Đêm giữa ban ngày (kỳ 19)

28

Mùa hè, Hỏa Lò nóng như thiêu như đốt.

Huỳnh Ngự lấy Hỏa Lò ra dọa tôi không phải không có lý. Từ sáng sớm, những khối bê tông dày và rắn như đá thu nhận lửa trời xích đạo vào lòng, tích tụ nhiệt ở đó, khoảng tầm trưa thì bão hòa. Đến lúc đó chúng mới phả cái nóng âm ỉ được nhân lên nhiều lần vào xà lim cho tù. Xà lim, như tôi đã tả, kín như bưng. Mùa đông gió không lùa vào được còn đỡ, chứ mùa hè thì chịu không xiết. Mồ hôi tháo ra như tắm.

Thành dùng riêng một khăn mặt để lau mồ hôi, chốc chốc lại phải vắt. Nước từ khăn mặt chảy ra tong tỏng. Cái khăn mặt trắng chẳng bao lâu có màu tím xẫm của quả sim, không hiểu trong mồ hôi người có chất gì mà lại làm khăn biến thành màu như thế? Tôi không có khăn mặt, đành mặc cho mồ hôi túa ra đầm đìa, chảy dọc theo người, đọng thành vết dưới chân.

Lúc đầu chúng tôi còn ngượng với nhau, chỉ cởi trần, mặc quần đùi, sau chúng tôi không buồn ngượng nữa, cởi bằng hết, nồng nỗng như người tiền sử, mặc cho đám quản giáo và lính canh khinh khỉnh ngó vào. Dưới con mắt họ, hẳn hai đứa chúng tôi giống hai con vật dạng người bị nhốt trong cũi. Còn chúng tôi thì tự an ủi: cho dù có quần ngoài áo trong, chất người trong chúng mày chửa chắc gì đã bằng chúng tao.

Để chống nóng, Thành và tôi quyết định hai người dùng chung một bô, cái thứ hai cọ sạch đi để chứa nước. Tôi nhìn cái bô nhếch nhác, cáu bẩn, đã trải qua không biết bao nhiêu đời tù mà ngán. Thành quả quyết có thể cọ sạch được. Anh hì hục cậy một mẩu gạch ở chân tường phòng vệ sinh, kiên nhẫn dùng nó cọ nhiều lần, cho tới khi cái bô sắt tráng men trở thành trắng tinh. Có cái đựng nước dự trữ rồi lại phải kế hoạch hóa sao cho chặt chẽ để các chất thải trong ngày chỉ được phép đầy ắp cái bô còn lại đúng giờ mở cửa buổi sáng. Đại tiện phải lần lượt kẻ trước người sau cùng một lúc, cũng vào giờ ấy, có thế mới không phải hít thở lâu không khí hôi thối trong phòng. Xà lim kín lắm, cả tiếng đồng hồ mùi hôi thối mới bay đi hết.

Ấy thế mà cái sáng kiến nhỏ bé ấy lại rất đắc dụng – chúng tôi có thể tự cho phép mình được giội hai ca vào buổi chiều, khi cái nóng Hỏa Lò lên tới đỉnh điểm, người ngứa ngáy không chịu nổi, còn hai ca dành cho buổi tối, trước khi đi ngủ Đó là sự sang trọng không thể có ở bất kỳ xà lim nào. Chúng tôi giội từ từ, từng giọt nước hiếm hoi lên đầu, cho chúng chảy dần xuống tấm thân nóng rẫy. Nước mát rượi, chảy tới đâu biết tới đó, như là nước cải tử hoàn sinh trong cổ tích. Nó cuốn đi mồ hôi bẩn, cuốn theo cả cái mệt mỏi, chảy xuống đến ngón chân đã thành nước nóng. Vì một cái bô không chứa đủ chất thải của hai người trong một ngày, nên thỉnh thoảng chúng tôi phải đi tiểu vào lỗ thoát. Nước giội còn có tác dụng rửa sàn, làm trôi đi phần nước tiểu đọng lại trong lỗ, phòng không bị khai. Nói chung, ở trong hoàn cảnh khó khăn mới biết Thành có nhiều sáng kiến.

Giờ đây, ba chục năm trôi qua rồi, vậy mà mỗi lần nhớ lại xà lim Hỏa Lò tôi còn nổi da gà.

Chao ôi là nóng! Nóng ghê gớm! Nóng khủng khiếp!

Tưởng chừng cả đất trời đều bốc lửa. Tưởng chừng con người sẽ tan thành hơi sau cơn ngắc ngoải kéo dài. Nhưng sau một ngày vật vã, Hỏa Lò lại dịu đi về đêm, khoảng hai giờ sáng thì dịu hẳn, cho phép lũ tù khốn khổ được hồi sinh trong giấc ngủ mê mệt, không cho chúng chết ngay, để cho chúng được sống tiếp đặng chịu cơn hành hạ hôm sau. Trong đời mình tôi chưa từng gặp một cái nóng nào tương tự, kể cả khi nằm trong những thung lũng lòng chảo vùng núi Việt Bắc, Tây Bắc hoặc giữa khu 4 gió Lào. Viết về cái nóng ở khu 4, Nguyễn Tuân rên rỉ: "Chao ôi, còn có giống đực giống cái nào nghĩ đến nhau trong cái mùa gió Lào nổi lên này!".

Tôi không đủ sức tả cái nóng Hỏa Lò bằng một câu đắt giá. Tôi chỉ còn đủ sức để thở hoặc, đúng hơn, để cho mình không ngừng thở mà thôi.

Trong phòng hỏi cung có một cái quạt tai voi[1], được đặt sau lưng Huỳnh Ngự. Từ cái quạt phả vào mặt tôi không phải gió mát mà không khí nóng. Dù sao mặc lòng, luồng không khí chuyển động chậm chạp cũng giúp cho mồ hôi bay đi được một phần. Trong cái nóng đặc sệt nhày nhụa quyện lấy thân thể, mồ hôi vẫn cứ chảy ròng ròng bên trong quần áo sau khi đã thấm ướt tất cả.

– Nóng quá, hè!

Huỳnh Ngự, chính y, cũng không chịu được cái nóng Hà Nội.

Những ngày cuối y có vẻ ngượng với tôi.

Cuộc tổng tiến công và nổi dậy ở miền Nam gây được một cơn hào hứng ầm ĩ suốt tháng Giêng, rồi lịm dần. Bước vào hè diễn biến của cuộc chiến cho thấy nó chẳng phải là cái Huỳnh Ngự hùng hồn tuyên bố. Trên các mặt báo, vẫn như mọi khi, đỏ chót những bản tổng kết chiến công, không nói gì đến tổn thất. Nhưng nếu quen đọc qua cách đưa tin trên báo thì thấy cái cuộc tổng tiến công và nổi dậy nọ đã hỏng.

– Dù sao nó cũng có giá trị một cuộc tổng diễn tập. – tôi an ủi y, nhân câu chuyện vô tình lạc bước vào đề tài chiến tranh – Mà cuộc diễn tập nào không phải trả giá.

Ngành tuyên truyền đã có những phương án giải thích cho mọi trường hợp. Cách ngụy biện của những người cầm chèo lái nghe có vẻ hợp lý, nhưng thậm vô duyên. Nó gợi ta nghĩ tới một anh chàng ba hoa đứng giữa ngưỡng cửa để hùng hồn tiên đoán về ba khả năng: một là y vào, hai là y ra, ba là y đứng tại chỗ. Bất cứ khả năng nào xảy ra y cũng đúng – y đã nói trước cả rồi mà.

Mặt Huỳnh Ngự xị xuống. Nếu là trước kia thể nào y cũng phải lên giọng mắng át, nhưng lần này y lặng thinh.

Nói chung, sau nửa năm cãi cọ, dền dứ, mọi sự rồi cũng thành nhàm. Huỳnh Ngự không còn hăng hái đóng vai trò người thay mặt Đảng để giảng đạo mác-xít nữa – y đã hiểu tôi còn rành giáo lý hơn y. Còn tôi thì cũng hết hào hứng đóng vai tên tù bất trị.

Để hình dung một bản khai được cả hai bên góp sức mà thành là thế nào, tôi xin lấy một bản làm thí dụ.

Vào khoảng tháng thứ hai tính từ ngày tôi bị bắt, Huỳnh Ngự hỏi tôi:

– Anh biết Trần Minh Việt chứ?

– Tôi biết.

