Đời sống: Niềm vui và Nỗi buồn

(Chuyện Nàng danh ca không có giọng ca)

T.Vấn

clip_image002

Nàng danh ca không có giọng ca Karla Burns và con tem Hattie McDaniel

1.

Đời sống, đó là ân sủng lớn nhất. Từ đời sống, người ta được hưởng thêm những ân sủng khác. Thí dụ như hạnh phúc. Thí dụ như nghệ thuật. Tôi có một anh bạn làm thơ. Thơ anh đến từ đời sống, giản dị như đời sống. Đọc thơ anh, nhiều khi tôi chảy nước mắt. Thứ nước mắt hạnh phúc, vì nó gợi lên trong tôi cái đẹp của nghệ thuật. Cùng lúc, nó nâng đời sống lên trên những thô nhám thường ngày. Niềm vui, chưa hẳn đã đem lại thứ hạnh phúc trọn vẹn, bền bỉ. Nhưng nỗi buồn, một khi đã hóa thân thành nghệ thuật, nó đem lại cho người ta một cảm giác dễ chịu. Điều đó giải thích tại sao những bài hát được ưa thích nhất thường là những bài hát buồn.

Tôi biết một người ca sĩ. Nghe cô hát, cảm tưởng của một vũ trụ đang vỡ òa ra từ lồng ngực của cô. Cái giọng hát không cần đến bất cứ phương tiện trợ thanh nào. Nó lan tỏa ra mọi ngõ ngách của tâm hồn, nó tạo dựng nên một thế giới âm thanh mà người nghe hằng khao khát, hằng mơ ước trong những giấc mơ nửa tỉnh nửa thức. Khi cô hát, cô vượt ra khỏi đời sống. Khi đó, cô ca sĩ chỉ sống bằng chính âm thanh phát ra từ lồng ngực của mình.

Người ca sĩ ấy, đã từng đứng trên những sân khấu vĩ đại, rực rỡ của sàn diễn Broadway. Đã từng đón nhận những tiếng vỗ tay vang trời từ nhiều tầng lớp khán giả khác nhau. Đã từng đoạt nhiều giải thưởng lớn nhỏ. Đã từng nếm đủ mùi danh vọng. Nhưng với cô, hạnh phúc lớn nhất là được hát, được đem hạnh phúc từ tiếng hát của mình đến cho người nghe. Cô tin rằng đó là lý do cho sự hiện hữu của cô trong đời sống này.

Mỗi đời sống đều giấu trong mình  một định mệnh. Nhiều khi rất khắc nghiệt. Người ca sĩ tỉnh lẻ, sau bao miệt mài phấn đấu, đã thành danh và trở về thành phố quê hương nơi cô mở mắt chào đời mấy chục năm trước, chỉ để khám phá ra mình mang trong cổ một cái bướu to bằng “diện tích của tiểu bang Texas”. Vị bác sĩ, một người bạn thời thơ ấu vẫn bám trụ thành phố tỉnh lẻ, đã cho cô biết như vậy.

Nghe bản án, cô ca sĩ biết rằng con chim đã chết. Vì tiếng hát đã không còn được cất lên. Vì nghệ thuật đã thôi hiện hữu. Cô sinh ra mang kiếp chim đến từ núi lạ, ngứa cổ hót chơi, dè đâu đã tự chuốc lấy cho mình cái định mệnh của đời sống. Cô nhớ mình đã từng hứa với mẹ sẽ là một cô giáo sống an vui cùng bầy trẻ thơ đến trường mỗi ngày. Cô thậm chí đã hoàn tất xong chương trình đại học cần thiết để làm vui lòng mẹ. Nhưng cô cũng không quên mình thừa hưởng trong huyết quản niềm đam mê âm nhạc của người cha, một nhạc sĩ dương cầm. Hơn nữa, ông còn truyền cho đứa con gái yêu hơi nóng hừng hực của nhạc Jazz. Cái hơi nóng ấy, đã đánh bạt đi ước muốn tha thiết của người mẹ. Tốt nghiệp đại học, thay vì nhận công việc giảng dạy tại một trường ở địa phương, cô đã bỏ mặc người mẹ trong căn nhà vắng vẻ, tung đôi cánh chim non đến thành phố đô hội New York. Tiếng hát của cô gái trẻ đã làm rung chuyển bức tường các tòa nhà cao ngất ngưởng, khiến người đi đường phải dừng lại nghe ngóng. Tài năng, tham vọng, sự may mắn đã đẩy cô lên trên đỉnh danh vọng.

