36
Sau cuộc nói chuyện với Hán Còi trong khu kỷ luật, tôi không thiết làm việc gì nữa. Trong việc bắt tôi, chính quyền có thể sai lầm, hãy độ lượng thêm một lần để cho rằng như thế. Nhưng trong việc tước bỏ quyền được luật pháp bảo hộ của công dân, chính quyền chứng tỏ nó không phải chính quyền của dân nữa. Nó không vì dân, nó không hề bảo vệ dân. Nó chỉ vì nó, nó chỉ bảo vệ chính nó.
Trong Hỏa Lò tôi chỉ nghĩ về nỗi đau của mình, về số phận mình. Tôi là nạn nhân của nền độc tài, là điều rõ ràng. Điều không rõ ràng là trong khi phục vụ chính quyền chuyên chế tôi còn là thủ phạm. Trước tòa án lương tâm, tôi là kẻ có tội. Sự phạm tội trong tình trạng vô thức được coi như tình tiết giảm nhẹ, nhưng không phải là cái để cãi trắng, để được tha bổng.
Đồng ý rằng những đứa trẻ hư như Hán Còi cần được giáo dục. Đó là nhiệm vụ của bất kỳ xã hội nào. Nhưng giáo dục trẻ em bằng nhà tù không phải là giáo dục. Chức năng của nhà tù xưa nay chỉ là trừng phạt và cách ly. Chức năng giáo dục không được đặt ra. Giáo dục là tốt với tư cách một mục đích. Nhưng đính nó vào nhà tù một cách máy móc, như thể nó là đặc tính sẵn có của nhà tù là bịp bợm.
Qua việc nhốt các công dân vào tù không cần xét xử, chỉ cần một nghị quyết chứ không cần tới một pháp lệnh, ta thấy rõ một điều. Rằng với bộ máy chính quyền nào cũng vậy, phải có một chốt hãm cho nó. Không có chốt hãm nó sẽ lồng lên trong xu hướng tự tung tự tác.
Tình thế một đảng độc tôn không có đối lập trong chính quyền là sự không có cái chốt hãm đó. Nó tất yếu sinh ra những hành động tùy tiện. Sự thay đổi lãnh tụ, thay đổi chính phủ không giải quyết được vấn đề. Thể chế, đó mới là cái cần phải thay đổi. Hồ Chí Minh, Trường Chinh hay Lê Duẩn thì cũng thế cả, họ như nhau hết. Chuyên chính vô sản chỉ là cái mặt nạ che giấu quyền lực vô biên của kẻ nắm quyền. Những người vô sản, những công nhân công nghiệp được Marx trịnh trọng trao cho sứ mạng kẻ đào huyệt chôn chủ nghĩa tư bản, chẳng sơ múi gì trong cái nền chuyên chính mang danh họ. Họ có chung số phận với nhân dân bị đặt dưới chân các lãnh tụ. Chẳng có gì nữa để mà trông chờ. Chẳng lẽ không phải cái Quốc Hội được gọi là của giai cấp vô sản đã ra một nghị quyết chống lại thậm chí những đứa trẻ như Hán Còi?
Hán Còi còn gọi chúng tôi vài lần nữa, nhưng sau vài câu đối đáp đồng cảm chúng tôi chẳng biết nói chuyện gì với nó. Hán Còi là một thằng bé hiếu động. Cứ mỗi khi quản giáo không có mặt, không rình rập, là Hán Còi đã lên tiếng gọi các bạn tù xà lim bên cạnh.
Chắp nối những mẩu chuyện lại với nhau tôi hình dung ra cuộc đời Hán Còi.
Con một cô giáo nghèo dạy phổ thông trung học suốt ngày bận đan len thêm để kiếm sống, do đó không có thời giờ dạy dỗ con cái, Hán Còi nhanh chóng trở thành đứa con của hè phố. Biệt hiệu Hán Còi được bè bạn đặt cho nó là do nó bé quắt vì suy dinh dưỡng từ nhỏ. Cuộc sống lang thang lôi cuốn thằng bé. Nó dạt vòm[1], trở thành lính đú, theo các đàn anh đàn chị đi mổ. Khờ khạo, ngây thơ, nó chỉ được phân công tăm, ngánh, hoặc cản địa[2]. Để trở thành lính mổ, lính đột, hoặc lính cắc cùng kinh[3], thì Hán Còi quá vụng. Bị bắt trong một đợt càn quét trước ngày lễ lớn, Hán Còi bị đưa thẳng lên trại, được Nhà nước dí cho một lệnh[4]. Trong trại Hán Còi bị bắt nạt đủ điều: giặt quần áo, sột sệt[5], rửa bát, đun nước pha trà, tẩm quất cho các đàn anh… Trái ý chúng một chút là ăn đòn. Trong đám sĩ quan[6] Tín Lác hành Hán Còi nhiều nhất. Hán Còi thù Tín Lác lắm. Nhân đợt chuyển trại, Hán Còi giấu trong tay áo một con dao rựa dài mài rất sắc, chờ đúng lúc Tín Lác lúng túng đỡ cái hòm do đàn em Hán Còi nâng lên thùng xe cho y, vung dao chém tới tấp. Tín Lác ngã gục trên vũng máu.
Sau trận trả thù oanh liệt, Hán Còi trở thành sĩ quan. Trong nhà tù sự liều lĩnh được đánh giá như một phẩm chất đàn ông. Kẻ dám chọi lại đàn anh là kẻ có tư cách đàn anh.
Ra khỏi xà lim kỷ luật Hán Còi vẫn liên lạc với chúng tôi. Nghe lời khuyên, nó xin đi học văn hóa. Trại có mấy lớp bổ túc văn hóa dành cho trại viên. Thỉnh thoảng nó lại lẻn đến gần khu biệt giam, tay giơ cao cuốn vở:
– Cháu vẫn đi học đây này!
Trời rét, Hán Còi phong phanh mấy tấm áo tù, mặt xám ngoét.
Tôi hỏi:
– Cháu không có áo ấm à?
Nó lắc đầu.
– Phải kiếm áo ấm mà mặc kẻo sưng phổi đấy.
– Cháu không có tiền.
– Nếu có thì mua được không?
– Giá có ken tẩy[7] đem chác[8] thì có ngay, cơ mà cháu không có.
Chúng tôi ném ra ngoài cho Hán Còi hai bao Tam Đảo mà gia đình “tiếp tế”. Hôm sau Hán Còi tới, rạng rỡ trong cái áo bông thùng thình.
– Nó hét ba bao. Cháu mà cả xuống hai bao rưỡi. Thiếu mất mười đồi[9].
