Chuyện thằng cháu họ

Bút ký Nguyễn Minh Kính

Ngẫm nghĩ, con người không ai giống ai. Trên địa cầu này có đến tám tỷ người không ai giống ai, trong một gia đình cùng huyết thống cha mẹ sinh ra một đàn con cũng không có đứa nào giống đứa nào, ngay cả con sinh đôi cũng thế. Cứ cho là mỗi người một số phận. Thằng cháu họ của tôi không có gì đặc biệt cả, bình dị thôi, rất bình dị mà sao nó cũng làm tôi suy nghĩ về một số phận.

Di dân lập nghiệp

Sau năm 1975, gia đình anh Đài, người anh họ của tôi và gia đình anh Chắt Hồng người cùng làng làm một cuộc di dân để thay đổi cuộc đời trên một chuyến xe lửa từ ga Hòa Duyệt bên kia phía Cửa Rào, tận cùng của xã Hương Thọ, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh chạy về phương Nam dọc theo chiều dài nửa đất nước để vào vùng Bang Kè, Bà Tô, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu lập nghiệp.

Trước khi về vùng đất lập nghiệp này, hai gia đình phải xuống ga xe lửa Hòa Hưng, Sài Gòn Tp. Hồ Chí Minh rồi mới đi tiếp. Khi xuống ga xe lửa, hai gia đình này bị bao vây, ngồi chết cứng một chỗ không dám đi đâu vì đám dân xích lô, xe ba-gác giành mối, giành khách. Lúc đó khoảng hai, ba giờ sáng, trong hai gia đình có người chạy về nhà tôi báo tin có sự việc rắc rối. Tôi vội vàng ra ga xe lửa xem sự việc ra sao. Thấy tôi đến, hai gia đình mười mấy người đang ngồi dúm dó mừng quá vội đứng dậy. Tôi vội vàng và nhẹ nhàng giải thích với nhóm người đang tranh giành khách, đây là người nhà, là thân nhân của tôi, họ đi vùng kinh tế mới, di dân lập nghiệp từ vùng quê Hà Tĩnh rất nghèo khổ. Các anh thấy đấy. Tôi vừa nói vừa đưa tay chỉ vào hai gia đình với những món hành lý vật dụng đơn sơ nghèo nàn. Xin các anh để tôi có cách đưa họ về nhà tôi ở quận Phú Nhuận nghỉ ngơi vài hôm trước khi họ về vùng kinh tế mới.

Khi đám người giành mối giành khách bỏ đi rồi, mọi người trong hai gia đình hết lo sợ, anh Chắt Hồng giọng Hà Tĩnh đặc trưng không pha tạp chút nào đứng dậy nói, “Bị bọn xích lô, xe ba-gác chúng nó vây, mềnh hại quá. Chộ chú Cương ra giống như thoát nạn, mềnh rất mờng”.

Cuộc di dân của những người nghèo khổ từ một vùng quê nghèo khổ thấy mà xót xa. Gia tài mang theo là những gồng gánh, với những cái túi, cái bao tải, bị gai màu đen xỉn xác xơ đựng những thứ vật dụng và những bộ quần áo bạc màu. Những vật dụng rẻ tiền nhưng cần thiết cho buổi đầu di dân lập nghiệp như nồi niêu xoong chảo bằng nhôm móp méo còn bám một lớp nhọ nghẹ khói bếp từ một vùng quê nghèo cũng được mang theo. Sài Gòn trước năm 1975 người nghèo cũng lắm cũng đông, nhưng vẫn “Dập dìu tài tử giai nhân…”, chứ rất hiếm khi thấy cảnh nhếch nhác đói rách như thế này.

Đổi đời

Quê tôi, vùng miệt dưới có xóm đạo. Khi kết thúc chiến tranh chống Pháp năm 1954, ký kết hiệp định Genève, chia đôi đất nước đã có một số đồng bào bên đạo Công giáo di cư vào Nam sinh sống ở vùng Bình Giã, nay thuộc huyện Châu Đức, Bà Rịa-Vũng Tàu. Do cơ duyên đầu mối này nên đã có vài chục gia đình được dẫn dắt vào sau năm 1975 trong đó có gia đình anh Chắt Hồng và gia đình anh Đài người anh họ tôi.