– Thằng Việt có viết một cương lĩnh cho Đảng tương lai của các anh, anh đọc rồi chứ?

– Tôi không biết hai cái: cương lĩnh là một, Đảng tương lai của chúng tôi là hai.

Y nhìn chằm chằm vào mặt tôi:

– Anh biết.

– Tôi không biết.

– Anh thấy cương lĩnh đó thế nào?

– Rất tiếc, tôi chưa được đọc.

Huỳnh Ngự mỏi mắt. Y nguýt tôi.

– Anh chưa đọc là may cho anh. Lại còn rất tiếc. Mấy anh đi Tây về anh nào cũng mắc tật ấy – mở miệng ra là rất tiếc, rất tiếc…

– Tôi thậm chí không biết nó có. – tôi xuê xoa – Nếu có thể, tôi muốn mượn một bản đọc chơi, xem cái cương lĩnh đó ra sao.

Huỳnh Ngự bĩu môi.

– Tui không mần công việc tán phát tài liệu phản động. Hôm nay anh sẽ viết cho tui một bản khai về thằng Trần Minh Việt, hí?

– Tôi biết gì về Trần Minh Việt mà khai?

– Biết tưng nao khai tưng nớ. Tức là những chi anh biết, hoặc nghe người khác nói, chính thằng Minh Việt nói ra, hay là ông già anh nói, thằng Giang hay thằng Chính nói…

Theo cách nhìn của Lê Đức Thọ và lũ tay sai thì Trần Minh Việt là lý thuyết gia số một của “bọn xét lại hiện đại”. Tên này đã cả gan thảo ra một bản cương lĩnh cho một đảng cộng sản mới sẽ ra mắt quốc dân sau khi ban lãnh đạo Đảng hiện tại bị lật đổ.

Tôi không giấu Huỳnh Ngự. Tôi không thể giấu vì tôi hoàn toàn không biết tí gì về cái gọi là cương lĩnh" ấy, thậm chí chưa từng nghe ai nói đến nó. Ra tù, tôi mới biết là nó có thật. Lúc ấy tôi mới được đọc nó, nhờ một người bạn của Trần Minh Việt cất giấu được. Chính Trần Minh Việt thì lại không còn bản nào trong tay. Hóa ra tập tài liệu đánh máy dày chưa tới hai chục trang mà Huỳnh Ngự nói tới chẳng phải cương lĩnh cương liếc chi hết, mà chỉ là những suy nghĩ của Trần Minh Việt về con đường phát triển đất nước và vai trò Đảng trong tình hình mới, với những đề xuất tâm huyết của anh với Trung ương. Khốn nạn cho Trần Minh Việt! Anh đâu có muốn phá Đảng, anh muốn đóng góp ý kiến với Đảng của anh để Đảng của anh được vững mạnh hơn đấy chứ.

Minh Việt thế mà ngây thơ. Đến những cán bộ thường như chúng tôi cũng biết rằng trong xã hội Việt Nam một việc làm như thế là một lỗi lầm không thể tha thứ. Là đảng viên, cho dù trong cấp ủy cao, anh cũng không được phép tỏ ra hiểu biết hơn ban lãnh đạo. Nếu anh có ý kiến hay hơn Trung ương chẳng hóa ra anh giỏi hơn Trung ương sao? Anh đã dám coi mình giỏi hơn Trung ương thì nhất định anh phải coi thường Trung ương, trong đầu anh nhất định phải nảy ra ý nghĩ thay thế Trung ương một ngày nào đó. Lê Duẩn có cho bắt anh cũng phải. Đức khiêm tốn là thứ Lê Duẩn không cần, dù chỉ để làm vật trang sức.

– Thế nào, còn suy nghĩ chi nữa? – Huỳnh Ngự cười khẩy – Hay còn e dè, còn nể nang thằng Chính, thằng Giang? Nói để anh hay, trong khi anh cứ khăng khăng bảo vệ chúng hắn thì chẳng có thằng cha mô bảo vệ anh hớt, chúng hắn khai cho anh cả ký giấy rồi nè…

Cách giáo dục cán bộ công an của Đảng thực hay – tiên học căm thù, hậu học mạ lị. Các cụ dạy tiên học lễ, hậu học văn là sai toét tòe loe rồi. Cái thứ con cháu hơn tổ tiên thế này là phúc đức cho nòi giống hay điềm báo vận mạt của nó?

– Tui nhắc lại: chỉ có qua những lời khai anh mới chứng tỏ được lòng trung thành của anh đối với Đảng. – Huỳnh Ngự ân cần khuyên nhủ – Việc Đảng tha anh hay giữ anh lâu dài phụ thuộc ở anh, ở thái độ anh thể hiện trong những bản khai nầy đó.

Thì khai.

Tôi viết về Trần Minh Việt những lời nhạt thếch. Rằng tôi có gặp anh vài lần ở nhà tôi, bao nhiêu lần thì không nhớ, tôi không quen làm thống kê. Tôi kể con cà con kê chúng tôi nói với nhau chuyện gì (tất nhiên, không phải chuyện đường lối chống Đảng). Qua lời anh kể tôi mới biết anh đã học ở trường Đảng cao cấp Liên Xô, nhưng khi bắt đầu có chuyện tranh chấp ý thức hệ trong phong trào cộng sản quốc tế Trần Minh Việt trở về Việt Nam, chứ không ở lại Liên Xô như Nguyễn Minh Cần, Lê Vinh Quốc, Văn Doãn… (biết rồi, khổ lắm, nói mãi!).

Thế là xong một bản khai.

Làm việc với Huỳnh Ngự riết rồi tôi đâm ra khoái khai cung. Nó trở thành một trò chơi của đời tù và tôi cho trí tưởng tượng của tôi tha hồ bay bổng. Chẳng hạn, tôi bịa ra những cuộc gặp gỡ không hề có trong thời gian học ở trường điện ảnh với những điệp viên thượng thặng để lấy tài liệu để viết những kịch bản phim tình báo trong tương lai, bốc láo rằng khi thực tập làm phim tài liệu tôi được đi xem những phương tiện chiến tranh Liên Xô mới sản xuất, những máy bay cất cánh từ những xe tải, những tên lửa tự tìm mục tiêu… Tôi cảm ơn Herbert Wells[2] đã giúp tôi trong những sáng tác bất đắc dĩ này. Wells chắc không trách tôi, tôi là một tên học trò không đến nỗi tồi. Huỳnh Ngự khoái những chuyện bịa của tôi lắm. Nhưng khi y mon men tới đề tài tôi làm tình báo cho Liên Xô thì tôi cài số lùi: "Tôi chưa nghe ai nói tới chuyện tuyển mộ tôi cả… "

Cuối cùng rồi cũng đến một ngày Hoàng trịnh trọng đặt lên bàn tập hồ sơ dày cộp.

– Đây là tất cả những gì anh đã khai.

Tôi ngạc nhiên: trời đất quỷ thần ơi, tôi đã viết cho chúng nhiều đến thế kia ư?! Chúng sẽ làm gì với những trang giấy vô tích sự ấy nhỉ? Thật vậy, chúng sẽ làm được gì?

Hoàng bảo tôi ký vào mấy tờ giấy. Ký xong, tôi hỏi Hoàng bằng giọng làm ra vui vẻ:

– Theo tôi hiểu, giai đoạn hỏi cung đến đây là kết thúc, có phải không ạ? Sau đó là tòa án?

Hoàng gập tập hồ sơ lại, cười khẩy:

– Anh nghĩ thế nào cũng được. Việc đời, anh Hiên ạ, nó chẳng đơn giản như ta muốn.

– Chết chửa, – tôi làm bộ sửng sốt – có nghĩa là đến bây giờ vẫn chưa xong?

– Xong thế nào được. Chúng tôi còn phải hỏi nữa, chừng nào vụ án chưa kết thúc. Cứ coi như đến đây là qua một giai đoạn, ta tạm sơ kết cái đã. Là một vụ án liên quan đến nhiều người, nhiều sự việc, trong sự hỏi cung không tránh khỏi tình trạng người này nói khác người kia, người nọ xong trước người kia. Cũng là chuyện dễ hiểu thôi. Việc điều tra chỉ thật sự kết thúc chừng nào cơ quan an ninh làm xong với người cuối cùng. Anh hiểu chứ?