Chúng tôi ném ra thêm một bao nữa. Cho Hán Còi, chúng tôi phải hạ mức hút xuống. Mỗi ngày mỗi người chỉ được một điếu chính phẩm. Còn lại là thuốc vê, bằng lá thuốc chúng tôi tự trồng khi còn ở trại A.
Chúng tôi vui, cảm thấy mình vẫn còn có ích cho ai đó.
Một hôm cục trưởng Cục chấp pháp tới, lũ lượt theo sau cả một bộ sậu thuộc hạ – cán bộ Cục chấp pháp, cán bộ trại. Phòng giam hẹp, một số phải đứng ngoài cửa. Tôi nhân ra người đi đầu là cục trưởng Cục chấp pháp nhờ có lần Huỳnh Ngự cho tôi biết, bằng giọng thì thầm, rằng người vừa ghé qua phòng hỏi cung chính là cục trưởng của y, tên Trúc. Anh chàng này có gương mặt trơ, không cá tính, không đường nét dễ nhớ – một cục đất xét trong xưởng điêu khắc cộng sản.
Tôi có ác cảm với y không phải vì tôi đang ở tù. Giả sử ở ngoài đời mà tôi gặp y thì cảm giác của tôi cũng vẫn thế – tôi không ưa cái bản mặt ấy. Đó là một thứ phản ứng sinh vật. Nó nằm sẵn trong ta, làm cho ta có cảm tình hay ác cảm với kẻ đứng trước mặt mình. Gương mặt y cho thấy y là thứ người ra đời chỉ để vâng lời cấp trên, quát nạt cấp dưới. Khác với nô lệ thường, y là cai nô lệ.
Trúc bước vào, mắt cố ý làm ra vẻ lơ đãng lướt qua quang cảnh nơi ở của chúng tôi. Phùng Mỹ đang đọc sách, anh đứng dậy theo thói quen khi có khách đến nhà. Tôi không thích lịch sự với tên hãnh tiến, tôi ngồi yên tại chỗ. Y cố ý giấu vẻ khó chịu, cười bả lả:
– Anh Hiên quên mất phép lịch sự, có khách đến chơi nhà mà cũng không mời ngồi.
Tôi thản nhiên:
– Anh sai rồi. Trước hết, đây không phải nhà tôi. Vì thế tôi không cần lịch sự với các anh. Sau, nếu là nhà tôi thì cũng không phải ai tôi cũng mời vào nhà, đừng nói gì tới mời ngồi, anh trách tôi là vô duyên.
Trúc ngượng, quay sang hỏi chuyện Phùng Mỹ. Rồi không lẽ không nói gì với tôi, y hỏi:
– Lâu nay anh vẫn nhận được thư nhà đều chứ? Chị với các cháu khỏe không?
Tôi nhếch mép cười:
– Tôi không hiểu câu hỏi. Thư nhà của chúng tôi các anh duyệt rồi mới cho chúng tôi nhận, gia đình chúng tôi ở ngoài ra sao các anh còn biết hơn chúng tôi. Tôi không hiểu các anh đạo đức giả để làm gì?
Trúc không chịu được sự mất mặt với thuộc hạ. Y quắc mắt:
– Này, anh phải biết: chừng nào còn nằm trong tay chúng tôi các anh hãy giữ mồm giữ miệng, kẻo vạ vào thân…
Tôi cũng nóng mặt:
– Bây giờ mà còn dọa dẫm tôi nữa thì thật là buồn cười. Cái vạ lớn nhất tôi đã được biết, anh còn muốn mang cái vạ nào nữa tới để dọa tôi?
– Anh tưởng Đảng phạt anh thế này là nhiều rồi à? Anh sẽ còn được biết cái nhiều hơn nữa, nếu anh muốn…
– Thế thì hãy đưa cái đó ra đây coi.
– Được, hãy chờ đấy!
Y vùng vằng quay ra. Thuộc hạ im thin thít, lục tục theo sau. Khi y tới cửa, tôi gọi với:
– Này, anh kia! Về bảo với cái anh Lê Đức Thọ nhà anh, hoặc Trần Quốc Hoàn cũng được, rằng hãy chịu khó đọc lấy vài cuốn của Marx rồi hãy xưng mác-xít. Bảo họ rằng chính Marx lên án chế độ giam người lâu ngày trong xà lim là hết sức vô nhân đạo đấy!
Y cười gằn:
– Được rồi, Đảng rộng lòng đối xử tử tế với các anh, cho các anh được giam riêng, sướng như ông hoàng không muốn, lại muốn lao động khổ sai. Muốn thế thì được thế… Hừm, đồ…
– Đi đi! Hãy nói với Đảng của anh rằng tôi không cần cái sự rộng lòng nào hết! Và anh, với lối ăn nói vô lễ của anh, đừng vác mặt đến gặp chúng tôi nữa…
Nhưng y đã ra tới sân.
Phùng Mỹ khuyên tôi:
– Cậu phải bình tĩnh. Đừng sa vào âm mưu khiêu khích.
Tôi cười nhạt:
– Mình đâu có định khiêu khích chúng nó. Chẳng qua mình muốn cho chúng nó biết chúng ta không phải là con vật không hiểu tiếng người để cho nó muốn nói gì cũng phải nghe. Không biết hôm nay nó vác mặt tới có mục đích gì?
Phùng Mỹ trầm tư:
– Vì thế mới phải bình tĩnh để nghe nó nói hết xem nó muốn cái gì, chúng nó có âm mưu gì? Cậu nóng như lửa ấy.
Tôi nhận lỗi. Tôi có nóng thật. Người tù vốn thế – thỉnh thoảng nó lại bị một cơn giận bùng lên, không kìm giữ được.
Vài ngày sau, tôi được gọi ra gặp vợ.
Nhìn thấy tôi, vợ tôi òa khóc. Tôi xúc động, vừa ôm lấy vợ tôi thì vợ tôi hét lên vì đau đớn. Thì ra tôi chạm phải bên vai đang sưng tấy vì gánh đồ tiếp tế cho tôi. Tội nghiệp, vợ tôi có quen gánh gồng bao giờ đâu.
– Em gánh nặng quá! – vợ tôi nói – Mà đường thì xa.