Những gia đình vào lập nghiệp sau này, tuyệt đại đa số đều có đời sống ổn định và sung túc. Họ siêng năng, chịu khó khai khẩn đất hoang trồng điều, trồng tiêu, trồng cây công nghiệp và chăn nuôi. Gia đình anh Đài do con cái làm ăn, tích cóp đã xây được căn nhà ngói to đẹp cũng xếp hạng nổi đình nổi đám trong vùng, đứng ngoài đường cái trông vào giống như một căn biệt thự mini. So với căn nhà mái tranh vách nứa ngoài quê cũ đêm đông gió rít qua khe hở lạnh thấu xương thì nó một trời một vực, không tưởng tượng nổi. Đúng là nhờ ơn giải phóng những người dân quê tôi mới được đổi đời như thế.

Thế nhưng thằng con trai của anh tôi tên Hùng lại có máu hải hồ, không chịu ngồi yên thỏa mãn với những gì cha mẹ, gia đình nó đã có. Nhà nó có năm anh chị em. Nó là con trai áp út. Con nhà nông nòi đặc sệt chân lấm tay bùn mà dám đi buôn. Nó đi từ Bang Kè, Bà Tô, huyện Xuyên Mộc, Bà Rịa-Vũng Tàu một tỉnh miền Đông Nam Bộ đến huyện Đức Huệ, Long An, một tỉnh miền Tây Nam Bộ giáp tận Campuchia để buôn bán.

Nó mua xe Honda nghĩa địa của Nhật thải ra đem về sửa chữa tân trang bán kiếm lời. Sau năm 1975, có một thời hàng máy móc cũ gọi là hàng nghĩa địa như ti vi, xe gắn máy Honda của Nhật tràn vào thị trường Việt Nam qua ngã biên giới Campuchia bán đắt như tôm tươi. Nó không làm giàu được nhưng kiếm ăn cũng kha khá và đáng kể nhất là nhờ đó mà nó đã chọn được một vùng đất mới nữa để sinh cơ lập nghiệp riêng.

Cưới vợ

Do cơ duyên làm ăn buôn bán, nó quen một gia đình nông dân ruộng đồng chưa phải là ‘thẳng cánh cò bay’ nhưng cũng mênh mông bát ngát và bát ngát mênh mông. Đất miền Trung quê nó núi đồi chập chùng, những thửa ruộng bậc thang bé tí tẹo so với những cánh đồng nơi đây cũng giống như con sông nhỏ với đại dương. Gia đình nông dân này có hai cô con gái đã qua ‘Xuân xanh xấp xỉ tới tuần cập kê’, nghĩa là đã ở vào tuổi mười tám đôi mươi. Hai cô đều xinh đẹp, con nhà nông mà dáng người thon thả dong dỏng cao như người mẫu.

Thằng này nhỏ người, thấp hơn hai cô nhưng đẹp trai. Chữ nghĩa không lấy gì làm dồi dào cho lắm nhưng nó ăn nói có duyên. Nó nói chuyện bao giờ cũng có nụ cười tươi roi rói, cười bằng cả đôi mắt nên con gái mê tít. Hai cô gái này mê nó như điếu đổ. ‘Mít ngon anh đánh cả xơ, Chị đẹp em đẹp anh vơ cả nùi’ thì không được. Nó chỉ có thể chọn một theo luật hôn nhân mà thôi. Nó chấm cô em, ưng cô em và chọn cô em.

Anh chị tôi cử tôi làm đại diện họ nhà trai dẫn một một số người từ Bang Kè, Bà Tô, huyện Xuyên Mộc, Bà Rịa-Vũng Tàu đi cưới vợ cho nó. ‘Cưới vợ phải cưới liền tay, Chớ để lâu ngày lắm kẻ gièm pha’, có phải thế hay là chọn giờ, chọn ngày, chọn tháng cho đôi trẻ dễ làm ăn và sống hạnh phúc mà nhà trai và nhà gái lại chọn vào mùa mưa. Lại chọn ngày giờ tốt để nhà gái đưa dâu về nhà trai dự tiệc xong sẽ về trong ngày, khỏi phải ngủ qua đêm nên nhà trai phải khởi hành đi đón dâu lúc quá nửa đêm hôm trước.

Trời mưa nhưng đã tạnh cơn mưa. Chừng ba bốn giờ sáng đến nhà gái cách khoảng vài ba cây số gì đó thì xe đưa dâu phải dừng lại vì đường đất qua các cánh đồng nhiều đoạn sình lầy. Tình cảnh này tài xế và xe đón dâu phải ở lại, còn họ nhà trai tất cả phải cởi giày cởi cả bít tất, xắn quần lên đến đầu gối xuống đi bộ. Đi đám cưới đón dâu trong cảnh này là chuyện lạ đầu tiên trong đời tôi mới gặp.