– Tôi không hiểu. – tôi lạnh lùng – Trong bất kỳ xã hội văn minh nào cũng có những quy định về thời hạn giam giữ trong khi điều tra, tức là chỉ có thể giam người trong một thời hạn nhất định mà thôi…

Hoàng cười mũi:

– Anh có ý muốn nói ở những nước tư bản chứ gì? Anh cho rằng xã hội ta không văn minh? Anh tỉnh lại đi, anh Hiên, anh đang ở một nước xã hội chủ nghĩa kia mà. Nghĩa là ở một nước có đảng cộng sản cầm quyền, lấy chuyên chính vô sản làm sợi chỉ hồng xuyên tâm[3]. Hoàn toàn không phải nơi có chế độ đại nghị. Ta có văn minh của ta – văn minh xã hội chủ nghĩa. Đó là những khái niệm văn minh khác nhau, khác về cơ bản, về chất, mong anh đừng nhầm lẫn.

– Cho dù có áp dụng chuyên chính vô sản thì điều đó, theo tôi nghĩ, cũng không hề có nghĩa Nhà nước vô sản không cần đến pháp luật.

Hoàng cười.

– Tùy anh. Tôi cho rằng anh nhầm. Nói trắng ra là anh có quan niệm huyễn hoặc về chủ nghĩa cộng sản. Lại là chủ nghĩa cộng sản Việt Nam, chủ nghĩa cộng sản châu Á nữa. Tôi thật lòng không muốn anh phải trả giá cho sự nhầm lẫn đó.

Tôi không hiểu Hoàng. Bình thường anh ta phát biểu không khác gì những tên công an cuồng tín khác, nhưng thỉnh thoảng lại bất ngờ tương ra một nốt ngang phè trong bài ca xưng tụng Đảng chí tôn, rất lạc lõng trong dàn đồng ca..

Một trong những điều khó hiểu đối với tôi hồi ấy là tại sao, vì lẽ gì, những nhà cách mạng Việt Nam thuộc thế hệ cha chú tôi, lúc đó còn đông đúc, lại chịu chấp nhận một mô hình xã hội quỷ quái như vậy?

Tôi quan niệm rằng trong xã hội xã hội chủ nghĩa Đảng cộng sản chỉ có thể đóng vai trò lãnh đạo thông qua trung giới là hệ thống pháp luật do nó đề xướng, được nhân dân dân chủ bàn bạc, dân chủ chấp nhận. Khi nói về Nhà nước tư sản chính Marx cũng chỉ ra rằng Nhà nước này bảo vệ quyền tư hữu tài sản, tức là bảo vệ quyền lợi của những tầng lớp hữu sản, thông qua trung giới pháp luật, chứ giai cấp tư sản không hề trực tiếp quản lý xã hội bằng những biện pháp hành chính. Sự lãnh đạo bằng chỉ thị và nghị quyết của Đảng cộng sản trong tinh thần đồng nhất Đảng với pháp luật là một sai lầm cực kỳ nghiêm trọng. Chính nó, chứ không phải cái gì khác, rồi đây sẽ làm cho xã hội rối loạn để rồi phá nát cái Đảng sáng tạo ra nó, đưa cái xã hội kỳ cục ấy tới diệt vong.

Không biết tôi đúng hay không đúng, đúng được bao nhiêu, trong ý nghĩ rằng thế hệ cha chú tôi bị sự sùng bái Hồ Chí Minh và sự thiêng liêng hoá Đảng làm cho mù quáng, tự tước bỏ nơi họ tinh thần độc lập suy nghĩ. Chính là do sùng bái cá nhân và sự biến một Đảng cách mạng thành một thứ tôn giáo đã đem lại rất nhiều hậu quả tồi tệ cho cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, rất trong sáng về mục đích.

Sau sự kiện Cách mạng Tháng Tám, uy tín của ông Hồ Chí Minh vút lên như diều gặp gió. Cùng với thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp uy tín của ông còn lên cao hơn nữa. Ông không chỉ là "cha già dân tộc" của Việt Nam, mà còn là đấng chí thánh của phong trào giải phóng dân tộc.

Người ta sẵn sàng chết cho Bác Hồ, đồng hóa Bác với Tổ quốc. Các chiến sĩ xung trận hô lớn "Vì Đảng, vì Bác, tiến lên!". Những đảng viên trong lễ kết nạp giơ tay tuyên thệ trước chân dung ông đặt trang trọng trên "ban thờ Tổ quốc" trên nền đảng kỳ. Hiện tượng sùng bái này, nói cho công bằng, một thời có tác dụng tốt, nó đem lại niềm tin, nó kích thích quần chúng tham gia kháng chiến. Không có nó cuộc kháng chiến chống Pháp khó lòng đạt được những thành công như nó đã đạt được.

Điều đó không lạ. Quần chúng châu Á cần có minh chủ trong mọi cuộc nổi dậy. Không có minh chủ thì không có phong trào. Hiện tượng đặc thù này là phổ biến trong những quốc gia lạc hậu. Nhu cầu vô thức này có cội rễ từ hình thái xã hội bầy đàn, xã hội bộ lạc thời nguyên sơ.

Bắt đầu bằng lời phân trần khiêm tốn tại quảng trường Nhà hát lớn thành phố Hà Nội năm 1946 đầy biến động và khó khăn: "Hồ Chí Minh thề không bao giờ bán nước", khi đồng bào còn chưa biết ông là ai, đến lúc uy tín đã được thiết lập, ông liền thản nhiên xưng "Bác" với mọi người, kể cả với những người bằng vai phải lứa hoặc không bằng vai phải lứa.

Khởi đầu cách xưng hô này là cách ông xưng với chúng tôi, những đứa con các đồng chí gần gụi ông. Sau đó nó được dùng như một bí danh, rồi mới có ý nghĩa ngôi thứ. Nhà văn Sơn Tùng trong một số văn phẩm đã miêu tả sai, như thể cha tôi và các cán bộ Đảng gần ông Hồ đều kêu Bác xưng cháu với ông. Sự thực không phải như vậy. Những ngày Cách mạng Tháng Tám các ông Trường Chinh, Nguyễn Lương Bằng, Hoàng Quốc Việt, Trần Đình Long, Bùi Lâm… đều gọi ông Hồ bằng anh xưng tôi. Ông Bùi Lâm còn giữ cách xung hô ấy mãi về sau, khi mọi người đã quen với cách gọi ông Hồ là Bác.

Từ ngữ ngẫm ra quan trọng lắm. Khi có nhiều người đã cháu cháu bác bác với ông Hồ rồi thì ông tưởng mình là bác thật, những người xưng cháu cũng sẵn sàng khoanh tay vâng dạ bề trên. Thế mới biết một từ dùng không cẩn thận có thể đẻ ra tai họa.

Cách tôn vinh lãnh tụ theo lối gia trưởng tồn tại cả trong hàng ngũ Khmer Đỏ. Pol Pot, kẻ lãnh đạo cuộc diệt chủng không tiền khoáng hậu trong lịch sử nhân loại cũng được đồng bọn gọi là Om (Bác), là Puk (Cha)[4].

Tôi nhiều lần được chứng kiến ông Hồ nói chuyện với quần chúng như thế nào. Trong bộ quần áo kaki giản dị, có khi là bộ áo cánh lụa nâu, ông không có bề ngoài cách biệt với những người ông tới thăm. Cái cách ông đến thăm cũng là với tình thân, chứ không phải tới để thị sát, với tư cách bề trên. Ông có giọng nói ấm áp, hơi trầm, âm lượng không lớn nhưng vang xa, với những lời dễ hiểu đối với quần chúng lao động, người nghe chủ yếu của ông. Ông không phải nhà hùng biện, nhưng tiếng tăm về lòng yêu nước của ông, địa vị chủ tịch nước của ông, cách nói dễ hiểu của ông đối với quần chúng ít học đã làm cho ông trở thành nhà hùng biện kiệt xuất của thời đại, vượt xa những nhà hùng biện tôi đã được nghe như Trần Văn Giàu, Nguyễn Sơn, Dương Bạch Mai… Chỉ có một điều không sao hiểu được là: khi ông Hồ Chí Minh nói chuyện với dân chúng, trong đám đông cuồng nhiệt hoan hô lãnh tụ có cả những cụ già cao tuổi, thế mà ông vẫn xưng Bác tự nhiên như không. Chẳng lẽ một người nổi tiếng khiêm nhường như ông lại có thể phạm phải một khuyết điểm không tha thứ được đối với chuẩn mực giao tiếp châu Á?