Ở trong cái nhà tù tôi được đưa tới bằng xe ô tô, tôi đâu có hình dung được con đường vợ tôi phải đi nó thế nào. Đêm tôi được đưa lên đây, trong ánh đèn pha, tôi chỉ thấy lá cây rừng và con đường gập ghềnh, khúc khuỷu thoáng hiện thoáng mất trong bóng tối. Nghe kể mới biết vợ tôi đi con đường khác, đường trong rừng, trời mưa thì bùn nhão nhoét phải bấm từng bước chân, lại còn phải ngồi mà lết trên những thân cây của cầu khỉ vượt qua những suối sâu nhiều lần để chuyển dần đồ mang theo cho tới khi chuyển hết…
Vợ tôi gày, xanh lướt. Trên mặt đầy những tàn nhang. Khi nào vợ tôi yếu thì những vết tàn nhang lại hiện lên. Chưa bao giờ tôi thấy vợ tôi yếu đến như thế. Gánh đời cũng quá nặng rồi, vợ tôi đuối sức mất rồi.
– Tình hình chưa có gì tốt đâu anh ạ. – nhân lúc tên quản giáo coi tù gặp gia đình bước ra ngoài, vợ tôi thì thào – Mẹ gặp bác Nguyễn Lương Bằng mấy lần, có em đi cùng, nhưng bác ấy sợ lắm, chẳng dám giúp gì mình đâu. Cán bộ cũng chỉ thì thào với nhau về vụ các anh, chứ không ai dám thắc mắc. Nghe nói còn nhiều người bị bắt lắm.
Tôi muốn nói với vợ tôi đừng chờ đợi tôi nữa, ngày trở về quá xa, mà cũng có thể sẽ chẳng bao giờ có, nhưng tôi không nỡ.
Thôi được, tôi sẽ viết điều đó trong một bức thư gửi sau vậy.
– Anh tiếc số sách. Nhiều cuốn quý lắm. Sưu tầm nhiều năm mới được bằng ấy, đến nhà xuất bản Sự Thật[10] còn phải mượn, chưa nói gì các nhà xuất bản khác. Nếu có ai sử dụng được thì đem cho người ta khỏi phí. Nhà mình ẩm, mối xông mất. Cả quần áo của anh nữa, đem cho đi, năm năm rồi, vải mục hết.
Vợ tôi lắc đầu quầy quậy:
– Không. Em không cho đâu. Cho như thế cứ như anh chết rồi ấy.
– Anh còn sống chỉ là nỗi khổ cho em…
– Đừng nói bậy.
Chúng tôi nắm chặt tay nhau.
Phùng Mỹ buồn rượi. Đã lâu chị Đào vợ anh không lên thăm anh. Gia đình anh nhà giáo, còn nghèo hơn gia đình tôi. Chẳng gì chúng tôi cũng đã từng ra nước ngoài, khi về cũng có một số đồ vặt vãnh có thể bán đi sống qua ngày.
Một hôm chúng tôi đang ngồi đọc sách thì nghe ở đầu hồi bên kia có tiếng cãi nhau ầm ĩ.
Phùng Mỹ ôm đầu rền rĩ:
– Khổ, sao anh em chúng ta lại có thể đối xử với nhau như vậy?!
Tôi cũng đau lòng. Nhưng biết làm thế nào? Nếu anh em không hiểu âm mưu của kẻ thù thì xung đột tất yếu xảy ra, không sớm thì muộn. Nằm nghe anh em mình cãi nhau mãi mà không làm gì được thật khó chịu. Nhìn lên trần, tôi nói:
– Mỹ này, mình sẽ sang bên kia…
– Bằng cách nào?
– Cái trần không thấy có vết đinh, không có ốc vặn, chắc người ta chỉ xếp các rầm gỗ lim đặt lên thôi. Họ không sợ tù trốn theo đường lên trần vì trong các phòng kỷ luật từ giường lên trần khoảng cách quá cao, không trèo lên được. Nhưng ở đây họ cho ta bàn ghế, mình bắc ghế lên bàn rồi tìm cách trèo sang bên kia…
– Sợ rầm gỗ quá nặng, hoặc bên trên người ta còn bắt gông ngang?
– Cứ thử xem sao.
– Chúng nó bắt được thì chết…
– Từ giờ đến tối hiếm khi có người vào. Để mình liều một phen.
Rầm trần không đến nỗi quá nặng. Tôi cố đẩy, thở rốc, nhưng cuối cùng cũng đẩy nó lên được.
– Chúng mình sẽ mang cho anh em một số quà. – tôi quay xuống, nói.
– Phải đấy!
Chúng tôi lấy ra khoảng hai kí khoai lang thu hoạch từ luống khoai trồng được, một ít ớt tươi từ những cây ớt xum xuê, một gói kẹo Hải Châu, một bịch trà và hai bao thuốc lá vừa được tiếp tế.
Tôi đu người chui vào trong cái lỗ tối om trên trần. Để sang được đầu hồi bên kia tôi phải bò qua bốn ngăn xà lim kỷ luật. Mặc dầu tôi cố bò thật nhẹ nhàng nhưng ở bên dưới một người tù kỷ luật vẫn gọi sang buồng bên cạnh:
– Hình như có người bò bên trên, mày ạ!
Tôi nín thở.
– Ma đấy!
– Thật mà.
– Con mèo vàng của Ban[11] đấy. – người ở buồng bên trả lời – Tao thấy nó luẩn quẩn ở đây.
– Béo đáo để. Được một xoong rựa mận ngon tuyệt.
– Chớ có đụng vào mà chết với Ban.
Sang đến hồi bên kia, tôi nhẹ nhàng nhấc một cái rầm lên, ngó xuống. Hai người bên dưới trợn tròn mắt nhìn tôi.
– Hiên đây! Vũ Thư Hiên đây!
– Trời, sao cậu liều thế?
Anh Lộc nói, vội vã bắc ghế cho tôi tụt xuống.
Trong hai người tôi chỉ biết Lộc, cán bộ Viện Triết học. Lộc là bạn thân của Vũ Huy Cương. Tôi gặp anh vài lần, nhưng không thể nói rằng quen. Huỳnh Ngự cũng vài lần bắt tôi khai về Lộc mà tôi không biết khai gì. Người kia là Đinh Chân, đại úy, biên tập viên báo Quân đội Nhân dân. Đinh Chân thì lạ hoắc.
Cả hai đều xanh xao, nhưng không đến nỗi gày lắm. Tôi quyết định ngồi lại một lát. Tôi bóc bao thuốc mời hai anh hút. Họ hút say sưa. Rõ ràng từ lâu các anh không có thuốc hút. Tôi kể cho hai anh nghe kinh nghiệm của chúng tôi đối phó với âm mưu ghép hai người khác tính cách để hằn thù nhau, kể chuyện chúng tôi học tập, trồng rau, trồng khoai, trồng ớt và đưa tặng hai anh gói quà. Lộc và Đinh Chân có vẻ ngượng ngùng.