Dưới ánh trăng non chiếu xuống con đường đất sình lầy, từng bước một, đoàn người họ nhà trai chuyện trò cười nói rôm rả vui tươi hòa vào tiếng kêu phát ra râm ran như một bản họp xướng muôn thuở muôn đời của côn trùng ếch nhái trên đồng quê trong đêm mờ mờ ảo ảo mịt mù bất tận. Ai đã đi bộ trên những con đường làng ở quê dưới ánh trăng mờ mờ trong đêm có khi thấy đẹp lãng mạn và thơ mộng. Đi bộ bằng chân đất chân trần qua con đường đất sình lầy trên đồng ruộng dưới ánh trăng thì không thể nào thơ mộng nổi. Trên đường đi, thằng cháu tạt vào vườn nhà ai đó bẻ cho tôi một cây khoai mì làm gậy chống để khỏi bị trượt ngã. Nó nói, chú phải cẩn thận, ngã xuống đường mà bộ quần áo vét để ăn nói lấm lem đất bùn thì nguy to.

Chuyện đi cưới vợ cho thằng cháu đã hai mươi năm rồi mà nhớ mãi.

Chuyện trò trên mạng internet

Tôi qua Mỹ sống đã gần hai mươi năm. Hai chú cháu chỉ biết thông tin của nhau qua trung gian chứ chưa có dịp gặp mặt nhau. Nghe nói nó làm ăn được lắm, khá lắm, có một tiệm sửa xe gắn máy và bán phụ tùng xe. Nó mua được cả máy cày cho bố vợ nó cày ruộng và xoay xở cho mẹ vợ nó đi du lịch mãi sang cả châu Âu. Vợ chồng nó cũng có hai cô con gái tuổi mươi tám đôi mươi cũng thuộc dạng xinh đẹp trong vùng lại được học hành đến nơi đến chốn. Vậy là thằng cháu tôi đã trưởng thành, đã thành công, thành công hơn chính nó.

Không thành công sao được, từ chỗ sống vùng đất ‘chó ăn đá, gà ăn sỏi’, nghèo đói năm này qua năm khác, đời này sang đời khác mà bây giờ đã có một đời sống như thế.

Tuần lễ vừa rồi vào một buổi sáng lúc 5 giờ California, Việt Nam là 7 giờ tối, tình cờ hai chú cháu gặp nhau qua mạng internet CHAT với nhau.

– Cháu chào chú. Lâu ngày quá mới được gặp chú, thấy chú trên mạng. Chú khỏe không? Mự và gia đình các em khỏe không?

– Cảm ơn cháu. Mọi người bình thường cả.

Sau vài câu thăm sức khỏe gia đình hai bên và họ hàng gia đình bên vợ nó, tôi nhắc lại chuyện xưa ngoài quê, rồi cuộc hành trình bằng đường xe lửa vô Nam lập nghiệp, nó cười hì hì. Cười xong, thấy im lặng một lúc rồi nó nói như nghẹn ngào, thôi thôi, chú ơi đừng nhắc lại nữa. Tôi hỏi:

– Nghe nói cháu làm ăn khá lắm phải không?

– Cũng tạm được thôi chú ạ.

– Cháu giỏi đấy. Chú khen cháu thật đấy. Sau năm 1975 chú về quê thấy cảnh nghèo của gia đình cháu và không riêng gì gia đình cháu, mà là cả làng cả xã đều nghèo như nhau. Lúc đó cháu mới sáu, bảy tuổi, bụng ỏng đít vòn. Cháu di dân lập nghiệp vào Bang Kè cũng chỉ mới bảy, tám tuổi chư mấy. Hôm nay cháu đã có nghề nghiệp, có một gia đình riêng đầm ấm hạnh phúc. Quý hóa và phúc đức lắm rồi cháu ạ. Chú chúc mừng cháu.

– Cũng bình thường thôi chú ơi. Cháu cảm ơn chú.

– Này, cho chú hỏi. Nghe nói cháu lo được cho cả mẹ vợ đi du lịch sang châu Âu nữa phải không?

– Dạ, đúng rồi chú ạ.

– Vậy là cháu giỏi quá rồi chứ lị.

Nó lại cười hì hì rồi nói tiếp:

– Nói đi du lịch qua châu Âu thì sang quá, to chuyện quá. Nhưng chỉ đi một nước Phần Lan thôi chú ơi.