Chỉ một lần tôi nghe thấy ông Hồ xưng em – đó là với nhà cách mạng lão thành Đinh Chương Dương. Hôm ấy dân chúng Hà Nội từ biệt ông Hồ trước khi ông lên đường sang Pháp để vận động Pháp thừa nhận nền độc lập của Việt Nam, tháng 5 năm 1946. Trước Bắc bộ phủ là cả một rừng cờ và hoa bên trên biển người xao động, trong tiếng nhạc binh trầm hùng, tiếng hô khẩu hiệu vang trời. Tôi đi cùng bác Đinh. Bác Đinh lúc bấy giờ đã yếu lắm, phải tựa vào vai tôi mà bước. Vì đến muộn, chúng tôi chật vật mãi mới len được qua đám đông để vào Bắc bộ phủ. Nhìn thấy bác Đinh từ xa, bác Hồ lật đật từ trên thềm cao chạy xuống, ân cần đỡ tay ông: "Bác tới thăm em làm chi, khổ quá, bác chưa được khỏe mà". Trả lời câu hỏi thăm của bác Đinh, bác Hồ[5] ưỡn ngực ra, cười lớn tiếng: "Hồi nầy em khá nhiều rồi, bác ạ".

Đến bây giờ chẳng còn ai không biết tác giả Trần Dân Tiên của cuốn Những Mẩu Chuyện Về Đời Hoạt Động Của Hồ chủ tịch là chính Hồ Chí Minh. Nói cho đúng, ông không phải người tự tay viết ra, có người chấp bút cho ông, tôi biết, nhưng ông là người kể chuyện cho người chấp bút ghi, ông là người sửa chữa bản thảo lần cuối trước khi nó được in ra. Trong lịch sử thế giới có lẽ đây là lần đầu tiên và duy nhất có một nhân vật đứng đầu quốc gia tự viết tiểu sử để ca ngợi chính mình. Những lời ca tụng Bác Hồ giản dị nhưng vĩ đại và sáng suốt trong tập ký sự Vừa Đi Đường Vừa Kể Chuyện ký tên T. Lan, những bài báo ký tên T. L., A. G. và nhiều tên khác nữa cũng là của ông, chẳng đổ cho người khác được. Ông Hồ tự ca tụng, chuyện đó có thật. Một việc làm thừa, hơn thế, ngớ ngẩn. Không cần đến cuốn sách ấy, những bài báo ấy, uy tín của Hồ Chí Minh chẳng những đã tràn ngập đất nước mà còn vượt ra ngoài bờ cõi.

Thể chế tổng tài châu Á có nguồn gốc từ chế độ thị tộc. Vua coi dân như con là quan niệm chỉ có ở châu Á. Nó có ở châu Á bởi vì thoát thai từ chế độ bộ lạc rồi thị tộc, những người bị cai trị sẵn sàng coi người đứng đầu cộng đồng là cha mẹ. Châu Âu từ xưa không có cái đó. Châu Mỹ lại càng không. Nói gì vua, một ông phủ, một ông huyện cũng dám vỗ ngực xưng "dân chi phụ mẫu" (cha mẹ dân) trong cái lãnh địa nhỏ bé của họ nữa là.

Không kể những thiên tài như Leonard de Vinci[6], hoặc kém hơn, Herbert Wells, trí tưởng tượng của con người ta hạn hẹp lắm – nó không quen tưởng tượng ra cái chưa hề có. Hình ảnh mà trí tưởng tượng sản sinh ra bao giờ cũng là cái bóng, cho dù rất mờ, của hiện thực. Nền kiến trúc tư bản, khi xã hội tư bản vừa hình thành, mang dáng dấp lâu đài, cung điện của các chúa đất phong kiến. Những người cộng sản Việt Nam hình dung chế độ xã hội chủ nghĩa qua hình dạng cái quốc gia nửa phong kiến nửa thuộc địa là nước Việt Nam thời thuộc Pháp. Trong sự kế thừa vô thức này xã hội Việt Nam ngày nay có mang nhiều nét trật tự nửa phong kiến nửa thuộc địa âu cũng là lẽ thường tình.

Đáng trách nhất là những người cộng sản thế hệ đầu tiên, nổi tiếng kiên cường trong cuộc đấu tranh chống đế quốc, lại không có đủ dũng khí để quát lên: "Không được phép!" khi thấy ban lãnh đạo Đảng tự tiện đặt mình lên địa vị "dân chi phụ mẫu", cắt xén những quyền dân chủ mà Cách mạng Tháng Tám đã mang lại. Còn sau đó, như theo đà trượt, nền dân chủ thiếu tháng cứ phăng phăng tụt dốc không sao hãm lại được nữa.

Trong buổi "sơ kết" nói trên Hoàng tỏ ra vui vẻ. Anh ta mời tôi uống trà, mời tôi hút thuốc vấn, rồi khúc khích cười như có điều vui thú trong lòng.

– Cơ quan an ninh bày tỏ lòng khâm phục anh. – Hoàng nói, giọng bỡn cợt – Hơn nửa năm làm việc, tốn bao nhiêu thời giờ, cả giấy mực nữa, cũng tốn lắm, vậy mà chúng tôi không biết hơn được điều gì ngoài những điều chúng tôi đã biết rồi.

Tôi nhìn vào mắt Hoàng, nhưng anh ta tránh cái nhìn của tôi, vờ lúi húi soạn giấy má trên bàn. Đợi cho Hoàng thu dọn xong, tôi nói:

– Cơ quan an ninh có muốn biết câu trả lời của tôi cho nhận xét đó không?

– Anh cứ nói.

– Trước hết, tôi xin phép được nghi ngờ cái gọi là những điều cơ quan an ninh đã biết rồi. Mặc dầu đối với tôi chuyện các anh biết cái gì rồi không phải chuyện khó hiểu.

Hoàng ngạc nhiên.

– Anh nói rõ thêm đi.

Tôi cười:

– Chúng tôi và các anh có những điểm tương đồng về nghề nghiệp. Những điều được gọi là cơ quan an ninh đã biết rồi mà anh vừa nói, theo tôi nghĩ, thuộc một lĩnh vực mà trong nghề văn chúng tôi người ta đặt tên là hư cấu, nói theo cách dân dã là bịa.

Hoàng ngẩng phắt lên, nhưng trong cái nhìn của anh ta, tôi không thấy có vẻ gì là giận dữ.

– Anh Hiên ạ, tôi thật lòng khuyên anh nên cẩn trọng trong lời ăn tiếng nói. Chúng ta đang ở Việt Nam. Tôi thật lòng lo lắng cho anh.

Anh ta gọi quản giáo đưa tôi về.

Tôi đi lững thững trên con đường đã đi không biết bao nhiêu lần. Hoàng nói thế là có ý gì? Phải chăng anh ta muốn báo cho tôi biết vụ án còn lâu mới kết thúc, và cuộc trấn áp là không khoan nhượng?

Nghe tiếng mở cửa, Thành nhỏm dậy. Mặt anh nhớn nhác.

– Mấy giờ rồi?

– Chắc gần 11 giờ.

– Mình ngủ say quá.

Tôi ghé ngồi bên anh, nhin vào mặt anh, lặng lẽ quan sát.

– Anh nói dối tôi làm gì? – tôi nói.

– Sao cậu lại nói thế? – Thành làm bộ ngạc nhiên.

– Bởi vì tôi quý anh. – tôi nói chậm rãi, với âm sắc lạnh lùng – Tôi không thích nghe anh nói dối.

Anh nói, vẻ sượng sùng:

– Mình ngủ mà.

Tôi cười nhạt:

– Anh không ngủ. Người ngủ say mắt bao giờ cũng kéo những tia đỏ, là một. Anh gối trên bọc quần áo, trên cùng là cái quần, dải rút to thế này thể nào cũng phải hằn trên má anh mà lại không thấy vết hằn đâu, là hai. Ngủ say mà nằm ngiêng như anh thường nằm má bên dưới phải đỏ hơn má trên, là ba. Đủ chưa?

Thành cụp mắt xuống.

– Anh cũng bị gọi đi cung chứ gì?

Thành lẳng lặng gật đầu.

– Và họ hỏi anh về tôi, phải không?

Thành lại cụp mắt xuống. Tôi thở dài.

– Tôi sẽ không hỏi anh chuyện họ hỏi anh những gì về tôi. Chẳng cần hỏi tôi cũng biết họ hỏi gì. Tôi đã nói thẳng với họ những điều tôi bằng lòng nói. Còn những chuyện gì tôi không muốn nói thì đó là việc của tôi với họ. Họ chẳng có thể kiếm chác được gì hơn ở anh. Vả lại, tôi tin anh.