Tôi quay về, lần này bò cẩn thận từng bước, còn nhẹ nhàng hơn cả con mèo vàng của Ban.
Một tuần sau, tôi đang ngồi nghiền cuốn từ điển tiếng Nga thì cửa xịch mở. Một đám công an xộc vào. Tôi không hiểu vì sao chúng vào đông đến thế, có tới cả chục đứa, đứa nào đứa nấy sát khí đằng đằng. Một tên có vẻ quan trọng hơn cả tiến lên trước, lừ lừ nhìn tôi, sẵng giọng:
– Anh này! Đi!
Tôi chưa gặp tên này lần nào. Y có bộ mặt nhày mỡ và cặp môi dầy như hai miếng chả.
– Có phải mang theo đồ đạc gì không?
Tôi hỏi lại. Phùng Mỹ mặt mày nhợt nhạt. Chúng tôi đều nghĩ đến chuyện sắp phải xa nhau. Mà chúng tôi đã quen sống có nhau rồi.
– Không! – cặp môi dầy nói.
Tôi đi theo y. Đám công an dãn ra nhường lối rồi rùng rùng theo sau. Chúng tôi không đi xa. Ra khỏi cổng khu biệt giam, chúng quặt ngay vào khu kỷ luật. Tên đi đầu mở cửa, những tên đi sau đẩy tôi vào trong. Chúng đè tôi xuống giường, chụp hai khong cùm sắt vào chân tôi, một tên đẩy suốt cùm vào, rồi khóa lại.
– Anh bị thi hành kỷ luật mười ngày vì tội xúc phạm lãnh tụ. Anh được phép xin ân giảm. Muốn xin thì nói với ông quản giáo cho giấy bút.
Y liếc mắt ra hiệu. Một tên chồm tới lấy còng số 8 khóa chặt hai tay tôi. Rồi tất cả rùng rùng kéo đi.
Còn lại một mình, tôi cố nhỏm dậy để quan sát hai cổ chân đau rát như phải bỏng. Khi cái tên công an tống suốt cùm vào, tôi phải nghiến răng lại để chặn một tiếng thét đau đớn. Thì ra cái khong quá chật, suốt cùm sắt lại có những vết chém như răng cưa, làm tôi bị sứt sát một số chỗ ở kheo chân, máu chảy ra tong tỏng.
Nhưng đó chưa phải là cái tồi tệ nhất. Khoảng nửa giờ sau tôi thấy cảm giác nặng ở hai bàn chân, sờ thấy chân sưng phồng, da lạnh ngắt. Chân bị tụ máu rồi. Loay hoay một lát, tôi nghĩ ra cách dùng ngón tay đút vào khong cùm để tĩnh mạch không bị chẹn, máu có thể trở về tim. Rồi lại phải thay chỗ chèn cho động mạch đưa được máu xuống. Kế này tốt nhưng rất mệt, tôi không dám nằm xuống sợ ngủ quên.
Phải gày đi thật nhanh thì mới cứu vãn được tình thế, tôi nghĩ. Tuyệt thực lúc này là tốt nhất. Đàng nào thì cũng phải tỏ thái độ. Tuyệt thực là một trong những hình thức đấu tranh, là sự biểu thị ý chí. Nhưng sự biểu thị cần có người biết, mình thì lại ở một khu cách xa trại, kêu chẳng ai nghe thấy thì tuyệt thực là vô bổ. Mà bó tay mặc cho chúng hành hạ mình thế nào thì hành cũng dở. Tôi quyết định dùng hình thức bán tuyệt thực. Cho tới nay bọn công an ở đây vẫn không trực tiếp quản lý chúng tôi, chúng vẫn phải báo cáo tình hình chúng tôi cho Lê Đức Thọ. Cần phải cho thằng này biết tôi không phải dễ bị bẻ gãy.
Tôi gõ tường thông báo cho Phùng Mỹ biết quyết định của tôi. Anh gõ lại:
– Cố gắng lên!
Lộc và Đinh Chân cũng đã biết tôi bị cùm. Các anh cũng nghe được thông báo. Từ phòng hai anh vang lên tiếng gõ:
– Tiên sư chúng nó!
Tôi cảm thấy trong lòng ấm áp khi biết tôi đang ở đây với bạn bè bên cạnh.
Buổi chiều viên quản giáo trông khu kỷ luật, một người đứng tuổi, mặt rỗ hoa, đi cùng một người tù tự giác mang cơm vào. Tôi bảo y:
– Tôi đang bị ốm. Tôi không ăn cơm. Anh cho mang ra. Ngày mai, báo cháo cho tôi.
Y ngạc nhiên nhìn tôi, không nói gì.
Hai chân bị cùm, hai tay bị còng, lại còn phải canh chừng cho chân không bị tụ máu, tôi cứ ngồi suốt buổi chiều và cả đêm, không dám nằm xuống. Hồi ở Hỏa Lò với cái cùm gắn chết vào chân phản tôi cứ nghĩ mãi: không biết khi bị cùm người tù đại tiểu tiện ra sao. Đến khi mình bị cùm mới biết làm mấy chuyện đó không đến nỗi khó lắm, mặc dầu rất bất tiện. Hai tay tuy bị còng vẫn có thể di chuyển cái bô đặt ngay trên phản, sau đó thì lựa tư thế khi ngồi khi nằm mà giải quyết.
Trong xà lim rất hôi hám, tanh tưởi, muỗi như trấu, lại thêm cái nạn rĩn. Những con vật bé li ti không thể nhìn thấy cứ rúc sâu vào trong tóc, vào bên trong quần áo mà đốt, làm cho ngứa ngáy vô cùng, tưởng chừng phát điên lên được. Giết chúng không nổi, không biết chúng ở đâu mà giết, hoặc giết được đấy nhưng không xuể, bởi chúng quá nhiều, quá đông. May, ở đây rệp nhiều thật, nhưng thua rĩn, chúng chỉ có ở số lượng vừa phải. Trong bóng tối, tôi sờ thấy những con rệp cộm lên dưới tay, trên mặt phản gỗ. Lẽ ra phải dùng móng tay cái giết chúng theo cách thông thường, tôi chỉ hất mạnh chúng xuống đất, hất cho thật xa, hi vọng rằng với tốc độ di chuyển chậm chạp của loài ăn bám khốn kiếp này phải cả giờ sau chúng mới có thể bò trở lại chỗ cũ. Tôi rất sợ mùi hôi mà con rệp tiết ra khi nó bị di bẹp. Cuộc chống chọi với lũ súc sinh không kéo dài được lâu – chỉ một ngày sau tôi đã hết sức, thôi thì mặc cho chúng muốn hút bao nhiêu máu thì hút, máu tôi có cả vài lít, tôi không phải kẻ quá keo kiệt, chúng cũng chẳng thù oán gì tôi, chẳng qua chỉ vì để tồn tại mà chúng tìm đến tôi để kiếm ăn mà thôi.