Cảm tưởng đầu tiên của người ca sĩ tội nghiệp khi biết mình không thể hát được nữa là hối hận. Hối hận vì cô đã cãi lời mẹ, mang lấy nghiệp cầm ca vào thân, để bây giờ sống cũng coi như chết. Đã quá trễ để cô làm lại cuộc đời. Vả chăng, người mẹ già đã qua đời trong lúc cô mải mê với ánh đèn sân khấu trên khắp các sàn diễn thế giới. Nhưng trong nhiều ngày nằm trên giường bệnh hồi sức sau cuộc giải phẩu, cô hiểu rằng tất cả những gì xảy ra là định mệnh đời mình. Đời sống không bao giờ chỉ cho đi mà không lấy lại. Cô sẵn sàng chấp nhận sự cho đi lấy lại ấy không một chút trách móc, oán hờn.

Nhưng cô vẫn muốn hát trở lại. Chỉ khi hát, cô mới sống đời sống thực của mình. Và cảm thấy hạnh phúc. Nhưng bác sĩ bảo rằng để có thể hát trở lại, cô cần đến một phép lạ. Mà phép lạ không phải lúc nào cũng có sẵn. Mặc cho con chim ngứa cổ, nó không thể hót, dù là hót chơi, dù là hót để mang đến hạnh phúc cho đời.

Đời mang đến ân sủng. Đời cũng lấy đi những ân sủng. Đôi khi không một lời cảnh báo.

2.

Hãy nghĩ đến những điều mà bạn có thể nghĩ.

Hãy tưởng tượng những điều bạn có thể tưởng tượng

Hãy mơ ước những điều bạn có thể mơ ước

Khắp cùng trời cuối đất. Khắp mọi  nẻo âm u của những ngóc ngách tâm hồn.

Chỉ cần bạn dám làm những điều bạn có thể.

Có nhiều lúc, cô ca sĩ, nhớ đến những câu thơ đã từng gợi lên trong cô niềm thao thức lên đường thưở xa xưa, dàn dụa nước mắt hát thầm trong đầu bài hát xưa mà nghe như âm thanh bài hát vẫn vang vọng khắp trong căn phòng đầy bóng tối.

Hát hay là chết! Với cô ca sĩ mất giọng, đó không phải là sự lựa chọn, mà là một mệnh lệnh đến từ định mệnh cuộc đời cô. Với người ca sĩ, hát là hơi thở, là oxy. Không còn hát được nữa, làm sao cô sống? Làm sao cô có lý lẽ để sinh tồn.

Hãy tưởng tượng những điều bạn có thể tưởng tượng.

Cô nhớ đến người cha nhạc sĩ, nằm hấp hối trên giường bệnh, mà hai bàn tay thỉnh thoảng vẫn múa may trong khoảng không trước mặt, như thể đang nhảy múa trên những phím dương cầm, nét mặt rạng rỡ. Bây giờ thì cô hiểu ý nghĩa của những cử động ấy, ý nghĩa của nét mặt rạng rỡ ấy. Ông đang say sưa sống với những âm thanh tuyệt hảo của nghệ thuật trên mặt phím dương cầm tưởng tượng. Cái thể xác tạm bợ đang chết dần mòn của ông đâu có thể cản nổi ông để cho trí tưởng tượng bay cao, bay về những năm tháng đẹp nhất đời ông trên những sân khấu tràn ngập khán giả lắng nghe từng âm thanh kỳ diệu của âm nhạc. Và trong căn phòng im lặng, vẫn vang lên từ ký ức của người nhạc sĩ bài hát ưa thích nhất năm nào, một bài hát buồn, bài hát về một tuổi thơ côi cút nghèo khổ.

Khác với người cha, tuổi thơ cô ca sĩ không đến nỗi côi cút nghèo khổ. Phải nói ngược lại mới đúng. Và trong hạnh phúc một tuổi thơ đẹp đẽ, đã ẩn chứa những mầm mống của bất hạnh. Như con thiên nga, sau điệu vũ đẹp như mơ trên mặt hồ vắng vẻ, đã lăn ra chết thật thảm thiết.

Bài hát cô ưa thích nhất từ những ngày thơ ấu, bài hát cô đã hát hàng trăm, hàng ngàn lần trên sân khấu rực rỡ ánh đèn: Giã biệt chim non (Bye Bye Birdie). Liệu cô có vượt lên trên được số phận nghiệt ngã của con thiên nga, của con chim non thơ ấu ấy không ?

Các bác sĩ cảnh cáo: ngừng hát bây giờ thì có triển vọng một ngày tiếng hát trở lại, có nghĩa là phép lạ có thể xảy ra. Nếu không, sự nghiệp của cô đến đây là hết, sẽ không bao giờ có phép lạ.

Thế là hết. Cô ca sĩ buồn bã thở dài. Trong nỗi tuyệt vọng chết người ấy, hai bàn tay chỉ còn da bọc xương của người cha nhảy múa trên mặt phím dương cầm tưởng tượng năm xưa hiện ra trước mặt cô. Lạ lùng thay, âm thanh bài hát cũ tràn ngập cả căn phòng. Cô cất tiếng say sưa hát theo. Không một chút cảm giác đau đớn từ cổ họng vừa qua cuộc giải phẫu.