Thành im lặng.

Tuy vậy, con đỉa nghi ngờ bám chặt, sống dai. Giữa hai người phải mất một thời gian mới có lại được không khí thoải mái trước đây. Không khí nghi kỵ lẫn nhau là không khí mỗi người Việt Nam hít thở. Việc Thành đối xử tốt với tôi như thế mà còn giấu tôi chuyện anh đi cung làm tôi buồn. Tôi lại bị nỗi cô đơn đè nặng.

Nếu như thời gian đầu tiên tôi có ý muốn tự sát thì càng về sau ý chí phải sống sót bằng được càng mạnh mẽ. Tôi phải sống sót để nói lại cho đồng bào tôi nghe về thực chất cái xã hội trong đó con người Việt Nam bị tước đoạt mọi quyền tự do tối thiểu mà mỗi công dân bình thường của thế giới bình thường phải có.

Kiệt lực qua thập điện khổ đau

Tôi lử lả tiến công vào cái Ác

Trong đêm giữa ban ngày

Với vũ khí trong tay

Chỉ một ngọn bút cùn thay lưỡi mác

Tôi ngã xuống trong lốc bụi chiến trường,

Phút hấp hối còn mang mang nghe tiếng nhạc.

Thì ra máu của tim mình

nhỏ xuốngđất cằn

Và đất lên giọng hát

Bài hát của niềm tin

Từ trái tim tôi rách nát.

Tôi nằm dài, nghĩ vẩn vơ, đầu trống rỗng. Tôi viết mấy vần tự sự này tại địa ngục Hỏa Lò, mùa hè năm 1968. Tôi làm thơ lăng nhăng, khi buồn. Mỗi bài thơ ghi lại một nỗi niềm, một mẩu ký ức.

Những ngày sau đó tôi và Thành ít nói chuyện với nhau hơn. Có một cục sạn rơi vào trong mối quan hệ thân tình giữa hai con người đau khổ.

Rồi trong một đêm không ngủ được Thành kể cho tôi nghe đầu đuôi câu chuyện anh buộc phải nhận lời công an để theo dõi tôi như thế nào. Anh kể khó nhọc, giọng đứt quãng, với vẻ mặt đau khổ.

Câu chuyện nhạt phèo, không đáng kể lại. Không phải chỉ ở Việt Nam mới có chuyện này, ở đâu cũng vậy, dù ở nước Mỹ tư bản, nước Đức phát-xít hay ở Liên Xô xã hội chủ nghĩa. Tất nhiên, để trả công cho việc làm chỉ điểm người ta tung ra vô số lời hứa, cái nào cũng hấp dẫn đối với người tù thiếu thốn đủ thứ. Ở Việt Nam những lời hứa rẻ tiền hơn: anh sẽ được nhận thư vợ nhiều hơn, được nhận tiếp tế thường xuyên hơn, với số lượng nhiều hơn quy định. Người ta còn hào phóng hứa sẽ giảm án cho anh nữa, nếu anh lập công lớn. Tuy nhiên, để người đảng viên trước kia trong Thành khỏi tủi, người ta kêu gọi anh hãy nhớ tới trách nhiệm trước Đảng, cố gắng lập công dâng Đảng để bù lại cho những tội lỗi đã mắc.

– Tôi xấu hổ phải nghe những lời dụ dỗ ấy – Thành ngậm ngùi – Nhưng chẳng có cách nào khác… Tôi không thể từ chối.

Tôi an ủi anh:

– Tôi hiểu. Ở địa vị anh tôi cũng không làm khác được.

– Cậu hiểu cho tôi thì tôi mừng.

Anh rơm rớm nước mắt.

Chúng tôi có những vị thế khác nhau, cách người ta đối xử với chúng tôi cũng khác nhau. Với tôi, chắc chắn bọn Huỳnh Ngự không dám đặt vấn đề như thế, cho dù chúng rất muốn.

Trời dịu dần hay là tôi đã thích nghi với cái nóng Hỏa Lò không rõ, nhưng tôi không còn thấy khó chịu đựng như trước.

Những buổi đi cung thưa dần rồi tạnh hẳn, cứ như thể không có một vụ án nào hết, mà chỉ có một hình phạt. Theo ý thích của chủ nô.

29

Tôi mơ hồ cảm thấy thời gian ở Hỏa Lò đã kết thúc.

Có những dấu hiệu không rõ rệt của một sự thay đổi, không rõ là cái gì nhưng đúng là thay đổi, trong động thái của đám cán bộ chấp pháp, mà đám này thì bao giờ cũng vậy – kín như bưng. Chẳng hạn, trong những lần hỏi cung thưa thớt vào thời gian cuối tôi chỉ gặp toàn nhân viên cấp dưới của Huỳnh Ngự, thoạt trông cũng biết là mới vào nghề, hoặc được chuyển từ quân đội qua. Những người này nhìn tôi như những bác sĩ tập sự nhìn con thỏ trong phòng thí nghiệm, không tình cảm mà cũng chẳng hằn thù.

Huỳnh Ngự và Hoàng biến đi đâu không biết. Khi đưa tôi đi cung, những biện pháp bảo mật không còn được tuân thủ nghiêm ngặt như trước, thậm chí chểnh mảng. Cán bộ quản giáo có lần gặp bạn giữa đường dừng lại nói chuyện bỏ mặc tôi tự đi một quãng xa mà không cần áp sát từng bước. Rõ ràng họ không còn lo tôi chạm trán với người cùng vụ. Nói chung, là lỏng lẻo hơn trước. Điều này chỉ có thể giải thích bằng việc những tên xét lại hiện đại không còn ở Hỏa Lò nữa.

– Có thể người ta bắt đầu từ từ giải quyết vụ cậu chăng?

Thành đưa ra một giả thuyết.

Bầu không khí nghi kỵ đã nhạt. Thành thuyết phục được tôi rằng anh không bao giờ làm chỉ điểm.

– Cũng không loại trừ khả năng đó. – tôi nói – Chúng tôi có tội gì đâu.

– Vấn đề không phải ở chỗ các cậu có tội hay không có tội. – Thành cười – Vấn đề bây giờ là thả các cậu ra bằng cách nào đây?

Tôi thấy anh tỉnh táo. Ít nhất cũng hơn tôi.

– Nhưng nếu thả, tôi nghĩ người ta sẽ thả tôi trước, chứ không phải thả những cán bộ to trước.

Thành gật gù:

– Có lý!

Nói thì nói thế chứ tôi cũng chẳng chờ đợi. Tôi lì ra rồi. Tôi chờ bất cứ cái gì khác, trừ lòng tốt của Đảng.

Rồi đến một hôm, tôi đang nằm thì nghe có tiếng động khẽ ở le judas. Nhòm ra thì thấy Hoàng. Nhìn thấy anh ta, tim tôi đập rộn. Chưa bao giờ tôi thấy cán bộ chấp pháp vào xà lim. Chắc có chuyện gì quan trọng.

Trong óc tôi thoáng nhanh ý nghĩ về một chuyện không may. Hay là cha tôi… ? Ý nghĩ ấy làm tôi bủn nhủn chân tay.

Nhìn quanh, Hoàng lấy ngón tay trỏ ngoắc ngoắc tôi rồi ngập ngừng thì thào:

– Tôi đến để từ biệt anh…

Vừa nói Hoàng vừa đưa mắt về phía Thành. Thành đang ngủ say hoặc giả vờ ngủ say. Tôi ra hiệu không có gì đáng ngại.

– Anh đi công tác?

– Không, tôi vẫn ở Hà Nội… – Hoàng ngập ngừng – Nhưng tôi không được làm việc với anh nữa.

– Tức là… ?

– Nói cho rõ hơn: người ta không cho tôi làm việc với anh nữa.

– Họ cho rằng anh không được việc?

– Đại khái là như vậy.

– Tôi muốn bắt tay anh, nhưng ô cửa hẹp quá.

– Tôi mang đến biếu anh chút quà.

Hoàng móc mọi túi, lấy ra bốn bao Điện Biên.

– Cảm ơn anh, nhưng dạo này tôi quen không hút rồi, không có thuốc không sao.

– Anh đừng nghĩ đây là từ caisse noire[7] của Công an. – mặt thoáng buồn, Hoàng nói – Không phải đâu. Đây là tôi mua bằng tiền của tôi.

– Thế thì xin cảm ơn anh. Tôi nghĩ không sai về anh. Cho tôi gửi lời thăm chị và các cháu.