Ngày hôm sau tôi đói cồn cào, đói kinh khủng. Chưa bao giờ tôi trải qua một cảm giác như thế. Cái dạ dày trống rỗng bắt phải nhớ đến nó từng giây bằng những cơn đau quặn. Tưởng chừng con người không thể nghĩ đến cái gì khác ngoài cái ăn. Trong giấc ngủ thiêm thiếp cũng mơ màng thấy một cái gì đó ăn được. Ngày hai bữa, sáng và chiều, viên quản giáo coi tù xà lim theo sau người tù tự giác mang xoong cháo vào tôi. Tôi dằn lòng, chỉ húp vài thìa trước mặt y, rồi bảo anh tự giác mang đi. Tôi biết chắc: y sẽ phải báo cáo lên trên về chuyện tôi ăn thế nào. Và đó là điều tôi muốn.
Ngày hôm sau nữa cơn đói còn dữ dội hơn. Nó làm cho đầu óc mụ mẫm. Nghĩ tới một món ăn nào đó tức thì nước dãi lại ứa ra.
Cùng với cái đói có một niềm vui bất đắc dĩ: hai chân đã cựa quậy được trong khong cùm. Thế là tôi đã gày đi được một chút. Không còn phải lo cho đôi chân nữa, đêm thứ hai kể từ bắt đầu cuộc tuyệt thực tôi ngủ ngon lành. Tuyệt thực còn có một điểm tốt là giảm được đại tiện và tiểu tiện, đỡ phải chịu đựng mùi hôi thối.
Đến chiều ngày thứ ba thì sự lạ xảy ra – cái đói ghê gớm bỗng biến đâu mất, tôi không thấy trong bụng cồn cào như trước mà chỉ thấy một cơn đói dịu dàng không bao giờ tắt. Người nhẹ bỗng. Đầu óc tỉnh táo. Các giác quan tự nhiên trở nên đặc biệt sắc bén. Trong bóng tối của xà lim tôi nhìn thấy rõ những vết khía trên suốt cùm. Bây giờ tôi mới hiểu vì sao khoeo chân tôi bị chảy máu – chính là do những vết khía lởm chởm như vảy cá trên bề mặt cái suốt gây ra.
Tôi nằm ngửa, không động đậy, trong cảm giác lâng lâng, nhìn lên những phiến lim trên trần nhà. Như trong một ảo mộng giữa đời thực tôi thấy trước mắt mình hiện lên một cuốn phim thú vị: câu chuyện một cô gái trong trắng đối mặt với cuộc đời xô bồ, bẩn thỉu. Tôi đặt cho nó cái tên "Chuyện phiêu lưu của nàng Liberta qua ba nước – nước Mặt Nạ, nước Cùm Vàng và nước Mề Đay".
Cô bé Liberta sống sót qua một vụ đắm tàu được đôi vợ chồng già trên hoang đảo cứu sống, lớn lên giữa thiên nhiên và muông thú. Đến một ngày, cuộc sống hiu quạnh với cha mẹ nuôi làm cho cô buồn, và cô trốn đi, bắt đầu cuộc viễn du tìm hiểu thế giới. Cô tới nước Mặt Nạ, nơi mỗi cư dân khi trưởng thành đều tự tạo cho mình một cái mặt nạ và sống với nó cho tới chết. Họ làm những việc tồi tệ với nhau, thậm chí hãm hại nhau, nhưng bao giờ cũng dưới những cái mặt nạ tử tế. Vua nước Mặt Nạ là một con cáo thành tinh, một con quỷ đội lốt minh quân, với đám quần thần ranh ma độc ác. Cô bị vua nước Mặt Nạ bắt làm hoàng hậu, nhưng lễ cưới chưa thành thì nước Mặt Nạ bị vua nước Cùm Vàng cất quân sang đánh để giành người con gái xinh đẹp.
Khác với dân Mặt Nạ, dân Cùm Vàng này coi vàng là vật quý nhất trên đời. Nhà nào nhà nấy suốt đời chỉ chăm chăm kiếm cho thật nhiều vàng, ai nhiều vàng hơn thì được trọng, ai ít vàng thì bị coi khinh. Để tỏ cho thiên hạ biết uy lực của mình, rằng mình không cần động tay động chân cũng có thể trị vì đất nước, vua nước Cùm Vàng xỏ chân vào một cái cùm nặng chịch bằng vàng, hai tay đặt trong xích vàng, ngồi trên một cái ngai cũng bằng vàng ròng, chung quanh là lũ quần thần đội những chiếc mũ bình thiên bằng vàng.
Quân nước Mặt Nạ đại bại, Liberta bị bắt mang về nước Cùm Vàng. Nhờ con vẹt thọt mà nàng cứu sống trên hoang đảo loan báo cho muông thú nước Cùm Vàng, Liberta được đánh tháo.
Nhưng số phận lại run rủi cho nàng rơi vào nước Mề Đay, nơi từ nhà vua cho chí dân đen đều háo danh hết mức, ai nấy xủng xoảng Mề Đay đầy người, nhà nào nhà nấy dán la liệt bằng khen, giấy khen, cái nọ đè lên cái kia. Vua nước Mề Đay sở hữu một cái mề đay to nhất nước, to bằng cái nong, khi thiết triều thì đứng nấp đàng sau nó, chỉ hở có đôi mắt, trong mớ hỗn độn những mề đay đeo từ mũ xuống tới giày, cái nọ móc vào cái kia như vảy cá. Lần này nhờ bà tiên Natura và con trai giúp đỡ, Liberta lại chạy thoát.
Vua ba nước hoà với nhau hợp quân tiến đánh, ước hẹn hễ ai chiếm được Liberta thì nàng thuộc về người ấy… Nàng tiên tung mặt nạ mĩ miều cho quân đội Mặt Nạ, tung tiền vàng cho lính Cùm Vàng, tung huân chương huy chương cho lính Mề Đay. Chúng bỏ mặc ba vua, tranh cướp nhau báu vật…
Tôi hình dung câu chuyện trong hình thức một phim hoạt hình, không ngờ rằng tám năm sau tôi còn cơ hội đặt bút ký hợp đồng làm phim với Xưởng phim Giải Phóng tại Sài Gòn.