– Ủa! Sao lại chỉ đi Phần Lan? Người ta du lịch châu Âu là phải đi nhiều nơi cho bõ công chứ ai lại chỉ đi Phần Lan thôi. Phần Lan là một nước xứ Bắc Âu xa lắc xa lơ, đất rộng người thưa, có gì hấp dẫn đâu mà đi du lịch qua đó.

– Tại vì bên vợ cháu có người anh con dì đang sống ở đó.

– Người anh con dì sống bên đó lâu chưa, mà sang bên đó hồi nào vậy?

– Để cháu kể chuyện cho chú nghe. Sau năm 1975, người anh con dì của vợ cháu vượt biên đường bộ qua Campuchia rồi biệt tăm biệt tích, không có thông tin gì cả. Lâu quá từ năm này qua năm khác cũng không thấy thư từ thông tin gì. Thời đó người vượt biên đông lắm, cả đường biển lẫn đường bộ, cả người trong Nam, người ngoài Trung và người ngoài miền Bắc nữa. Người vượt biên đi trót lọt thì dăm ba tháng gì đó gia đình sẽ nhận được tin tức, còn người anh con dì của vợ cháu thì biệt tăm biệt tích năm này qua năm khác. Trong làng có người nói anh ấy chắc chết rồi. Nhiều người cũng nghĩ như thế. Gia đình bên người dì của vợ cháu rất buồn, chỉ biết cầu trời khấn Phật, mong cho anh ấy vẫn bình yên, đang sống ở một nơi nào đó. Đùng một cái, bất ngờ anh ấy về thăm gia đình, thăm quê với cái mác Việt kiều quần áo bảnh chọe sang chảnh lắm chú ạ. Thì ra khi vượt biên sang Thái Lan, anh ấy được chính phủ Phần Lan nhận sang tị nạn sống bên xứ của họ. Sống bên đó, anh ấy chỉ biết làm nghề nông và làm thuê làm mướn thôi. Nhờ siêng năng chịu khó, anh ấy làm việc trong các trang trại rồi được nhập quốc tịch Phần Lan và tích cóp được chút tiền mới dám về. Về nước để thăm gia đình, thăm họ hàng và cũng là để cưới vợ nữa. Anh ấy nói, tao là người Việt Nam nhỏ con mà đàn bà con gái xứ đó lại to con cũng như gà tre mà xáp vô gà cồ sao cho xứng nên tao phải về Việt Nam cưới vợ thôi. Cưới vợ xong, anh ấy đưa vợ sang sống bên đó và sinh một đàn con năm sáu đứa và có hai đứa lớn nghe nói đã học xong đại học làm kỹ sư điện tử chú ạ.

– À, thì ra thế.

-Từ khi về cưới vợ xong, hễ vào mùa đông bên đó là anh về nước chơi đều đều. Anh ấy kể nhiều chuyện xứ Phần Lan lạ và vui lắm chú ơi. Ở bên đó mặt trời không lặn vào mùa hè dài đến gần hai tháng và không mọc vào mùa đông dài cũng gần hai tháng. Con nít của họ được chăm sóc từ khi còn nằm trong bụng mẹ, đến khi sinh ra được nhà nước nuôi cho đến mười sáu mười bảy tuổi. Mọi người dân không phải trả tiền cho giáo dục ở bất kỳ cấp học nào, kể cả học thành bác sĩ kỹ sư. Xứ gì mà lạ thế, mà sướng thế hả chú? Đàn bà nước ngoài mang bụng bầu sang đó đẻ con ra được nhà nước chăm sóc cả mẹ lẫn con như dân xứ họ, rồi đứa trẻ đó cũng được nhà nước nuôi cho đến tuổi trưởng thành. Lạ thật chú hè.

– Những nước kinh tế phát triển cao, có mức sống cao đều như thế cả cháu ạ.

– Về nước, có lần ngồi uống rượu, rượu vào lời ra, anh ấy thao thao bất tuyệt. Anh ấy kể công, nhờ tao mà trong làng này hiện nay đã có gần ba chục người đang sống định cư bên đó.

-Có đúng như vậy không? Làm gì mà đông thế?