Hoàng đút từng bao thuốc qua khe cửa.

– Cảm ơn anh. Hi vọng chúng ta sẽ còn gặp lại nhau.

Tôi giơ mấy ngón tay vẫy Hoàng:

– Tôi tin như vậy.

Tỉnh dậy, Thành không hỏi tôi một câu về mấy bao thuốc lá. Chúng tôi lẳng lặng đốt mỗi người một điếu, nhàn tản nằm nhả khói lên trần.

– Tôi thấy cái chuyện tha không có đâu. Ba la phiêu lắm – tôi nói – Có một cái gì khác kia. Tôi thấy nóng ruột.

– Cậu nghĩ là cái gì?

– Cũng không rõ. Có thể là chuyển trại.

Thành nhăn trán, suy nghĩ. Rồi nhỏm dậy:

– Có thể lắm. Trong tù, trực giác, hay linh tính, rất quan trọng. Nếu cậu linh cảm thấy sắp phải đi khỏi đây thì ta cứ sẵn sàng là hơn.

– Có gì mà chuẩn bị? – tôi thờ ơ – Đi đâu bây giờ với tôi cũng thế mà thôi. Chỉ tiếc anh em mình không được ở cùng nhau nữa.

– Chưa chắc gì cậu sẽ được ở trại chung. – Nhiều phần vẫn là ở xà lim. Tôi sẽ cho cậu con dao mang đi. Trong xà lim con dao là vật thiết yếu, không có nó không được.

– Cho tôi rồi anh lấy gì dùng?

– Tôi còn một con nữa. Đã tôi rồi, nhưng chưa mài.

– Trại giam bình thường cũng có xà lim chứ?

– Sao không. Có điều xà lim trại chung dùng để cùm tù kỷ luật, chứ không phải xà lim giam cứu. Nhưng cũng có biệt lệ. Nghe nói có mấy trại chỉ toàn xà lim giam cứu, không có trại chung. Lại còn có một trại bí mật, đâu ở vùng núi Thanh Hoá giáp giới Ninh Bình, ở đấy không biết người ta giam thứ tù nào mà khi kẻng đưa cơm nổi lên thì cả tù lẫn người đưa cơm đều phải trùm túi vải đen lên đầu, chỉ để hở có hai con mắt, không ai được nhìn thấy ai, không ai được biết ai. Quản giáo không được phép nói với tù, tù không được phép nói với quản giáo, muốn nói gì phải viết ra giấy.

Chắc chúng tôi sẽ ở thứ trại đó quá. Rõ ràng người ta muốn giấu chúng tôi, không cho biết chúng tôi ở đâu, vì thế mà gia đình mới không được gặp mặt. Cái chuyện này thật lạ. Cứ như thể không còn một chính quyền nữa, mà một sơn trại, trong đó Lê Duẩn là đại đầu lĩnh, với Lê Đức Thọ làm phó.

Nói cho tôi biết về cái trại hũ nút đó hẳn Thành cũng nghĩ thế. Tính chu đáo, anh chuẩn bị tư tưởng cho tôi để tôi khỏi bị đột ngột.

Sau này, khi đã qua mấy trại, rốt cuộc tôi cũng chưa tới cái trại mà Thành nói. Chắc nó là cái trại huyền thoại, chỉ tồn tại trong trí tưởng tượng phong phú của những người tù. Nhưng biết đâu đấy, cái trại Thành nói đến lại chả có thật. Mọi sự đều có thể trên đất nước mà từ việc nhỏ tới việc lớn đều không công khai. Tính bí mật, tính âm mưu là đặc điểm của mọi nhà nước xã hội chủ nghĩa.

Thành mổ một chỗ kín đáo trong áo bông của tôi, luồn con dao làm bằng mẩu sắt đai thùng vào trong đó.

Bóp đi bóp lại cái áo bông vài lần, Thành hài lòng:

– Thế này chúng nó không khám ra đâu.

Giờ đây anh không còn giữ gìn với tôi nữa. Cách gọi chúng nó tạo ra cảm giác ngang hàng giả tạo giữa chúng tôi và bọn cai ngục.

Thành tỉ mẩn xẻ thức ăn gia đình gửi vào làm hai phần bằng nhau, cho từng thứ vào hai bao nylon lành, thắt nút thật chặt để tránh ẩm, một nửa để trong bọc quần áo của tôi, nửa còn lại để trong bọc quần áo của anh. Anh dặn tôi đi đâu cũng phải cẩn thận trước hết với chuột và kiến, hai kẻ thù thường trực của người tù nghèo khổ.

– Thế là tạm ổn.

Hoàn tất việc chuẩn bị cho tôi, anh nói, vẻ hài lòng hiện lên mặt. Giờ thì bất thình lình tôi có bị đưa đi nơi khác cũng không còn là chuyện đáng ngại.

Của cải người tù xà lim có một giá trị trong đời thường không được biết đến, không thể tưởng tượng ra. Một mảnh giẻ, một cái đinh rỉ, một cái túi nylon thủng cũng là quý. Không phải người ta dễ dàng chia sẻ cho nhau. Thế mà Thành không tiếc tôi một chút gì.

Lòng tôi nao nao nghĩ tới ngày phải xa Thành. Anh tốt với tôi chẳng khác nào người anh lo cho đứa em. Cầu Trời cho hai anh em không phải xa nhau cho tới khi cả hai cùng thoát khỏi chốn này! Than ôi, đó là điều không thể có, bởi vì chúng tôi không cùng một vụ, chúng tôi sẽ ra khỏi đây, nếu chúng tôi còn sống để ra được, vào những thời điểm khác nhau, chắc chắn là như thế.

Sau hơn nửa năm chung sống, từ chỗ nghi ngờ nhau tới chỗ tin nhau, Thành đã hiểu tôi. Không những thế, anh còn giống tôi ở cách nhìn xã hội hiện tại. Nếu chúng tôi quen nhau ở ngoài kia chắc chắn Thành phải là một người trong "nhóm xét lại chống Đảng". Không cần ai tuyên truyền anh tư tưởng xét lại, mà tự anh sẽ xét lại cả con người anh, xét lại cả Đảng, cả chủ nghĩa Marx mà một thời anh tin theo. Anh biết nhìn đời bằng cặp mắt tỉnh táo. Trong anh không có chỗ cho niềm tin mù quáng. Thực ra, anh đã hết là cộng sản từ lâu trong tâm thức. Anh còn xét lại hơn tôi nhiều.

Thành có tư cách đáng trọng. Vẻ ngoài hiền lành, nhưng anh thuộc loại người không chịu khom lưng uốn gối. Cung cách ứng xử làm tôi hiểu lầm anh những ngày đầu sống trong xà lim, tưởng anh khiếp nhược trước bọn quản giáo, thực ra chỉ là trò tiêu khiển của anh. Anh muốn kiểm tra khả năng tự kiềm chế, anh huấn luyện nó, và cũng là cách để giết thời gian.

Hách không phải không đọc được ý nghĩ của anh. Một lần thấy anh khúm núm vâng dạ, y nguýt dài: "Này, dẹp cái trò ấy đi nhá. Tôi biết thừa các anh là thế nào, trong bụng các anh ấy à, các anh coi tôi bằng mẻ. Ai chả biết ở ngoài kia các anh hơn tôi, nhưng đây là Hỏa Lò, là trại cải tạo, ở đây tôi hơn đứt các anh".

Trong mấy ngày chờ đợi cuộc chia tay mà trực giác mách bảo chưa biết lúc nào sẽ đến, Thành ít nói hẳn. Anh ngồi bó gối, trong tư thế lần đầu tôi gặp anh, đắm mình trong suy tưởng. Thỉnh thoảng, chợt nhớ ra điều cần dặn tôi, anh mới rũ mình khỏi giấc mơ.

– Nhớ phải tập luyện tay chân luôn, kẻo ở lâu trong xà lim bị teo cơ đấy. Đó là một chứng bệnh rất nguy hiểm.

– Khi đi cung, trên đường gặp cái gì dùng được là phải nhặt, có lúc sẽ cần đến. – anh dặn thêm, vào một hôm khác.

– Mưu ma chước quỷ nhiều nhất là ở trong tù. Nhớ cho kỹ điều này. Lúc nào cũng phải cảnh giác. Bạn ở trong tù là của hiếm, hiếm lắm. Cần nhất đừng có hấp tấp. Không nên tâm sự với ai. Nghĩ thật kỹ rồi hãy nói, suy tính thật lung rồi hãy làm.