Giám đốc Mai Lộc và đạo diễn Trương Qua háo hức muốn làm phim này. Nhưng cục trưởng Nguyễn Duy Cẩn thẳng tay bác nó vì "tư tưởng kịch bản không trong sáng". Ông ta nhìn thấy trong câu chuyện dạng cổ tích ý nghĩa đương đại của nó. Mà tôi cũng chẳng giấu giếm điều đó. Tôi mở đầu kịch bản bằng câu dẫn chuyện: "Ngày xửa ngày xưa, cách đây không lâu lắm, ở một vùng đất nọ, cách đây không xa lắm… " Trong đoạn miêu tả triều đình nước Mặt Nạ, các vệ sĩ "vận áo giáp Trung cổ, đầu đội mũ sắt, trước ngực lủng lẳng khẩu tiểu liên cực nhanh, chân đi ủng trận", lời quần thần tung hô nhà vua là: "Thánh thượng vạn vạn tuế. Người là mặt trời trên hết các mặt trời, vua trên hết các vua, tổng thống trên hết các tổng thống, đồng chí trên hết các đồng chí… ".
Tôi được tin Phạm Viết qua đời chính là trong những ngày này. Chị Đào, vợ anh Phùng Mỹ lên thăm anh mang tin buồn cho chúng tôi.
– Chúng ta hãy để một phút mặc niệm Phạm Viết! – Phùng Mỹ gõ cho tôi.
Tôi đấm vào tường ba cái liền, đồng ý.
Tôi mặc niệm Phạm Viết trong tư thế nằm. Tôi không hề biết rằng chị Lan, vợ Phạm Viết, đã được thả sau hai năm rưỡi bị giam cùng với chúng tôi tại Bất Bạt.
Một hôm, ba ngày sau khi tôi bắt đầu cuộc bán tuyệt thực, tên quản giáo rỗ mặt tháo còng tay cho tôi:
– Anh dại lắm! Bướng có được cái gì đâu, mà khổ vợ khổ con… – cho người tù tự giác ra ngoài, y nói với tôi – Tôi vẫn cầm giấy bút cho anh đây, anh nên viết đơn lên trên, hay ngại đơn từ lằng nhằng viết tự kiểm cũng được, để tôi chuyển cho.
Nghe giọng nói của y thì hình như đó là lời khuyên thật lòng. Tôi cảm ơn, nói rằng mỗi người có một cách sống, và tôi thích sống như tôi đã sống, tôi không chọn cách sống khác, cho dù nó hay hơn.
– Anh nên ăn cơm, húp có một ngụm cháo rồi bỏ, hại người lắm. Còn phải nghĩ đến ngày về chứ!
Y nói trước khi khóa cửa lại. Thì ra y chuyển lời của người khác. Tôi tin chắc là như vậy.
Tôi vẫn tiếp tục tuyệt thực.
Mấy ngày sau tình hình còn dễ chịu hơn nữa. Dường như dự trữ trong người bắt đầu được huy động từ từ, có tính toán, bù đắp dần cho sự thiếu hụt. Cảm giác đói vẫn còn đó, nhưng hoàn toàn không nặng nề. Tôi cảm thấy mình tồn tại trong một trạng thái lạ lùng: tôi nằm thiêm thiếp nửa mê nửa tỉnh, có vẻ như hơi mệt mỏi, nhưng cơ thể lại nhẹ nhàng.
Sáng ngày thứ bảy, tôi bị đánh thức bởi tiếng ồn ào của nhiều người. Viên quản giáo mặt rỗ mở cửa rồi đứng né sang một bên, nhường lối cho tên mặt nung núc thịt với cặp môi dầy.
– Anh có kêu xin gì không?
– Không!
Tôi đáp và quay mặt đi. Tưởng chúng sẽ bỏ đi, nhưng một tên đi sau tiến lên, mở khóa, tháo cùm cho tôi. Tôi đứng lên, nhưng đôi chân không nghe lời, làm tôi suýt ngã. Y vội đỡ, nhưng tôi gạt ra:
– Tôi tự đi được!
Họ giải tôi về phòng giam. Tôi đi chậm, họ kiên nhẫn theo sau.
Phùng Mỹ ái ngại nhìn tôi lảo đảo vịn cửa bước vào. Chắc tôi xanh và gày đi nhiều. Ấy là người ta đã bớt cho tôi ba ngày cùm, kết quả của việc tôi tuyệt thực. Nghe nói có người bị cùm liền mấy tháng khi ra không đi được, phải bò. Càng phục anh tù tử hình Hỏa Lò, cùm suốt năm này qua năm khác mà không sao cả.
– Thu xếp đồ đoàn!
Anh chàng môi dầy ra lệnh.
Tôi mặc y, đi đến chỗ cái xô đựng nước san ra chậu rửa mặt, cạo râu và gội đầu. Nước mát làm cho tôi tỉnh lại. Chỉ cần nghỉ một lát, vận động qua loa cho máu chạy đều trong huyết quản là đâu sẽ vào đó.
Như vậy, tôi sẽ không được ở với Phùng Mỹ nữa, tôi nghĩ. Không biết người ta định đưa tôi đi đâu? Tôi bắt đầu nhớ anh. Nhớ và thương, bởi vì Phùng Mỹ sẽ phải chịu đựng cuộc sống cô đơn một cách cực nhọc. May, chúng tôi đã tạo được thói quen học tập. Anh ở lại một mình cũng khó khăn, nhưng dễ vượt qua. Chỉ sợ cùng với sự chia lìa chúng tôi bắt đầu một chế độ giam cầm mới, chưa biết là thế nào.
Phùng Mỹ pha trà. Tay anh run run. Chúng tôi lặng lẽ uống trà, nhìn nhau lưu luyến.
– Nhanh lên! – viên quản giáo ra lệnh.
Tôi đặt chén nước xuống.
– Xong rồi!
Y trợn mắt:
– Anh không mang theo đồ đoàn à?
Tôi lẳng lặng bỏ vào cái túi vải đựng đồ tiếp tế mấy cuốn sách, bàn chải, dao cạo râu, nhét thêm vào đó một bộ quần áo rồi bắt tay Phùng Mỹ. Chúng tôi ôm lấy nhau, từ biệt.
– Có thể đi được rồi! – tôi tiến ra cửa.
– Anh không mang đồ tới chỗ ở mới không có cái mà dùng đâu. Mang hết đi!
Tôi bỏ lại tất: chăn, màn và thức ăn gia đình tiếp tế. Phùng Mỹ sẽ dùng. Anh còn ở lại một mình.