3.

Bẵng đi một thời gian, câu chuyện người ca sĩ mất giọng không còn làm tôi chú tâm lắm, dù bức ảnh tôi và cô chụp chung vẫn hàng ngày xuất hiện trên màn hình máy computer trong phòng làm việc, kỷ niệm một buổi phát hành tem đặc biệt của Bưu điện Hoa Kỳ. Dạo ấy, nhân dịp cô về lại thành phố Wichita, cũng đúng lúc  Sở Bưu Chính tổ chức buổi phát hành con tem đặc biệt vinh danh Hattie McDaniel (1892-1952), người nữ diễn viên da đen đầu tiên đoạt giải thưởng điện ảnh uy tín Oscar với vai Mommy trong cuốn phim lừng danh: Cuốn theo chiều gió của đạo diễn Victor Fleming, phỏng theo một tác phẩm tiểu thuyết cổ điển cùng tên của nhà văn nữ Margaret Mitchell. Hattie McDaniel vốn sinh trưởng ở Wichita, Kansas. Lẽ tất nhiên, cô ca sĩ đã được mọi giới chức thành phố hân hoan đón tiếp. Đó là lần đầu tiên tôi được nghe một tiếng hát để lại dấu ấn thật mạnh mẽ như thế trong tôi. Nghe tiếng hát ấy, người ta không thể chú tâm đến bất cứ điều gì khác. Đó là thứ âm thanh có thể xuyên qua mọi bức tường, có thể làm rung chuyển không khí, có thể làm xao động mọi trái tim. Đọc tiểu sử của cô, tôi không ngạc nhiên lắm về sự thành công mà cô gặt hái được. Sau buổi lễ, tôi được hân hạnh chụp chung với cô một bức hình. Với tôi, để làm kỷ niệm. Với cô, thêm một hình ảnh người mộ điệu trong bộ sưu tập, mà người mộ điệu này hơi khác lạ ở chỗ là một gã đàn ông châu Á, đến từ một nơi rất xa lạ với cô.

Một hôm, giở tờ báo ngày của thành phố, tôi thấy hình của cô ca sĩ trên trang âm nhạc, nghệ thuật. Cô đứng trước một nhóm học sinh, tay đánh nhịp, mắt nhắm lại, miệng cô mở rộng như đang nhả ra một câu hát. Nhóm học sinh, cả trai lẫn gái gồm 26 người, tất cả hướng mắt về cô. Họ đang ráo riết tập luyện cho chương trình văn nghệ cuối năm tại một trường trung học Công giáo lớn của thành phố.

Phép lạ vẫn chưa đến với cô ca sĩ bị mất giọng hát. Nhưng cô đã tìm lại được tiếng hát ở những người trẻ tuổi đang say sưa hát theo với sự hướng dẫn của cô. Miệng cô khi mím, khi mở, khi o tròn, khi ra vẻ rướn lên. Nhưng âm thanh lại chỉ phát ra từ cửa miệng 26 người học sinh đứng trước mặt.

Dứt bài hát, bằng một giọng nói yếu ớt đến độ phải nín thở để nghe, cô nói với những học trò: Đó là bài hát của cô. Bài hát của đời cô. Câu chuyện của đời cô.

Trong buổi trình diễn chính thức, 26 đứa trẻ ấy, đã thay cô ca sĩ, làm rung chuyển không khí. Và làm xao động bao trái tim người nghe. Phía trong hậu trường, người ta nhìn thấy cô ca sĩ khuôn mặt giàn giụa nước mắt.

Đọc xong câu chuyện, tôi tin rằng mình vừa thấy một phép lạ. Phép lạ này đến từ đời sống, chứ không phát xuất từ bất cứ niềm tin tưởng linh thiêng nào.

4.

Đời sống có lúc thật nhẫn tâm. Kể cả sự nhẫn tâm ấy, cũng vẫn là ân sủng. Nếu không thế, làm sao con người có thể có cơ hội (và động lực) khám phá hết cái muôn hình muôn vẻ của đời sống chung quanh. Từ những khắc nghiệt của định mệnh con người, nỗi buồn kết tinh và hóa thân thành hạnh phúc. Từ cuộc giải phẫu lấy đi cục bướu cổ nặng gần 5 ki lô, nàng danh ca đã bị mất đi giọng ca, lẽ sống đời mình, để rồi lại thăng hoa trong từng tiếng hát thế hệ tiếp nối.

Từ đó, đời sống trở thành vĩnh cửu.■

T.Vấn

(Trích CÕI NGƯỜI, sắp xuất bản)

Comments are closed.