Mặc dầu có chuẩn bị, cuộc chia tay với Thành diễn ra vào lúc tôi không ngờ nhất.

Cửa xà lim mở ra trước giờ ăn sáng. Người bước vào không phải là quản giáo, mà là một chấp pháp tôi đã gặp nhiều lần.

– Thu xếp đồ đoàn.

Y nói nhẹ nhàng. Đó là một người tầm thước, mặt tròn, hiền lành, cử chỉ chậm rãi và điềm đạm, hẳn do số phận trớ trêu mới rơi vào đám chấp pháp.

Thành sững sờ. Đột nhiên, anh ôm choàng lấy tôi. Tôi cũng ôm cứng lấy anh, nước mắt ứa ra.

– Chân cứng đá mềm nhá! – Thành nghẹn ngào nói khẽ – Vững vàng nhá!

Viên chấp pháp không can thiệp vào cuộc chia tay của chúng tôi. Anh ta ngạc nhiên, thậm chí có vẻ hơi xúc động, nhưng giả bộ nhìn đi chỗ khác.

Tôi rời xà lim 1, lòng nặng chĩu.

Hôm ấy là 27 tháng 7 năm 1968. Thế là tôi ở Hỏa Lò đã được hơn bảy tháng. Sáng tinh mơ, vừa tỉnh giấc Thành còn bảo tôi: "Mình hôm nay phải ăn vận tử tế. Lỡ có phái đoàn nào đến úy lạo chăng?".

"Ai đến? Mà úy lạo cái gì?", tôi hỏi. Thành cười hì hì: "Ngày thương binh liệt sĩ mà! Mình cũng là thương binh".

Trong một phòng hỏi cung Lê Thanh Tài đã đợi tôi. Y ngồi chễm chệ trong chiếc ghế bành bọc vải dày đã sờn, lò so lòi ra ở vài chỗ, hai chân bắt chéo.

Nhân vật này không lạ. Tôi đã gặp y vài lần tại phòng hỏi cung. Tôi đoán y cũng đang hỏi cung ai đó, biết Huỳnh Ngự đang hỏi tôi về người mà y đang hỏi thì y đến nghe. Cao to, hùng hổ, cử chỉ phóng đãng, nói năng thô lỗ – tất cả chứng tỏ y có nguồn gốc gần cống rãnh hơn sách vở. Tôi biết tên y do Hoàng một hôm hỏi tôi xem có phải bữa trước tôi làm việc với ông Lê Thanh Tài không.

– Có một người ngồi nghe bên cạnh chấp pháp Ngự, tôi không được giới thiệu. Ông ta là ai vậy?

– Anh biết để làm gì? Cũng đại loại như ông Ngự.

Như vậy, y cũng là cục phó.

– Đâu ra những thứ này? – Lê Thanh Tài trịch thượng hỏi.

Đó là một gói bánh quy, một gói bánh xốp, một ít ruốc thịt, mấy cái kẹo và ba bao Điện Biên. Tôi lo lắng cho Hoàng. Nếu theo dõi Thành kỹ, chúng sẽ biết vợ anh chỉ gửi Tam Đảo[8], chúng sẽ cật vấn về ba bao Điện Biên kia. Nhưng chúng bỏ qua chi tiết ấy.

– Người tù ở cùng cho tôi.

Y gườm gườm nhìn tôi.

– Giỏi, giỏi, chuẩn bị sẵn cả.

Tôi nhún vai.

– Sao anh biết anh sẽ chuyển đi nơi khác? Ai cho anh biết?

Tôi không trả lời.

Lê Thanh Tài nhắc lại câu hỏi, giọng giận dữ.

"Thằng khốn kiếp này không quen thấy có người không sợ nó", tôi nghĩ.

– Tôi hỏi, anh phải trả lời! Ai cho anh biết?

– Chẳng ai cho tôi biết.

– Những thứ này ở đâu ra?

– Anh bạn tù cho tôi. Quà của gia đình anh ấy. – tôi điềm tĩnh trả lời – Anh ấy xẻ ra cho mỗi người một phần bằng nhau. Ai hết sớm thì nhịn.

Y rời mắt khỏi đám đồ.

– Nó tốt với anh gớm, hả? Anh Quỳnh, xem lại thái độ chính trị thằng đó nghe.

– Dạ.

Viên chấp pháp ném trở lại các thứ vừa khám vào túi vải, cũng Thành khâu cho tôi.

Cuộc khám xét kết thúc ở đó. Lê Thanh Tài phẩy tay cho qua. Chất chuyên chính vô sản ở viên cục phó này xem ra còn cao hơn ở Huỳnh Ngự một bậc. Chỉ vì cho bạn tù mấy cái bánh mà người cho đã bị coi là có thái độ chính trị xấu.

– Các anh đưa tôi đi đâu? – tôi hỏi Lê Thanh Tài.

Y lừ mắt. Tôi nhắc lại.

– Không được hỏi. Đi đâu rồi khắc biết.

Để củng cố cho câu nói, y hất hàm ra hiệu cho một tên công an trẻ, vận thường phục. Tên này đưa còng tay ra. Một tiếng cách gọn, cái khóa đã ngậm chặt cổ tay tôi. Nó đã cũ lắm, đầy vết sứt sẹo và han rỉ, nhưng hàng chữ khắc chìm Fabriqué en France[9] vẫn còn đọc được.

Chiếc com-măng-ca nổ máy, vọt ra khỏi cổng Hỏa Lò.

Đã quen với không khí vắng lặng của xà lim, tôi bàng hoàng trước cái ồn ào ghê gớm bên ngoài Hoả Lò. Còn hơn là ghê gớm, nó kinh khủng. Chao ôi, tưởng chừng cả Hà Nội mà tôi biết đến mức thuộc từng ngóc ngách bỗng ngập chìm trong hằng hà sa số các thứ tiếng ồn đủ loại làm đinh tai nhức óc. Nhất là khi xe chạy qua chợ Cửa Nam. Tôi đi chợ này nhiều lần, nhưng chưa bao giờ tôi thấy nó đông đúc đến thế, ồn ào đến thế!

Thành phố hiện ra trước mắt tôi cũng lạ, như thể nó già hẳn đi bởi những bức tường mốc thếch đã bợt hết nước vôi, nham nhở.

Qua chợ Cửa Nam, xe rẽ vào đường Nguyễn Thái Học.

Tôi ngoái nhìn ngôi nhà số 65 quen thuộc ngay đầu đường. Tưởng chừng nghe thấy cả tiếng dương cầm bay ra từ căn phòng trên gác của Đỗ Nhuận. Tôi muốn được thấy Nguyễn Sáng đứng trên ban công nhìn xuống như anh thường đứng, dáng mệt mỏi khi rời giá vẽ. Cửa ra ban công khép chặt. Chẳng lẽ Nguyễn Sáng còn ngủ? Giờ này, theo lệ thường, bữa sáng ở cà phê Lâm đã xong rồi, Nguyễn Sáng đã về nhà rồi. Hay anh đi đâu vắng? Khi xe đi qua hẳn, tôi ngoái lại còn thấy Văn Giáo lộc ngộc dắt xe đạp ra cổng, chiếc mũ lá trên đầu. Theo sau anh là Nguyễn Tư Nghiêm ưu tư không cần biết đến thế giới.

Một ngọn triều hồi ức tràn ngập tâm hồn tôi. Không hiểu Nguyễn Sáng đã lấy vợ chưa? Đường vợ con anh vất vả, chỉ có đường sáng tác là nhẹ nhàng – dưới cây cọ của anh những bức tranh hình thành như nó có sẵn, chỉ cần anh lên tiếng gọi là nó nằm lên mặt vải.

Khác Nguyễn Sáng, Văn Giáo là nghệ sĩ bằng lao động. Anh vẽ tranh như đánh vật, tác phẩm của anh hình thành không nhờ suy tưởng, mà nhờ cơ bắp và mồ hôi. Không có hoạ sĩ nào có thể sánh cùng anh trong tình yêu đối với nghệ thuật hội hoạ. Nhớ một đêm rừng Việt Bắc, Văn Giáo cao lớn lòng khòng bưng đĩa đèn soi cho khán giả xem tranh mình trong một ngôi nhà lá dùng làm lớp học. Dầu cọ sôi lên trong đĩa, rớt xuống tay, làm anh bị bỏng, nhưng Văn Giáo không để rơi cái đĩa. Tranh Văn Giáo không được đồng nghiệp đánh giá cao, nhưng trong các cuộc triển lãm tôi thường gặp tranh anh. Chúng bao giờ cũng phản ảnh kịp thời những phong trào Đảng đề ra. Những bức tranh như thế có đầy trong những cuộc triển lãm, của anh cũng như của những hoạ sĩ không tên tuổi.