– Tôi yếu, không mang được nặng!
– Đi!
Y dẫn tôi ra khỏi trại. Ban ngày, sân trại vắng ngắt. Xa xa tôi thấy mấy người tù mặc áo chàm xám ngồi trên hè. Đó là những người tù ốm, không phải đi lao động.
Tôi được giao cho hai công an viên trẻ, mặt lầm lì.
– Đi!
Một trong hai tên hất hàm, lia mũi tiểu liên chỉ ra con đường trước mặt.
Thì đi.
Rời khỏi khu trại chừng một cây số thì hết con đường rộng. Hai tên áp giải chỉ cho tôi đi vào đường rừng.
Đến đây thì đầu óc tôi căng thẳng. Chúng dẫn tôi đi đâu? Con đường trước mặt thấp thoáng, heo hút. Quanh đây tịnh không một bóng người. Người tôi căng ra như sợi dây đàn.
Làm ra vẻ uể oải bước, tai tôi vẫn bắt được từng tiếng sỏi đá lạo xạo dưới đế giầy vải của hai tên cầm tiểu liên đi sau. Không nhìn lại tôi vẫn cảm thấy hai nòng tiểu liên hướng vào lưng tôi.
Nếu chúng có ý định thủ tiêu tôi thì con đường rừng hoang vắng thích hợp lắm, tôi nghĩ. Hai tên áp giải có thể bất thần nhả đạn vào tôi, rồi hất xác tôi xuống vực. Kịch bản tuyệt vời: tên tù vùng chạy, người áp giải nổ súng.
Không có lẽ tôi sẽ chết ở đây, bên con đường heo hút này?
Không thể chết như thế được! Tôi không chịu được một cái chết thụ động. Dù sao tôi cũng đã là người lính. Người lính không thể chết mà không chống cự, dù trong tình thế hiểm nghèo nhất, tuyệt vọng nhất. Nếu sự xấu đó xảy ra, và viên đạn đầu tiên không trúng tim, tôi sẽ phải nhảy ngược lại, rất nhanh, giật lấy súng mà chiến đấu cho tới giây phút cuối cùng của đời mình.
Tôi nhớ tới những miếng võ đoạt súng mà anh Báu, một sĩ quan Nhật, dạy chúng tôi ở Trường lục quân Trần Quốc Tuấn. Sau khi Nhật hoàng tuyên bố đầu hàng viên sĩ quan này đã không nộp súng cho quân Tưởng, mà mang súng chạy sang hàng ngũ quân cách mạng Việt Nam. Tôi không gặp lại anh sau khi hòa bình lập lại. Không biết giờ anh ở đâu, còn sống hay đã chết? Sau Cách mạng Tháng Tám đã nhiều sĩ quan và binh lính Nhật đã gia nhập quân đội Việt Nam, họ chiến đấu dũng cảm và lập nhiều thành tích trong chiến tranh Đông Dương 1945-1954. Không hiểu sao người ta bỗng dưng lại thủ tiêu họ, như có tin đồn. Theo tin đồn ấy thì vào giai đoạn gần cuối cuộc chiến tranh tất cả sĩ quan và hạ sĩ quan Nhật bị triệu tập về một địa điểm trong rừng sâu, tiếng là dự lớp rèn cán chỉnh quân, rồi những khẩu trung liên được bố trí sẵn trong rừng, trên cao, đã nhả đạn xối xả vào họ một lần họ xuống suối để rửa ráy sau bữa ăn, cho tới khi không còn người nào sống sót. Chuyện này khó tin, tôi không rõ thực hư ra sao. Chỉ biết sau ngày hoà bình lập lại năm 1954, tôi không gặp lại một ai trong những người Nhật tham gia cuộc kháng chiến của Việt Nam mà tôi quen biết. Nếu thật đúng như thế thì mức độ tráo trở, vô ơn của những người lãnh đạo của kháng chiến đã đi tới tột cùng.
Có lẽ chính sự căng thẳng đã làm cho tôi đi nổi đoạn đường rừng mười cây số sau bảy ngày bị cùm trong phòng kín không ăn uống mà không bị kiệt sức. Nhớ lại chuyến đi đó tôi gọi nó là "mười cây số đi bên Thần Chết".
Tôi lo lắng vô ích, và cũng là may cho tôi – người ta chưa dám làm điều đó!
Khi con đường rừng kết thúc trước mặt tôi hiện lên một ngôi nhà hai tầng mà tầng dưới là cái cổng lớn, với hai bức tường dài hai bên. Tôi không nhận ra đó chính là cái trại giam tôi bị đưa tới vào ban đêm.
Đưa tôi vào bên trong cổng, hai tên áp giải bảo tôi đợi ở đó rồi bỏ đi, chắc để báo cáo. Tôi buồn rầu nhìn cái sân trại trắng lốp đất sét, với mấy ngọn cỏ lơ thơ. Xa xa là dãy nhà giam quét vôi trắng, rất đông tù đi đi lại lại. Chủ nhật, họ được nghỉ lao động. Trong mấy nhà giam này có một cái tôi đã ở qua cùng với Phùng Mỹ.
Nắng xiên khoai chiếu vào chỗ tôi ngồi, bên dưới cái ban-công có quả bom chết, tiếng lanh lảnh của nó đã làm khổ tôi và Phùng Mỹ trước đây. Từ trong căn phòng ở tầng dưới,cái cổng trại ấy một trung uý công an bước ra, đi đến chỗ tôi:
– Anh là anh Hiên? – giọng miền Nam, anh ta hỏi.
– Phải – tôi đáp
– Theo tôi! – anh ta nói.
Vừa đưa tôi vào trong phòng, anh ta khóa cửa lại. Tôi cảnh giác. Tại sao anh ta lại khóa cửa? Để làm gì? Để đánh tôi chăng? Không phải, để làm việc đó ít nhất phải có vài tên. Công an bao giờ cũng cẩn thận.
Khóa cửa rồi, anh ta quay nhìn tôi trân trân. Thế rồi, dường như không kìm nổi xúc động, anh ta lao tới, ôm chầm lấy tôi. Tôi cảm thấy những giọt nước mắt nóng hổi rơi xuống vai tôi, thấm qua lần áo mỏng.
– Tôi biết hết những việc xảy ra. – anh công an nghẹn ngào – Không ngờ chúng nó đối với các anh tàn nhẫn đến thế! Tội nghiệp quá!
Tôi ngượng nghịu gỡ tay anh ta:
– Chuyện thường mà! Có gì là tội nghiệp đâu.
