ma quá khứ.

H. có một lần hỏi tôi, Liệu người ta có thể xoá bỏ ký ức được không? Tôi không nhớ là vào dịp nào, lúc đó dường như tôi đã không trả lời thẳng vào câu hỏi mà chỉ nói vòng vo, không có gì rõ ràng. Lúc đó tôi đang có nhiều dự định và hy vọng; cuộc sống của tôi đang đặt cược vào tương lai. Nhưng bây giờ, ngay vào lúc này, tôi có thể nói với H.: không, không thể.

(Từ tập truyện ngắn Em có hay trời buồn trời chuyển mưa đó không?. TP HCM: nxb. Văn hóa Văn nghệ TP HCM – Domino Books, 2017)

Comments are closed.