Lão họa sĩ Nguyễn Phan Chánh[10] giờ này hẳn đang uống trà. Sau khi trót dại trao thân gửi phận cho hiện thực xã hội chủ nghĩa, vào đầu những năm 60 Nguyễn Phan Chánh quyết định trở lại với mình, với thời bức Ô Ăn Quan đầy chất lãng mạn. Tôi xin phép cụ cho in một bức tranh mới sáng tác của cụ trên báo ảnh. Cụ tiếp tôi thân ái nhưng tranh thì không đưa: "Gần đây chẳng có bức nào là tôi cả, cứ như có thằng nào vẽ rồi ký tên tôi vậy. Xin khất anh khi khác!".

Người của thế giới nội tâm, Nguyễn Tư Nghiêm sáng tác không thèm nhìn nhõm đến sự tồn tại của những nhà phê bình hội họa quan phương, những chuyên viên mua tranh của SUNHASABA[11], như thể không có họ trên đời. Bức tranh "Kiều tắm đêm" của Nguyễn Tư Nghiêm được Nguyễn Tuân khoái đến nỗi xem xong ông phải đạp xe khắp Hà Nội để tri hô cho thiên hạ đến mà chiêm ngưỡng. Nhưng chẳng mấy ai được chiêm ngưỡng – Nguyễn Tư Nghiêm không thích tiếp khách. Anh vẽ tranh không để khoe, không để bán, anh tạo ra cái Đẹp chỉ cốt được sống một mình với nó.

Tôi có một kỷ niệm khó quên với Nguyễn Sáng. Một hôm anh tìm tôi từ sáng sớm, đứng dưới đường gọi vọng lên: "Lại nhà mình ăn cuốn". Tôi biết Nguyễn Sáng cần gì – anh đang lên cơn cô đơn. Những lúc như vậy anh cần có một người ở bên, bất kể người đó là ai. Buổi sáng hôm ấy tôi là kẻ được chọn, hoặc anh không tóm được ai khác.

Món anh rủ tôi đến ăn hóa ra là món cuốn mạo danh. Chúng tôi ngồi bên con nghê sứ mất trán không biết Nguyễn Sáng nhặt được ở đâu. Anh hào phóng rót rượu. Rượu còn cả vò. Trời đất, cuốn gì mà thế này? Không rau thơm, không tôm, không thịt ba chỉ, độc có bún suông cuộn trong rau diếp. Nguyễn Sáng luôn miệng khoe tài pha nước chấm: "Mình mà pha nước chấm thì khỏi chê, khó tính đến như Nguyễn Tuân cũng phải ưng". Chừng thấy tôi không hào hứng hơn cho dù được thưởng thức thứ nước chấm “tuyệt trần đời” của anh, anh rủ tôi bỏ cuốn đấy đi kiếm con gà. "Mình còn nhiều gạo trong hũ lắm, ta mang đổi. Gà luộc, nhắm rượu là nhất rồi!", anh dỗ dành.

Trong hũ gạo của anh, chính là con nghê sứ với cái đầu vỡ toác ở phần trên trán, chỉ còn lại nụ cười ngây độn, đúng là còn đầy ắp. Nguyễn Sáng ăn ngày một bữa ở cà-phê Lâm – hai lát bánh mì chấm trứng ốp-la và một cà phê đen, thế là đủ. Ăn ký sổ, trả bằng tranh. Tối đến thì khật khưỡng ở quán Thuỷ Hử góc đường Ngô Sĩ Liên trước đĩa nhắm đạm bạc. Gạo tiêu chuẩn vì thế mà thừa.

Chúng tôi vớ được một bà nhà quê có bu gà đứng ngơ ngẩn bên bức tường có hàng chữ "Cấm Đái Bậy" to đùng ngay dưới khẩu hiệu "KHÔNG CÓ GÌ QUÝ HƠN ĐỘC LẬP TỰ DO". Nguyễn Sáng bỗng luống cuống, bỗng ì ra, không dám nhìn bà ta, càng không dám tới gần. "Này, cậu đem đổi đi", anh huých tôi. "Mình đã đi đổi gà lần nào đâu", tôi ngượng, tôi thoái thác. Mặc kệ, Nguyễn Sáng cứ dúi bọc gạo vào tay tôi: "Nhà báo mua bán là phải hơn họa sĩ. Không được cãi. A lê, đổi".

Người đàn bà bán gà nhìn thấy chúng tôi đùn đẩy cho nhau, cười toe toét: "Lại đây, các cậu lại đây tôi đổi cho". Tôi đành chìa bọc gạo. Bà ta nhìn tôi thông cảm, ao gạo xong, tóm cổ một con gà tơ lôi tuột nó lên đưa cho "hai cậu". Cuộc đổi chác thành công, nó diễn ra êm ả, không có bóng công an phòng thuế nào xuất hiện. "Hai cậu" ồn ào ra về, lòng phấn chấn.

Con gà ngon, vừa đủ mềm, vừa đủ dai, nói chung là tuyệt. Ngà ngà say Nguyễn Sáng kể cho tôi nghe chuyện tình của anh. Đó là câu chuyện buồn, nhưng nó lý giải được cái đẹp tôi bắt gặp trong mấy bức tranh mới đây của anh. Anh yêu say đắm một cô gái có đôi mắt đen cách xa nhau, rất lạ, làm cho sắc đẹp của cô trở thành hoang dã. Bố cô gái không bằng lòng. "Tưởng nó định lấy ai, hóa ra là thằng Sáng cánh ta!", ông nói với bè bạn, cố ý cho con gái nghe thấy. Cô gái đau lòng rời xa anh. Trời cho anh tình yêu đối với cái Đẹp, nhưng bớt lại của anh tình yêu đối với một người.

Chiếc com-măng-ca phóng nhanh về phía Sơn Tây.

(Còn tiếp)


[1] Quạt máy Liên Xô, cánh bằng cao su, không có lồng sắt bên ngoài.

[2] Herbert George Wells (1866-1946), nhà viết truyện viễn tưởng lỗi lạc, tác giả của những cuốn Máy Thời Gian, Cuộc Chiến Tranh Giữa Hai Thế Giới, Người Tàng Hình… vv.

[3] Cái tập hợp từ ngớ ngẩn này có xuất xứ từ Trung Quốc, trở thành câu cửa miệng ở các cán bộ tuyên giáo, và nói chung, những cán bộ sính nói danh từ cách mạng.

[4] Polpot (Saloth Sar, 1928-1988), người lãnh đạo đảng cộng sản Khmer Đỏ và là thủ tướng Campuchia (tên chính thức Kampuchea Dân chủ) từ 1976 đến 1979. Dưới triều đại Polpot, 3 triệu người Campuchia đã bị hành quyết và chết vì bệnh tật, đói khổ.

[5] Tôi dùng từ “bác Hồ” bên cạnh “bác Đinh” ở đây cho đúng với từ ngữ đã dùng lúc ấy.

[6] Leonardo da Vinci (1452-1519), nhà khoa học, nghệ sĩ vĩ đại trong nhiều lĩnh vực nghệ thuật thời đại ông. Hai chục năm trước khi Christopher Colombus "tìm ra" châu Mỹ trong cuộc viễn thám bằng tàu buồm, Vinci đã phác họa nguyên lý tàu ngầm.

[7] Quỹ đen (tiếng Pháp)

[8] Tam Đảo là loại thuốc lá rẻ hơn thuốc lá Điện Biên, rất phổ cập trong thời kỳ ấy. Thuốc lá sang nhất là Thăng Long.

[9] Chế tạo tại Pháp (tiếng Pháp).

[10] Nguyễn Phan Chánh (1892-1984), hoạ sĩ tài danh, chuyên về tranh lụa.

[11] Công ty xuất nhập khẩu sách báo và văn hoá phẩm quốc doanh, người đặt hàng và mua tranh nhiều nhất, theo giá nhà nước, cho các hoạ sĩ. Những tranh này thường được dùng làm quà biếu ngoại giao của lãnh đạo Đảng và nhà nước hơn là để bán ra nước ngoài.

Comments are closed.