Hai tiếng Sài Gòn – di sản ngập tràn kỷ niệm và tình yêu

Lê Học Lãnh Vân

Sáng nay, ngày 17/5/2025, tại Đường Sách, ba người gắn bó với lịch sử Sài Gòn bằng nghề nghiệp và tấm lòng là các anh Nguyên Hạnh, Phúc Tiến và Hùng Lộc tổ chức buổi giao lưu chủ đề Di sản Sài Gòn, thành phố Hồ Chí Minh, Dáng Hồn Đô Thị. Tôi, bạn với cả ba anh, được rủ rê tới tham dự. Ngồi trên ghế giao lưu còn có cô Trần Thị Mai, giáo sư sử học.

Buổi giao lưu quả mang lại nhiều cảm xúc. Cuộc thảo luận xoay quanh hai quyển sách: Di Sản Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh và Kiến Trúc Pháp – Đông Dương.

Sài Gòn, nơi tôi được sinh ra
Đi học, đi chơi, đi làm và kết thành đôi lứa…

Bạo gan trình ra hai câu thơ thô thiển được viết vài mươi năm trước, tôi muốn nói con người được nuôi dưỡng từ hạt đất Sài Gòn là tôi in trong tâm hồn mình rất nhiều di sản đô thành…

Kỷ niệm và tình yêu thì nhiều lắm. Tuổi nhỏ lon ton theo Mẹ đi chợ Vườn Chuối, chợ Bàn Cờ, Tết nhứt bắt taxi ra chợ Bến Thành, chợ Bình Tây. Chiều thứ bảy cùng gia đình dạo bến Bạch Đằng ăn khô mực nướng ép mỏng, chạy dọc bức tường đá Ngân hàng Quốc gia hay mua bong bóng trước Bưu Điện. Thời trung học thơ thẩn các trường Petrus Ký, Gia Long, Marie Curie, Trưng Vương… Lớn lên bát phố ngó áo dài đại lộ Bonard (Lê Lợi), theo bạn gái chợ hoa Nguyễn Huệ. Nhà thờ Đức Bà, nhà thờ Tân Định, chùa Ấn Quang, chùa Xá Lợi…

Bao nhiêu di sản kiến trúc và tinh thần, trăm ngàn kỷ niệm đúc trong tim hai tiếng Sài Gòn. Âm trầm trong hai tiếng ấy bóng cây và ghế đá, nắng sáng và mây chiều, tiếng chim công viên và cơn mưa đại lộ, tình yêu và nỗi nhớ, quá khứ và tương lai… Hai tiếng Sài Gòn là di sản bao trùm cần được bảo tồn hơn di sản nào khác.

Kỷ niệm đâu chỉ có niềm vui. Năm 2025 này tin đồn về phường Sài Gòn có lẽ là kỷ niệm lớn nhất của người con Sài Gòn, một kỷ niệm đẫm buồn như đám mây trĩu nước đang vần vũ trời Sài Gòn…
Sài Gòn là cái tên đại diện Nam Kỳ Lục Tỉnh dưới trời Việt Nam, là cái tên đứng ngang với Hà Nội, cùng với Hà Nội rạng danh văn hóa Việt trên trường thế giới. Hãy hỏi các nhà văn hóa lớn của dân tộc đầu thế kỷ 20 như Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh, Phan Khôi, Nguyễn Tất Thành… Cái tên di sản thiêng liêng của quốc gia, dân tộc ấy, giờ đây bị hạ xuống tầm vóc cấp phường!

Những người mở cõi phương Nam cùng con cháu đích tôn của họ có được thực lòng hỏi ý kiến trong việc thiêng liêng này không? Họ có cảm nhận quyền làm chủ trên mảnh đất cha ông họ bao đời đổ máu và mồ hôi dựng nên không?

Nếu Sài Gòn chỉ còn là một phường thì từ đây, những kỷ niệm tích tụ cả đời người đã qua chỉ còn là tiếng thở dài. Tiếng thở dài trong đêm!

Chừng nào bình minh tới?

Kèm theo tút này, xin đăng tấm hình chụp buổi giao lưu sáng nay. Trên ghế giao lưu, từ trái sang phải là nhà báo Nguyên Hạnh, PGS TS Trần Thị Mai, nhà báo Phúc Tiến và cô MC Bích Liên.

Mái tóc bạc bên dưới là của ông Phan Chánh Dưỡng, người Sài Gòn được nhiều người biết tên vì đã góp phần phát triển một Sài Gòn từ tan hoang hậu chính sách cải tạo công thương nghiệp tới có bề mặt tương đối phồn vinh hiện nay, cũng góp phần gián tiếp vào chính sách đổi mới cả nước năm 1986! Góp phần lớn nhưng tính bình dân khiêm tốn chân thành của ông là một nét văn hóa đậm chất Sài Gòn…
Cùng với di sản kiến trúc, di sản tinh thần của Sài Gòn cũng cần bảo tồn sau những cơn dông!

Ngày 17 tháng 5 năm 2025

This entry was posted in Văn and tagged . Bookmark the permalink.