– Đúng đó chú ạ. Anh ấy bảo lãnh người trong làng, trong họ đi du lịch rồi kết hôn, đi du lịch rồi đẻ, sinh con đẻ cháu, cứ người nọ kéo theo người kia hơn ba mươi năm rồi mà chú. Vợ anh ấy lại có tiệm hớt tóc, làm móng tay móng chân nên có điều kiện để bảo lãnh. Anh ấy nói, người Việt mình sang bên đó chịu khó lắm, siêng năng mê công việc lắm. Hái đậu, hái rau, hái nấm trong các trang trại hết giờ mà vẫn chưa chịu về để chủ phải nhắc nhở, phải kêu về mới chịu về. Làm việc thêm giờ được thêm tiền mà chú. Trong công việc, người Việt đi trước có kinh nghiệm hướng dẫn, chỉ bảo kềm cặp người đi sau nên chủ trang trại thích lắm vì không phải tốn công đào tạo. Không biết có phải vì sương sương men rượu mà có lần anh ấy còn nói cả chuyện chính chị chính em bên xứ Phần Lan cho cả nhóm bạn nhậu nghe. Anh ấy bảo rằng, cái xứ chỉ dăm sáu triệu dân, bằng chừng phân nửa dân Sài Gòn – thành phố Hồ Chí Minh mà có cả chục đảng chính trị khác nhau. Họ lên diễn đàn tranh luận với nhau về đường hướng quốc sách phát triển kinh tế, an sinh xã hội của mỗi đảng cho dân chúng biết để vận động dân chúng bỏ phiếu cho đảng mình. Cái xứ bé tí tẹo mà chính trị sôi động, tranh luận đấu đá trên diễn đàn cho đến khi dành phần thắng về mình trong các cuộc bỏ phiếu bầu cử mới chịu thôi chứ không phải xìu xìu ểnh ểnh, nhất trí, xuê xoa, nước chảy bèo trôi, giữ ổn định cho xong chuyện. Anh ấy còn hứng chí khoe khoang kể thành tích cho mọi người biết mình là người tài giỏi. Anh nói, bọn bay không biết chứ tao là người đi trước nhà nước Việt Nam một bước trong mối quan hệ ngoại giao bên xứ Phần Lan. Các bạn nhậu lắc đầu cười. Anh đứng dậy vung tay chém mạnh vào khoảng không nói tiếp, nhà nước Việt Nam có quan hệ ngoại giao với Phần Lan lâu rồi nhưng mãi đến cuối năm hai ngàn không trăm lẻ năm mới có đại sứ quán. Trong khi đó một nhóm rất ít người Việt trong đó có tao đã đến làm ăn sinh sống giao tiếp với dân Phần Lan cả chục năm trước đó rồi. Mấy đứa bay không tin thì lên mạng Google mà coi. Tao không ba hoa xích đế đâu, không bịa đâu. Tao không những đi trước nhà nước Việt Nam một bước mà nhiều bước nữa. Bọn tao đã mang tiền từ Phần Lan về nước cả chục năm trước khi nhà nước có đại sứ ở Phần Lan. Tao nhớ sau năm bảy lăm, một ông cán bộ nào đó chức to lắm, rất to sang thăm châu Âu, có người hỏi, thưa ngài, những người chạy trốn, vượt biên bỏ ngước ra đi, ngài nghĩ thế nào. Ông ấy trả lời, đó là thứ cặn bã của xã hội. Hồi đó tao cũng là cặn bã của xã hội, còn bây giờ tao là là khúc ruột ngàn dặm. Mấy đứa bay hiểu chưa. Anh em bạn nhậu của anh ấy ngồi im lặng để nghe anh ấy nói chuyện, nghe một cách nghiêm túc chứ không lắc đầu cười nữa.

– Người anh bà con bên vợ của cháu có lẽ quá hưng phấn do được gặp bạn bè, lại có men rượu nên mới nói hăng thế thôi. Thế cháu có dự tính cho con gái của cháu sang Phần Lan kiếm việc làm không?

– Con của cháu sang bên đó chắc là được vì có cơ sở làm ăn của anh chị bên đó, nhưng không biết con của cháu có muốn đi hay không.

– Chừng nào con của cháu sang bên đó thì cho chú biết để có dịp chú sẽ đi du lịch cho biết đất nước Phần Lan nha.

– Dạ.

– Thôi, chú tắt máy.

– Dạ. Cảm ơn chú. Cho cháu gửi lời chúc sức khỏe mự và gia đình các em.

23-5-2023

(*) Việt Nam lập quan hệ ngoại giao với Phần Lan năm 1973, nhưng mở đại sứ quán thì chỉ mới cuối năm 2005.

N.M.K

Comments are closed.