Trước những người công an tôi có trái tim hoá đá. Tôi không tin thậm chí những giọng nước mắt của họ. Trước mặt tôi là một diễn viên thượng thặng chăng? Mà anh ta đóng kịch gì thế?
– Anh ngồi xuống đây đi!
Anh ta dẫn tôi đến bên bàn, pha trà, rót trà. Chúng tôi ngồi đối diện, uống trong im lặng. Nhìn tôi đăm đăm, anh trung uý thở dài:
– Tôi hiểu, anh hổng tin tôi. Mà cũng phải thôi. Tin sao được khi tôi đang vận bộ quần áo nầy!
Ngừng lại một lát, anh ta cúi xuống, nói tiếp, giọng trầm hẳn xuống, bùi ngùi:
– Ông già tôi được bác Ung Văn Khiêm giác ngộ cách mạng, là đàn em của bác Khiêm, anh à. Ông già hy sinh lâu rồi. Tôi lớn lên, vô bộ đội, rồi người ta đưa tôi qua ngành nầy…
– Bác Khiêm có được khỏe không? – tôi ngước mắt nhìn người ngồi trước mặt.
– Nghe nói bác Khiêm vẫn mạnh giỏi.
Anh ta có giọng nói ấm, từ trong ngực. Trực giác mách tôi rằng con người này có thể tin được.
– Tại sao lại nghe nói? Anh không gặp bác Khiêm?
– Không gặp được – anh ta buồn bã lắc đầu – Bác bị khai trừ Đảng, không còn chức vụ gì hết, lại bị theo dõi chặt… Tôi là công an, tôi không được phép gặp bác.
Đến bấy giờ tôi mới biết ông Ung Văn Khiêm bị khai trừ Đảng.
– Anh em chúng tôi ở cả đây?
– Chỉ một số thôi.
Tôi thấy không nên hỏi thêm nữa. Hãy tạm tin rằng anh ta không nói dối. Nhưng cho dù những điều anh ta nói là thật thì mình cũng không nên vội tin. Mà cũng không thể đòi hỏi ở anh ta những điều anh ta không thể nói. Về phía anh ta, anh ta cũng phải giữ gìn.
– Tôi tên là Dứa, làm cán bộ trực trại[12]. – anh ta nói và thở dài – Anh tin tôi hay không tin tôi, điều đó không quan trọng. Tôi vẫn có trách nhiệm bảo vệ anh. Vì, anh biết đấy, những người cách mạng trước đây đối với nhau như thế nào… Tôi là con của ba tôi, là cháu của bác Khiêm, tôi tự hiểu trong trường hợp này tôi phải làm gì cho anh, cho các anh.
– Tôi nghĩ rằng tôi có thể tin anh.
– Tóm lại, tôi vẫn là người trong gia đình lớn của cách mạng. Khi có việc gì cần đến tôi, hoặc nghi ngờ có sự nguy hiểm xảy ra với anh, anh cứ chạy thẳng ra đây đòi gặp trực trại, đừng ngại. Tôi có trách nhiệm bảo vệ anh, tôi nhắc lại, đó là trách nhiệm của lương tâm. Trong cương vị tôi, tôi có thể làm được việc đó.
Tôi cảm động. Tôi đặt tay mình lên tay anh mà bóp nhẹ để bày tỏ sự cảm thông và lòng biết ơn. Nước mắt tôi ứa ra, không sao giữ được. Tôi mừng biết bao nhiêu – ở chốn tận cùng của cuộc đời tôi vẫn gặp được người anh em của mình. Cách mạng vẫn đẹp lắm. Những người cách mạng vẫn còn đấy.
Dứa đứng lên. Thời gian gặp tôi đã hết.
– Anh sẽ phải ở trong một toán tù chính trị. Hàng ngày phải đi lao động. Nặng nhọc đấy! – Dứa trầm ngâm, cái nhìn mệt mỏi – Đây là sự hành hạ, người ta chủ trương như thế, cho anh biết thân. Ráng chịu đựng nghen. Khi nào mệt quá, anh báo ốm mà nghỉ lấy một buổi cho lại sức. Tôi sẽ nói trước với y sĩ trại chuyện này…
Tôi lắc đầu:
– Như thế sẽ lộ ra anh có sự đối đãi đặc biệt đối với tôi. Không nên. Tôi đã ở bộ đội, tôi quen lao động. Tôi sẽ chịu đựng được.
Dứa đặt tay lên vai tôi:
– Tôi biết phải làm thế nào. Anh nhớ lấy nghen: mọi sự tới nay chưa phải là đã kết thúc đâu. Vô trại anh sẽ thấy một tên tù săn đón anh – tên hắn là Trần Chấn Hoa. Tên nầy được Ban Giám thị chiêu mộ để theo dõi anh, báo cáo mọi hành động của anh trong trại. Người được Bộ giao trách nhiệm quản lý các anh tên là Thùy, trung úy Nguyễn Huy Thùy, một tên ra đời để làm đầy tớ cho bọn có quyền, anh phải rất cẩn thận với tên này…
Chúng tôi ôm lấy nhau.
Ngày hôm sau Dứa gặp tôi với bộ mặt vô cảm.
(Còn tiếp)
[1] Tiếng lóng : dạt vòm (bỏ nhà đi lang thang), lính đú (tên theo đòi, a dua đi ăn cắp ăn trộm), mổ (móc túi).
[2] Tiếng lóng: tăm (tìm), ngánh (trông chừng), cản địa (che chắn).
[3] Tiếng lóng : lính mổ (tên ăn cắp chuyên móc túi), lính đột (tên ăn trộm), lính cắc cùng kinh (tên ăn cắp chuyên lấy củ đèn (dinamo), yên xe đạp.
[4] Tiếng lóng: lệnh (gọi tắt một hạn 3 năm của một lệnh tập trung cải tạo}.
[5] Tiếng lóng: sột sệt (đun nấu).
[6] Tiếng lóng: sĩ quan (đàn anh trong đám tù lưu manh, trộm cắp).
[7] Tiếng lóng: ken tẩy (thuốc lá).
[8] Tiếng lóng: chác (đổi chác).
[9] Tiếng lóng: đồi (điếu thuốc lá).
[10] Nhà xuất bản các sách lý luận của Đảng cộng sản Việt Nam.
[11] Cách những người tù gọi tắt Ban giám thị. Đáng ngạc nhiên là những người trong Ban giám thị cũng xưng Ban với tù một cách tự nhiên.
[12] Cán bộ trực trại trong một trại giam làm công việc quản lý số tù xuất nhập trại khi đi lao động hoặc được giữ trong trại ban đêm, cùng công tác an ninh trong khu vực trại giam.